Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Võ Hoàng, Nhà Văn: Kẻ Dám Sống Trước Nhân Vật

Lê Thị Huệ

"Đi đi anh
nào phải chúng ta là kẻ ra đi một mình
sa trường đã ngập lụt
máu và nước mắt
triệu triệu tiếng chân người đồng hành
hoặc tất cả chúng ta cùng sống
hoặc tất cả chúng ta cùng chết
Đi đi anh
có em sẽ chờ anh nơi bờ đê
muà gió lên rơm rạ nở đầy trời
mảnh đất đã thấm đẫm oan khiên
vẫn thơm mùi lúa khoai mới gặt
em sẽ vốc lấy một nhúm và buộc chặt
vào bâu áo
làm bùa chú tặng anh
có anh linh của người nằm xuống
có bóng hình của kẻ đang sống
chỉ còn niềm tin này
là bùa hộ mệnh của đôi ta
những lân tinh hào sảng của nó
sẽ thổi hết đài đài búa liềm
sẽ bẻ cong quặp hết những gọng súng
thắt nơ đỏ
chúng ta phải tin và phải tin
vào mặt đất
đầy bùa phép của chính nó
thổi dạt hết thảm hoạ này
kế tiếp thảm hoạ nọ"

Nhà văn Võ Hoàng
Lúc đó, tôi vào độ tuổi ngoài ba mươi. Cái tuổi mà tri thức và cảm tình đòi hỏi phải được phát biểu một cách độc lập. Cái tuổi đủ chững chạc để lên tiếng về một lập trường của đời sống mình. Cái tuổi khoẻ mạnh nhất để suy xét ta và tha nhân cuộc đời nên hỗ trợ nhau như thế nào đặng còn chung vốn làm ăn những năm tháng trước mặt. Nói tóm lại những năm đầu ba mươi là những năm những chàng và những nàng tuổi trẻ mới thực sự dấn thân hành động trong cái ý thức sáng tỏ có chọn lựa nhất.

Tôi đã gặp Võ Hoàng trong những năm đầu tuổi ba mươi xuân sắc ấy.

Thật sự chúng tôi chạm mặt và nhìn sâu vào mắt nhau chỉ một lần. Đó là lần ở tiệm in của Vũ Tiến Thủy góc đường The Amaden lộng gió. Tôi nhớ tối hôm ấy tôi đến trao cho Vũ Tiến Thủy tâp truyện ngắn Bụi Hồng để anh ấy đưa lên bàn in.

Cuộc gặp gỡ ấy xảy ra trong một buổi tối hoàng hôn ngày hè êm dịu ở San Jose. Tôi mặc một chiếc váy hái hoa mỏng manh phất phơ, trang điểm điệu nghệ nhởn nhơ xuân thì, lái xe một mình đến địa chỉ của một nhà in nho nhỏ rất văn nghệ Việt Nam dưới phố San Jose.

Khi tôi mở cái cánh cửa thì thấy một bầy mấy tên đàn ông đứng lô nhô sau cái quầy gỗ theo nhòm tôi từ từ đi vào. Nhìn lên cái đám đàn ông xôn xao ong bướm đó, tôi đụng cái cốp ngay khuôn mặt đáng yêu của một cố nhân của tôi. Tôi không ngờ là kể từ ngày tôi rời bỏ New York có mấy tháng chung sống thơ mộng về lại San Jose, cố nhân cũng bỏ lớp bỏ trường Columbia đi lang bạt Cali, Hawaii, năn nỉ mấy tôi cũng nhất định không ngoảnh mặt lại. Vậy mà giờ đây bất ngờ gặp hắn tại nơi này. Chỉ nhìn thấy cố nhân tối hôm ấy không, cũng đã đủ làm cho lòng tôi giao động. Nhưng tôi cũng rán nhìn lên điểm mặt ngoài hắn ra còn những ai. Tôi chỉ nhớ ngoài anh Thủy ra có ba tên nữa. Tên cao lồng ngồng không thể lẫn vào đâu được là Tưởng Năng Tiến. Tên thứ hai thì đã có lần đi uống cà phê chung là Hoàng Phủ Cương. Còn tên thứ ba thì tôi biết tỏng đấy là Võ Hoàng.

Dĩ nhiên cố nhân của tôi thì cười mỉm rạng ngời vì biết trước sau gì cũng sẽ bắt chẹt được tôi sau khi tôi công tác với ông chủ nhà in về quyển sách. Con người chào hỏi tôi vồn vã nhất lúc đó là Tưởng Năng Tiến. Rất ư là lịch sự và nhẹ nhàng, Tưởng Năng Tiến một chị Huệ hai chị Huệ ngọt ơi là ngọt. Đó là cái cảm tưởng lần đầu tiên tôi gặp Tưởng Năng Tiến. Y nhìn thì biết mình làm sao là chị Hai của y được. Nhưng Tưởng Năng Tiến có cái khí hậu trò chuyện khéo léo nghệ thuật thiệt là trớ trêu với tướng mạo ngang tàng và một giọng văn sòng phẳng sắc sảo chinh phục độc giả. Đúng là điển hình một thứ đàn ông văn nghệ sĩ có nhiều bẫy ngầm.

Và trong cái buổi tối đáng nhớ ấy tôi không bao giờ quên được ánh mắt của Võ Hoàng mỗi lúc nhìn qua vai những người bạn trai trẻ ấy để thăm hỏi tôi. Suốt khoảng ba mươi phút tối mùa hè đáng nhớ đó, Võ Hoàng im lặng từ đầu đến cuối. Anh nhìn tôi rất vui, rất thân mật, rất mừng rỡ, nhưng tuyệt nhiên anh im lặng giữa những câu chòng ghẹo cười đùa nhẹ nhàng của đám đàn ông con trai xôn xao với một đứa con gái rập rượng.

Sự im lặng và tia mắt nhìn rất vui mừng thân mật của Võ Hoàng dành cho tôi tối hôm ấy là điều gì rất mạnh mẽ mà tôi không bao giờ quên được. Tôi không bao giờ quên ánh mắt như chợt loé lên một gửi trao dường như đã là một thoả thuận ngầm, chúng ta sẽ cùng chiến đấu nhé. Điều này là một xác tín đã trở lại với tôi trong một chiều sau đó, khi ngồi với cố nhân ở một quán nước, hắn đã nhẹ nhàng báo cho tôi hay hắn đang ở trong cùng một tổ chức với Võ Hoàng. Và sau đó trong một tờ báo rất đầu tiên của Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam của tướng Hoàng Cơ Minh, lúc Lê Thiệp còn làm chủ báo Kháng Chiến, tôi đã ký tên khác viết một tâm bút "Thư Gửi Người Đi" cảm động lắm đi lận.

Trong tập truyện Bụi Hồng tôi giao cho nhà in của Vũ Tiến Thủy tối hôm ấy, có chuyện ngắn "Cơn Sốt" của tôi. Chuyện đã được đăng trước đấy trên báo Văn của ông Mai Thảo vào năm 1981. Chuyện ngắn lấy bối cảnh cơn ốm nhớ thương đất nước của một cặp tình nhân trẻ ở khung trời náo nhiệt New York. Đoạn cuối của chuyện mô tả người tình nam ám ảnh bởi một công cuộc giải phóng đất nước, cách mạng quốc gia đã đặt lên môi người tình nữ một nụ hôn nồng nàn hứa hẹn

"Cho đến khuya khi Ngữ tỉnh dậy, chàng trở người sang và gặp nàng đang nằm cạnh.

- Anh biết em đã nằm cạnh anh rất lâu.

Mồ hôi tóat ra ướt đẫm trán chàng và nhỏ từng giọt xuống ngực nàng. Ngữ hất tung đống chăn cuộn trên mình. Tấm biểu ngữ rơi xuống đất.

Thoa trăn trở.

- Em nhớ nhà quá.

Ngữ đặt lên môi nàng một nụ hôn, nụ hôn nóng của hai bờ môi ốm sốt.

- Anh sẽ đi. Mai mốt anh sẽ đưa em về. Chàng nói."

Thuở ấy Võ Hoàng và Tưởng Năng Tiến đang là một đôi văn sáng như sao trên vòm trời văn học hải ngoại. Tập chuyện Măng Đầu Mùa của Tưởng Năng Tiến và Võ Hoàng là một ngọn hải đăng trong đám những nhà văn trẻ hải ngoại đầu thập niên 1980. Không biết ở đâu ra mà có một đôi bạn văn sáng sủa như vậy. Tự nhiên xuất hiện đôi song ca có một lối viết hết sức thân mật với đời sống. Đó là cách viết rất văn chương di truyền lớn lên trong nước Việt Nam Cộng Hòa của hai ông Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Cách viết của những con người yêu văn chương, phơi phới tình người, và rất hào sảng cho văn chương và đời sống những tiếng nói róc rách trong tác phẩm. Cái cõi văn chương rất thoải mái chia sớt tận tình với đời đó không thể nào kiếm thấy ở những con người lớn lên ngoài Miền Bắc áp bức nghẹt cầu nghẹt đường đời Cộng Sản của bác Hồ Chí Minh và bác Lê Duẩn. Lật những trang chữ của Võ Hoàng và Tưởng Năng Tiến đọc sẽ thấy khác những trang viết của Trần Đăng Khoa, Nguyễn Huy Thiệp. Chữ nghĩa của Tưởng Năng Tiến và Võ Hoàng chân hơn, sáng hơn, tự tin hơn, gần với con người quanh ta hơn. Trong khi chữ nghĩa của Nguyễn Huy Thiệp và Trần Đăng Khoa mánh hơn, đểu hơn, vẹo hơn, để luồn lèn lớn lên trong một xã hội mà cứ bốn người là có một anh công an dòm ngó. Hai cõi tác phẩm xiển dương hai thế sống khác từ nhừng xã hội mà hắn được nuôi dưỡng. Tuyên dương cõi này mà bỏ lơ cõi khác là hội chứng chậm tiến của hành trình tiêu hoá những tác phẩm.

Cái điều sáng tỏ của Võ Hoàng nhà văn vào thời điểm đó chính là thái độ chọn lựa.

Võ Hoàng không chỉ viết. Võ Hoàng dám hiện thực điều chàng viết bằng hành động.

Sau một trận lột xác và lột hồn vì cơn địa chấn bị vứt ra khỏi quê hương, là một kẻ mẫn cảm, thông minh, tràn đầy nghị lực, có tất cả thời gian của tuổi trẻ vào thời điểm sau 1975 ấy, Võ Hoàng dám xông xáo đi tìm một phương hướng giải quyết những thôi thúc trong người. Cái thôi thúc lãng mạn phục vụ quê hương có thể là thừa kế của người quân nhân lính thủy Võ Hoàng Oanh của mấy năm binh nghiệp trước đó, nhưng cái bi kịch hùng tráng của Võ Hoàng ở đây chính là chính hành động lựa chọn sứ mệnh chiến đấu để chứng nghiệm đời sống thay vì tưởng tượng đời sống qua ngòi bút.

Cái chân dung mà tôi không thể nào không bị khích động, là lúc ấy Võ Hoàng đang ở vào một vị trí ăn ảnh đời người nhất. Võ Hoàng có tuổi trẻ, y chỉ là tên đàn ông vừa ngoài ba mươi. Võ Hoàng có tự do, y vừa mới đến xứ sở Hoa Kỳ nơi mà Nữ Thần Tự Do đã ban tặng cho y một quyền tự do sống hoàn toàn thảnh thơi theo bất cứ cách thế nào y muốn nhất. Võ Hoàng có mái ấm, vợ con vừa sang đoàn tụ. Võ Hoàng có danh vọng, y vừa mới là nhà văn nổi tiếng. Một trang thanh niên tài hoa hiểu ra mình đang ở vào một vị thế có hào sảng tư trang của cải căn cước tuổi trẻ, sinh lực, tài năng nhất. Thế mà trong cái huy hoàng của thời thế tuổi trẻ rực rỡ ấy, y đã chọn một con đường chiến đấu cho một siêu hình niềm tin vào danh tự có tên gọi là Quê Hương.

Nỗi đau bị bứng vứt ra khỏi quê hương như một thứ nha phiến làm cho giấc mơ trở về quê hương là một mời gọi vô cùng hấp dẫn. Tình yêu quê hương là một nguồn sống còn mãnh liệt hơn cả chính tình yêu. Nhà văn Ai Cập Naguib Mahfouz trong chuyện dài Sugar Street đã viết một câu bất hủ "Perhaps patriotism, like love, is a force to which we surrender, whether or not we believe in it." Mặt đất này đã thấm đẫm những giòng máu nuôi danh tự Quê Hương. Ngày đó chúng tôi ra đi từ những địa danh Rạch Giá, Vũng Tàu, Nha Trang, Hà Tiên. Điểm xuất phát trở thành điểm trở về. Chúng tôi cũng chỉ là những đứa con mọn của một thứ mặt đất tham lam luôn luôn đòi chúng tôi trở về phục vụ nó. Mặt đất hay Quê Hương như một bà mẹ khắc nghiệt không muốn bứt rời đứa con của bà. Võ Hoàng ra đi từ Phú Quốc, chắc là chàng cũng bị cái tiếng gọi của bà mẹ Phú Quốc kêu riết nên chàng mới tìm đường trở về.

Con đường trở về bằng ngôn ngữ Phú Quốc của một nhà văn Võ Hoàng hình như chưa đủ. Những sáng tác của Võ Hoàng trong mấy năm ngắn ngủi lìa xứ, 1979-1984, là những chuyện tràn đầy tính chất Nam Bộ. Giọng văn Nam Kỳ là một nét đặc sắc của văn chương Việt Nam khởi đi từ những cái tên như Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Võ Hoàng, Nguyễn Văn Sâm, Hồ Trường An... Với tôi, chỉ trong vài truyện ngắn đầu tay, Võ Hoàng đã lấp lánh một tài năng lớn của văn chương Nam Kỳ. Lối dựng chuyện của anh không thừa thãi lấy chữ đè chuyện. Văn vẻ của Võ Hoàng rất tươi rói như vừa mới vốc ra từ Phú Quốc. Đọc chuyện của Võ Hoàng cứ như thấy những con người Nam Kỳ dẻo miệng của anh đang gõ gàng trước mặt mình.

Thế nhưng cõi viết không thôi hình như không đủ chỗ để dung chứa sức sống tràn trề của một đứa con trai yêu của quê hương là Võ Hoàng Oanh. Cho nên chàng thanh niên tên là Võ Hoàng Oanh đã vứt bỏ danh vọng đang lên của nhà văn trẻ Võ Hoàng, ném trả cho xứ người lạ hoắc chút tài sản văn chương mà chàng vừa cắm dùi được. Chàng chọn lựa phiêu lưu vào lịch sử, thách thức lịch sử, với ước muốn giành lại và chiến đấu cho quê hương mà người ta đã chiếm đoạt mất của chàng.

Có thể nói đứa con yêu của tổ quốc Võ Hoàng Oanh đã chọn lựa vai trò kẻ chiến đấu để thí nghiệm con người văn chương tên là Võ Hoàng. Võ Hoàng Oanh đã ra sa trường chiến đấu dũng cảm với mặt trận đất đá súng đạn và kẻ thù ở Nam Lào vào cái lúc mà tên tuổi nhà văn Võ Hoàng đang lên cao rực rỡ nhất. Sự chiến đấu bằng võ lực là một cách chiến đấu chẳng đặng đừng vào thời điểm ấy. Lúc mà khối Cọng Sản còn chắc nịch như một thứ đế quốc không ai xuyên phá được. Sự chọn lựa con đường đi sang Lào để về chiếm lại quê hương vào bối cảnh đó là một hình ảnh đẹp tuyệt vời trong lòng mọi người Việt lưu vong. Võ Hoàng Oanh con chim trống cũng chỉ muốn khoe đôi cánh vạm vỡ của mình để biểu dương sự chiến đấu bảo vệ lấy quê hương của nhiều người đang bị bọ hung, chuột, dán, bọ chét hút máu. Một nhóm đàn ông con trai đã đi làm anh hùng lịch sử. Hoàng Cơ Minh, Võ Hoàng, Trần Thiện Khải, Lê Hồng... là những anh hùng của chúng tôi vào thời điểm đấy. Nhất là trước đấy đã có vị anh hùng trí thức dấn thân như sinh viên Trần Văn Bá đã cũng xuống xuồng đi về phía Quê Hương và đã gục ngã.

Cái chết của Trần Văn Bá (Đường Trần Văn Bá thơ Lê Thị Huệ) đã càng bồi đắp cái hình tượng cái chết nào của những đứa con của Quê Hương cũng đều là những cái chết đẹp và hiển hách hơn cái chết bệnh tật già lụm khụm nơi quê người. Võ Hoàng Oanh đã chọn lựa theo con đường xuống xuồng chèo về phía Quê Hương dù biết là phía trước mình có người anh sinh viên trí thức Trần Văn Bá vừa ngã gục. Một thái độ chọn lựa hết sức ngạo mạn, lãng mạn, phiêu lưu, thách đố chỉ xảy ra cho những con người dám sống theo tính cách huyền thoại trên bia đá, trong lịch sử, trong truyện và trong kịch. Con người nhỏ nhẻ im im, nghiêng nghiêng nụ mỉm cười thân mật ấy lại chọn lựa một cách chiến đấu bão bùng khốc liệt "Hoặc tất cả chúng ta cùng sống hoặc tất cả chúng ta cùng chết" (thơ Lê Thị Huệ) thì đúng là con người nhà văn Võ Hoàng đã muốn bảo vệ, đã muốn chiến đấu dùm cho những nhân vật huyền thoại.

Cái dũng của con người nhà văn Võ Hoàng là muốn chứng minh và chiến đấu điều mình tin bằng chính hành động chèo xuồng đi về phía Quê Hương trước khi cầm bút mô tả lại sự việc. Cái hách của nhà văn Võ Hoàng là trước khi y vung bút múa cho đời một điệu văn thì y đã dám thử nghiệm bằng chính con người và cuộc đời y trước. Thật là khác xa với những tay sống thì không dám sống nhưng chỉ mơ ước vẽ vời rồi để cho kẻ lạ sống dùm hoặc mời gọi người khác sống theo sự tưởng tượng của tác phẩm bày ra. Với tất cả những nét đặc biệt nêu trên, con người này đã thiết lập được một huyền thoại cao ngạo, quyến rũ, tài hoa của riêng danh tiếng Võ Hoàng.

(Đêm 10/8/2001)