Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Bối cảnh thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam

Công cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống lại ách thống trị của cộng sản đã khởi sự từ thập niên 1950s và 1960s ở miền Bắc (Cao Dương - Cuộc khởi nghĩa chống cấm đạo - Ba Làng-Thanh Hóa – 1955; Lê Liễu - Mặt Trận Tiền Phong Cộng Hòa Bắc Việt – Thanh Nghệ Tĩnh – 1960; Phùng Văn Cảnh - Phong trào Nông Dân Khởi Nghĩa - Đường Lâm-Sơn Tây – 1960; Nguyễn Văn Phượng - Tân Phong Cần Mệnh Hội - Hà Nam – 1962...).

Lễ công bố Cương Lĩnh Chính Trị của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam tại khu chiến ngày 8-3-1982
Và kể từ ngày đầu tháng 5 năm 1975, trên cả hai miền, khi CS Việt Nam cưỡng chiếm miền Nam và đặt ách thống trị trên toàn cõi Việt Nam. Nhưng vào giai đoạn đó, các hoạt động này có tầm vóc nhỏ dưới hình thức các tổ kháng cự, ít nhân sự, ít vũ khí, thiếu phương tiện liên lạc, quan trọng nhất là thiếu đường lối đấu tranh đường dài. Phần lớn những con người bất khuất đi vào bưng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trước tiên và đơn thuần chỉ là để chống đối sự kiểm soát và khủng bố của bạo quyền.

Khi bạo quyền Cộng sản Việt Nam đã ổn định được guồng máy cai trị và hệ thống kiểm soát tại thành phố, chúng áp dụng chính sách bưng bít thông tin, ngăn cấm di chuyển, bao vây lương thực và khủng bố tinh thần nhân dân... Những chính sách độc ác dã man đó đã khiến cho người dân hai miền đều chỉ phải lo miếng ăn từng bữa, và vô hình chung, các nỗ lực kháng cự bị cô lập. Tiếp sau đó, bạo quyền Cộng sản Việt Nam ra sức truy lùng, xâm nhập, và dùng chiêu bài kháng chiến giả để càn quét, tiêu diệt kháng chiến thật.

Tại hải ngoại, trong số những người ra đi cũng không thiếu người vẫn ra sức đấu tranh, nhưng cũng gặp phải nhiều giới hạn: Vấn đề sinh kế của những ngày đầu mới tới đất lạ quê người; sự cám dỗ vật chất của một đời sống đầy đủ tiện nghi; thời khóa biểu học hành hay làm việc chiếm trọn thì giờ; tinh thần hoài nghi hay mặc cảm thua trận.... Một số người vượt qua được những trở ngại đó để tiến hành đấu tranh. Tuy nhiên, phần lớn các nỗ lực này chỉ tập trung vào việc tố cộng hơn là chống cộng, hoặc chỉ tìm cách vận động quốc tế can thiệp để trả lại nước Việt cho người Việt, trong lúc thế giới chưa hết mặc cảm về cuộc chiến Việt Nam, và chỉ đang loay hoay với vấn đề thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn chứ chưa phải là vấn đề "giành lại tự do cho người Việt". Điều này kéo dài sau một vài năm thì hải ngoại mất động lượng, các hình thức tố cộng trở thành thủ tục ghi nhớ và tưởng tiếc hơn là nhắm vào mục tiêu chấm dứt nạn độc tài thống trị trên đất nước mình.

Tình trạng đấu tranh rời rạc và thiếu đường lối của cả quốc nội lẫn hải ngoại như trên trong nhiều năm, càng kéo dài càng bất lợi cho người trong nước. Các ổ kháng cự bị cô lập và tiêu diệt dần. Các ổ kháng cự còn lại vẫn chưa có được nguồn tiếp vận phương tiện và nhân sự mới, trong khi vẫn chưa có một đường lối khả dụng, một kết hợp ngoạn mục, hay tạo được một động lượng để huy động sự tiếp trợ của hải ngoại. Kháng chiến quốc nội gần như đứng sát bờ tuyệt vọng của bế tắc.

"Sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
Những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
Và sông núi sẽ vươn mình trổi dậy
Và cờ bay trên đất nước xinh tươi"

(Cao Tần - Sẽ Có Lúc)

Nhiều người trong các ổ kháng cự đó đã chôn dấu vũ khí, tìm đường vượt biên hay tìm cách liên lạc với hải ngoại. Nhiều người từ hải ngoại cũng tìm cách xâm nhập trở về để bắt tay phối hợp hoạt động với người trong nước. Họ là những người dấn bước đầu tiên tiến đến việc thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam.

Vượt qua rất nhiều khó khăn, những liên lạc và tiếp xúc sơ khởi ban đầu đã tạo nên thành quả và dần dần định hình thành một kế hoạch thống nhất các lực lượng lẻ tẻ thành một Mặt Trận vào những năm cuối của thập niên 1970. Chuyển đổi hình thái đấu tranh tự vệ thành đấu tranh giải phóng. Chiến sĩ là nhân dân – Nhân dân là chiến sĩ. Chấm dứt ý niệm du kích chiến bằng đấu tranh vận dụng. Thay thế sức mạnh nòng súng bằng sức mạnh con tim. Công tâm thay công thành. Địch vận song song với dân vận và kiều vận. Làm suy yếu địch để phát triển sức mạnh kháng chiến. Trường kỳ đấu tranh cho tới ngày giải phóng đất nước. Xóa sổ quan niệm chiến tranh ủy nhiệm bằng sự chủ động tự lực tiến hành đấu tranh. Không chờ đợi thế giới bật đèn, chỉ vận động thế giới hợp tác. Người Việt Nam phải giải quyết vấn đề Việt Nam trước khi kêu gọi thế giới hỗ trợ. Huy động tổng lực đoàn kết toàn dân thành lực đối trọng với Cộng Sản Việt Nam. Phải dồn bạo quyền vào thế đối đầu với toàn thể nhân dân Việt Nam.
Chiến hữu Hoàng Cơ Minh trong một
cuộc họp báo tại Tokyo năm 1985

Ôi quê hương chúng ta!
lịch sử còn ghi đậm những ngày nhục nhã
ai để đất này cho bầy cầm thú?
chúng xiết cổ người, đào bới mả ông cha
ai đã lăn thân trong những ngày bom rơi đạn nã
những xác anh em nào phơi trên lũy, dưới hào
cho em có những con đường ngập nắng
cho anh còn những chiều thơm khói thuốc, cà phê
hàng triệu người đứt ruột xa quê
sao đành tâm chạy trốn cả chút lương tâm mẹ nuôi cha mớm?

Ôi quê hương chúng ta!
đứa con gái đi thâu tiền chiếu vào buổi sớm
chiếc chiếu ẩm buồn sương lạnh suốt đêm qua
anh cũng như em cũng chẳng có nhà
con dốc Gia Long mới sáng mà mưa quá
cuộc đời còn độc hơn những thứ rượu cồn anh uống vùi tối qua

Ôi quê hương chúng ta!
đứa trẻ bên kia ngồi thu mình buồn bã
giọt mưa gõ đều bên hiên nhà lạ
tuổi nhỏ cuộn tròn buồn thiu

Ôi quê hương chúng ta!
những bức thư chồng gửi về mong quà thăm nuôi
những bức thư dài như tờ sớ
em cắn răng giở tôn gian nhà bếp
đêm có tiếng dế kêu sầu qua liếp
tuổi xuân em trôi theo gió ngoài thềm

Ôi quê hương chúng ta!
những chuyến hàng chở lậu về đêm
những chân người đuổi theo rất gấp
họ vẫn chạy miết về phía Bình Dương
có tiếng súng nổ, có tiếng người ơi ới
nhịp điệu quen đều như nhịp võng đưa em

Ôi quê hương chúng ta!
anh phải chỉ cho em
những con đường không được đi vào buổi tối
những con đường tránh đi vào buổi trưa
ở mỗi góc hè là một phục chờ
của những con người tay không biến thành kẻ cướp

Ôi quê hương chúng ta!
phải kể đến bao giờ cho hết
hôm nay chúng ta bịt tai, bịt mắt sống bình yên
thịt xương này mẹ đã chắt chiu nuôi bằng nước mắt
từ thuở quấn tang chồng
hình hài này cha đã ấp ủ qua thời chiến tranh gay gắt
ngày đạn réo trên không

Ôi anh em chúng ta!
hôm nay chúng ta còn mở to miệng cãi vã
hội đoàn này phỉ báng hội đoàn kia
em vẫn chợt tỉnh giữa giấc mơ mướt mồ hôi đầm đìa
những hố chôn tập thể có xác mẹ xác cha
hãy nói với em rằng tuổi trẻ
không chỉ quay cuồng điệu luân vũ mỗi weekend
hãy đến nhập giòng những người áo đen,
những người áo nâu trùng trùng xuống phố

Ôi anh em chúng ta!
những tai nấm độc sẽ mọc hoang trên ngờ vực
hãy đến cùng nhau góp củi thành rừng
làm sợi dây leo xanh quấn quanh những người buồn bã
đi cùng em giữa những điên cuồng đập phá
hát vào tai nhau ơn nghĩa của mẹ cha

Vì quê hương chúng ta!
bàn tay em còn chờ anh nắm
cho ấm lòng cùng giọt máu màu da
cho ngày trở về sẽ không xa
để em hôn lên tóc mẹ đã bạc màu mưa nắng
mẹ ơi! đừng khóc nữa
kháng chiến quân đã về tới quê nhà
chị ơi! đừng buồn nữa
theo quân về phá những nhà giam
em vẫn khao khát những con đường quê hương ngập nắng
anh vẫn mơ ngày cờ Vàng lồng lộng trên đường vào thành phố
anh có nghe được không
những mắt người chờ đợi long lanh
hãy đến nhập giòng những người đấu tranh
bàn tay em vẫn chờ anh nắm...

(Hương Giang – Vì Quê Hưong Chúng Ta)

---- oOo ----

Ý Niệm Mới Về "Đạo Quân Cách Mạng"

(Trích một phần nội dung phỏng vấn KCQ Đặng Quốc Hiền, 30-4-1984)

Chiến hữu Đặng Quốc Hiền trong buổi lễ bế mạc giai đoạn Đông Tiến, năm 1983
Hỏi: Xin chiến hữu so sánh sự khác biệt nếp sống của đồng bào hải ngoại với nếp sống đồng bào quốc nội và KCQ?

Đáp: Thật khó diễn tả. Suy tư thì giống nhau vì cùng hướng về mục tiêu giải phóng đất nước. Sự khác biệt có lẽ chỉ ở môi trường Sống & Đấu tranh: Đồng bào QN và KCQ sống cho cuộc đấu tranh 100%. Ngoài này còn có những ràng buộc khác chăng?

Hỏi: Xin chiến hữu cho biết cảm tưởng lần đầu đặt chân lên chiến khu?

Đáp: Ồ. Tổ quốc có thể còn xa ở phía trước, nhưng riêng tôi coi như tôi được giải phóng hoàn toàn. Anh em cùng xé giấy tờ. Một ngày hát quốc ca chào cờ 2 lần. Chưa có cột cờ thì cầm cờ trong tay.

Hỏi: Chiến hữu nghĩ thế nào về hai chữ cách mạng trong "Đạo quân cách mạng"?

Đáp: Từ cha sinh mẹ đẻ, tôi chưa đấu tranh cách mạng cho tới khi tôi gia nhập Mặt Trận. Tôi hiểu hai chữ cách mạng một cách giản dị: Chúng ta đi xây dựng một giá trị mới. Để làm việc đó, chúng ta đạp đổ những gì xấu xa, giữ lại cái gì tốt đẹp, để từ đó, chúng ta xây dựng một cái gì mới hơn, tốt đẹp hơn, giá trị hơn.

Hỏi: Thế nào là một KCQ, thưa chiến hữu?

Đáp: Đầu tiên là phải thoát ly, là một người phục vụ hoàn toàn cho lý tưởng đấu tranh giải phóng tổ quốc. Khi nói tới người lính, người ta nghĩ đến vũ khí để bắn địch. Khi nói đến KCQ thì cái ý niệm diệt địch bằng súng, tức là chuyện bóp cò, không phải là chính yếu. Vũ khí chỉ là phương tiện để KCQ tự vệ. Công tác của KCQ là làm sao vận động để địch về với ta. Các anh em KCQ có một câu hỏi: "Khi nào thì KCQ bị giết?". Câu trả lời là: "KCQ bị giết khi không đắc nhân tâm". Tức là, khi anh không được lòng dân, không được nhân dân hướng dẫn, che chở, bảo vệ, anh sẽ bị giết.

Hỏi: Xin chiến hữu mô tả những hoạt động của Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến?

Đáp: Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến có nhiệm vụ đi vào dân để xây dựng cơ sở rồi từ đó, kêu gọi, vận động đồng bào, giải thích cho đồng bào hiểu rõ đường lối đấu tranh giải phóng của Mặt Trận để đồng bào cùng tham gia kháng chiến. Tất cả là làm sao để toàn thể nhân dân cùng chiến đấu để đi tới cao điểm chót của cuộc đấu tranh là Tổng Nổi Dậy. Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến có nhiệm vụ châm ngòi và bảo vệ cuộc Tổng Nổi Dậy. Muốn như vậy thì các cán bộ trụ, các KCQ đều phải nắm vững vai trò của mình, vừa chiến đấu vừa lo công tác tuyên vận, nhưng nặng về tuyên vận hơn, để mời gọi đồng bào đứng vào hàng ngũ kháng chiến. Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến không nhắm mục tiêu tập họp cả ngàn người vào các doanh trại. Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến là những người sống trong dân, trong bờ trong bụi cạnh dân, chia xẻ ngọt bùi cay đắng với dân. Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến khác với một đội quân nhà nghề có trả lương. KCQ vốn dĩ không phải là lính.

Hỏi: Đã có những thắc mắc về chiến khu. Chiến hữu có thể nói rõ về vấn đề này?

Đáp: Trong cuộc đấu tranh giải phóng tổ quốc của chúng ta hiện nay, dân là gốc. Dân bị ép, dân đứng lên. Dân đứng lên với nhiều hình thức. Có những hình thức mặc áo đẹp đi vận động. Có hình thức đi cày góp gạo. Có hình thức cầm súng. KCQ bây giờ không có lương, không được cấp phát quân trang, có khi không được cấp phát súng đạn nữa. Hãy lấy thí dụ một toán của Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến móc nối được với một nhóm người. Công tác huấn luyện nhóm người mới này để họ trở thành KCQ có thể diễn ra dưới nhiều hình thức và ở những chỗ khác nhau. Công tác huấn luyện rất khó khăn vì ở Việt Nam hiện nay nhà tù nhiều hơn trường học. Như vậy, chiến khu là nơi xảy ra các vụ tuyên vận móc nối hay các nơi huấn luyện, nên có thể là một bờ kinh, một góc vườn, một con đò giữa sông, ở dưới một tán bần hay cạnh một gốc dừa... Có thể nói không ngoa rằng chiến khu là ở trong lòng mọi người dân. Còn nếu quan niệm chiến khu là một doanh trại nhà cửa khang trang, với đây là chỗ ngủ, kia là phòng ăn, sân tập họp, bãi bắn... thì chúng ta không có chiến khu.

Hỏi: Đối với những người từ bên kia trở về, chúng ta có gặp trở ngại gì không?

Đáp: Không. Cho tới nay thì chưa. Chiến hữu sợ rằng Việt cộng gài người? Chưa có. Chiến hữu sợ Việt cộng trá hàng? Chưa có.

Hỏi: Vấn đề tư tưởng của họ ra sao?

Đáp: Tất cả mọi KCQ đều được đối xử bình đẳng và nếu hoàn cảnh thuận tiện thì việc huấn luyện đồng đều. Có một lệnh rõ ràng là các KCQ không nói chuyện đời tư, hỏi chuyện đời tư của nhau. Tuyệt đối không phân biệt quá khứ VC hay VNCH, quốc nội hay hải ngoại. Cái chuyện đời xưa nhiều rắc rối lắm. Nay chúng ta tất cả là KCQ của dân tộc Việt Nam chiến đấu vì dân tộc Việt Nam. Đừng nghĩ rằng hễ không nói chuyện đời tư thì sẽ không thoải mái. Không, đời sống của KCQ thoải mái lắm. Có một trường hợp đặc thù đã xảy ra: Một KCQ là cựu trung úy quân đội VNCH từng bị tù cải tạo. Một KCQ khác là cựu cán binh VC coi trại tù. Hai người này do ngẫu nhiên được đưa về cùng một đơn vị và họ nhận ra nhau. Không khéo là hỏng cả. Nhưng hai chiến hữu này đã sát cánh bên nhau vì họ cùng đi giải phóng tổ quốc.

Hỏi: Chiến hữu đã nói tới xâm nhập và móc nối. Chiến hữu có thể kể một chuyện trong đó có sự tham gia của người dân?

Đáp: Tôi có thể kể 2 chuyện và sở dĩ tôi biết được là vì lúc đó tôi có mặt ở gần đó. Đoàn VTKC xâm nhập vào 1 làng. Độ 1 tuần sau anh em dẫn ra 1 gia đình 17 người. Người già nhất là ông nội, 72 tuổi, người nhỏ nhất là em bé 12 tuổi. Gia đình này gồm 6 phụ nữ, 11 đàn ông và họ có 1 khẩu Garant thì phải. Họ hướng dẫn đoàn VTKC đi công tác và sau đó đòi theo luôn. Họ nói không cho họ theo Mặt Trận thì họ sẽ tự tử cả nhà. Tôi không mấy vui về chuyện này. Trên nguyên tắc gia đình đó phải ở lại làm một viên men để đánh dậy cả thùng bột là làng xóm đó. Nay viên men bị bốc đi thì tiến trình gây men phải làm lại từ đầu. Vụ thứ hai là 1 gia đình vợ chồng hai đứa con sau khi giúp đỡ KCQ đã nhất định đi theo Mặt Trận.

Hỏi: Tỷ lệ phụ nữ trong hàng ngũ KCQ là bao nhiêu, thưa chiến hữu?

Đáp: Tôi nghĩ là không cao lắm, chỉ độ 7 hay 8%.

Hỏi: Nếu lấy mũi Cà Mau làm chuẩn thì hoạt động xa nhất của KCQ là ở đâu?

Đáp: Rải cùng hết. Nhưng có lẽ không thể đưa ra một lối xác nhận chính xác cho câu hỏi đó. Lấy thí dụ như từ Cà Mau lên Cần Thơ không có, nhưng Cần Thơ thì có. Từ Cần Thơ lên Sài Gòn không có nhưng quanh Sài Gòn thì nhiều. Từ Sài Gòn lên Đà Lạt không có, sẽ không có nghĩa là Kontum hay ngược ra biển Đà Nẵng không có. Tức là rải cùng hết, như kiểu da beo vậy.

Hỏi: Chúng ta có bị thiếu vũ khí?

Đáp: Đương nhiên là chúng ta thiếu vũ khí.

Hỏi: Có trầm trọng không?

Đáp: Có cũng đúng, mà không có cũng đúng. Nếu nói trầm trọng có nghĩa là chúng ta nệ vào vũ khí, nghĩ tới ngón tay bóp cò mà quên cái đầu của ta. Nếu có vũ khí tốt mà không vững tinh thần thì cũng quăng vũ khí mà chạy thôi. Chúng ta không xây dựng một đạo quân như vậy. Còn tất nhiên là chúng ta thiếu vũ khí.

Hỏi: Các KCQ có được trang bị vũ khí cộng đồng không?

Đáp: Tùy theo nhu cầu công tác. Nói chung là các đơn vị giữ trách nhiệm phòng thủ có nhiều hơn.

Hỏi: Lương thực của KCQ do ai cung cấp?

Đáp: Họ sẽ phải tự kiếm lấy. Thí dụ khi xuất phát mỗi anh em có 10 ca gạo cho chuyến công tác. Nếu hết thì phải tự túc cho tới khi xong công tác. Nếu gặp các toán khác họ có thể được chia xẻ. Nếu không thì phải xin đồng bào. Theo đúng quan niệm đấu tranh thì KCQ sẽ được dân nuôi dưỡng, nhưng đồng bào ta đang sống dưới sự đàn áp cực kỳ dã man của bạo quyền nên cũng rất đói khổ. Gay go lắm.

Hỏi: Yểm Trợ Kháng Chiến có đóng góp được phần nào cho nhu cầu quốc nội?

Đáp: Anh em KCQ không dám trông đợi hay đòi hỏi gì nơi đồng bào hải ngoại. Tuy nhiên, tôi và toàn thể KCQ thuộc Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến vô cùng cảm kích về những công việc của Phong Trào QGYTKC. Tôi kính trọng sự kiên cường của cụ Chủ Tịch Phong Trào. Vì thời gian không cho phép tôi được đi thăm tất cả mọi người, nên xin nhờ báo Kháng Chiến chuyển lời vấn an đến quý vị trong phong trào. Tôi cũng đã nhờ cụ Chủ Tịch Phong Trào chuyển lời vấn an này... Tôi thực sự xúc động trước hình ảnh của những vị bô lão như cụ Trần Hữu Phúc bôn ba vất vả lo toan việc nước, lo yểm trợ kháng chiến. Đó là gương sáng cho tất cả chúng ta.

"Bởi có đi qua truông qua núi
mới thấy đường Đông Tiến gian nan
Mới nghe tim mình bâng khuâng nhịp đập
lúc trở sâu vào nội địa bước chân

Đã gang thép tâm tình kháng chiến
dẫu đường đi đầy mìn bẫy hầm chông
Khi lòng dân là triều dâng vũ bão
sẽ bứt được xiềng sẽ phá được gông

Bởi có đi mới thương dân manh lệ
cày thay trâu bò sống kiếp nông nô
Mới khao khát một ngày giải phóng
ngày Việt Nam quang phục cơ đồ

Đã nổi trống giương cờ chính nghĩa
tin hân hoan người nhập giòng người
Trong đấu tranh hòa bình là ước vọng
sẽ không còn ngày súng nổ thây rơi

Bởi có đi mới thấy lòng rung động
nhìn những bông lúa nuôi lớn bưng biền
Mới thấy được ý chí bất khuất
thiếu súng đánh bằng dao mác cung tên

Mỗi người về mỗi linh hồn dũng sĩ
mỗi quyết tâm đi giết lũ thuồng luồng
Lớp lớp can trường mới nên đại cuộc
mới có ngày chiếm lại quê hương"

(Bắc Phong – Bài Thơ Đông Tiến)

---- oOo ----

Trong Và Ngoài Khu Chiến Đều Có Kháng Chiến

(Những trích đoạn từ bài trình bày của chiến hữu Đặng Quốc Hiền – 30-4-1984)

Chiến hữu Đặng Quốc Hiền trong một sinh hoạt tại khu chiến
"... Ngày hôm nay, trước hội trường đông đảo và nồng ấm tình đồng bào, tôi lại được thấy bừng bừng khí thế đấu tranh của hải ngoại.... Tôi đặc biệt xúc động về ý nghĩa của buổi đại hội hôm nay, khi đại hội mang tên là 'Ngày toàn dân kháng chiến'.

Hằng năm, cứ đến dịp 30 tháng Tư, chúng ta lại uất hận nhớ đến tháng Tư đen tối năm xưa, cách đây tròn chín năm. Ta gọi đó là 'Ngày Quốc Hận' mà có khi không nhớ rằng ngay từ lúc đó, chúng ta đã có những con người kiên cường và bất khuất đi vào bóng tối, lập trận thế và tiếp tục kháng chiến. Đó là những kháng chiến quân đầu tiên của chúng ta. Đối với những người cương quyết chiến đấu, 30 tháng 4 đã là 'Ngày Quốc Kháng'.... Trong bóng đêm vây bủa của kẻ thù, những người Việt Nam anh hùng đó đã thắp sáng lên tinh thần Quốc Kháng của Việt Nam.

Tôi đã gặp những người Việt Nam anh hùng đó trong khu chiến. Và tôi cũng đã nhiều lần kính cẩn nghiêng mình trước mộ phần của những người đã anh dũng nằm xuống để giành lại quyền sống cho Dân Tộc.

Chính những nỗ lực đấu tranh âm thầm trong bóng tối, chính nhu cầu thống hợp các tổ chức kháng chiến thành một lực lượng xung kích sắt thép phá tung lưới thù và chính nguyện vọng giải phóng Tổ Quốc đã thúc đẩy sự thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam.

Từ tình trạng đấu tranh đơn lẻ, kháng chiến Việt Nam đã tiến lên trận thế toàn diện, với sự góp công góp sức của toàn thể mọi người. Khí thế đấu tranh đã lan rộng khắp nơi trong nước và khắp năm châu hải ngoại. Nơi nào có người Việt, nơi đó có đấu tranh cho Tổ Quốc Việt. Tùy khả năng, hoàn cảnh và điều kiện của mỗi người, toàn dân Việt Nam đã đứng dậy tham gia kháng chiến.

Như vậy, ở trong và ngoài khu chiến đều có người kháng chiến, và ở trong hay ngoài nước đều có người đấu tranh. Chúng ta không than khóc trên những đổ vỡ đã qua mà đã đi vào chiến đấu với niềm tin là từ khi phất cờ khởi nghĩa từ ngày 8 tháng 3 năm 1982, ta đã tiến lên 'Ngày Toàn Dân Kháng Chiến' hôm nay...".

"Cái Lúa ở với nước non
Non nước không còn Lúa ở với ai
Thù nhà nợ nước đôi vai
Lúa vô bưng quyết chờ mai rửa thù
Cái Lúa ở với chiến khu
Chớp con mắt đã chín thu trên rừng
Lúa bất khuất, Lúa anh hùng
Lúa như con gái lẫy lừng tiếng ca
Cái Lúa ở với mặn mà
Lúa vui ở vậy đậm đà nuôi quân
Lúa mơ một sáng mùa Xuân
Cùng Phục Quốc mở đường dân trở về
Cái Lúa ở với câu thề
Trổ bông cho thắm tình quê ngọt ngào
Bài ca dao Lúa rì rào
Lúa vui ở với đồng bào, quê hương"

(Phan Ni Tấn – Cái Lúa Ở Bưng)

---- oOo ----

Cái gốc của kháng chiến Việt Nam là nhân dân Việt Nam

(Những trích đoạn từ bài trình bày của chiến hữu Đặng Quốc Hiền – 30-4-1984)

"...Xin đồng bào hãy mường tượng ra khung cảnh đấu tranh của chúng ta ở trong nước.

Từ khi bạo quyền thống trị trên toàn lãnh thổ và tuyên chiến cùng toàn thể nhân dân Việt Nam, chúng đã thẳng tay bóc lột đồng bào, bủa lưới vây hãm toàn dân, trấn áp từng thôn xóm, từng khu phố, từng gia đình. Chúng giam giữ anh em và thân nhân của chúng ta để làm con tin ép buộc đồng bào. Chúng làm cho mọi người đều nghèo túng, bần cùng hơn, để hàng ngày kiểm soát và đầu độc trí não con người.

Trong những điều kiện đó, các kháng chiến quân đều ý thức được là mình không thể trông đợi sẽ có súng nhiều, gạo đủ, chuyển vận dễ dàng. Đồng bào ăn không đủ no, việc tiếp tế cho kháng chiến quân không thể dồi dào như lòng đồng bào mong muốn thì kháng chiến quân phải hy sinh chia sẻ và sáng tạo khai thác phương tiện có trong tay để vượt qua thiếu thốn. Đồng bào bị trấn áp và kiểm soát hàng ngày nên việc đấu tranh và tiếp sức kháng chiến không thể được tiến hành một cách ồ ạt như ý đồng bào trông đợi, thì kháng chiến quân phải sáng tạo vận dụng thiên nhiên thành võ khí, lấy súng địch làm khí giới, lấy mưu trí làm sức mạnh.

Những điều này nói lên tất cả những hy sinh và sáng tạo của kháng chiến Việt Nam trong những bước đầu non yếu đó. Vừa chiến đấu vừa sáng tạo, chúng ta đã xây dựng được một nền tảng vững chắc cho công cuộc trường kỳ kháng chiến.

Buớc vào giai đoạn đấu tranh Đông Tiến, kháng chiến Việt Nam đã có một khí thế mới. Tôi muốn nói đến sự hỗ trợ tinh thần và vật chất của đồng bào tỵ nạn, trong đó có phần đóng góp cao quý của đồng bào thân mến đang hiện diện nơi đây.

Chủ trương của chúng ta trước sau vẫn là 'Lấy sức mình là chính, sức người là phụ' và trong thực tế chúng ta đã làm đúng như chúng ta chủ trương. Chủ trương này, từ đường lối vạch rõ trong Cương Lĩnh Chính Trị là 'Lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản. Lấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân làm vũ khí'. Đây không phải là một khẩu hiệu, mà là một quan niệm đấu tranh thực tế, sáng suốt và hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Các kháng chiến quân trong nước, trong đó có rất nhiều người là cựu quân nhân, đã biết rất rõ là chỉ có nhân dân Việt Nam và sức mạnh Việt Nam mới bảo vệ được Tổ Quốc Việt Nam một cách vững chải, bền bỉ và liên tục. Chỉ có người Việt Nam mới không cột tay tước súng chiến sĩ Việt Nam và trao sinh mệnh Việt Nam cho kẻ thù. Như vậy, lực lượng kháng chiến Việt Nam phải từ nhân dân Việt Nam mà ra. Và nỗ lực yểm trợ kháng chiến của đồng bào hải ngoại là một biểu hiện của tinh thần đấu tranh tự trọng và sáng suốt của dân tộc Việt Nam.

Vì ý thức như vậy, các kháng chiến quân trong nước đã chấp nhận rất nhiều gian khổ và thiếu thốn trong suốt giai đoạn đấu tranh Đông Tiến vừa qua. Trong gian khổ và thiếu thốn đó, các đoàn quân kháng chiến đã dần dần mở địa bàn hoạt động sâu rộng hơn tại khắp nơi, tiếp xúc với đồng bào thường xuyên hơn. Và cũng trong hoàn cảnh thiếu thốn đó, chúng ta đã đón nhận những tổ chức kháng chiến từ khắp nơi để cùng sát cánh chiến đấu trong một trận tuyến chung. Điều đó nói lên tinh thần hy sinh, kiên trì chiến đấu và đoàn kết của các kháng chiến quân trong nước.

Sau hơn hai năm tiến hành đấu tranh với duy nhất những phương tiện của nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, chúng ta đã hoàn tất được giai đoạn đấu tranh Đông Tiến bằng một thắng lợi mà ngày hôm nay thế giới đang nói tới, đang nghe thấy. Đó là đài Việt Nam Kháng Chiến. Tất cả những thành công vô cùng khích lệ đó đều có được là nhờ ở sự kiên trì đấu tranh và nỗ lực yểm trợ của mỗi người trong chúng ta.

Do đó, nói đến kháng chiến Việt Nam có nghĩa là nói đến kháng chiến của toàn dân. Nói tới đài Việt Nam Kháng Chiến, ta phải nói đến yểm trợ kháng chiến. Cái gốc của kháng chiến Việt Nam là nhân dân Việt Nam. Chỗ tựa của kháng chiến Việt Nam là nhân dân Việt Nam.

Tôi muốn nhấn mạnh đến điều đó vì người ta dường như vẫn chưa lường được sự phấn đấu của người Việt. Và cứ mỗi khi nghe nói đến những thành quả của kháng chiến là dường như người ta lại tìm hiểu xem có cường quốc nào giúp đỡ ở đàng sau không. Cho đến ngày hôm nay, thế giới lại hiểu lầm về Việt Nam nữa.

Tôi cũng lại xin nhấn mạnh là các thành quả có được là nhờ nỗ lực và quyết tâm của toàn thể nhân dân Việt Nam. Đừng đi tìm nguồn gốc ở đâu xa. Các thành quả đó cũng có đồng bào tại đây đóng góp mà nên. Muốn truy tìm sức mạnh yểm trợ ở đâu mà ra, xin cứ hỏi con tim Việt Nam.

Chúng ta đang bước qua một giai đoạn đấu tranh mới. Theo đà bành trướng ảnh hưởng của kháng chiến Việt Nam, rất nhiều anh em trong hàng ngũ quân cán chính của bạo quyền đã trở về với nhân dân với đầy đủ khí giới, đạn dược. Từ những tin tức do đài Việt Nam Kháng Chiến loan truyền, các tổ chức kháng chiến đã đến với nhau ngày một đông hơn. Chúng ta đã có những khả năng chiến đấu tương đối rộng rãi và đa diện hơn....

Cuộc kháng chiến của toàn dân ta đã gặt hái được rất nhiều thành quả và tiến bước vô cùng khích lệ. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn thật rõ là đường kháng chiến vẫn còn vô cùng gian nan mà chỉ có quyết tâm và kiên nhẫn mới đưa dân tộc ta tới chiến thắng.

Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến do tôi được ủy nhiệm chỉ huy sẽ quyết tâm đặt quyền lợi của Tổ Quốc và Dân Tộc lên trên hết, quyết tâm chiến đấu vì Tổ Quốc và Dân Tộc, để xứng đáng là những đứa con của dân tộc Việt oai hùng...".

"Phải tôi đã được nghe
trên một làn sóng ngắn
Tiếng gió tung cờ chính nghĩa
Tiếng núi chuyển
Tiếng sông gầm
Tiếng mưa chan hòa nước mắt trong
của dân tôi đã khóc vì mừng

Phải tôi đã được nghe
Đã đập rộn nhịp tim
Chảy rần huyết mạch
Vì sau bao nhiêu đợi chờ hy vọng
Tôi đã được nghe rõ hôm nay
Tiếng nói đài kháng chiến
Một chặng đầu tất yếu
của cuộc giải phóng Việt Nam

Phải tôi đã được nghe
Tiếng chim hót chào người di hành buổi sáng
Tiếng vốc nước suối lúc tạm nghỉ chân
Tiếng rẽ lá cây rừng
Tiếng cám ơn chia nhau nửa vắt cơm
Phải làn sóng phát thanh
đã làm gần nhau từng đơn vị
Tuy khác những tuyến đầu
nhưng chung kẻ thù tồi tệ

Phải tôi đã được nghe
Tiếng nấc vợ mong chồng
đang bị cầm tù trong trại tập trung
Đem sức héo mòn ra lao tác
Làm con vật kéo cày cho đảng
rồi gục ngã trong tuyệt vọng âm thầm

Phải tôi đã được nghe
những tiếng bứt xiềng
những tiếng phá gông
của những người tù chung bản án
tội làm người chứng lương tâm

Phải tôi đã được nghe
tiếng những chim lồng xổ cánh
mặc đạn thù vây bủa đường bay
Hẹn nhau một trận tuyến này
Súng gươm ta lại sát vai diệt thù

Phải tôi đã được nghe
lẫn trong làn sóng phát thanh
là giọt nước mắt từ chiếc áo mưa ướt sũng
là hơi thở gấp của chiến hữu giao liên
chạy nối những mảnh rừng
trao một mẩu tin
rồi biến mất sau thân tràm xanh lá

Phải tôi đã được nghe
Nhịp tim người kháng chiến
trong tiếng lửa reo lách tách
tiếng tay xoa vào nhau lấy ấm
Có tiếng hát hòa tiếng đàn thùng
cất lên tự ước mơ chung
Giải phóng non sông gấm vóc

Phải tôi đã được nghe
tiếng trẻ gào trên mảng thuyền trôi giạt
giữa biển đêm không một ánh sao
Em rời nơi cắt rốn chôn nhau
để lạc về đâu
khi nhân loại mang tấm lòng chật hẹp

Phải tôi đã được nghe
tiếng những người tù nông trường khắc khoải
về thân phận nô lệ mới hôm nay
trân đất Siberia
buốt giá lưu đày
nơi cái chết chính là giải thoát

Phải tôi đã được nghe
tiếng khóc người mẹ lính ngụy
buổi đi hốt cốt con
đã không tìm thấy mộ
trong khi trời thì tầm tã mưa rơi
bùn nước lấm cùng người run rẩy

Phải tôi đã được nghe
Tiếng cô phụ ru con
trong đêm hè nóng nực
khi muỗi bay vo ve đậu thành màn
À ơi
Con ơi con ngủ cho ngoan
Cha con kháng chiến còn đang dãi dầu

Phải tôi đã được nghe
Tiếng sóng nước đẩy thuyền đi
những thuyền chở đầy gạo muối
mặc cho kinh rạch xa xôi
vẫn gắng công chèo tới
cho trọn vẹn tấm lòng dân tiếp tế quân

Phải tôi đã được nghe
Tiếng cồng Tây Nguyên gióng dội
từ miền cao lan xuống đồng bằng
Nói với nhau lời hẹn núi sông
Kiên tâm chờ ngày quật khởi

Phải tôi đã được nghe
Những tiếng tù và thổi
báo nhau trận địa sẵn sàng
Đánh kẻ thù ta chém vào lưng
Chặt đôi mình rắn
Đập nát đầu đuôi cộng sản

Phải tôi đã được nghe
Tiếng nói đài kháng chiến
Đã thấy mình đang nóng ruột
muốn đem thân nhập cuộc đấu tranh
cho một ngày tổng khởi nghĩa toàn dân"

(Bắc Phong - Phải Tôi Đã Được Nghe)

---- oOo ----

Thanh Niên Hải Ngoại & Công Cuộc Đấu Tranh Giải Phóng Tổ Quốc

(Trích đoạn từ bài nói chuyện của chiến hữu Vụ Trưởng Vụ Tuyên Vận Nguyễn Đồng Sơn
trước anh chị em sinh viên University of Southern California, 8-1-1985)

....

Trước khi nêu câu hỏi "Hải ngoại có thể làm được gì cho công cuộc đấu tranh của dân tộc", có lẽ chúng ta nên xác nhận lại một vài điều mà đồng bào và anh chị em kháng chiến quân ở trong nước đều đã thấu hiểu vì phải sống và đấu tranh một cách thường trực và liên tục từ nhiều năm qua. Những điều đó là:

1. Công cuộc đấu tranh giải phóng Tổ Quốc Việt Nam là nhiệm vụ của người Việt Nam.

Trước đây, chúng ta đã để mất vai trò chủ động khi phải giải quyết một vấn đề của dân tộc. Ngày hôm nay, chúng ta nên rút tỉa bài học mà hiểu ra rằng: Chúng ta quyết tâm "lấy sức mình làm chính". Lấy sức mình là chính chứ không phải sức Mỹ là chính. Vì vậy, phản ứng của chúng ta phải là "ta làm được gì cho kháng chiến Việt Nam", chứ không phải là "quốc tế đã công nhận hay giúp đỡ gì cho Kháng Chiến Việt Nam chưa". Người ngoại quốc, không riêng gì người Mỹ ở nơi đây, chắc chắn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy lâu lâu lại có người Việt Nam kêu đòi họ giúp ta lấy lại tự do cho ta. Việc ta, ta phải lo lấy trước khi nghĩ đến người ngoài. Chúng ta ở hải ngoại sẽ rất khó kêu gọi thế giới trả lại tự do cho người Việt bỏ chạy ra ngoài để tìm tự do ở nước ngoài. Vì vậy, không nên ngạc nhiên khi thấy người ngoại quốc ngạc nhiên vì những trông chờ quốc tế của một số người Việt ta.

2. Công cuộc đấu tranh giải phóng Tổ Quốc Việt Nam là nhiệm vụ của tất cả mọi người Việt Nam.

Điều thứ hai cần ghi nhận ở đây chính là tinh thần "toàn dân kháng chiến", một trong những quan niệm chiến lược của Mặt Trận. Chúng ta không đi vào sai lầm đã phạm phải khi xưa là ủy nhiệm cho quân đội của chúng ta một mình vừa đánh lại bộ máy xâm lược của Việt cộng từ miền Bắc tràn xuống, vừa chống cả khối cộng sản quốc tế yểm trợ cho bọn Việt cộng, lại vừa chống lại cả những xuyên tạc và phá hoại của những phần tử thân cộng hay ngụy hòa đã từng lung lạc dư luận thế giới và cô lập miền Nam tự do của chúng ta. Việc giải phóng đất nước là bổn phận của toàn dân, không phải là việc riêng của những người hoạt động trong Mặt Trận, hay của đồng bào và các anh chị em kháng chiến quân trong nước. Nếu vẫn nghĩ mình còn huyết thống Việt Nam và còn nhiệm vụ đối với Tổ Quốc, chúng ta phải chia xẻ trách nhiệm Giải Phóng Tổ Quốc.

3. Công cuộc đấu tranh giải phóng Tổ Quốc Việt Nam là một cuộc đấu tranh toàn diện

Điều thứ ba tôi xin được nhắc lại ở đây chính là ý nghĩa "toàn diện đấu tranh" của công cuộc kháng chiến. Đi từ đặc điểm phi quy ước của đấu tranh giải phóng và với đường lối "lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản", ta thấy ngay là từ tư tưởng, ta phải có một quan niệm đấu tranh phóng khoáng và sáng tạo. Tức là đừng tự làm mình nghèo yếu đi khi tự hạn chế những phương tiện hay lề lối đấu tranh. Làm tất cả những gì có thể làm được để bạo quyền bị suy yếu đi, hoặc để tăng cường sức mạnh đấu tranh cho dân tộc, đều là những hành động kháng chiến. Nếu chỉ nghĩ đến việc cầm súng mới là đấu tranh, ta sẽ cần bao nhiêu khẩu súng cho sáu mươi triệu đồng bào ta ở trong nước? Ngược lại, nếu chỉ nghĩ đến việc làm tan rã đàn áp, làm suy sụp tinh thần cán binh Việt cộng, hay giúp đỡ cho lực lượng võ trang kháng chiến có điều kiện tiêu diệt bạo lực quân sự của kẻ thù... đều là việc làm thiết thực, thì liệu bạo quyền sẽ tồn tại được bao lâu trước đạo quân kháng chiến có sáu mươi triệu kháng chiến quân không đồng phục không súng đạn nhưng tràn đầy tinh thần sáng tạo và triệt để đó?

3. Công cuộc đấu tranh giải phóng Tổ Quốc Việt Nam là một cuộc "trường kỳ kháng chiến"

Điều thứ tư chúng ta cần ghi nhớ là chúng ta sẽ phải đấu tranh lâu dài với nhiều gian khổ. Ở đây, một năm đối với chúng ta là một khóa học, là một kỳ nghỉ hè, hay một lần im lặng tưởng niệm ngày 30 tháng 4. Ở trong nước, một năm là mười hai tháng bị đọa đày. Là mấy đợt kiểm kê, mấy kỳ đi nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ thủy lợi, dăm ba lần trốn tránh nghĩa vụ quân sự... Một năm ở trong nước có lẽ đi qua chậm hơn một năm ở ngoài này. Đối với anh chị em kháng chiến quân, một năm là mấy đợt mưa rừng, mấy cơn sốt rét, bao nhiêu người gục ngã... Nhưng, một năm cũng có thể là bao nhiêu khóa học tập về đấu tranh giải phóng, bao nhiêu lần được "xuống núi" hoạt động trong đồng bào, bao nhiêu cơ sở kháng chiến đã phát triển được...

Trong điều kiện vô cùng khổ cực của nước ta, không ai mong muốn công cuộc đấu tranh này mau chóng thành công hơn là đồng bào ta ở trong nước. Nhưng, mong muốn như vậy là một chuyện, biết chắc là mình không thể nôn nóng vọng động là một chuyện khác. Tinh thần quyết liệt trong đấu tranh giải phóng là tinh thần kiên nhẫn trong những việc làm trước mặt. Đây là một đức tính truyền thống của người Việt Nam chúng ta, đức tính kiên trì. Ở hải ngoại, chúng ta thấy có tin vui về kháng chiến thì mừng, lâu lâu không thấy tin tức gì thì lại hỏi nhau "bộ dạo này không có kháng chiến nữa sao?". Đồng bào và anh chị em kháng chiến quân trong nước đấu tranh để giải phóng Tổ Quốc, không để lâu lâu cung cấp tin tức cho hải ngoại lên tinh thần. Nếu ở ngoài này chúng ta cũng có tinh thần trường kỳ kháng chiến, có lẽ chúng ta sẽ bớt nôn nóng đợi chờ kết quả để lên tinh thần, mà sẽ cụ thể nhìn ngay trước mắt xem là mình có thể làm gì để góp sức cùng dân tộc trong nước. Cách hay nhất để đốt ngắn giai đoạn và mau chóng thành công vẫn là đứng lên tiếp tay kháng chiến trong tinh thần kiên trì và bền bỉ.

Tiếp tay kháng chiến như thế nào? Câu hỏi này đưa chúng ta về vai trò của hải ngoại và đặc biệt là sự tham gia của thanh niên sinh viên hải ngoại vào công cuộc đấu tranh giải phóng.

….

Ở hải ngoại, khai thác những ưu thế đặc biệt của hải ngoại, ta quan niệm vai trò của hải ngoại là tham gia vào việc đấu tranh vận dụng; là kết hợp sức mạnh của những quốc gia dân chủ trên thế giới để hỗ trợ sức đấu tranh của đồng bào trong nước.

Cụ thể ra, mỗi người tỵ nạn ở hải ngoại đều có thể tham gia kháng chiến bằng những phương tiện và điều kiện của mình. Đóng góp cho nỗ lực tiếp vận kháng chiến là một việc ở trong tầm tay của mọi người. Nếu mình nghĩ đấu tranh là một nhiệm vụ chung, việc chung góp tiền bạc để tiếp vận kháng chiến cũng phải được coi là một bổn phận, một việc làm tự nhiên của mọi người chứ không phải là hành động ban ơn cho Tổ Quốc, thấy vui thì làm, không thì thôi. Ở trong nước, đồng bào ta làm việc tiếp vận một cách lặng lẽ, và bắt buộc phải lặng lẽ để bảo toàn lấy mạng sống của mình và của anh chị em kháng chiến quân. Và khi giúp đỡ kháng chiến quân làm nhiệm vụ, đồng bào cũng không chờ đợi kháng chiến quân phải có vài hành động biểu diễn ngoạn mục để lên tinh thần. Nhưng, điều kiện của đồng bào là điều kiện khốn cùng, bị đàn áp và kiểm soát, nên việc tiếp vận không được dồi dào và tự do như ở hải ngoại. Ưu thế của hải ngoại là có thể cung cấp cho dân ta những phẩm vật không có được ở trong nước. Thuốc men là một điển hình.

Nhưng, tham gia kháng chiến ở hải ngoại không chỉ là chung góp tiền bạc. Chúng ta có thể làm hơn thế. Đã có nhiều người làm hơn thế, tức là gia nhập Mặt Trận và trở về nước chiến đấu. Không về nước chiến đấu, chúng ta vẫn có thể tham gia tại hải ngoại; làm chính nghĩa dân tộc được sáng tỏ; gây khó khăn cho bạo quyền ở những nơi chúng đang có kế hoạch kinh tài hay tuyên truyền phá hoại; giải thích nhu cầu đấu tranh của dân tộc Việt Nam cho mọi người chung quanh cùng hiểu; hay nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh trong gia đình, với con em của chính mình chẳng hạn... đều là những việc có lợi cho kháng chiến Việt Nam.

Nếu chúng ta quan tâm đến vấn đề sống còn của dân tộc, đến tương lai của đất nước, chúng ta nên quan tâm từ những việc nhỏ nhặt nhất, gần gũi và thiết thực nhất ở chung quanh ta. Mua một tờ báo Kháng Chiến, nêu cao những tấm gương sáng về kháng chiến, dẹp bỏ những xuyên tạc vô ý thức có hại cho kháng chiến, trực tiếp viết thư can thiệp với những dư luận báo chí ngoại quốc để nói lên nguyện vọng của chúng ta và bác bỏ những luận điệu tuyên truyền của Việt cộng, tổ chức những buổi nói chuyện trong học đường, trong xí nghiệp để các bạn ngoại quốc của chúng ta hiểu rõ hơn vì sao người Việt Nam đã phải ra đi và người Việt Nam đang chiến đấu như thế nào, v.v... là những việc làm không khó nhọc, không nguy hiểm, mà lại là những việc đồng bào trong nước không làm được. Ở hải ngoại ta có tự do thì dùng quyền tự do quý báu này để tranh đấu cho đồng bào ta đang bị bịt miệng ở bên nhà. Khi có thể phát huy quyền tự do đó một cách thiết thực và đơn giản như những việc vừa liệt kê, chúng ta đã quen dần với ý niệm "Đấu tranh là lẽ sống, nhu cầu đấu tranh cũng tự nhiên như hơi thở của chúng ta". Nếu toàn thể người Việt Nam đều có tinh thần đấu tranh tự nhiên mà triệt để như vậy, người ngoại quốc sẽ phải kính phục chúng ta là một dân tộc tự trọng, và dần dà rồi cũng phải tìm hiểu vì sao một sắc dân có nhiều người thành công trong cuộc sống mới như vậy cũng là một sắc dân luôn luôn kiên trì với mục tiêu đấu tranh giải phóng. Chúng ta không thể để thế giới nhìn người Việt Nam như một đám người bại trận. Xã hội này cũng có đặc điểm là tôn vinh những người dám đấu tranh, tôn vinh sự can đảm. Trong việc đấu tranh, chúng ta chỉ có thể làm người ngoại quốc thêm kính nể vì sự can đảm anh hùng của chúng ta mà thôi.

…..

Đi vào một thành phần thu hẹp hơn trong cộng đồng tỵ nạn, ta thử nghĩ xem thanh niên và sinh viên Việt Nam có thể làm gì cho công cuộc đấu tranh giải phóng?

Trước hết, có lẽ chúng ta cũng cần minh định một số điểm liên quan đến thái độ của một số người đối với thanh niên và sinh viên.

Từ nhiều thập niên qua, chúng ta đã từng nghe nói mãi rằng "thanh niên là rường cột của nước nhà". Điều này mới nghe thấy đúng. Và cũng thấy sướng, nếu ta ở vào lứa tuổi có thể được gọi là thanh niên. Thực tế ra sao, và những người đã từng ở vào lứa tuổi thanh niên cách đây hai chục năm chẳng hạn, nghĩ sao về điều này, hay cũng chỉ nhìn xuống thế hệ thiếu niên khi đó, nay đã thành thanh niên, mà nhắc lại câu nói đó? Chúng ta đã mất hết cả rồi và không lẽ lại tiếp tục mỗi thế hệ một lần nhắc nhở những thế hệ thanh niên về cái vinh quang sẽ là "rường cột nước nhà". Trước hết, ở hải ngoại, ta có thể tự hỏi một câu rất sòng phẳng, rất minh bạch và rất chân thật: "Thanh niên là rường cột của nước nào?". Câu hỏi có thể gây xúc động cho chúng ta. Nhưng, nếu không suy nghĩ và tham gia đấu tranh cùng toàn dân khi nước nhà nguy biến, chúng ta có điều kiện để trở thành rường cột nước Nam hay không, cho dù là ta có khả năng đó?

Điều thứ hai cần phải nói là công cuộc đấu tranh này là của toàn dân. Tất cả những ai biết đi đứng suy nghĩ đều có điều kiện tham gia. Trong hoàn cảnh hiện nay, các kháng chiến quân trong nước phần lớn là những nam nữ thanh thiếu niên nhưng toàn thể đồng bào ta đều có mặt và có bổn phận có mặt trong cuộc đấu tranh này. Vì vậy, các bậc phụ lão tham gia kháng chiến theo điều kiện của các bậc phụ lão, thanh thiếu niên và tráng niên tham gia theo điều kiện của thanh thiếu niên, của tráng niên. Và, ở trong nước, không bao giờ lại có câu nói nghịch nhĩ là "thanh niên hãy lo học hành đi để chúng tôi lo kháng chiến, bao giờ kháng chiến thành công thì đến lượt thanh niên sinh viên, lúc đó đã trưởng thành tất sẽ lo việc xây dựng".

Ở hải ngoại câu nói này đã được nghe đâu đó. Người ta muốn cho thanh niên nghĩ rằng việc đấu tranh là việc làm chính trị. Và, từ những kinh nghiệm của chính những người đưa ra quan niệm này, họ đưa ra thêm quan niệm nối tiếp, rằng chính trị là thủ đoạn dơ bẩn, thiếu đạo đức. Để kết luận là thanh niên đừng làm chính trị. Thanh niên có thể tự hỏi: Nếu không làm chính trị, tức là không đấu tranh, nhưng vẫn tha thiết đến Tổ Quốc thì thanh niên phải làm gì? Lòng khát khao đóng góp đó đã được những người này giải đáp bằng một lối thoát rất êm ái, đầy tiện lợi: Đó là cứ lo học đi, sau này sẽ xây dựng đất nước. Vì sao họ muốn thanh niên sinh viên tản sức đấu tranh bằng lời khuyên nhủ đó?

Ngày xưa, chúng ta đã sai lầm khi nghĩ là hậu phương lo học hành, để anh em trong quân đội lo chống giặc ngoài tiền tuyến. Hậu quả của lập trường ủy nhiệm này đã đưa chúng ta đến tình trạng bi thảm của dân tộc. Chúng ta sẽ không đi vào những sai lầm cũ nữa. Làm chính trị là nghề nghiệp của chính trị gia, còn đấu tranh giải phóng Tổ Quốc là nhiệm vụ của mọi người, trong đó có cả thanh niên sinh viên. Nếu cần, có lẽ chúng ta cứ nhắc lại tên tuổi một số anh hùng dân tộc, chúng ta cũng thấy tiền nhân đã làm việc cứu nước ở vào tuổi thanh niên, hầu hết đều như vậy.

Đi vào việc xây dựng đất nước sau này, chúng ta làm gì không hiểu được là trong việc xây dựng, chúng ta cần kiến thức kỹ thuật. Nhưng, quan trọng hơn, chúng ta cũng cần ý thức và tinh thần dân tộc để biết uốn nắn những kiến thức kỹ thuật thành những giải pháp thực tiễn cho xã hội ta.... Khi đã thấy tầm quan trọng của ý thức dân tộc, của sự sống gần gũi, gắn bó với dân tộc, chúng ta thấy ngay một điều là trong thế hệ này, dân tộc ta đang tranh đấu để giành lại tự do. Chúng ta khó đứng ở ngoài cuộc tranh đấu để sau đó trở về xây dựng với đầy ắp ý thức dân tộc được....

Ngoài việc tham gia đấu tranh như mọi người Việt Nam khác, với những đặc tính ưu thế về môi trường sinh hoạt, về đối tượng tiếp xúc, về khả năng và vị trí trong cộng đồng tỵ nạn v.v... thanh niên sinh viên còn có thể làm thêm được gì cho công cuộc đấu tranh này? Ta hãy đi từ cái tương đối dễ đến cái tương đối khó khăn hơn.

Dễ nhất là đọc báo. Để biết, và để hiểu tường tận về vấn đề Việt Nam, vì chúng ta là những chứng nhân trực tiếp, và có thể giúp cho đồng bào ta, lên tiếng giải thích tường tận cho những người bạn ngoại quốc muốn tìm hiểu về Việt Nam, hay về Kháng Chiến Việt Nam....

Tiến xa hơn một chút, chúng ta có thể vận động anh em bạn học trong trường, và cả các giáo sư giảng dạy, cùng tham gia đấu tranh với chúng ta: chung góp tiền bạc hay kiến thức của họ cho công cuộc đấu tranh, hoặc lên tiếng phủ nhận những luận điệu xuyên tạc của các phần tử ngụy hòa trong đại học để làm sáng tỏ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam....

Kế nữa, thanh niên sinh viên có thể tiến lên một bước là tham gia đấu tranh như một đoàn viên Mặt Trận để góp phần giải quyết những vấn đề thiết thực của đấu tranh giải phóng ở trong nước. Cộng tác với đài Việt Nam Kháng Chiến là một thí dụ thiết thực....

…..

Chúng ta thấy kháng chiến không chỉ là thuốc súng và tiếng nổ. Kháng chiến còn là rất nhiều công việc bình thường ai cũng có thể làm được. Cái khó là làm sao nhìn ra những việc đó. Điều đó vẫn chưa khó. Cái khó là làm sao nhìn ra việc đó rồi lặng lẽ quyết định tham dự. Và khó hơn cả là tham dự trong tinh thần trường kỳ, cho đến ngày thành công.

Những cái khó này, có lẽ không một học đường nào có thể giúp đỡ cho chúng ta được. Đây là việc mà chính chúng ta phải giải quyết lấy, tùy theo tinh thần của mỗi người. Hồn thiêng sông núi là cái gì đó rất linh thiêng, được Tổ Quốc phân chia đồng đều cho mọi người Việt Nam chúng ta. Đón nhận hay không là quyền tự do của mỗi người. Dân tộc Việt Nam chúng ta đã gặp không biết bao nhiêu cảnh gian truân khốn cùng trong lịch sử, và lần nào cũng vùng lên để tồn tại, điều đó có nghĩa là tiền nhân của chúng ta đã từ chối quyền tự do buông xuôi đề đất nước trở thành một châu quận của người Tàu.

Đến thế hệ của chúng ta, các anh chị em đã có tự do ở nơi đây, ta sẽ làm gì với quyền tự do đã có này?

Câu hỏi, xin được dành cho mỗi người.

Câu trả lời, xin dành cho Hồn Thiêng Sông Núi.

"Này lại cuối tháng tư
Trời bỗng xanh ngăn ngắt
Để mình nhớ người yêu
Như quãng đời đã mất
Để mình và Nữu Ước
Bỗng thấy rất trẻ thơ
Thèm cái thèm vô tư
Dầm thân trong cỏ dại
Hát cho tròn môi lại
Như hôn Thần Tự Do

Tháng tư phai màu đen
Rồi loãng dần sắc xám
Tháng tư xanh đó em
Hy vọng và tin tưởng
Bạn chúng ta trở về
Vạch đường mòn xẻ núi
Vạt rừng già ngủ mê
Rẽ đại dương mở lối
Bạn chúng ta đã về
Mang nhịp tim hải ngoại
Trao tặng anh em nhà
Trong vòng ôm xiết chặt
Có nước mắt đậm đà
Trong nghẹn ngào tiếng nấc
Có tình nghĩa thăng hoa
Bạn chúng ta đã về
Uống từng câu vọng cổ
Khi tiếng ca xuống xề
Mình nổi gai thương nhớ
Bạn chúng ta đã về
Nên tháng tư xanh ngắt
Và giấc mơ về nước
Bỗng trải lụa chiêm bao

Ngồi trong đêm Nữu Ước
Mà đi vào chiêm bao
Không còn màu cờ đỏ
Mắt em lại trong xanh
Không còn đêm thức trắng
Tóc em lại óng đen
Uyển chuyển dáng em đi
Vuốt ve đường phố cũ
Những nín câm ấp ủ
Bật lên những tiếng cười
Năm chục triệu con người
Án khổ sai xé bỏ
Hồn em ngàn cửa sổ
Thôi treo nhánh xương rồng
Lũ tà ma đâu còn
Tình cũng thôi gai góc
Ta thả rồi tiếng khóc
Vỡ vụn dưới bước chân
Ta bóp nát thở than
Trong đôi tay biết múa
Thôi từ nay giấc ngủ
Hết đứt quãng rã rời
Thôi chập chờn ma trơi
Những bàng hoàng lo sợ

Chỉ còn ta chăm chỉ
Xây cất lại cuộc đời
Rung những hạt mồ hôi
Thành chuỗi cười lảnh lót
Cho câu hò tiếng hát
Gọi mùa lúa vàng ươm
Cho mẩu truyện tiếu lâm
Giúp thơm hoa chín trái
Tiếng dô ta thoải mái
Gọi đô thị mọc lên
Dìu nhau trong công viên
Hồn ta trăng ướp ngọc
Ngọt ngào như ủ mật
Dịu dàng như Việt Nam

Ta ru:
Bống bống bang bang
Cái ngủ mày ngủ cho ngoan
Trời xanh kia bóng cờ vàng yêu thương
Ví dù khổ nhọc trăm ngàn
Ầu ơ kìa bóng cờ vàng tự do"
(Bài Hát Tháng Tư – thơ Hoàng Anh Tuấn - nhạc Phạm Duy)

---- oOo ----

Những Định Đề Của Đấu Tranh Giải Phóng

(Chiến hữu Nguyễn Kỳ Đức đúc kết trong bài Ý Thức Giải Phóng)

1. Chúng ta không tiến hành chiến tranh mà đang tiến hành đấu tranh giải phóng.

2. Đấu tranh giải phóng mang ý nghĩa dân tộc vì được tiến hành bởi toàn dân chống lại một thiểu số thống trị.

3. Khi đã đi vào đấu tranh giải phóng, tức là ta đã mất chính quyền và quân lực mà chỉ còn nhân dân, phải quan niệm thế đấu tranh từ nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

4. Khi đã tiến vào đấu tranh giải phóng, ta bắt buộc phải phá bỏ mọi quy ước của chiến tranh cổ điển, và phải gột bỏ ngay trong ý thức những thói quen của giải pháp quân sự, sản phẩm của quy uớc chiến tranh.

5. Trong đấu tranh giải phóng phi quy ước, không thể nghĩ đến chiến trường hay mặt trận giao tranh như một địa điểm nhất định, mà phải nghĩ đến chiến khu, kháng chiến quân và những ổ kháng chiến, những gia đình kháng chiến và những biện pháp kháng chiến phi quân sự.

6. Trên trận tuyến đấu tranh giải phóng, tương quan lực lượng luôn luôn khởi sự thất lợi về phía lực lượng nhân dân, nhưng lực lượng chính trị do sức mạnh của chính nghĩa và sức hậu thuẫn của toàn dân sẽ tạo ra sức mạnh mới lấn át sức mạnh quân sự của bọn thống trị.

7. Đã đứng trên tư thế đấu tranh giải phóng chống lại kẻ thù thống trị, ta biết là ta sẽ không thỏa hiệp và kẻ thù cũng sẽ không thỏa hiệp. Giải pháp sau cùng sẽ hoặc là lực lượng đấu tranh bị tiêu diệt để lại xuất hiện sau đó từ nhân dân, hoặc là bọn thống trị phải bị lật đổ.

8. Trên cái thế một mất một còn đó, chúng ta chắc chắn sẽ phải thành công nếu chấp nhận đấu tranh bền bỉ, trường kỳ, cùng với toàn dân.

9. Trong đấu tranh giải phóng, sức mạnh của lực lượng giải phóng là chính nghĩa dân tộc, tất cả mọi chiến lược chính trị, ngoại giao đều phải phù hợp với chính nghĩa. Mọi kết hợp quốc tế không có chính nghĩa tất có thể tạo lực lượng chiến đấu trong ngắn hạn mà mất hậu thuẫn quần chúng trong dài hạn.

"Dẫu chưa một lần lội qua dòng sông
Em vẫn nói về con nước ròng
Và những gian nan dọc đường tải đạn
Mưa gió trở mùa sáng nắng, chiều giông
Dẫu chưa biết được những vùng anh qua
Ẩm ướt mưa rừng, đất cằn, sỏi đá
Chiến khu muỗi mòng, rừng thiêng, nước lạ
Thương anh như thương bóng dáng quê nhà
Thương anh như thương dòng sông nhà ngoại
Mấy bụi, mấy bờ, đám sắn, vồng khoai
Thương đám lục bình chở che Kháng Chiến
Thương chiếc xuồng con tải gạo hôm mai
Như ngọn rau rừng đắng, ngọt, yêu, thương
Trên đoạn đường về trải thịt phơi xương
Thương anh kháng chiến chiều mưa tháng Chạp
Ôm súng mơ ngày giải phóng quê hương
Như những dây trầu xanh mướt sáng mai
Thời gian dẫu hoài mắng một, mưa hai
Quê hương thiết tha đang lời kêu gọi
Anh quay trở về nối bước đoàn trai
Ta có một đời để đợi chờ nhau
Hạnh phúc không là những cơn mưa mau
Anh quay trở về đáp lời sông núi
Tình em mãi xanh như những đọt trầu"

(Như Đọt Trầu Xanh – thơ Hương Giang - nhạc Châu Đình An)

---- oOo ----

Những Định Đề Của Ý Thức Giải Phóng & Canh Tân

(Chiến hữu Nguyễn Kỳ Đức đúc kết trong bài Ý Thức Giải Phóng)

1. Chúng ta giải phóng đất nước để xây dựng một xã hội mới và để sống thanh bình trong xã hội đó.

2. Trong nỗ lực giải phóng, chúng ta luôn luôn ý thức được nhu cầu xây dựng sau giải phóng. Vấn đề canh tân phải được quan niệm một cách triệt để, nghĩa là từ con người.

3. Vì nhu cầu giải phóng và canh tân, phải triệt để loại bỏ tất cả những gì tiêu cực và xấu xa trong xã hội, trong chúng ta. Có giải phóng cá nhân mình khỏi những tính xấu, chúng ta mới vận dụng được toàn dân vào đấu tranh và mới xây dựng được một tầng lớp người mới cho tương lai.

4. Ý thức giải phóng, vì vậy, là một ý thức cách mạng. Phải triệt để xóa bỏ những gì xấu vì những cái xấu đó chính là đồng minh khách quan của kẻ thù thống trị.

5. Ý thức giải phóng phải được quảng bá trong quần chúng nhân dân để trở thành sức mạnh của đấu tranh. Vai trò của tư tưởng, của ngòi bút, của tư duy và của truyền thông là vai trò then chốt. Phải tạo cơ hội cho trí thức được gần với quần chúng bình dân để có ý thức giải phóng chính xác hơn, khả thi hơn, và để đưa ý thức giải phóng đó thành sức mạnh đấu tranh.

6. Ý thức giải phóng và canh tân đi đôi cùng nhau phải được bắt đầu bằng ý thức xây dựng lấy lực lượng giải phóng. Lực lượng đấu tranh phải có khả năng tự túc ngay từ những ngày đầu kháng chiến.

7. Ý thức giải phóng phải được nuôi dưỡng liên tục và phát triển thường xuyên thành sức mạnh đa diện. Ý thức giải phóng khi đã trở thành lý tưởng của quần chúng tất phải trở thành nguồn sinh lực đào tạo ra ra hàng ngũ cán bộ đấu tranh. Phát triển ý thức giải phóng là phát triển sức mạnh tinh thần trong quần chúng để trở thành quần chúng kháng chiến. Biến kháng chiến thành lẽ sống của mọi người.

8. Ý thức giải phóng đất nước được gắn liền với ý thức canh tân đất nước ngay từ trong giai đoạn đấu tranh và ngay từ hàng ngũ cán bộ đấu tranh. Nhu cầu huấn luyện và học tập cho cán bộ đấu tranh là một phản ảnh rõ ràng nhất của niềm tự tin và sự sáng suốt của ý thức giải phóng.

"Đường kháng chiến đi qua,
Bỗng lạ lùng!
Thấy mình qua tất cả,
Những gian lao vất vả,
Từng người, từng người tất cả bước mau.
Và đất nước theo sau,
Đậm lại từng câu, từng câu lịch sử.

Máu chảy từng dòng theo từng giòng chữ,
Máu của nhiều năm đọng ứ tim sông,
Máu của nhiều năm đọng hồng gan núi.
Hôm nay đi, mọi người mọi tuổi,
Như ngàn ngàn con nước nhập vào sông,
(Như ngàn ngàn con rồng tuôn ra biển)
Bước chân rầm rập bưng biền,
Lan ra khắp ba miền đất nước.
Ngàn thương yêu trải dài từ thuở trước,
Triệu bàn tay ôm đất nước dâng lên.
Kìa, xa xa tiếng thét vang rền,
Ngẩng đầu lên, tràn theo đường Kháng Chiến!

Ta theo triệu triệu người cùng tiến,
Cất nỗi niềm riêng, rong ruỗi bước đường.
Vươn cao tay theo tầm vóc quê hương,
Ngày nắng, đêm sương,
Lừng lững giữa chiến trường,
Cây lá theo đường cũng không biết chùn chân.
Đạp lên bước tiền nhân,
Đem tuổi thanh xuân mài gươm cứu nước.

Đường Kháng Chiến, có người đi phía trước,
Mỗi bước ta đi là một bước tương lai,
(Ta, tuổi trẻ, phải dài như đất nước,
Đất nước phất cờ, Tuổi trẻ theo sau)
Đường Kháng Chiến đi mau,
Bỗng giật mình, người theo sau rầm rập!
Những con người tình cờ bắt gặp,
Hối hả bước đi cho kịp đấu tranh.
Không tiếc tuổi xanh,
Chỉ tiếc thiếu anh trên đường Kháng Chiến"

(Võ Hoàng - Đường Kháng Chiến Đi Qua)