Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Đường Kháng Chiến

Xuân Lộc

Buổi chiều cuối đông, trời đang nắng, đột nhiên gió to, thổi nghiêng ngả hàng cây dọc hai bên đường và trời bỗng dưng lạnh ngắt. Tôi đóng kín cửa sổ, chui vào căn phòng làm việc nhỏ bé, xinh xắn nhưng bừa bộn. Những lúc trở trời như thế này, tôi chỉ muốn được ở giữa những đồ vật thân thiết. Những khung ảnh kỷ niệm của gia đình, khung ảnh nhỏ được treo trên tường, khung to, và nặng phải để dựa vào vách... Hình ảnh của gia đình con cháu và thời thơ ấu của sáu chị em được thu gọn trong không gian ấm áp này. Chiếc tủ sách đầy ắp sách vở, truyện, báo chí, giấy tờ. Những trang báo vàng xỉn, đã bao lần định vất, nhưng lại thôi, lại giữ lại, cứ như có lời năn nỉ của chúng không bằng. Không hiểu sao cứ nghĩ đến việc vất một trang báo, tôi lại lo là sẽ làm buồn lòng người viết.

Tôi yêu thơ văn và âm nhạc. Từ những vần thơ nồng nàn tình yêu của Nguyên Sa, Đinh Hùng...

Đêm thân ái có muôn hoa hồng nở,
Em tới đây tình tự một đôi lời.
Hồn phong hương trầm tuổi mộng hai mươi,
Ta nói khẽ đủ hai lòng nghe rõ.

Đến những bài thơ thời sự bình thản như bài thơ “ngã trên núi Việt Hồng ở Yên Báy khi đi vác nứa” của Thanh Tâm Tuyền:

Tuột dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu
Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới
Ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu.

Từ những dòng nhạc trữ tình của Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng đến những bài hát tràn đầy tình tự quê hương của Trầm Tử Thiêng, Phạm Duy...

Từ những dòng sử ca ngợi anh hùng dân tộc, những áng văn chân thật của người yêu nước Đỗ Thúc Vịnh đến hàng trăm ngàn đoản văn ca ngợi tính nhân bản và lòng độ lượng của con người... Tất cả đã là chỗ dựa của tôi, và cùng theo tôi thăng trầm trong cuộc sống.

Mỗi một cuốn sách, một tập báo đến với tôi đều có những nhân duyên đặc biệt, thỉnh thoảng ngồi xem lại những dòng ghi chú; kỷ niệm tự nhiên ùa về không ngại ngùng, không đắn đo.

Tập thơ ''Con đường mới'' nằm yên lặng giữa những cuốn sách dầy cộm. Tất cả sách báo chung quanh đã cũ, có cuốn đã sờn gáy, nhưng tập thơ "Con đường mới" vẫn còn mới nguyên. Không hiểu sao tôi chưa lần nào đụng đến nó. ''Con đường mới'' đến với tôi trong một hoàn cảnh đặc biệt. Tôi chỉ muốn tìm bài thơ ''Ngủ đi em mai sáng lên đường'' của nhà văn Võ Hoàng. Nhưng cầm tập thơ có trang bìa trình bày khá khô cứng với bản đánh máy chữ to kiểu xưa cũ, những dòng chữ to cồng kềnh, nhưng lại tròn trịa, mang vẻ mộc mạc thơ ngây, như nét chữ viết nắn nót của học sinh tiểu học đã khiến tôi xúc động. Đây là tâm hồn và cuộc sống của các kháng chiến quân trong chiến khu. Tôi mua tập thơ, trang trọng cất trong tủ kính và yên lòng là mình đã có những di tích lịch sử cần phải có. Có lẽ ý tưởng là sở hữu chủ của tập thơ đã khiến tôi không bận tâm đến việc đọc những bài thơ nào khác ngoài “Ngủ đi em mai sáng lên đường”.

Hôm nay, tưởng nhớ đến các chiến hữu năm xưa, tôi tìm tập thơ, và lần giở từng trang sách, chợt thấy không chỉ ''Ngủ đi em mai sáng lên đường'' mà những vần thơ chân thành về tình yêu đôi lứa, tình cha, tình mẹ, tình bạn, tình nước...đang là những dòng lóng lánh, chảy tràn trong tập thơ. Chúng đã đắp xây nên ''con đường mới'' tràn đầy niềm tin, hy vọng, và chất ngất ân tình.

Có ai không nao nức, bồi hồi với cái hối hả, đầy ắp niềm tin của Võ Hoàng trong "Ngủ đi em mai sáng lên đường"?

Ngủ đi em mai sáng lên đường
ta theo quân về bên kia núi
tháng năm
qua bao hờn căm hờn tủi
sẽ có ngày em biết yêu thương

Bên kia là chiến trường
khắp quê hương lửa dậy
em sẽ thấy
bừng con mắt cỏ cây đổi sắc
người người xuống đường giết giặc bằng tay
ào ào một cuộc đổi thay
bài ca dữ dội một ngày rền vang
em ngủ đi ta thức khi trời sáng
về bên kia
ta gặp lại xóm làng
gặp những người chân thép tay gang
mắt rực lửa vùng lên làm cách mạng
hiên ngang
giữa trời
để em thấy cuộc đời là có thật
để em thấy tuổi thơ em vừa mất
đánh đổi bằng tấc đất gang sông
vọt máu trào lòng
chảy thành giòng bám chắc lấy quê hương
nước bốc tình thương
đất dậy linh hồn
người và người dập dồn muôn ngọn sóng
triệu thịt da chung một ước mong
"đất nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng"
em thấy không
tim còn đập là đời còn sức sống
tôi với em
ta thổi ngọn lửa hồng
nung sôi bầu máu đỏ
tô lại nét tiên rồng
Tuổi thơ em non sông cất giữ
đừng phí đời nửa chữ yêu thương
ngủ đi em mai sáng lên đường
ta theo quân về bên kia núi.

Niềm tin ấy cũng là khí phách của người tráng sĩ khi:

Sáng lên đồi nhìn mặt trời hồng
ngắm núi rừng
mà thẹn với non sông
suối xa vang vọng bài đông tiến
vạt nắng vương vương lửa rực lòng

Niềm tin ấy cũng đã là mạch sống rất thật, là cái tâm rất sáng và tinh khiết của kháng chiến quân Cao Quỳnh Phụng:

Viết cho Tự Do không phải viết tự do
Theo rung cảm của nhịp tim dạt dào ngây ngất
Viết cho Tự Do là xây dựng cuộc sống Tự Do
Là tranh đấu giành lại Tự Do đã mất.
.....

Niềm tin chân thành ấy đã khiến người đi làm cách mạng ôm giữ được hạnh phúc vĩnh cửu của cuộc sống. Còn lời nào âu yếm hơn lời tình tự của kháng chiến quân Hàn Châu khi viết cho con:

Tuy thiếu nắng hoa rừng vẫn nở.
Ép hoa làm quà sinh nhật cho con.
Sau khôn lớn con đừng bỡ ngỡ.
Ba đang còn nặng nợ nước non.
Mai này Việt cộng không còn,
Ba yêu của Bé về hôn má hồng
Mua xe nhựa, bánh con rồng
Làm quà sinh nhật thỏa lòng ước mơ.

Và còn gì đẹp hơn, khi được chia xẻ phút giây hạnh phúc với Nguyễn Đức Thắng khi anh đọc thư tình của vợ.

Chiều chiến khu một mình trên võng
Đọc thư em gửi tới sáng hôm nay
Giữa núi rừng nhưng lòng anh dậy sóng
Nét chữ xưa nhưng thương nhớ đêm ngày.
..........

Làm sao cầm giữ được xúc động khi bắt gặp Nguyễn Đức Thắng đi ''Thăm bạn''

....nửa khuya ghé thăm anh,
gió đông về lành lạnh
giữa bầu trời hiu quạnh
hờ hững nước trôi quanh
anh nằm bên dòng suối
trơ vơ một gốc chanh
con chim nào đang khóc
vì thương lá đoạn cành
kìa anh, cây chanh nhỏ
hôm dúi vội bên anh
bây giờ chanh đã lớn
mồ anh cỏ cũng xanh
anh giờ thôi áo trận
thay vào áo sử xanh
tôi còn mang áo cũ
đêm ngày vẫn đấu tranh
ghé thăm anh nửa phút
rồi tiếp tục di hành
gửi anh cây chanh nhỏ
nhờ anh bón cho xanh
mai này khi chiến thắng
có cây chanh làm dấu
tìm cốt người hùng anh
thôi chào nhau anh nhé
chúc anh giấc mộng lành
trời bây giờ cũng sắp
vào xuân rồi đó anh.

Hoặc bịn rịn ''tiễn nhau'':

tôi với anh
dăm bước tiễn nhau
một câu: may mắn
kèm theo lời thề
giải phóng Việt Nam

tôi với anh
đong đầy tình chiến hữu
có đoạn đường nào dài đủ với anh
tôi với anh
hoà theo sóng người đổ về lớp lớp.
gặp gỡ nhau đây rồi lúc hợp lúc tan.
vậy thì
đường trước mặt anh cứ đi
bước cho vững cho hùng cho mạnh
rồi cũng đến lượt tôi sẽ nối bước theo anh
người trước kẻ sau
tiến ập vào đồn giặc
vượt tuyến đạp rào
ta phăng phăng trên con đường đã chọn
con đường
hoặc giải phóng Việt Nam
hoặc chết
.......

Niềm tin vào tiền đồ rực rỡ của dân tộc ấy, đã khiến Hàn Châu vững vàng nhắn nhủ mẹ già lúc chia tay:

Lạy mẹ con đi về khu chiến,
Tạm xa con xin mẹ gắng dằn lòng
Trận quyết chiến cuối cùn = gđể quê hương vĩnh viễn
Hết chiến chinh con về- như mẹ hằng mong.
......
Thương nhớ lắm mây chiều ngờ tóc mẹ
mãi theo con khắp bốn phương trời
Xa con khi tuổi đời mẹ trẻ
Đến bây giờ tóc mẹ trắng mây trôi.

Đời trọ học đời lính đời tù
Nay kháng chiến: đời con rực rỡ.
Mẹ thấy chưa, con không bao giờ làm tủi hổ.
Linh hồn Ba đang nghỉ xứ nghìn thu
......

Ngoài kia trời đang mưa nặng hạt, gió vẫn tạt mạnh vào cửa kính. Thỉnh thoảng một chiếc xe chạy vội thật nhanh như cố tránh những cành cây bị gẫy đang bay tứ tung trong không gian. Cảnh vật lại như xa lạ đối với tôi.

Tôi ở đây đã lâu, thành phố này êm đềm quyến rũ, vào mùa xuân có Phượng Tím Jacaranda và Tràm Bông Vàng Mimosa. Sau chuyến vượt biên kinh hoàng, đến được bến bờ tự do, nơi đây đã đón tôi với nhiều ân cần. Từ những săn sóc chi li cho đời sống, những buổi học Anh văn, cho đến những buổi thăm nom của những người bạn bản xứ để chia xẻ với tôi nỗi nhớ nhà. Và quý biết bao, chốn này đã cho tôi nhiều cơ hội để nói cùng mọi người về quê hương tù đày của tôi. Tôi đã nguyện sẽ chẳng bao giờ rời bỏ nơi đây, tôi sẽ vun bồi nó như quê hương thứ hai của mình, để cảm tạ phần nào tấm chân tình hiếm có....

Nhưng tiếng gọi từ quê hương xa xôi mãi hoài thúc giục, nung nấu tim tôi, nhắc tôi những tháng ngày còn trẻ dại ở Đà Nẵng, ở Huế. Những năm tháng thanh xuân ở Sài gòn.... những con đường... quán kem... khuôn viên Đại Học... con hẻm nhỏ với lối xóm hiền hoà... tiếng rao hàng buổi sáng... nào xôi, nào bún riêu, bún ốc, hay đậu hũ nước đường vào những buổi trưa vắng lặng. Khi chiều xuống, tiếng rao bắp luộc, mía hấp, tiếng gõ phách từ xe hoành thánh mì của chú ba Tàu... Mọi thứ chen chúc nhau chật ních trong không gian để thở, để sống, sống thật rộn ràng vui tươi...

Tôi phải trở về sống ở đấy, chính nơi ấy mới là chốn bình yên. Thành phố của Phượng, của Tràm này đều chẳng phải của tôi. Nơi này không giữ được tim tôi. Phải đòi lại đất trời xưa, đòi lại mảnh giang sơn gấm vóc, để cho chính tim tôi được yên và dân tôi giành lại được quyền làm người, được sống thảnh thơi với thiên nhiên vạn vật...

Tôi muốn được Nguyễn Đức Thắng một lần đưa tiễn để:

đem lửa đấu tranh cấy vào lòng dân tộc
đem sóng căm hờn xóa sạch vết nhơ
đem cờ chính nghĩa vào xóm làng dựng dậy
. . . . .
một ngày mai quê hương giải phóng
mình gặp nhau trong giây phút trùng phùng
giữa ngày hội hoa đăng
bõ phút này
tay bắt mặt mừng
ta sẽ lại tâm tình cho thỏa
bõ phút này
là lúc
mây trắng rừng xanh
tôi tiễn anh chỉ được vài ba bước.
. . . .. .