Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Kỷ Niệm Về Người Lãnh Đạo Phong Trào Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh

Trần Thanh Hiệp

Tôi quen với các ông Hoàng Cơ Minh và Hoàng Cơ Long đã lâu lắm, từ hồi di cư năm 1954 từ Hà Nội vào trong Nam. Sau này tôi biết thêm anh Hoàng Cơ Định, vì vai trò của anh trong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, nhưng cũng thân tình hơn là một tương quan thuần túy về công việc và thời cuộc, vì anh là em của anh Long và anh Minh. Tôi đã gặp Hoàng Cơ Định nhiều lần, có khi là vì anh kiếm gặp tôi, nhưng cũng có lần tôi tìm gặp anh trực tiếp để biết rõ thêm về quan điểm và nhận định của một người có vai trò quan trọng trong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam mà từ năm 2004 đã chính thức đổi thành đảng Việt Tân.

Tôi nhận được lời mời của Hoàng Cơ Định để viết về vài kỷ niệm của những ngày đầu của Phong Trào Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh mà tôi có cơ duyên tham dự. Tôi lưỡng lự vì tùy bút không phải là lối viết quen thuộc của tôi, nhưng phần khác cũng muốn ghi lại vài chi tiết và cảm nghĩ về một nỗ lực giải phóng dân tộc của một người bạn là ông Hoàng Cơ Minh, mà tôi quý mến. Tôi chưa dám nhận nhưng cũng không muốn từ chối nên trả lời Hoàng Cơ Định qua điện thoại: "Thôi để vào dịp tôi qua Cali sắp tới, thế nào cũng sẽ gặp anh, rồi sẽ tính".

Đặt chân tới Cali vào đầu tháng 2/2007, ngay ngày hôm sau Hoàng Cơ Định đã tới kiếm tôi và đề cập ngay tới bài viết muốn nhờ... Vì nể trọng tuổi tác và giao tình của tôi với ông Hoàng Cơ Minh, Hoàng Cơ Định vẫn coi tôi như một người anh lớn khi đối thoại, khiến cho tôi càng khó từ chối mặc dầu rất ngại ngùng phải lục lại ký ức gần 30 năm trước đây. Tôi vẫn chỉ có một lý cớ là không quen viết thể văn hồi ký này và tôi đề nghị với Định:

- Hay anh phỏng vấn tôi và tôi sẵn sàng trả lời .

- Nhưng em lại không phải là ký giả và cũng không rành phỏng vấn!... Nhưng tìm được một nhân chứng như anh mà không ghi lại được những gì anh đã biết và nhận xét về anh Minh em vào những ngày đầu của Mặt Trận thì quá uổng!

Chúng tôi cùng "bí" như nhau thì HCĐ đề nghị giải pháp:

- Thôi bây giờ anh em mình cứ nói chuyện với nhau, coi như độc giả là mấy người bạn ngồi quanh đây với chúng ta, mình nói sao cứ ghi lại, lúc chia tay là coi như hoàn tất bài hồi ký của Trần Thanh Hiệp về “Vài kỷ niệm về những ngày đầu của Phong Trào Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh”! OK?!

- OK !

............

- Anh Hiệp, em vẫn nghe nói anh là bạn cũ của anh Long và anh Minh em, nhưng dường như anh phải hơn tuổi hai ông này khá nhiều, anh Minh em tuổi Hợi, sinh năm 1935, còn anh thì tuổi gì, và quen anh Minh trước đây ra sao ?

- Tôi tuổi Bính Dần, sinh năm 1927, như vậy là hơn Minh những 8 tuổi cơ đấy. Tôi nguyên quán tại Hà Tĩnh, Huyện Đức Thọ, trong nhóm SV Đại Học Hà Nội di cư năm 1954 với Long và Minh, hồi đó tôi là Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên và có mời anh Minh làm Trưởng Ban Thanh Niên và Thể Thao, tôi không có nhiều cơ hội trò chuyện với Minh, nhưng điều lạ là dầu chỉ gặp nhau đôi ba lần nhưng giữa Minh và tôi luôn luôn có tình thân và sự tín nhiệm như đã chung sống với nhau lâu lắm ...

- Thì các anh chẳng từng chung sống với nhau hồi mới di cư ở khu Lều Gia Long đấy thôi? Hồi đó khu Lều Gia Long không phải chỉ là nơi cư ngụ của các anh Sinh Viên di cư Đại Học Hà Nội mà bọn học sinh tụi em cũng lui tới để theo các anh trong các cuộc biểu tình chống phái đoàn Việt Cộng trong Ủy Hội Quốc Tế kiểm soát đình chiến. Em vẫn còn nhớ lần đầu biết anh là trong vụ biểu tình chống vụ thủ tiêu Lê Tấn Lý, hồi đó ngoài anh còn có cả anh Lương Trọng Cửu và Lưu Trung Khảo nữa...

- Anh nhớ hay quá nhỉ, đúng rồi, hồi đó mình chỉ trông cậy vào phái đoàn Canada, chứ Ấn Độ, Ba Lan và Hung là ngả theo VC rồi còn gì ...

- Cao điểm là lần biểu tình đập phá khách sạn Majestic để rượt đánh Văn Tiến Dũng. Nhưng em không nhớ có lần nào thấy anh Minh trong nhóm sinh viên lãnh đạo... Hình như vào thời gian đó anh ấy đã đi Hải Quân rồi thì phải.

- Đúng vậy, anh Hoàng Cơ Minh chỉ hiện diện trong đoàn sinh viên một thời gian ngắn, anh ấy “xếp bút nghiên” gia nhập Hải Quân rất sớm. Tôi chỉ gặp Minh sau này, vào năm 1956 thì phải, lần cùng phái đoàn vào ủy lạo chiến sĩ tham dự Chiến Dịch Hoàng Diệu tấn công vào căn cứ Bình Xuyên trong Rừng Sát, hồi đó anh ấy mới là Thiếu Úy, chỉ huy một đoàn giang thuyền của Hải Quân... Thế rồi bẵng đi hơn 25 năm, tôi gặp Minh lần kế là ở Thái Lan tại tư dinh Tướng Hadxayin, hồi đó là vào năm 1981, Tướng Hadxayin làm Bộ Trưởng tại Phủ Thủ Tướng Thái và tôi tháp tùng phái đoàn nhân sĩ và đoàn thể từ Âu Châu qua.

- Như vậy là anh và anh Minh có hẹn nhau tại Thái Lan?

- Không phải, tôi đi trong phái đoàn của ông Ngô Quang Tường bên Pháp, chủ động là ông Tường, phái đoàn còn có Bác Sĩ Lê Văn Tài, Thầy Thượng Tọa Minh Tâm, Thiếu Tá Nguyễn Hồng Sơn, Bác Sĩ Trần Ngọc Quang. Ông Tường là người Việt gốc Hoa, trước đây làm Phó Biện Lý tại Sài gòn, chúng tôi qua Thái để tiếp xúc với các lực lượng kháng chiến Việt Nam khác và đo lường sự hỗ trợ của Thái Lan. Qua sự dàn xếp của ông Tường, chúng tôi được nhập cảnh vào Thái Lan bằng chiếu khán đặc biệt. Tới Bangkok tôi mới được biết ông Tường trước đó đã đi Bắc Kinh và có liên lạc với chính quyền Trung Cộng.

- Em không rõ đáp ứng của Bắc Kinh ra sao đối với nhóm của ông Tường nhưng cũng có được đọc bản liệt kê các trang bị viết bằng Hoa ngữ do ông Tường yêu cầu được cung cấp.

- Tướng Hadxayin cho biết sẽ mời tướng Hoàng Cơ Minh ở khu chiến ra để cùng gặp chúng tôi. Trong buổi họp tướng Hadxayin cũng có điện thoại cho một vị đại diện Kháng Chiến Lào và ông tuyên bố: Tôi có thẩm quyền xác nhận với quý vị rằng phía Hoa Kỳ sẵn sàng ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của tướng Hoàng Cơ Minh và mong thấy mọi người hợp tác với nhau. Tôi được ông Tường và anh em trong phái đoàn cử làm phát ngôn viên có xác định với tướng Hadxayin là chúng tôi đại diện cho các đoàn thể người Việt tại hải ngoại sẵn sàng ủng hộ ông Hoàng Cơ Minh...

Trước khi rời Thái Lan, tôi có vài giờ tâm tình với anh Hoàng Cơ Minh... Như đã nói với anh Định, mặc dầu anh Minh và tôi rất ít cơ hội gặp nhau, nhưng khi gặp lại rất gần gũi thân tình. Chúng tôi đã có dịp đề cập tới nhiều vấn đề, câu nói của anh Minh làm tôi nhớ mãi là: "Người ta hay kêu gọi đoàn kết và thấy chuyện đoàn kết giữa người Việt mình là khó khăn, tuy nhiên đối với những ai thật sự có hoạt động thì sự đối thoại và đoàn kết dễ hơn người ta tưởng rất nhiều".

8 tháng Giêng năm Đinh Hợi

* Hình chụp khoảng tháng 5/1982.


Hình 1: Từ trái sang phải : Ô. Đinh Hồng Lô; con trai tướng Hadxayin; Ô. Lê Văn Tài; Ô. Ngô Quang Tường; Tướng Hadxayin; Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh; Ô Trần Thanh Hiệp; Ô. Đỗ Văn Khá; Ô. Nguyễn Hồng Sơn


Hình 2: Gặp gỡ tại tư gia tướng Hadxayin tháng 5/1982


Hình 3: Cuộc gặp gỡ tại Thái Lan tháng 5/1982


Hình 4: Cuộc gặp gỡ giữa Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh với một số nhân sĩ Việt Nam trước sự hiện diện của tướng Hadsayin.


Hình 5: Cuộc tiếp xúc giữa Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh và các nhân sĩ Việt Nam tại tư gia tướng Hadxayin