Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Tướng Hoàng Cơ Minh Và Những Ngày Cuối Việt Nam Cộng Hòa

CCN - TTVN, Chicago

Cuối tháng 3 năm 1975, chiếc Tuần-dương-hạm (WHEC) Trần Nhật Duật HQ-3 trong tấm hình trên đây đã được lệnh của Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, đưa Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, Tư Lệnh Hải Quân vùng II duyên hải, từ Cam Ranh ra Qui Nhơn để đích thân điều binh trực tiếp tại chiến trường.


Đồng thời, Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang đã chỉ thị Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy, Tham-mưu-trưởng kiêm Tư Lệnh Phó Hải Quân, ra Cam Ranh để giải quyết những ứ đọng tại đó.

HQ-3 đã trở thành Soái-hạm. Tại Qui Nhơn, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (cựu Tư Lệnh Hải Quân vùng I duyên hải, được Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang chỉ thị vào chức vụ Tư Lệnh các lực lượng Hải Quân yểm trợ chiến trường Qui Nhơn) từ Cơ-xưởng-hạm Vĩnh Long HQ-802 sang HQ-3 và hầu hết các đơn vị trưởng Hải Quân đều ở trên HQ-3.

Ngày 31 tháng 3/1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đích thân chỉ thị Hải Quân "bốc" Sư đoàn 22 Bộ Binh, thuộc quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Phan Đình Niệm, tại vịnh phía ngoài hải cảng Qui Nhơn. Hải Quân Trung Tá Lê Thuần Phong, Chỉ-huy-trưởng Hải-đội II Chuyển-vận được chỉ định sang Hải-vận-hạm Ninh Giang HQ-403 thực hiện cuộc đón quân của Sư đoàn 22 Bộ Binh. HQ-403 vừa ủi bãi thì tiếng đạn B40 nổ vang rền và nước bắn tung toé trước mũi chiến hạm. Vì chỉ là một Hải-vận-hạm, không được trang bị súng lớn, nên HQ-403 báo ngay về HQ-3 và lui ra khỏi tầm đạn, lềnh bềnh chờ lệnh. Trong khi HQ-403 chưa thể vào vịnh được thì Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh ra lệnh cho Hải-vận-hạm Hát Giang HQ-400 ủi bãi Trường Sư Phạm Qui Nhơn để đón vài đơn vị khác của Sư đoàn 22 Bộ Binh. Từ trong bờ, Việt Cộng bắn ra chiến hạm dữ dội khiến HQ-400 không thể nào ủi bãi được. Cuối cùng các đơn vị thuộc Sư đoàn 22 Bộ Binh phải bơi ra. Trong số này, có Thiếu Tướng Phan Đình Niệm, Tư Lệnh Sư đoàn 22 Bộ Binh.

Đêm 31 tháng 3/1975, sau khi được báo cáo là Thiếu Tướng Phan Đình Niệm đang ở trên HQ-400 và tinh thần ông hơi bất an, Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II, chỉ thị Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, đang là Tư Lệnh Hải Quân vùng II duyên hải, thay thế Thiếu Tướng Phan Đình Niệm ở chức vụ Tư Lệnh Chiến trường Bình Định.

Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh
Thời gian này, nhiều Tuần-duyên-hạm (PGM) tuần tiểu vùng Sông Cầu báo cáo về Trung tâm hành quân Hải Quân Sài Gòn là xe tăng Việt Cộng và từng đoàn "Molotova" chạy trên quốc lộ, nhưng vì PGM chỉ được trang bị súng 40 ly mà thôi nên không bắn tới được. Sau khi Trung tâm hành quân Hải Quân xin Không Quân yểm trợ nhưng không được, Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang đã chỉ thị các chiến hạm với trọng pháo có tầm bắn xa, bắn sập các cầu trên quốc lộ số 1 từ Qui Nhơn đến đèo Cả. Hải Quân Đại Tá Đỗ Kiểm, Tham-mưu-phó hành quân, trình lên Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham-mưu-trưởng Liên-quân, một giải pháp đặt tuyến vòng đai phòng thủ Qui Nhơn.

Trung Tướng Đồng Văn Khuyên đồng ý giải pháp do Hải Quân đề nghị và giao Hải Quân trách nhiệm điều động và chỉ huy. Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang đề nghị Bộ Tổng-tham-mưu: Nếu muốn giao nhiệm vụ đó cho Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh thì nên đặt Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh vào chức vụ Tổng Trấn Qui Nhơn để Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh có toàn quyền sử dụng lực lượng Bộ Binh và các đơn vị khác hiện diện trong vùng. 11 giờ đêm 1 tháng 4/1975, Trung Tướng Đồng Văn Khuyên gọi Trung tâm hành quân Hải Quân và cho biết Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký Nghị định chỉ định Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh làm Tổng Trấn Qui Nhơn trong nhiệm vụ phối trí các lực lượng, đổ quân vào tái chiếm Qui Nhơn. 2 giờ sáng ngày 2 tháng 4/1975, Hải Quân Đại Tá Đỗ Kiểm liên lạc và trình với Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh về quyết định của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Sáng ngày 2 tháng 4/1975, sau khi lực lượng Hải Quân tại Qui Nhơn dồn hết vào gần bờ, Tư Lệnh Hải Quân vùng II duyên hải, kiêm Tư Lệnh Chiến trường Bình Định, kiêm Tổng Trấn Qui Nhơn Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, cùng vài đơn vị nhỏ của Bộ Binh và một số sĩ quan Hải Quân đổ bộ lên Qui Nhơn thăm dò tình hình. Lúc này Thiếu Tướng Phan Đình Niệm đã rời vùng trách nhiệm theo HQ-400 về Vũng Tàu.

Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đích thân liên lạc vô tuyến với các đơn vị của Sư đoàn 22 Bộ Binh chưa di tản nhưng không thể liên lạc được. Sự phối trí giữa Địa Phương Quân và Biệt Động Quân tăng phái cũng không thực hiện được. Chiều 2 tháng 4/1975, toán quân đổ bộ trở lại chiến hạm. Kế hoạch lập chiến tuyến ở Qui Nhơn bị bức tử khi vừa mới tượng hình... Trên đường trở về Bộ-chỉ-huy Hải Quân vùng II duyên hải đóng ở Cam Ranh, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh chỉ thị Hộ-tống-hạm (PCE) Đống Đa HQ-07 bắn yểm trợ vùng Phú Yên. Cũng chính Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh trực tiếp điều động tất cả các lực lượng Hải Quân trong vùng và liên lạc với các đơn vị bạn trên bờ để thực hiện các cuộc đón quân dọc theo miền duyên hải... Về đến Cam Ranh, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh dùng trực thăng thị sát diễn tiến các cuộc "đổ" và "bốc" quân...

Trong ngày 2 tháng 4 năm 1975, HQ-3 đã đưa Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh từ Cam Ranh vào phòng tuyến Phan Rang sau khi ông đã ra lệnh thiêu hủy kho dụng cụ điện tử do Hoa Kỳ để lại. Chiều ngày 3 tháng 4/1975, gần Duyên-đoàn 27 ở Ninh Chữ, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh từ HQ-3 chuyển sang Tuần-dương-hạm Trần Quang Khải HQ-2.

Ngày 15 tháng 4/1975, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh cùng Hạm-trưởng HQ-2 là Hải Quân Trung Tá Đinh Mạnh Hùng (trùng cả tên lẫn họ với Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng, phụ tá Tư lệnh Hải Quân hành quân lưu-động-sông) đáp trực thăng vào phi trường Phan Rang tham dự buổi họp với Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt, Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, Sư đoàn trưởng Sư đoàn VI Không Quân, và vài sĩ quan cấp tá. Sau buổi họp bị gián đoạn, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh được một trực thăng đưa ra Tuần-dương-hạm Trần Nhật Duật HQ-3, Hải Quân Trung Tá Đinh Mạnh Hùng đi từ phi trường Phan Rang đến Duyên-đoàn 27 ở Ninh Chữ và đáp Yabuta trở lại Tuần-dương-hạm Trần Quang Khải HQ-2.

Ngày 16 tháng 4/1975, Dương-vận-hạm Nha Trang HQ-505 (chở tám trăm tấn đạn 105 ly và 155 ly từ thành Tuy Hạ ra tiếp tế Phan Rang) và Hải-vận-hạm Hậu Giang HQ-406 (chở hai đại đội Cảnh sát Dã chiến từ Cát Lỡ ra tăng cường cho mặt trận Phan Rang) đến hải phận Phan Rang. Lúc hai chiến hạm tiến vào bãi biển Phan Rang thì được lệnh của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh không cho ủi bãi. Hai vị Hạm-trưởng báo cáo về Sài Gòn rồi lềnh bềnh cách bờ khoảng hai hải-lý, chờ lệnh.

Tối 16 tháng 4/1975, tình hình Phan Rang sôi động. HQ-3 đổi vị thế. HQ-505 và HQ-406 được lệnh lui ra xa. Sáng ngày 17 tháng 4, 1975, hai chiếc T54 nằm ngay bãi biển Phan Rang và nòng súng chĩa thẳng ra các chiến hạm. HQ-406 được lệnh chở Cảnh sát Dã chiến về lại Cát Lỡ. HQ-505 lềnh bềnh chờ lệnh. Sau đó không lâu, HQ-505 được lệnh rời vịnh Phan Rang và HQ-3 đưa Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh về Sài Gòn...

Nguồn: trích từ bài viết của Điệp Mỹ Linh trong cuốn tài liệu Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975, xuất bản năm 1990, tái bản 2011.

---- oOo ----

Tiểu Sử Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh


Chiến hữu Hoàng Cơ Minh sinh tại Hà Nội năm 1935, trong một gia đình văn học.

Thưở thiếu thời, trong những năm ở Tiểu và Trung học, ông còn theo học hàng tuần lớp chữ Nho do Việt Nam Văn Hóa Hiệp Hội tổ chức, ban giảng huấn gồm những bậc khoa bảng thời đó như quý Cụ Bảng Nhỡn Nguyễn Can Mộng và các Cụ Cử Ngô Thúc Địch, Trần Lê Nhân và Cụ Từ Long Lê Đại.

Tại trường trung học Chu Văn An, ông là một học sinh xuất sắc, đồng thời tham gia tích cực vào các sinh hoạt thể thao của Nhà Trường.

Sau khi tốt nghiệp trung học, ông theo học trường Đại Học Khoa Học thuộc Viện Đại Học Hà Nội. Chẳng bao lâu thì xẩy ra việc chia đôi đất nước bởi hiệp định Geneve, ông đã theo làn sóng của 1 triệu đồng bào Miền Bắc di cư vào Nam, cùng với đoàn sinh viên Đại học Hà Nội vào trung tuần tháng 8 năm 1954.

Năm 1955 ông quyết định rời bỏ đèn sách, tình nguyện nhập học trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang.

Ra trường với cấp bậc Thiếu Úy, ông được phục vụ tại các Hải Đoàn Xung Phong, hoạt động tại các kinh rạch Tiền Giang và đã tham dự chiến dịch Rừng Sát tấn công vào sào huyệt của loạn quân Bình Xuyên.

Cũng trong thời gian này vì can thiệp cho một số chiến hữu thuộc quyền, mà ông cho là đã bị bắt giữ trái phép, đời binh nghiệp của ông tưởng đã gẫy đổ với gần hai tháng tù tại nhà giam Chí Hòa.

Thời gian bị khó khăn với pháp đình cũng là cơ hội để ông làm quen với nhiều tù nhân chính trị danh tiếng hồi đó như Hồ Hữu Tường, Trần Văn Ân đồng thời có thì giờ và nhu cầu nghiên cứu tài liệu về Luật. Khi được phóng thích, ông trở về quân ngũ, đồng thời ghi danh theo học tại Đại Học Luật khoa Sài Gòn, và tốt nghiệp năm 1959.

Năm 1959, ông qua Hoa Kỳ tu nghiệp hai năm tại trường Hải quân U.S. Naval Post Graduate School tại Monterey, California.

Năm 1961, ông mang cấp bậc Hải quân Đại Úy và phục vụ trên các chiến hạm với các chức vụ Hạm Phó, rồi Hạm Trưởng các Giang Pháo hạm và Hộ Tống hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.

Sau một thời gian phục vụ trên các chiến hạm ngoài biển, ông được thuyên chuyển về trường Hải Quân Nha Trang với chức vụ Chỉ Huy Phó.

Năm 1964 ông được chỉ định làm Tùy Viên Hải Quân, rồi Tùy Viên Quân Lực tại Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Đại Hàn. Mang cấp bậc Thiếu Tá và làm công việc của một sĩ quan cấp Tướng, 2 năm phục vụ tại Đại Hàn của ông đã là thời gian làm việc không ngơi nghỉ, vì đây cũng là thời gian có sự tham dự ồ ạt của các quân đội đồng minh tại Việt Nam, trong đó phải kể 2 Sư đoàn Thanh Long và Bạch Hổ của Đại Hàn.

Sau 2 năm phục vụ tại Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Đại Hàn, ngày rời nhiệm sở, ông đã nhận lãnh phần an ủi tinh thần thật lớn. Ông là người Việt Nam đầu tiên và là người ngoại quốc thứ 14 nhận lãnh huy chương cao quý nhất của Quốc hội và Tổng Thống Đại Hàn, dành cho những người ngoại quốc mà hầu hết là các nguyên thủ quốc gia.

Sau khi hết nhiệm kỳ 2 năm tại Đại Hàn, ông được Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hoà cho lựa chọn 2 quốc gia để tiếp tục nhiệm vụ Tùy Viên. Hai quốc gia đó là Trung Hoa Quốc Gia và Tây Đức, song ông đã từ chối và xin trở về phục vụ trong đại gia đình Hải Quân.

Về nước ông được cử làm Trưởng Phòng Chiến Tranh Chính Trị tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân với cấp bậc Trung Tá.

Thời gian phục vụ tại Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Đại Hàn và thời gian làm Trưởng Phòng Chiến Tranh Chính Trị Quân Chủng Hải Quân đã đưa tới cho ông những nhận định chính trị, những quan niệm tích cực về xây dựng đất nước. Ông đã cùng một số bạn trẻ gồm cả thành phần quân đội lẫn dân sự lập ra một tổ chức chính trị sinh hoạt kín có tên là "Lực Lượng Quần Chúng Việt Nam Tự Giải Phóng". Hai trong số các cộng sự viên của ông vào hồi đó là BS Nguyễn Đan Quế, hiện đang là nhân vật đối kháng nổi danh trong nước và Giáo sư Hoàng Cơ Định, một cán bộ lãnh đạo của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam.

Năm 1969, khi chiến trường khắp nơi sôi động, ông đã được đề cử làm Tư Lệnh Phó, rồi Tư Lệnh Lực Lượng Thủy Bộ với cấp bậc Đại Tá. Lực Lượng Thủy Bộ thuộc quân chủng Hải Quân là lực lượng Tổng Trừ Bị với bộ Tư Lệnh đóng tại Cần Thơ, có nhiệm vụ chính yếu là yểm trợ chiến trường miền Tây, mở các cuộc hành quân phối hợp với các đơn vị Bộ Binh, xử dụng lực lượng cơ hữu gồm những chiến đĩnh, khinh tốc đỉnh đánh thẳng vào mật khu địch tại vùng U Minh, Cà Mâu.

Năm 1973, ông rời Lực Lượng Thủy Bộ, nhận lãnh trách vụ Tư Lệnh Vùng II Duyên Hải với Bộ tư Lệnh đóng tại bán đảo Cam Ranh, tiếp nhận những căn cứ Hải Quân do Hoa Kỳ bàn giao lại và lãnh trọng trách bảo vệ một phần hải phận Việt Nam.

Năm 1974 ông được vinh thăng Phó Đề Đốc Hải Quân, là một trong những Tướng Lãnh trẻ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và là sỹ quan đầu tiên lên hàng Tướng Lãnh trong khóa Sỹ quan Hải Quân năm 1955.

Vào những ngày đen tối nhất của lịch sử, trước ngày di tản, ông đã lần lượt được chỉ định làm Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Đoàn II, Tư Lệnh Mặt Trận Phú Yên Bình Định, Tư Lệnh Mặt Trận Phan Rang Phan Thiết (người thay thế ông trước khi Phan Rang thất thủ là Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, nguyên Tư Lệnh Quân Đoàn IV).

Trong những ngày sau cùng của tháng 4 năm 1975, trước thực trạng của đất nước, ông đã cố gắng vận động những Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ thân hữu, trong mục đích bỏ phiếu trao trách nhiệm điều động đất nước cho Quân Lực, thay vì cho Dương Văn Minh, vì ông nhận thấy lúc đó chỉ có Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là niềm tin chót để cứu vãn tình hình và cương quyết chống Cộng. Tuy nhiên kết quả đã không như ý muốn và hậu quả thì chúng ta đều biết.

Những ngày đầu tỵ nạn trên đất Mỹ, ông đã được dành cho một số quyền lợi viết Quân Sử hay đi thuyết trình, ông đã từ chối những trợ giúp cá nhân đó để làm một nghề thật tầm thường, nghề thợ sơn. Với nghề này, mỗi năm ông chỉ cần làm việc trong vòng 6, 7 tháng, thời gian còn lại ông dùng để đi từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, Từ Hoa Kỳ sang Nhật Bản, sang Gia Nã Đại để liên lạc, móc nối, tổ chức những người tâm huyết mang quyết tâm giải phóng tổ quốc. Ông đã thành lập Lực Lượng Quân Nhân Việt Nam Hải Ngoại, sau đổi thành Lực Lượng Quân Dân Việt Nam Hải Ngoại, trước khi giải thể để hình thành Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Trong vai trò lãnh đạo Mặt Trận, ông đã cùng các chiến hữu tiên phong trở về lập Khu Chiến để mưu cầu giải phóng đất nước, một trách nhiệm mà đất nước và dân tộc đã dành cho ông: Trách nhiệm của một công dân Việt Nam. Ông cũng là chủ tịch sáng lập Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng.

Chiến hữu chủ tịch Hoàng Cơ Minh