Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Giải Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh Việt Nam

Vào bất cứ thời kỳ nào, Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam vẫn có những tác phẩm phản ảnh được sự dũng mãnh và trường cửu của nguồn sinh lực dân tộc. Đây là những tác phẩm sáng tác trong tự do, và ngay cả trong hoàn cảnh tù đày, để tiếp tục nói lên ước vọng vì tự do và cho tự do. Vì thế, trên lãnh thổ Việt Nam hôm nay, mặc dầu dưới sự áp trị của bạo quyền Cộng sản, giòng văn học nghệ thuật của dân tộc vẫn hiện hữu, song song và đối lập với văn học nghệ thuật nô dịch của chế độ độc tài chuyên chính vô sản. Trong khi đó, sau tháng 4 đen kinh hoàng của năm 1975, gần ba triệu người Việt lưu vong hải ngoại đã hình thành những cộng đồng có nhiều sinh hoạt đáng kể, mà tron đó, chúng ta phải nói đến sinh hoạt văn học nghệ thuật. Đời sống tự do dân chủ ở xứ người, đã là cơ hội để giới văn nghệ sĩ tiếp tục gìn giữ và phát huy giòng sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam.

Để việc phát huy văn học nghệ Việt Nam không bị gián đoạn trong giai đoạn đấu tranh chống cường quyền Hà Nội, và để nền văn học nghệ thuật Việt Nam đóng góp cho sức mạnh đấu tranh cho tự do của dân tộc, ngày 22 tháng 9 năm 1986, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã thiết lập Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh Việt Nam, để tuyên dương những tác phẩm văn học nghệ thuật đóng góp vào việc xây dựng và vun bồi chí khí dân tộc trong giai đoạn đấu tranh hiện nay. Từ đó, giải Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh Việt Nam đã được trao hàng năm, bắt đầu từ năm 1987.

Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh năm 1987:


Tác phẩm "Tù Binh và Hòa Bình" của nhà văn Phan Nhật Nam xuất bản năm 1974 tại Sài Gòn đã được chọn trao đầu tiên. Ông Phan Nhật Nam đã từng là thành viên của Ủy Ban Liên Hợp Bốn Bên nhằm xúc tiến việc trao trả tù binh giữa các phe tham chiến, sau Hiệp Định Paris được ký kết vào năm 1973. Những điều chứng kiến ở trong Nam và ngoài Bắc, ở bàn hội nghị và tại hậu phương Sài Gòn đã khiến ông viết "Tù Binh và Hoà Bình", như một chứng liệu lịch sử hiếm hoi. Giải Thưởng đã được trao trong Đại Lễ Quốc Khánh tại Paris vào ngày 11 tháng 4 năm 1987 cho Thi sĩ Hoàng Dực, thay mặt nhà văn Phan Nhật Nam, lúc đó còn ở trong trại cải tạo Việt cộng.



Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh năm 1988:


Trao cho tác phẩm "Hợp Tấu Khúc Chinh Phụ Ngâm", soạn cho dàn nhạc thính phòng của nhạc sĩ Cung Tiến. Hợp Tấu Khúc này lấy cảm hứng từ tập Chinh Phụ Ngâm Khúc của bà Đoàn Thị Điểm để diễn tả thành nhạc, chứ không phải là ca khúc phổ nhạc từ thơ. Nhạc sĩ Cung Tiến đã sử dụng kiến thức cao của ông về âm nhạc Tây Phương và Đông Phương, kết hợp giai điệu, hòa âm phối khí, tận dụng những khả năng âm thanh bất ngờ của nhạc cụ Tây Phương, để diễn tả cảm xúc bằng âm hưởng Đông Phương. Giải Thưởng đã được trao cho chính tác giả trong Đại Lễ Quốc Khánh tại Chicago, Hoa Kỳ vào ngày 23 tháng 4 năm 1988.



Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh năm 1989:


Trao cho bộ tranh "Quang Trung Trong Hồn Nước" của họa sĩ Đức Âm Trương Quốc Trung. Đây là tác phẩm khí họa gồm có 4 bức, lấy cảm hứng từ những trang sử lẫy lừng nhất của dân tộc Việt Nam, trình bày bốn giai đoạn chính yếu thời Quang Trung, và được thực hiện với nghệ thuật khí họa, kết hợp với những rung động và đường nét Đông Phương với kỹ thuật diễn tả vô cùng hiện đại là dùng khí ép bơm dầu trên lụa. Giải Thưởng đã được trao cho tác giả trong Đại Lễ Quốc Khánh tại Melbourne, Úc Châu vào ngày 15 tháng 4 năm 1989.



Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh năm 1990:


Trao cho tác phẩm điêu khắc "Ngày Về" của điêu khắc gia Nguyễn Văn Khoát. Đây là bức tượng bằng đồng theo hình khối lập thể ba góc cạnh, với hình ảnh của ba người Việt Nam đứng chung lưng gồm một cụ già và hai người trẻ nam nữ. Dù chỉ là những đường nét biểu hiện nhưng người ta khi xem vẫn có thể giao cảm được với va khuôn mặt hiền hòa, phảng phất nét thương tâm nhẫn nhục, nhưng cũng chứa đựng nghị lực quyết tâm, với những bàn tay nắm chặt và những cánh tay giơ cao thẳng chụm thành một khối đoàn kết. Giải Thưởng đã trao cho tác giả trong Đại Lễ Quốc Khánh tại Sydney, Úc Châu vào ngày 31 tháng 3 năm 1990.



Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh năm 1991:


Trao cho tập thơ "Nghe Tiếng Người Ta Khóc - Tù Phụ Ca" của nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật. Đây là những bài thơ tình tuyệt diệu, chứa bao nét trữ tình, nhưng Nguyễn Hữu Nhật viết thơ tình trong cảnh tù, với vị mặn chát của đời tù, sau khi bị Việt cộng giam hai lần tổng cộng 11 năm. Cảm xúc của tập thơ này là cảm xúc của đám đông xuất phát từ cuộc sống thời đại. Giải Thưởng đã trao cho tác giả trong Đại Lễ Quốc Khánh tại Berlin, Đức vào ngày 11 tháng 5 năm 1991.



Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh năm 1992:


Trao cho bộ ảnh "Việt Nam Quê Hương Mến Yêu" của nhiếp ảnh gia Lê Quang Xuân. Ảnh của Lê Quang Xuân sở trường với những cảnh sắc thiên nhiên ở khắp miền đất nước mà ông đã có dịp đi qua. Ảnh Lê Quang Xuân còn một đặc điểm là nghệ thuật đuổi bắt từng phân ánh sáng, từng luống màu sắc của những lúc mặt trời lộng lẫy sáng mai, hay hồng óng ả lúc chiều tối. Thêm vào đó có những sinh hoạt bình dị miền quê cũng như những khuôn mặt thuần hậu Việt Nam với tất cả những mộc mạc dễ thương. Giải Thưởng đã trao cho tác giả trong Đại Lễ Quốc Khánh tại Toronto vào ngày 25 tháng 4 năm 1992.



Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh năm 1993:


Trao cho tác phẩm "Giàn Đậu Mưa Rung" của nhà văn Nguyễn Đức Lập. Đây là tác phẩm gói ghém những ước mơ bình dị của khắp một trời đất nước thương yêu với nhiều chua cay oan nghiệt, nơi mà người dân với mong mỏi đơn giản là được sống bình yên mà qua bao thế hệ vẫn chưa được mãn nguyện. Nó cũng nói lên cái ý chí tiềm ẩn đấu tranh quyết liệt từ trong lòng người dân Việt chất phác, trong đời sống bình thường hàng ngày. Giải Thưởng đã được trao cho tác giả trong Đại Lễ Quốc Khánh tại Houston, Texas vào ngày 4 tháng 4 năm 1993.



Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh năm 1994:


Trao cho thi phẩm "Thiên Đường Máu" của nhà thơ Hữu Loan. Tập thi phẩm gồm 4 bài trường thi, tác giả Hữu Loan đã vẽ lên cái thiên đàng mà dân tộc Việt Nam đang sống ra sao, dưới ách thống trị của bạo quyền Cộng sản Việt Nam. Từ Thanh Hóa, Việt Nam, nhà thơ Hữu Loan đã ủy nhiệm cho nhóm Quê Ngoại, để nhận lãnh Giải Thưởng được trao trong Đại Lễ Quốc Khánh tại Honolulu, Hawaii vào ngày 8 tháng 5 năm 1994.



Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh năm 1995:


Trao cho tập thơ "Hoa Địa Ngục" của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện. Với tinh thần bất khuất trong lao tù, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã sáng tác tập thơ nói lên cảnh đời tù dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Tác giả đã chấp nhận hiểm nguy đột nhập vào tòa đại sứ Anh ở Hà Nội để nhờ chuyển tập thơ này ra hải ngoại vào cuối thập niên 80. Nhờ vậy mà tập thơ và ý chí đấu tranh của tác giả được thế giới biết đến. Vào lúc trao giải thưởng, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện còn ở trong sự quản thúc của công an Hà Nội nên ông Chủ tịch Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật đại diện nhận tượng trưng trong Đại Lễ Quốc Khánh tại Tokyo, Nhật Bản vào ngày 9 tháng 4 năm 1996. Trong khi đó, toàn bộ giải thưởng đã được ngầm chuyển đến tận tay tác giả ở trong nước.



Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh năm 1996:


Trao cho tác phẩm "Chia tay ý thức hệ" của ông Nguyễn Xuân Tụ, có bút hiệu là Hà Sĩ Phu. Đây là tác phẩm phân tích tính không tưởng của chủ thuyết Mác Lê mà đảng Cộng Sản Việt Nam đã sử dụng như một cái bình phong che đậy đã tâm thực thi chế độ toàn trị trên đất nước Việt Nam. Tác phẩm này còn đề nghị một lối thoát cho Việt Nam là phải mạnh dạn chia tay ý thức hệ Mác Lê. Vào lúc trao giải thưởng, tác giả Hà Sĩ Phu còn nằm trong lao tù của Hà Nội nên cụ Giáp Ngọc Phúc, Chủ Tịch Cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn đại diện nhận tượng trưng trong Đại Lễ Quốc Khánh tại Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ vào ngày 12 tháng 5 năm 1996. Sau đó, toàn bộ giải thưởng đã ngầm chuyển đến tận tay tác giả ở trong nước.



Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh năm 1997:


Trao cho tập trường ca "Trái Tim Tôi Là Bến" của đồng tác giả Phan Văn Hưng và Nam Dao. Tác phẩm gồm những bài hát diễn tả tấm lòng yêu người, yêu quê hương của người dân Việt dù phải sống cuộc đời tha hương. Tác phẩm còn gói ghém niềm mong ước của người Việt tỵ nạn trong ngày trở về xây dựng lại Việt Nam một khi ách thống trị độc tài Cộng sản không còn nữa. Giải Thưởng đã được trao cho tác giả trong Đại Lễ Quốc Khánh tại San Jose, California, Hoa Kỳ vào ngày 4 tháng 5 năm 1997.



Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh năm 1998:


Trao cho tập "Chiến Sử Thủy Quân Lục Chiến - Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa", do Bác sĩ Trần Xuân Dũng cùng một số đồng đội Mũ Xanh biên soạn. Tác phẩm viết lại những hình ảnh chiến đấu oai hùng và sự hy sinh anh dũng của những người lính Việt Nam Cộng Hòa, và nhất là ghi lại những biến cố lớn ở miền Nam, từ cuộc đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963, trận đánh Bình Giả năm 1964, Mậu Thân năm 1968, hành quân Cam Bốt năm 1970 cho tới những cuộc hành quân nổi tiếng như Lam Sơn 1971, Quảng Trị 1972, Cửa Việt 1973... dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Nhưng trên tất cả, tập Chiến Sử đã viết lên tinh thần khắng khít và tình đồng đội giữa những người lính trong các đơn vị hành quân. Họ đã sống chết với nhau, cho nhau, vì tình huynh đệ chí binh và vì Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm. Giải thưởng đã được trao cho tác giả trong Đại Lễ Quốc Khánh tại thành phố Garden Grove, Nam California, Hoa Kỳ vào ngày 5 tháng 4 năm 1998.



Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh năm 1999:


Được trao cho tác phẩm "Lửa Hận Non Ngàn" của nhà văn Hoàng Chí Kiên. Đây là một tác phẩm ghi lại đầy đủ và xúc tích cuộc kháng chiến chống Pháp của những sắc dân thiểu số sống trên vùng núi rừng Tây Bắc, mà tưởng rằng đã bị lãng quên. Tác phẩm "Lửa Hận Non Ngàn" dựa trên dữ kiện từ những nhân chứng sống, bên cạnh các trận chiến bi hùng mà tác giả diễn tả lại giống như một huyền thoại, bàng bạc hình ảnh truyền thống văn hóa, phong tục của các sắc tộc Thái, Mèo, Xá, Kinh,....

Giải thưởng đã được trao cho tác giả Hoàng Chí Kiên tại Đại Lễ Quốc Khánh Việt Nam năm 1999, được tổ chức tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, ngày 17 tháng 4 năm 1999.



Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh năm 2000


Trao cho tác phẩm ảnh "Vá Cờ" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh. "Vá Cờ" là một tác phẩm nghệ thuật với những góc cạnh, ánh sáng và màu sắc đã được chọn lựa tinh tế để làm nỗi bật hình ảnh của một người phụ nữ Việt Nam ân cần vá lại lá cờ thân yêu vì nó đã được trả bằng máu và nước mắt. Tác phẩm người thiếu phụ ngồi lặng lẽ vá lại lá cờ thương yêu sau hơn 30 năm đã gợi lại hình ảnh xúc động của người và vật có thật. Đó là hình ảnh của người hiền thê của người chiến sĩ Hắc Báo năm nào đã hy sinh sau khi bất chấp lưới đạn thù, sung phong tiến lên xé cờ địch và cắm ngọn cờ vàng tự do trên Thành Nội Huế hồi Tết Mậu thân năm nào, cùng lá cờ in dấu rách vì vết đạn được đơn vị trao tặng cho người vợ chiến sĩ Hắc Báo vô danh.

Giải Thưởng đã được trao cho tác giả Nguyễn Ngọc Hạnh trong Đại Lễ Quốc Khánh Việt Nam, được tổ chức tại Atlanta, Georgia, ngày 22 tháng 4 năm 2000.



Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh năm 2001


Được trao cho tác phẩm video ca nhạc mang tính tài liệu có chủ đề "Chiến Tranh và Hòa Bình" của Trung tâm Asia, và những đóng góp cho nền văn nghệ âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại của nhạc sĩ Trúc Hồ.

Nhạc sĩ Trúc Hồ cùng nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng lúc còn sinh thời, thường được coi là trụ cột đảm trách phần âm nhạc của Trung tâm Asia. Với chủ trương trong sáng bền vững luôn ca ngợi công cuộc đấu tranh cho chính nghĩa tự do và lẽ phải bằng những sáng tác tạo hình ảnh sâu sắc cho người Việt, và nổ lực đào tạo tầng lớp nghệ sĩ trẻ, Nhạc sĩ Trúc Hồ và Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã góp phần tạo nên sinh khí sinh hoạt văn nghệ đặc thù của người Việt tự do ở hải ngoại.

Tác phẩm video ca nhạc "Chiến tranh và Hoà bình", lồng với tài liệu dẫn giải, cùng sự phối hợp tài tình của những bản nhạc dưới thời miền Nam Việt Nam Tự do, trong 3 tiếng đồng hồ , Trung tâm Asia đã mô tả lại trung thực giai đoạn lịch sử 30 năm chiến tranh, ghi lại những hy sinh vô bờ bến phản ảnh sự chiến đấu gian lao hào hùng đầy chính nghĩa của người chiến sĩ QLVNCH, qua đó những gia đình Việt Nam có dịp ngồi quây quần ôn lại và giải thích cho con em mình hiểu rõ thêm về cuộc chiến bảo vệ tự do của miền Nam Việt Nam. Đặc biệt là qua một vài nhân chứng sống, một cách bình thản không nặng thù hận trong phần phỏng vấn, cùng với những bài hát nhẹ nhàng đầy nhân bản trong tác phẩm "Chiến tranh và Hòa bình", đã dễ dàng tạo sự cảm nhận cho giới trẻ về hình ảnh người lính VNCH trong cuộc chiến mà có người muốn xóa đi.