Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Trăng Khải

Lê Tâm Chánh

1949. Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt... Gia tộc Trần Thiện Khải vốn là dòng dõi võ quan triều đình Huế. Một vài bạn cùng quê với Khải kể lại rằng: Ông cố của Khải trấn nhậm một phủ ở miền Nam, đến lúc được chiếu chỉ hồi đáo về triều thì trên đường đi, cụ bị ngã bệnh và tạ thế ở Ninh Thuận. Gia đình phải trụ lại đó. Khải trở thành "người Phan Thiết". Dù là cháu quan võ, máu văn nghệ cũng chảy rần huyết quản họ Trần. Trần Thiện Khải nhỏ tuổi hơn, nhưng lại đóng vai chú của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, tức ca sĩ Nhật Trường. Hết trung học ở trường Phan Bội Châu, Khải xách cây đàn thùng vào Sài Gòn để theo tiếp bậc đại học thời cuối thập niên 60, lúc chiến sự đã lên cao điểm sau trận Mậu Thân.

1971. Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt... Giòng máu võ quan đâu đó trong người sôi sục, Khải rời những con đường cây dài bóng mát để làm quen với thao diễn trường nắng cháy da người. Sau mấy tháng căn bản Quang Trung và gần nửa năm thực tập trên các tuần duyên hạm, Khải vào khóa học chính thức ở Nha Trang: Song Ngư II. Vẫn không quên mang theo cây đàn.

Khải ít nói, và cũng không nhiều bạn. Chỉ nói điều rất cần nói, cho người rất cần nghe. Không thiếu, nhưng nhất định cũng không để thừa chữ nào. Người không quen cứ bảo là tính Khải hay "cộc". Bạn đã thân thì biết rõ Khải trọng chiều sâu hơn diện rộng, và không thiết những điều phù phiếm. Có thì có tự mảy may. Không thì cả thế gian này cũng không. Khải sống rất thật, và sống hết mình. Ghét nhất là tính đãi bôi. Châm ngôn sống -dao to búa lớn một chút gọi là nhân sinh quan- của Khải có thể đúc gọn thành 3 chữ: "Có đáng không?". Sau đó tra thêm một động từ vào giữa. Có đáng nói không. Có đáng chơi không. Có đáng làm không.... Mà hễ nói thì không ngại ai. Còn hễ làm thì không ngại việc. Nhất định sẽ làm tới nơi tới chốn. Làm kỳ được.

1972. Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo... Trong số 280 sinh viên cả khóa, Khải thuộc hàng cao thủ "độc cô cầu bại" về ngón đàn thùng cổ điển. Tất nhiên, không thể nào tưng tửng khảy đàn trong thời huấn nhục. Lúc nhập khóa, ít ai biết tài chơi đàn của Khải, nên đã bầu anh Lương Ngọc Tâm làm Trưởng ban Văn nghệ ,vì trước khi nhập ngũ, anh Tâm là người sáng lập và cũng là trưởng ban nhạc trẻ 3 Con Mèo (The Cat Trio). Khải hợp lực hết mình trong ban nhạc 24. Lúc sinh viên khóa 23 đàn anh ra trường, 24 lại chưa có đàn em, vì đây là khóa học đầu tiên áp dụng lại chương trình hai năm như các khóa 18 trở về trước. Không đàn anh. Chẳng đàn em. Sáu tháng này đúng là "vàng son một đận" của Song Ngư II, nói chung.

Bấy giờ, Khải thường ôm đàn ngồi trên bậc tam cấp của doanh trại mà dạo nhạc hàng đêm. Có đêm, ánh trăng xuyên qua hàng dương rọi xuống khoảnh sân cát kéo láng từng đốm sáng dị hình. Tiếng đàn của Khải lại vọng ngược lên tầng không, vi vu hòa âm cùng gió biển thầm thì. Khải có những trăn trở riêng. 24 nhập học vào thời Lam Sơn 719 cháy bỏng. Rồi Bình Long An Lộc trùng điệp mấy tầng vây hãm. Qua năm sau là cờ bay trên Quảng Trị thân yêu ở khúc cuối Đại Lộ Kinh Hoàng của mùa hè đỏ lửa. Các sư đoàn tổng trừ bị Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân được điều động trám chỗ như sao xẹt khắp bốn vùng chiến thuật. Vậy mà tuyệt nhiên sinh viên trong trường không được biết gì nhiều về tin tức chiến sự và những bài học rút tỉa. Sinh viên bên trường Không Quân cũng vậy. Đám sinh viên Võ Bị xuống Nha Trang học chuyên ngành cũng không khác. Các giờ học chiến tranh chính trị chỉ đạt hiệu năng ngủ bù cho những ngày đi bờ hay những đêm chụm đầu cà phê thuốc lá. Người ở lại Charlie không đủ để trả lời dứt khoát nỗi hoang mang ...Em hỏi anh bao giờ trở lại? Báo chí Sài Gòn chỉ nói về tham nhũng, về buôn lậu có còi hụ, và về những hoạt động xôi đậu của đám khoa bảng lửng lơ thuộc thành phần thứ ba. Hay nói về chính sinh hoạt báo chí những ngày ký giả ăn mày... Sinh viên sĩ quan được trang bị rất dày về kỹ thuật, cả chỉ huy, thiên văn, khí tượng, hải hành, hải pháo và ...cơ khí, nói chung là trên trời dưới nước đủ cả; nhưng lại rất mỏng về bối cảnh, ý thức và vai trò trong cả cuộc chiến. Làm sao ra trường thạo việc cốt lõi mà đánh đấm cho ra hồn? Đã vậy, Hải Quân hành khúc vẫn cứ rạt rào "Ra đi không vương thê nhi". Tác giả chưa từng đi lính hay chưa từng lập gia đình?

1973. Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi... Ai vậy? Khải không kể, không nói. Cũng ít khi nghe gọi tên nhận thư. Chỉ ôm đàn ra ngồi dưới bệ tượng thánh Trần ngoài công viên Thánh Tổ mới xây, lặng ngắm Hòn Tre mờ mờ ngoài khơi, đợi con nước lớn, chờ vầng trăng lên. Nhưng, để ý kỹ, tiếng đàn của Khải ngày càng ngọt hơn cho tới lúc ra trường. Kỷ yếu ra trường của khóa, mỗi đứa một trang, in hình, ngày sinh, quê quán, và ước vọng, để sau này lật ra xem lại mà nhớ nhau, và có khi là để ghi thêm ngày thủy táng. Lắm anh dệt mộng hải hồ ở phần ước vọng này. Bao nhiêu bến nước bấy nhiêu bến tình! Thực tập trên đệ thất hạm đội! Tu nghiệp ở San Diego! Ghi nhật ký hải hành trên Soái hạm! Hoặc giả, xa hơn nữa, mong một ngày ...sao rơi trên áo! Mỗi chàng một kiểu, mười trang đủ mười. Khải chỉ ghi vỏn vẹn mấy chữ: "Ước vọng lớn lắm, viết không đủ". Bạn sơ bảo thằng này... lối! Bạn thân, phải rất thân, mới biết chí khí Khải ngất trời.

Học viện Hải quân Nha Trang có truyền thống cho sinh viên chọn nhiệm sở lúc ra trường ưu tiên theo thứ hạng tốt nghiệp. 280 ô nhiệm sở được vẽ sẵn trên bảng. Thường ra, 2 hoặc hơn 2 nhiệm sở là thuộc cùng một đơn vị. Tổng cộng có trên 100 đơn vị. Mỗi người chọn một ô, lần lượt từ thủ khoa đến vĩ khoa. Sinh viên vĩ khoa được nhận thêm một chiếc đồng hồ Seiko-5, như một quà tặng an ủi vì không còn chọn lựa nào khác. Các đơn vị tàu biển thường được anh em chọn trước. Từ hạm đội, tới hải đội, tới duyên đoàn... Phần nhiều các ô nhiệm sở giang đoàn tác chiến vẫn để trống và ưu ái dành riêng cho các bạn cuối sổ, đặc biệt là các nhiệm sở kiêu hùng thuộc Lực Lượng Thủy Bộ. Khải từng thực tập nhiều tháng trên tàu tuần duyên trước đây, giỏi Anh ngữ, lại đậu cao, nên khi ra trường chọn ngay nhiệm sở tuần duyên HQ614, phần lớn công tác trên hải phận vùng 1 và vùng 2 duyên hải. Vậy là Thiếu úy Khải bấy giờ chưa có duyên gặp gỡ vị Phó đề đốc Tư lệnh Lực Lượng Thủy Bộ trẻ tuổi và nổi tiếng của cả hải quân Việt Nam.

Những tách cà phê, những điếu Bastos quân tiếp vụ chuyền nhau. Cả khóa chia tay, bung nở như bắp rang trên một tấm bản đồ da beo sau hiệp định Paris. Cộng sản đã hợp thức hóa được những vùng cát cứ trong Nam. Những ngày đầu tân đáo đơn vị, nhiều người bạn của Khải đã thả chiến đỉnh dọc theo sông lạch để bắn gãy từng dãy cờ ba màu. Những mật khu Hốt Hỏa, Cồn Kẻm, Thạnh Phong... trở thành vùng oanh kích tự do. Kinh Phụng Hiệp vừa được khai thông xuống tới U Minh Thượng và U Minh Hạ.

1975. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này... Đứt phim. Gãy gánh. Rã đàn tan nghé. Song Ngư II ra trường chưa đầy 2 năm. Vài đứa rơi rụng trận Hoàng Sa. Đám còn lại chưa đứa nào kịp đổi nhiệm sở. Cũng chưa kịp vẽ thêm 1 gạch mỏng trên cầu vai. Hơn nửa khóa kẹt lại, chờ ngày đăng ký tù cải tạo. Một số trôi dạt ra hải phận quốc tế rồi qua Phi. Mọi người chỉ nghe trên máy truyền tin giọng nói duy nhất của vị Tướng hải quân trẻ tuổi lừng danh vừa kể điều động cả hạm đội ngày di tản. Lần đầu tiên, Thiếu úy Hạm phó Trần Thiện Khải được nghe lệnh trực tiếp từ Phó đề đốc Tư lệnh Hoàng Cơ Minh. Nhiều bạn khác không được vậy. Có đứa lái khinh tốc đỉnh PCF dọc sông Lòng Tảo rồi nhảy lên tàu Trường Xuân. Có đứa đi bằng ghe Ferro xi măng -do Hải quân Công xưởng Việt Nam chế tạo cho nhu cầu trấn thủ các cửa sông- từ mờ sáng ngày 1 tháng 5, mất mấy ngày liền mới tới Singapore, nhưng không được quy chế tỵ nạn cộng sản, phải vòng về Phi. Không mộng ước thực tập đệ thất hạm đội cũng phải qua Subic Bay và Orote Point. Không mơ ngày tu nghiệp ở Hoa Kỳ cũng lục đục qua Guam, qua Wake, rồi qua Mỹ. Đứa thì Marines Camp Pendleton (San Diego, California). Đứa thì Fort Indiantown Gap (Philadelphia). Đứa thì Eglin Air Base (Florida). Đứa thì Fort Chaffee (Arkansas). Khải rơi vào trại Fort Chaffee, cùng với một số bạn khác, hầu hết đều độc thân: Đỗ Thành Huấn, Lương Văn Mỹ, Nguyễn Sáng Chiếu....

Khải sớm nhận được giấy tờ của nhà thờ bảo trợ ở Rhode Island, rời trại trước anh em. Đêm trước ngày rời trại, Khải nhận 20USD theo thủ tục giắt túi cho chi phí ăn uống đi đường, nhưng lại mời cả đám 24 ra sân cỏ trước thương xá nhà binh PX cùng uống với nhau một ly bia bọt chia tay. Mỹ mượn được cây đàn thùng của nhóm thanh niên Phật tử. Khải cầm đàn yêu cầu mỗi đứa hát một bài. Toàn những khúc sầu nhớ, rã rượi, buông xuôi. Cả đám xúm nhau điểm danh đám bạn còn gặp được mặt nhau ngày đứt phim và kể chuyện hạ kỳ lần cuối khi tàu vào cảng Subic, mỗi đứa một phiên bản khác nhau, ngoại trừ điểm chung là những giọt nước mắt tức tưởi của đám đàn ông bỗng dưng bị trói tay thả trôi ra biển. Tới phiên sau cùng, Khải dạo bài Tan Tác của nhạc sĩ Tu Mi: "Bây giờ chim đã bạt ngàn khôn tìm...Cách sông cách núi muôn trùng...Gió ơi...". Hỏi ra trại định làm gì? Khải bảo: Đi học. Và khuyên các bạn 24 nên theo học lại ngành nào từng mê thích trước khi vào lính. "Để sau này còn có chỗ tiến tới. Có khi tiến tới chính là trở về, không chừng!". Rồi ghi số điện thoại của nhà thờ bảo trợ. Rồi chia tay, lần nữa. Huấn Đỗ về California. Lý Văn Quy về Kansas. Chiếu & Mỹ cùng về Minnesota. Mấy đứa còn lại mỗi đứa một nơi...

1976. Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò... -Alô, Mỹ hả? -Alô, Khải hả, đang ở đâu đó? -New York! Mỹ rủ mấy bạn bên đó qua đây nghe diễn thuyết nha! -Khi nào? -Cuối tháng 5. –Ai thuyết? –Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh! –OK, bọn này sẽ qua DC dự lễ Phật đản rồi chạy lên NY gặp Khải.

-Alô, Khải ơi, Mỹ đây! -Đang ở đâu vậy? –DC! Sorry Khải, bọn này phải quay xe về lại Minnesota. Thằng Chiếu bị tai nạn lật xe, gảy giò. Hai thằng em nó cũng đang nằm nhà thương, không ai lo. Đi nghe diễn thuyết có gì hay kể bọn này nghe với, nha! –OK, Mỹ, hẹn dịp khác!

Dịp khác không có chuôi để cho ai nắm. Dịp khác thoảng qua như gió, không quay lại. Nhà Phật bảo là thiếu căn duyên. Nhiều bạn vượt biên đã qua tới Mỹ, tới Úc... Khải ra trường năm 79. Nhiều bạn khác ra trường năm 80. Vài đứa gửi thiệp hồng mời bạn bè về dự lễ cưới. Nhiều đám tụ họp cụng ly côm cốp, cười nói râm ran. Khải vẫn cu ky độc thân một cõi. Nó đợi ai? Nó tính chuyện gì vậy cà? Nó bảo nó chưa muốn thả neo. Nó bảo nó không muốn được nuông chìu hay bị ràng buộc. Cái thằng đến lạ! Mà hẳn phải vậy. Ước vọng của nó đâu phải là tấm văn bằng hay một mái ấm. Ước vọng của nó lớn lắm!

1981. Chàng từ đi vào nơi gió cát... –Alô, Mỹ hả? –Alô, Khải đang ở đâu vậy? – Bắc Cali. Gọi chia tay với Mỹ. Nhờ Mỹ nói lời chia tay với các bạn khác. –Chia tay ...để đi đâu? -Về chứ không phải đi. –Mình bay qua gặp Khải được không? –Không kịp đâu, sáng mai rời đây rồi. Cho mình gửi lời chúc thành công đến các bạn 24, và một lời nhắn đừng quên Việt Nam. Đừng quên Sài Gòn đã bị xóa tên. Làm gì cũng phải nhớ đến lần cả bọn trôi ra biển. Còn đám bạn không kịp trôi nữa... -Ừ, sẽ làm đúng theo lời Khải. Làm sao liên lạc nhau? -Đừng lo, sẽ có tin. -Ừ, nhớ báo tin nha! -Thôi bye Mỹ! -Thượng lộ bình an nha Khải!

Tuần sau, thằng bạn ở Oklahoma nhận được mấy chữ viết vội của Khải, kèm theo là bản sao 3 bài nhạc viết tay, thay cho một cái bắt tay giã biệt:

...một ngày kia chim đàn reo vui ngày hội
mừng quê ta thái bình em bé hát vang
toàn dân quân chào đón khúc ca khải hoàn
nước Việt mình nam-bắc sống bình yên...
                               (Một Ngày Kia – 1980)

...em vẫn đợi anh về, mơ một ngày vui hội trùng dương
quê hương đẹp rạng ngời, đôi ta về thăm lại ruộng nương
trên lối quê làng cũ, lũ bé thơ hát ca mừng reo
muôn nơi sạch giặc thù, đôi ta cùng trọn đời bên nhau...
                             (Em Vẫn Đợi Anh Về - 1980)

...Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi, đất nước ta sẽ qua cơn nhọc nhằn
sức anh sức em chung một lòng, ta sẽ cùng xây đắp núi sông...
                              (Sài Gòn Ngày Chiếm Lại - 1980)

Sau đó khá lâu anh em mới biết Khải gọi nhờ cú phôn từ giã đó từ appartment của anh bạn Lê Văn Nam. Còn chuyến đi đó là Khải tháp tùng chuyến mở đường của Thầy Minh về dựng chiến khu. Trời ơi, chí khí như vầy viết sao hết?

1981. Chỉ ngang ngọn dáo vào ngàn hang beo... Xốn xang không chịu được. Không dưng cứ bắt nghĩ hoài, nghĩ hoài, về những thay đổi cùng trời cuối đất để thích ứng với môi trường lạ hoắc của bạn ta, một tên lính thủy lên rừng: Từ chiến hạm tới chiến hào - Từ tiểu lễ trắng tới bà ba đen - Từ dây biểu chương đỏ tới khăn rằn xám – Từ tách cà phê Hầm Gió tới ca nước gạo rang tam biên - Từ cá thu tươi tới khô cá hố – Từ kính sextant tới la bàn bỏ túi - Từ thứ bảy đi bờ tới chiếc võng và cây đàn dưới gốc bằng lăng trong ngày "Im Lặng" - Từ Gunship PGM với cao xạ Beaufort 40mm tới sức mạnh dân tộc là chính - Từ dĩa chateaubriand steak ở Thanh Bạch tới ca mì gói MaMa chua cay trơn tuột - Từ gói Cotab béo ngậy tới bịch thuốc rê khét đắng - Từ thẻ kẹo Chicle gum tới vốc quinine - Từ "ra đi không vương thê nhi" tới Lá Thư Người Kháng Chiến...

thức suốt đêm nay anh viết về cho em yêu
anh viết về cho con ngoan với những dòng thương mến
nơi đây cây lá như đang thì thầm
bên ánh lửa đang bập bùng làm lòng anh nhớ mong
dứt áo ra đi anh quyết vì làng quê
đang mong ngóng từng người trai mau mau trở về quê cũ
em ơi, em nhớ hiểu cho rằng là đất nước ta
đang đợi chờ và giục anh bước về...
...em ơi, ngăn cách ta đâu sờn lòng
mong non nước mau hòa bình: đẹp ngày vui chúng mình.

Vợ còn chưa có, có chi con. Vậy mà cứ làm nhạc biên thư gửi vợ, thăm con. Khải đang xỏ chân vào đôi giày của một vài bạn đi cùng chuyến chăng? của bạn Nguyễn Trọng Hùng? của bạn Trương Tấn Lộc? của những người chỉ dõi mắt nhìn về phía Đông là phía trước?

1981. Xưa nay chiến địa dường bao... Lại nghĩ tiếp, về bạn mình. Thử mường tượng ra những ngọn núi chơ vơ giữa rừng già nhiệt đới. Cây cao, bóng cả. Ngày nóng, đêm lạnh. Muỗi vắt tràn đầy. Bạn mình học trong lều, những lớp chân truyền. Bạn mình họp trong hốc núi, bẻ nhỏ chiến lược canh tân đường dài miên viễn thành chiến thuật giải phóng giai đoạn trung hạn và ngắn hạn. Bạn mình ghi chép tài liệu bằng cái máy đánh chữ Remington mổ cò tróc sơn của Thầy Minh cho mượn. Bạn mình soạn bài giảng trên chiếc bàn tre ọp ẹp, về các kỹ thuật vận động đồng bào thành phong trào quần chúng. Bạn mình trang bị lại cho nhiều bạn khác ngồi bệt dưới những tàn cây, cả những bạn từ bên kia trở về với khẩu AK hoặc 1 cây B. Ngày dạy. Tối gác. Tắm suối. Ngủ võng. Chu kỳ làm việc 9 ngày thay cho một tuần 7 ngày. Bạn mình ngồi ghé lên tảng đá cạnh lều, khảy đàn làm nhạc. Thỉnh thoảng có một tối sinh hoạt đông người, có chè đậu, có đống lửa, có đàn thùng...

bùng lên bùng lên lửa thét vang trong rừng đêm nay
bùng lên bùng lên lửa thét vang trong lòng reo sôi
bùng lên bùng lên lửa thét vang trên vạn đôi vai
lửa thét vang trên mặt sáng ngời
bùng lên bùng lên lửa ơi bùng lên xóa tan đêm dài
...
bùng lên bùng lên lửa sáng soi nung hồng tim anh
bùng lên bùng lên lửa sáng soi nung hồng tim em
bùng lên bùng lên lửa sáng soi nung lòng muôn dân
lửa sáng soi nung lòng xóm làng
bùng lên bùng lên lửa ơi, bùng lên phá tan gông xiềng.
                                    (Lửa Cháy Trong Rừng - 1981)

KCQ Trần Thiện Khải tại một buổi sinh hoạt văn nghệ trong khu chiến
1981. Nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu... Lửa trong tim. Lửa trong máu. Lửa trong rừng. Lửa muốn bùng, muốn lan về tận đồng bằng Âu Mỹ. Lửa muốn vươn lên tận Na Uy cực Bắc. Lửa muốn rọi xuống Úc cực Nam. Lửa muốn bùng cao ngọn tràn về Việt Nam yêu dấu. Nói gì đây với các bạn đồng lứa? Nhắn gì đây với các bạn đồng khóa, các bạn đàn anh, các bạn đàn em, các bạn cùng trường, các bạn đã từng một thời ở cùng chiến tuyến? Núi sông vẫn đang chờ mãi? Dân ta vẫn đang chờ mãi? Đến khi nào?

Chính Khải cũng đang chờ mãi. Bao nhiêu bạn 24 giơ tay? Bao nhiêu bạn khác, đã gặp và chưa gặp, có chung một tần số suy tư về đất nước? Bao nhiêu bạn đã quen và chưa quen có chung một ước vọng thiết lập đài phát thanh kháng chiến? Bao nhiêu bạn sắp quen sẽ chuyển đổi ước mơ thành hành động? Bao nhiêu bạn sắp quen sẽ có dịp cùng hát vỡ phổi Bài Ca Đông Tiến?

rừng đêm nay âm u bóng trăng mờ mờ xa biên khu
đoàn người đi bên nhau mắt căm hờn còn in bóng thù
chìm trong cây tiếng chim như giục lòng ai
gió theo như giục bước dài
màn sương rơi thấm vai, núi sông vẫn đang chờ mãi
quyết thề cùng lòng chiến đấu cho một ngày mai
ơi! anh em ơi! tiến qua trời đông, quân reo vang khắp nơi tưng bừng
ơi! anh em ơi! tiến qua trời đông, mai sương tan đón thái dương hồng
nắng say men lòng rung khắp nước Nam
đoàn quân qua phương đông, mắt trông vời miền quê xa xăm
rừng hôm nay hân hoan đón ta về toàn dân réo mừng
thù kia ơi, bấy lâu ta còn nung sôi, bấy lâu ta còn nhớ hoài
dù xương rơi, máu rơi, núi sông vẫn đang chờ mãi
quyết thề cùng lòng chiến đấu cho một ngày mai
vượt Trường Sơn đêm nay, bước chân dài lòng ta mê say
hành trang mang trên vai, lá cây rừng còn in dấu giày
thù chưa vơi, nước non như giục lòng ai, bước đi ta còn bước hoài
dù chông gai, hiểm nguy, núi sông vẫn đang chờ mãi
quyết thề cùng lòng chiến đấu cho một ngày mai
                                                         (1981)

1982. Thuở đăng đồ, mai chưa dạn gió... Ngày lên đường, chẳng màng hoa lài hoa sói, nói gì mai lan cúc trúc. Nay lủi thủi trong rừng, bóng người chen bóng lá. Liệu là bạn mình có để ý... Nếu mai không nở... ai nhắc xuân về? Tết ngoài này là một quay đầu ngó lại, và ngó nhau. Hải ngoại đã bắt đầu có bánh chưng xanh, có tràng pháo đỏ. Có hàng mứt đủ màu. Có cành đào sai nụ...

Hải ngoại có cả thư nhà kể chuyện xuân về trên vùng kinh tế mới. Bo bo với bột mì không gói được bánh tét bánh chưng. Thằng em trai còn đang tính kế trốn nghĩa vụ quân sự, con em gái phải bỏ ngang công trình thủy lợi, hỏi còn lòng dạ nào ăn Tết? Gói bột ngọt và chiếc quần jeans gửi về đã chạy ra chợ trời tức khắc. Xuân đến làm gì? Tết nhứt mà chi?

Còn bạn ta? Tết nhứt trong đó ra sao? Có được thêm gói thuốc thơm, khúc lạp xưởng, nhúm trà tàu và đôi ba cây viết Bic?

...mừng mùa xuân chim vang trên cây lá
bước chân xa phiêu du thoáng nghe tưng bừng
mặt trời loang trên vai chan tóc gió
tiếng quân ca bên nhau chiều nay ầm vang
mùa xuân khởi nghĩa toàn dân hôm nay
thề giải phóng đất nước hết quân tàn ác
vòng tay anh cứng như đồng
bàn tay em mát như lòng
cùng chung ta quyết phá tan gông cùm
bừng mùa xuân non cao lên thét
thoáng xa xa mê say suối reo vang rừng
một đoàn quân mơ xuân theo ánh mắt
nhắn quê xưa một ngày khởi nghĩa thành công
                            (Mùa Xuân Khởi Nghĩa - 1982)

Hóa ra, trong đó, xuân hạ thu đông chẳng khác gì nhau. Túm lại, với các kháng chiến quân, rừng già chỉ có hai mùa: mùa mai phục và mùa khởi nghĩa. Dường như anh em đã có cảm giác bó chân, học hoài mà chưa được lệnh xuống núi. Bài nhạc xuân, do vậy, có hơi hướm cuồng cẳng của những con người nghĩa dũng chờ phát pháo lệnh.

1983. Sứ trời sớm giục đường mây... Cương Lĩnh Chính Trị. Đại Hội Chính Nghĩa. Cơn sóng trào dâng triệu triệu người. Mắt sáng. Môi cười. Mặt ngẩng cao. Tay bắt tay vồn vã. Chưa bao giờ người Việt Nam ở nước ngoài có thể tập họp mười một ngàn người một lúc, một chỗ. Tình nhớ, Tình sầu, Tình xa, Tình lận đận, và cả Tình tang hay Tan tác nhạn đã xa bầy... hoàn toàn không còn chỗ đứng, không chen vào đâu được.

"Vì tương lai của dân tộc, vì tương lai của đất nước, vì tương lai của con em chúng ta, vì tương lai của chính chúng ta, vì tương lai của toàn thể Việt Nam yêu dấu"... Đỉnh cao lòng người bây giờ là phất phới cờ bay... Hẳn là bạn mình trong kia không khác:

...cờ bay, cờ bay, quân ta về rộn như sóng khơi
đường xa tràn tới, sát vai nhau ta thề giành lại quê xưa
tiến lên đoàn quân ơi, cờ tung bay bay khắp mọi nơi
cờ tung bay lừng vang thế giới
trái tim anh nung hồng, trái tim em không sờn
làm cho xứng danh giống nòi Việt Nam
                     (Cờ Bay Trong Vòm Trời Cũ - 1982)

1984. Chàng từ sang Đông-Nam khơi nẻo... Thế nào Khải cũng reo vui: Các bạn Khải ngoài này nhập cuộc: Lê Mỹ Long, Nguyễn Ngọc Mi, Lương Văn Mỹ, Nguyễn Cửu Chi, Tô Tiếng, Trần Văn Luyến, Nguyễn Văn Phẩy, Nguyễn Đăng Tiến, Đặng Viết Nghị,... rồi có thêm Nguyễn Hòa Nguyên góp sức...

Chưa đáng kể. Thế nào Khải cũng reo vui hơn thế nữa: Nhà văn Võ Hoàng về khu chiến. Măng đầu mùa, gởi lại. Câu chuyện người ăn mày và cánh cửa đóng, gởi lại. Đi, hành trang có niềm tin, quyển thơ Nguyễn Trãi, tấm hình vợ con. Lại thêm một tay lính thủy lên rừng. Cũng là dân ít nói. Chỉ làm. Làm tận mạng. Hợp rơ nhau là chắc. Chẳng vậy mà chỉ ít lâu sau, mọi người nhẩm hát bài "Ngủ đi em, mai sáng lên đường", thơ Võ Hoàng, đề tặng Trần Thiện Khải.

Ngủ đi em. Đêm tối trời hay đêm có trăng? Đừng bận tâm. Ngủ đi em. Chờ sáng lên đường. Chờ ngày hội ngộ.

ngồi quanh xem trăng sáng chiếu ven chân rừng
lặng lẽ muôn ngàn lá ru lời theo gió
trăng nhắn mong ai từ chiến khu mờ
bên lửa hồng một ngày xông pha giết thù
rừng ơi mang trăng sáng đến rung bao lòng
vì nước nên lìa mái gia đình êm ấm
trăng hỡi theo ta về dưới mái nhà
nhắn ai chờ một ngày ta sẽ trở về!
chân vui theo bước tang bồng
đêm nay ôm súng mơ mộng
hẹn người cuối tận trời mong
một ngày cách mạng thành công

cây nghiêng nghiêng bóng mây dài
quê hương đang thiết tha lời
từ ngày quân giặc vào đây
là ngày oán hận ngàn nơi...
hò ơi, hò hỡi, lòng đã quyết ra đi

vì vương mang câu thề
ngày mai sông núi kia
ngời xanh bao ước mơ...
đàm chim say trăng sáng ngủ yên trên cành
trời lắng đêm dần vắng sương lạnh rơi xuống
vai sát bên vai, lòng ấm bên lòng
mắt căm hờn chờ ngày đi ra chiến trường.
                                             (1982)

Trăng Chiến Khu - Mori No Naka No Tsuki No Hikari. Giáo sư Masuda -khoa trưởng kịch nghệ đại học Tamagawa- đã chuyển ngữ sang tiếng Nhật và làm nhạc đệm cho vở kịch Nhớ Về Biển Cả Xa Xăm.

Lại biển. Những cánh buồm chuyển bến. Những con tàu đưa người qua eo biển buông xuôi, cặp bờ quật khởi.

1986. Biết nay chàng tiến thảo nơi đâu... Đại hội Trưởng Cơ Sở kỳ I, ở hải ngoại. Khải không ra. KCQ Võ Hoàng thay mặt toàn thể anh em trong đó để sinh hoạt với tất cả anh em về dự đại hội. Bất ngờ. Hỏi thăm về Khải, bạn Võ Hoàng chỉ nói dữ kiện: khỏe, hăng... vậy thôi! Nhưng qua câu chuyện cả đêm, anh em hiểu ngầm ý nhà văn kháng chiến muốn kể là Khải nhường công tác cho các bạn có gia đình ngoài này được dịp về thăm một thoáng. Nhắn gì cho bạn? Gửi gì cho bạn? Lột cái đồng hồ nhờ bạn Võ Hoàng trao dùm cho Khải làm kỷ niệm, bạn ta không nhận, bảo rằng Khải sẽ không nhận đâu, vì không muốn khác với anh em trong đó. Hết đường nằn nì năn nỉ. Thôi, chỉ xin gửi một lời nhắn: mong Khải giữ gìn sức khỏe. Võ Hoàng gật đầu. Vậy nha! Thăm Khải và làng Đồng Sơn mà Khải từng qua.

có những người em chờ anh trong gió
mái tóc nhẹ bay che cánh môi hồng
em ngắm trời xanh cười tươi hớn hở
ô! các anh về áo nhuộm phong sương
có những người em bàn tay xinh xắn
nấu bát chè tươi anh uống cho đầy
đôi mắt hồn nhiên ngồi nghe anh kể
chuyện giết quân thù ở tận chốn xa
có những người em đi chân trần áo xậm
thức sớm ngủ khuya đợi chờ tin kháng chiến
có những người em bên nương cà đám ruộng
dãi nắng dầm mưa một lòng thương mến anh
có những người em chờ anh trong nắng
cây lá chợt vui anh ghé qua làng
đôi má hồng nhan chiều nay bỗng thẹn
anh chiến khu về tóc lộng biên cương
có những người em lòng như hoa sớm
thương những người trai mãi miết sông hồ
đôi mắt dịu êm dường như đã hẹn
ơi các anh về giải phóng quê ta
       (Những Người Em Ở Làng Đồng Sơn - 1982)

1987. Trải mấy thu, tin đi tin lại... Khải đã chờ từ ngày đặt chân lên Orote Point. Khải đã trải lòng ra với anh em về hai chữ Đi-Về từ ngày rời Fort Chafee. Khải đã tự mình nung nấu suốt thời gian theo học ở Rhode Island. Khải đã nhắn lời chia tay với anh em qua cú phôn từ Bắc Cali. Khải đã về. Lần này, Khải đếm những bước cuối trên đoạn đường về. Với Thầy. Với bạn Võ Hoàng. Từ tam biên ngoài tới tam biên trong. Đích đến là vùng cao nguyên Tây Trường Sơn.

một đoàn quân đi từ sáng tinh mơ rồi
ngàn chim ca hát chào đón bao nụ cười
hẹn cùng ai đó hãy nhớ nhé
đường về quê cũ không bao xa
khắp nơi mong chờ ta quyết đi dựng bóng cờ
mặt trời réo vui vui trên vai
một ngày xinh tươi trên môi
chở đời đổi mới đến vạn lòng thôi.
              (Một Đoàn Quân - 1981)

Đi, hành trang có niềm tin... Không chỉ niềm tin son sắt, mà là cả tấm lòng phơi gan trải mật.

chấp nhận đầu mình rơi, mới mong trăm đầu khác mọc
chấp nhận đầu mình rơi, mới mong trăm đầu khác mọc
dù hy sinh tấm thân trong cơn lửa binh
cùng hiên ngang đứng lên tung đập xích xiềng
...chấp nhận đầu mình rơi, mới mong trăm đầu khác mọc
chấp nhận thân mình gục, mới mong ngàn thân khác đứng lên.
                       (Chấp Nhận Đầu Mình Rơi - 1981)

1981, lúc Khải về chiến khu, thế giới chưa dùng phone di động, cũng chưa có cả cordless, nói gì wi-fi. IBM còn đọc data bằng phiếu đục lỗ. Đây là lúc đám bạn 24 di tản của Khải ở Mỹ tốt nghiệp đại học nhiều nhất, cùng lúc, cũng là thời những bạn 24 khác của Khải ra tù cải tạo và vượt biên nhiều nhất.

1987, lúc Khải vào chặng cuối con đường Đông Tiến, "xông pha gió bãi trăng ngàn, tên reo đầu ngựa, dáo lan mặt thành", cũng là lúc Tổng thống Reagan đứng trước bức tường Bá Linh và để lại câu nói bất hủ: "Mr. Gorbachev! Please tear down this wall". Bức tường ô nhục đã sập trong tim những người yêu chuộng tự do nhiều năm trước đó. Bức tường Bá Linh đã sập thực sự 2 năm sau đó. Có còn chăng, bấy giờ, nói theo Bắc Phong, là những bức tường ngờ vực, tị hiềm và vị kỷ trong lòng chúng ta.

1987, dân Mỹ chỉ mới nâng cấp vi tính từ dàn Intel 386 lên 486. IBM đã nâng cấp dàn máy đánh chữ mổ cò lên máy đánh chữ quả cầu, vẫn còn nghênh ngang thế giá trong các văn phòng, các công ty. Thế giới bấy giờ chưa có CD Rom Drive. Cũng chưa có Starbuck Coffee. Cái ca cà phê gạo rang của Khải và cái máy đánh chữ mổ cò mà Khải thường xin dùng nhờ của Thầy bây giờ ở đâu?

1989. Tới xuân này tin hãy vắng không... Đoàn khác lên đường. Vừa tìm Thầy, tìm Bạn; vừa nối gót các bạn tiên phong thâm nhập tiếp. Nhồi sóng. Liên hoàn. Đứng lên.

Trong tiết mục Văn Học Nghệ Thuật của đài Việt Nam Kháng Chiến, phát thanh ngày 15 tháng 5 năm 1986, nói về "Tình yêu và Quê hương trong Kháng Chiến Ca", có đoạn:

"... Trong nhiều bài ca kháng chiến, tình yêu được ca tụng nhờ tính thanh cao và hy sinh của nó. Nỗi lòng của những người mẹ, người vợ, người em, người yêu, v.v... là nỗi lòng của những người thiết tha với quê hương, sẵn sàng hy sinh những tình cảm bấu víu, tạm bợ, mong manh trước mắt, để hòa lòng vào nhịp đập đấu tranh cách mạng của toàn dân trong giai đoạn cứu nước này. Can đảm khuyến khích người thân dấn bước lên đường làm nhiệm vụ cứu nước, sẵn sàng lăn xả vào đấu tranh không kể gì đến thân mình và một lòng tranh đấu cho quê hương... chính là tấm lòng cao cả, là những tấm gương sáng và là tình yêu mà Kháng Chiến Ca đang xiển dương, hát tặng...".

Những người chinh chiến bấy lâu. Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây. Miễn là có người nối bước. Miễn là có người đi tới. Lừng lững đi tới. Mọi ngả. Mọi cách. Quy luật này từng được đồng bào ta từ thời Lạc Long-Âu Cơ gọi là Lịch Sử.

1992. Dấu chàng theo lớp mây đưa... Người KCQ mang bí số 250 đưa bạn Khải đến thăm dòng sông chỗ vượt. Ngồi vào chỗ Khải từng ngồi trên chiếc bè làm quán. Gọi lại món Khải từng gọi trước lúc lên đường chặng cuối. 250 kể chuyện Khải bị vật vì sốt rét. Kể chuyện tô mì gói và điếu thuốc rê. Bạn Khải lặng người. Rồi cùng với một số bạn khác quyết định nối gót. Mở đường khác. Lập nhánh khác. Nối dây khác. Cách mạng đường dài. Người đi như con nước miệt mài...

Những dây nối bắt vào phía Nam Trường Sơn, với những con người tự trọng không chờ người khác suy nghĩ giúp, từ Củ Chi, Sài Gòn, lên Đà Lạt, ra tận Hà Nội, Hải Phòng...

Lịch sử mai mối những hẹn hò sĩ phu gặp gỡ tay đôi ở Hương Cảng, ở Vọng Các, ở Sydney... và ở giữa lòng Sài Gòn, Hà Nội... Lịch sử chỉ lối cho những KCQ vượt tù. Lịch sử khuyến khích các KCQ nội thành phát triển người mới. Lịch sử giới thiệu những Linh mục, những Hòa thượng, những Truyền giáo, những Chức sắc Cao Đài, Hòa Hảo... Lịch sử mở đường tiếp cận với nhiều tập thể tuổi trẻ ở Hán Thành, ở Đài Bắc, ở Johor, ở Tân Gia Ba, ở Paris, ở Boston, ở Toronto, ở Brisbane, ở Melbourne, ở Wellington... Nhiều người lừng lững trở về từ nhiều ngả. Những con nước vẫn miệt mài. Lịch sử còn mở đường cho phóng viên ABC của Úc, LA Times của Mỹ, TV2 của Na Uy... vào Việt Nam để gặp tận mặt, bắt tận tay những con người lịch sử. Lịch sử mời cả CNN qua Bá Linh thu hình phóng sự....

2007. Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao... Cuộc đấu tranh đã lật sang trang khác. Lịch sử tạm gác quá khứ và hoàn cảnh sang bên. Chỉ nhắm vào mục tiêu thống nhất trước mặt. Phương hướng và phương pháp dựa trên sở trường của từng nhóm. Đồng hành hoặc song hành. Cộng tác hay hợp tác... Lịch sử tuần tự cột gút lại thành những liên kết, liên minh, liên đảng. Cuộc đấu tranh đang bước lên một tầm vóc mới.

con đường chông gai không bao giờ khó
là bởi vì ta chấp nhận nguy nan
này anh em ơi
ta là người kháng chiến quân Việt Nam
thề mai sau quyết tâm xây lại tự do
góp sức chung lo vun sới giữ gìn
cho khắp nơi nuớc Nam vui bình yên
dân tộc ta sống trong hùng cường.
           (KCQ Hành Khúc – 1982)

Hãy đi. Sẽ tới. Ngày sẽ tới. Đêm sẽ reo vui. Sáng và êm như trăng thanh bình.

Anh em không nhớ tay đàn độc cô cầu bại Trần Thiện Khải. Anh em không nhớ sinh viên Khải. Anh em không nhớ Thiếu úy Khải. Anh em không nhớ Kỹ sư Khải. Trong lòng anh em chỉ còn mỗi mình Kháng chiến quân Trần Thiện Khải.

Cả đời Khải đã trải qua biết bao con trăng. Trăng Trung Thu ở Phan Thiết. Trăng mùa Phật đản ở Vĩnh Nghiêm. Trăng dát vàng trên sóng lúc ôm đàn trước công viên Thánh Tổ nhìn ra Hòn Tre. Trăng treo đỉnh núi trong những chuyến hải hành đêm. Trăng dát bạc trên tuyết ở Rhode Island. Trăng rừng chiến khu lung linh trên ngọn bằng lăng có chắp thêm đoạn tre già làm trụ ăng ten của đài Việt Nam Kháng Chiến...

Đối với tất cả anh em quen biết, chỉ còn đáng nhớ độc nhất một vầng trăng: Trăng Khải.

Đã đi. Sẽ tới. Đã nhắm hướng Đông. Sẽ gặp Khải ỏ đó. Trong ánh mắt sáng, trong nụ cười tươi, của đồng bào cả nước, Khải ơi.

(Mùa Phật Đản 2551)

Chú thích: Tất cả lời nhạc in chữ nghiêng trong bài đều được trích từ tập nhạc Trăng Chiến Khu của KCQ Trần Thiện Khải.