Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Những Hy Sinh...

Gậy Nào Lưng Đó

Các đài phát thanh BBC, Hà Nội; Thông tấn xã AFP; các nhật báo lớn trên thế giới: Los Angeles Times, Orange County Register, San Francisco Chronicle, Yomiuri, Sankei...; và hầu hết báo chí Việt ngữ tại hải ngoại đều loan tin ông Võ Đại Tôn bị CSVN bắt giam và đưa ra cuộc họp báo ngày 13-7-1982 tại Hà Nội. CSVN đã mời 10 đại diện các hãng thông tấn quốc tế có văn phòng tại Bangkok, một số ngoại giao đoàn các nước tại Hà Nội, và khoảng 200 ký giả báo chí trong nước đến dự.

Ông Võ Đại Tôn
Ông Võ Đại Tôn là một cựu Trung tá QLVNCH, cựu nhân viên bộ Thông tin Chiêu hồi VNCH, rời nước đi tỵ nạn CS và định cư tại Úc với vợ và con. Năm 1980, ông đã nỗ lực vận động thành lập và lãnh đạo Chí Nguyện Đoàn Hải Ngoại Phục Quốc để đưa người về bắt liên lạc với kháng chiến quân Việt Nam ở quốc nội. Ông rời Úc hai lần để về nước. Lần đầu vào tháng 4-1981, nhưng không thành công. Lần thứ nhì vào tháng 9-1981, nhưng bị Lào cộng vây bắt sau những cuộc đụng độ. Hà Nội đã dấu nhẹm tin tức ông bị bắt. Nay, CSVN muốn trình diễn một màn tố giác Mỹ-TQ và Thái Lan đã thông đồng hỗ trợ cho lực lượng kháng chiến Việt Nam "đưa những phần tử phá hoại thâm nhập vào Việt Nam".

Cuộc họp báo đã làm tái mặt Hà Nội khi ông Tôn cương quyết phủ nhận mọi lời cáo buộc đã được in sẵn ra giấy và phân phát cho ký giả gọi là bản thú tội của ông Tôn và được coi như bằng chứng cụ thể để ghép tội thông đồng cho 3 chính phủ kể trên.

Ngay sau phần giới thiệu, ông Võ Đại Tôn khẳng định: "Trong cái kế hoạch dự mưu xâm nhập về Việt Nam, tôi là Chỉ huy trưởng của Chí Nguyện Đoàn Hải Ngoại Phục Quốc Việt Nam. Tôi chủ động trong mọi việc". Có nghĩa là chẳng do nước nào thông đồng xúi giục. Do bởi Việt cộng không cho phép ông trình bày bằng Anh ngữ, nên ông cũng đã yêu cầu những thông dịch viên "vì lương tâm của người trí thức, xin thông dịch đầy đủ".

Cuộc họp báo lại đột nhiên bị chấm dứt khi ông Võ Đại Tôn dõng dạc tuyên bố: "Tôi tiếp tục duy trì vị thế chính trị của tôi về sự tự do và giải phóng... Tôi sẵn sàng để nhận lấy mọi sự phán quyết dành cho tôi". CS Hà Nội đã đẩy ông ra ngoài phòng họp, không cho ông nói thêm gì nữa.

Dù ngắn ngủi, nội dung cuộc họp báo cũng đã được bà con Việt Nam đón nhận bằng sự xúc động tột cùng vì qua đó, chiến sĩ Võ Đại Tôn đã chuyên chở được 4 thông điệp:
  1. Đối với đồng bào trong nước: Người Việt hải ngoại không bao giờ quên sứ mạng giải phóng dân tộc.
  2. Đối với đồng bào hải ngoại: Nói là làm. Hãy đoàn kết. Hãy biến ý thức và khát vọng thành hành động cụ thể. Hãy tích cực hỗ trợ các lực lượng kháng chiến.
  3. Đối với dư luận thế giới: Người Việt Nam không di tản vì lý do kinh tế. Người Việt Nam vẫn tiếp tục đấu tranh cho tự do dân chủ.
  4. Đối với truyền thông Việt ngữ: Việc loan tải tin tức về các nỗ lực đấu tranh cần phải luôn đề cao tính bảo mật và tính tích cực.
Nhiều Ủy Ban Nêu Cao Tinh Thần Võ Đại Tôn đã ra đời, đẩy mạnh các nỗ lực: a) Xiển dương tinh thần quả cảm và hy sinh của chiến hữu Võ Đại Tôn và các chiến hữu về nước hoạt động; b) Vận động áp lực để bạo quyền Việt cộng phải đối xử với chiến hữu Võ Đại Tôn theo đúng nguyên tắc quốc tế về tù binh chiến tranh; c) Ủy lạo gia đình các chiến hữu sa cơ.

Bà Hoàng Cơ Minh đã gửi đến Bà Võ Đại Tôn một lá thư thăm hỏi trong sự cảm thông cao độ và sự an ủi chân tình của một người trong cùng hoàn cảnh có chồng về nước chiến đấu.

Bản tin trên nhật báo Los Angeles Times, ngày 13-7-1982, tường trình về cuộc họp báo này, đã ghi tựa đề là "Gậy Ông Đập Lưng Ông". Báo Mỹ vẫn chưa hiểu người Việt. Ít nhất là chưa hiểu cách xưng hô của người Việt.

Những Nguyễn Thái Học Thời Nay

8 giờ sáng ngày thứ Sáu 14-12-1984, hai mươi mốt chiến sĩ quốc gia chống cộng đã hiên ngang bước ra trước cái gọi là "toà án nhân dân" tại Sài Gòn mà bạo quyền đã dựng lên để kết án những người Việt Nam yêu nước anh dũng đứng lên chống lại chế độ phi nhân của chúng.

Ngày 18-12-1984, Hà Nội tuyên án tử hình 5 người, chung thân khổ sai 3 người, phạt tù 13 người còn lại từ 8 đến 20 năm.

Buổi chiều cùng ngày, hãng thông tấn Pháp AFP cho biết chính phủ Pháp vừa gửi một công hàm phản kháng Hà Nội đã bắt giữ và kết án những người mang quốc tịch Pháp trong vụ án mệnh danh là "xử tội những người lãnh đạo tổ chức kháng chiến tại Việt Nam". Đích thân Thủ tướng Pháp Fabius và Ngoại trưởng Pháp Dumas viết thư can thiệp gửi Hà Nội.

Ngay tối hôm đó, hầu hết người Việt tỵ nạn trên toàn thế giới đều có phản ứng tức khắc. Những hội đoàn, những ban đại diện cộng đồng đã triệu tập những phiên họp khẩn cấp, viết kháng thư gửi về Hà Nội và các thỉnh nguyện thư gửi đến nguyên thủ các quốc gia có ảnh hưởng lên nhà cầm quyền Hà Nội, gửi Đức Giáo Hoàng và các vị lãnh đạo tôn giáo để xin can thiệp. Sau đó là những buổi lễ cầu an cho các chiến sĩ sa cơ.

Ngày 5-1-1985, Hà Nội loan báo giảm án tử hình xuống chung thân khổ sai cho 2 người.

Anh Trần Văn Bá
Ba chiến sĩ quốc gia Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch đã anh dũng hy sinh đền nợ nước.

Hành động man rợ phi nhân của bạo quyền Việt cộng đã một lần nữa phơi bày thêm một bằng chứng hiển nhiên trước dư luận quốc tế. Riêng đối với đồng bào Việt Nam ở hải ngoại, nỗi đau xót và lòng căm phẫn đã lên tới cực điểm. Mọi sinh hoạt cộng đồng đều hướng về việc vinh danh những anh hùng vừa mới dâng hiến cuộc đời cho lý tưởng giải phóng quê hương. Lễ phát tang và truy điệu được cử hành tại nhiều thành phố trên thế giới trong một không khí bi phẫn, gây sự xúc động mãnh liệt cho các quan sát viên và phóng viên báo chí quốc tế.

Bí thư trung ương đảng Xã Hội Pháp Jacques Huntzinger, trên báo Libération 17-1-1985, đã nhận định rằng: "Việt Nam là xứ cộng sản tàn bạo nhất". Ông nhấn mạnh rằng: "Hãy thôi sống trên huyền thoại của CSVN mà phải nhìn vào thực tế". Theo ông: "Ngày nay, tương ứng với dân số, Việt Nam là quốc gia giam giữ nhiều tù nhân chính trị nhất thế giới, đó là chưa kể tới những vụ đàn áp tôn giáo, cưỡng bách tập thể hóa ruộng đất ở miền Nam, và chính sách xâm lăng Cambodge". Triết gia Jean Marie Benoist đã tham dự cuộc biểu tình đối kháng tại Paris để kêu gọi "Thế giới hãy can đảm hậu thuẫn cho Kháng Chiến Việt Nam".

Một tuyên ngôn của Cộng Đồng Người Việt tại Âu Châu đã được gửi đến các cơ quan truyền thông quốc tế, nói lên lòng căm phẫn của người Việt Nam đối với hành động khát máu của bạo quyền Việt cộng, và xác định quyết tâm của người Việt Nam đối với công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Sứ quán Việt cộng tại Pháp phải cầu cứu cảnh sát Pháp tới bảo vệ. Chính phủ Pháp thông báo hủy bỏ việc đón tiếp Nguyễn Thị Bình theo chương trình đã dự trù trước đó.

Máu của người quốc gia yêu nước lại thấm đất quê hương. Lòng căm phẫn của những người còn lại càng xác quyết với nhau lời thề giải phóng Tổ Quốc và đồng bào ra khỏi bàn tay thống trị của bọn cộng sản phi nhân.

---- oOo ----

Phát Biểu Của Chiến Hữu Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại Nguyễn Kim Trong Buổi Tiếp Xúc Với Đại Diện Giới Truyền Thông Ngày 28-7-2001 Tại San Jose, Bắc California

Kính thưa quý vị,

Trong 21 năm qua kể từ ngày thành lập, Mặt Trận đã trải qua nhiều đoạn đường đấu tranh vô cùng cam go; trong đó sự hy sinh mất mát của một số chiến hữu lãnh đạo và một số đoàn viên ưu tú của Mặt Trận trong giai đoạn khởi đầu công cuộc kháng chiến vào thập niên 80, đã làm suy giảm tiềm lực của Mặt Trận mà chúng tôi đã cần nhiều thời gian để gầy dựng lại.

Chiến hữu Hoàng Cơ Minh, Chủ tịch Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã hy sinh vào ngày 28 tháng 8 năm 1987 tại Nam Lào. Trong vụ đụng độ tại Nam Lào vào năm 1987, ngoài chiến hữu Hoàng Cơ Minh, Mặt Trận còn mất một số chiến hữu lãnh đạo khác như chiến hữu Trần Thiện Khải, Chiến hữu Võ Hoàng và một số Kháng Chiến Quân.

Riêng về chiến hữu Lê Hồng, Tư Lệnh Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến đã qua đời vào ngày 1 tháng 5 năm 1985, sau một cơn bạo bệnh tại khu chiến.

Kính thưa quý vị,

Trong số những chiến hữu lãnh đạo của Mặt Trận đã hy sinh, vụ đụng độ tại Nam Lào dẫn đến sự hy sinh của chiến hữu Chủ tịch Mặt Trận vào năm 1987 đã đặt Mặt Trận ở vào hoàn cảnh không thể công bố ngay mà phải giữ kín cho đến nay. Chúng tôi xin chia xẻ đến quý vị một vài lý do như sau:

Thứ nhất là từ năm 1985, Mặt Trận đã tiến hành kế hoạch nhằm mở rộng các an toàn khu tại quốc nội, phát triển hệ thống Ủy Ban Kháng Quản và tìm cách đưa một số chiến hữu lãnh đạo vào sâu trong nội địa Việt Nam. Nhiều chuyến xâm nhập đã được Mặt Trận tiến hành từ năm 1983 và đến giữa tháng 7 năm 1987, chiến hữu Hoàng Cơ Minh quyết định dẫn một đoàn Kháng Chiến Quân băng qua lãnh thổ Lào trở về Việt Nam để hoàn chỉnh cơ cấu chỉ đạo và vận hành các cơ sở đã phát triển được. Trong thời gian đầu của chuyến đi, đoàn quân đã không gặp nhiều khó khăn dù có xảy ra một vài trận giao tranh với lực lượng Lào cộng và Việt cộng trú đóng trên đất Lào. Nhưng bắt đầu từ tuần lễ đầu tháng 8, khi đoàn quân tiến gần đến biên giới Lào Viêt, nằm về phía Đông của tỉnh Attopeu thì bắt đầu đụng độ khá nặng với lực lượng biên phòng của Việt cộng. Trong những trận đụng độ này, một số Kháng Chiến Quân bị bắt; do sự cung khai của một vài Kháng Chiến Quân, Việt cộng biết được sự hiện diện của chiến hữu Hoàng Cơ Minh trong đoàn quân, nên Việt cộng đã tăng cường viện binh để bủa vây với âm mưu là bắt sống chiến hữu Hoàng Cơ Minh. Sau nhiều ngày chiến đấu ác liệt, nhiều Kháng Chiến Quân bị hy sinh và chiến hữu Hoàng Cơ Minh đã bị thương. Đến ngày 27 tháng 8, đoàn quân có chiến hữu Chủ Tịch bị vây trên một ngọn đồi.

Tất cả các Kháng Chiến Quân đã chiến đấu anh dũng nhưng đến rạng sáng ngày 28 tháng 8 thì phòng tuyến bị vỡ, thêm nhiều Kháng Chiến Quân bị hy sinh và bị bắt, nhưng cũng có những Kháng Chiến Quân thoát được về các an toàn khu của Mặt Trận trong nội địa. Nhưng những Kháng Chiến Quân chạy thoát này đã không báo cáo thống nhất về tính mệnh của chiến hữu Hoàng Cơ Minh. Trước những dữ kiện không rõ này, Trung Ương Mặt Trận đã ra lệnh cho các cơ sở tại quốc nội nỗ lực tìm kiếm tung tích của chiến hữu Hoàng Cơ Minh và các chiến hữu lãnh đạo khác đi trong đoàn này. Tuy nhiên từ sau vụ đụng độ tại Nam Lào, Việt cộng tăng cường kiểm soát gay gắt nên sự di chuyển tìm kiếm tại khu vực giao tranh vô cùng khó khăn, đặc biệt là những dữ kiện thu thập trong thời gian này rất mù mờ, không đủ bằng chứng xác thực là chiến hữu Hoàng Cơ Minh còn sống hay đã hy sinh.

Hai tuần sau khi trận đụng độ xảy ra, đài phát thanh Lào Cộng loan một bản tin ngắn về vụ Nam Lào nhưng không nói chi tiết. Mãi đến ngày 1 tháng 12 năm 1987, Việt cộng mới thổi phồng vụ Nam Lào bằng việc đưa một số Kháng Chiến Quân của Mặt Trận ra tòa và nói đó là những người bị bắt trong vụ Nam Lào. Việt cộng đã mở chiến dịch tuyên truyền rầm rộ vụ Nam Lào như một chiến thắng to lớn là đã tiêu diệt toàn bộ lãnh đạo Mặt Trận, trong đó có chiến hữu Hoàng Cơ Minh. Đòn tuyên truyền này của Việt cộng nhằm gây hoang mang trong đồng bào và tiêu diệt tinh thần đấu tranh của các Kháng Chiến Quân trong nước và đoàn viên Mặt Trận ở hải ngoại. Điều cần nói thêm là trong thời gian này, Mặt Trận vẫn tiếp tục kế hoạch bành trướng hoạt động tại Việt Nam, với những đoàn Kháng Chiến Quân xâm nhập nội địa, với những nỗ lực mở rộng các an toàn khu và các hệ thống Ủy Ban Kháng Quản. Vì thế, đứng trước nguồn tin của Việt cộng, Mặt Trận phải chọn một trong ba quyết định: Một là im lặng; Hai là thừa nhận; và ba là phủ nhận.

Sự im lặng không bình luận của Mặt Trận trước nguồn tin quan trọng về người lãnh đạo cao nhất chỉ kéo dài tình trạng hoang mang và không đủ để hàng ngũ đoàn viên của Mặt Trận an tâm, tập trung vào những công tác đấu tranh lúc bấy giờ, cho dù đã được chuẩn bị tinh thần chấp nhận mọi hy sinh. Sự hoang mang sẽ gây ra những bất lợi và những tổn thất mới trong hàng ngũ đấu tranh, nhất là tại quốc nội.

Mặt Trận cũng không thể thừa nhận nguồn tin của Việt cộng khi vào thời điểm đó vẫn chưa có đủ bằng chứng để khẳng định là chiến hữu Hoàng Cơ Minh đã hy sinh.

Do đó, Trung ương Mặt Trận nhận thấy ưu tiên trước mắt là bảo vệ cơ sở và tiếp tục đấu tranh, nên đã ra lệnh cho Tổng Vụ Hải Ngoại của Mặt Trận lên tiếng phủ nhận nguồn tin của Việt cộng, trong khi đó, ở quốc nội vẫn tiếp tục công việc tìm kiếm tung tích của chiến hữu Hoàng Cơ Minh.

Thứ hai là vụ đụng độ tại Nam Lào đã gây cho Mặt Trận một số thiệt hại đáng kể mà quan trọng nhất là một số chiến hữu lãnh đạo đã hy sinh, khiến kế hoạch hoàn chỉnh cơ cấu chỉ đạo và kiện toàn các cơ sở bị ngưng trệ. Chính vì vậy mà ưu tiên của Mặt Trận vào lúc đó là phải dồn nhiều thời giờ cho việc bảo vệ cơ sở và gầy dựng lại bộ phận lãnh đạo để tiếp tục đấu tranh đường dài. Do đó mà dù sau một thời gian kiểm chứng, Mặt Trận đã xác định được chiến hữu Hoàng Cơ Minh đã tự sát trên chiến trường vào rạng sáng ngày 28 tháng 8 năm 1987; nhưng Trung ương Mặt Trận vẫn tiếp tục quyết định giữ kín tin tức về sự hy sinh này để dồn nỗ lực kiện toàn và phát triển.

Thứ ba là việc giữ kín tin tức hy sinh này cũng là để đánh lạc hướng bạo quyền Việt cộng. Chính vì Mặt Trận khẳng định là chiến hữu Hoàng Cơ Minh vẫn bình an tiếp tục lãnh đạo công cuộc đấu tranh nên đã khiến cho Việt cộng đâm ra nghi ngờ về kết quả của trận đánh Nam Lào. Trong nhiều năm liên tiếp sau năm 1987, Việt cộng vẫn tiếp tục tra hỏi các đoàn viên Mặt Trận và KCQ bị bắt về tung tích của chiến hữu Hoàng Cơ Minh, thăm dò chính quyền Thái về chiến hữu Hoàng Cơ Minh. Ngày hôm nay, sau nhiều năm nỗ lực củng cố và phát triển, Mặt Trận thấy việc công bố những tổn thất của Mặt Trận, nhất là sự hy sinh của một số chiến hữu lãnh đạo, không còn là yếu tố gây khó khăn cho Mặt Trận trong việc bảo vệ nội lực của tổ chức để tiến hành công cuộc đấu tranh nữa.

Bên cạnh ba lý do vừa đề cập, việc công bố cũng còn bị ràng buộc bởi yếu tố gia đình của một số chiến hữu lãnh đạo vẫn muốn hình ảnh các người thân của mình luôn luôn gắn liền với công cuộc đấu tranh hoặc không muốn tiết lộ sự hy sinh trong lúc cuộc đấu tranh vẫn còn tiếp tục hoặc liên lụy đến các thân nhân còn đang sống tại Việt Nam.

Nói tóm lại, thưa quý vị, vì không thể kiểm chứng một cách mau chóng những dữ kiện liên quan đến sự hy sinh của chiến hữu Hoàng Cơ Minh và vì muốn kiện toàn được cơ cấu lãnh đạo và cơ sở cả trong lẫn ngoài nước để có thể đối phó với một kẻ thù hung hiểm như bạo quyền Việt cộng, nên Mặt Trận đã không thể công khai hóa sự hy sinh của chiến hữu Hoàng Cơ Minh và một số chiến hữu lãnh đạo khác sớm hơn.

Tuy với những lý do liên hệ đến sự mất còn của tổ chức trong hoàn cảnh nghiệt ngã vừa qua, Mặt Trận tự thấy có trách nhiệm trong việc này và xin tạ lỗi với quý thân hữu, đồng bào, đồng thời kêu gọi sự cảm thông của quý vị, về những khó khăn của Mặt Trận trong thời gian qua....


Lễ truy điệu chiến hữu Hoàng Cơ Minh và các kháng chiến quân Đông Tiến năm 2001 tại San Jose (hình trên) và Orange County (hình dưới)



"Gặp bước cùng đồ, ôm tấm đan tâm với Tổ Quốc giang sơn,
bậc dũng tướng quyết giữ tròn tiết tháo;
Lâm vòng tuyệt địa, mang khối trung hưng cùng Quê hương Dân tộc,
kháng chiến quân nào quản ngại xả thân.
Người người kiêu hùng tuẫn tiết;
Lớp lớp dũng cảm hy sinh.
Tiếng dũng trung sững sờ vang dội;
Giòng nhiệt huyết cuồn cuộn loang tràn.
Đất trời u uất;
Rừng núi sầu than.
Hồn dũng tướng đêm ngày ào ào gió thổi;
Phách chiến quân năm tháng dõi dõi sương lan.
Mệnh kia, ôi, dẫu trải sương khuya, gió sớm;
Danh nọ, chừ, đã rung cỏ nội, cây ngàn.
Tên lưu hậu thế;
Tuổi gửi sử vàng."

(Nguyễn Lộng Sơn - Tưởng Niệm)

Anh hùng tử - Khí hùng bất tử.

Đâu đây như vẫn còn những cơn gió thất thanh đứng lặng.
Đâu đây như vẫn còn rì rào tiếng lá rừng chưa hết cơn run.
Đâu đây như vẫn còn chói chang một ánh chớp xuyên đồi xẻ núi.
Đâu đây như vẫn còn vang vang huấn từ của người anh cả mở đường về nước:

"Con đường Kháng Chiến chúng ta đi có hai cái đích.
Cả hai cái đích đều vô cùng vinh quang và ý nghĩa.
Một là giải phóng Tổ Quốc Việt Nam.
Hai là được anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng Tổ Quốc".
Bán Kiên Hồ Thỉ Nam Thiên Phục
Bội Phiến Can Trường Việt Địa Hưng

Nửa vai cung tiễn nhẹ sao,
Việt Nam quang phục, biết bao can trường.

"Cách mạng đường dài
Người đi như con nước miệt mài
Đổ mồ hôi thành giòng
Loang theo bước chân vạch những con đường làm nên chiến thắng
Ta đi. Ta đi. Tay giăng tay bên trời hừng say gió nắng
Bừng bừng cao ngọn lửa chói lòa
Thế kỷ này, thế kỷ của chúng ta
Đất dậy tình người
Bàn chân ta đi tới vượt trời
Dựng lại bao cuộc đời
Bao nhiêu tháng năm đau xót tủi hờn giờ đây đã hết
Ta đi. Ta đi. Tay bên tay ngang trời ngày vui sẽ tới
Nào cùng xây dựng lại nước nhà
Thế kỷ này, thế kỷ của chúng ta
Nước tràn lòng người
Triệu dân ta vui sống một đời
Người người mang nụ cười
Trên đê trẻ thơ ca hát vang chào ngày vui đã tới
Ta đi. Ta đi. Tay trong tay ôm trời Việt Nam yêu dấu
Hòa mình trong loài người thái hòa
Thế kỷ này, thế kỷ của chúng ta"

(Võ Hoàng - Thế Kỷ Này Thế Kỷ Của Chúng Ta)

Có người nhắn nhủ:

"Ngồi được thì không nằm.
Đứng được thì không ngồi.
Đi được thì không đứng"

Các anh đã đứng lên từ dáng vóc buông xuôi của hai miền dân tộc.
Các anh đã đi tới với hào khí bừng bừng của những dũng sĩ quyết phá ngục đập tù .
Các anh đã tràn về thành ngọn triều đối kháng cho tuổi trẻ Việt Nam nở hoa.
Đường các anh về đã trải rộng ra cho nhiều nỗ lực mới.
Từ sau chiến tranh lạnh thế giới cho tới hậu cộng sản Việt Nam....

"Dù con tạo đành hanh quá đỗi;
Dẫu thế cuộc khắc nghiệt vô vàn.
Đường lối đấu tranh, với toàn diện đấu tranh,
vẫn chói lọi, ngời ngời đất Việt.
Chủ trương kháng chiến, cùng toàn dân kháng chiến,
luôn sừng sững, lồng lộng trời Nam.
Thù nghịch nọ: phục thù, thề chung lưng đấu sức;
Tội ác kia: hạch tội, quyết vững chí, bền gan.
Thương đau, quyết biến thương đau
thành khối sinh khí cách mạng đấu tranh tổng lực;
Mất mát, thề chuyển mất mát
thành nguồn gia tăng quyết tâm giải phóng Việt Nam.
Niềm tin thắp sáng; Tuổi trẻ lên đàng.
Vẫn cứng, chân kia tiến tới; Phải mềm, đá nọ lún tan.
Để núi sông hôm nay trong ngoài quang phục;
Cho đất nước ngày mai Dân tộc canh tân.
Giải phóng Việt Nam: trẻ già chen vai, quyết chí;
Canh tân Tổ quốc: nam nữ sát cánh, đồng tâm.
Việt Nam: giải phóng! Tổ quốc: canh tân!
Việt Nam: giải phóng! Tổ quốc: canh tân!
Việt Nam: giải phóng! Tổ quốc: canh tân!"

(Nguyễn Lộng Sơn - Tưởng Niệm)

Rõ ràng: Chết là thể xác – Còn là tinh anh

Tinh anh đó, là niềm tin mãnh liệt về một tương lai Việt Nam tươi sáng không cộng sản.

Tinh anh đó, là lòng tự hào dân tộc về tính bất khuất, kiên cường nhưng hiếu hòa, cầu tiến.

Tinh anh đó, là khát vọng canh tân cho dân tộc thăng hoa và đất nước cất cánh.

Tinh anh đó, là những ý niệm hoàn toàn mới về một tiến trình đấu tranh tự trọng và tự tin.

Tinh anh đó, là ý chí quyết tiến của những hậu duệ đã có sẵn một bệ phóng đấu tranh.

Tinh anh đó, là một ngọn triều dấn thân của những mầm tươi nay đã đơm hoa kết trái.

Tinh anh đó, là một con đường thênh thang cho cả nước bước tới.

Tinh anh đó, cô đọng lại, như trống động, như chiêng khua, vẫn còn vang tiếng hịch:

Toàn Dân Kháng Chiến, Toàn Diện Đấu Tranh

Xã tắc ngả nghiêng; Sơn hà sụp đổ.
Hận lũ vong nô; Căm loài cộng đỏ.
Lập bè kết đảng, Minh-Duẩn uốn gối đi làm đầy tớ ngoại bang;
Phản nước hại dân, Chinh-Đồng rước voi về dày mả tổ.
Triền miên xứ xứ, non nước tràn ngập điêu linh;
Đằng đẵng năm năm dân gian ngập chìm thống khổ.
Gông cùm bạo ngược, sông núi thảm sầu;
Tội ác dã man, đất trời phẫn nộ.
Nọ, Pleiku, Phú Bổn, già trẻ kinh hoàng lấn xô lớp lớp,
xối xả đạn bay;
Kia, Tuy Hòa, Nha Trang, da thịt nát tan rải rác tầng tầng,
ầm ầm súng nổ.
Núi chất xương rơi; Sông tràn máu đổ.
Lang sói nhảy nhót hả hê; Phệ ưng múa cười man rợ.
Mùi tử khí còn bay nồng nặc, chốn biển đông chen chúc,
người níu người lênh đênh tránh lũ yêu tinh;
Vẻ tóc tang chưa hết nhạt nhòa, nơi núi thẳm tập trung,
tay trói tay giam cầm giữa loài quỷ đỏ.
Mươi ngày một tháng, biền biệt tăm hơi;
Năm trại bảy khu, mịt mờ ngách ngõ.
Cải tạo ngục tù; Giết tra khủng bố.
Lao động khốn cùng; Uống ăn đói khổ.
Kiếp đọa đày nào chỉ một thân;
Ách hung tàn lại càng lắm nợ.
Cửa nát, nhà tan; Mẹ lìa, con đợ.
Bao nỗi đoạn trường; Xiết cơn tủi hổ.
Cũng giống da vàng! Đâu nòi máu đỏ?
Công bằng xã hội: giữa nơi bạch nhật,
một bầy quỹ dữ ngang ngược hoành hành;
Ưu việt thiên đường: ngay chốn thanh thiên,
cả đám sa tăng điên cuồng cướp bố.
Tra khảo bạc vàng; Thu biên nhà phố.
Chiếm cứ mỗi đứa mỗi căn;
Giành chia mỗi thằng mỗi bó.
Kinh tế mới một sáng hãi hùng;
Doanh thuơng cũ nửa đêm uất nộ.
Túm đầu; Kéo cổ.
Tống khỏi cửa nhà; Lùa lên rừng rú.
Cuối hẽm, đầu đường; Ven lề, góc phố.
Kinh tế về che túp lều xiêu;
Doanh thương ra chống phên liếp đổ.
Đoạn tháng qua ngày; Ngậm hờn nuốt ố.
Kiếp sống nhục nhằn; Cuộc đời nhem nhọ.
Tự chủ, tự do; Kẹp đầu, kẹp cổ!
Ly hương! Xuống hố!
Mênh mông biển cả, người người đi vào cõi chết:
Giật lại tự do;
Thăm thẳm rừng sâu, kẻ kẻ chấp nhận hiểm nguy:
Tìm về sinh lộ.
Tránh lũ vô thần uống máu, hôi tanh;
Xa bầy ác quỷ ăn gan, khả ố.
Chúng đẩy đất nước xuống hố điêu tàn;
Chúng lùa nhân dân vào cơn bão tố.
Dân đen; Con đỏ.
Súng dãi, bom dầm; Băng vây, tuyết phủ.
Năm năm tháng tháng, nam nữ phơi xương đỡ đạn: mát mặt sài lang;
Chốn chốn nơi nơi, trẻ già đổ máu trả công: đẹp lòng bảo hộ.
Mảnh hồn oan vật vờ theo gió cuốn, mây bay;
Tấm thân tàn lấp vùi cùng mưa sa, nắng đổ.
Một phen vận nước, lâm cảnh gông cùm áp bức, uất hận dâng trào;
Triệu tấm lòng dân, dựng cờ chính nghĩa đấu tranh, hờn căm bộc nổ.
Thống trị thập niên; Phục thù bách độ.
Trong ngoài nối chí hùng anh; Bắc Nam chung đường chống cự.
Vì quyền lợi dân tộc quyết tâm quét sạch mọi căn cứ thực dân ra khỏi cõi bờ;
Bởi tương lai quốc gia, nhất định diệt trừ chủ nghĩa vô thần trên toàn lãnh thổ.
Cánh sát cánh, đập tan loài tàn bạo tàn hung;
Vai chen vai, đắp xây nền tự do tự chủ.
Xá kể hiểm nguy, Ngại gì gian khổ.
Kết đoàn; hợp ngũ.
Giải phóng quê hương; Trùng tu xứ sở.
Lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản tiến hành kháng chiến, chấp nhận hy sinh;
Biến tinh thần đoàn kết thành vũ khí cách mạng đấu tranh, san bằng nguy khó.
Viễn xứ tiễn kẻ về khu; Làng thôn đưa người tới cứ.
Đồng loạt tiến công; Nhất tề đối phó.
Rừng thẳm, bưng biền; Nông thôn, thành phố.
Thế kháng chiến: sôi sục quân dân;
Đám giặc thù: lung lay hàng ngũ.
Rã binh; Đào ngũ.
Cán bộ: tham ô; Đảng viên: hối lộ.
Kháng chiến Vinh Sơn Đắc Lộ: Lửa kiêu hùng rực sáng thành đô;
Phục quốc Châu Đốc Tây Ninh: Chuông bất khuất ngân vang nội cỏ.
Phá cầu; Đắp lộ.
Bỏ trường; Bãi chợ.
Nông trường xẻ bờ lấp rạch, cấy mạ sâu chống lại chỉ tiêu;
Nhà máy gỡ ốc cưa thiều, pha nhớt cặn phá hư khí cụ.
Trẻ già trai gái gắn bó đồng cam;
Trên dưới trong ngoài sẵn sàng cộng khổ.
Giữa quê hương đen tối: Tiếng Tổ Quốc rung chuyển không gian;
Nơi xứ sở điêu tàn: Lời Non Sông âm vang kim cổ.
Mái lá, lều tranh; Đồng hoang, thị tứ.
Tay nắm tay trao mối hy vọng tràn trề; Mặt đón mặt đưa niềm tin yêu rạng rỡ.
Tiếng nói Việt Nam Kháng Chiến vang trong lòng đất địch
là những phát thần công bắn vào hàng ngũ vong nô;
Đoàn quân Kháng Chiến Việt Nam hợp cùng khối nhân dân
là những đạo hùng quân phá tan thành trì chế độ.
Khắp non sông tổ quốc, toàn dân kháng chiến, toàn diện đấu tranh;
Khối hải ngoại đồng bào, một mối sắt son, một lòng phục vụ.
Tiền tuyến trải rộng năm châu; Chiến trường không phân ranh lộ.
Từ Âu tới Á, mỗi người Việt là một chiến sĩ tự do;
Từ Đông sang Tây, mỗi nhà Nam là một chiến khu mật cứ.
Kháng chiến toàn dân; Đấu tranh toàn bộ.
Đồng tâm đứng dậy: Cô lập, tiêu diệt bạo tàn;
Nhất chí vùng lên: Phát huy, giương cao nghĩa cả.
Nhất định không để lũ bạo cuồng thống trị hòng lừa bịp thế giới tự do;
Cương quyết bắt buộc đám đầy tớ ngoại bang phải trả lời loài người tiến bộ.
Về tội ác dã man của tập đoàn bá quyền
đang ngày đêm hủy diệt tất cả khối dân tộc đồng bào;
Về kiếp sống đọa đày của quần chúng lầm than
đang tháng năm ngục tù trong nanh vuốt bạo cầm ác thú.
Người Việt đã biến quốc hận thành quốc kháng,
tiếp tục tiến hành cách mạng, giải phóng quê hương;
Dân Nam đã đổi nhục ô thành mối căm thù,
miệt mài vận dụng đấu tranh, rạng danh tổ quốc.
Đăng đàn diễn thuyết, hô hào; Xuống đường biểu tình, cổ võ.
Chặn xe tên Thạch, lột mặt, xé cờ; Đón đường tên Đồng, chỉ tên, kéo cổ.
Khí thế cách mạng ngời ngời; Tinh thần đấu tranh gắn bó.
Nọ, bốn biển, cờ Chính Nghĩa phất phới tung bay;
Kia, năm châu, hội Đồng Tâm tưng bừng gặp gỡ.
Cuộc hành trình Tự Do Cho Việt Nam đang là
thông điệp Việt Nam gửi cho thế giới, trước tòa án lương tâm;
Cuốn bạch thư Chữ Ký Của Đồng Bào chính là
bản án dành cho cộng nô giữa Quốc Liên trụ sở.
Tiếng nói Tự Do Việt Nam ngạo nghễ cất cao;
Ý chí Việt Nam Tự Do kiêu hùng biểu lộ.
Quyết tranh đấu, đem lại độc lập, thanh bình;
Thề hy sinh, lấy về tự do, tự chủ.
Tiến Lên! Phục Vụ!
Giải phóng Việt Nam! Diệt trừ cộng đỏ!
Việt Nam: Tự Do! Việt Nam: Tự Chủ!
Việt Nam: Muôn Năm! Việt Nam: Cường Vũ!

(Nguyễn Lộng Sơn)