Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Chân Dung Một Kháng Chiến Quân

Gặp nhau từ phá núi khai sông
Từ gọi nhau chim lạc chim hồng
Từ nhuộm răng ăn trầu búi tóc
Từ ngực xâm hình con giao long...

Đúng như lời thơ Bắc Phong, những kháng chiến quân đã gặp nhau trong một bối cảnh rất hùng mà rất thơ như vậy. Họ là những người đi tìm và đã gặp. Họ đã gặp Kháng Chiến. Họ đã gặp nhau.

Có người trực tiếp tìm đến kháng chiến Việt Nam từ những ổ kháng cự trong nước. Có người giải thể tổ chức kháng cự để cùng hết cả anh em sáp nhập vào Mặt Trận. Có người đến từ trại tỵ nạn. Có người đến từ chiến trường Kampuchia. Có người đi dọc sông Mekong từ vương quốc Lào. Có người về từ Nhật Bản, Bắc Mỹ, Tây Âu, và cả Đông Âu....

Người cũ đón người mới. Có người là nông dân. Có nguời là công nhân. Có người là cựu quân nhân Quân Lực VNCH. Có người nguyên là xã trưởng. Có người trước đây là cảnh sát. Có người là cựu chiến binh CS. Có người từng là quản giáo một trại tù cải tạo. Có người đang là bộ đội biên phòng hay thuộc các đơn vị đóng chốt ở Miên-Lào. Có người là sĩ quan đặc công. Có người là chuyên gia bị "tự nguyện" phục vụ ở Kampuchia. Có người là thợ mộc. Có người là thợ bạc. Có người là nhà văn. Có người gốc là phi đoàn trưởng. Có người là lính truyền tin. Có người là thợ máy. Có người dắt theo vào chiến khu một cháu bé trai chưa đầy mười tuổi. Có người đang là sinh viên bị gọi đi "nghĩa vụ quân sự". Có người là "người nhái" Cam Ranh. Có người nói giọng Thanh Nghệ. Cũng có người từng là tư lệnh....

Tất cả đã hòa lẫn vào nhau trong từng công tác xây dựng lều trại, đào giao thông hào, vận lương, canh gác, giao liên, trực bếp, trực bệnh xá, viết bài, làm thơ, đặt nhạc, kỹ thuật viên máy đèn, làm xướng ngôn viên đài Việt Nam Kháng Chiến.... Quan trọng nhất là công tác huấn luyện và được huấn luyện (các khóa học từ Căn Bản kháng chiến quân lên đến Cán bộ Quân Chính),

Tất cả đã bình đẳng và thường trực chia nhau những con cá khô trong từng bữa ăn, chia nhau từng rê thuốc vấn, tự chế một loại "cà phê chiến khu" hay "chè dã chiến". Có lúc anh em tự tăng cường khẩu phần ăn bằng những mụt măng rừng, củ chụp, củ mài.... kiếm được trên đường quay về cứ sau một chuyến di hành. Gặp mùa mưa, có khi anh em phải phơi măng hái dư quá nhiều để dành dự trữ. Cũng có khi may mắn anh em được thưởng thức thịt cheo, thịt mễn hay chú heo rừng con đi lạc.... Lại có khi chia nhau ngậm miếng đường thẻ hay vài trái dâu rừng phơi khô cho đỡ đắng miệng lúc lên cơn sốt rét. Thỉnh thoảng anh em chuyền nhau những gói xôi sáng, và luân phiên nhau làm hoạt náo viên hay diễn viên trong những đêm sinh hoạt cộng đồng có đàn thùng. Có người hát ca trù. Có người hò mái đẩy. Có người ngâm Lục Vân Tiên cải biến. Lại có người hát dân ca Khờ-me....

Họ đã đến cứ trong những bộ áo quần đủ màu, đủ kiểu. Chỉ một thời gian sau, họ rời cứ với một bộ đồ đen, một chiếc khăn rằn, một lá cờ xanh, một chiếc nhẫn vàng, và một ý chí thép nguội. Họ "xuống núi", vào làng. Tất cả kháng chiến quân xuống núi đều là đảng viên Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng.

Những người kháng chiến quân Việt Nam

"Ừ bóng cây nào mà chẳng mát
Vì em đã vẫn ngồi cùng
Trái tim tôi vừa nghe đau nhói
bao giờ ta sẽ lại chung đường
Đành đã yêu nhau đôi ba năm
Và tình đã quen xa cách
Nhưng làm sao hết nỗi băn khoăn
khi mỗi lần biết ta sẽ gặp
Để em trao tin trao nụ cười
Cho tôi nghe như uống lấy lời
Và nước mắt cho riêng kể lể
trút nỗi lòng thương nhớ đầy vơi

Ừ trái sim nào mà chẳng ngọt
Khi em với hái cho ăn
Tôi chỉ biết cho em vai dựa
và vuốt tóc em rất ân cần
Vẫn hẹn lòng là sẽ lấy nhau
Sau ngày quê hương giải phóng
Ngày khung trời rợp bóng bồ câu
với những triệu cánh tay mở rộng

Đến bản Dốc là trạm nghỉ đêm
Tình của tôi càng bứt rứt thêm
Vì hôm sau mình em đi sớm
trở về xuôi để đón người lên"

(Bắc Phong - Chiến Hữu)

... sinh hoạt trong khu chiến

---- oOo ----

Ứng Từ Của Chiến Hữu Đặng Quốc Hiền
Trong Buổi Đón Mừng Tân Kháng Chiến Quân, 15-5-1982

Thưa tất cả các chiến hữu,

Tôi thật là vui mừng khi có dịp đến đây để chào mừng tất cả các chiến hữu, chào mừng những người con yêu của Tổ Quốc, chào mừng những người sẽ đem lại niềm tin cho 50 triệu đồng bào đang oằn oại trong ngục tù Việt cộng, chào mừng những người đi làm lịch sử của dân tộc.

Sự hiện diện của các chiến hữu tại chiến khu này, trong ngày hôm nay, đã chứng minh một cách hùng hồn rằng các chiến hữu đã từ bỏ cuộc sống bình thường để đi theo con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc. Lại nữa, cũng chứng minh một cách hùng hồn rằng các chiến hữu đã sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để góp phần mình vào công cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Với ý đó, tôi, Đặng Quốc Hiền, xin đại diện trước hết cho chiến hữu Chủ tịch MTQGTNGPVN, các cán bộ và toàn thể kháng chiến quân đang hoạt động trong khu chiến này, xin hân hoan chào mừng các tân kháng chiến quân Việt Nam anh dũng.

Thưa các chiến hữu,

Tôi nghĩ rằng, từ nhiều năm nay, chính các chiến hữu hay người thân đã từng nghe nói đến những đồng bào từ bỏ rộng vườn, gia đình, nhà cửa, để tham gia vào các lực lượng Kháng Chiến chống Việt cộng. Rồi chắc các chiến hữu cũng nghe nói đến MTQGTNGPVN. Đó là chuyện mà các chiến hữu chỉ nghe nói. Nhưng ngày hôm nay đây, kể từ giờ phút này, các chiến hữu đã trở thành những chiến sĩ của MTQGTNGPVN, những kháng chiến quân Việt Nam, và quan trọng hơn nữa, các chiến hữu sẽ trực tiếp góp phần mình vào công cuộc đấu tranh chung của toàn dân để lật đổ bạo quyền Việt cộng, giải phóng đất nước.

Sau buổi đón tiếp này, các chiến hữu sẽ bắt đầu cuộc sống mới, cuộc sống tại chiến khu, một cuộc sống đòi hỏi một tinh thần tự giác cao độ, một cuộc sống đòi hỏi mình phải cố thắng chính mình, khó khăn với chính mình, nhưng nhã nhặn thương yêu đồng đội và đồng bào.

Cuộc sống chiến khu là là cuộc sống hoàn toàn vì lý tưởng của những con người chiến đấu cho lý tưởng Tự Do của Dân Tộc và Độc Lập của Quốc Gia.

Mấy phút nữa đây, các chiến hữu sẽ được cấp phát một số quân trang tùy theo khả năng hiện có của Mặt Trận. Tôi xin lưu ý các chiến hữu rằng, quân trang mà các chiến hữu sắp lãnh cũng như vũ khí mà các chiến hữu sẽ được trang bị trong tương lai, kẻ cả thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày, đều là do toàn dân đóng góp. Vậy thì, mọi nơi, mọi lúc, các chiến hữu phải luôn luôn tâm niệm rằng, mình phải bảo vệ những vật dụng đã được cấp phát đó như bảo vệ chính mạng sống của mình.

Trong những ngày tới, các chiến hữu sẽ được các cán bộ hướng dẫn về cách sinh hoạt và học hành. Trong các buổi học hành, các chiến hữu sẽ được hướng dẫn các vấn đề cần thiết về quân sự và chính trị, nhằm đào tạo mỗi kháng chiến quân thành những cán bộ võ trang tuyên vận trong Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến của Mặt Trận.

Cũng ngay sau buổi đón tiếp này, các chiến hữu cũng cần cải đổi mọi suy tư, vì chúng ta là những chiến sĩ trong đoàn quân cách mạng, chúng ta không là lính nhà nghề, lính chuyên nghiệp hay lính đánh thuê. Những tư tưởng ỷ lại, đòi hỏi quá mức, phải có cái này, phải có cái khác mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ, trong ngày một, ngày hai, phải loại bỏ ra khỏi tư tưởng của các chiến hữu. Mặt Trận minh định rằng, chỉ có một đòi hỏi duy nhất, một cái "Phải" duy nhất. Đó là phải góp sức để Giải Phóng Việt Nam.

Khẳng định rằng, chỉ có dân tộc chúng ta mới đủ tư cách và khả năng để giải phóng nước ta, mới xứng đáng để bảo vệ non sông gấm vóc của chúng ta. Trong tinh thần đó, chúng ta hãy cùng dâng lên Tổ Quốc, dâng lên các anh linh của dân tộc một lời nguyền son sắt là Giải Phóng Việt Nam.

Xin cảm ơn tất cả các chiến hữu.

Một buổi lễ chào mừng tân kháng chiến quân tại căn cứ 81

"Ngủ đi em, mai sáng lên đường
Ta theo quân về bên kia núi
Tháng năm
Qua hờn căm buồn tủi
Sẽ có ngày em biết yêu thương!
Bên kia là chiến trường
Khắp quê hương lửa dậy
Em sẽ thấy
Bừng con mắt cỏ cây đổi sắc
Người xuống đường giết giặc bằng tay
Ào ào một cuộc đổi thay
Bài ca dữ dội một ngày rền vang
Em ngủ đi
Ta thức khi trời sáng
Về bên kia, ta gặp lại xóm làng
Gặp những con người chân thép, tay gang
Mắt rực lửa
Vùng lên làm cách mạng
Hiên ngang
Giữa trời!
Để em thấy: cuộc đời là có thật
Để em thấy: tuổi thơ em vừa mất
Đánh đổi bằng tấc đất gang sông
Vọt máu trào lòng
Chảy thành giòng, bám chắc lấy quê hương
Nước bốc tình thương
Đất dậy linh hồn
Người và người
Đẩy dồn muôn ngọn sóng
Triệu thịt da:
Chung một nỗi ước mong
'Đất nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng'
Em thấy không
Tim còn đập là còn sức sống
Tôi với em
Ta thổi ngọn lửa hồng
Nung sôi bầu máu đỏ
Tô lại nét Tiên Rồng...
Tuổi thơ em
Non sông cất giữ
Đừng phí đời nửa chữ yêu thương
Ngủ đi em
Mai sáng lên đường
Ta theo quân về bên kia núi"

(Võ Hoàng - Viết nhân cùng chiến hữu Lâm giao liên, qua đêm trên đường công tác)

---- oOo ----

Khóa Học Chân Truyền

(Trích đoạn từ một ký sự của KCQ Võ Hoàng)

"Ngày Đầu Khóa.

Điều mà tôi muốn nói tới trước tiên là sự kỳ vọng của Mặt Trận đối với anh em khóa sinh chúng tôi ở lớp học cán bộ quân chính này. Tôi không hề mắc cở khi phải tiết lộ rằng mình đã ứa nước mắt khi ngồi vào dãy bàn tre, trước mặt là một tập giấy thô, xám xịt, bìa mốc vàng và gáy được đóng bằng chỉ đen dùng để nốt-tê lời giảng. Tôi cũng không hề mắc cở khi phải tiết lộ rằng mình đã ứa nước mắt một lần nữa sau đó, khi được cho biết là khóa học do đích thân Thầy Chủ Tịch, linh hồn của công cuộc đấu tranh giải phóng tổ quốc, phụ trách toàn bộ chương trình huấn luyện.

Tôi đã quá rõ sự khó khăn, thiếu thốn của Mặt Trận trong hoàn cảnh hiện tại, tôi cũng đã rõ sự quan tâm của lãnh đạo đối với anh em kháng chiến quân chúng tôi, cũng như tôi đã rõ mối ưu tư của Thầy về vấn đề đào luyện cán bộ để đáp ứng nhu cầu đấu tranh cấp thiết ngày một lớn... tôi vẫn không dấu được sự xúc động của mình. Và hầu như cả vài chục khóa sinh, không ai dấu đuợc sự xúc động.

Như vậy là trong khung cảnh âm u mà hùng tráng của núi rừng chiến khu, trước những dãy bàn tre khập khiễng, rung rinh, mấy chục anh em chúng tôi thêm một lần nữa có dịp ngồi với nhau để cùng lãnh hội những vấn đề trọng yếu trong toàn bộ công cuộc đấu tranh giải phóng tổ quốc, và lần này, anh em chúng tôi được 'chân truyền'.

Đã có ba khóa học cùng một chương trình như vậy hoàn tất trước đó. Anh em chúng tôi biết rằng hầu hết những cán bộ Quân Chính cả ba khóa đều lần lượt rời chiến khu ra ngoài dân hoạt động, thành thử không hẹn mà mấy chục anh em khóa sinh khóa Bốn chúng tôi có chung một niềm vui: Sẽ một ngày không xa, chúng tôi được phép 'xuống núi'....

Đã có lần tôi viết cho một người bạn: 'Cái quan niệm đấu tranh, nó cũng giống như Thiền. Mình nhìn ra được, nhìn đúng được quan niệm đấu tranh, đâu có khác gì một anh thiền gia ngộ đạo...'. Nhưng ngày hôm nay, liếc sơ qua chương trình học của khóa Cán Bộ Quân Chính, tôi biết là mình chưa 'ngộ'.

Những ngày đầu tiên, nương theo con đường Đông Tiến vào chiến khu, tôi đã mang cái vẻ 'hí hửng' từ bên ngoài vào. Cái 'hí hửng' phát xuất từ những lần nghiền ngẫm Cương Lĩnh Chính Trị, phát xuất từ những khám phá cục bộ của đường lối đấu tranh. Tôi 'đụng' ngay một phát với các chiến hữu giao liên tại bờ một con suối lớn lúc dừng quân, để đủ biết rằng cái 'hí hửng' của mình là quá đáng. Tôi mang cái tâm trạng đó suốt khóa học Căn Bản Kháng Chiến Quân.

Con đường đấu tranh mênh mang nhưng thẳng băng. Vấn đề là làm thế nào để biết sắp xếp từ cái mênh mang đó thành thẳng tắp một hướng. Tôi nghĩ mình còn phải phấn đấu nhiều lắm.Và tôi đã cố gắng. Vậy mà nhìn lại chương trình học của khóa Cán Bộ Quân Chính thêm một lần nữa, tôi biết mình đang bị 'sốc'.

....

Ngày Cuối Khóa.

Khi mà những trang giấy xám mốc lần lượt đầy nhóc những chữ ghi vội lại những vấn đề mà ngày đầu khóa tôi cho là cũ rích, tôi biết ra, nó không cũ. Và tôi biết thêm, tôi còn phải được mổ xẻ những vấn đề đó tường tận nhiều hơn nữa.

Thầy đã gần như nhắc đi nhắc lại hàng ngày câu nói: 'Huấn luyện, học hành là công tác hàng đầu trong suốt tiến trình đấu tranh giải phóng và nó sẽ được tiếp tục trong suốt giai đoạn cách mạng dựng nước sau này'.

Chúng tôi học được những cái cốt lõi của những vấn đề cũ rích như vậy để nhìn thấy rằng những cái cốt lõi đó, hàng bao nhiêu năm nay, đã không có ai khai thác ra được hầu làm mới lại vấn đề. Với tôi, tôi cho đó là một môn học mà đáng lẽ ra mấy trăm năm nay, con người ta phải hệ thống hóa và xếp thành một phân khoa rõ rệt cho các trường đại học, gọi là Khoa học cách mạng hay Cách mạng học cũng được. Nó sẽ không ăn nhập gì tới những vấn đề của Kinh tế học, Xã hội học, hay Chính trị học... Bởi vì cái cốt lõi của nó gồm toàn những điều toàn Chân, toàn Thiện, toàn Mỹ. Nó phát sinh từ ước vọng muốn thay đổi một cái cũ xấu bằng một cái mới tốt. Hơn thế nữa, nó chứa đựng một kỹ thuật gọi là kỹ thuật đấu tranh giải phóng, sử dụng toàn bằng ý thức Nhân, Nghĩa, và Sức Mạnh Dân Tộc...

....

Có một chiến hữu cùng khóa nói với tôi mấy hôm trước, câu nói tôi rất chịu: 'Mình chủ trương... làm cách mạng là phải làm tận tâm, tận lực. Đi đấu tranh là phải thật dứt khoát, quyết liệt. Nè... yêu là phải yêu như Đoàn Dự, ma thì phải ma như Vi Tiểu Bảo, ngang thì phải ngang như Lệnh Hồ Xung, mà hào phóng thì phải hào phóng như Kiều Phong. Cách mạng là phải như vậy... đấu tranh là phải như vậy... như mình'.

Tôi rất chịu....

....

Điều tôi muốn được nói sau cùng là sự tiếc rẻ cho một vài chiến hữu cùng khóa, vì nhu cầu công tác bất ngờ và khẩn cấp, đã gởi lại lớp học những quyển vở vàng và quảy ba lô lên đường. Tôi không dám tiếc giùm cho các bạn tôi ở ngoài đó đã không có dịp ngồi trước những dãy bàn tre khập khiễng, rung rinh này mà tìm thấy một thái độ dứt khoát hơn.

Các bạn tôi chưa có dịp đó thôi...".

"Chim bay trên rừng còn nhớ lời ca
Ta đi trên rừng lòng nhớ thiết tha
Mắt mẹ già, tiếng đàn em
Bao nhiêu năm rồi giục ta tiến tới
Ai đun cơm chiều tỏa khói trời xanh
Thương dân ta nghèo lòng gắng bước nhanh
Sá chi buồn, tiếc gì vui.
Mau mau ta về diệt quân ác thú.

Hỡi người anh kháng chiến trên rừng
Áo đã mòn nhiều năm gió núi
Hỡi người anh kháng chiến của tôi
Tóc dầu phai nhưng chí không sờn
Thắm tình anh lúa chín thêm nhiều
Nhớ thương người mẹ may áo mới
Vẫn chờ mong cho sáng ngày vui
Quân về đây, cùng nhau ta đứng lên..."

(Nguyên Chương - Tình Ca Người Đi Núi)