Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Hình Ảnh Một Đoàn Viên Mặt Trận Ở Hải Ngoại

Họ ở mọi độ tuổi. Có người chưa kịp tốt nghiệp trung học, run tay cầm bài hát trong đoàn Văn Nghệ Kháng Chiến. Có người đã gần 80, lom khom cột bao rác đựng lon nhôm tiếp vận kháng chiến....

Họ ở mọi nơi có người Việt tỵ nạn cộng sản trên toàn thế giới. Từ vùng đất Na Uy-Đan Mạch mùa hè không thấy mặt trời lặn ở miền cực Bắc, cho tới miền đất ngược mùa Úc Đại Lợi–Tân Tây Lan ở cực nam địa cầu. Từ phố Bolsa nhộn nhịp ở miền Nam California, cho tới trại tỵ nạn Palawan chơ vơ lộng gió ở giữa Thái Bình Dương. Từ tiểu bang giá tuyết Minnesota đến vùng sa mạc Arizona....

Họ là công nhân xí nghiệp. Họ là luật sư. Họ là sinh viên. Họ là thợ ống khóa. Họ là bác sĩ (có nơi cả hai cha con đoàn viên đều là bác sĩ). Họ là thư ký văn phòng. Họ là nhạc sĩ. Họ là cựu giám đốc ngân hàng. Họ là chuyên viên điện toán có mấy bằng phát minh ở Mỹ. Họ là tiến sĩ nhiều ngành học khác nhau. Họ là nhà văn. Họ là nhạc sĩ. Họ là nhà buôn, nhà báo, nhà binh, nhà bếp. Họ là cựu tù cải tạo (có nơi cả ba anh em một nhà đều là cựu tù cải tạo). Họ là ca sĩ tài tử sau này biến thành chuyên nghiệp. Họ bán chợ trời. Họ lái taxi. Họ sửa ống nước. Họ là thợ tiện. Họ là y tá. Họ là nha sĩ. Họ là kỹ sư các ngành cơ khí, công chánh, điện và điện tử. Họ lái tàu đánh cua đánh cá ở Alaska. Họ là phi công cho hãng dầu khí Mã Lai. Họ là chủ nhà in. Họ dọn bàn rửa chén trong nhà hàng.... Đủ cả. Cả những người cao niên không làm một nghề gì.

Đoàn viên hải ngoại đi đấu tranh vận dụng...
Họ không chỉ là người Việt Nam. Họ là người bản xứ ở nơi người Việt tạm cư tỵ nạn và chưa hề qua Việt Nam lần nào.

Họ hăng hái như nhau, dù có người ngồi xe lăn, có người chống nạng và vẫn còn chống nạng xuống đường biểu tình rồi về nhà viết phóng sự cho tới 2007 này. Họ xông xáo khắp nơi, dù biểu tình dưới tuyết hay tuyệt thực trong mưa. Họ hào phóng tặng cà chua trứng thối cho Nguyễn Cơ Thạch, Phan Văn Khải... khiến hầu hết các phái đoàn Hà Nội công du phải chui cổng hậu (Phan Văn Khải đã từng xin dời buổi họp nửa giờ để... đi tắm, tẩy mùi mắm tôm).

... quảng bá báo Kháng Chiến, tài liệu tuyên vận
Họ tài hoa diễn kịch ngay giữa đường phố để tạo sự quan tâm cho người ngoại quốc. Họ thõng tay vào chợ, xuống đường, ra phố quảng bá báo Kháng Chiến. Họ nấu tiệc đám cưới, hớt tóc, đào bắt giun đất, hay rửa xe tập thể để lấy thù lao yểm trợ kháng chiến. Họ sắc bén phản luận trên các trang báo ngoại ngữ. Họ bán chả giò trong hội chợ của dân bản xứ. Họ hùng hồn tham luận trong Hội Nghị Phát Triển Á Châu tổ chức ở Nhật. Họ ung dung phản đối đến nơi đến chốn chương trình truyền hình PBS bóp méo lịch sử Việt Nam. Họ nhất quyết không để cho bất kỳ 1 lá cờ đỏ sao vàng nào lọt ra khỏi khuôn viên sứ quán của Hà Nội, ở bất kỳ thành phố nào trên thế giới. Họ bẻ gãy chiến dịch Hà Nội vận động Unessco vinh danh họ Hồ. Họ bao vây kinh tài Việt cộng. Họ tổ chức kỷ niệm 200 năm chiến thắng Đống Đa. Họ gặp Chủ tịch đảng Liberty tại quốc hội Úc.

... và xuống đường đấu tranh
Họ vận động chính phủ Pháp phong tỏa kinh tế Hà Nội. Họ tham dự Hội Nghị Truyền Thông Quốc Tế kỳ 4 tại Hán Thành. Họ nói chuyện với lãnh đạo đảng Dân Xã tại quốc hội Nhật Bản. Họ quy tụ 8.000 trại viên Sikiew chào cờ vinh danh ngày Quốc Kháng. Họ huy động 1.500 đồng bào bao vây sứ quán Hà Nội ở Bonn. Họ tổ chức những buổi đại nhạc hội tưng bừng yểm trợ kháng chiến ở Cali nắng ấm. Họ biểu tình tuần hành trên đường phố Halifax buốt lạnh của tỉnh Nova-Scotia hẻo lánh trên đất Canada để phản đối tội ác Việt cộng. Họ chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh với Kháng Chiến A Phú Hãn. Họ vận động kéo cờ Vàng lên ngang cờ Phi trong trại Palawan, nhân buổi lễ cả trại chít khăn tang cùng thề quyết giải phóng Việt Nam. Họ bắt tay thân thiện với Mặt Trận Dân Chủ Nicaragua (SDN). Họ thành lập các Hội Thân Hữu Việt-Mỹ, Việt Pháp, Việt Nam-Thụy Sĩ.... Họ vào điều trần trong quốc hội Úc, quốc hội Mỹ. Họ trò chuyện với nghị sĩ Thuợng Viện Pháp. Họ tổ chức Đại Lễ Quốc Khánh cho người lớn. Họ trao giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật. Họ tổ chức Trung Thu cho trẻ em...

Họ học và thi tốt nghiệp các khóa học tập bắt buộc từng cấp: Lên Đường, Trên Đường Kháng Chiến, Vận Dụng cấp 1, Vận Dụng cấp 2.... Họ tham dự các khóa học thảo Phùng Tấn Hiệp, Chí Linh 1, Chí Linh 2... Họ học từ các bài nghị luận trên báo Kháng Chiến. Họ chia sẻ kinh nghiệm cho nhau qua điện thoại hay qua các kỳ Đại Hội Trưởng Cơ Sở. Họ thăm viếng thân hữu, bà con, và nói chuyện kháng chiến tại sở làm, ngoài tiệm ăn, trong nhà bếp....

Một số cán bộ nòng cốt của Mặt Trận ở hải ngoại đã gia nhập Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng từ những năm 83-86. Phần lớn gia nhập Việt Tân từ tháng 11-1993.

Họ đến với Mặt Trận với nhiều khả năng chuyên biệt của từng người.

Họ gặp nhau đây chỉ để cùng nhau trui rèn, trau dồi, thăng tiến, phát huy một khả năng duy nhất là: Vận động mọi người tham gia hay yểm trợ kháng chiến.

Một buổi văn nghệ yểm trợ kháng chiến tại hải ngoại
"Chiều nay đường phố thêm đông thêm màu
bởi có em trong chiếc áo nâu
em phát những tờ truyền đơn...
Em chào người mẹ đã già
mẹ ơi giặc chiếm quê ta
nhưng chúng con quyết tâm giành lại
giành lại quê cho mắt mẹ vui
giành lại quê cho môi mẹ cười, mẹ ơi.
Mẹ hân hoan nhìn em, nước mắt,
tờ truyền đơn mẹ áp vào lòng...
Mẹ thương anh kháng chiến quân.

Chiều nay đường phố thêm đông thêm màu
bởi có em trong chiếc áo nâu
em phát những tờ truyền đơn...
Em chào người chị xinh tươi
chị thật ngoan trong chiếc áo dài
chị ơi, có anh kháng chiến rừng xa
tình của anh tô má chị xinh
tình của anh nuôi tóc chị dài, chị ơi.
Chị hân hoan cùng em góp sức
tờ truyền đơn chị phát, chị truyền...
Chị thương anh kháng chiến quân.

Chiều nay đường phố thêm đông thêm màu
bởi có em trong chiếc áo nâu
em phát những tờ truyền đơn...
Tin mừng em chia cùng Mẹ
tin mừng em tỏ cùng Cha
chị ơi, có tin chiến thắng rừng xa
Em ước mơ ngày vui sẽ tới
có bước chân em đi hàng đầu
rước tình, rước tình chị về với anh"

(Nguyên Chương – Người Em Gái Áo Nâu)

---- oOo ----

Chính Nghĩa Trong Thực Tế

(Trích đoạn diễn từ bế mạc của chiến hữu Nguyễn Kim, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại,
trong Đại Hội Trưởng Cơ Sở Hải Ngoại 1986)

.... Nói tới sức mạnh chính nghĩa, nhiều người trong chúng ta vẫn chỉ cảm thấy lờ mờ, trừu tượng, vì sức mạnh chính nghĩa vô hình, không thể trông thấy hay cân đo được. Nhưng nếu hiểu thật rõ, chúng ta vẫn có thể cảm thấy cái sức mạnh vô hình đó và phát huy nó. Nghĩa là làm sao để biến cái sức mạnh vô hình thành sức mạnh thực tế, nhìn thấy được, đo lường được.

Chính nghĩa của đấu tranh là bất cứ điều gì hợp với nguyện vọng toàn dân, hợp với đạo lý con người. Còn ngược lại thì là những điều phi chính nghĩa.

Nguyện vọng của đồng bào hiện thời là gì? Nguyện vọng đó là có được một đời sống thanh bình, đủ cơm ăn áo mặc, được độc lập và tự do. Đạo lý làm người của chúng ta trong khuôn khổ đấu tranh hiện giờ là gì? Đó là khi chúng ta may mắn thoát khỏi ngục tù Việt cộng, có được đời sống no ấm tự do, chúng ta không thể quên được Tổ Quốc đang bị Liên Xô và bạo quyền Việt cộng dày xéo. Chúng ta không thể quên được những người bạn đã cùng sát cánh chiến đấu với chúng ta trước đây hiện đang bị ngược đãi, bị trả thù. Chúng ta không thể quên đồng bào hiện đang lầm than đau khổ. Chúng ta không thể quên được các chiến hữu hiện nay vẫn đang âm thầm chiến đấu cứu nước. Cuộc đấu tranh mà tất cả chúng ta đeo đuổi chính là để kiến tạo những nguyện vọng đó, chính là những việc hợp với đạo lý con người đó.

Và đó là chính nghĩa đấu tranh của chúng ta.

Muốn nhìn thấy chính nghĩa đã tạo nên sức mạnh thực tế như thế nào, tôi xin nêu ra một thí dụ điển hình mà đa số chúng ta ở đây đều biết: Năm ngoái, cách đây gần nửa năm, bảy anh em chúng ta ở hải ngoại đã về khu chiến tham dự Khóa Quyết Tâm. Khi trở ra, các chiến hữu của chúng ta đã đem theo mấy món quân trang mà các kháng chiến quân trong nước đang dùng dở dang. Nhiều người đã nhìn thấy những bộ quần áo thô kệch và rách rưới đó với một cảm tình. Cũng có người đã trìu mến nâng niu như một cái gì đó rất quý giá. Nếu nói về thuần lý vật chất thì mấy bộ đồ đó không có giá trị gì nhiều, có khi ở ngoại cũng khó lục kiếm từ mấy hàng quần áo cũ, hoặc không đủ tiêu chuẩn để làm khăn lau trong nhà. Nhưng tại sao chúng ta lại quý những bộ đồ đó? Tại sao ở hải ngoại có người vuốt ve những chiếc áo đó mà thấy xúc cảm bồi hồi? Tại vì, thưa các chiến hữu, những bộ đồ đó đang được sử dụng bởi những người chiến sĩ của chính nghĩa đang phục vụ cho chính nghĩa.

Những xúc cảm khi cầm trên tay bộ đồ đó khiến chúng ta phải nghĩ là không thể không bỏ ra chút thì giờ để làm một cái gì đó tiếp tay với họ. Không thể không nhín một chút phương tiện dư thừa hàng ngày để cho họ có được một bộ quần áo lành lặn hơn, có được bữa cơm no bụng hơn, có được nhiều phương tiện chiến đấu hơn.

Những cái 'lành lặn hơn', hoặc 'no bụng hơn', hoặc 'nhiều phương tiện chiến đấu hơn' đó chính là những thực tế gây sức mạnh có thể nhìn thấy được, đo đếm được. Điều gì đã tạo nên những cái 'hơn' đó nếu không phải là sức mạnh vô hình toát ra từ một bộ quần áo thô kệch? Và đó là tượng trưng cho chính nghĩa, cho sức mạnh của chính nghĩa.

....

Trong khuôn khổ hỏ hẹp hơn, chính tác phong nghiêm túc, tinh thần hy sinh, đức tính khiêm tốn... và chính quyết tâm cùng sự tận tụy của mỗi đoàn viên trong công tác cũng là những việc thực tiễn và cần thiết để phát huy chính nghĩa. Quảng đại quần chúng sẽ không thể nhìn thấy chính nghĩa ở những cán bộ thiếu tác phong, thiếu hy sinh và thiếu niềm tin. Mà khi người ta không nhìn thấy chính nghĩa thì làm sao người ta có thể tham gia cứu nước?....

"Chiều cuối năm rừng đầy hơi lạnh
Những đoàn quân đi lừng lững mà lên
Ngoài kia thôn xóm không củi lửa
Trong này rừng không lót lá êm
Cơn sốt rét cứ đòi vật người xuống
Những lừa đảo những phản phúc bên ngoài muốn vật người xuống
Nhưng người cứ đi, cứ lừng lững đi lên
Chiều cuối năm người đi ồn ào không lên tiếng
Chỉ lời hứa trong đầu
Chỉ tiếng hát trong tim
Ánh mắt nhìn nhau ngần đủ
Lửa đây rồi anh em ơi,
trong giòng máu này còn chảy,
trong tim này còn thắm
Lửa này làm sao lụi
Lửa này làm sao tàn?
Anh cho tôi tiếp lửa
Lửa từ Hùng Vương
Từ Trưng Triệu Hát Giang còn dậy sóng
Từ trường kỳ Nguyễn Trãi Lam Sơn
Từ cuồn cuộn quân đi hồi trống võ Quang Trung còn dồn dập
Những rừng, những thôn xóm mịt mù không ánh điện
Nhưng xin cho chúng tôi từ khước những ngọn đèn xanh
Vì rằng hôm nay ánh sáng, như bao giờ đã vẫn tràn về chói lọi
Từ những tim người về
Từ vạn vạn người đang đứng dậy
Chúng ta, những con người khí thế
Bám lấy rừng, lấy đồng lầy, lấy mạch máu cha ông
Phơi gan ruột vạch can trường vì đồng bào mà đi tới
Đừng nói với chúng tôi về những đồng đô-la,
những đồng quan, những hòm dân-tệ
Nuôi chúng tôi đã có sắn khoai
Và khí trời
Và lòng mẹ lòng em
Và lịch sử ngàn năm đấu tranh
Không hề biết sợ
Nói làm sao cho hết nghĩa tình?
Kể làm sao cho hết?
Trên đường dây tiếp tế hôm nay
Những em bé lên chín lên mười băng đồng lội suối
Mẹ gởi theo đây nắm gạo đầu mùa
Chưa vỡ cám
Lòng dân làng chân chất gởi theo thương
Người con trong Chí Linh hôm nay
Cầm trên tay hạt gạo nghẹn lời mắt long lanh nước mắt
Ôm vai em thơ, anh ngửa mặt nhìn trời:

'Trời hỡi, chứng đây Trời, hạt gạo
Chen cỏ hoang kinh tế mới mà lên
Ba trăm đêm
Ba trăm ngày
Tưới bằng mồ hôi
Máu và nước mắt
Nghĩa tình chị, mẹ nuôi con,
Em thơ vượt chết mà đi
Trời hỡi, đây hạt gạo mùa tang chế
Dân lành đất nước chúng tôi
Hạt gạo lép gầy thương khó
Là xương tủy con người
Là tròng đỏ con mắt
Tìm nhau
Nuôi nhau
Chiến đấu vẫn mỗi giờ mỗi khắc
Trong lòng mỗi thôn làng
Trong từng xóm ngõ
Không chờ ai, chẳng nương ai.
Đồng hoang khô cạn, bão tố triền miên
Quân cướp nước, phường chuyên chính
Ngọn đao, lưỡi liềm bổ xuống
Roi da vun vút vai lưng
Vẫn oằn cong người gánh chịu
Những anh những chị một lòng trung kiên
Bám lấy đất lấy núi sông chống lại.
Trời hỡi, đây hạt gạo trời cho mùa tai ương
Mười năm rồi đất nước chúng tôi
bọn thống trị một phường bạo chúa, a tòng phe đảng
Lấy chém giết làm vui
Lấy máu dân lành khoe chiến công dâng trùm chủ
Xác anh em chúng tôi đã đầy khắp nẻo
Theo những lao tù mọc lên như nấm đỏ
Từ Việt Bắc xuống Cà Mau
Trên Tây Nguyên xuống thành xuống phố
Đâu cũng tù, đâu cũng gông
Đâu cũng nhang tàn nước mắt
Mấy lứa thanh niên rồi thây phơi chiến địa
Chiến trường đi chẳng có người về
Đồng hoang chó đói tha xương
Người sống cắn đất mà ăn
Người chết hài cốt bị xới tung bị cày nát
Quí-thạch làm sao gánh
Chỉ xin Trời cho tôi ngậm trong miệng này
Để tiếp thu
Nguồn mạch núi sông
Công ơn cha mẹ
Cho tay thêm vững
Cho lòng thêm lớn'.

Trời xanh cao vút
Rừng già mênh mông
Anh kháng chiến quân cúi đầu
Hôn lên trán người em mới gặp
Tóc tơ vàng khét nắng:

'Em ơi đi về cẩn trọng
Tổ tiên phù hộ chân em
Tổ tiên phò trợ mắt em
Về thưa cùng mẹ thưa cùng chị
Lòng các anh no ấm lắm rồi
Ân nghĩa ấy gan ruột này có phơi
Cũng không đền đáp đủ;
Cảm ơn em,
Chuyện tương lai sớm gánh đỡ vai non
Em làm anh tủi quá'.

Đứa em đi rồi, đôi chân thơ thoăn thoắt
Người kháng chiến quân mặt đằm nước mắt nhìn theo
Anh chắp hai tay xin với anh linh
Những đồng đội mình ngã xuống hôm qua
Sao cho em đi
Đừng mắc hầm chông
Đừng sa mìn bẫy:

'Chân em là chân chim
Xin được bay trời rộng lớn
Tuổi em là hoa hường
Xin đừng vào nanh lũ sói
Anh ơi về đây làm chứng
Tình nghĩa mẹ cha
Lòng thương em út
Hạt gạo này ăn sao cho đành ngoài kia triệu người chết đói
Hãy giữ đây cho ngày mai
Khi qua buôn làng
Ta gởi người ốm bệnh
Sống được thêm đôi ngày
Anh em ơi
Cái chết anh em mình chỉ mong chừng ấy chuyện:
Ta chết đi cho những đứa em mình được sống
Ta ngã xuống đây cho đất nước mình đứng dậy mà đi
Đi ngẩng mặt nhìn trời
Đi tự do hào phóng
Đi vòi vọi yêu thương
Đi rùng rùng đảm lược
Anh em ơi, nay chiều cuối năm, mai ngày Tết
Hương hồn xin về quây quần
Ánh lửa tình thân
Anh linh dân tộc'.

Người kháng chiến quân đứng thẳng
giữa muôn tiếng chân người về
Lửa vừa lên giữa tim rừng ngùn ngụt"

(Thường Quán - Lửa Vừa Lên Giữa Tim Rừng Ngùn Ngụt)