Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Nguyễn Trọng Hùng: Nợ Nước Tình Nhà ... Qua Những Cánh Thư Cho Con

Hồng Lê
(viết theo lời kể của Huỳnh Thanh)

“Trong anh có hai con người. Một con người rất tình cảm, rất thương anh em, gia đình con cái. Một con người khác sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho đại cuộc, đất nước”.

“Kiên tâm, Trì trí và Hy sinh đó là những được tính mà anh em học được ở chiến hữu Nguyễn Trọng Hùng” .

---- oOo ----

Thủ Đô Thái Lan, Chiều 24/11/1981

Viết cho Hoàng, Uyên và Út

Các con yêu dấu của bố

Còn một ít thời gian nữa bố sẽ từ giã phố thành để trở về cuộc sống âm thầm trong rừng sâu nước độc với muôn ngàn hiểm nguy bất trắc đang đợi chờ. Ở đó mọi tiện nghi của loài người phố thị không còn nữa, nên trưa nay bố phải viết hầu để lại cho các con.

Các con yêu dấu.

Sự vắng mặt lâu dài của bố trong cuộc sống gia đình ta sẽ tạo cho các con những nỗi khó khăn, những thua thiệt.

Hôm nay, trước giờ bố xa các con hơn nữa bố muốn dành tất cả để tâm sự với các con, bố mong rằng một ngày nào đó, khi lớn lên các con sẽ đọc để có thể hiểu được bố. Hẳn các con biết bố là con thứ hóa đầu của một gia đình đông anh em 7 trai 9 gái hiện hữu và một số đã qua đời.

Biết bò, biết đi trong hoàn cảnh rối ren của đất nước; hơn một lần ông bà nội kể lại. Ngày bé ấy bố ăn khoẻ và chóng đói, bên cơn lụt lan tràn khắp miền Trung. Trong nhà thức ăn còn rất ít chỉ đủ cho bố lót lòng, khiến cả nhà e ngại cho kỹ thuật khóc nhè của bố. Chuyện xảy ra như ông bà dự liệu, quả thật chút đồ ăn ấy chẳng thấm vào đâu với dạ dày hay đói của bố. Ông bà phải thuê người lội nước đi tìm thức ăn để cho bố no lòng.

Bố bắt đầu đi học vỡ lòng, khi gia đình phải tản cư ra tận cùng Đà Nẵng để tránh hiểm họa của chiến tranh.

Lớn dần bởi sự nuôi nấng của ông bà nội trong khung cảnh phố thị của quê ngoại. Công việc làm ăn của ông bà nội sa sút dần dà đến tiêu tan cả cơ nghiệp tuy không giầu lắm nhưng cũng có tiếng dư dả. Bố phải theo gia đình lưu lạc tận miền An Khê An Túc.

Đó là những năm cùng cực thảm hại của gia đình, lúc đó gia đình bố đã đông em rồi. Ngày ngày đi học, rảnh rỗi bố phải theo nội tập tành bán buôn.

Bố nhớ năm ấy bố bằng Hoàng bây chừ mà phải đội một thúng chuối bán rong cho các xe đò ghé bến. Bà nội mỗi ngày phải gánh nồi cháo gà vượt dốc đá giữa trưa nắng bán rong. Một trong những kỷ niệm khó quên bấy giờ.

Nhà vách đất mái tranh, ông nội từ người đàn ông trong xí nghiệp; chủ một cơ xưởng phải đi phá rừng làm rẫy, gia sản quý nhất là chiếc xe đạp cũ kỹ được sơn phết lại.

Hôm ấy thấy nhà sa sút quá, bố liều mình lấy xe đạp và chiếc rựa trốn vào rừng, mấy giờ lục lọi trong rừng bố đã tìm thấy một cây rừng thẳng vừa ý, thế là bố hạ không chút do dự. Đến bây giờ bố cũng không hiểu làm sao bố có thể hạ ngã cây rừng đó với số tuổi mười hay mười một. Thế mà không những chỉ hạ ngã, bố còn tính toán làm sao cho vừa cây cột nhà để bán lấy tiền và rồi với sức bé con bố đã đặt thân cây khoảng 4 mét có đường kính tương ứng với cây cột nhà lên chiếc xe đạp ấy để đẩy về làng.

Trên đường về lòng hân hoan và hãnh diện sẽ được nội thương. Nào ngờ phần thưởng là một trận đòn thừa chết thiếu sống. Bố ôm cơn đau, để nghe lời chỉ dạy của ông nội, rừng lắm cọp ăn thịt người mà bố đã ngu dại vác xác vào.

Dần dà gia đình khá hơn, ông nội đã xoay xở được việc làm. Lại một lần nữa bố theo gia đình trở về Qui Nhơn, quê nội. Bố lại lớn lên trong sự đầm ấm của gia đình, bố được ông bà cho ăn học những trường có nghiêm phép. Thế rồi bố phải xa gia đình ra tận Huế là cố đô để theo học trong tu viện. Lòng mình muốn mà ý trời không muốn lại thêm lòng người quái ác. Ông nội bị một bọn gia đình người hãm hại phải bỏ tỉnh trốn đi giữa sáng tinh sương.

Tình hình khắp nước lúc bấy giờ nhốn nháo vì đảo chánh, chỉnh lý. Những đoàn biểu tình có sự giật dây của cộng sản bắt đầu đập phá và đình công bãi khóa.

Tu viện của bố bị giải tán một cách bất ngờ. Bố theo đồng môn trở về lại với gia đình. Nhưng rủi thay gia đình đã âm thầm ra đi bởi sự cố tình ám hại của những người kỳ thị tôn giáo lân cận.

Không tiền bạc lận lưng, bố đã biết tránh nhờ những họ hàng thân thuộc, âm thầm một mình lên tận miền cao nguyên để tìm gia đình theo lời mách chỉ rất vu vơ. Bố đã tìm được gia đình như chim đã tìm được tổ ấm.

Cuộc sống gia đình được sung túc hơn, bố lại tiếp tục được giáo dục bởi các Dì Phước hiền lành nhưng nghiêm nghị.

Cuộc sống gia đình lại trở về quê cũ, bố lại chịu sự giáo dục của các Thầy Dòng cũng như ước vọng của ông nội. Và cũng tại thành phố đó bố đã gặp má các con trong tình yêu ban đầu. Mấy năm sau bố má kết hôn với nhau bên sự thúc giục của ông bà nội ngoại và bạn bè bố má.

Hoàng ra đời khi bố đang sống bằng nghề dạy học và má có việc làm vững chắc ở bịnh viện danh tiếng. Cuộc sống như thế quả là lý tưởng phải không các con. Nhưng chiến tranh mỗi ngày mỗi lan rộng, nhiều bạn bè của bố đã nhập ngũ. Bố nhất định gia nhập quân đội mặc dù lắm kẻ ngăn cản hay cho đó là một quyết định dại dột của bố.

Lúc bấy giờ bố nhớ lại những gì đã được học ngày còn bé về tinh thần yêu nước ở trường học hay trong đại gia đình hướng đạo, vả lại sự dã man của bọn cộng sản đối với đồng bào mà bằng chứng cụ thể nhất chúng đã đối với ông nội trong đêm Trung Thu 1967. Từ đó cuộc đời quân nhân bố miệt mài cho đến ngày 19/3/1975 bố đã bị cộng sản bắt sống bởi sự tháo chạy ngu xuẩn của cấp chỉ huy, chỉ một thời gian ngắn sau bố vượt thoát trong gian nan để về với má, Hoàng và Uyên. Ngày đó má đang mang thai Út.

Chưa vui đoàn tụ thì cả nước chìm vào biển chết, bố phải đi theo làn sóng người cùng với má và các con đi tỵ nạn. Út được sinh ra trong lúc này, khi mà đất lạ quê người, ngôn ngữ cách biệt tiền không có mà việc cũng không. Út con sinh ra được bằng sự bố thí xã hội tiền hộ sản. Việc mà suốt cuộc đời bố đã không ngờ tới.... Bố đi làm rồi bố đi học, cuộc sống gia đình đã trở lại mức quân bình trong xã hội mới. Cuộc sống an lành và có chút gì bảo đảm cho tương lai, nhưng bố cảm thấy uất nghẹn làm sao ấy.

Cả cuộc đời các con nếu bố không giải thích có lẽ sẽ không hiểu được tại làm sao và bố nghĩ cách giải thích hay nhất là các con tìm hiểu về cuộc sống của bố và văn hóa của dân tộc.

Hoàng Uyên Út các con,

Bố tham gia đấu tranh kể từ ngày bố cảm thấy "uất nghẹn làm sao ấy". Và từ đó má với các con mang thêm sự thiệt thòi.

Các con dấu ái,

Bây giờ bố xa các con nửa vòng quả đất và bố sắp đi xa nữa, bố chỉ mong sao các con chóng ngoan, chóng lớn, chăm chỉ học hành, nhất là có lòng mến Chúa yêu người.

Một ngày hay một dịp khác bố sẽ kể cho các con nghe về trường đời và lòng người để gởi lại cho các con mớ kinh nghiệm sống của bố làm hành trang trong cuộc đời.

Bangkok chiều 24/11/1981


Chiến hữu Nguyễn Trọng Hùng (người thứ 3 từ trái) tại căn cứ 27 năm 1986
(Bên phải là chiến hữu Nguyễn Kim, ngoài cùng bên phải là chiến hữu Võ Hoàng)
Đọc lại lá thư hai lần, gấp lại nhẹ nhàng để vào phong bì, anh như gởi trọn tình cảm của mình dành cho các con vào cánh thư nhỏ này. Lặng nhìn cảnh chiều buông xuống, anh hít một hơi thật sâu và thở ra chậm chạp... Vậy là đã hơn 5 năm, cũng cảnh chiều này, khi anh liều chết trốn thoát trại giam để trở về Sài Gòn, trở về với các con và vợ hiền. Ngày đó anh như được sống lại; vậy mà khoảnh khắc hạnh phúc cũng vụt qua. Bồng bế các con rời Sài Gòn giữa sự hỗn độn của một đất nước trong những ngày cuối tháng Tư. Có lẽ, chính những ngày bị bắt tại mặt trận đó giúp anh quyết định phải ra đi bằng mọi giá, không một tia hy vọng hão huyền về “lực lượng thứ ba” hay những suy nghĩ lung bung về “ngày hòa bình” mà một số trí thức miền Nam đang chờ đợi.

Bốn tháng sau, anh đặt chân lên một miền đất mới: Hawaii mà người Việt thường gọi là Hạ-Uy-Di .

Những ngày tháng đầu tiên ở Hawaii, với chứng bịnh lao trong người đã vắt kiệt sức của anh. Phải vào bệnh viện một thời gian. Dù căn bệnh đang hoành hành nhưng đời sống, sinh kế khó khăn anh vẫn cố gắng làm janitor cho trường đại học Chaminat, để có đồng ra đồng vào cho vợ con và cũng có chút ít để sinh hoạt đấu tranh hay cho đội banh hay sinh hoạt cộng đồng. Anh cũng là người đầu tiên gom anh em lại dù người đó là ai không quan trọng, anh chỉ sợ họ không có tấm lòng mà thôi. Chính anh đã soạn thảo và thành lập “Làng Tư”: làng Việt hình thành từ tháng Tư đen. Anh được anh em tín nhiệm vào chức… ”xã trưởng”, để dẫn dắt “Gia Đình Họ Tư”. Anh không dừng lại ở đó, sau đó anh lại soạn ra nội quy, điều lệ và vận động hình thành Cộng Đồng Người Việt tại Hawaii.

Khi cộng đồng hình thành và hoạt động anh lại dấn thân vào những việc cụ thể hơn.

Anh đã hình thành được “Nghiệp Đoàn Xe Kem” tức tập thể những người bán manapua tại Hawaii.

Và cũng chính anh cùng một số anh em tiên phong khác thành lập “Nghiệp Đoàn Taxi”.

Bản thân anh ban ngày anh đi bán manapua, ban đêm, cuối tuần dành thời gian để sinh hoạt với cộng đồng. Để có những sinh hoạt cho người trẻ như lập đội bóng đá, những sinh hoạt dã ngoại mùa Hè. Với kinh nghiệm là một hướng đạo sinh, anh đã tổ chức những trại Hè hằng năm cho đồng bào và thanh thiếu niên ở Hawaii cho đến nay.

Mang trong người tâm huyết quang phục quê hương anh luôn nói về thảm trạng đất nước. Đau lòng trước làn sóng người liều mình vượt biển, đất nước trong cảnh tang thương anh biết cần phải tập họp lại những người đồng chí hướng để làm những việc này.

Anh đã liên lạc với những người bạn đồng quân ngũ ngày xưa tại Nam Cali. Một hôm anh mời gọi vài người bạn thân nhất ở hòn đảo để nói về những ý định mà anh đã ấp ủ lâu nay và mời các bạn cùng anh làm việc đó. Với quyết tâm đó anh và một người bạn này đã bay vào đất liền. Thời điểm đó, để được hai vé máy bay về Cali, những anh em còn lại phải làm thêm đóng góp cho chuyến đi của họ.

Trong chuyến đi đó, những ngày đầu tiên anh đã tuyên thệ và trở thành đoàn viên của Lực Lượng Quân Dân Việt Nam. Người đi chung với anh tuy không có ý kiến gì nhưng vẫn chia sẻ với anh “những suy nghĩ về tư cách của những người lãnh đạo trong tổ chức này”. Nhưng anh nói rằng: “Chúng ta tham dự tổ chức không phải vì một cá nhân mà vì tổ chức đó sẽ làm gì”. Anh tham gia Lực Lượng Quân Dân để tìm một hướng đấu tranh.

Từ ngày đó trở về Hawaii, anh đứng ra thành lập chi bộ đầu tiên và anh là Chi bộ trưởng. Cuộc đấu tranh của đồng bào Hawaii được đánh dấu từ đây. Tâm huyết nhất là phát triển cơ sở như một điệp khúc anh luôn tự nhắc nhở mình, phát triển cơ sở, phát triển và phát triển.

Đêm nay yên lắng, giữa thủ đô xứ Thái yên bình. Anh mỉm cười tự bằng lòng với những gì đã qua; “Làng Tư” giờ đã vững vàng như một cộng đồng nhỏ trên hòn đảo hiền hòa nắng ấm. Cơ sở Mặt Trận đã phát triển có nhiều chiến hữu tâm huyết anh đã an tâm...

Năm năm, gia đình chưa ổn định, thời gian chăm sóc gần bên các con không nhiều; bao chuyện của đồng bào, cơ sở mà anh phải lo toan thời gian cho gia đình có bao nhiêu. Trong hành trang mang về khu chiến ngoài một tấm hình chụp chung với anh em cơ sở Hawaii; hình ảnh vợ con, còn có một cuốn kinh, một cây thánh giá. Cầm trên tay tấm hình người thân rồi anh ép vào giữa cuốn thánh kinh và cầu nguyện. Một lời nguyện cầu hay như một lời tạ lỗi với vợ con, anh giao hết sự chăm lo trong vòng tay thương yêu của Chúa.

---- oOo ----

Bangkok ...1982

Các con dấu ái.

Bố trở về lại Bangkok được 2 tuần nay bởi căn bệnh sốt rét. Anh em đã đưa bố vượt biên giới để về đây điều trị căn bệnh thật là khủng khiếp trong đời bố. Nó làm cho đầu óc bố muốn điên lên, những giấc mơ kinh hoàng, những cơn rét tận xương tủy. Cơn bệnh cướp đi của bố 15 pounds thịt, nó đã hoán đổi màu da của bố thành nhợt nhạt, nó đã làm cho bố ngất xỉu. Nay thì bố đã khoẻ hơn nhờ mớ thuốc ký ninh Fansidar hay những chai nước biển được chuyền vào máu. Bố định tĩnh dưỡng thêm một thời gian nữa rồi trở về chiến khu, trách nhiệm bố phải trở về chiến khu ngay hôm nay. Bố đang ngồi đợi xe đến đón, một trục trặc nào đó xe chưa thấy đến, bố đốt thời gian bằng cách viết thư cho các con, tâm tình với các con.

Các con dấu ái.

Ba tháng vừa qua, nhiều gian lao đến với bố, bố trong rừng già, thiếu ánh mặt trời, thiếu sự dinh dưỡng. Thương nhớ má và các con nhưng bố đã góp công làm một việc trọng đại cùng anh em. Chiến khu đã xây dựng để từ đó phát xuất những đoàn quân đánh đuổi quân thù.

Báo chí thế giới nhất là tại Nhật Bản, tại Hoa Kỳ đã nói đến đoàn người anh dũng, hình ảnh chiếm đầy trong các báo, trong đó có hình bố, một người cha luôn nghĩ về các con.

Các con yêu dấu.

Các con buồn vì vắng bố, bố nhớ thương các con. Má phải sống rất chật vật. Tất cả đó là sự hy sinh, sự hy sinh phải có một giá trị mà giá trị trường cửu là giá trị tinh thần. Bố đã đạt và giữ cái giá trị tinh thần ấy là di sản để lại cho các con.

Trong lá thư cho các con cách đây không lâu bố đã tâm tình và gởi đến cho các con những điều bố viết. Bây giờ các con còn bé dại không lĩnh hội được ý, song lớn lên các con sẽ thấy thấm thía và bố hy vọng những nét chữ chứa đầy khí phách sẽ tiềm ẩn trong các con, để khi các con khôn lớn nó sẽ là kim chỉ nam cho cuộc đời các con.

Hơn ba mươi tuổi bố đã ngụp lặn quá nhiều trong giòng đời so với những người đồng tuổi, bố đã chứng kiến nhiều cuộc bể dâu, nhiều lần giá trị tinh thần lẫn vật chất sụp đổ. Mấy tháng qua trong rừng già, xa thế giới loài người bố đã nghiền ngẫm về giá trị cuộc sống rất nhiều. Có thể những bất trắc xẩy đến làm cho bố không còn gặp các con. Nhưng những giòng chữ này bố hy vọng sẽ đến với các con.

Trong sự biến đổi thăng trầm của cuộc đời, giá trị tinh thần trường cửu hơn cả. Vậy các con hãy nhớ lấy nằm lòng và phải bảo vệ nó. Muốn bảo vệ được nó các con phải biết làm một loại cây, loại cây cổ thụ chứ không phải loại cây leo bám sống. Cây cổ thụ sẽ qua được phong ba của trời đất. Cây cổ thụ sẽ tạo bóng mát cho chung quanh nó. Cây cổ thụ nếu có phải ngã tự nó cũng đã tạo ra một âm vang rúng động trong cánh rừng già.

Bố viết gì các con hiểu không? Bây giờ chưa hiểu nhưng lớn lên phải hiểu nghe không. Cầu nguyện cho bố nghe không các con. Lời nhắn nhủ và ước vọng của bố là các con sẽ nên người, người hữu dụng cho quốc gia, xã hội, tập tành nhân đức, mến Chúa yêu người đó là ước vọng và là giá trị của tinh thần.

Hôn các con.

Chiến hữu Nguyễn Trọng Hùng (ở giữa) và chiến hữu Lý Thái Hùng (đeo kính) năm 1982
Viết thư cho các con anh không biết bắt đầu từ đâu. Bao chuyện muốn kể, chuyện buồn vui trong chiến khu từ việc xây dựng chiến khu đến việc hình thành những Kháng Đoàn, Dân Đoàn... hay những nhân sự. Muốn kể thật nhiều cho các con; cho thằng Hoàng biết nhiều tấm gương hy sinh của bạn ba nó, đáng kính trọng lắm, đáng quý lắm...; kể cho con Quyên nghe cuộc sống thường nhật của ba nó trong chiến khu sáng, trưa, chiều, tối làm gì, chuyện nấu cơm, chuyện tắm giặt...; kể cho bé út Lê Na biết được ánh nắng buổi sớm trong rừng già miền nhiệt đới khác với ánh nắng chói lòa mỗi sáng trên bãi biển Almona... Nhưng những nguyên tắc bảo mật của tổ chức không cho phép anh trang trải những chuyện đó trên trang giấy. Chờ ngày về sẽ hàn huyên, anh tự bảo với mình như thế.

---- oOo ----

Các con dấu ái.

Đêm hôm qua, suốt cả đêm bố không ngủ được, sáng nay bố lang thang một mình giữa phố. Bố về đây mấy hôm nay chuẩn bị cho một chuyến công tác xa. Bố lại viết thư cho các con. Lang thang giữa đô thị xứ người lòng buồn rũ rượi, nhìn dân chúng họ mà lòng tê buốt.

Ngược dòng lịch sử, những ngày xa xưa, xứ họ nghèo nàn, hàng năm triều cống triều đình ta thế mà bây giờ phồn thịnh, náo nhiệt. Người dân nghèo nhất họ vẫn có cơm ăn no, áo quần ấm áp để mặc. Bố thấy một thằng bé lang thang nghèo nàn nó vẫn ăn được đĩa cơm với hai trứng gà rán với thịt kho. Thế mà dân mình, một xứ tài nguyên phong phú mà cơm không đủ ăn, áo quần chẳng lành lặn mà mặc. Trẻ con đâu được hồn nhiên đến trường học, chúng phải tham gia nghĩa vụ lao động, thanh niên đang cầm súng chiến đấu một cách vô lý ở Lào, Cam Bốt và biên giới Việt Hoa. Lớp người khác đang giam mình trong những nhà tù mệnh danh cải tạo hay bị buộc sống trong những vùng kinh tế mới đầy thiếu thốn.

Xã hội Việt Nam bây giờ là địa ngục trần gian, tất cả bởi tại bọn cầm quyền khốn nạn. Cũng vì thế mà bố xa các con, nhớ thương ngút ngàn. Các con còn may mắn sống trong xã hội đầy đủ, phải cố gắng chăm học nghe các con.

Bố đi cứu nước và đợi ngày các con thành tài hồi hương kiến quốc. Có như thế bố con chúng mình kiêu hãnh ngẩng mặt dưới ánh sáng mặt trời nhận mình là giống dân Hồng Lạc.

Bố.

Di bút của chiến hữu Nguyễn Trọng Hùng

Đại Hội Chính Nghĩa – Đó là chuyến công tác đầu tiên ra hải ngoại, sẽ gặp lại các con nhưng không biết một động lực nào khiến anh ngồi xuống viết thư cho con. Hạn chế tối đa việc gởi thư ra ngoài đó là yêu cầu của tổ chức với mọi kháng chiến quân. Mang trên vai trách nhiệm lớn đúng ra anh phải làm gương mẫu, vậy mà... Thôi, anh thầm nhắc mình vậy và cố đi vào giấc ngủ để giữ sức cho chuyến bay dài ngày mai.

Là người về từ chiến khu trong Đại Hội Chính Nghiã lúc phong trào đấu tranh trong một cao trào mọi người đều phấn khởi. Khắp nơi thành lập được Phong Trào Yểm Trợ Kháng Chiến. Trong những ngày đó anh luôn chia sẻ những thành quả trong chiến khu, anh luôn kêu gọi đồng bào tiếp tục đóng góp và ủng hộ hơn nữa công cuộc đấu tranh.

Hai Năm Sau

Chuyến thứ Nhì, là với trọng trách của Hội Đồng Kháng Chiến, bộ phận cao nhất của Mặt Trận, anh suy tư nhiều hơn trong việc: “Chấn Chỉnh Nhân Sự”. Sự quyết tâm về việc củng cố, chấp nhận dù phải làm lại từ đầu; dù sao công cuộc vẫn tiếp tục. Kháng chiến quân còn trong chiến khu, đồng bào còn gông cùm cộng sản, đồng bào hải ngoại vẫn quyết tâm tức công cuộc kháng chiến vẫn còn.

Chiến hữu Nguyễn Kim, một sĩ quan trẻ của không quân Quân Lực VNCH ngày nào giờ phải nhận tránh nhiệm lớn lao. Anh nhìn Kim và nhớ lại ngày nào anh còn phải thuyết phục cơ sở về chuyện mời chiến hữu Nguyễn Kim vào tổ chức; anh nhận xét về “đối tượng” của mình: “với những người có nhiều khả năng như thế, nếu vào được sẽ đóng góp cho tổ chức nhiều hơn, và sẽ dấn thân vào công cuộc với cả tâm huyết.”

Cảm nhận lần đầu tiên về chiến hữu Nguyễn Kim đã cho anh sự tin tưởng đó; vì lúc đó chiến hữu Nguyễn Kim đang là phi công của một hãng khai thác dầu hỏa, với công việc như thế khó mà mời được vào... Mặt Trận như nhận định của vài anh em trong cơ sở. Chiến hữu Kim đã gia nhập tổ chức, vào chiến khu và nay trở ra hải ngoại với một trọng trách: Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại.

“Dù tổ chức chúng ta còn lại một phần ba hay thậm chí một phần mười của những gì ta có, ta cũng từ đó đi lên”. Anh đã nói với chiến hữu mình như thế trong đêm trước khi rời Thái Lan về Cali. Chính vì sự kiên quyết bước tới và không mặc cảm như đa số anh em mà Mặt Trận đã có một chiến hữu lãnh đạo trung kiên. Chuyện tổ chức đã xong, Hội Đồng Kháng Chiến đã ra quyết định chiến hữu Nguyễn Kim đã ở lại vì trách nhiệm. Anh an tâm trở về chiến khu. Nghĩa nước là vậy nhưng tình nhà còn nhiều ưu tư; gia đình con cái đâu phải cảm thông được với người ra đi. Bản thân anh lại bị cơn sốt rét ác tính hoành hành.

Trời mới vào đông Cali chưa lạnh và khô ráo nhưng không ngăn được cơn sốt rét rừng, từng chập nóng lạnh hành hạ anh. Trên xe từ quận Cam về San Diego anh chỉ cầu mong sao cơn sốt ác nghiệt này không đến với anh trong thời gian ngắn ngủi bên người thân. Vợ và các con đã vào đất liền sống cạnh người thân. Chỉ còn ít phút nữa anh sẽ được gặp họ, anh chưa trả lời bức thư và những suy nghĩ cùng quyết định của Hoàng. Anh sẽ lựa lời nào nói với đứa con trai duy nhất của anh, những cảm xúc, những lý giải cứ tràn ngập trong suy nghĩ. Người con trai duy nhất đã quyết định dâng hiến cuộc đời để đi giao giảng lời Chúa, trong chiếc áo linh mục Hoàng sẽ làm được những gì nó mong ước. Đúng ra anh phải vui và hãnh diện với con... Với anh, dù sao Hoàng chỉ là một thanh niên mới lớn còn nhiều bổn phận với gia đình, anh lấy lá thư Hoàng gởi cho anh và đọc lại; chiến hữu cầm tay lái như hiểu được khoảng trống lặng trong anh nên cố im lặng, giữ lời. Anh quay kiếng xe xuống để đón nhận chút gió biển trong lành từ Laguna Beach thổi vào...

Hai ngày bên gia đình, anh đã hiểu được lòng con và tôn trọng quyết định của con. Nhớ lại khi anh quyết định về chiến khu thì đó là một tin chấn động trong gia đình, vợ con không thể hiểu được, các cháu còn quá nhỏ chỉ hiểu đơn giản là bố không yêu thương mình. Ra đi là chia tay với vợ với con nhưng hành xử thế nào cho các cháu hiểu, không oán trách, và thấy được việc làm của cha và hãnh diện. Các cháu còn quá trẻ làm sao hiểu được; chờ một ngày nào đó trưởng thành con sẽ hiểu và tha thứ cho bố. Sự dằn vặt, phải dứt tình phu thê, chia ly phụ tử đó là nỗi lòng người ra đi. Chữ đau khổ chắc cũng không diễn tả được những giây phút chia tay của người kháng chiến quân, vì chính họ thấu hiểu được ra đi là khó hẹn được ngày về.

Đêm đó, anh nhẹ người hơn dù trời San Diego mưa và hơi lạnh nhưng anh thấy ấm lòng, trong một nhà chứa xe thấp ẩm, anh và một chiến hữu ở Hawaii lại tâm sự chuyện buồn những ngày vừa qua. Đang rối bời về việc tổ chức lại Tổng Vụ Hải Ngoại với những lo toan về nhân sự và phương tiện nhưng câu chuyện nhanh chóng bắt qua những ước vọng, những việc phải làm những ngày sắp tới anh lại hứng khởi chia xẻ với chiến hữu mình: chiến khu cấu trúc như thế nào, đường dây liên lạc trong ngoài, hải ngoại phải làm những gì ……... Trời đã gần sáng trước khi bước vào giấc ngủ anh nói với bạn mình: “Tôi đi để lại con thơ cho vợ nuôi nấng thì chắc không an lòng nhưng vì đại cuộc thì gởi gắm lại anh em. Tuy các cháu sẽ nhiều thua thiệt. Là một con chiên tôi biết là mình có lỗi khi không chu toàn bổn phận người cha. Hy vọng con lớn lên sẽ hiểu được cha nó”.

---- oOo ----

Trở về chiến khu, công tác dồn dập phải di chuyển nhiều những cánh thư vơi dần. Trong khu chiến có một số quy luật, có những thời điểm không được thư từ liên lạc với gia đình và bằng hữu; một lần anh đã vi phạm vì nhớ vợ con và đã bị khiển trách. Thay thế cho những cánh thư anh gom những yêu thương đó gói trong lời thơ để viết về cho hiền nội.

Chiến hữu Nguyễn Trọng Hùng (Phải) đã tháp tùng cùng chiến hữu Chủ tịch Hoàng Cơ Minh thăm viếng Trụ sở Nhật Báo Sekai Nippo, nhân dịp Phái Đoàn Mât Trận đến Nhật tham dự Hội Nghị An Ninh Nhật Bản và Đông Nam Á vào ngàyu 26 –4-1985. Đây là chuyến công tác ra hải Ngoại sau cùng của chiến hữu Nguyễn Trọng Hùng. Trong hình, từ trái qua phải. Chủ tịch Hoàng Cơ Minh. Xứ Bộ Trưởng Nhật Bản Lý Thái Hùng, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại Nguyễn Kim, Ủy viên Hội Đồng Kháng Chiến Toàn Quốc Nguyễn Trọng Hùng.

Chuyến ra Hải Ngoại sau cùng

Nhân chuyến công tác tại Nhật Bản, Chiến hữu Nguyễn Trọng Hùng đã viếng tham một số cơ sở tại Hoa Kỳ, trong đó có cơ sở Hawaii vào trung tuần tháng 4 năm 1985. Với một tâm trạng hoàn toàn khác. Tràn đầy sức sống và say sưa kể về khu chiến, những buổi học tập trong chiến khu, tinh thần của anh em kháng chiến quân. Anh cũng tổ chức những buổi huấn luyện với tinh thần như thế cho các đoàn viên Mặt trận tại cơ sở Hawaii.

Ngày cuối trở về khu chiến, anh nói như nhắc nhủ: “Có thể đây là chuyến đi cuối cùng, đi thật xa về đất mẹ một là giải phóng đất nước hai là hy sinh cho công cuộc đấu tranh.” Anh cũng chia sẻ, tất cả những phương tiện mà chúng ta đang có là những phương tiện tạm bợ, những con đường chúng ta đi qua có thể không có đường trở lại. Rồi anh kết luận “Tuy vậy, tôi vẫn trở lại khu chiến, dù tôi có hy sinh tôi vẫn tiếp tục đấu tranh”. Anh em cười rần thì anh nói công cuộc đấu tranh là một cuộc hành trình miên viễn, nếu có nằm xuống cũng tiếp tục đấu tranh.

Sự linh cảm này được thấy qua những tình cảm anh dành cho những người con của anh. Với anh em chiến hữu anh còn nói lời tiễn biệt nhưng với người thân câu nói đâu trọn lời; đó là sự dằn vặt cao nhất mà anh phải mang theo khi trở về lại chiến khu.

Các con dấu ái.

Bố vừa xong một chuyến công tác, bố viết lại cho các con một phần những diễn biến, những ưu tư của bố trong chuyến công tác.

Bố được thả xuống vùng giải phóng của kháng chiến Khmer Tự Do cùng người bạn đồng hành vào một buổi chiều sau cơn mưa. Mọi người ở đây ngỡ ngàng xa lạ, nhưng không sao, người bạn đồng hành của bố đã có thời gian ở đây nên mọi ngỡ ngàng xa lạ được đón bằng tình chiến hữu. Ông Chutte viên tư lệnh đón bố trong chân tình. Một bữa cơm thân mật gồm những người dám nói, dám làm, dám hy sinh cho đại nghĩa. Bố giới thiệu và xin lỗi về sự đường đột. Tất cả trong vòng tay. Đây là một vùng giải phóng trên đất Kampuchia, với 50.000 dân, một bộ tư lệnh của Mặt Trận Khmer Tự Do (KPNLF) đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến dành tự do của dân tộc cũng lắm đau thương này.

Những tuần lễ làm việc tại đây đã cho bố một cảm giác thật thoải mái, một hy vọng thật tràn trề, trong vấn đề liên kết kháng chiến, nhưng cũng đau thương không ít. Bố cũng đã gặp nhiều ông đơn vị trưởng các cánh quân liên tục chiến đấu trong mấy năm qua. Ngày xưa họ là những sĩ quan can đảm, những công chức yêu dân, những nhà trí thức yêu nước. Họ quên cuộc sống ấm êm, họ đang mưu tìm phương thức giải phóng xứ sở họ. Họ cũng có những người trở về từ hải ngoại như bố và đúng nhất họ có một nỗi lòng như bố. Quả thật là quần hùng quy tụ, bố gặp họ lần đầu tuy xa lạ nhưng thắm thiết hơn ruột thịt, quý mến hơn anh em. Những thảo luận, những kế hoạch của những đồng hành, đồng cảnh gặp nhau tương đồng tương đắc lắm.

Bố hy vọng và nuôi hy vọng trong những ngày ở đấy, bố cũng đi thăm dân tình, những người đang bám víu mảnh đất cha ông của họ và vun tưới ngày đất nước họ được giải phóng. Họ chịu khổ cực, họ chịu thiếu thốn, họ chịu những đe dọa của sự tấn công, bệnh tật để chỉ mong có một ngày. Ngày họ giành lại độc lập. Bố cũng gặp một người đàn ông ngoài 40, có chín đứa con, chết 3 còn 6. Ông là một hiệu trưởng trung học, nói lưu loát nhiều ngôn ngữ, ông thừa khả năng đi tỵ nạn, tại một đệ tam quốc gia. Nhưng không, ông không đi, ông đã mộ quân chiến đấu trong mấy năm qua và đang tiếp tục chiến đấu. Đôi mắt ông thật tinh anh song không che dấu được những lo âu về tương lai mấy đứa trẻ, ông đã tâm tình nhiều với bố về tâm trạng của một người cha nhìn lũ con đang trên đà thất học mà vô phương cứu chữa. Vì ông không muốn ôm chúng nó trốn đi bỏ lại binh lính, đồng bào, quê hương lầm than, ông đã sửa lại câu thành ngữ của người Mỹ: "Wait and never see" để cho bố thấy được rằng ông đã kiên nhẫn song tất cả mong ước không đến. Tuy thế ông vẫn can đảm hy sinh tiếp tục, cung hiến cho quê hương bằng lời xác quyết: "Tôi đẻ ra trên quê hương này, và tôi phải chết trên quê hương này".

Đó các con thấy chưa, sự hào hùng của một công dân, dù cái sự hào hùng đó phải trả giá bằng sự não lòng, bằng cuộc sống đe dọa, bằng cái bi thương của một người cha nhìn tương lai đàn con bị đốt cháy, quả thật cuộc sống quá đau thương, nhưng cái giá trị đau thương bố tin sẽ lưu lại dòng máu bất khuất.

Bố cũng đã đi thăm các nơi giam giữ đồng bào ta vì sự vượt biên lánh nạn cộng sản. Những công dân Việt đang trả giá quá đau thương khi cố chạy khỏi nanh vuốt Việt cộng. Trên đường vượt thoát, bao khổ cực đã xảy ra với họ, bị cưỡng hiếp, bị giết chết, bị cướp bóc và rồi đang bị giam giữ tệ hơn những con thú trong cũi sắt. Mỗi ngày quốc tế bố thí cho 4 lít nước, cả uống lẫn tắm giặt, mấy gram gạo, chút cá được để sống lây lất trong vòng rào kẽm gai giữa rừng già mà thiếu không khí thiếu cả sự đoái hoài của loài người tiến bộ.

Đang khi bố thăm trại giam này, giữa cơn nắng thiêu đốt, cơn mưa ập đến mùi đất xông lên, thế mà hàng trăm đứa trẻ vui mừng hứng những giọt nước quý giá để chút da non khỏi khô nứt.

Bố gặp bé Vi. Vi bằng tuổi Uyên song ốm hơn nhiều. Vi theo bố cùng anh chị vượt thoát, mẹ Vi không cùng đi vì sợ bị cưỡng hiếp dọc đường. Vi đang sống với tuổi thơ trong trại giam dù bé Vi chẳng tội tình gì. Bố ôm Vi, bố khóc lén, thấy bé Vi bố nhớ các con nhưng bố thương cho tuổi thơ VN. Mái tóc bé Vi màu tóc hệt bé Uyên, song tóc Vi đầy rận chí. Nhưng làm sao đây hở các con, vì loài người thật sự đang bận rộn đua đòi để bỏ quên đám người đang quá cơ cực, một quốc gia đang bị đọa đày.

Bố cũng đi thăm nơi giam giữ một số người mới vượt thoát khác. Họ đang bị giam giữ và lao tác nặng nề kể cả phụ nữ. Trong đám người ấy có cả những sĩ quan của chúng ta ngày xưa đang không có chiếc quần xà lỏn lành lặn để mặc. Dĩ nhiên bằng khả năng bố phải làm gì để xoa dịu họ. Bố bảo là xoa dịu chứ bố không bảo giúp họ đâu nhé vì bố nào có gì để giúp.

Đó các con các con thấy chưa, tất cả thương đau cũng tại lũ người lãnh đạo ngu đần, và cũng vì thế bố phải xa các con dấn thân tranh đấu. Các con thiệt thòi, bố thiệt thòi, mẹ cũng thiệt thòi. Nhưng tất cả cho quê hương đó các con ạ. Hiểu được thế, các con phải làm tròn bổn phận của các con và phải cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho các con còn may mắn.

Vùng giải phóng Kampuchia

Cuốn kinh và cây thánh giá luôn bên anh hằng đêm. Mỗi tối anh đều cầu nguyện cho đại cuộc cho những con người đang dấn bước đấu tranh; đêm nay vừa dừng bút lá thư xong, anh đặc biệt nguyện cầu cho Hoàng, Uyên và Út.

Kháng chiến quân Nguyễn Trọng Hùng đã nằm xuống trên một cánh rừng ở Nam Lào vào ngày 28-8-1987. Địa điểm này cách biên giới Việt Nam khoảng 20 cây số. Bàn chân anh chưa đặt lên đất mẹ, nhưng linh hồn anh chắc chắn đã trở về với Mẹ Việt Nam.

Chiến hữu Hoàng Cơ Minh (phải) và chiến hữu Nguyễn Trọng Hùng


Chiến hữu Nguyễn Trọng Hùng (ngoài cùng bên trái) trong buổi lễ xuất quân
chiến dịch Đông Tiến tại căn cứ 27 năm 1986