Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Chiến Hữu Hà Ngọc Dư: Người Nuôi Dưỡng Ngọn Lửa Đấu Tranh

Trần Hùng & Thành Văn

Chiến hữu Hà Ngọc Dư,
tức nhà thơ Hoàng Dực
Đầu năm 1983, phong trào kháng chiến đã bùng lên sau khi Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Gải Phóng Việt Nam công bố Cương Lĩnh Chính Trị tại khu chiến. Tại hải ngoại báo chí đăng tải những hình ảnh hào hùng của các Kháng chiến quân và đi đâu người ta cũng đề cập đến Mặt Trận. Sau những đau buồn và thất vọng của cuộc sụp đổ bi thảm 30-4-75, người Việt khắp nơi lại bừng lên một niềm hy vọng mới về một ngày mai tươi sáng.

Vào tháng 4 năm 1983 hội Sinh Viên và Kiều Bào tỉnh Krefeld ở miền trung nước Đức đã mời cơ sở Mặt Trận tại Tây Đức đến để trình chiếu đoạn phim buỗi lễ Công Bố Cương Lĩnh Chính Trị cho đồng bào tại tỉnh biết về phong trào kháng chiến. Sau buổi sinh hoạt đó một số anh em có lòng đã gặp nhau tại nhà anh Phước (Châu Tự Do) để trao đổi và đi đến quyết định thành lập một chi bộ để xin tham gia Mặt Trận thuộc xứ bộ Tây Đức, và được mang bí số C43/X302. Người được anh em tín nhiệm vào trách vụ Chi bộ trưởng đầu tiên của chi bộ là chiến hữu Hà Ngọc Dư, lúc đó 69 tuổi và là người cao niên nhất trong anh em và có thể nói là lớn tuổi nhất trong số người Việt đang sốn trong Tỉnh.

Bác Dư đến định cư ở thành phố này với gia đình theo diện bảo lãnh con cái trưởng thành. Tuổi của bác nằm trong quy chế hưu trí (Renter), đó là cái tuổi vui hưởng tuổi già nhưng bác Dư đã không chọn con đường đó, tôi thấy ở bác lúc nào cũng ẩn hiện những ưu tư bày tỏ tâm trạng thân phận của một người Do Thái bị lưu đày. Quả thật thế, bác Dư không vì tuổi già sức yếu mà an phận, thay vì ngồi than vãn như bao nhiêu người khác cho thân phận lưu vong thì bác Dư đã dấn thân nhập cuộc hoà mình với người trẻ thuộc thế hệ con cháu cách biệt tuổi tác và kinh nghiệm để cùng đồng hành đấu tranh, vai đeo túi vải hăng hái lên đường đi đến mọi nơi mọi miền, cũng ăn chay nằm đất như mọi người, bất chấp mưa nắng, bác lội tuyết để cùng anh em cơ sở đi sinh hoạt đấu tranh.

Sau khi thành lập, chỉ trong một thời gian ngắn chi bộ đã phát triển một cách nhanh chóng và con số lên đến gần 30 đoàn viên. Sinh hoạt rất nề nếp và công tác thường xuyên, phần lớn xoay quanh công tác quảng bá chính nghĩa kháng chiến nhất là qua tờ báo Kháng Chiến đến mọi giới đồng bào; vận động tiếp vận kháng chiến qua các chiến dịch một vỉ thuốc, một ký gạo cho Kháng Chiến quân...

Tôi có nhân duyên đưọc gặp gỡ và gần gũi bác Hà Ngọc Dư hay nhà thơ Hoàng Dực trong những ngày tháng đầu khi xứ bộ Tây Đức X302 đang được thành hình để trở thành một tổ chức kháng chiến tại hải ngoại. Tôi cư ngụ tại một tỉnh sát nhà của bác, nên thỉnh thoảng bác đi xe bus đến tôi. Lúc thì giải sầu cao thấp qua vài ván cờ tướng nhâm nhi tách trà, nhà tôi ở miền quê tỉnh nhỏ có nhiều nông trại vườn cây hồ nước nên bác Dư thường thích tôi đưa ra đó lang thang tản bộ, cảnh vật vẻ đẹp thiên nhiên chắc cũng làm tâm hồn bác thanh thản phần nào, biết thế nên tôi chìu Bác.

Tuy tuổi khá cao nhưng người chiến hữu cao niên đó không vắng mặt một buổi sinh hoạt nào. Bác luôn nhẫn nại, kiên trì, từ tốn kêu gọi mọi người luôn hướng về tổ quốc, đừng ngủ quên trong những vất vả với cuộc sống và thử thách mới tại hải ngoại. Với tấm lòng nhân hậu và sự khoáng đạt bình dị ông đã để lại một ấn tượng tốt sâu đậm tại bất cứ những ai đã có dịp gặp gỡ hay làm việc với bác.

Ở nơi bác người ta dễ thấy cái thâm thúy, nhẹ nhàng của một nhà nho, cái từ tốn của một nhà mô phạm. Nhìn mái tóc bạc trắng nổi bật của bác trong đám đông, giữa những mái đầu xanh của các thế hệ hậu sanh, có người đã ví bác như một ngọn hải đăng đang hướng dẫn cho con tàu trong cuộc hành trình trên biển đêm.

Mùa xuân năm 1984 cả chi bộ tham dự Đại Hội Xứ Bộ Mặt Trận Tây Đức X302 tại Dorsten và trong một buổi sinh hoạt văn nghệ ngoài lề, người chiến hữu niên trưởng Hà Ngọc Dư đã không ngại ngùng cùng đồng ca nhạc phẩm Anh Đi Chiến Dịch trên sân khấu với anh em trong chi bộ, mặc dù bác hát tân nhạc thì chỉ có cụ bà khen hay mà thôi. Điều này nói lên tinh thần dấn thân cao độ của một vị cao niên, và đồng thời tính tình hết sức trẻ trung sống động trong con người của chiến hữu Hà Ngọc Dư.

Mái đầu bạc của chiến hữu Hà Ngọc Dư cùng hợp ca nhạc phẩm Anh Đi Chiến Dịch
Ban ngày họp, ban đêm sinh hoạt ngoài lề, lúc nào chiến hữu Dư cũng đóng góp tận tình, và không bao giờ từ chối những công việc do anh em đề cử. Trên đường trở về nhà sau đại hội, ngồi cùng xe với bác Dư, tôi lầu bầu nói rằng chỉ cần nghỉ thêm 1 đêm nữa tại đại hội thì quẹo xương sống hết cả đám, vì nằm trên sàn xi măng thì lạnh lưng mà nằm trên băng ghế, loại ghế dài đóng bằng 3 thanh gỗ dùng cho học sinh ngồi, thì xương sống nó than van. Chiến hữu Dư thản nhiên nói với tôi: "Tớ có hơn gì cậu đâu!". Nhớ đời đại hội X302 tại Dorsten năm 1984.

Phong trào kháng chiến lên cao với những tin tức từ chiến khu quốc nội và mọi người hăng hái tham gia, các chi bộ tân lập ra đời với một niềm hy vọng ngày giải phóng gần kề. Bỗng đâu tin xấu ập đến rằng Mặt Trận đang rạn nứt... Sự việc này đã làm cho anh em đoàn viên vô cùng hoang mang. Lúc này, những lo âu và phiền muộn cũng không là ngoại lệ với người chiến hữu niên trưởng Hà Ngọc Dư, tuy chỉ giữ trách vụ Chi Bộ Trưởng và chỉ biết giữ vững tinh thần anh em và cơ sở cho qua cơn sóng gió tưởng chừng nhận chìm con thuyền kháng chiến.

Trong khi cơn khủng hoảng ngày càng gia tăng cường độ tại trung ương, thì Xứ bộ Tây Đức lại gặp thêm những rối ren của tình hình nội bộ địa phương. Nỗi lo âu của anh em lại càng lớn hơn gấp bội. Mọi người đều bối rối, chỉ còn biết nhìn về phía người chiến hữu niên trưởng của xứ bộ và yêu cầu chiến hữu Hà Ngọc Dư nhận trách nhiệm này cho qua cơn sóng gió. Và cũng như thuở đầu khi bác đến với Kháng chiến, chiến hữu Hà Ngọc Dư đã vui vẻ nhận lãnh trách nhiệm do anh em giao phó. Lại bôn ba Đông Tây Nam Bắc và phát huy hết đức tính từ tốn, nhẫn nại, chịu đựng, hy sinh để giữ vững tinh thần anh em và cơ sở. Lúc này bác đã khoảng 70, thân hình mảnh mai, sức yếu... nhưng lúc nào cũng có mặt bên cạnh anh em trong mọi công tác của cơ sở. Phải nói rằng sự hiện diện của chiến hữu Hà Ngọc Dư đã có một tác dụng rất to lớn trong việc duy trì tinh thần của anh em trong cơ sở.

Chiến hữu Hà Ngọc Dư có mặt ngay trong những ngày đầu
Chiến hữu Dư thường nói với anh em: "Tạo dựng lên đã khó và giữ vững càng khó hơn".

Riêng đối với người viết bài này chiến hữu Dư đã thố lộ: "Ông Liễu có viết thư riêng cho tôi, vận động đứng về phía ông ta và hứa hẹn đủ điều. Nhưng tôi đã từ chối và cho biết tôi theo lẽ chính thống mà thôi". Sau này, tôi còn nhớ mãi những chuyến công tác cùng với bác trên những nẻo đường của nước Đức. Khi thì đi xe hơi, lúc thì đi xe lửa. Ngồi trên xe nhiều lúc bác cao hứng ngâm Kiều, rồi bàn bạc về thơ văn cho không khí đỡ buồn tẻ. Qua những chuyến công tác này tôi học hỏi được rất nhiều điều từ bác Dư. Có những chuyến công tác xa, nửa khuya đứng trên thềm ga vắng để chờ tầu trong cơn gió lạnh mùa đông của nước Đức, nhìn mái tóc bạc phơ của bác Dư mà trong lòng tôi không khỏi cảm thấy xốn xang. Chúng tôi miệt mài bên nhau trong nhiều chuyến công tác. Cho đến khi Chiến hữu Nguyễn Kim được Hội đồng Kháng chiến Toàn quốc cử ra nhận lãnh trách vụ Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại thì cơn sóng lớn mới từ từ lắng dịu.

Tháng 4 năm 1985 thành phố Krefeld lại được chọn làm nơi quy tụ toàn thể đoàn viên X302 tham dự một buổi họp quan trọng và đặc biệt có sự hiện diện của Chiến hữu Nguyễn Kim đến từ Hoa Kỳ. Tại Âu châu có sự hiện diện của Chiến hữu Trần Đức, lúc đó là Khu Bộ Trưởng Khu Bộ Âu Châu.

Buổi họp có những lúc bàn cãi rất gay gắt và không khí đôi khi rất nặng nề khi đề cập đến việc khủng hoảng về thượng tầng lãnh đạo và niềm tin của mọi người về công cuộc trường kỳ kháng chiến... Việc gì cũng phải đi vào kết thúc để ai còn ai mất ai ở lại ai ra đi... Tôi còn nhớ rất rõ sau khi trình bày tất cả mọi sự việc, Chiến hữu Trần Đức là người phán câu cuối cùng nhưng không kém phần quyết liệt: "Sau khi các Chiến hữu đã nghe trình bày tất cả mọi sự việc, Chiến hữu nào thấy rằng mình không còn tin tưởng vào tổ chức nữa thì xin cứ tự nhiên bước ra khỏi phòng. Cửa phòng (họp) đang mở!".

Không một người nào bước chân đi ra!.

Trong buổi họp này Chiến hữu Dư đã được anh em tuyển cử chính thức vào trách vụ Xứ Bộ Trưởng Xứ Bộ Tây Đức X302. Đôi vai gầy của người chiến hữu cao niên lại gánh thêm trách nhiệm nặng nề, nhưng không bao giờ tôi nghe chiến hữu Dư than thở về tuổi già sức mỏi cả.

Thời gian cứ qua đi và công cuộc đấu tranh cũng miệt mài trôi theo. Những sôi nổi lúc ban đầu từ từ lịm tắt dần trong nhiều người. Người mỏi mệt không muốn đi tiếp cuộc hành trình thì bước xuống sân ga, kẻ không chí kiên trì thì nửa đường đứt gánh. "Thôi thì có bao nhiêu ta làm bấy nhiêu vậy và chấp nhận tiếp tục đi tới". Chiến hữu Dư thường nói với anh em như thế.

Tôi khó mà quên được những lần tháp tùng chiến hữu Hà Ngọc Dư đến sinh hoạt với các cơ sở. Trong những buổi sinh hoạt này, người chiến hữu cao niên luôn cảnh tỉnh mọi người: "Nhóm lên một ngọn lửa tại hải ngoại đã khó; mà khó hơn là làm thế nào để bảo vệ đừng để ngọn lửa đó bị tắt. Nhất là trong giai đoạn này với đầy những khó khăn, thử thách. Hãy giữ niềm tin ấy vững chãi. Ngày 30-4-75 chúng ta đã bị tan đàn xẻ nghé vì sự tham tàn của VC. Chúng ta không thể để sự thất bại này xẩy ra một lần nữa trong sinh hoạt và đời sống của chúng ta tại hải ngoại, nơi chúng ta có cơ hội sống trong không khí tự do, có cơ hội nói lên những gì mình muốn nói. Thân xác mệt mỏi là chuyện thường tình, nhưng đừng để niềm tin về lý tưởng bị mệt mỏi, bị lung lay vì đó là dấu hiệu của sự phôi phai, dần dà lỏng lẻo xa dần việc đấu tranh cho tự do dân chủ thật sự cho dân tộc".

Những năm về sau tuy không còn giữ những trách vụ lãnh đạo xứ bộ và sức khỏe ngày càng mỏi mòn nhưng cụ vẫn thường có mặt trong các buổi sinh hoạt, học tập cùng với anh em tại các cơ sở.

Năm 1987, khi Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam quyết định trao Giải Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh đầu tiên cho tác phẩm Tù Bình và Hòa Binh của Nhà Văn Phan Nhật Nam, cụ Hà Ngọc Dư đã đứng ra thay mặt Nhà Văn Phan Nhật Nam nhận lãnh Giải Thưởng này vì nhà văn còn đang ở trong lao tù Cộng sản Việt Nam. Sau khi nhận giải thưởng dùm cho Nhà Văn Phan Nhật Nam, cụ Hà Ngọc Dư đã cùng với một số vị lập ra Ủy Ban Phan Nhật Nam để tranh đấu cho sự tự do của nhà văn, cũng như tìm cách liên lạc với thân nhân của nhà văn Phan Nhật Nam để trao lại giải thưởng của Mặt Trận. Mãi đến năm 1989, Giải Thưởng này mới trao tận tay cho phu nhân của nhà văn Phan Nhật Nam, lúc đó mới sang định cư tại Houston.

Bác Hà Ngọc Dư nhận giải Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh 1987 tại Paris
Năm 1994 khi Đảng công khai hóa trong nội bộ thì Chiến hữu Dư là một trong những người đầu tiên tại Đảng bộ Đức điền đơn gia nhập.

Vào những ngày cuối đời, tuy đi đứng khó khăn và phải chống gậy nhưng Chiến hữu Hà Ngọc Dư cũng cố gắng đến với anh em cơ sở Krefeld trong những buổi sinh hoạt học tập. Khi thì truyền đạt lại những kinh nghiệm đấu tranh lúc thì giúp anh em sắp báo Bản Tin Đức Quốc. "Tôi không còn làm được gì nhiều nhưng cũng cố hiện diện để động viên tinh thần anh em và để nuôi dưỡng ngọn lửa đấu tranh".

Bác Hà Ngọc Dư đã ra đi vĩnh viễn vào một ngày đầu xuân Tân Tỵ. Giữa cái lao xao của những lời chúc tụng đầu năm, sự ra đi của bác thật lặng lẽ, cũng như trước kia bác đã lặng lẽ đến với con đường nước non, và miệt mài mang tấm thân mảnh mai trải dài trên con đường đó gần hai mươi năm trời. Dù biết bác đã trọng tuổi, và sức khoẻ đã vô cùng yếu kém từ lâu, việc ra đi chỉ là vấn đề trước sau, nhưng tin buồn này cũng làm cho anh em bàng hoàng xúc động. Ngồi nhắc lại bác, anh em nhớ mãi một cụ già với mái tóc bạc phếch, đôi kính trắng dầy cộm che đôi mắt mờ đục. Ở bác lúc nào cũng là thái độ bình dị, chân thành, và luôn luôn hoà nhã. Trong suốt mấy chục năm trời cùng sinh hoạt, chưa bao giờ thấy bác nóng nẩy một điều gì.

Chúng tôi nghĩ rằng bác ra đi nhưng vẫn biết nước non mình trước sau gì cũng có ngày tươi sáng, bởi vì vẫn có những người tiếp tục con đường mà bác đã đi. Vì thế, bác đã rất an nhiên ra đi...

Viết để tưởng niệm một người chiến hữu thân thương.

Đức quốc, tháng 3 năm 2007