Thứ Năm, 2 tháng 8, 2007

Tưởng Nhớ Anh Hùng Đông Tiến

Đỗ Hoàng Điềm

Dẫu cường nhược có lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có.

Qua hai câu trên trong bản Bình Ngô Đại Cáo, vị anh hùng Nguyễn Trãi đã khẳng định rằng dân tộc Việt Nam không hèn yếu. Dù có lúc tang thương tưởng chừng bị tiêu diệt, dù có lúc cùng quẫn hầu như hết hy vọng, nhưng đời nào cũng vẫn có những người hào kiệt áo vải đứng lên huy động toàn dân đấu tranh cho tổ quốc.

Thời điểm sau ngày 30-04-1975 cũng thế. Sau hơn 20 năm chiến đấu để bảo vệ tự do, miền nam Việt Nam đã bị đẩy rơi vào sự kềm kẹp của chế độ độc tài cộng sản. Từ cơn chấn động đó, hàng triệu người dân Việt, hàng trăm ngàn gia đình đã hứng chịu biết bao đổ vỡ, mất mát bi thảm. Ngay cả ở miền Bắc, khi tiếp cận với thực trạng tại miền Nam, nhiều người đã tỉnh mộng và hiểu ra rằng mình đã bị đảng cộng sản lừa gạt từ bao năm qua. Cùng lúc, hàng triệu người đã phải bỏ nước ra đi trong cảnh tuyệt vọng cùng cực. Trong lịch sử cận đại của nước nhà, có lẽ chưa bao giờ dân tộc Việt Nam lại lâm vào cảnh tang thương như vậy không phải do ngoại xâm, mà chính từ tham vọng quyền lực và quyền lợi của thành phần lãnh đạo đảng cộng sản.

Nhưng dù trong tình trạng tan nát và tuyệt vọng như vậy, dù tâm lý của đại đa số quần chúng lúc đó hoang mang và chán chường, đã có những con người can đảm đứng lên tiếp tục đấu tranh cho tự do và dân chủ. Ngay tại quê hương, rất nhiều người đã không bỏ cuộc, tiếp tục chiến đấu chống lại sự thống trị của đảng cộng sản. Tại hải ngoại, khi vừa đặt chân đến bến tự do, rất nhiều người đã lập tức bắt tay vào việc gầy dựng lực lượng để tìm cách giải thoát dân tộc và xây dựng dân chủ.

Trong khung cảnh đó, ngay từ năm 1976, tướng Hoàng Cơ Minh đã cùng với một số chiến hữu nỗ lực tìm kiếm những người đồng chí hướng để mưu đồ việc giải phóng dân tộc. Kết quả là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam ra đời vào năm 1980. Ông được đề cử vào trách vụ Chủ tịch Mặt Trận lúc ông 45 tuổi. Hai năm sau, để xây dựng nội lực nuôi dưỡng công cuộc đấu tranh lâu dài, ông đã cùng với các chiến hữu của ông sáng lập ra Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng. Một lần nữa ông được đề cử làm Chủ tịch đảng để lãnh đạo Đảng Việt Tân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và canh tân đất nước.

Giai đoạn 5 năm sau đó từ 1982 đến 1987 đánh dấu một thời kỳ cực kỳ khó khăn, phức tạp và nguy hiểm. Khó khăn vì cả nền tảng của công cuộc đấu tranh đã phải xây dựng trong hoàn cảnh thiếu thốn, hoàn toàn chỉ dựa vào sức của chính dân tộc Việt Nam làm căn bản. Phức tạp vì những sự nghi kỵ, tấn công từ nhiều phía lại làm khó khăn thêm chồng chất. Và nguy hiểm vì môi trường hoạt động thường xuyên bị đe dọa bởi quân đội cộng sản chưa kể đến những rủi ro khác của rừng sâu, nước độc.

Dầu khó khăn vô vàn nhưng ông và các chiến hữu đã không sờn lòng, nỗ lực bắt tay với những lực lượng dân chủ đang đấu tranh tại quốc nội, đồng thời đưa cán bộ Việt Tân về hoạt động trong nước để xây dựng hạ tầng cơ sở và phát triển nhân sự. Tháng 7 năm 1987, lượng định rằng sự hiện diện tại quốc nội của ông và bộ phận lãnh đạo Việt Tân là điều cần thiết trước những biến chuyển của tình hình, ông đã cùng với một số cán bộ chỉ huy rời hậu cứ trên đất Lào để tiến về quê hương.

Nhưng chuyến đi này lại là định mệnh. Ngày 28 tháng 8 năm 1987, ông và những chiến hữu thân cận nhất đã cùng nhau hy sinh cho đất nước, cho lý tưởng tự do khi chỉ còn cách quê hương Việt Nam có vài chục cây số.

Kể từ đó đến nay đã tròn 20 năm. Vì hoàn cảnh khó khăn và phức tạp, nhất là vì thời gian còn quá ngắn nên đã chưa có nhiều tài liệu được phổ biến về những hoạt động của tướng Hoàng Cơ Minh và những người tiên phong sáng lập Đảng Việt Tân. Ngày hôm nay, đã 20 năm trôi qua, công cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam vẫn còn đang tiếp diễn nhưng với sự tham gia của một thế hệ đảng viên Việt Tân mới bên cạnh lớp người đi trước vẫn còn đang miệt mài với vận mạng của đất nước.

Tại hải ngoại cũng như tại quê nhà, một thế hệ trẻ cũng đã trưởng thành với những tầm nhìn khác xưa về cuộc diện đấu tranh cho một tương lai tươi sáng của dân tộc. Thời điểm đã thuận tiện và có lẽ là cần thiết để nhìn lại một giai đoạn đã qua với những hy sinh hào hùng vì tổ quốc, trong đó có sự hy sinh của tướng Hoàng Cơ Minh và những chiến hữu của ông.

Vì lý do đó, tập sách này được thực hiện nhằm trình bầy một phần nào về con người và hoạt động của tướng Hoàng Cơ Minh, về những chiến hữu của ông và về một giai đoạn đấu tranh cho tự do mà Đảng Việt Tân đã đóng góp cả công sức lẫn xương máu. Đây còn là một nỗ lực để ghi nhớ công lao của tất cả những đảng viên Việt Tân đã nằm xuống vì dân tộc. Hình ảnh của họ sẽ không bao giờ phai nhạt với những lớp đảng viên Việt Tân tiếp nối, và mong rằng các thế hệ Việt Nam mai sau cũng sẽ không bao giờ quên những người "hào kiệt" đã quên mình chính vì tương lai của những lớp người đi sau.