Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Chết Để Sống Muôn Đời

Thanh Chi

Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ công tri thu


Tháng 8, tháng của mùa thu. Trời thu man mác, hơi thu chạnh lòng. Ngô đồng một lá, cả thiên hạ đều hay mùa thu đến. Chỉ một chiếc lá thôi cũng đủ đánh động lòng người. Chỉ một chiếc lá rơi cũng đủ báo hiệu mùa của những cơn mưa thấm đất. Mùa thu năm nay, ta hãy cùng nhau tưởng nhớ đến những người đã sống hùng. Những con người Việt Nam đã lên đường làm những chiếc lá báo hiệu những đổi thay trong trời đất. Nhân tài như lá mùa thu. Đúng, họ không nhiều, họ chỉ là thiểu số, nhưng họ là những người nối chí Ức Trai, vực mình đứng dậy, không chờ đợi ở một ai, tự soi đèn thảo lấy Bình Ngô Sách, và dũng cảm lên đường, những bước tiến về Lỗi Giang; những bước tiến về phương Đông, đất mẹ!.

"Không là Kinh Kha, không là Thái Học
Ta chỉ xin làm đứa tốt quèn
Theo cờ Chính Nghĩa mà tim mừng muốn khóc
Giữa những bạn bè bằng hữu anh em"


Ngày họ lên đường không có 3000 tân khách chít khăn sô tiễn chân bên bờ sông Dịch. Họ không làm một chuyến sang Tần vì lời tán tụng huênh hoang của "một lưỡi dao bay muôn thuở đẹp". Lại cũng không cần yến tiệc linh đình, hay cảm tình riêng của một thái tử Đan. Kinh Kha đi mà biết trước giờ thủ bại. Họ vượt sông Hồng tin chắc ngày thành công. Bởi những con tốt qua sông sẽ biến thành xe, pháo; từng phút từng giờ họ đã thành nhân.

Ai cũng sống một lần rồi để chết
Khác nhau chăng chết để sống muôn đời


Đó là chí lớn và là con đường gai góc mà họ chọn. Quê hương của tuổi trẻ Việt Nam vào những năm 1930, của Nguyễn Thái Học, của Nhượng Tống, Cô Giang... có khác gì với mảnh đất đau thương của những chàng trai Phùng Tấn Hiệp, Ngô Chí Dũng, Võ Hoàng... của 1975 ? Nỗi đau của người thanh niên Nguyễn Trãi suốt 7 năm kể từ khi 20 tuổi đỗ Đại Khoa, rồi mất cha ở ải Nam Quan, đến khi 27 tuổi thảo nên Bình Ngô Đại Cáo, so với nỗi dằn vặt đêm ngày của người kháng chiến quân 22 tuổi Phùng Tấn Hiệp, khi đất nước hoàn toàn nằm trong sự cai trị của chủ nghĩa cộng sản, đã cầm súng kháng cự ở Đồng Bò, đến lúc 25 tuổi vượt biển tìm đường cứu nước, có khác gì nhau chăng ? Hay cũng cùng những trăn trở của sinh viên Nguyễn Thái Học lần đầu tìm đến Đồng Văn Thư Xã, đến lúc 27 tuổi phất cờ lập đảng Cách Mạng đầu tiên?. Và đến người sinh viên, Ngô Chí Dũng, du học Nhật Bản từ năm 1969, khi miền Nam VN thất thủ, đã cùng một số sinh viên Việt Nam tại Nhật thành lập Tổ Chức Người Việt Tự Do, và quyết tâm từ bỏ đời sống hải ngoại để trở về chiến đấu trong lòng đất mẹ từ năm 1981 ?.

Tuổi trẻ Việt Nam của những năm 1420, 1930, 1975 rồi đến 1981, khi những bước chân Lỗi Giang của thời Nguyễn Trãi anh hùng lại có người nối tiếp: những bước chân tiên phong mở đường Đông Tiến với những chiến khu đầu tiên được gầy dựng tại vùng biên giới Thái Lào. Với ý chí kiên cường và nhiều nỗ lực liên lạc, kết nối, một số tổ chức tại hải ngoại như Tổ Chức Người Việt Tự Do, Lực Lượng Quân Dân VN và Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ để tiếp theo đó là những tổ chức kháng chiến riêng lẻ tại quốc nội cũng đã lần lượt giải thể để cùng nhau thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Lúc bấy giờ các tổ chức trong nước gia nhập Mặt Trận gồm có Lực Lượng Đoàn Kết Dân Tộc Chống Cộng do ch/h Nguyễn Thể lãnh đạo, Mặt Trận Dân Tộc Kháng Chiến do ch/h Ngô Văn Tự lãnh đạo, Lực Lượng Phục Quốc VN do ch/h Nguyễn Quang lãnh đạo, Tổ Chức Kháng Chiến vùng Tây Ngạn Cửu Long Giang do ch/h Trần Thiện Khôi lãnh đạo. Ngày 29 tháng 12 năm 1981, đại diện của các tổ chức nòng cốt này đã tụ hội ngay giữa rừng già khu chiến để chính thức thành lập Hội Đồng Kháng Chiến Toàn Quốc, và Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh được tín nhiệm vào trách vụ Chủ Tịch MT kiêm chủ tịch Hội Đồng Kháng Chiến Toàn Quốc.

Thuở Hùng Vương
Đi chân đất dựng sơn hà
Bao nhiêu máu đã âm thầm đổ xuống
Khi Trưng Trắc trầm mình trên sông Hát
Chỉ mong giữ tròn trinh tiết với giang san
Trần Bình Trọng chịu bêu đầu để làm quỷ nước Nam
Cũng chỉ vì tấm lòng tha thiết
Mẹ ơi, trăng còn có khi tròn khi khuyết
Nhưng tình yêu quê hương chẳng khuyết bao giờ.


Mùng 8 tháng 3 năm 1982, ngày dựng cờ chính nghĩa, ngày chính thức công bố Cương Lĩnh Chính Trị của Mặt Trận, và cũng là ngày khắp năm châu vang vọng tiếng núi sông đòi:

Mặt trời mới mọc bên kia biển
Hay lửa phương đông báo hiệu mùa
Thức dậy đi em giờ đã điểm
Mẹ khóc lâu rồi em biết chưa?


Thức dậy đi hỡi rừng núi cũ
Nghe tiếng nghìn xưa vọng trở về
Ai đứng trông ai mùa lá đổ
Mà lòng thao thức mấy đêm khuya


Ai khóc đêm nay ngoài ải Bắc
Phải hồn sương phụ ngóng phương xa
Hay tiếng Phi Khanh trào nước mắt
Về đi, lấy máu trả thù cha


Thức dậy đi hồn thiêng sông núi
Gió Nam Quan xô sóng Bạch Đằng
Nửa đêm không bóng người bên suối
Sao tiếng gươm mài vang dưới trăng


Phải chăng đâu đây hồn Đức Thánh Trần còn anh linh lẩn khuất cạnh đàn con Việt nên giữa thập niên 80 lời Hịch Tướng Sĩ lại vang rền:

Chúng ta đang tiến hành một cuộc đấu tranh chính nghĩa; lấy chính nghĩa để huy động toàn dân, lấy chính nghĩa để tranh thủ thế giới, và lấy chính nghĩa để khuất phục kẻ thù.

...

Hãy quyết tâm san bằng, vượt qua mọi chướng ngại trên con đường kháng chiến.

Đường chúng ta đi chỉ có hai cái đích. Cả hai cái đích đều vô cùng vinh quang và ý nghĩa. Một là giải phóng Tổ Quốc VN. Hai là được anh dũng hy sinh cho đại cuộc giải phóng VN.

Lời đanh thép và ý chí kiên cường của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, chủ tịch MTQGTNVN, một vị tướng trong sạch và rất gan dạ của QLVNCH thuở trước, chấp nhận hy sinh cả tính mệnh, rời bỏ đời sống an lành hải ngoại, xa vợ hiền con thảo, đã giúp đánh tan phần nào nỗi buồn thương tuyệt vọng lúc bấy giờ của đa số người dân cho rằng mình "trót sinh lầm thế kỷ". Ông đã phất lên ngọn cờ Đại Nghĩa, và đau thương đã biến thành hành động. Ý Diên Hồng, hồn Lê Lợi quanh đây. Ông gom cả khối tình người xa xứ, và chuyển muôn phương thành khí thế căng đầy.

Đừng cúi xuống sẽ làm người ta lớn
Ngẩng đầu lên để chẳng thấy ai cao
Đồng bào ơi đừng tiếc những chiêm bao
Thức dậy! Biến đau thương thành sắt thép
...
Đồng bào ơi, hãy vùng lên cách mạng
Khi bước đi xin nhớ ngẩng cao đầu
Một đời này hay muôn vạn đời sau
Ta kiêu hãnh làm người dân nước Việt !


Trong suốt những năm từ 1980 đến 1984, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hoàng Cơ Minh, Mặt Trận QGTNGPVN đã hy sinh xây dựng nền tảng cho công cuộc trường kỳ kháng chiến bằng cách phát động Giai Đoạn Đấu Tranh Đông Tiến nhằm vào bốn mục tiêu:

1. Thiết lập hành lang giao liên, mở đoạn đường huyết mạch nhằm nối kết nỗ lực đấu tranh và khai thông phương tiện, phát triển nhân sự trong và ngoài nước.

2. Xây dựng lực lượng võ trang nhằm bảo vệ các hành lang giao liên này, và các an toàn khu của MT, lẫn bảo vệ các thành quả đấu tranh trước sự đàn áp, khủng bố của bạo lực CSVN. 3. Soạn thảo và công bố Cương Lĩnh Chính Trị hầu xác định mục tiêu đấu tranh, đối tượng đấu tranh và quan điểm đấu tranh, lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản để tiến hành cuộc đấu tranh toàn dân, toàn diện, kể cả những người CS phản tỉnh, nhìn ra vấn đề của dân tộc để cùng chung sức giải quyết vấn đề VN của dân tộc VN, và vận động quốc tế cùng hợp tác để gỉai quyết vấn đề VN của thế giới. 4. Thiết lập đài phát thanh VN Kháng Chiến, vì đây là một trong những phương tiện vũ khí chiến lược. Vượt bao gian khổ, và thử thách kỹ thuật, lẫn những cuộc ruồng bố, trấn áp điên cuồng của CSVN, cuối cùng ngày 27 tháng 12 năm 1983, Đài VN Kháng Chiến đã chính thức phát thanh vào lúc 5 giờ sáng giờ VN tại căn cứ 15 của MT, và từ đó mỗi ngày liên tục phát thanh 5 lần, mỗi lần 1 giờ đồng hồ trên làn sóng 7400 và 103000 kí lô chu kỳ. Trong nhiều năm của thập niên 80 để hoàn thành những nỗ lực trên, có những kháng chiến quân đã anh dũng hy sinh vì nghĩa vụ bảo vệ tiếng nói đấu tranh của đài VN Kháng Chiến, vì những trận phục kích của lực lượng biên phòng VC và cũng vì những nghiệt ngã của núi rừng nhiệt đới. Hầu bảo vệ những người còn sống, lẫn tránh những khai thác hung hiểm của guồng máy bạo quyền VC, có thể gây thêm bất lợi cho đấu tranh đường dài, những kháng chiến quân MT đã anh dũng nằm xuống trong lòng đất mẹ, đã không thể được công khai tưởng niệm ồn ào nơi hải ngoại, nhưng mãi mãi, luôn luôn họ đã sống trong niềm thương tiếc tận cùng của những chiến hữu đồng hành với họ. Có những niềm đau thầm kín, âm thầm nhỏ lệ hằng bao năm, giữa những người đồng chí khí vì đại cuộc:

nửa khuya ghé thăm anh
gió đông về lành lạnh
giữa bầu trời hiu quạnh
hờ hững nưóc trôi quanh


anh nằm bên dòng suối
trơ vơ một gốc chanh
con chim nào đang khóc
vì thương lá đoạn cành


kìa anh cây chanh nhỏ
hôm dúi vội bên anh
bây giờ chanh đã lớn
mồ anh cỏ cũng xanh


anh giờ thôi áo trận
thay vào áo sử xanh
tôi còn mang áo cũ
đêm ngày vẫn đấu tranh


ghé thăm anh nửa phút
rồi tiếp tục di hành
gửi anh cây chanh nhỏ
nhờ anh bón cho xanh


mai này khi chiến thắng
lúc đại cuộc đã thành
có cây chanh làm dấu
tìm cốt người hùng anh


thôi chào nhau anh nhé
chúc anh giấc mộng lành
trời bây giờ cũng sắp
vào xuân rồi đó anh.


Những kháng chiến quân VN ấy, họ là những người mà giòng lịch sử dân tộc đã hãnh diện gọi thầm ’hào kiệt thời nào cũng có’. Tuy rằng, so với số gần 3 triệu người sống lưu vong hải ngoại, và gần 80 triệu người trong nước, họ là con số hiếm hoi, ví như lá mùa thu. Nhưng dù là thiểu số, họ vẫn quyết tâm nhận trách nhiệm cao cả của những chiếc lá đi làm nghĩa vụ báo hiệu trời đất sắp chuyển mùa. Tháng 08 năm 1987, lực lượng kháng chiến VN đã đụng độ khốc liệt với lực lượng biên phòng CSVN và Lào Cộng. Dọc theo biên giới, những trận đánh ác liệt, dũng cảm đã diễn ra và nhiều kháng chiến quân VN, những người con yêu của tổ quốc đã vĩnh viễn đi vào lòng đất mẹ. Trong số đó, có chủ tịch Hoàng Cơ Minh, đã anh dũng tự kết đời mình vào rạng sáng ngày 28 tháng 08 sau khi bị thương nặng do nhiều ngày cầm cự chống địch, đến phút cuối cùng, ông đã quyết tâm không để địch bắt giữ hầu có thể khai thác bất lợi cho đấu tranh. Tiếng súng tự kết liễu đời mình của người lãnh đạo anh hùng, vang dội núi rừng Lào Việt, và mãi đến hôm nay, sau hơn một thập niên, vẫn còn vang dội như lời thúc quân trong tâm khảm của những người còn biết đau, biết cảm nỗi nhục lạc hậu của dân tộc VN. Có những cái chết gióng vào trống đồng lịch sử những lời thức tỉnh toàn dân. Những cái chết Yên Bái dưới máy chém năm xưa, cùng với những tấm thân gục ngã trên tay còn lăm lăm khẩu súng của thập niên 80, sẽ mãi mãi nhắc chúng ta nhớ rằng : Việt sử là tranh đấu sử. Trước đến nay, bao người ngã, lại bao người đứng lên.

Một chiếc lá ngô đồng lìa cành, nhưng cả thiên hạ cùng biết ý nghĩa của sự ra đi là một lời kêu gọi thức tỉnh. Thức tỉnh để nhận biết sự báo hiệu của một mùa mới rồi sẽ phải đến. Thức tỉnh để khôi phục lại niềm tin ở chính sức mình. Thức tỉnh để nhận biết sức mạnh của cả dân tộc này. Thức tỉnh để ý thức trách nhiệm của từng người và của mọi người trong dòng cách mạng đang cuồn cuộn tiếp nối. Thức tỉnh để biết rằng thế kỷ này sẽ phải là thế kỷ của chúng ta!.

Cách mạng đường dài
Người đi như con nước miệt mài...