Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Trên Con Đường Canh Tân Đất Nước

Lý Thái Hùng

Trong lá thư gửi từ khu chiến cho một số chiến hữu của anh tại Đông Kinh vào năm 1985, chiến hữu Ngô Chí Dũng đã nói về con đường kháng chiến như sau:

... Đất nước và dân tộc của chúng ta còn quá nghèo. Chúng ta không được phép phí phạm. Phải tiết kiệm. Phải khắc phục. Phải hy sinh để cho thế hệ mai sau được ngửng đầu lên nhận mình là người Việt Nam oai hùng và không than trách những thế hệ đi trước chẳng làm nên trò trống gì. Vì thế, con đường kháng chiến hôm nay chính là con đường canh tân đất nước cho các thế hệ mai sau...

Lời tâm tình của chiến hữu Ngô Chí Dũng, một cựu sinh viên du học tại Nhật vào năm 1970, đã nói lên hai ý nghĩa về sự dấn thân của anh và của các kháng chiến quân Mặt Trận trên con đường kháng chiến như sau:

Thứ nhất, vì tương lai của những thế hệ trẻ và vì khát vọng canh tân đất nước Việt Nam, Ngô Chí Dũng đã tham gia công cuộc kháng chiến. Với niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng đó - không phải cho anh mà cho dân tộc và cho mọi người – Ngô Chí Dũng dấn thân vào con đường chông gai, hiểm nguy mà đáng lý ra anh đã có thể chọn một lối sống bình an như mọi người.

Thứ hai, con đường kháng chiến mà anh tham gia không xây dựng trên hận thù hay trên bạo lực mà hoàn toàn dựa trên chính nghĩa. Lấy chính nghĩa để huy động toàn dân, lấy chính nghĩa để tranh thủ thế giới, lấy chính nghĩa để khuất phục kẻ thù. Đây là hành trang quan trọng của mọi kháng chiến quân trên con đường chiến đấu để Cứu nước và Dựng nước.

Ý nghĩa này cũng được trình bày rất rõ trong Lời Kêu Gọi Đồng Bào Toàn Quốc của Chủ tịch Hoàng Cơ Minh trong ngày công bố bản Cương Lĩnh Chính Trị, mồng 8 tháng 3 năm 1982 tại Khu chiến như sau:

Hỡi toàn thể đồng bào! Vì tương lai của dân tộc, vì tương lai của đất nước, vì tương lai của con em chúng ta, vì tương lai của chính chúng ta, vì tương lai của toàn thể Việt Nam yêu dấu, chúng ta hãy can đảm vùng lên, vai bên vai, cánh sát cánh, cương quyết lật đổ bạo quyền Việt cộng để cứu nước và xây dựng đất nước..

Cuộc đấu tranh lịch sử này sẽ vô cùng gian lao, khó khăn và dai dẳng, nhưng chiến thắng này cũng sẽ vô cùng to lớn. Đây là trận chiến cuối cùng để mãi mãi chấm dứt chiến tranh, chấm dứt khổ đau, chấm dứt bất công trên quê hương yêu dấu.

Như vậy, ngay từ những ngày đầu xây dựng Mặt Trận để tiến hành công cuộc đấu tranh vào đầu thập niên 80, những chiến hữu lãnh đạo Mặt Trận đã theo đuổi một mục tiêu cốt lõi là Canh Tân và Xây Dựng đất nước Việt Nam, chấm dứt tình trạng nghèo nàn lạc hậu đã kéo dài hơn một thế kỷ qua, kể từ khi người Pháp xâm chiếm nước ta từ năm 1858. Để thực hiện mục tiêu này, những chiến hữu lãnh đạo Mặt Trận đã tiến hành cuộc cách mạng, dựa trên hai quan niệm:

Quan Niệm Thứ Nhất:

Đây Là Cuộc Đấu Tranh Giải Phóng Chứ Không Phải Là Cuộc Chiến Tranh Với Những Biện Pháp Thuần Túy Quân Sự.

Mặt Trận quan niệm rằng, đảng Cộng sản Việt Nam là chướng ngại của công cuộc canh tân Việt Nam. Do đó, ưu tiên của cuộc cách mạng canh tân Việt Nam là phải chấm dứt ách độc tài cộng sản, tức là tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng đất nước ra khỏi sự thống trị của đảng Cộng sản Việt Nam. Đấu tranh giải phóng là hình thức đấu tranh tiến hành bởi đại đa số những người bị áp bức chống lại thiểu số thống trị đang điều khiển hệ thống áp bức đó, với mục tiêu lật đổ thiểu số thống trị và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Nguồn gốc của đấu tranh giải phóng chính là lòng yêu nước của người Việt Nam không muốn Tổ Quốc và Dân Tộc bị cai trị bởi một hệ thống chính trị độc đoán và giáo điều. Do đó, đấu tranh giải phóng không phải là một cuộc chiến tranh võ trang thuần túy với những biện pháp quân sự. Tham gia đấu tranh giải phóng bằng những ý niệm hay hành động thuần túy quân sự của chiến tranh là chưa nắm vững quy luật của đấu tranh giải phóng.

Chúng ta đã và đang tiến hành cuộc đấu tranh khác hẳn tình trạng chiến tranh tự vệ trước năm 1975. Chúng ta đã mất chính quyền, mất quân đội, mất bộ máy hành chánh và mọi cơ chế quốc gia. Chúng ta chỉ còn đại đa số dân tộc bị áp bức nên Mặt Trận chủ trương là không dùng súng đạn để đối đầu với súng ống; mà dùng tâm lý để đánh thức công tâm người cầm súng và vô hiệu hóa bạo lực. Mặt Trận không chủ trương dùng bạo lực để tiêu diệt kẻ thù; mà dựa trên chính nghĩa dân tộc để chuyển đổi tâm tư cán bộ, đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta không trực diện tấn công vào hệ thống trấn áp của đảng Cộng sản Việt Nam; mà làm xói mòn nền tảng quyền lực của đảng này, tức là phá hủy mọi điểm tựa chính trị, văn hóa, tuyên truyền hay kinh tế của chế độ độc tài. Đây là hình thái của đấu tranh vận dụng với chủ điểm: ‘Lấy Chính nghĩa để huy động toàn dân, lấy Chính nghĩa để khuất phục kẻ thù, và lấy chính nghĩa để tranh thủ thế giới’.

Cốt lõi của đấu tranh vận dụng mà Mặt Trận chủ trương là dựa vào sức mạnh của toàn dân, phải tổ chức hóa được người dân để tạo thành những điểm tựa, nâng lên thành từng phong trào quần chúng khởi đi từ những chống đối sơ đẳng nhất, bắt đầu từ các dạng đình công, khiếu kiện, tố cáo tham nhũng... rồi tiến lên đòi tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng.... với kết quả sau cùng là đẩy chế độ độc tài vào thế phải lúng túng đối phó và mất dần quyền lực. Sự chấm dứt chế độ Cộng sản Việt Nam trong khuôn khổ của đấu tranh vận dụng chính là sự kết hợp giữa những phản ứng chống đối của quần chúng qua các phong trào quần chúng đấu tranh cùng với những áp lực quốc tế, áp lực của Cộng đồng người Việt hải ngoại, để vừa thuyết phục và vừa uy hiếp guồng máy thống trị, theo một chuỗi những biến động từ nhỏ đến lớn cùng với những vận động chính trị, sẽ tạo ra những rối loạn chính trị, đẩy chế độ rơi vào thế nhượng bộ thoái lui rồi mất quyền như những diễn biến chính trị đã từng xảy ra tại các nước cộng sản ở Đông Âu, đặc biệt là tại Georgia (2003), Ukraina (2004) và gần đây là Kyrgyzstan (2005) trong Liên Bang Xô Viết cũ.

Đây là quan niệm mà các kháng chiến quân và đoàn viên Mặt Trận đã học tập và áp dụng trong thực tế từ hơn 2 thập niên vừa qua. Nhờ sự học tập và thấm nhuần lý luận này mà toàn thể các Kháng chiến quân và đoàn viên Mặt Trận đã kiên trì đấu tranh, dù những chiến hữu lãnh đạo đã hy sinh trên con đường chiến đấu. Hiện nay, quan niệm này vẫn còn tiếp tục áp dụng trong hàng ngũ đảng viên Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng và càng ngày càng chứng minh rằng nó sẽ dẫn đến thành công. Nếu sức mạnh của chiến tranh đến từ nòng súng thì sức mạnh của đấu tranh giải phóng đến từ con tim căm hờn của người dân. Những phong trào khiếu kiện, những cuộc đình công của công nhân, những tiếng nói dũng cảm của các nhà đối kháng và sự kiên trì đấu tranh của đồng bào trong và ngoài nước hiện nay... tất cả đã đến từ con tim căm hờn chế độ bạo tàn Cộng sản Việt Nam.

Vì quan niệm đây là cuộc đấu tranh giải phóng và cuộc đấu tranh này dựa trên sức mạnh dân tộc nên chiến hữu Chủ tịch Hoàng Cơ Minh đã rất quan tâm vào việc huấn luyện các cán bộ và kháng chiến quân hiểu rõ lịch sử Việt Nam, dựa trên hai tài liệu mà chiến hữu hướng dẫn việc biên soạn vào đầu thập niên 80. Đó là tập Anh Hùng Nước Tôi và tập sách Nước Tôi Dân Tôi.

a/Tập Anh Hùng Nước Tôi ghi lại những gương hy sinh anh hùng của các bậc tiền nhân như Trưng Trắc Trưng Nhị, Triệu Âu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi.... cho đến những anh hùng thời cận đại như Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Khắc Nhu, Huỳnh Phú Sổ, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai... Tài liệu này không chỉ được học tập trong hàng ngũ Kháng chiến quân mà ngay cả trong đoàn viên Mặt Trận tại hải ngoại. Gương hy sinh của mỗi anh hùng Việt Nam đều giống nhau ở lòng yêu nước và ý chí bảo vệ Tổ Quốc trước mọi nghịch cảnh. Do đó, học các gương hy sinh của mỗi anh hùng Việt Nam, để tự mỗi người vun bồi lấy lòng yêu nước trên con đường chiến đấu và không dễ bị sa ngã trước những nghịch cảnh. Bởi vì mọi con dân Việt Nam đều có chung một giòng máu trong huyết quản, chung một di sản của bao cha ông anh hùng để lại: đó là giòng máu tự trọng, tự cường và bất khuất đã được hun đúc qua 5000 năm lịch sử. Người Việt Nam đã tạo nên những trang sử oai hùng. Người Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tạo nên những trang sử Việt Nam oai hùng.

b/Tập Nước Tôi Dân Tôi ghi lại những địa danh, những di tích lịch sử và nhất là tiến trình phát triển đất nước qua bao nhiêu thế hệ từ miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Nhưng đây không thuần tuý là một quyển địa dư kinh tế mà cũng không phải là quyển lược sử hành chánh Việt Nam dù trình bày chi tiết các tỉnh, thành và quá trình thành lập. Đây là một cuốn sách ghi lại những bước chân đi xây dựng đất nước của từng người dân, ở mọi nơi, vào mọi thời. Nước Tôi Dân Tôi là cuốn sách viết về nước Việt Nam, từ Nam chí Bắc do dân ta xây dựng từ muôn đời mà thành và vì thế không thể nào để cho đảng Cộng sản Việt Nam thống trị và hủy hoại mà dân ta phải cương quyết giành lại trong cuộc chiến đấu hôm nay. Do đó, ôn tập lại địa dư từng vùng, từng miền để hiểu rõ phong thổ từng nơi, cảm thông những trăn trở của người dân từng xóm, từng làng để mà hòa nhập và khai dụng sức dân, đóng góp vào công cuộc chung.

Từ tinh thần học tập những gương hy sinh của các anh hùng dân tộc và nhìn ra các giá trị lịch sử của sự phát triển địa dư lịch sử nước nhà, chiến hữu Hoàng Cơ Minh đã đề nghị mọi người Việt Nam cùng nhau xiến dương công đức của Quốc Tổ Hùng Vương, qua tinh thần Quốc Đạo. Trong một dịp sinh hoạt với các Kháng chiến quân tại khu chiến, chiến hữu Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh đã nói về tinh thần này như sau:

Theo lịch sử, Quốc Tổ Hùng Vương không phải chỉ là người lập ra nước Việt Nam. Quốc Tổ Hùng Vương còn là Tổ Tiên của chính tất cả chúng ta. Là nguời đã khai phá ra nước Việt Nam, là nguời đã khai sinh ra dân tộc Việt Nam. Ít nước nào trên thế giới có được lịch sử và nguồn gốc tương tự như chúng ta. Do đó, bổn phận chúng ta đối với Quốc Tổ là một bổn phận vừa đối với nước vừa đối với nhà. Đối với nước, bởi Quốc Tổ đã khai sáng ra đất nước mình; nhưng đối với nhà, thì Quốc Tổ đã khai sáng ra giòng họ mình. Mình có nhiệm vụ làm sáng cái đức của Quốc Tổ Hùng Vương. Làm sáng đức của Tổ Tiên không phải làm một cách bình thường, ta phải làm với một tinh thần thật tích cực. Nghĩa là, ta phải coi Quốc Tổ như là Người đã tìm ra một nền đạo mới, mà tôi gọi là Quốc Đạo.

Mọi người Việt Nam tự do đều có tín nguỡng, tôn giáo của mình. Mỗi tôn giáo có một biểu tượng để nhắc nhở mình giữ tôn giáo mình cho đàng hoàng, nhưng tựu trung, tôn giáo nào cũng đều huấn luyện, nhắc nhở con người trở thành những người tốt. Không có tôn giáo nào biến con người thành xấu cả. Mọi người Việt Nam có tôn giáo riêng của mình, đó là quyền của mọi người. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng: Mọi người Việt Nam phải có bổn phận đối với nước Việt Nam, bổn phận đó cao quý thiêng liêng như một Đạo, chứ không phải là chuyện bình thường. Ta hy sinh cho đất nước như ta hy sinh để bảo vệ lấy tôn giáo. Đạo đó là gì? Đạo Việt Nam, đạo Hùng Vương mà chúng ta gọi là Quốc Đạo. Do đó mỗi người Việt Nam sẽ có một Đạo và một tôn giáo. Đạo là Đạo của cả nước và tôn giáo là của mỗi người tùy chúng ta tự do lựa chọn tín ngưỡng của mình. Có thể cả nước theo Thiên Chúa Giáo hay Phật Giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo... nhưng vẫn phải nhìn thấy một Đạo phải giữ, đó là Đạo Hùng Vương, đó là Quốc Đạo. Ta có giữ được nước, ta mới giữ được những thứ khác...

Nói tóm lại, vận dụng chính nghĩa thành sức mạnh đấu tranh là khai triển sức mạnh vạn năng của dân tộc. Sức mạnh của dân tộc cho phép Tổ Tiên chúng ta đánh thắng những kẻ thù hung bạo và đông đảo gấp bội. Sức mạnh đó không đo không đếm được nhưng tiếm ẩn trong lòng mọi người, trong tinh thần bất khuất và kiên trì của truyền thống dân tộc. Do đó, vận động mọi người hiểu rõ lịch sử nước nhà, noi theo các gương anh hùng của người xưa tức là đã góp một phần quan trọng trong việc khai thác sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam, thành sức mạnh kháng chiến.

Quan Niệm Thứ Hai:

Công Cuộc Canh Tân Việt Nam Dựa Trên Nền Tảng Dân Giàu Nước Mạnh.

Trong đấu tranh, Mặt Trận chủ trương dựa trên sức mạnh dân tộc. Trong xây dựng, Mặt Trận vẫn chủ trương dựa trên sức mạnh dân tộc. Từ nền tảng này, ngay từ lúc tiến hành công cuộc kháng chiến vào đầu thập niên 80, chiến hữu Chủ tịch Hoàng Cơ Minh đã xác định công cuộc Canh tân và Xây dựng Việt Nam dựa trên chủ thuyết: Dân Giàu Nước Mạnh. Nói đến bốn chữ "Dân Giàu Nước Mạnh" trong thập niên 80, nhiều người có thể cho là không tưởng hay lý thuyết viễn mơ vì hoàn cảnh của nước ta vào thời kỳ này khó mà nghĩ đến sự giàu có khi mà đại khối dân tộc bị đảng Cộng sản Việt Nam cố tình kéo xuống tận cùng của sự bần cùng hóa để dễ bề cai trị. Dù có bị hiểu lầm hay chưa thấu đáo của một số người, chiến hữu Hoàng Cơ Minh và những chiến hữu tiên phong của Mặt Trận vào lúc đó đã xác tín rằng, đó là nền tảng quan trọng mà công cuộc kháng chiến phải theo đuổi chứ không chỉ là chấm dứt ách độc tài Cộng sản là xong.

Trước khi nói đến nội dung và lý do vì sao Mặt Trận dựa trên chủ thuyết Dân Giàu Nước Mạnh, ta cần hiểu rõ sự tương quan giữa hai chữ canh tân và cách mạng mà Mặt Trận thường sử dụng.

Canh tân là nỗ lực du nhập những điều mới, những điều hay lẽ phải để thay đổi những điều đã lỗi thời, đang cản trở bước tiến của xã hội hoặc đang gây ra những tệ hại cho con người. Canh Tân còn là sự thay đổi để phù hợp với những biến chuyển của môi trường chung quanh. Nói chung, canh tân là một tiến trình đổi mới mọi mặt của đời sống để thích ứng với môi trường hay hoàn cảnh mới và làm cho đời sống tốt đẹp hơn. Nhưng khi đã có thay đổi tức là có mới. Cách mạng là tính chất rốt ráo dứt khoát trong tiến trình đổi mới và chọn lọc những điều mới thích ứng, không nguy hại cho con người và xã hội. Hành động cách mạng có thể quan niệm từ rộng đến hẹp, từ toàn thể xã hội đến từng cá nhân.

Do đó canh tân và cách mạng là hai nỗ lực không thể thiếu và hỗ tương cho nhau để mang tới những thay đổi tốt đẹp nhất, rốt ráo nhất cho xã hội và cho con người. Từ những suy nghĩ nền tảng này, chiến hữu Hoàng Cơ Minh đã quan niệm về công cuộc cách mạng canh tân Vĩệt Nam là nhằm thực hiện Dân Giàu Nước Mạnh. Dân giàu không có nghĩa đơn thuần là có phương tiện vật chất dồi dào mà tất cả những mặt văn hóa, tư tưởng, tình cảm cũng đầy đủ, dồi dào. Nước mạnh không có nghĩa là mạnh về quân sự mà còn phải có tư thế vững vàng về các mặt kinh tế, ngoại giao, văn hóa... đối với thế giới.

Chiến hữu Hoàng Cơ Minh đã chia xẻ về quan niệm Dân Giàu Nước Mạnh như sau:

"Dân Giàu Nước Mạnh không phải là một câu khẩu hiệu. Nó là một nhu cầu khẩn cấp của nước Việt Nam ngày nay và mãi mãi trong tương lai. Làm sao cho người Việt Nam phải giàu. Làm sao cho nước Việt Nam phải mạnh đã là lý tưởng theo đuổi của hàng bao nhiêu thế hệ Việt Nam trong mấy thế kỷ vừa qua. Dân giàu ở đây, chúng ta phải hiểu chữ giàu một cách rộng rãi. Người dân giàu, chúng ta không phải kiến tạo để mọi người có nhiều tiền, có nhiều nhà cửa, có phương tiện vật chất dồi dào. Thế chưa gọi là giàu. Cái giàu trọn vẹn của chúng ta là gì? Người dân Việt Nam trong tương lai phải có một đời sống phong phú về vật chất, đồng thời phải giàu cả về đời sống tinh thần, giàu lòng nhân ái, giàu lòng nhân đạo, giàu lòng ái quốc, giàu tinh thần phục vụ xã hội, giàu lòng vị tha. Con người có như thế mới là con người trọn vẹn. Chứ nếu mà chỉ muốn con người có đầy đủ phương tiện vật chất, có nhà có cửa, có xe hơi, có cái máy này máy kia thì chúng ta chỉ mới văn minh hóa con người, tức con người văn minh. Nhưng con người văn minh đó chưa đủ. Nếu mà chỉ văn minh hóa con người, chúng ta sẽ biến con người Việt Nam trở thành nhũng trọc phú, của cải rất nhiều nhưng tinh thần hẹp hòi, vị kỷ. Chúng ta phải làm sao người Việt Nam của nhiều, nhưng tinh thần bao dung, trong sáng. Kiến thức của người Việt Nam phải mở rộng và cùng giúp nhau thăng tiến, chứ không phải mạnh ai nấy sống. Dân giàu của chúng ta là trên căn bản như vậy.

Nước mạnh cũng lại phải hiểu chữ mạnh một cách rộng rãi. Nước mạnh không phải chỉ là làm sao chúng ta có một đạo quân một triệu, hai triệu người để mọi người sợ mình. Nước chúng ta mạnh là phải mạnh trên nhiều phương diện. Chúng ta có kinh tế giàu mạnh, sản xuất cao để có thể bảo đảm được tiềm lực quốc gia hầu có thể đưa đất nước tiến lên một mức độ không thua gì các quốc gia trong vùng và trên thế giới; chứ không thể để tình trạng dân cả nước đói, đời sống dân chúng xuống cấp trong sự cách biệt giàu nghèo quá chênh lệch; trong lúc súng ống, đạn dược rất tân tiến thì cái mạnh đó là cái mạnh không cân đối. Do đó cái mạnh của đất nước phải mạnh trên nhiều phương diện.

Dân có giàu thì nước mới mạnh. Nước chẳng thể mạnh nếu người dân nghèo nàn. Nếu nước mạnh mà người dân nghèo nàn thì cái mạnh chỉ là nhất thời, cái mạnh giả tạo và nó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Tài sản của quốc gia là tài sản của tất cả mọi người trong nước. Sức mạnh của quốc gia chính là sự đồng lòng chung sức đóng góp của toàn thể người dân chứ không dựa trên một giai cấp nào. Sức mạnh quốc gia không đặt trên khẩu súng, không đặt trên những người cầm súng. Sức mạnh quốc gia là ý chí xây dựng, đào tạo được cả một thế hệ thanh niên có một ý chí xây dựng quốc gia mới, chứ không cho một chủ nghĩa ngoại lai hay giáo điều nào.

Khi hiểu rõ ý nghĩa của Dân Giàu Nước Mạnh ta hiểu ngay tại sao Dân là gốc của Nước và tại sao Nước mạnh là do Dân. Khi một chính quyền hay một tập đoàn nào cố tranh với dân làm giàu qua chủ trương quốc hữu hóa các công ty hay tóm thu những phương tiện giúp dân nâng cao dân trí và sự hiểu biết cần thiết trong đời sống, thì sớm muộn gì chế độ đó cũng bị người dân lật đổ.

Lịch sử tiến hóa của con người cho thấy những gì thích hợp với con người sẽ được duy trì và những gì không phù hợp đều bị loại bỏ. Bất cứ ai hay chế độ nào đi ngược lại sự tiến hóa của con người đều không thể tồn tại dù có sức mạnh đến bậc nào. Trong thời đại văn minh ngày nay, bất cứ quan niệm, chính sách nào mà chính quyền áp dụng đi ngược lại với nhân tính con người, với giá trị con người đều bị lên án và loại trừ. Con người trong sự tiến hóa liên tục, lúc nào cũng tìm đủ mọi cách canh tân đời sống để ngày một thăng tiến, phát triển. Đó là chiều hướng tiến hóa tất nhiên của nhân loại.

Nhìn công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước trên góc độ của một cuộc cách mạng canh tân Việt Nam, chiến hữu Hoàng Cơ Minh đã luôn luôn nhắc nhở cán bộ và kháng chiến quân tinh thần học tập lịch sử để ôn cố tri tân. Tức là luôn luôn sống với tinh thần canh tân để coi vấn đề canh tân đất nước là một việc làm không bao giờ chấm dứt.

---- oOo ----

Tháng 11 năm 1981, Chiến hữu Chủ tịch Hoàng Cơ Minh và những chiến hữu tiên phong của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã đi vào vùng biên giới Thái Lào để xây dựng khu chiến, làm bàn đạp tiến về Việt Nam, không tới 20 người. Có người đã nói đây là công việc của những kẻ 'đội đá vá trời'. Nhưng nếu không có những con người can đảm với lòng yêu nước nồng nàn đó, công cuộc kháng chiến giải phóng Việt Nam đã đi về đâu? Lúc đó, tình hình Việt Nam sau năm năm áp đặt chính sách cai trị man rợ và tàn độc của đảng Cộng sản Việt Nam, ý chí đối kháng của người dân tuy còn nhưng đang xuống dốc thê thảm vì hầu hết các tổ chức kháng cự lần lượt bị đàn áp và tan vỡ, đa số chỉ muốn tìm cách trốn chạy, với phong trào thuyền nhân trên biển Đông lên cực điểm. Trong khi đó, một số người - thay vì sống yên ấm với gia đình trong cuộc sống mới tại xứ người – đã lặng lẽ từ bỏ những gì thân thương nhất, gần gủi nhất của mình, để trở về sống trong một hoàn cảnh khắc nghiệt của núi rừng Đông Dương. Nếu không được hun đúc bởi lý tưởng canh tân và nếu không có giòng máu cách mạng, gần hai mươi người tiên phong lúc đầu khó mà trụ được lâu dài tại chiến khu với muôn vàn gian nguy và thiếu thốn.

Chính ước mơ canh tân và vì muốn cho thế hệ mai sau ngửng đầu bước tới, tự hào mình là người Việt Nam , Chiến hữu Hoàng Cơ Minh và những chiến hữu tiên phong đã thắp lên ngọn đuốc chính nghĩa đầu tiên trong hoàn cảnh tan tác, vô vọng của đất nước. Ngày hôm nay gần ba thập niên sau, niềm tin vào lẽ tất thắng của dân tộc đang rực sáng nơi nơi với các thế hệ trẻ đang nô nức nhập giòng đấu tranh ở cả trong nước lẫn hải ngoại. Riêng đối với đoàn viên Mặt Trận, ông còn để lại một di sản quý giá, đó là ý chí phấn đấu và tinh thần canh tân vì dân tộc. Nhờ di sản này mà khi Chiến hữu Hoàng Cơ Minh và các chiến hữu tiên phong đã nằm xuống bên thềm đất mẹ vào năm 1987, những chiến hữu hậu duệ của ông vẫn tiếp tục tiến bước trên con đường cách mạng canh tân Việt Nam mà ông đã dày công sáng lập. Chính ông và những chiến hữu tiên phong đã là ngọn đuốc soi đường trên hành trình Cứu nước và Dựng nước cho các thế hệ nối tiếp trong Mặt Trận.

Hai mươi năm qua (1987-2007), những người kế thừa sự nghiệp cách mạng của chiến hữu Hoàng Cơ Minh đã không ngừng nghỉ chiến đấu. Trước đây hay sau này, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam hay Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng vẫn mãi là phương tiện để những người Việt Nam yêu nước phát huy tinh thần canh tân của chiến hữu Hoàng Cơ Minh, thực hiện ước mơ Dân Giàu Nước Mạnh mà ông hằng ôm ấp.

Tháng 5 năm 2007.