Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Huynh Đệ Chi Binh

Hoàng Cơ Minh

Orange County, ngày 16 tháng 4 năm 2007

Kính gửi: Ban Biên Tập Đặc San “Trên Đường Đông Tiến”,

Tôi xin gửi tới quý vị 2 đoạn tùy bút của ông Hoàng Cơ Minh ghi lại kỷ niệm thời quân ngũ khi ông còn là một sĩ quan cấp Úy trong quân chủng Hải Quân. Qua 2 đoạn văn này chúng ta có thể thấy những đặc tính của người lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam vào năm 1982 từ hơn hai thập niên trước đó.

Sở dĩ tôi có được những tùy bút này là vì vào đầu thập niên 60, chồng tôi là nhà văn Đỗ Thúc Vịnh có ý định viết một cuốn truyện ghi lại tâm tư và đời sống của giới trẻ thời bấy giờ, tiểu thuyết có tên là Những Người Đang Tới. Ông Vịnh rất ngưỡng mộ khi thấy cậu em vợ là ông Minh đã hăng hái rời bỏ học đường để tình nguyện nhập ngũ bảo vệ Đất Nước, vì vậy nên đã xây dựng một nhân vật trong truyện qua hình ảnh của ông Minh. Trong tập truyện Những Người Đang Tới, có 2 đoạn mô tả người sĩ quan trẻ trong trận tấn công Bình Xuyên tại Rừng Sát và lúc chàng chỉ huy một chiến hạm trong cơn bão tại ngoài khơi Biển Đông. Để có những dữ kiện sống động và xác thực chỉ người trong cuộc mới có được, nhà văn Đỗ Thúc Vịnh đã nhờ Hải Quân Đại Úy Hoàng Cơ Minh chấp bút và ông Vịnh đã giữ nguyên từ nội dung tới văn phong bài viết của ông Minh khi đưa vào trong truyện.

Hai đoạn văn gửi tới quý vị ngày hôm nay chính là hai đoạn tùy bút của ông Hoàng Cơ Minh.

Kính thư
Bà Đỗ Thúc Vịnh

Ban Biên Tập xin chân thành cảm tạ bà Đỗ Thúc Vịnh, và xin trân trọng giới thiệu 2 đoạn văn của chiến hữu Hoàng Cơ Minh trích trong tác phẩm “Những Người Đang Tới” của nhà văn quá cố Đỗ Thúc Vịnh. Những tiểu tựa “Huynh Đệ Chi Binh” và “Sau Trời Và Nước” là do ban biên tập đặt.

---- oOo ----

Bên cây nến leo lét, Hoàng ngồi viết tờ tường trình công tác trong ngày. Muỗi bay mù mịt xung quanh, anh luôn tay đập mà không hết. Cái xứ Cà Mau thật là khổ. Muỗi không biết ở đâu mà đổ ra nhiều thế. Hoàng cắn bút không biết viết gì. Từ hơn tháng nay, anh đã gửi bao nhiêu báo cáo hàng ngày, toàn là vô sự. Anh đã bắt đầu chán ngấy với những công tác buồn nản và không thay đổi. Hoàng dẹp giấy tờ, mò lên mui tiểu đĩnh. Người lính gác co ro ôm cây súng nhìn vào khoảng tối mù mịt, luôn tay đập muỗi. Nơi đoàn tiểu đĩnh của Hoàng đang đậu thật là hoang vu, cô độc. Không một tiếng động. Cảnh vật càng thêm huyền bí. Anh quay lại hỏi người lính gác:

– Thế nào, gác tới mấy giờ thế cậu?

– Em gác tới 11 giờ thiếu úy. Buồn quá, chừng nào về, thiếu úy biết không? Mình đi hành quân có tới gần hai tháng rồi, chẳng được cái gì cả. Em đã thấy nhớ Cần thơ quá. Hoàng hỏi cộc lốc:

– Vợ chưa?

– Dạ chưa, nhưng có con bồ, sợ đi lâu nó bỏ.

– Hừ, ăn thua gì, kiếm con khác, dễ ợt. Người lính gác cãi:

– Nhưng con nhỏ này ngộ lắm, thiếu úy. Em tính lấy nó. Xem chừng đằng nó cũng chịu em lắm. Gặp nhau hồi hành quân Cái Vồn lận.

Hoàng lững thững đi ra phía mũi, uể oải đáp:

– Người ta có duyên số, nếu nó yêu anh thì nó chờ chứ. Tuy nói vậy, nhưng chính Hoàng cũng thấy muốn về, và anh thấy người thủy thủ cũng có lý. Anh tính nhẩm, còn chừng mười hôm nữa là đầy hai tháng ở trong cái vùng tận cùng đất nước này. Không có gì mà ăn, nước đen như nước cống. Tối ngày chỉ có tôm cá và dừa nước. Buồn quá. Hoàng tưởng tượng tới Sài Gòn, nơi các bạn anh đang vui vẻ. Tự dưng giam hãm cả tháng trời ở nơi này thật là vô lý.

Tuần tiễu bao đêm ngày. Thà là đánh lớn cho xong rồi về, chứ cứ thế này đến điên mà chết. Cả nửa tháng nay, Hoàng không tắm lấy một bận, mà anh cũng chẳng buồn tắm làm gì. Hoàng xoa mặt, khẽ bóc những mảnh da bong lên vì nắng. Anh cởi áo ra cho đỡ nóng. Thấy có tiếng lạch cạch dưới khoang, Hoàng nói vọng xuống:

– Anh nào đó, tắt cây nến đi hộ tôi, không nhỡ địch trông thấy, bắn thì nguy. Xem còn “đế” không, lấy lên đây làm một tí cho đỡ buồn.

– Thiếu uý chờ một tí. Gớm muỗi quá, không sao ngủ được.

Một phút im lặng.

– Thiếu úy à, còn có chút xíu.

– Cũng được.

Người lính trọng pháo, lò mò chui lên mui, ngồi xệp xuống bên cạnh Hoàng, đưa anh chai rượu nhỏ. Hoàng ngửa cổ nhấp một ngụm. Rượu cay xè, nóng cổ. Từ trước có bao giờ anh uống rượu đế đâu. Từ hồi hành quân, thấy nhân viên thỉnh thoảng uống, rồi họ mời mọc, nên đôi khi anh cũng uống, lâu lâu, anh thấy làm tí rượu cũng hay. Người lính tiếp chai rượu trong tay Hoàng, ngửa cổ làm một ngụm lớn. Anh ta tặc lưỡi nói:

– Thôi em với thiếu úy xử tử nốt chai này cho rồi. May ra mỗi người được một ngụm nữa.

Từ ngày ra trường, Hoàng đã sống dường như suốt cả thời gian của anh trên những chiếc tiểu đĩnh nhỏ hẹp. Từ nhỏ, Hoàng vẫn thích đời sống quân ngũ. Thành thật mà cởi mở. Các thủy thủ dưới quyền, Hoàng coi họ như anh em. Sau mỗi lần đụng trận mà không bị sứt mẻ gì, cả bọn vẫn mua rượu uống mừng. Mà có gì nhiều đâu, chừng nửa lít rượu đế với mấy đồng tôm khô củ kiệu, ngồi bàn tán lếu láo, rồi lăn ra ngủ ngay trên mui tiểu đĩnh. Tàu đậu tại bến, đã có nhân viên ở bờ giữ an ninh, lo gì!

Hoàng coi tất cả sáu chiếc, mỗi chiếc có sáu thủy thủ; nên anh nhớ tính nết từng người, họ có bao nhiêu anh em, tại sao vào lính thủy. Có nhiều người, Hoàng nhớ cả ngày sinh tháng đẻ, quê quán của họ. Anh nhớ về họ, hơn cả anh em ruột thịt. Họ cũng rất quý mến Hoàng. Những lúc nghỉ hành quân ở nơi hẻo lánh, tâm sự vụn, họ đem hết cả chuyện nhà ra kể. Lắm lúc thấy họ lo cho anh mà Hoàng cảm động. Có gì to lớn cho cam! Đôi khi, đơm lại khuy áo đứt, khâu lại cái đũng quần tụt chỉ. Trông thấy họ khâu vá mà anh phì cười. Hoàng liên tưởng vẻ mặt họ với những lúc họ ghì súng bắn.

Hai cảnh tượng thật khác hẳn nhau.

Hoàng nhìn đồng hồ đã hơn chín giờ tối, anh muốn xuống ngủ một lát, song biết có xuống cũng không ngủ được. Nhiều thủy thủ hành quân ở Cà Mau chỉ vài tháng là xuống cân trông thấy. Tất cả chỉ vì thiếu ngủ. Muỗi cắn quá, không nhắm mắt được. Cái thứ muỗi thật kỳ lạ, không mùng nào chịu nổi, lại còn đốt xuyên ngược qua bố giường lên. Giấc ngủ lúc nào cũng chập chờn. Chỉ chừng hơn một tháng là mặt mũi hốc hác, chưa kể vất vả nắng mưa những lúc hành quân, những chuyến chạy tuần tiễu thâu đêm hàng tuần lễ.

Người thợ máy dưới khoang đã dậy, đang lạch cạch mở máy liên lạc với Bộ chỉ huy. Hoàng chờ đợi xem có gì mới lạ không. Chẳng có lệnh gì cho anh cả. Nhưng có lệnh cho các toán khác đổi công tác. Lệnh có vẻ khẩn cấp, nhưng chưa biết đi đâu. Hoàng bàn với mấy thủy thủ:

– Như họ lại sướng, đổi công tác cho đỡ nản, không hiểu mình còn phải ở lại đây bao lâu nữa.

Mọi người còn đang bàn tán vớ vẩn, thì văng vẳng có tiếng máy tiểu đĩnh nổ gần. Người lính trọng pháo nhẩy vội xuống khoang, ôm sẵn một cây trung liên đặt trên mui. Một tiểu đĩnh hiện ra ở khúc sông quẹo. Hoàng móc đèn bấm trong túi ra, ra hiệu hỏi: trả lời đúng. Tàu bạn. Hoàng dùng đèn ra hiệu cho chiếc tiểu đĩnh cặp vào tàu anh. Một người trung sĩ hỏi Hoàng:

– Có thiếu úy Hoàng ở tầu này không?

Hoàng cười trả lời:

– Tôi đây, cái gì thế. Lại công điện thượng khẩn, phải không?

Người trung sĩ vừa mở túi áo vừa đáp:

– Ấy chết, tối quá không nhận ra thiếu úy. Có công điện của Bộ chỉ huy, không hiểu chuyện gì mà các ông ấy hối thúc đi ngay. Gọi liên lạc máy mãi mới được.

Hoàng vừa xé bao thơ vừa trả lời:

– Tôi có mở máy đúng nhiệm kỳ; mấy cái máy liên lạc này cũ, lúc nghe, lúc không chán quá!.

Anh bấm đèn giọi công điện, đọc: “ Khởi hành về Bình Lợi ngay khi nhận công điện này. Chấm. Tiếp tế lương thực và đạn tối đa. Chấm. Chỉ thị ban hành sau. Chấm hết”.

Sau khi ký nhận xong, và chiếc tiểu đĩnh đã tách khỏi, Hoàng tập họp tất cả các thuyền trưởng lại, cho họ biết, ấn định thứ tự di chuyển và vài tiêu lệnh cần thiết. Rồi sáu chiếc nổ máy, từ biệt Cà Mâu, thẳng tiến Bình Lợi.

Đậu ở Bình Lợi được hai hôm: Một ngày làm việc vất vả để tiếp tế thực phẩm đạn dược, một ngày đi bờ Sài Gòn vui vẻ.

Hoàng nhận được lệnh trình diện Bộ chỉ huy hành quân. Chỉ thị anh nhận được chỉ có mấy dòng: “Đánh Rừng Sát. Mở chiến dịch Hoàng Diệu. Khởi hành ngay khi về tới đơn vị. Trình diện Bộ chỉ huy cánh quân miền Đông tại Rạch Cát ngay khi tới nơi”.

Anh được xe Bộ chỉ huy đưa về tới tầu để khởi hành liền.

Anh ra lệnh cho tất cả rời bãi ủi ra giữa sông, rồi tập hợp tất cả thuyền trưởng, cho họ biết công tác mới. Mọi người hơi ngạc nhiên. Nhưng tất cả đều hăm hở, vì đã bao lâu rồi, họ không có dịp nổ súng. Nhất là đánh Rừng Sát, nơi mà tất cả mọi người chờ đợi từ lâu. Vì họ biết thế nào cũng có ngày phải vào khu này. Nơi dụng võ của hải quân mà! Anh thuyền trưởng của tiểu đĩnh 60 phát biểu ý kiến thật là thừa:

– Để tôi về o bế lại mấy cây súng 20 ly mới được. Tắc đạn một cái thì bỏ mẹ.

Hoàng phì cười:

– Đụng trận, tầu anh nào kẹt đạn, 15 ngày tù nghe chưa! Thôi tất cả về tầu, theo thứ tự như cũ. Tôi đi đầu. Khởi hành ngay bây giờ.

Thế là sáu chiếc tiểu đĩnh nối đuôi nhau, dạo qua bờ sông Sài Gòn, thẳng tiến về phía nhà Bè, ra Rừng Sát.

Tới Rạch Cát, anh lên trình diện Bộ chỉ huy. Nói là Bộ chỉ huy, nhưng có mấy cái lều ngay trên bờ sông, và dưới nước, hai chiếc tiểu đĩnh. Hoàng được lệnh tuần tiễu dọc sông từ Kinh Lộ tới cửa Soài Ráp, ngăn chận tất cả mọi lưu thông ngang sông.

Hoàng thi hành công tác tuần tiễu được ba hôm, thì cuộc hành quân chính thức mở màn. Khai mạc bằng cuộc đổ bộ tại đảo Phú Lợi. Không gặp trở ngại gì. Đổ bộ xong, đoàn tiểu đĩnh của Hoàng được lệnh rút về Long Hội, án ngữ và tuần tiễu sông Thị Vải, ngăn đường tiếp tế và liên lạc của địch để chờ chuẩn bị tấn công.

Suốt trong mấy đêm liền, trọng pháo bạn bắn liên miên không ngớt. Cuộc tuần tiễu thật vất vả và nguy hiểm. Sông hẹp lại dài. Tình báo cho biết địch có thể lội ra phá hoại; hơn nữa địch quân cũng có mấy tiểu đĩnh đương tìm cách thoát ra khỏi vòng vây, thành đoàn tầu của Hoàng phải di chuyển luôn luôn cả tuần lễ. Cấm các tiểu đĩnh bỏ neo: nhiệm sở tác chiến. Hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn. Mọi người thiếu ngủ, mặt mũi đã bắt đầu hốc hác. Thực phẩm cạn dần. Nước ngọt không còn đủ dùng vì sông Rừng Sát toàn là nước mặn. Đã ba hôm rồi, Hoàng và tất cả nhân viên chỉ ăn cơm trộn với cà chua hộp. Hoàng đã nhiều lần xin tiếp tế hoặc xin tiểu đĩnh ra Vũng Tàu đi chợ, nhưng vì nhu cầu hành quân, lời xin không được chấp thuận. Lệnh trên bắt phải tự túc. Thật là khó khăn.

Những chuyến đi tuần suốt ngày dưới cái nắng thật gay gắt, mọi người khát khô cổ mà không có nước uống. Nước trữ được chỉ đủ nấu cơm. Các thủy thủ đã bắt đầu bực dọc thường cãi nhau vô cớ. Trên tiểu đĩnh quá hẹp, chừng mười thước vuông cho sáu người, biết bao nhiêu sự đụng chạm! Nhiều buổi tối, Hoàng ngồi chán nản trên mui tầu, phân vân không biết mình cực khổ như thế này để làm gì? Anh nhớ tiếc thời mới di cư, ở lều, anh em bạn hữu vui vẻ. Không hiểu bây giờ họ làm gì? Tự dưng Hoàng có ý tưởng so sánh cuộc sống của mình với các bạn hiện còn ở Sài Gòn. Có ai biết được những sự vất vả của người lính ngoài mặt trận? Nói đấu tranh thì dễ, nhưng sống cuộc đời đấu tranh thì chẳng ai muốn. Các thủy thủ trong tầu, hình như cũng cùng tâm trạng với Hoàng, vì anh thấy mọi người đều có vẻ suy nghĩ, ít nói cả ngày ngồi ôm ổ súng, khác hẳn thường lệ họ đùa rỡn luôn luôn. Đã hai tháng trời tại Cà Mâu, giờ lại kéo cả tuần chạy tới chạy lui nên tinh thần bị căng thẳng quá nhiều...

Công tác tuần tiễu kéo dài được tám ngày, thì vào một buổi trưa, Hoàng nhận được lệnh chiều về họp gấp tại Long Hội. Khoảng ba giờ chiều, khi đoàn tầu anh thả từ từ trên dòng sông, bỗng có tiếng súng nổ phía trước, mới đầu còn thưa, sau liên hồi. Có tiếng súng của tiểu đĩnh. Hoàng hối hả mở máy liên lạc nghe: Đoàn tầu của Vũ, một người bạn rất thân của Hoàng trong công tác thám sát đã đụng địch tại khúc quẹo Gò Già, cách nơi Hoàng chừng hai cây số chim bay. Mới đụng được mấy phút, Vũ đã phải lùi vì hỏa lực của địch rất mạnh và sông hẹp không đủ chỗ xoay sở. Khi về tới Long Hội, Hoàng mới biết Vũ bị thương, được đưa sang chiến hạm lớn để chở về hậu cứ. Tất cả toán tiểu đĩnh được lệnh ra trình diện Bộ chỉ huy ngoài chiến hạm để báo cáo tin tức.

So với tình báo, và vết đạn còn để lại trên mấy tiểu đĩnh đụng trận lúc trưa, thì đúng chủ lực địch bị bao vây đã rút sang Gò Già để tìm cách thoát vòng vây. Lực lượng hải quân sẽ vào gặp địch sáng sớm hôm sau.

Nhiều người bàn nên chờ xin pháo binh yểm trợ, rồi tiến vào sau. Thiếu tá chỉ huy không chịu. Hoàng còn nhớ nguyên câu nói quả cảm làm anh phấn khởi:

– Sao lại phải chờ pháo binh. Để chậm địch rút đi nơi khác. Ngày mai đánh là đã trễ rồi. Phải vô chứ. Tôi sẽ đi đầu cùng với các anh. Đây là dịp để chúng ta chứng tỏ khả năng. Mong tất cả mọi người làm tròn phận sự!

Buổi họp tan, Hoàng trở về tiểu đĩnh, họp các thuyền trưởng, cho mọi chi tiết. Trận đánh sáng mai chắc là nặng nề lắm, vì hỏa lực địch rất mạnh. Đêm đó cả toán Hoàng được nghỉ. Toán khác đi tuần thay. Hoàng thao thức không ngủ được. Anh nghĩ tới Vũ, không biết thương tích ra sao. Anh lo cho các thủy thủ của anh, không hiểu ngày mai có ai xấu số không? Anh nghĩ tới bạn bè, trằn trọc không sao nhắm mắt được. Đèn đóm tại các tàu tắt hết, xung quanh tối thui, quang cảnh càng thêm man rợ. Hoàng lấy thuốc lá hút. ánh lửa loé lên. Hình như các thủy thủ của anh cũng vậy. Hoàng thấy có tiếng động khẽ ở phía sau. Anh nhỏm dậy:

– Anh nào đó? Sao không đi ngủ cho khoẻ?

– Em đây thiếu úy. Em xem lại cây 20 ly của em một chút.

Hoàng vừa cảm động vừa vui mừng. Bên ngoài, tất cả đều im lặng, ngoại trừ tiếng máy điện trên chiến hạm chỉ huy từ xa vọng lại. Tiếng máy nổ thật buồn, Hoàng suy nghĩ lung tung.... Anh thấy nhớ cả Hà Nội, nhớ ngày mới di cư.... Hoàng có thói quen, khi nghĩ gì buồn, lại càng thích khơi cho cái buồn càng sâu rộng mãi ra. Càng buồn lại càng thú. Anh cứ thao thức cho tới khi trời mờ sáng, đoàn thuỷ quân lục chiến đã bắt đầu lên tàu để chuẩn bị đổ bộ nếu toán tiểu đĩnh mở đầu thành công.

Nhân viên của Hoàng cũng chuẩn bị chờ giờ khởi hành. Hoàng kiểm soát lại súng ống một lần cuối cùng. Tất cả xong xuôi chừng nửa giờ, thì có lệnh khởi hành.

Ba toán tiểu đĩnh của Hoàng và hai toán nữa, vào mở đường. Chiếc monitor chỉ huy dẫn đầu. Các tiểu đĩnh vào mô hình xong, từ từ tiến về phía địch. Tiếng máy nổ đều đều, âm vang mặt sông, làm mọi người càng thêm hồi hộp. Các ổ súng sẵn sàng nhả đạn. Hoàng nhìn đồng hồ: Đúng sáu giờ mười lăm. Đoàn tàu đã đi được 15 phút, bắt đầu vào vùng nguy hiểm. Vẫn chưa thấy gì... Tiến thêm năm trăm thước nữa, sông bắt đầu hẹp lại, sắp tới khúc quẹo mà toán Vũ gặp địch trưa hôm qua. Vẫn yên tĩnh. Một cái yên tĩnh kỳ lạ, mà ai cũng biết là rất giả tạo. Chắc chắn địch quân từ trong các bụi cây trên bờ kia đang ngắm vào đoàn tầu giữa sông. Qua máy liên lạc, vẫn nghe đều đều các tiểu đĩnh gọi nhau. Mọi báo cáo gửi về tiểu đĩnh chỉ huy vẫn là: “Không thấy gì nghi ngờ”. Hay địch quân đã rút đi nơi khác? Nếu vậy thật vô lý! Vì vòng vây rất kín. Chưa có lệnh khai hỏa... Đột nhiên... có lệnh tất cả chạy với tốc độ tối thiểu. Lệnh vừa ban hành, có vài tiếng súng nhỏ nổ rời rạc. Hoàng đoán có lẽ chiếc đi đầu bắn dò đường. Mọi người chuẩn bị nổ súng. Nhưng ngọn cờ đỏ trên tiểu đĩnh chỉ huy vẫn bay phất phới. Sự nghi ngờ nặng nề.... Hoàng thấy run ở đầu gối, tim đập mạnh. Không phải anh sợ, bởi anh đã tham dự rất nhiều chiến dịch, mà là hồi hộp thì đúng hơn. Anh nhận thấy trong tất cả mọi lần, cái thời khắc ghê rợn nhất là lúc biết mình đang ở vùng địch quân, mà vẫn không gặp địch. Súng có thể nổ bất cứ lúc nào; mà những phát súng đầu tiên bao giờ cũng rất nguy hiểm vì địch theo dõi được mục tiêu từ đầu.

Chiếc tiểu đĩnh đầu tiên qua khúc quẹo; Hoàng chỉ còn nhìn thấy đầu cột cờ với lá cờ đỏ mà thôi; phần dưới, cây che khuất. Đột nhiên một tràng liên thanh xé tan bầu không khí nặng nề. Rồi tiếp theo là tiếng bích kích pháo. Không hiểu ai bắn, bạn hay địch. Hoàng bắc ống nhòm nhìn, chưa nhận định rõ ràng, thì ngay gần tầu anh, mấy cột nước toé lên. Đúng rồi, địch quân bắt đầu tấn công. Đạn rơi rất gần mục tiêu. Chắc chúng đã ngắm kỹ từ trước.

Có lệnh cho khai hỏa. Ngọn cờ đỏ vụt hạ xuống. Hoàng ra lệnh cho nhân viên bắn trả vào bờ. Tiếng đạn bắt đầu nổ vang mặt sông. Mấy chục chiếc tiểu đĩnh thi nhau nhả đạn đủ cỡ. Địch quân bắn ra rất chính xác. Đạn bích kích pháo rơi trên mặt sông như sung rụng. Nước bắn tung tóe. Hoàng ôm máy nói, vừa liên lạc với tiểu đĩnh chỉ huy vừa luôn miệng ra lệnh cho toán tiểu đĩnh của anh tiến hết tốc lực rồi ngừng máy, rồi lùi rồi lại tiến. Tầu xịt khói đầy mặt sông. Mặt sông nhỏ hẹp nổi sóng cuồn cuộn vì mấy chục cái tàu vùng vẫy. Hoàng ra lệnh bắn bích kích pháo đến khan cổ. Anh phải hét thật lớn, nhân viên mới nghe rõ. Bắn đã gần vơi hết một tủ đạn, chừng sáu bảy chục quả. Cây cối trên bờ đua nhau đổ. Hỏa lực của địch vẫn còn rất mạnh. Hoàng đưa đoàn tàu của anh vào sát bờ thêm vài chục thước. Đột nhiên, chiếc tiểu đĩnh 62 trong toán anh quay ngang, rồi phụt khói ở phía sau lái. Anh hốt hoảng la:

– Chết cha, chiếc 62 trúng đạn rồi!

Anh gọi liên hồi trên máy liên lạc, được biết chiếc 62 bị trúng một bích kích pháo vào lái, ba người bị thương, thuyền trưởng đã chết tại chỗ. Hoàng vừa thương vừa sợ. Anh cho một chiếc khác cặp lại chiếc 62 để kéo ra ngoài vòng chiến. Toán của anh chỉ còn bốn chiếc, hỏa lực kém hẳn đi. Rồi đến phiên chiếc tiểu đĩnh của anh cũng quay ngang. Chung số phận như chiếc 62! Cây súng bên hữu cũng ngưng bắn. Hoàng giật mình quay lại. Người lính trong tay lái, đầu ngoẹo sang một bên; người xạ thủ súng 20 ly bên hữu rên la:

– Trúng đạn rồi thiếu úy ơi! Trời ơi, đau quá!

Anh ta nằm lăn ra vật vã; đạn bắn nát một bên vai, máu chảy đầy sàn tầu. Hoàng đã tới độ luống cuống. Người xạ thủ bên tả vào thay thế trong tay lái... Qua máy liên lạc, Hoàng thấy các tiểu đĩnh bạn cũng đã nhiều cái bị thương, có chiếc chỉ còn có mỗi một người, anh ta cố gắng đưa tầu ra ngoài tầm đạn. Chiếc tiểu đĩnh chỉ huy đã mắc kẹt trong khúc quẹo, không rút lui ra được. Cuộc chiến đã mất thế quân bình. Hỏa pháo địch càng tăng, thì bên Hoàng lại giảm sút nhiều quá, nhân viên mất tinh thần bắn bậy bạ, đạn bay bổng cả lên trời... Hoàng nghe rõ tiểu đĩnh chỉ huy cho hoãn đổ bộ và xin chiến hạm ngoài bắn yểm trợ để cả toán rút lui. Đạn pháo từ ngoài chiến hạm bắt đầu nổ vang, rung chuyển cả mặt sông. Từng cột khói bốc lên trong bờ. Các tiểu đĩnh rút lui từ từ.

Cuộc chạm súng lâu chừng nửa giờ mà Hoàng thấy dài quá! Các tầu rút lui ra, chiếc nghiêng phải, chiếc nghiêng trái, có chiếc lái tầu chìm gần ngập nước. Tiểu đĩnh của Hoàng chỉ kịp chạy tới Long Hội, ủi bờ xong là lái tầu chìm ngỉm.

Qua cơn nguy hiểm, bây giờ Hoàng mới nhìn lại phía sau. Anh giật mình. Người lính trong phòng lái, nơi bị đạn 57 ly, ngã vật sang một bên, bụng vỡ toang, hai tay co quắp... Không nén được xúc động, nước mắt trào ra: anh khóc. Người lính trẻ tuổi dễ thương, đang mong được về Cần Thơ để gặp “con bồ”, thế là đã ra đi vĩnh viễn. Bên cạnh anh, tiếng người lính trọng pháo bị thương, bể một bả vai, còn rên la. Hoàng nhìn mấy người cứu thương ra sức khiêng các thủy thủ bị thương từ các tiểu đĩnh lên bờ. Đột nhiên, anh như điên, chạy lại bế sốc xác người thuyền trưởng, đem lên mui tầu la hét gọi cứu thương và chửi bới họ ầm ĩ. Hoàng rất thương mến người hạ sĩ đã từng bao lần cùng với anh hành quân trong các nơi nguy hiểm, và giờ đây sẽ mãi mãi không bao giờ còn được o bế cây súng nữa... Bên Hoàng, một người lính ôm cây cột ăng ten, khóc rấm rứt, Hoàng quay lại hét:

– Xuống khiêng các bạn lên bờ cho họ băng bó chứ, đứng đấy mà khóc à.

Anh ta càng khóc lớn hơn:

– Nhưng thằng Quân nó chết rồi thiếu úy ơi.

Vừa nói anh ta vừa chỉ vào cái xác trong phòng lái. Hoàng càng giận dữ:

– Thế anh khóc, nó có sống lại không? Xuống giúp tôi khiêng nó ra chứ!

Người thủy thủ vẫn không nhúc nhích... Mấy người thuyền trưởng của Hoàng ủi bờ xong, đã sang gặp anh. Tất cả toán Hoàng có bốn bị thương, chết sáu trong đó có hai thuyền trưởng. Hoàng ngơ ngẩn cả người. Từ ngày ra trường, qua bao lần hành quân, đây là lần đầu có nhân viên của anh tử trận. Các kỷ niệm cũ từ ngày nhận chỉ huy, lần lượt hiện ra trước mắt anh. Hoàng cứ ngồi yên lặng như vậy hàng giờ, cho tới khi có lệnh gọi anh sang Bộ chỉ huy để báo cáo tổn thất. Gặp Thiếu tá, ông ta an ủi anh và khuyến khích. Cuộc thất bại nặng nề: tổng cộng chết hai mươi mốt và bị thương mười bảy. Tất cả các tiểu đĩnh đều bị trúng đạn. Riêng toán Hoàng bị nặng nhất.

Sau khi kiểm điểm tổn thất, lệnh mới ban hành: Sẽ tấn công lần thứ hai trong vòng một giờ nữa. Sẽ có trọng pháo bắn yểm trợ.

Hai giờ chiều. Đoàn tiểu đĩnh bắt đầu tiến vào. Trọng pháo bắn từ mười hai giờ trưa. ánh nắng gay gắt, mọi người đều ở trần cho đỡ nóng. Hoàng siết chặt lại quai nón sắt; tiếng súng nổ khiến Hoàng thêm bình tĩnh. Mùi thuốc súng như kích thích. Bên kia khúc quẹo con sông, khói đen bốc lên mờ mịt. Đoàn tiểu đĩnh đã khai hỏa trước, ngay khi vào tới dòng sông hẹp. Tiếng súng long trời lở đất. Hình như địch quân không có phản ứng. Đoàn tầu gần như làm chủ tình thế. Sau chừng mười lăm phút tác xạ, có lệnh ngưng bắn. Hoàng la hét gọi nhân viên, nhưng không ai nghe anh nói. Họ đang say thuốc súng! anh vớ một cây gậy, đập liên hồi vào chân xạ thủ, lúc đó họ mới ngừng. Tất cả các tiểu đĩnh được lệnh chạy sát vào bờ để dò tình thế. Đúng lúc đó, từ trong một lùm cây rậm rạp ngay sát bờ nước, có một chiếc ghe nhỏ chở mấy người ra, cờ trắng phất tới tấp.

Địch quân hàng!

Chuyện xảy ra không ai ngờ. Dễ dàng quá. Quân đổ bộ chưa kịp lên bờ. Tuy nhiên mọi biện pháp cần thiết vẫn được áp dụng để kiểm chứng xem địch quân hàng thiệt hay chỉ là một mưu mẹo. Các tiểu đĩnh chạy tới, chạy lui để đề phòng mọi bất trắc, trong lúc Bộ chỉ huy khai thác mấy hàng binh mới ra để biết sự thật. Nửa giờ sau, tin địch quân xin hàng chính thức được loan báo cho tất cả qua máy liên lạc.

Tiếng mừng rỡ la hét vang mặt sông. Nhiều thủy thủ tung nón rơi cả xuống nước. Trong đời Hoàng, chưa bao giờ anh sống một ngày vừa quá vui sướng, lại vừa quá buồn như vậy. Buổi sáng là toàn chiến bại, nay đã thành kẻ chiến thắng. Còn hãnh diện gì bằng! Súng ống địch mang ra nhiều quá, nặng nhẹ đủ cả.

Tối hôm đó, sau khi hội kiểm thảo xong. Thiếu tá chỉ huy đã phải nói:

– Tôi không hiểu sao chúng hàng sớm như vậy? Thằng tiểu đoàn trưởng có khai với tôi là tại trong đó lính của hắn không có tinh thần chiến đấu, chỉ muốn hàng ngay từ mấy hôm trước. Buổi sáng nay, chúng cũng bị thiệt hại nặng lắm, thành ra khi chiều mình vào lại là chúng đã sợ sẵn rồi. Yếu tố tinh thần quan trọng thật! Chứ với số súng đạn ấy, nếu chúng tử chiến, lại thêm phòng tuyến trên bờ rất kiên cố, tôi chắc cả tuần nữa chưa dễ gì đã vào qua khúc sông này. Thôi, anh em về nghỉ dưỡng sức. Còn đụng nhiều, vì mới có một tiểu đoàn ra hàng.

Hoàng về tới tầu khoảng chín giờ tối. Mấy thủy thủ ngồi hết cả lên mui tầu. Anh chui vào khoang. Tối đen. Yên tĩnh quá. Hình ảnh người vận chuyển chết trong phòng lái, người thuyền trưởng cụt một tay bỗng nhiên như hiện ra trước mắt anh. Anh liếc nhìn về phòng lái, rồi nhìn ngay dưới chân... Phảng phất như còn mùi máu và mùi thuốc súng. Hốt nhiên Hoàng thấy sợ, cái sợ của đứa trẻ sợ ma. Anh cắm đầu trở ra mũi tầu, bám vào mui đu lên. Anh lại gần mấy thủy thủ, và ngả lưng bên cạnh họ. Tất cả còn thức, nhưng không ai nói một lời. Có tiếng thở dài:

– Buồn quá, thiếu úy ơi!

Hoàng nằm thao thức không sao ngủ được. Tiếng nước chảy dưới lườn tầu lóc róc. Từ hồi nhập quân ngũ, lần đầu tiên anh biết cái buồn khi mất vài chiến hữu. Anh trọng pháo nói vậy mà đúng. Nhiều khi chiến đấu vì tình chiến hữu. Chỉ có những người lính mới dám coi thường cái chết, và cũng chỉ có họ mới biết cái sống là quý đến thế nào...

Sương sớm lạnh làm anh tỉnh dậy. Hoàng được nghỉ mấy hôm dưỡng sức và chuẩn bị để tham dự các cuộc đổ bộ kế tiếp. Suốt mấy ngày, anh cùng với các thủy thủ lên bờ bắt tôm, câu cá cho đỡ buồn. Đêm đến lại kéo nhau lên mui ngủ. Cho tới nay, mọi người đều thú thật là không ai dám ngủ dưới khoang. Gác đêm cũng phải gác đôi. Những buổi tối, trong lúc nằm chờ giấc ngủ, Hoàng đem các truyện tầu mà anh đọc hồi còn đi học kể cho nhân viên nghe để cho lãng quên cái rờn rợn phảng phất trong không.

Hết thời gian nghỉ lại đến thời gian hành quân. Bắn nhau. Tuần tiễu, rồi lại bắn nhau. Công tác liên miên. Đoàn tầu của Hoàng tham dự cả mấy chục lần chạm súng. Số lần chạm súng tăng, thì số chiến hữu cùng anh từ Cà Mâu về tham dự trận Rừng Sát cũng giảm dần.... Tóc mọi người đã dài quá tai, không ai buồn hớt; mà có muốn hớt cũng chịu, đào đâu ra thợ? Có hớt cũng chẳng làm gì; làm dáng với nước, với cây và sình lầy sao? Cuộc sống thật lam lũ khổ sở. Không riêng gì Hoàng và các thủy thủ của anh, Hoàng còn nhớ, một lần gặp mấy quân nhân nhảy dù, anh thấy các thủy thủ thương lượng đổi gạo lấy tôm và cá. Ra các toán đóng trong Rừng Sát bị thiếu gạo, nhưng họ suốt ngày trên bờ, thành ra lại bắt được nhiều tôm cá. Trái lại, bọn anh phải di chuyển luôn, có gạo tích trữ trên tầu, thì phải ăn cơm nhạt. Lâu dần thành thông lệ, trong lúc tuần tiễu, mỗi khi gặp các bạn đồng ngũ đóng trên các ngọn cây, vì nước ngập cả, họ không thể đóng trên mặt đất, thì hai bên lại hội nhau, bên bỏ gạo, bên bỏ thức ăn, làm một bữa cơm đoàn kết chừng nửa giờ, rồi tiếp tục công tác.

Hai tháng trời đằng đẵng dài bằng mấy năm. Vui, buồn, nguy hiểm... cái gì cũng quá thừa! Hôm chấm dứt chiến dịch, gặp một số bạn từ hồi di cư theo phái đoàn chính phủ vào thăm các chiến sĩ Rừng Sát, Hoàng mừng đến phát khóc. Anh nhìn lại hình dáng anh, nửa buồn vì quá tồi tệ, nửa hãnh diện, vì đã biết coi thường cái chết, cũng như biết cái sống thật là vô giá. Anh và tất cả nhân viên đều được tuyên dương công trạng. Sau lễ gắn huy chương tại mặt trận, khi trở về tiểu đĩnh, kiểm điểm lại, trong số ba mươi bảy người kể cả anh, rời Cà Mâu về tham dự chiến dịch Rừng Sát, chỉ còn lại mười bốn người lành lặn...

Còn một đêm nữa là anh rời chiến địa về Sài Gòn. Suốt đêm, Hoàng không sao ngủ được. Anh nghĩ miên man. Những chuyện xảy ra trong thời gian hành quân lần lượt hiện ra. Một nỗi buồn man mác dần dần tràn ngập lòng anh...