Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Ánh Mắt Hoàng Cơ Trường

Phạm Anh Dũng

Trong đại gia đình y khoa Việt Nam, có nhiều người rất đáng cảm phục. Nhiều bậc thầy cô, anh chị em hay bạn bè trong y giới đã bỏ nhiều công sức, thì giờ thực hiện những việc thật tốt đẹp, đáng ghi nhớ.

Trước hết phải kể đến những vị giáo sư hay giảng sư khả kính ngày xưa đã hết lòng dạy dỗ đám sinh viên. Các thầy cô đã xây dựng cả một nền tảng cho ngành y khoa Việt Nam. Rồi đến những anh chị nội trú hoặc thường trú y khoa những lớp đi trước, đã chỉ dẫn kiến thức, kinh nghiệm y khoa cho sinh viên đàn em.

Khi gia nhập quân đội, biết bao nhiêu những y sĩ đã chịu bao gian khổ, bất chấp mọi hiểm nguy để cứu chữa thương binh. Không thể không nhắc đến những quân y sĩ đã bị thương và có nhiều người đã hy sinh tính mạng ngoài mặt trận khi ra sức bảo vệ đất nước. Và còn những người tận tụy cả đời làm những việc vì nước Việt và vì dân Việt.

Hoàng Cơ Trường là một trong những người đó. Tôi muốn viết tưởng niệm người đàn anh y khoa quá cố, một người tôi chỉ gặp có hai lần trong đời, nhưng anh để lại trong lòng tôi những kỷ niệm khó quên. Hình như có một tình thân thiêng liêng vô hình, khó giải thích, ràng buộc giữa chúng tôi vì cả hai đều đã là quân y sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

1- Hoàng Cơ Trường, Bầu Nhiệt Huyết Lúc Thanh Xuân:

Khoảng năm 1967 hay 1968, sau khi tôi đã hoàn tất học trình trường Trung Học Võ Trường Toản ở Sài Gòn, một bạn rất thân học cùng lớp từ thuở bé là Lưu Hữu Phúc ngỏ ý muốn tôi gia nhập Đoàn Văn Nghệ Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Nguồn Sống. Khi đó, Phúc đã hoạt động trong đoàn Nguồn Sống được một thời gian.

Đoàn Nguồn Sống là một tổ chức ban đầu phát xuất từ Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn. Nhưng về sau, vì Tổng Hội Sinh Viên có những hoạt động thiên về chính trị, nên Nguồn Sống tách riêng ra thành một đoàn thể độc lập thuần túy về xã hội, nhất là về văn nghệ. Đoàn Nguồn Sống, nhờ sự điểu khiển khéo léo và chặt chẽ của các anh Nghiêm Phú Phát (Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn), Hà Quốc Bảo (Cao Đẳng Kỹ Thuật Phú Thọ) và Hoàng Cơ Trường (Y Khoa Sài Gòn), đã thu hút được khá nhiều thành phần ưu tú trong giới thanh niên nam nữ, sinh viên, học sinh Sài Gòn. Trong số những đoàn viên, thấp thoáng nhiều bóng hồng kể cả Thanh Lan, người ca sĩ khả ái, khi đó chỉ là một mầm non văn nghệ. Vì bản tính thích âm nhạc và ham chung những hoạt động thanh niên, chỉ vài ngày sau khi nghe Phúc đề nghị, tôi đã cùng Lưu Hữu Phúc đi gặp một nhân vật lãnh đạo của đoàn thể Nguồn Sống: Hoàng Cơ Trường.

Anh Trường, Phúc và tôi hẹn gặp nhau ở quán Văn, cạnh trụ sở Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường (CPS) của nhóm các anh Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu, Đỗ Ngọc Yến.. ở gần trường Đại Học Văn Khoa. Đây cũng là nơi ca sĩ Khánh Ly, khi chưa nổi tiếng, đã đi chân đất để bắt đầu hát nhạc Trịnh Công Sơn, cả nhạc tình lẫn nhạc phản chiến. Không khí của quán cà phê Văn lúc nào cũng có hương vị văn nghệ, thích hợp với tâm hồn bay bướm của lứa tuổi mới lớn.

Vào thời điểm đó, Hoàng Cơ Trường có dáng dấp dong dỏng cao, mặt xương xương, trông khá nghệ sĩ và độc đáo với râu đen nhánh ở mép và cằm. Trong câu chuyện, tôi được biết anh đang học Y Khoa và đang giữ chức vụ Trưởng Ban Công Tác Xã Hội cho Nguồn Sống. Hoàng Cơ Trường thao thao bất tuyệt những công việc anh đang làm một cách say mê. Cách nói chuyện lôi cuốn của anh, bắt đầu từ những chuyện âm nhạc và văn nghệ chuyển đến các chuyện xã hội và chính trị, đã đưa tôi đi từ những thích thú này sang những khám phá mới lạ khác. Tôi cảm thấy hứng khởi theo, khi anh trình bầy những công việc dự định làm. Anh nói chuyện rất mạch lạc, nhất là khi bàn về vấn đề gì thú vị thì đôi mắt anh sáng ngời. Ở nơi anh, tôi nhìn thấy bừng bừng một bầu nhiệt huyết của một người sẵn sàng dấn thân cho đại cuộc. Đối với tôi, một người đang chập chững ở ngưỡng cửa đại học, anh Hoàng Cơ Trường là một người lý tưởng, thật tuyệt vời...

Về sau, vì một lý do nào đó, tôi không còn nhớ rõ, tôi đã không gia nhập Đoàn Văn Nghệ Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Nguồn Sống. Và, tôi cũng không còn có dịp gặp lại Hoàng Cơ Trường nữa. Tuy nhiên, tôi không bao giờ quên được hình ảnh người thanh niên có ánh mắt thật trong và sáng ngời, có kiến thức tổng quát rộng rãi và lối nói hùng biện hấp dẫn, với một tấm lòng thanh cao vô vị lợi và một ý chí sắt đá.

2- Hoàng Cơ Trường, Thuỷ Quân Lục Chiến Anh Dũng.

Những năm tôi bắt đầu vào học trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn, Hoàng Cơ Trường cũng đã đang theo học những năm cuối cùng ở đó. Anh ít đến trường vì thường chỉ ở bệnh viện thực tập, còn tôi thì hầu như chỉ học ở trường và do đó chúng tôi không hề gặp nhau. Nhưng tôi được biết, sau khi tốt nghiệp đại học y khoa, năm 1969, bác sĩ Trường gia nhập quân đội và là một y sĩ quân y trưng tập. Hoàng Cơ Trường trở thành Y Sĩ Trưởng của một đơn vị chiến đấu, Tiểu Đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến tức Tiểu Đoàn Ó Biển. Trong những năm quân y sĩ Hoàng Cơ Trường phục vụ ở Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, một trong những Binh Chủng Tổng Trừ Bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, anh đã chiến đấu khắp bốn vùng chiến thuật. Anh Hoàng Cơ Trường đã cùng với đơn vị Thủy Quân Lục Chiến trải qua nhiều những trận đánh lớn như cuộc hành quân Lam Sơn ở Hạ Lào, Mùa Hè Đỏ Lửa tại Quảng Trị. Hoàng Cơ Trường, biệt hiệu về "Bác Sĩ Trường Râu", nổi tiếng là một bác sĩ quân y can đảm khi ở ngoài mặt trận. Anh lúc nào cũng sẵn sàng lên tuyến đầu để săn sóc thương binh. Bác sĩ Đỗ Mỹ Ánh là một quân y sĩ đã từng bị thương trúng đạn mù một mắt tại mặt trận Hạ Lào, khi anh giữ nhiệm vụ Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn Hùm Xám tức Tiểu Đoàn 7 Thủy Quân Lục Chiến. Hoàng Cơ Trường và Đỗ Mỹ Ánh là bạn cùng lớp, ra trường cùng khóa và đã gia nhập Sư Đoàn Cọp Biển tức binh chủng Thủy Quân Lục Chiến cùng một lúc. Bác sĩ Ánh sau có kể cho tôi một số câu chuyện của anh Hoàng Cơ Trường khi ở trong binh chủng oai hùng Thủy Quân Lục Chiến chiến đấu chống Việt Cộng. Anh Ánh thú vị nhất khi kể chuyện Hoàng Cơ Trường tại mặt trận nhiều khi nhận được tín hiệu truyền tin của Việt Cộng đã lớn tiếng tranh luận tay đôi, về chủ nghĩa Quốc Gia và Cộng Sản, với họ qua máy truyền tin. Hoàng Cơ Trường đã chọn mật hiệu cho mình là "Trường Sơn" để liên lạc trong hệ thống truyền tin. Trường Sơn, tên rặng núi hùng vĩ đã ghi dấu chân anh qua những cuộc hành quân, cũng được dùng để anh đặt tên cho con trai về sau này. Cấp bực sau cùng của Hoàng Cơ Trường, trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, là Y Sĩ Đại Úy Thủy Quân Lục Chiến.

3- Hoàng Cơ Trường, Tha Hương Với Hoài Bảo Giải Phóng Quê Hương.

Năm 1975, khi tôi đã tốt nghiệp, từ trường Y Khoa Sài Gòn và trường Quân Y, mang lon Y Sĩ Trung Úy Quân Y Hiện Dịch, ra phục vụ tại một đơn vị Bộ Binh, không được hai tháng thì mất nước. Cuộc biển dâu của tháng Tư Đen 1975, đã đưa đẩy hàng trăm ngàn người Việt Nam trôi dạt đến khắp bốn bể, năm châu. Riêng tôi, định cư ở Hoa Kỳ, cũng như những y sĩ Việt Nam tỵ nạn khác, đã phải trải qua rất nhiều khó khăn để được trở về với nghề nghiệp. Ở San Diego, California năm 1976, tôi theo học khóa huấn luyện ba tháng do bác sĩ Vũ Đình Minh, sau là nhà văn Mai Kim Ngọc, tổ chức để sửa soạn cho kỳ thi ECFMG là bước đầu tiên trong việc lấy lại bằng hành nghề y khoa ở Hoa Kỳ. Lúc đó, tôi có may mắn ở chung phòng với các anh bác sĩ Trần Tuấn Phong và Nguyễn Huy Xương, những người quen biết với anh Hoàng Cơ Trường từ trước kia. Qua hai anh Phong và Xương, tôi được biết Hoàng Cơ Trường đang ở Sanger, một tỉnh nhỏ bên cạnh thành phố Fresno, California. Không giống đại đa số các anh chị em y sĩ tỵ nạn Việt Nam khác, anh Trường không chịu đi học và quyết định ở nhà tự học thi lấy. Sau này bác sĩ Trường cũng thi đỗ, cũng trở lại hành nghề y khoa như đa số y sĩ Việt Nam tỵ nạn và làm việc ở một phòng mạch y khoa tư tại Sanger. Theo chị Cẩm Phương, vợ anh Hoàng Cơ Trường, anh Trường có tiếng chữa bệnh "mát tay", tận tâm và nhân hậu. Đặc biệt, có nhiều bệnh nhân nghèo lại khám bệnh, anh đã không lấy tiền. Anh Trường là một người chồng lý tưởng và một người cha gương mẫu. Về sau khi anh đã qua đời, chị Cẩm Phương vẫn ở một mình làm việc, nuôi hai con ăn học nên người. Con gái của anh chị Trường, Hoàng Đỗ Uyên Phương, hiện đang nối nghiệp của bố. Cháu Uyên Phương đã tốt nghiệp ngành nhãn khoa tại trường đại học Berkeley, California và đang tập sự thường trú chuyên môn. Còn con trai của anh chị, cháu Hoàng Cơ Trường Sơn, hiện đang học năm thứ tư đại học. Nhưng lúc đó, Anh Trường đã bỏ thì giờ nhiều làm những chuyện khác. Hoàng Cơ Trường quả có khác người, khác mọi người bình thường. Anh không lấy chuyện học hành, thi cử, tập sự bệnh viện.. là quan trọng. Ngoài chuyện làm việc để mưu sinh cho gia đình, anh Trường dùng thì giờ cho đồng bào đồng hương tỵ nạn như anh. Các việc anh làm đều không ngoài mục đích giữ lại những truyền thống, tinh thần giống Lạc Hồng. Hoàng Cơ Trường thành lập Hội Người Việt tại Vùng Central Valley, California và tổ chức những hoạt động xã hội cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Những buổi hội họp, văn nghệ của đồng bào Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu... ở Fresno đều do anh thực hiện và trình diễn. Có một lần vào năm 1978, anh đứng ra tổ chức trại Hè, đặt tên là Trại Dậy Lửa, tại Fresno và đến hơn 200 sinh viên Việt Nam trên đất Hoa Kỳ về tham dự. Khoảng thời gian đó, với những phương tiện giới hạn, mà thu hút được con số người như vậy là một chuyện đáng kể. Cùng lúc, anh bỏ công sức xây dựng Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, còn gọi là "Mặt Trận Hoàng Cơ Minh" hay giản dị hơn "Mặt Trận", từ ngay khi tổ chức này vẫn đang bắt đầu còn trong giai đoạn trứng nước. Với lý tưởng cao cả, lòng yêu nước anh Trường đã hoạt động một cách thẳng thắn và rất tích cực cho "Mặt Trận".

Hoàng Cơ Trường cùng với một số người đồng chí hướng đứng ra thành lập Phong Trào Thanh Niên Cách Mạng Dân Tộc Việt. Đây là một đoàn thể kết hợp những người Việt Nam trẻ có lòng nhiệt thành với đất nước. Đại hội đầu tiên của phong trào được tổ chức tại Santa Ana năm 1979 và Trường được bầu vào Ban Chỉ Đạo. Bắt đầu từ tháng 5 năm 1978, tôi ở Chicago, tập sự nội trú và thường trú tại các bệnh viện. Tại đây, có một lần tôi gặp Phó Đề Đốc Hải Quân Hoàng Cơ Minh, anh ruột của Hoàng Cơ Trường, khi ông đến nói chuyện về tổ chức kháng chiến. Một lần khác, cũng ở Chicago, tôi cũng có gặp Trung Tá Nhảy Dù Lê Hồng do sự giới thiệu của Y Sĩ Đại Úy Nhảy Dù Phạm Gia Cổn. Các ông Minh, Hồng.. đã đi khắp Hoa Kỳ cùng các nơi khác trên thế giới, để cổ xúy cho công cuộc giải phóng Việt Nam. Ngày đó, hầu như tất cả những người Việt tỵ nạn tại hải ngoại đều triệt để ủng hộ phong trào kháng chiến nhất là qua Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến. Mọi người, trực tiếp hoặc gián tiếp, ít hay nhiều, tinh thần và vật chất, hình như đều nô nức góp phần vào chuyện chống Cộng. Cao trào kháng chiến Việt Nam chống Cộng lên rất cao khắp mọi nơi. Khi Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam được chính thức thành lập, dân Việt hải ngoại trên toàn thế giới xôn xao vì những tấm áo nâu, những mảnh quần vàng. Hoàng Cơ Minh trở thành Chủ Tịch, còn Lê Hồng tức Đặng Quốc Hiền trở thành Tư Lệnh Lực Lượng Võ Trang, của "Mặt Trận". Biết bao người Việt ở khắp nơi đã hăng hái được là thành viên của "Mặt Trận Hoàng Cơ Minh". Cũng có nhiều người khác như tôi, tuy không gia nhập, không hoạt động cho "Mặt Trận" nhưng đã là cảm tình viên ủng hộ nồng nhiệt cho tổ chức.

Đảm nhiệm chức Vụ Trưởng Kiều Vận, Hoàng Cơ Trường trở thành một trong những thủ lãnh tiên phong của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Hoàng Cơ Trường là linh hồn của Đoàn Văn Nghệ Kháng Chiến Việt Nam ở California. Một thành viên cũ của đoàn văn nghệ kể lại chuyện, cho biết Hoàng Cơ Trường là người chỉ huy giỏi và hiểu biết. Anh hát khá hay. Đoàn viên của đoàn văn nghệ lên đến hàng trăm người và họ được anh Trường hướng dẫn, hát nhiều nhất là bốn bài Quốc ca Việt Nam (Lưu Hữu Phước), Việt Nam-Việt Nam (Phạm Duy), Cờ Bay (?Tác Giả) và Việt Nam Minh Châu Trời Đông (Hùng Lân). Đấy là những bài hát đã nhắc nhở lòng yêu nước, dấy động ngọn lửa đấu tranh cho Tự Do của người Việt hải ngoại. Khí thế của "Mặt Trận Hoàng Cơ Minh" ngày đó thật là mạnh và có người đã nghĩ công cuộc giải phóng Việt Nam thoát khỏi bàn tay Cộng sản chỉ còn là vấn đề thời gian. Cực điểm cao nhất của "Mặt Trận" có lẽ là lúc Tướng Hoàng Cơ Minh cùng một số chiến hữu, từ giã đồng bào Việt hải ngoại để trở lại chiến khu ở Thái Lan, tìm cách xâm nhập ngược lại về Việt Nam.

4- Hoàng Cơ Trường, Qua Đời Linh Hồn Không Yên Nghỉ.

Từ tháng 8 năm 1982, tôi về làm việc tại Lindsay, một thành phố nhỏ có 5000 dân, cách Sanger chỗ anh Trường ở, chỉ độ một đến hai giờ lái xe. Mới di chuyển về California với cuộc sống mới, tôi cũng chưa có dịp liên lạc với anh, nhưng vẫn theo dõi tin tức của anh và "Mặt Trận Hoàng Cơ Minh". Một thời gian ngắn sau đó, vào một đêm khuya, tôi nhận được điện thoại của anh Phạm Gia Cổn gọi từ xa. Thật bất ngờ, anh Cổn nhắn tôi đi thăm anh Hoàng Cơ Trường đang bị bệnh ung thư gan rất nặng và chắc chắn sẽ không qua khỏi. Buổi sáng hôm sau đầy sương mù đặc kín, tôi bỏ hết công việc để lái xe ngay lập tức đi thăm anh Trường ở một bệnh viện nhỏ tại Sanger. Túc trực bên giường bệnh, có chị Hoàng Cơ Trường. Tôi ngậm ngùi nhìn anh và tự giới thiệu. Chắc anh không nhận ra tôi. Bệnh gan ở thời kỳ cuối đã làm cho Hoàng Cơ Trường rất yếu, không còn đủ sức nói thành tiếng được nữa.

Nhưng, tôi đã nhìn thấy anh và anh đã nhìn thấy tôi! Tôi lái xe về lại Lindsay, bàng hoàng, cảm thấy hình ảnh Hoàng Cơ Trường với đôi mắt sáng tinh anh mười mấy năm về trước. Vài ngày sau, tôi được biết anh đã qua đời. Hoàng Cơ Trường, Y Sĩ Đại Úy Thủy Quân Lục Chiến, người chiến sĩ oai hùng, bất khuất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã trở về với cát bụi ngày 6 tháng 10 năm 1982, hưởng dương 40 tuổi. Thể xác Hoàng Cơ Trường bình yên dưới lòng đất, nhưng linh hồn anh vẫn chưa yên nghỉ. Không! Linh hồn anh chắc chắn vẫn chưa được yên ổn, vì chính anh không muốn được nghỉ ngơi, ít ra là đến ngày chế độ phi nhân đạo Cộng Sản không còn trên đất nước Việt Nam mến yêu. Trên mộ Hoàng Cơ Trường tại Fresno có một tấm bia với hàng chữ ghi khắc lại theo đúng lời dặn dò của chính anh: "Nơi nào có bóng quốc kỳ nơi đó có linh hồn tôi hiện diện, để sát cánh cùng các chiến hữu trong công cuộc đấu tranh giải phóng tổ quốc và xây dựng quê hương".

Mặc dù những năm sau này Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam gặp rất nhiều sóng gió lớn, với những vấn đề thật phức tạp. Mặc dù cá nhân tôi chưa bao giờ gia nhập "Mặt Trận Hoàng Cơ Minh", và không hề có liên hệ, hoạt động gì với "Mặt Trận". Nhưng tôi và chắc chắn nhiều người khác nữa, vẫn quý trọng và cảm phục Hoàng Cơ Trường, người đã vì nghĩa lớn mà quên mình, thực sự dấn thân cho Lý Tưởng Tự Do của Dân Tộc, Đất Nước và Tổ Quốc Việt Nam. Và, riêng với tôi, đôi mắt của anh Hoàng Cơ Trường ngày xưa vẫn là một hình ảnh không quên, một ám ảnh mãi mãi... Có những lúc nhìn vào lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu bay phấp phới, tôi có cảm giác nhìn thấy một ánh mắt sáng, rực sáng của Hoàng Cơ Trường..

Tháng 3, Năm 2000 Santa Maria, California, USA