Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Điêu Khắc Gia Lê Thành Nhơn: Hành Trình ‘Biển Xanh và Sa Mạc Đỏ’ Về Tướng Hoàng Cơ Minh

Trùng Dương

Vào giữa thập niên 1980 tôi nhận được một phong bì lớn, dầy cộm do anh bạn điêu khắc gia Lê Thành Nhơn (đã qua đời năm 2002, ở tuổi 62) gửi từ Úc, nơi anh cùng gia đình định cư từ năm 1975. Lâu lắm rồi tôi không được tin Nhơn, kể từ lần cuối cùng, vào cuối thập niên 1970, khi dự tính kiếm một cái nhà thờ hay barn cũ ở đâu đó bên Mỹ để anh cải biến thành xưởng điêu khắc không thành. Tôi bồi hồi mở phong bì ra, nghe Nhơn kể về những gì anh đã thực hiện được trong thời gian vắng tin, kèm với hình ảnh.

Này là pho tượng Phật Thích Ca vĩ đại với những đường nét vừa đơn giản, phóng khoáng, mạnh mà lại vẫn duyên dáng. Pho tượng này, Nhơn kể, là phần chính của một công trình gồm “12 bố cục về đời sống Đức Phật từ lúc sơ sanh đến thành đạo và nằm đại hồng chung.” Chưa hết, lúc đó đồng thời anh cũng đang xúc tiến dự án cho một pho tượng Phật Bà Quan Thế Âm cho Hội Phật Giáo Việt Nam tại Sydney. Và nữa, anh lại cũng đang chuẩn bị cho một cuộc triển lãm tranh sơn dầu tại Úc rồi sau đó tại Âu Châu, Nhơn kể với tôi. Nhơn vẫn vậy, chỉ liên lạc với tôi sau khi đã thực hiện được cái gì đáng kể, như ngụ ý cho tôi biết là anh vẫn sáng tác để xứng đáng là người đã được đưa vào học thế chỗ tôi ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định năm 1962 khi hoàn cảnh không cho phép tôi theo đuổi hội hoạ, giấc mơ và cũng là mối tình đầu của đời tôi.

Nhưng điều ngạc nhiên cho tôi hơn cả là trong đám hình ảnh anh gửi sang để chia xẻ với tôi, còn có một mớ ảnh chụp pho tượng bán thân của ông Hoàng Cơ Minh, lãnh tụ của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, tựa là “Biển Xanh và Sa Mạc Đỏ”. Nhơn viết, giọng chân chất của một người sinh ra và lớn lên ở miền Nam, song sôi nổi, trong lá thư đề ngày 4 tháng 3 năm 1986 -- tôi ghi lại đây mặc dù một số chi tiết rất riêng tư, vì nội dung liên hệ tới hành trình sáng tạo pho tượng này mà hậu thế cần được biết và chắc không ai có thể thay Nhơn mà kể lại được như dưới đây:


“Trùng Dương thương mến,

“Tôi có làm chân dung ông Hoàng Cơ Minh, nhờ qua các ảnh chụp lúc ông nói chuyện cùng đồng bào tại Huê Kỳ.

“Các hình ảnh này đã xúc động tôi thật mạnh, tư cách của ông làm tôi giựt mình và nghĩ liên miên đến công nghiệp của tổ tiên.

“Nhân một hôm đọc lại các thơ từ cũ. Trong một bức thư của bà, có khúc bà nói là bà có đem theo pho tượng cụ Phan Bội Châu trong khi di cư. Tôi bàng hoàng với các tinh thần này. Liên tục chồng chất lên tinh thần khác, tôi phải đi lòng vòng cho đến khi đầu óc tôi bình thường trở lại.

“Trong nhiều năm qua, tôi nghe cơ hồ như muốn điếc lỗ tai về, khi thì người ra đi với nhiều đồ quí giá đến độ phải chở bằng máy bay, khi thì người ra đi mà vàng cẩn khẩm ghe hai đáy, có kẻ thì mang theo hai hộp sữa guigoz hột xoàn, đủ kiểu và đủ thứ.

“Cũng thời cùng chạy, chừng tôi nghĩ tới một hình ảnh của một người con gái tay yếu chân mềm, tay nào xách, nách nào mang các con còn quá nhỏ. Tay nào mang pho tượng Phan Bội Châu! Tôi chết trân giữa đời và ngừng suy nghĩ hẳn. Óc tôi không hoạt động nữa. Hàng ngàn tiếng nổ lốp bốp lao xao dậy trời dậy đất. Tôi chui vào yên lặng hoàn toàn và trực diện nhìn vào cái sọ của bà để coi coi bà nghĩ cái gì mà lúc cụ bị ra đi bà đã tính đến lúc về.

“Tôi hoàn toàn đui mù duy chỉ nghe dường như có một cái gì dậy lên từ lòng biển và hoang vu như sa mạc. Rồi tôi đi lấy đất điêu khắc cái linh hồn này (Biển Xanh và Sa Mạc Đỏ). Đó là tất cả lòng tôi đã nằm trong chân dung ông Hoàng Cơ Minh.

“Người chụp các hình nầy là anh Trần Thanh Nhàn, một người bạn mới của tôi bên này. Gửi hết các hình qua cho bà… ”

Bờ biển Oregon ngày 15 tháng 6, 2007


Bật rễ khỏi nơi đã nuôi dưỡng người nghệ sĩ và tình tự trong anh, Lê Thành Nhơn không vì thế mà ngưng sáng tạo. Cuối năm 1975, trong khi nhiều người di tản cùng thời với anh vẫn còn bàng hoàng về nỗi đổi đời đến tê liệt tâm tư, Nhơn biến những đau thương thành tác phẩm “Nước Tôi, Dân Tôi,” cao 1 mét, dài 7 mét, mô tả lịch sử dân Việt Nam từ lập quốc qua huyền thoại Tiên Rồng đến các cuộc di cư đi tìm tự do 1954, 1968, 1972 và 1975, và trong đóù anh cũng gói ghém cả niềm tin vào sức sống tiềm tàng của dân tộc. Tác phẩm “Nước Tôi, Dân Tôi” được triển lãm lần đầu vào tháng 12 năm 1975 tại East and West Gallery tại Armadale, Úc. Nhiều viện bảo tàng Úc muốn mua nhưng anh đã từ chối vì anh dự trù thực hiện một tấm fresno dựa vào bộ tranh trên và gây quỹ để in đặng phổ biến. Anh viết cho tôi dạo ấy: “Tác phẩm ‘Nước Tôi Dân Tôi’ là gia tài khổng lồ của tôi, của dân tôi. Tôi muốn in nó ra vì tôi muốn ai ai cũng có và giữ nó, hơn cả mộng ước nào khác cuả tôi.” Rất tiếc là sau đó anh gửi một người đem qua Mỹ giao cho tôi, mà vì lý do nào đó tôi không còn nhớ, người đó với tôi liên lạc mà không ăn khớp, rồi đứt liên lạc luôn. Cả Nhơn và tôi cùng không biết số phận của tác phẩm “Nước Tôi, Dân Tôi” giờ ra sao.

Bốn trong những tác phẩm quan trọng của Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn,
từ trái: Tượng Phật Thích Ca (1972), Phú Lâm, Sàigòn; Tượng Phật Thích Ca (1986),
Melbourne, Úc; Tượng Phan Thanh Giản (1972), không biết số phần ra sao;
và Tương Phan Bội Châu (1972), Huế, Việt Nam. (Ảnh trong bộ sưu tầm của Trùng Dương)

Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn bên tác phẩm “Biển Xanh và Sa Mạc Đỏ,”
986, Melbourne, Úc Đại Lợi (Ảnh Trần Thanh Nhàn)

Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn, 1942-2002

Lê Thành Nhơn sinh năm 1940 tại Thủ Đầu Một, nơi nổi tiếng về sản xuất đồ gốm và sơn mài của Nam Việt Nam. Anh tốt nghiệp trường Cao Đảng Mỹ Thuật Gia Định vào giữa thập niên 1960, chuyên về điêu khắc, đã từng dậy tại Huế, Nha Trang và Sàigòn.

Trong số những tác phẩm Nhơn đã để lại Nam Việt Nam sau khi đã cùng gia đình di tản sang Úc gồm có:

  • Tượng Phật Thích Ca bằng xi-măng cao 4.5 mét, hoàn tất năm 1972, mà khi anh ra đi vẫn còn nằm ở xưởng điêu khắc của anh ở số 101 đường Nguyễn Du. Năm 1979, anh cho biết pho tượng đã được Hội Đồng Phật Giáo Ấn Quang “thỉnh về an vị tại Trung Tâm Phật Giáo Huệ Nghiêm ở Phú Lâm phía tây Sài Gòn.
  • Tượng “Hương Đồng Cỏ Nội,” bằng xi-măng, cao cỡ 3.5 mét, hoàn tất có lẽ vào năm 1970, tạc chân dung một cô gái quấn khăn theo kiểu miền Nam, hiện vẫn nằm tại xưởng đi6u khắc cũ của Nhon ở đường Nguyễn Du.mà anh cho biết, cũng trong thư trên, còn nằm “ở tại nhà” trên đường Nguyễn Du.
  • Tượng Phan Thanh Giản, cao 3.5 mét, hoàn tất năm 1973, diễn tả nỗi đau đớn bi thương của Cụ Phan trước khi uống thuốc độc tự vẫn vì đã không giữ nổi ba tỉnh miền Tây trước làn sóng tấn công của quân Pháp vào năm 1867. Bức tượng được tạc với sự bảo trợ của nguyên Phó Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hoà Trần Văn Hương. Số phận không rõ. Và
  • Tượng Phan Bội Châu bằng đồng mà anh nói là “tạc cho thành phố Huế,” hoàn tất năm 1974. Riêng về pho tượng này, sau khi đã hoàn tất, LTN còn nặn một pho tượng tương tự, cao 4 ¾ inches (12 cm), rồi cho đổ đồng khoảng 2,000 ấn bản đem về Sàigòn và giao cho nhật báo Sóng Thần phổ biến. Vào mùa xuân 1975, khi thu xếp ra đi, tôi cất pho tượng nặng khoảng 5 pounds vào giữa mớ quần áo, giấy tờ và chai sữa của con nhỏ đem theo, và còn giữ tới tận giờ.