Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Chiến Hữu Bùi Trịnh Hữu: Sống Chết Với Lý Tưởng

Bùi Trung Trực & Trần Đức Tường

Bùi Trịnh Hữu và tôi cùng quê ở đất Kinh Bắc. Hai gia đình chúng tôi lại là chỗ quen biết. Nhưng anh Hữu hơn tôi 7 tuổi, nên thực tình tôi không nhớ nhiều về anh vào cái thời điểm năm 1945, khi xẩy ra cuộc Việt Minh cướp chính quyền. Lúc đó anh 15 tuổi, còn tôi mới lên 8. Bẵng đi nhiều thập niên loạn lạc, ly tán. Chúng tôi gặp lại nhau vào năm 1983 tại thành phố Limoges, Pháp.

Chiến hữu Bùi Trịnh Hữu (bên phải) và Trần Đức Tường tại Limognes 1985
Ngồi ôn lại kỷ niệm của gần bốn mươi năm trước. Có những cái mà tôi không biết hay không nhớ vì lúc đó còn quá bé nhỏ. Ví dụ, chuyện anh được bố tôi giới thiệu để gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ), ngay trong những ngày đầu sau "Cách Mạng Tháng Tám". Anh tâm sự: "Hồi đó, mới lớn lên, lòng yêu nước dạt dào vì sống trong gia đình cách mạng, được các cụ truyền cho lý tưởng độc lập, tự do. Nhưng không thích Việt Minh vì thấy họ "ác" quá. Họ giết ông Tư Chất và định giết ông Hàn Sĩ và ông Bích Ký. Mình lại mê bộ quân phục của các anh đảng viên VNQDĐ với chiếc mũ ca lô có lưỡi trai, ôm chồng báo "Việt Nam" đi bán từng nhà..."

Anh cho biết, lúc đó mấy ông lãnh đạo nói sẽ gửi anh đi học ở Trung Hoa Dân Quốc. Nhưng khi về đến Hà Nội, các ông lại giữ anh trụ ở phố Ôn Như Hầu để trực điện thoại trong ban truyền tin. Khi Việt Minh tấn công vào trụ sở, những cán bộ cốt cán của VNQDĐ đều đã rút đi an toàn. Anh và mấy người khác còn ở lại đều bị chúng bắt. Thấy anh nhỏ người, tưởng là trẻ con nên chúng đuổi anh ra đường. Anh chạy thẳng về Bắc Ninh. Yên thân. Nhưng không tiếp tục học hành được. Ông cụ thân sinh ra anh, một dược sĩ Đông Dương (pharmacien indochinois), sớm qua đời trong một tai nạn lưu thông. Là anh cả trong một gia đình 5 người con, anh đã phải bỏ dở sự học để đi làm, phụ mẹ già nuôi các em trong những năm chiến tranh.

Năm 1954, Anh đã cùng gia đình di cư vào Nam. Được một năm thì cả nhà lại rời Sài Gòn di chuyển lên Vientiane (Vạn Tượng), Lào. Tại đây anh Hữu làm nghề kế toán độ nhật trong lúc chị Hữu tảo tần buôn bán. Cuộc đời anh mấy lần giã biệt quê hương. Từ Bắc Ninh vào Nam, rồi lên Lào, rồi sang Pháp. Theo lời kể của anh và của bác sĩ Bùi Trung Trực, con trai anh, thì trong những năm sinh sống trên đất Lào, vào những dịp Tết nhất, anh thường đứng ra vận động tổ chức hội họp, văn nghệ để kiều bào Việt Nam có dịp gặp gỡ vui chơi, cho vơi đi nỗi nhớ quê hương, đất nước. Mỗi khi nghe tin có thiên tai, bão lụt ở quê nhà, anh luôn luôn kêu gọi kiều bào Việt Nam đóng góp, gọi là gửi gắm chút tình "lá lành đùm lá rách" chuyển tiền bạc, tặng phẩm về cứu trợ đồng bào nạn nhân.

Năm 1975 đánh dấu thời điểm toàn bộ 3 nước Đông Dương lần lượt rơi vào tay cộng sản. Khởi đầu, quân Khmer Đỏ tiến chiếm thủ đô Nam Vang ngày 17/04. Tiếp đến là Sài Gòn thất thủ vào ngày 30/04. Và sau cùng thủ đô Vientiane rơi vào tay cộng quân Neo Lao Haksat vào ngày 6/5. Đông đảo dân chúng Lào, nhất là những công chức, quân nhân thuộc chế độ cũ đã tìm đường vượt sông Mê Kông sang Thái Lan tỵ nạn. Gia đình anh Bùi Trịnh Hữu cũng theo làn sóng người, qua sông sang Thái. Với kiến thức về văn hóa Pháp đã được hấp thụ từ tấm bé lúc đi học tại Bắc Ninh, anh đã xin được đi định cư tại Pháp. Anh tâm sự với tôi: "Không phải đây là lần đầu mình sống tha hương. Tôi đã trải qua kiếp sống lưu lạc xứ người 20 năm trên đất Lào. Đây là lần thứ hai. Trong tâm tôi vẫn nuôi lý tưởng phải trở về đất nước mình, dẹp hết độc tài, xây dựng và canh tân đất nước".

Sau những năm đầu chật vật thích ứng với hoàn cảnh "xứ lạ quê người", khủng hoảng với niềm đau, nỗi hận mất nước, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã ra đời, dấy lên niềm hy vọng và ý chí quật cường dân tộc, tin tưởng vào một ngày đất nước sẽ được giải phóng khỏi ách thống trị độc tài cộng sản. Anh hoàn toàn tán đồng đường lối chính sách của Mặt Trận và anh đã gia nhập vào tập thể những người đấu tranh cho tương lai dân chủ tự do của Việt Nam. Không những mình anh đã dấn thân mà còn cùng người con trai và hai người con gái của anh đi vào Mặt Trận. Anh là một cán bộ xuất sắc của Tổ Chức. Mặc dù công ăn việc làm tại một thành phố nhỏ cách Paris gần 400 cây số, anh cũng vẫn thu xếp được thời gian đi sinh hoạt với các cơ sở trên khắp địa bàn rộng lớn của nước Pháp. Lúc anh đi Bordeaux, khi anh xuống Toulouse, nhiều lần anh đi Lyon... Từ thành phố Lille ở cực bắc nước Pháp đến Marseille, Montpellier ở tận cùng phía nam, nơi nào cũng có vết chân của anh.

Từ phải: chiến hữu Bùi Trịnh Hữu, Trần Đức Tường và Huỳnh Cao, Limognes 1985
Năm 1987, anh đã trở thành người lãnh đạo Mặt Trận tại Pháp. Trong Đại Lễ Quốc Khánh Ghi Ơn Quốc Tổ tại thủ đô Paris, quy tụ trên 3.000 đồng bào tới từ khắp nơi tại Âu Châu, anh đã đọc bài diễn văn khai mạc gây nhiều xúc động. Cũng trong năm này, Mặt Trận thực hiện kế hoạch tìm lại dấu vết các Anh Hùng Dân Tộc đã đấu tranh cho nền độc lập tự do của nước nhà dưới thời kỳ Pháp thuộc. Âu Châu được yêu cầu tìm kiếm mộ Vua Duy Tân tại nước Cộng Hòa Trung Phi. Sau khi tìm được, thì phía gia đình cũng được sự thỏa thuận của chính quyền Việt Cộng cho phép cải táng về Việt Nam tại cố đô Huế.

Di thể của vị Hoàng Đế đã từng nói câu "Tay nhớp thì lấy nước rửa. Nước nhớp lấy chi mà rửa ?" và đã bị truất phế và bị đầy đi đảo Réunion thuộc Pháp vì có những tư tưởng muốn đánh đuổi thực dân giành độc lập, đã được đưa về quàn tại một ngôi chùa kiểu Pháp trong khu rừng Vincennes, phía Đông nội thành Paris. Vào ngày 28/03/1987, chính quyền Pháp tổ chức một buổi lễ "Cầu Siêu" cho Hoàng Đế Duy Tân tại ngôi chùa này với sự có mặt của hoàng gia gồm hoàng tử Georges Vĩnh San (Bảo Ngọc) và các hoàng tử khác, cựu thủ tướng Raymond Barre, các vị tướng lãnh từng tham dự đệ Nhị Thế Chiến, vị dân biểu của đảo Réunion, đại sứ CSVN tại Pháp và khoảng vài ba trăm quan khách, bạn bè, dòng tộc. Tuy Mặt Trận đã gặp hoàng tử Georges Vĩnh San để trình bày về sự tôn kính của dân tộc cũng như của Mặt Trận đối với vị anh hùng dân tộc Hoàng Đế Duy Tân cũng như thương lượng để trong buổi lễ chúng tôi có thể tới dự với một băng vàng thêu chữ đỏ câu "Tổ Quốc Ghi Ơn", đồng thời có bài điếu văn bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Thái tử tỏ ý không muốn vì e ngại đụng chạm với chính quyền Việt Cộng được đại diện bởi viên đại sứ và phái đoàn chính thức.

Trong khi bàn thảo tại trụ sở Paris, Chiến Hữu Bùi Trịnh Hữu đã rất cương quyết và khẳng định: "Vua Duy Tân là một anh hùng dân tộc. Người dân ai cũng có quyền tỏ lòng biết ơn đối với vị vua anh hùng. Tôi tình nguyện sẽ tới buổi lễ đọc bài điếu văn, dù có sự ngăn cản từ bất cứ ai". Anh đã lập kế hoạch rất tỉ mỉ để mọi người tới địa điểm từ sớm tinh mơ với cờ vàng, nhang đèn, tấm bảng "Tổ Quốc Ghi Ơn", bài điếu văn...

Tới giờ khai mạc, phái đoàn gồm Chiến Hữu Bùi Trịnh hữu, một nam chiến hữu mang lá đại kỳ, một nữ chiến hữu mang khay đồ lễ đồng thời cũng là người sẽ đọc phần tiếng Pháp, và ba chiến hữu tháp tùng. Tất cả đều trang trọng trong đồng phục áo nâu quần vàng. Phái đoàn vào trong điểm hành lễ dưới nhiều con mắt ngạc nhiên của quan khách, nhất là phái đoàn đại sứ quán Việt Cộng. Anh Hữu đứng ngay trước máy vi âm và bắt đầu sang sảng đọc bài diễn văn. Gia đình có phản ứng cúp micro, nhưng anh đã nói lớn không cần micro. Đọc hết bài điếu văn. Phái đoàn chào kính linh cữu trước khi rời địa điểm hành lễ.

Hành động trên đây của anh Hữu cho thấy lòng can đảm quyết nêu cao chính nghĩa, không sợ nghịch cảnh đã khiến tất cả anh em đoàn viên Mặt Trận trên toàn thế giới nói chung và tại Pháp nói riêng hết sức phấn khởi và thán phục. Với bản chất khiêm nhường, nhỏ nhẹ, về sau nếu có ai hỏi về hành động quả cảm này của anh, anh đều mỉm cười nói rằng "mình có chính nghĩa thì phải nêu cao chính nghĩa".

Năm 1988, tuy anh thấy mệt trong người, anh vẫn cố gắng lên Paris tổ chức lễ Quốc Khánh Ghi Ơn Quốc Tổ. Sau buổi lễ anh đi đứng hơi khó khăn. Anh đã đi khám tại nhiều bệnh viện tại Paris và Limoges. Lúc đầu, không đâu chẩn đoán ra căn bệnh của anh. Anh đã phải vào nằm bệnh viện và bàn giao công việc điều hành cơ sở cho người phụ tá anh. Bệnh tình ngày càng trầm trọng, nhưng sự sáng suốt có vẻ không suy suyển. Anh nhận ra tất cả các chiến hữu xa gần tới thăm anh.

Nhưng, số mệnh không ai cưỡng được. Ngày 16/09/1988 anh đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Limoges, để lại biết bao thương tiếc cho gia đình và Tổ Chức. Tôi còn nhớ, ngày anh gia nhập Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, tức Đảng Việt Tân, anh tâm sự với tôi: "Khi các chiến hữu giới thiệu tôi về Đảng, tôi cảm thấy như là mối duyên tiền định của cuộc đời đi làm cách mạng của tôi. Khi xưa gia nhập VNQDĐ, cụ đặt đảng danh cho tôi là Tân. Bây giờ gia nhập Việt Tân, có phải là cơ duyên không ?". Nói về người cha và cũng là người chiến hữu lãnh đạo trực tiếp của mình, chiến hữu Bùi Trung Trực đã viết: "... tôi thấy rất thấm bài hát mà ca sĩ Sĩ Phú hát trong những năm đầu tỵ nạn CS tại nước người là bài «Xin yêu nhau còn là người VN» vì tôi thấy có lòng bố tôi hiện hữu trong đó cũng như con đường hiện tại của tổ chức chúng ta đang đi".