Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Sau Trời và Nước

Hoàng Cơ Minh

Biển lặng như mặt gương. Không một chút gió. Tàu lướt nhẹ; tiếng máy nổ đều đều. Hoàng tựa lưng trên thành tàu, nhìn một tốp thủy thủ ngồi tán dóc ở dưới boong lái. Cột khói bốc lên từ nhà bếp, đâm thẳng lên trời, ngả xiên về phía lái. Trời thật cao, vẩn ít sợi mây trắng vắt ngang. Không khí nặng nề, oi bức. Trời đẹp đã khá lâu rồi, chắc sắp động!... Ngồi lâu đã thấy mỏi, Hoàng đứng dậy, xuống phòng nghỉ. Trước khi rời đài chỉ huy, theo thói quen, Hoàng vẫn dặn sĩ quan đương phiên:

– Tôi xuống nghỉ một lát, anh coi chừng cẩn thận nhé!

Rồi không đợi trả lời, Hoàng leo thang xuống phòng. Vừa ngả lưng xuống giường chưa đầy năm phút, có tiếng gõ cửa, rồi vô tuyến viên ló mặt vào:

– Hạm trưởng, công điện khí tượng.

Hoàng uể oải ngồi dậy:

– Đài nào đó?

– Thưa đài Manila, hình như có tin báo biển động.

Hoàng liếc nhanh tờ công điện, riêng phần dành cho miền anh đang hải hành. Mối lo ngại mà Hoàng linh cảm, và căn cứ vào kinh nghiệm đã thành sự thật. Theo tin tức khí tượng, sẽ nổi gió lớn vào nửa đêm. Hoàng tính nhẩm: còn năm ngày nữa thì được hai tháng ngoài biển, hết hạn tuần dương. Thật là không may, sắp về lại còn gặp biển động. Hoàng ký tắt vào bản công điện, đưa trả người vô tuyến và bảo:

– Đem lên đài chỉ huy, đưa sĩ quan đương phiên, lát nữa tôi sẽ lên. Nói với ông ấy áp dụng mọi biện pháp cần thiết ngay đi.

Vô tuyến viên rời khỏi phòng, Hoàng tựa vào thành giường suy nghĩ. Nơi gần nhất có thể núp gió còn khá xa, mà cũng chưa chắc biển sẽ động lắm. Nên đi tiếp hay về? Anh nhún vai nhủ thầm: Phải tiếp tục công tác!

Tiếng còi tập hợp cả tầu nghe vội vã, hấp tấp. Tiếng chân người chạy giậm dịch, rồi tiếng nói từ ngoài boong vọng vào phòng anh:

– Chi đội 3, đi cột lại các vật trên boong và trong các phòng, cột lại súng. Chi đội 1, đóng các cửa kín nước. Các trưởng ngành, đặt chiến hạm ở tình trạng “thời tiết xấu”. Hạm trưởng bảo biển sắp động. Đi đi.... Làm liền đi!

– Biển đang đẹp thế này, động gì, ”Patron”, đang đánh giở ván cờ tướng...

– Lôi thôi cái gì? Làm đi dẹp bàn cờ đi! Không có lúc nổi sóng lên rồi, có gọi ra làm lại kêu. Nhà bếp nấu cơm ăn chiều sớm sớm một chút, không có sóng đến, lại hết ăn!

Mọi hoạt động trong tầu đột nhiên biến thành vội vã. Hai tiếng Biển Động lan đi rất nhanh. Chiêu đãi viên, thường lệ vẫn được miễn tập hợp và mọi tạp dịch, hé cửa, thò mặt vào phòng Hoàng:

– Biển động phải không, hạm trưởng? thấy các anh ấy chuẩn bị.

– Ừ chắc không đến nỗi nào, mình phòng xa.

Anh ta đẩy hẳn cửa, vào phòng, hai tay ôm một nắm dây lớn:

– Để em vào buộc ghế và đồ đạc của hạm trưởng, không có đổ vỡ hết. Gớm, như hôm mới ra, sóng quá, sách vở trong phòng hạm trưởng tung ra cả, vỡ mấy chai rượu, phí quá.

Hoàng ngả lưng xuống giường, để mặc chiêu đãi viên lúi húi dọn dẹp, rồi anh ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, ngoài trời đã nhá nhem tối, tầu bắt đầu lắc nhiều. Anh vào phòng tắm, rửa mặt qua loa, mặc quần áo lên đài chỉ huy. Vừa mở cửa hành lang ra boong, một luồng gió mạnh thổi ào vào, mang theo cả bụi nước biển. Anh vội đóng ập lại, vuốt mặt, lùi vào phòng lấy áo lạnh mặc. Khoác thêm áo đi mưa, đi cửa trong lên đài chỉ huy. Gió thổi đã mạnh lắm. Chi đội đương phiên đều mang áo lạnh áo mưa đủ cả. Anh nhìn mặt biển, hơi lo ngại. Mới trở gió; mà biển đã có vẻ xấu lắm. Gió thổi từng cơn giần giật, cuốn nước biển thành bọt trắng xóa.

– Mọi chuyện sẵn sàng cả chứ, anh cho Quản nội trưởng đi kiểm soát lại tất cả chiến hạm chưa?

Người sĩ quan đương phiên đương lúi húi nhìn hải đồ, nghe tiếng Hoàng hỏi, quay lại:

– Tôi đã kiểm soát cẩn thận rồi; các đồ vật đã buộc chặt, chắc là biển động mạnh, trời nổi gió lạ quá.

– Áp lực thế nào?

– Dạ, giảm chút ít, song chưa rõ hẳn.

– Có nghe thấy công điện gì của các chiến hạm gần đây không? Người sĩ quan đương phiên lật bảng công điện xem lại:

– Có chiếc Y.280 về Poulo Dama trốn gió, mình tiếp tục công tác chứ?

Hoàng im lặng suy nghĩ, không trả lời. Anh vịn vào thành đài chỉ huy cho vững. Sóng đã khá mạnh! Chiếc tầu nhấp nhô bồng bềnh. Hoàng lấy ống nhòm nhìn ra xa. Biển trắng xóa. Trời đã tối hẳn, chỉ nghe tiếng gió hú và nghe tiếng máy chánh nổ. Đã tám giờ rồi, chắc là gió còn lớn nữa. Anh bước lại bàn hải đồ; ngọn đèn đỏ le lói, chỉ đủ soi một diện tích rất nhỏ. Anh di ngọn đèn theo hướng đi của chiến hạm vẽ trên hải đồ; anh lo ngại, trục tuần dương còn quá dài. Không biết nên đi hay quay lại. Gió tăng mạnh lên rất mau, tầu lắc dữ dội. Từng đợt sóng, rồi lại từng đợt kế tiếp đổ lên mũi tầu, như muốn dìm cả con tầu nhỏ bé ngập vào sóng bạc.

Mọi người trên đài chỉ huy đã bắt đầu thấy khó chịu. Gió thổi lộng óc, từng đợt, bốc nước biển tung lên boong, tung lên đài chỉ huy. Hoàng hít thật mạnh cho đỡ ngộp. Mũi tầu lao vào sóng như húc vào những bức tường. Cả tầu rung chuyển, rồi chúi xuống, nghiêng hẳn sang một bên. Mọi người giạt sang một mạn tầu. Hoàng bám vội lấy chân chiếc la bàn điện cho khỏi ngã, đồng thời ngồi thụp xuống để tránh một đợt sóng mạnh theo gió tung nước lên đài chỉ huy. Ướt hết, không còn gì. Anh quay lại nhìn mấy thủy thủ, vuốt mặt:

– Thôi, đem hải đồ xuống phòng radar, không ướt hết!

Người giám lộ, vừa nhắc mấy miếng sắt chặn lên, chưa kịp cuộn tờ giấy, gió đã thổi tung, anh ta chụp với theo. Chỉ còn một nửa, nửa kia bị gió xé rách, bay dính chặt vào chiếc cột chống lều ngay phía sau. Hoàng chưa kịp nói, thì mấy đợt sóng ào tới, đưa con tầu chao đi, nâng bổng lên, rồi chìm xuống như rơi vào một khỏang không. Mọi người chỉ còn kịp ôm chặt thành tầu cho khỏi ngã. Chiếc loa đồng, rớt khỏi giá để, bị ném từ bên nọ sang bên kia, đã bị bẹp mất miệng. Mọi người chỉ lo cố cầm cự với sóng gió, không làm được gì cả. Người quan sát viên, ống nhòm lủng lẳng ở cổ, đã bắt đầu ngồi ôm chặt cái “xô”. Anh ta mửa! Cơm nước trào ra cả mồm lẫn mũi, bị gió thổi ngược lại, dính đầy mặt. Anh ta chỉ buồn lấy tay xoa qua loa cho khỏi vướng mắt, rồi ôm lấy cây cột bên cạnh mà thở. Say sóng thật là khổ sở! Con người bải hoải, hết cả nghị lực. Không thiết làm gì nữa, ai bảo sao cũng mặc, mửa đã!

Tiếng máy nổ không đều, lúc rú vang, lúc như bị nghẹn lại. Ùng ùng ùng... ục ục ục.... Hoàng lo ngại, tầu lắc quá, mỗi lần mũi chìm xuống, chắc chân vịt đã bị hổng lên mặt nước. Anh vội giảm tốc độ. Người hạm phó ghé vào tai Hoàng, hét lớn:

– Hãy quay về đi, hạm trưởng! Sóng lớn quá, sợ đổ vỡ hết; vận tốc của mình chỉ còn bốn, năm gút.

Hoàng lưỡng lự, quay lại người sĩ quan phụ tá trẻ tuổi:

– Yên chí, chưa đến nỗi nào đâu; còn đi được mà.

Tuy nói vậy, anh cũng cảm thấy lo ngại. Vừa lúc, có tiếng gõ coong vào ống đồng chuyển công điện dưới phòng tuyến vọng lên, đưa Hoàng một cuộn giấy tròn, chữ viết nguệch ngoạc. Chắc anh vô tuyến này cũng trả cơm nước cho sóng gió hết rồi! Đọc nhanh tờ công điện, Hoàng suy nghĩ một giây, rồi đưa cho sĩ quan đương phiên:

– Công điện phòng Ba. Chiếc X... vừa bị chìm ở gần mũi Paradan. Mình phải đi cứu chiếc này. Anh đi xuống định vị trí phỏng định của tầu chìm trên hải đồ cho tôi.

Người sĩ quan đương phiên cầm tờ công điện xuống phòng radar. Anh ta cũng không quên tạt qua hỏi thăm cái “xô” để mửa chừng vài phút, với vài mươi tiếng ậm oẹ. Khi ngẩng đầu lên, mặt đỏ bừng, mắt đẫm lệ, anh nhìn Hoàng lắc đầu một cách thảm hại, rồi bước thấp, bước cao tụt xuống cầu thang. Hoàng nhìn các thủy thủ chung quanh: mọi người đều ngơ ngác mệt nhọc. Mới có mấy tiếng đồng hồ sóng gió. Người giám lộ đứng núp gió ở một góc, tóc rồi bù, hai tay ôm chặt đồ nghề: cái đèn ”sì cốt”! Hoàng bảo:

– Anh ra đứng trông la bàn cho tôi; phải cố gắng mới được. Trông chừng hướng đi, đừng để họ lái sai nhiều quá; tôi xuống phòng radar một chút.

Đoạn, Hoàng kéo cổ áo cho kín gió, lần tay vịn thang xuống tầng dưới. Boong tầu ướt sũng, nước tràn khắp cả mọi chỗ. Mùi mặn và tanh của biển cả, thêm mùi khói từ phòng máy chánh bốc ra làm anh khó chịu. Hoàng bước vội vào phòng radar, đóng cửa lại. Trong phòng ngộp quá, vì các cửa đều đóng kín để nước khỏi tạt vào. Chiếc quạt gió không đủ để lưu thông không khí. Hoàng leo lên trên chiếc ghế đẩu cao, nhìn vào màn ảnh radar: biển động, toàn thấy hồi ba của sóng, không có gì lạ chung quanh chiến hạm. Hoàng hỏi sĩ quan đương phiên hãy còn cặm cụi bên cạnh hải đồ, chưa định xong vị trí chiếc tàu chìm. Chắc anh ta đang cố lo nhịn mửa.

– Thế nào xong chưa, mình còn cách vị trí cuối cùng của chiếc X... chừng bao nhiêu hải lý nữa?

– Dạ còn cách chừng hơn một trăm hải lý.

Hoàng ngó vào hải đồ, lấy thước đo hướng đi mới và khoảng cách, rồi ra lệnh cho phòng lái:

– Phòng lái, bên trái năm!

Tiếng đáp lại:

– Đây phòng lái – Bên trái năm – Tay lái năm bên trái.

Chiếc tầu, sau mấy giây ngập ngừng, bắt đầu xoay dần sang trái.

– Số không – Lái hướng 015

– Tay lái số không – Thẳng tiến 015

Hoàng bỏ người sĩ quan đương phiên gục đầu bên cạnh hải đồ, nhưng vẫn dặn lại:

– Cố gắng lên, theo dõi vị trí chiến hạm cho tôi.

Lên tới đài chỉ huy, gió thổi nghe rợn người. Đi theo hướng mới, tầu càng lắc mạnh, vì gần như ngược sóng. Có những lúc tầu vừa chúi mũi xuống, chưa kịp bốc lên, thì làn sóng kế tiếp xô đến, vỗ mạnh vào lườn tầu. Toàn thể vỏ tầu rung chuyển, con tầu như ngừng hẳn lại, không tiến lên được nữa. Có nhiều tiếng loảng xoảng ở boong dưới; chắc có đổ vỡ. Hoàng hoang mang, lo lắng, không biết có thể công tác được không. Để tránh những lúc bị sóng dội quá mạnh, anh giảm máy nữa. Tốc độ chân vịt chỉ còn hai trăm vòng, với biển này, giỏi lắm đi được 3, 5 gút. Hoàng nhẩm tính, phải chừng ba mươi giờ nữa mới tới chỗ tầu X... Đang suy nghĩ, Hoàng bỗng nghe tiếng la hét ở phòng dưới, và chuông điện thoại reo vang. Hoàng nhắc ống nói ngay bên cạnh:

– Đài chỉ huy nghe đây.

Tiếng người Quản nội trưởng báo cáo:

– Tủ đạn ở boong mũi bị sóng đánh bung ra rồi... Sóng đưa ra ngay hành lang bên hữu hạm, làm gẫy mất cột chống lều.

– Nghe rõ, anh chuẩn bị cho người ra buộc lại, cẩn thận không có đổ vỡ hết, lấy đạn trong tủ ra ngay.

Đoạn quay lại phía người giám lộ:

– Gọi nhiệm sở an ninh.

Tiếng còi hụ vang tầu trong đêm tối, nghe rùng rợn và cấp bách. Từ trên đài chỉ huy, Hoàng hét xuống boong dưới:

– Tất cả mọi người ra boong, phải mang phao cẩn thận! Người nọ trông chừng người kia.

Gió quá lớn, hình như không ai nghe tiếng anh nói. Đúng lúc đó, nhân viên đương phiên dưới phòng điện chạy hấp tấp lên đài chỉ huy cho Hoàng hay:

– Hạm trưởng, bình đựng át–xít trong phòng điện bị sóng lắc quá, bể rồi, át–xít ngập đầy phòng.

Hoàng giật mình:

– Cái bình lớn hay nhỏ? Sao không buộc cẩn thận, không tin cậy các anh được việc gì!

– Dạ, có buộc cẩn thận, giây còn nguyên mà cái át–xít lắc mạnh quá. Em...

Hoàng không kịp nghe người lính nói tiếp, anh vội bỏ đài chỉ huy, nói với lại cho người giám lộ:

– Gọi ông hạm phó lên trên này thế tôi. Bảo sĩ quan đương phiên coi chừng hướng đi và định vị trí chiến hạm. Tôi lên ngay.

Anh hấp tấp chạy xuống, trong khi người thợ điện vội vàng ôm chặt lấy “sô” rồi!

Quang cảnh boong dưới trông thật thảm hại: bát đĩa vỡ lung tung, các cánh cửa tủ, bị tầu lắc mạnh, gẫy chốt cài, bật ra rập vào ầm ầm. Cũng may bị vỡ bình át–xít yếu. Nhưng cái mùi nồng nặc thật khó chịu. Hoàng đi một lượt xung quanh tầu. Toàn đổ vỡ là đổ vỡ. Trong hầm dụng cụ, các vật để trên giá bị văng ra đầy boong tầu, không còn chỗ bước. Nhiều thùng dụng cụ cơ khí, nặng tới vài trăm cân, mà cũng bị sóng đưa, nằm tênh hênh giữa lối đi. Nắp khoá bật tung, vung máy móc ra bừa bãi. Hoàng cẩn thận bám chặt tay vịn cho khỏi ngã, lần ra mũi tầu. Gặp người Quản nội trưởng trong hầm sơn, Hoàng hỏi:

– Thế nào buộc lại được chưa?

– Dạ, xong rồi, vất vả quá, thằng Hùng bị kẹp rập một ngón tay.

– Cho tất cả ở nhiệm sở an ninh, bảo thợ máy hớt nước trong phòng lái tay đi, ngập nhiều lắm rồi, không khéo cháy mô–tơ lái đấy. Gọi ông cơ khí trưởng, bảo xuống phòng máy coi chừng. Hư máy bây giờ là chết!. Xem cái xuồng ngoài boong, giây nhợ có chặt không. Chắc sóng còn lớn nhiều.

– Dạ, để tôi lo. Hạm trưởng xem có thể tiếp tục công tác được không? Tôi thấy sóng lớn quá, chắc là bão quá à...

Hoàng cắn môi suy nghĩ, anh cũng có linh cảm như vậy. Ý kiến của người Quản nội trưởng, một tay đi biển đã khá lâu làm anh hơi lưỡng lự. Đi hay quay về?

Anh bỏ người hạ sĩ quan già, mà anh tin cậy rất nhiều, rồi lần thang lên đài chỉ huy. Gió thổi mạnh quá, Hoàng phải bám chặt vào các vật trên boong tầu cho khỏi ngã. Trời lại mưa. Những hột mưa thật lớn, thật mau, theo gió tạt vào mặt. Hoàng có cảm tưởng như bị người ném một nắm sỏi vụn. Anh cúi nghiêng đầu để nhìn đường. Trên đài chỉ huy, người hạm phó ướt sũng, run rẩy đứng cạnh chiếc la bàn. Thấy Hoàng anh ta hỏi:

– Dưới có sao không, hạm trưởng? Mưa lớn quá, radar không còn thấy gì nữa. Hướng đi này, lắc không chịu được. Mệt quá.

– Đổ vỡ hết, anh xuống coi dưới đó, cho nhân viên dọn dẹp những vật nặng lại ngay đi, không có nguy hiểm quá. Cẩn thận đó, đi lối trong chứ đừng đi lối ngoài mà sóng đánh xuống biển đấy. Cho nhân viên xem lại các ổ súng, nhất là ổ súng ở boong mũi...

Hoàng chưa kịp dứt lời, thì một làn sóng thật lớn, đánh trào lên mũi, nước tung lên đài chỉ huy, người hạm phó chưa kịp đề phòng, ngã ngồi xuống, văng vào một góc. Anh đang chới với đứng lên, thì cái nghiêng tầu tiếp theo, vật anh ngã ngửa. Con tầu xoay gần ngang với sóng. Hoàng nhẩy một bước lại la bàn, thấy chỉ hướng 092, anh hét xuống phòng lái:

– Phòng lái, tay lái thế nào? Ai lái đó?

– Dạ, tay lái không ăn, hạm trưởng.

Hoàng giật mình, hư tay lái bây giờ thì nguy quá, anh quay lại phiá sau:

– Gọi nhiệm sở hư tay lái. “Sơ gông”, anh xuống ngay phòng tay lái cho tôi.

Rồi Hoàng ra lệnh tiếp xuống phòng lái:

– Máy tả ngừng. Hữu tiến 150 vòng. Tay lái thế nào?

Tiếng ở phòng lái vọng lên:

– Tả ngừng. Hữu tiến 150 vòng. Tay lái bị kẹt bên phải 10.

Tầu bị quay ngang theo sóng, gần như đứng một chỗ, lắc ngang rất mạnh, và nguy hiểm. Gió thổi mạnh bên tả hạm, thêm sóng phụ lực, làm con tầu nghiêng hẳn sang một bên. Hoàng nhịn thở, sợ quá, không hiểu con tầu có thể nghiêng lại được không. Anh liếc mắt nhìn cái máy đo độ: nghiêng 35 độ hữu hạm. Chắc chết! anh chờ đợi, chờ đợi. Không còn cách nào cứu vãn; tay lái hư, anh bó tay, không thể nào điều khiển được nữa. Trông vào số mệnh mà thôi. Nhưng từ từ, con tầu nghiêng lại, sang tả hạm một chút, rồi lại bị sóng vật sang hữu. Chuyển động cứ tiếp tục như vậy. Hoàng cầu trời, khấn Phật. Sức người không còn làm gì được. Trời tối đen như mực, tiếng chân người và tiếng hét ở boong dưới vọng lên làm anh lo sợ. Hoàng nhấc ống điện thoại, bấm chuông liên hồi xuống phòng lái tay:

– Phòng lái tay, tay lái xử dụng được chưa?

– Một phút nữa, hạm trưởng, dưới này ngập nước nhiều quá.

– Làm lẹ lẹ lên, không có chết hết bây giờ!.

Hoàng quay sang người giám lộ:

– Điện thoại xuống phòng máy chánh, bảo cơ khí trưởng xuống coi nước rút trong hầm tay lái ra. Mau lên.

Vừa lúc đó, chuông điện thoại reo vang, Hoàng vội đáp:

– Tôi nghe đây.

– Báo cáo, tay lái đã dùng được, hiện bên phải 10.

Hoàng thở ra, vui mừng như vừa hút chết:

– Tay lái số không. Bên trái hai mươi.

Đoạn quay ra, nói xuống phòng lái:

– Phòng lái. Hai máy tiến 150 vòng.

Tiếng máy nổ vang, con tầu chuyển mình, xoay sang trái, trở dần dần về hướng đi cũ: 015. Tầu đỡ lắc nghiêng. Nhưng lại nhấp nhô dữ dội.

– Số không – Lái hướng 015. Phòng tay lái cho tôi biết tay lái hư như thế nào.

Hoàng chưa kịp nghe phòng tay lái trả lời, thì tiếng người Cơ khí trưởng ngay sau lưng:

– Hạm trưởng, vì sóng lớn quá, tay lái bị “phoọc–xê”, đứt hệ thống giây chuyền, bây giờ phải dùng đỡ tay lái tay vậy.

Hoàng quay lại, nhìn người Cơ khí trưởng.

– Không có tay lái điện, biển này, dùng tay lái nặng lắm, không giữ vững được hướng đi. Xem nếu sửa được thì làm liền đi. Anh cũng coi chừng máy chánh cẩn thận đấy. Hư bây giờ thì làm mồi cho cá mập đó.

Người Cơ khí trưởng xuống rồi, Hoàng ôm đầu mệt mỏi. Cơn mưa có vẻ đã ngớt. Hoàng thấy lạnh, quần áo ướt, dính chặt vào người, anh định xuống thay mà không dám rời đài chỉ huy. Vả lại có thay, rồi cũng lại ướt thôi. Áo mưa thật chẳng dùng được gì với sóng, gió và mưa này. Vì lái bằng tay lái tay, bánh lái chạy chậm, thành tầu không theo đúng được hướng đi, lảo đảo như người say rượu. Hoàng lo lắng suy nghĩ. Không biết sóng gió còn tăng nữa không. Nguy hiểm quá!. Vừa lúc đó người hạm phó lên cho Hoàng biết là có lệnh cho các chiến hạm tìm nơi trốn gió, ngoại trừ tầu Hoàng và hai chiếc nữa, từ phiá bắc xuống, phải tiếp tục công tác. Hoàng lắc đầu lo ngại, không biết bây giờ mình đi cứu thiên hạ, rồi có đến lượt người khác đến cứu mình không? Trong khoảnh khắc, anh liên tưởng tới các bạn bè, họ hàng ở đất liền. Chắc giờ này, họ đang chùm chăn ngủ kỹ. Biển rộng mênh mông, có toán người của anh chiến đấu! Anh thấy một chút tự hào, nghĩ rằng nếu ngay bây giờ mình nằm vật xuống, thì không biết cả con tầu này và mạng của mấy chục thủy thủ sẽ ra sao. Anh quay lại, bàn với hạm phó:

– Anh thấy thế nào. Liệu có tiếp tục công tác được không?

– Dạ, tôi thấy nguy hiểm quá, hay mình quay trở lại.

Hoàng cau mặt:

– Quay về thế nào được ! Với thời tiết này, cho anh ở trên tầu như vậy, hoặc bây giờ bỏ tầu, cho anh xuống bè nổi, anh chọn cái nào?

– Lẽ dĩ nhiên là trên tầu thế này vững chãi nhiều chứ, hạm trưởng.

– À, vậy thì phải đi, vì các thủy thủ tầu X... Hiện đang lênh đênh trên bè nổi đợi mình tới cứu họ. Nhưng nhân viên mình có mệt lắm không ?

– Dạ, ở nhiệm sở an ninh từ chập tối, bây giờ đã ba giờ rưỡi sáng; chắc là mệt lắm.

Hoàng nhíu mày suy nghĩ, rồi bất thần quay sang hạm phó:

– Mở máy nói để tôi nói với cả tầu.

Đoạn anh cầm ống nói, nói với tất cả nhân viên:

– Chú ý. Đây hạm trưởng. Công tác của mình là đi cứu các thủy thủ X... bị chìm cách ta chừng 100 hải lý. Tôi biết tất cả mọi người rất mệt nhọc. Nhưng đây là một công tác nhân đạo, và là bổn phận của tất cả mọi người đi biển. Tôi mong tất cả cố gắng. Trước hết để giữ con tầu thân mến của chúng ta, sau để cứu các bạn dồng nghiệp, để chứng tỏ chúng ta là những thủy thủ can đảm. Hết.

Hoàng đặt ống nói xuống. Bảo hạm phó:

– Anh xuống trông cho mọi người làm việc. Khuyến khích họ. Kêu vô tuyến viên đem tập công điện lên tôi bảo.

Người hạm phó đã xuống thang. Hoàng kéo sụp mũ xuống cho nước mưa khỏi tạt vào mặt, ra đứng cạnh chiếc la bàn đang lảo đảo theo sóng gió. Anh nhìn chiếc tầu trong đêm tối mà thương hại. Mặt biển ngầu bọt trắng, vật lộn con tầu nhỏ như chiếc hột gà. Giữa biển khơi, Hoàng cảm thấy cô độc. Anh cầu trời đất để thoát khỏi cảnh sóng gió. Ngày thường anh không tin tưởng gì vào số mệnh cả; nhưng cứ mỗi lần gặp sóng gió lớn, tự nhiên anh lại nghĩ đến trời Phật và số mệnh. Yếu hèn của con người trước bao la!

Người vô tuyến đã lên đài chỉ huy:

– Hạm trưởng gọi?

– Ừ, anh gửi tôi công điện này! Nơi nhận... Thông báo... Báo cáo, Chấm! Viết kịp không?

– Dạ kịp.

– “Biển động mạnh – Tay lái điện hư – Một tủ đạn bị sóng đánh vỡ – Vận tốc tối đa bốn gút. – Xin chỉ thị.” Gửi thượng khẩn ngay đi.

Đọc xong công điện, Hoàng ra ghế ngồi nghỉ. Anh cũng đã cảm thấy mệt, vì biển động quá, cũng một phần vì lạnh, nên mất sức rất nhiều. Trời vẫn mưa rả rích, lúc to, lúc nhỏ. Mưa đến từng cơn, ào ào chừng mười phút, rồi lại ngớt hột. Gió thổi giần giật, rít qua tai nghe phát sợ. Con tầu nhỏ bé quá, chính Hoàng cũng không hiểu sao nó có thể chịu đựng nổi sóng gió mạnh như vậy. Hoàng nhìn đồng hồ: gần năm giờ sáng!.

Biển mỗi lúc một tăng, đã mấy lần Hoàng định bỏ giở công tác; nhưng nghĩ tới nghĩ lui, lại thôi.

Có tiếng gọi từ phòng lái vọng lên; Hoàng giật mình chồm tới ống nói:

– Đài chỉ huy nghe đây, có gì đấy?

– Hạm trưởng.

– Tôi nghe đây

– Hạm trưởng uống cà phê? Có cà phê nóng.

Đã tưởng có gì hư hại, anh thở ra nhẹ nhõm, vui vẻ trả lời:

– Tốt lắm, nếu có thể cho tôi một ly thì hay. Đừng cho ngọt quá.

Chừng hai phút sau, một người vận chuyển mang lên cho Hoàng ly cà phê nóng hổi. Anh quay lại người lính trẻ tuổi. Thật cảm động. Nhân viên quý anh như vậy. Mỗi khi sóng to gió lớn, thấy Hoàng làm việc thường trực trên đài chỉ huy, họ vẫn cho ly cà phê. Phải ra biển sóng gió mới biết ly cà phê rất quý, vì pha được là cả một công trình. Hoàng thân mật vỗ vai người lính thủy:

– Thế nào, khoẻ chứ, anh em dưới ấy ra sao?

– Dạ, mệt quá, các anh ấy mửa lung tung cả, nhưng không ai dám bỏ chỗ. Mấy anh tân binh mới ra trường, sợ quá, cứ đeo sẵn phao ngồi nghe điện thoại. Có anh khóc, hạm trưởng ạ.

Hoàng phì cười thương hại. Họ hãy còn trẻ quá, phần đông chỉ mười tám tuổi. Rồi anh vội thụp xuống để tránh một sóng lớn. Đài chỉ huy khá cao, trên mặt nước mười mấy thước, mà nước toé lên như không. Nước trào vào, làm ướt hết đài chỉ huy. Nước mặn đầy mặt, chẩy vào sống lưng làm Hoàng khó chịu. Nước dưới sàn, không kịp thoát ra qua mấy lỗ tháo nước nhỏ, ngập đầy đài chỉ huy, rồi theo đà tầu, trào từ bên nọ sang bên kia, bắn ướt tung toé. Hoàng vuốt nước trên mặt, quay lại người vận chuyển, nói tiếp:

– Có xuống dưới, anh bảo mọi người cố gắng. Say sóng mà bỏ việc là chết đấy. Ai mửa nhiều, phải chịu khó kiếm cái gì ăn vào cho khỏi mệt, và cũng có cái để mà mửa ra chứ! Mửa ra mật hoài, chịu sao nổi. Mình phải chịu đựng với sóng gió này còn lâu.

– Các anh ấy cũng biết là nguy hiểm, đâu có ai dám bỏ chỗ. Thôi, em xuống lái thế anh Thân, ở dưới phòng lái tay ngộp quá, chỉ lái được chừng mười phút là phải chui lên. Chịu nữa không nổi.

Hoàng gọi điện thoại xuống phòng radar:

– Phòng radar, cho tôi biết vị trí và vận tốc. Chuẩn bị gửi công điện vị trí đi. Xem đài chánh có gì cho mình không?

Tiếng người sĩ quan đương phiên uể oải trả lời:

– Vị trí: Kinh độ... Vĩ độ... Vận tốc 3,5 gút. Đang nhận một công điện mật khẩn, mã dịch xong sẽ đưa lên hạm trưởng.

Đặt ống nói xuống, Hoàng phân vân không biết công điện gì? Không nhẽ lại có công tác khác, với thời tiết này. Trời lại bắt đầu mưa nặng hạt. Gần sáng rồi, mà vẫn còn tối mù mịt. Hoàng với nón sắt ở giá, đội cho khỏi ướt đầu. Tiếng mưa rơi đập vào nón lộp bộp. Mưa càng ngày càng lớn; gió đổi chiều, thổi tạt ngang, rồi xoay ra gió ngược. Thật khó mà định được hướng gió thổi. Bỗng một tiếng rầm thật lớn ở boong sau. Hoàng ngoảnh lại; mưa lớn quá, không nhìn thấy gì, lại thêm đứng không vững. Hoàng hét lớn xuống phòng lái:

– Phòng lái, cho người gọi Quản nội trưởng đi “rông” boong sau xem, hình như có gì đổ đấy.

Phòng lái chưa kịp trả lời thì người Quản nội trưởng già đã lên tới đài chỉ huy; mặt anh tái mét, quần áo sũng nước, vừa vuốt tóc vừa nói:

– Hạm trưởng, nguy quá, tủ đạn bích kích pháo ở boong sau lại gẫy nữa, sóng lắc đưa cái tủ va vỡ hết cả mấy ống thoát hơi; làm sao mà ra buộc lại được!

Hoàng hơi mất bình tĩnh; cứ để lắc như vậy, lô đạn để trong thùng nổ thì chết hết; mà ra buộc lại thì không chắc có làm nổi. Cái tủ đầy đạn, nặng ước chừng hai tấn, với sóng gió này làm sao mà buộc được! Anh gọi sĩ quan đương phiên lên đài chỉ huy và dặn người giám lộ:

– Gọi phòng lái tay, bảo gắng lái cho đúng hướng, giữ liên lạc thường trực với boong sau cho tôi.

Đoạn, Hoàng chạy vội xuống. Boong sau là cả một cảnh tượng hãi hùng. Đồ vật đổ vỡ lung tung. Cái tủ nặng như vậy, mà mỗi khi tầu lắc, bị đẩy từ bên nọ sang bên kia thật dễ dàng...

Quản nội trưởng đề nghị:

– Hạm trưởng, hay quay trở lại để sóng xuôi, tầu đỡ lắc thì mới buộc được.

Hoàng quay lại, trợn mắt hét:

– Anh điên à! Quay lại bây giờ, tới sóng ngang, anh có đủ sức ra ôm cái tủ đạn không? Nó rớt xuống biển ngay chứ. Lại đổ vỡ hết nữa. Phải buộc lại ngay với hướng đi này.

Hoàng hét mang một cần trục ra để trục tạm tủ lên. Thật là một công trình khó khăn; mọi người phải cố gắng rất nhiều... Buộc xong được tủ đạn, còn phải bịt các lỗ hở ở chân ống thoát hơi bị gậy, nước biển đã tràn khá nhiều vào hầm để dụng cụ ở dưới.

Khi mọi chuyện xong xuôi, trời sáng lúc nào không ai hay. Hoàng thấm mệt, lại thêm cái lạnh cóng người. Nhìn các thủy thủ xung quanh, thật là thảm hại! Cơm nước mửa đầy cả boong tầu, nước biển kéo đi khắp chỗ, dây rớt rất bẩn thỉu.

Hoàng bảo Quản nội trưởng:

– Cho tất cả nhân viên về nhiệm sở, làm việc thường trực, tuần tiễu luôn luôn, có gì báo cho tôi biết ngay.

Rồi không đợi trả lời, Hoàng lên vội đài chỉ huy. Vừa tới nơi, chưa kịp thở, người sĩ quan đương phiên đưa anh tờ công điện. Hoàng liếc mắt đọc nhanh: – “Hạm trưởng toàn quyền quyết định vì thời tiết. Chấm. Báo cáo thường trực vị trí và tình hình chiến hạm.“

Đọc xong công điện, Hoàng giận dữ nói bâng quơ:

– Toàn quyền quyết định, toàn quyền quyết định! Thế là nghĩa lý gì. Biển này làm sao mà tiếp tục công tác được. Ở bờ họ không bao giời quyết định cái gì cả, toàn đổ vào đầu mình.

Người sĩ quan đương phiên nhìn Hoàng ngơ ngác hỏi:

– Thưa hạm trưởng, quay về à?

Nghe hỏi, Hoàng chợt thấy mình vô lý. Thật ra những lúc này anh mới thấy sự quyết định quả là khó khăn, chỉ giữa hai chữ ĐI và VỀ. Tính mạng của tầu, tính mạng của bao nhiêu thủy thủ, họ đều tin cậy ở anh. Không thể cứ cắm đầu đi một cách vô lý; cũng không thể hèn nhát bỏ công tác. Lẽ dĩ nhiên ở bờ làm sao có thể quyết định đúng bằng anh ở giữa biển cả được. Đã bao lâu, anh tự hào: ở trên chiến hạm, “SAU TRỜI VÀ NƯỚC LÀ ANH!” Anh phải quyết định! Suy nghĩ một hồi, Hoàng quay lại bảo sĩ quan đương phiên:

– Không, tiếp tục công tác chứ!

Rồi như để trấn an mọi người xung quanh, và có lẽ cũng để trấn an cả anh nữa, Hoàng tiếp:

– Chưa đến nỗi nào đâu; nhiều chuyến tôi đi, biển xấu hơn nữa, mà cũng vẫn về tới bến. Cần nhất là tất cả mọi người đừng ai bỏ nhiệm vụ của mình. Anh viết công điện vị trí gửi bộ tư lệnh, và báo cho họ biết là mình tiếp tục công tác!

– Dạ, nhưng bây giờ có đổi “ca” không? Chi đội này đi “ca” suốt từ tối hôm qua rồi. Bây giờ đã tám giờ rưỡi.

– Ừ, cho đổi “ca” cũng được, nhưng vẫn giữ nhiệm sở an ninh toàn diện.

Tiếng còi đổi “ca” làm cho tầu thêm một chút nhộn nhịp, nhưng chỉ năm phút sau, mọi sự lại im lìm, trả lại sóng gió độc quyền lên tiếng. Đã nhiều lần, Hoàng thử tăng vận tốc, vừa để chóng tới chiếc X... vừa để thâu ngắn thời gian công tác cho đỡ vất vả, song không thể nào được. Vận tốc không tăng là bao, mà sóng dội vào vỏ tầu quá mạnh. Hoàng lo lắng, không còn ai để anh có thể bàn bạc, hay giúp anh ý kiến: ĐI hay TRỞ lại? Hoàng cũng không dám lộ sự băn khoăn của mình, sợ làm mọi người hoang mang. Giữa nơi chỉ có trời và nước, lại thêm giông tố phụ lực, mọi người chỉ còn trông cậy vào anh. Hoàng suy nghĩ không biết bao lâu rồi. Anh thấy nhức đầu và mệt mỏi; một cái mệt thật khó chịu, như vừa qua một cơn ốm liệt giường chừng vài tháng. Anh châm một điếu thuốc hút. Cổ khô rang, khói thuốc đắng sè, anh hít luôn mấy hơi dài. Điếu thuốc bị gió thổi, cháy vẹt đi một bên; anh chán nản, quăng đi. Khó chịu quá. Cổ vướng, anh muốn mửa, song không được. Vả lại có mửa cũng chỉ ra mật thôi, thêm đắng mồm. Từ chiều hôm trước tới giờ, đã ăn gì đâu! Anh thèm một trái cam thật mát lạnh; nhưng chắc trong tầu không còn gì, vì đã rời bến đã quá lâu. Hôm trước, anh thấy nhân viên ăn sáng và cơm trưa với cá khô rồi... Quần áo đã hơi khô, muối đóng trắng ở những nếp nhăn, người dính dáp khó chịu, thêm mùi khăn khẳn của nước mặn như mùi tôm khô. Boong sau, toán cơ khí ngồi bên cạnh bơm cấp cứu, quần áo tả tơi, trông không còn ra hình người nữa. Anh chán nản. Ý tưởng bỏ nghề thoáng hiện qua. Đã nhiều lần, trong những lúc biển xấu, Hoàng đã có ý định xin từ chức...

Bỗng chuông điện thoại rè rè kêu; Hoàng cầm lấy ống nói:

– Hạm trưởng nghe đây.

Điện thoại từ phòng tuyến:

– Thưa hạm trưởng, có công điện mật. Hình như được trở về; mới mã dịch được đoạn đầu, sóng quá, không làm lẹ được.

– Nghe rõ, tôi xuống đây.

Hoàng uể oải rời ghế, xuống phòng vô tuyến. Trong phòng tối mờ mờ, vang động những âm thanh “morse” kỳ ảo. Người vô tuyến vẻ mặt đau khổ, đang cố gắng bắt các công điện của bộ tư lệnh. Bàn bên cạnh, bừa bãi một đống bảng khoá, anh mật mã viên đang cặm cụi mã dịch công điện, tra hàng mấy chục con số mới ra một chữ của bản bạch văn. Mã dịch được vài chữ, anh ta lại bò ra, ôm cái xô, để mửa! Mà toàn là mửa khan, ậm ẹ một hồi, rút ruột, chỉ ra một tí mật vàng khè. Hoàng lắc đầu thương hại. Mùi tanh tưởi nồng nặc trong căn phòng quá nhỏ và kín như bưng, bầu không khí thật nặng nề khó chịu. Hoàng khuyến khích mật mã viên:

– Cố lên, bỏ ra đây tôi làm cùng với anh.

Hai người cặm cụi tới gần nửa giờ mới mã dịch xong công điện. Nửa giờ dài bằng cả tháng. Đọc lại công điện lần cuối cùng, Hoàng mừng rỡ, nói vọng sang phòng lái:

– Phòng lái. Hai máy tiến 200 vòng. Bên phải 15. Báo cho đài chỉ huy biết.

Tiếng bàn soạn vẳng sang: “Quay lại, mày. Chắc về rồi.”

Hoàng nói vọng sang cho họ mừng:

– Số không. Lái hướng 205. Hai máy tiến 250 vòng. Quay về.

– Nghe rõ. Quay về, hạm trưởng?

– Chẳng về thì đi đâu!

Hai tiếng “quay về” truyền từ phòng lái xuống tầng dưới, rồi lan từ mũi ra lái rất nhanh. Tiếng bàn tán vang hành lang dưới chân Hoàng.

– Về rồi, mày ! Sóng xuôi. Nhà bếp đâu, nấu cơm ăn chứ!

Hoàng bỏ phòng vô tuyến lên đài chỉ huy. Sóng gió vẫn dữ dội, nhưng vì đi sóng xuôi nên chiến hạm chỉ lắc rất nhẹ. Người hạm phó, mặt mày hớn hở, đã lù lù đằng sau Hoàng:

– Quay trở lại, hạm trưởng, bỏ công tác à?

Hoàng bắt tay người phụ tá, vui vẻ:

– Ừ, vừa nhận được công điện hủy bỏ công tác. Chiếc Y .105 đã tới nơi rồi. Mình được về Côn Sơn nghỉ. Đại phúc!.

Hoàng nhìn ra sau tầu. Nước trong chân vịt đẩy ra, xô vào các đợt sóng, đưa con tầu lao đi vùn vụt. Thật hú vía, sóng cao hơn lái tầu tới hai thước tây. Trông phát chán!. Người hạm phó bảo Hoàng:

– Thôi, hạm trưởng xuống nghỉ đi.

– Phải đấy. Tôi cần nghỉ một lát. Anh cho giải tán nhiệm sở an ninh. Cho Quản nội trưởng bảo nhân viên dọn dẹp một chút cho đỡ bừa bãi. Chừng nào còn cách Côn Sơn mười hải lý, gọi tôi.

Hoàng rảo bước xuống phòng. Qua hành lang, anh gặp các thủy thủ vui mừng. Cửa nhà bếp đầy người. Họ sục sạo tìm ăn! Suốt từ tối hôm trước, có ai được ăn gì đâu? Lại mửa nữa! Cái sóng biển thật lạ! Khi say sóng, thì sơn hào hải vị cũng lắc đầu; khi hết sóng, cơm nguội cũng thấy ngon. Anh từng thấy nhiều người nhịn ăn cả bốn năm hôm mà không đói. Một thủy thủ đang gặm bánh mì, gặp Hoàng, phát biểu ý kiến:

– Đói quá, hạm trưởng, giờ mới ăn được. Hạm trưởng ăn gì không? Để em bảo nhà bếp làm.

Hoàng vỗ vai người lính:

– Thôi ăn đi, còn dọn dẹp chứ. Tôi chỉ cần ngủ một lát.

Bầu không khí thân mật trong tầu làm Hoàng vui thích. Anh đẩy cửa vào phòng, cởi bỏ áo mưa, rồi cũng không buồn thay quần áo, nhào luôn lên giường, kéo chăn ngủ một mạch không còn biết gì nữa... Cho tới khi Hoàng nghe chuông điện thoại réo vang, anh thò tay với ống nghe, giọng ngái ngủ:

– Gì đó? tôi nghe đây.

– Dạ, thưa hạm trưởng, còn cách Côn Sơn mười hải lý.

– Được, tôi lên.

Hoàng tung chăn, mắt còn cay. Bẩy giờ. Bên ngoài đã tối. Anh khoác vội chiếc áo lạnh, chụp cái mũ, lần lên phòng radar để đưa chiến hạm vào vịnh. Toán giám lộ phụ tá quây xung quanh anh, vừa để giúp, vừa để học hỏi thêm. Hồi âm không rõ lắm vì biển động và mưa khá lớn. Khi chiến hạm đã qua hòn “Rocher Blanc” Hoàng giao cho hạm phó coi radar anh lên đài chỉ huy để vận chuyển. Sau hơn một giờ Hoàng mới neo xong tầu. Anh thở ra nhẹ nhõm. Thoát nạn!. Trong vịnh, mặt biển lặng như mặt hồ. Chỉ còn tiếng gió rít. Mưa đã tạnh. Sau khi trao các tiêu lệnh cần thiết, Hoàng bỏ xuống phòng. Hạm phó theo anh, hỏi:

– Hạm trưởng cho tiêu lệnh làm việc ngày mai. Cho họ làm sạch sẽ và dọn chiến hạm ngay bây giờ chứ?

Hoàng suy nghĩ vài giây, bảo:

– Anh ghi vào sổ. Lệnh của tôi: –“Tất cả chiến hạm vào nhiệm sở: Đi ngủ. Trừ người lính gác và toán trực!“.

Bỏ người hạm phó ngơ ngác, Hoàng mở cửa phòng chui vào ngủ tiếp. Hoàng thoáng nghe tiếng máy phóng thanh nói ở ngoài:

–“Chú ý! Chú ý! Lệnh hạm trưởng: tất cả nhân viên vào nhiệm sở đi ngủ, trừ lính gác và toán trực!“.

Tiếng nhân viên cười rộ trong phòng họ, làm Hoàng cũng bật cười với cái lệnh quái gở của anh, song anh thấy thật hữu lý. Mọi người cần phải nghỉ, cũng như anh, hiện chỉ cần giấc ngủ để lấy lại sức khoẻ.