Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Quốc Khánh Việt Nam Trong Giai Đoạn Kháng Chiến


Trong bản Cương Lĩnh Chính Trị công bố cùng toàn thể đồng bào trong và ngoài nước cũng như quốc tế ngày 8-3-1982, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã minh định rằng, công cuộc đấu tranh chấm dứt chế độ Việt cộng nhằm giải phóng và canh tân đất nước là một cuộc đấu tranh "toàn dân, toàn diện". Toàn dân vì đây là cuộc đấu tranh của đại khối dân tộc Việt Nam, không phân biệt thành phần, đẳng cấp, xuất xứ, xu hướng chính trị, tôn giáo, sắc tộc... để chống lại thiểu số thống trị là lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Toàn diện vì Mặt Trận chủ trương vận dụng tất cả mọi phương tiện để tấn công vào bạo quyền Việt cộng trên khắp mọi lãnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội... Đây là một cuộc đấu tranh cam go, gian khổ, nhưng cũng rất hào hùng và chói sáng chính nghĩa, và là cuộc chiến đấu cuối cùng để mãi mãi chấm dứt thảm cảnh của dân tộc, để chúng ta khởi sự một kỷ nguyên mới : kỷ nguyên xây dựng một nước Việt Nam giầu mạnh, oai hùng góp mặt với mọi quốc gia trên thế giới.

Theo chủ trương nói trên, nhằm mục tiêu tấn công vào tư thế chính trị của Việt cộng, phá bỏ ngày gọi là "Quốc Khánh 2-9" của chế độ Hà Nội, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã đưa ra đề nghị chọn ngày Ghi Ơn Quốc Tổ Hùng Vương Mùng 10 tháng 3 Âm Lịch làm ngày Quốc Khánh Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh giải phóng. Trong bản đề nghị này, Mặt Trận cũng xác định là một khi đất nước được giải phóng, Quốc hội Việt Nam do dân chúng bầu cử lên trong tương lai sẽ tuyển chọn ngày Quốc Khánh mới cho Việt Nam.

Mặt Trận quan niệm rằng, để phát huy chính nghĩa của công cuộc đấu tranh giành lại tự do dân chủ cho dân tộc, chúng ta phải xóa bỏ mọi quy ước gian manh của chế độ cộng sản Việt Nam, xóa sạch tàn tích độc ác của chế độ Hà Nội, xóa bỏ ngày gọi là "quốc khánh" ngày 2 tháng 9 hàng năm của tập đoàn cộng sản Việt Nam. Đây là ngày mà Hồ Chí Minh và tập đoàn đảng cộng sản Việt Nam đã cướp công kháng chiến của dân tộc, thiết lập chuyên chính vô sản, gây đau thương tang tóc cho dân tộc, dìm đất nước trong đói nghèo lạc hậu.

Phủ nhận ngày "quốc khánh" của Việt cộng, có nghĩa là có nhu cầu xác định một ngày Quốc Khánh chính thống của dân tộc Việt Nam. Chúng ta phải chọn lựa một ngày phản ảnh tinh thần dân tộc và nhân bản của dân tộc Việt Nam. Ngày chọn lựa cũng phải phản ảnh tinh thần đoàn kết của chúng ta, làm sáng tỏ lẽ chính thống của dân tộc Việt Nam, phát huy được chính nghĩa của dân tộc thành sức mạnh tinh thần cho công cuộc đấu tranh giành lại tự do dân chủ cho đất nước. Ngày Quốc Khánh này cũng không đến từ một biến cố chính trị, trong đó có người vui kẻ buồn, không là ngày chiến thắng của một phe mà sau khi tiếng súng đã im vẫn còn tiếng người nức nở. Ngày Quốc Khánh phải là ngày của thái hòa khai mở, vượt lên trên những tranh chấp của mọi thời kỳ. Ngày Quốc Khánh phải là ngày có ý nghĩa của toàn dân, từ trước tới sau.

Hiểu rộng hơn, Quốc Khánh còn là ngày tôn vinh Quốc Gia và Dân Tộc. Đây là ngày của muôn dân Việt Nam cùng chia xẻ niềm tự hào là người Việt, cùng chia xẻ niềm hy vọng nơi tương lai nòi giống. Dân tộc Việt Nam có lúc vinh lúc nhục, nhưng trong mọi hoàn cảnh, con cháu Lạc Hồng vẫn phải phát huy và tuyên dương tinh thần Việt Nam bất khuất. Sau những đổ vỡ dồn dập, sau bao tang thương chia lìa, chúng ta phải khôi phục lại tinh thần tích cực và kiên trì đó. Ngày Quốc Khánh sẽ không chỉ là một ngày trọng đại để dân tộc Việt Nam làm rạng rỡ những đức tính cao đẹp nhất của dân tộc. Dù không có Việt cộng, dù không có chiến tranh, chúng ta vẫn có nhu cầu xác định một ngày Quốc Khánh.

Trong tinh thần đó, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã đề nghị chọn ngày Ghi Ơn Quốc Tổ Hùng Vương - Mùng 10 tháng 3 Âm Lịch làm Ngày Quốc Khánh Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh giải phóng đất nước khỏi ách cai trị của đảng cộng sản Việt Nam. Việc đề nghị này hoàn toàn vì nhu cầu đấu tranh, để đại khối dân tộc có chung một ngày tưởng nhớ Tổ tiên và bày tỏ sự chống đối quyết liệt của mình đối với những quy ước do chế độ cộng sản áp đặt lên cả nước. Sau này, khi đất nước có tự do dân chủ, toàn thể nhân dân Việt Nam sẽ quyết định về ngày Quốc Khánh chính thức cho một nước Việt Nam mới.

Mùng 10 tháng Ba Âm lịch được ghi nhận như là ngày Tổ Tiên Việt Nam đã khai sinh ra dân tộc Việt Nam. Đây là ngày biểu tượng cho những đức tính nhân bản và anh dũng của Tổ tiên. Đây cũng là ngày mà mọi người đều vui mừng đón nhận, không phải là ngày kết thúc một cuộc chính biến trong đó có người thành người bại, người vui người buồn. Đây là ngày đầu tiên dân tộc Việt Nam góp mặt với nhân loại, ngày mở đầu cho một triều đại từ xưa cho tới về sau.

Chọn ngày Quốc Tổ là xác định sự chính thống về phía dân tộc. Chọn ngày Quốc Tổ là minh định niềm thủy chung với một giá trị đang bị tập đoàn cộng sản Việt Nam xóa bỏ ở trong nước. Tổ tiên chúng ta đã chăn dắt muôn dân trong tình thương yêu bao bọc. Tổ tiên chúng ta không xua đuổi con cháu ra biển, đi tỵ nạn. Tổ tiên chúng ta không bảo thủ hẹp hòi, không lấy oán thù làm thuật trị người, không dùng tà đạo để mưu bán nước hại dân như tập đoàn cộng sản Hà Nội.

Chọn ngày Quốc Tổ, chúng ta còn muốn nói với những người hiện đang lầm lỡ làm công cụ cho một thiểu số lãnh đạo u tối trong đảng cộng sản Việt Nam nhìn ra cội nguồn tổ tông mà rời bỏ hàng ngũ hại dân hại nước trở về với đại khối dân tộc.

---- oOo ----

QUỐC TỔ VÀ QUỐC KHÁNH

Linh mục Trần Quý Thiện

Đền thờ quốc tổ Hùng Vương tại Phú Thọ, miền Bắc Việt Nam
Trên thế giới, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có một nguồn gốc lịch sử riêng biệt. Đối với người dân, dù sống trong nước hay ở nước ngoài, cội nguồn dân tộc luôn tượng trưng cho những giá trị lịch sử dân tộc cao quý nhất. Và truyền thống dân tộc thường được thể hiện qua ngôn ngữ, phong tục, tập quán hay những hình thức xử thế mà TổTiên muốn truyền lại cho con cháu.

Hàng năm đến ngày10 tháng Ba Âm lịch (năm nay nhằm ngày Thứ Tư 16/4/1997), mọi người Việt Nam dù sống nơi phương trời nào cũng đều hân hoan mừng ngày "Giỗ Vua Hùng". Đó là một dịp để mọi người chúng ta nhớ đến công đức của Tổ Tiên đã sáng lập dân tộc và quốc gia Việt Nam. Đây cũng là một ngày đại lễ của dân tộc, để chúng ta bảo vệ và phát huy văn hóa của đất nước.

I- Vài Nét Lịch Sử Về Tổ Hùng Vương:

Theo sử sách và tục truyền, Vua Đế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh, gặp một nàng tiên là VụTiên, kết hôn và sinh hạ một người con trai là Lộc Tục.

Về sau, vua Đế Minh truyền ngôi cho người con trưởng làm vua phương Nam, xưng là Kinh DươngVương, quốc hiệu là Xích Quỷ (có nghĩa là chủ chốt các tinh hoa miền Nam). Ranh giới nước Xích Quỷ thời bấy giờ như sau: Bắc giáp Động Đình Hồ (tức Hồ Nam), Nam giáp Hồ Tôn (tức Chiêm Thành), Tây giáp Ba Thục, Đông giáp biển Nam Hải.

Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào năm Nhâm Tuất (năm 2879 trước Tây Lịch), sau đó kết hôn với con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra một người con trai là Sùng Lãm, nối ngôi vua cha gọi là Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai, tên là Âu Cơ. Tục truyền rằng: Bà Âu Cơ chỉ sinh một lần mà được 100 người con trai. Sau này Lạc Long Quân chia cho nàng 50 con để dắt lên núi. Còn lại 50 con, chàng đưa về hướng biển Nam Hải.

Cuối đời, Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng sang làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương, sáng lập ra nước Việt Nam sau này.

Vua Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Việt ngày nay). Theo sử cũ Việt Nam, nước Văn Lang thời Tổ Hùng Vương là một giải giang sơn kéo dài từ Vĩnh Phúc Yên đến Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bây giờ.

Tổ Hùng Vương có cả thảy 18 đời vua. Thời đó dân trong nước làm nghề nông và chài lưới. Trước đây, hàng năm đến ngày 10 tháng Ba Âm lịch, dân chúng khắp nơi, nhất là là đồng bào Bắc Việt, đều nô nức kéo nhau tới lễ bái Tổ Tiên tại đền Hùng, mà người dân thường gọi là "Trẩy Hội Đền Hùng". Đây là một lễ tiết lâu đời mà người dân Việt hàng năm trẩy hội để nhớ ơn Tổ Tiên đã có công khai phá xây dựng đất nước.

Hiện nay đền Hùng Vương vẫn còn là một di tích lịch sử, và người dân khắp nơi vẫn thường xuyên lui tới ngọn núi Nghĩa Lĩnh, cũng gọi là Hùng Sơn, tại thị xã Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Bắc Việt.

II- Quốc Tổ Và Quốc Khánh:

Vật đổi sao dời, phúc tổ vẫn lưu nền cổ tích
Nước nguồn cây cội, đạo người nên nhớ một Hùng Vương.

Hai câu đối khuyết danh trên đây như muốn nhắc nhở chúng ta về công đức Tổ Tiên. Ngày 10 tháng Ba âm lịch, chúng ta không biết rõ là ngày húy nhật của vua HùngVương nào trong 18 đời vua Hùng. Chúng ta chỉ biết rằng người xưa đã sớm biết chọn ngày để con cháu muôn đời về sau có dịp tụ họp nhau, kính nhớ Tổ Tiên, nhớ công ơn dựng nước, nhớ công đức của những vị vua Hùng đã sáng lập nên dân tộcViệt, dòng giốngViệt, quốc gia Việt.

Là con người sinh ra trên cõi đời này, ai cũng thấy cần có một Tổ Quốc, một quê hương, trong đó là cội nguồn của cả một dòng giống được phát sinh và liên kết với nhau qua những thăng trầm của lịch sử.

Cũng như tất cả những người tha hương của các dân tộc, các quốc gia khác, người Việt chúng ta đang sống ở hải ngoại lúc nào cũng hướng về quê hương, về quê cha đất Tổ. Đó là một nơi mà chúng ta đã sinh ra, trưởng thành bên gối cha mẹ, ông bà hoặc là nơi mà chúng ta lưu luyến vì còn mồ mả Tổ Tiên, thân quyến thuộc, bằng hữu....

Quê hương là một cái gì đó vô cùng cao quý và thiêng liêng, mà chỉ khi nào mất đi, người ta mới cảm thấy luyến tiếc thương nhớ. Nhưng nói đến quê hương không có nghĩa là gợi lại một mảnh đất, một phong cảnh, một dòng sông, một con đường, một mái nhà.... Nói đến quê hương là nói đến những con người có cùng một màu da, một dòng máu, cùng nói chung một thứ tiếng.... Nói theo kiểu "Việt Nam", chúng ta nói đến quê hưong là nói đến những con người "đồng bào", nghĩa là những người cùng chung một cái bọc mà sinh ra. Đó là ý nghĩa cao quý sâu sắc của huyền thoại 100 cái trứng trong một câu chuyện lập quốc đời vua Hùng của chúng ta.

Chính vì nhu cầu thiêng liêng cao quý mang tính dân tộc này, mà kể từ sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975, khi mà những người Việt Nam không chấp nhận chế độ cộng sản bỏ nước ra đi, kết thành những cộng đồng lớn nhỏ khắp nơi tại hải ngoại, nhiều nhân vật và đoàn thể đã có sáng kiến đề nghị đưa ngày Quốc Tổ Hùng Vương lên vị trí xứng đáng quan trọng nhất trong niên lịch, là ngày Quốc Khánh của dân tộc. Theo thiển ý của người viết bài này, đề nghị này không phải là không có cơ sở và hợp tình hợp lý, đáng mọi người quan tâm lưu ý.

Theo học giả tên tuổi Đào Duy Anh định nghĩa trong Hán Việt Tự Điển thì ngày Quốc Khánh là một ngày Đại Lễ mà mọi người dân trong một quốc gia đều hân hoan vui mừng, để kỷ niệm một biến cố lịch sử dân tộc nào đó, được mọi người mặc nhiên công nhận. Thí dụ: nhân dân Pháp hàng năm mừng ngày Quốc Khánh vào Lễ Cộng Hòa 14 tháng Bảy Dương lịch, kỷ niệm ngày phá ngục Bastille năm 1789. Nhân dân Hoa Kỳ mừng ngày Quốc Khánh vào ngày 4 tháng 7 dương lịch, kỷ niệm Ngày Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776. Và nhân dân Trung Hoa Dân Quốc mừng ngày Quốc Khánh vào ngày Song Thập, ngày 10 tháng 10 mỗi năm.

Cũng như tại Việt Nam trước đây, trong khi nhân dân miền Nam mừng Quốc Khánh vào ngày 26 tháng 10, kỷ niệm ngày thành lập Đệ Nhất Cộng Hòa năm 1955, và sau này đổi thành ngày 1 tháng 11, kỷ niệm cuộc cách mạng năm 1963, thì tại miền Bắc, nhân dân mừng Quốc Khánh vào ngày 2 tháng 9, kỷ niệm Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1945.

Trong cuốn Kinh Hùng Khải Triết, Linh mục học giả Lương Kim Định, một người đã dầy công nghiên cứu lịch sử triết lý cũng như văn hóa dân tộc Việt Nam trên 40 năm qua, cũng tán thành lấy ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương làm ngày Quốc Khánh, vì ngày lễ ngày bao hàm không những ý nghĩa Tổ Quốc (thành lập quốc gia) mà luôn cả Tổ người (nguồn gốc Tổ Tiên).

Theo ngài quả quyết, hơn nữa nếu mừng ngày Quốc Khánh vào ngày Giỗ Tổ thì chúng ta đã tạo được một đại lễ đặc trưng của Việt Nam mà không nơi nào trên thế giới có cả. Các nước khác trên thế giới chỉ có ngày Quốc Khánh để kỷ niệm một biến cố lịch sử nào đó, hoặc cũng chỉ mừng ngày độc lập chứ không phải Giỗ Tổ theo hai nghĩa trên, nói lên sự độc lập theo hàng dọc đối với đất trời, cũng như hàng ngang đối với bạo lực chuyên chế (xem Kinh Hùng Khải Triết trang 229-239).

Từ nhiều năm qua, nhiều tổ chức, đoàn thể, đảng phái như Hội Hướng Đạo Việt Nam, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, đã vận động chọn ngày Giỗ Tổ Hùng Vương làm ngày Quốc Khánh. Nhiều cộng đồng người Việt trên thế giới cũng đã liên tục chào mừng ngày Quốc Khánh cùng chung với ngày Giỗ Tổ Vua Hùng.

Tất cả chỉ vì mục đích duy nhất: Đề cao tâm tình nhớ ơn Quốc Tổ này, mọi thành phần người Việt, không phân biệt tuổi tác, địa phương, tôn giáo, chính kiến, trong hay ngoài nước, cùng phát huy Tinh Thần Yêu Nước và Yêu Nhau trong nghĩa đồng bào vì trăm họ cũng chung một bọc, cùng một mẹ Việt Nam.

Ngày Quốc Tổ sẽ là một điểm hội tụ, là mẫu số chung cho tất cả mọi thành phần dân tộc, vượt lên trên mọi biến cố chính trị hay lịch sử thường tình, vì bất cứ ai, nếu còn nhận mình là người Việt Nam thì không thể nào không chấp nhận Tổ Hùng Vương là cội nguồn dân tộc của mình. Có lẽ chỉ trừ những ai vong bản, những ai quên cội nguồn dân tộc, coi Các-Mác Lê-Nin là ông tổ của họ, những người đó mới quay lưng lại với Quốc Tổ, vì đặc quyền đặc lợi đảng phái, đang tâm chà đạp nhân dân bao năm nay trong đói nghèo lạc hậu, mất tự do dân chủ.

Chúng ta không ngạc nhiên khi hay tin tức trong nước, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Tổng thư ký Viện Hoá Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, qua thư gửi Đỗ Mười, ngày 19-8-1994, đã thách thức như sau: "Thế sao đảng Cộng Sản Việt Nam không làm ngôi đền thật lớn ở ngay Hà Nội, để thờ Quốc Tổ Hùng Vương? Và tuyên bố lấy ngày10 tháng Ba Âm lịch - Ngày Giỗ Tổ - làm ngày Quốc Lễ. Nghỉ trọn ngày để cho toàn dân có dịp tưởng nhớ công ơn Đức Quốc Tổ và các bậc tiền bối, đã có công mở nước dựng nước, nhờ thế mà ngày nay mới có đảng Cộng Sản Việt Nam?".

Do đó, chúng tôi ước mong Ngày Quốc Khánh Nhớ ơn Quốc Tổ không phải chỉ là ngày mừng "một kỷ niệm chết", đã qua đi trong dĩ vãng lịch sử, mà cần phải làm sống lại "Tinh Thần Quốc Tổ", cũng như những nét đặc thù của dân tộc, để các thế hệ trẻ không quên đi truyền thống dân tộc, và nhân dân địa phương có dịp nhận xét về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt. Ngoài các lễ nghi truyền thống, cần phải có các sinh hoạt văn hóa như văn nghệ, triển lãm, hội họa, ca nhạc.... Ngày Quốc Tổ - Quốc Khánh là ngày vừa bảo tồn vừa phát huy tất cả những gì là tinh hoa trong văn hóa dân tộc Việt.

Đại lễ "Chào Mừng Quốc Khánh - Ghi Ơn Quốc Tổ" tại Bá Linh năm 1991


Tại Houston, Texas năm 1993
Tại Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ năm 1999

Tại Adelaide, Úc năm 2001