Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Ma Nữ Rừng Xanh

Hoàng Thắng

Mấy hôm nay, trong người tôi lại thấy gai gai ơn ớn lạnh. Cứ độ một hai tháng là có vài ngày như vậy. Cảm giác y hệt ngày xưa, lúc con Ma Nữ Rừng Xanh báo trước chuẩn bị ghé thăm.

Hồi mới gia nhập chiến khu, tôi cũng thắc mắc khi nghe chiến hữu chung quanh nói tới cái tên có hơi hướm rùng rợn này. Sau được giải thích, thì ra là ám chỉ tới những cơn sốt rét rừng. Sốt Rét. Thời mới lớn ở quê nhà, tôi từng nghe kể về căn bịnh nguy hiểm này. Nghe nói những người ở thành phố, vì đi làm ăn phải vào vùng rừng núi, bị sốt rét trở về, chạy thầy chạy thuốc khắp nơi, bốn người thì mất mạng tới ba. Người bịnh mỗi ngày một yếu đi, lúc sốt nóng cực độ, lúc rét lạnh buốt xương. Ăn không được, thân thể xanh xao vàng bủng. Cái chết nắm chắc tám chín phần mười. Có lẽ chuyện kể truyền từ thời chưa có thuốc ký ninh hoặc là còn hiếm chăng? Thuở nhỏ, tôi có người bác họ sang Lào làm ăn, nghe kể ông bác đó mau giàu lắm, nhưng rồi bị sốt rét, về Việt Nam bán vàng chạy thuốc, may mà chữa khỏi, hết dám đi nữa. Và tôi cũng nghe rằng, trong các ‘loại’ sốt rét thì sốt rét Lào là dữ dội, ghê gớm hơn cả. Không ngờ có ngày tôi được nếm mùi căn bịnh, vốn chỉ hoành hành ở những vùng gọi là rừng thiêng nước độc này. Để tôi kể các chiến hữu nghe... ý quên, đọc .

Năm 1984, Tây Đức có hai người trở về. Chiến hữu Nghiệp về trước tôi hơn hai tháng. Khi gặp lại nhau trên đất Lào, tôi quả khó nhận ra. Chiến hữu Nghiệp vốn gốc Quân Cảnh, vóc người cao lớn. Anh ở miền Nam nước Đức, Muenchen; còn tôi miền Bắc, Hamburg. Trước khi về, anh lên thăm Hamburg, coi như từ giã dù không nói ra (nhưng ai cũng biết). Tôi được giao cho công việc lái xe đi đón chiến hữu Nghiệp ở nhà ga. Cái bắt tay lúc đó, bàn tay to lớn ấm nóng, thấy chiến hữu mạnh lắm. Bàn tay của anh, trong một lần biểu tình tại miền Nam Đức, đã làm một người dội ngửa ra sau bằng một trái đấm có thể đánh giá mạnh như sấm sét. Anh nói nó phá rối bậy bạ, chịu sao nổi. Vậy mà lần bắt tay ở chiến khu, bàn tay đó gầy guộc, lạnh và mềm nhão. Lẽ ra tôi phải cười nói mừng rỡ lắm, nhưng tôi đã khựng lại. Và câu đầu tiên tôi hỏi chiến hữu Nghiệp: "Sao gầy quá vậy?". Người chiến hữu cao to khoẻ mạnh hôm nào, đã xuống ký, hao gầy thật mau chóng . "Sốt dữ quá", chiến hữu Nghiệp trả lời.

Ngày qua ngày, tôi được anh em chỉ cho những kinh nghiệm tránh sốt rét, chống sốt rét (nếu tránh không được thì chống). Người nói phải uống nước đun sôi, ngủ trong mùng. Kẻ dạy ăn nhiều tỏi, không được ngủ trưa, không ăn trái chua rừng. Tóm lại, nhiều thứ phải kiêng tránh. Tuy nhiên, có người tuyên bố một cây xanh rờn, ‘‘kiêng làm quái gì cho khổ, trước sau gì cũng dính, không thoát được đâu’’. Công nhận chiến hữu này tuyên bố hay, rất phóng khoáng. Người khác bác bỏ, ‘‘mình kiêng tránh là giữ gìn sức khoẻ để chiến đấu tốt cho đại cuộc, cái mạng không phải mạng của mình nữa mà là của kháng chiến, chiến hữu biết không?’’ Có lý. Thoạt tiên, tôi cũng ráng kiêng cữ. Nhưng nào có thoát được đâu. Cái gì tới, ắt phải tới. Cơn sốt đầu tiên thật ác liệt. Mỗi người có một ‘kiểu’ sốt, không hẳn giống nhau. Cái ‘kiểu’ của tôi là ói, đặc biệt cứ ngửi thấy mùi tỏi phi đồ ăn thì lập tức ói mửa không kịp thở. Bụng rỗng, người mệt lả, nhưng gió đưa mùi tỏi phi từ nhà bếp tới mũi thì lên cơn ói, ra nước xanh nước vàng. Ói riết không còn gì, chỉ có chút nước rãi đặc treo toòng teng dưới miệng, nhổ hoài mới chịu rớt xuống. Khốn nỗi bữa cơm nào cũng phi tỏi. Tỏi cột từng bó to, treo lủng lẳng khắp nhà bếp, trông mà rùng mình. ‘‘Ăn tỏi nhiều, giữ hơi nóng trong người, đỡ sốt’’, mọi người đều nói vậy. Còn tôi, không biết có phải bị ảnh hưởng hồi sống bên Tây Đức, không ăn tỏi vì sợ bọn Tây, Ý, Thổ... đồng nghiệp trong sở làm phản đối, rồi dần dần chính tôi cũng sợ mùi tỏi luôn, hay tại căn bịnh nó hành tôi lắc léo. Ôi, cả chiến khu thích tỏi, có đổi sang Đoàn nào cũng vậy thôi, thế mới chết chứ. Nhất là những lần tới phiên tôi trực bếp, đổ cả chén tỏi vào chảo dầu nóng, mùi (phải gọi là thơm hay hôi đây?) bay nồng nặc, tưởng tượng vi cá thành bún tàu, cá khô thành cá gỗ tuốt. Những cơn sốt kỵ mùi tỏi kéo dài gần nửa năm, lúc ăn cơm tôi ráng cho qua bữa, không dùng mũi để hít mà sử dụng luôn cái miệng, vừa nhai đồ ăn vừa thở bằng miệng. Thế rồi nó bỗng đổi ‘kiểu’.

Kiểu sốt mới tiếp theo là nhức đầu. Tôi không ói vì mùi nhà bếp nữa, song mỗi lần di chuyển, bàn chân đặt xuống đất thì như có cái búa gõ vào óc. Chỉ cần một chấn động nhẹ của thân thể trong lúc bước, tức thì chấn động đó dội lên óc, cái đầu đau muốn vỡ ra. Đi, phải tránh ổ gà, bàn chân rà sát đất, gồng cứng cái cổ và dùng một tay ôm chặt đỉnh đầu. Đi khoảng năm mười thước, phải dừng lại nghỉ vì mệt cũng bị đau. Tôi nghe rõ ràng mạch máu hai bên thái dương kêu "huýt chù, huýt chù". Tôi kể về sốt rét, song lại không từng học gì về thứ bịnh này, nên nói cho đúng (nhờ trải qua những cơn sốt rét kinh niên và sống gần gũi với các anh em bị sốt rét), những điều tôi kể chỉ là một số kinh nghiệm bản thân về sốt rét mà thôi. Bịnh sốt rét hành hạ người ta qua những cơn rét, cơn nóng; đến một mức độ phản ứng nào đó, nó sinh thêm các chứng đi kèm như ói mửa, nhức đầu, nấc cục..v..v.. Tùy theo từng người mà xuất hiện chứng nọ, chứng kia (ở trên tôi gọi là ‘kiểu sốt’). Phần tôi đã trải qua nhiều chứng. Như lần sốt bị đau lưng, khi đi đâu, cái lưng phải gập xuống gần như 90 độ với phần thân dưới. Một tay đưa ra sau đè chặt lấy lưng cho bớt bị dằn, nếu sơ ý thì cột xương sống nhói đau không chịu nổi. Còn chân bước đi giống vật sĩ Sumo Nhật Bản, chân này đặt xuống, chờ vững rồi mới nhấc chân khác lên. Lần sốt khác, một cánh tay cứ tê tê xụi xụi, giơ nhấc khó khăn. Thường trong khi sốt rét, anh em phải chịu đựng hai ba thứ bịnh hoặc chứng cùng lúc. Lần sốt bị phù, tôi không thể đi giày dép. Bàn chân, bàn tay giống như bị bơm hơi bên trong. Lấy ngón tay ấn vào đâu, vết lõm nằm luôn ở đó. Mí mắt sưng mọng, nặng ra nên bắt nháy liên tục. Nhức mỏi khắp người. Khi ngủ, tôi phải treo chân lên bởi vì chỗ nào của bàn chân tiếp xúc với sàn giường, dù đã lót mền, đều ê nhức không thể ngủ được.

Những cơn sốt rét diễn tiến như thế nào? Chưa biết thì sợ, biết rồi thì... quen. Cảm giác đầu tiên luôn là gai gai ớn lạnh. Nạn nhân rùng mình cảm thấy có những luồng lạnh ‘chạy’ trong xương, ở tay, chân, lưng, vai, gáy... Luồng lạnh mỗi lúc một mạnh hơn, ‘chạy’ nhanh hơn, ra tận đầu ngón tay, ngón chân. Đây là lúc người bịnh bắt đầu cơn Rét (cơn Rét tới trước, cơn Sốt đến sau). Các khớp xương nhức mỏi, da thịt ê đau. Hơi thở the the như mùi ê-te. Đầu nặng như cục đá, có thể nghe tiếng o o kêu trong đầu, văng vẳng như tiếng ve sầu trên cành phượng vĩ ngoài sân trường thưở nhỏ. Chúng tôi một nhóm đang tán gẫu, chợt có người thôi cười, quơ tay lấy vật dụng cá nhân, đứng dậy trong dáng điệu không vững vàng. Anh em hỏi liền: "Nó tới hả?". Người nọ gật đầu: "Tới rồi, về gấp kẻo không kịp". Vội vàng về đến lều, người nọ chuẩn bị chịu đựng con Ma Nữ Rừng Xanh viếng thăm. Đôi dép xếp ngay ngắn dưới chân, để trong cơn bịnh cần xỏ dép là được ngay. Cái bình tông châm nước đầy, đặt sẵn cạnh đầu, cần uống thì lấy được liền. Áo lạnh, áo đen, áo rằn ri... mặc vào hai ba cái. Nằm co cứng người lại cho bớt run, đắp mền kín mít, răng đánh bò cạp còn miệng rên hừ hừ.

Trong người cảm thấy lạnh khủng khiếp song thực ra da thịt nóng bỏng. Cái lạnh từ trong xương làm bịnh nhân chịu một hồi thì mê man luôn. Đây là lúc cơn Sốt đổi phiên. Hồi nãy lạnh bao nhiêu, bây giờ nóng bấy nhiêu. Người bịnh hôn mê, thở dồn dập, mồ hôi chảy ướt áo quần. Có trường hợp nóng quá, một chiến hữu phát điên, cởi quần áo la hét, vùng chạy khắp căn cứ. Nhưng càng chạy càng thấy nóng hơn. Anh em xúm lại lau đắp nước lạnh. Dần qua cơn thì hết. Trời mùa đông lạnh lẽo mà vẫn có những người bị cơn nóng hành chịu không nổi, phải ra lu múc nước lạnh dội lên đầu ào ào. Tính thời gian trung bình mỗi cơn sốt rét chừng hai tiếng đồng hồ. Xong, có thể dậy đi đứng, sinh hoạt nhưng cơ thể rất yếu. Ngày hôm sau, đúng giờ hôm trước, cơn sốt rét lại tới, y chang như người nghiện tới cữ. Ngoài lúc lên cơn sốt rét là khoảng thời gian các chứng hoành hành. Nói dễ hiểu, từ khi bắt đầu bịnh cho tới lúc khỏi, tôi gọi là ‘trận’, một trận sốt rét. Trong một trận, có nhiều ‘cơn’ sốt rét, có thể là thường nhật, có thể cách nhật. Sốt là chính, Rét là nhạc dạo đầu và dạo... vòng vòng lúc to lúc nhỏ. Một trận có thể là một tuần, một tháng, thậm chí một năm như tôi đã bị.

Cảnh làm báo trong khu chiến
Nói về sốt rét, tôi thuộc hàng có... hạng, đã được anh em đưa vào "Tứ Nhân": Nhất Nghiệp, Nhì Long, Tam Hoàng, Tứ Thắng. Thực ra thì có nhiều anh em khác sốt cũng không vừa gì, còn hơn nữa, có dịp đếm số mồ chôn trong chiến khu thì biết là không ít; nhưng anh em cắc cớ ‘tuyển’ trong số đoàn viên hải ngoại trở về, rút ra bốn mạng có ‘thành tích sốt’ dữ dội nhất. Chiến hữu Nghiệp tôi đã nhắc, vừa vào chiến khu thì sốt liền và sốt liên miên. Chiến hữu Long ngược lại, khoảng nửa năm đầu không hề sốt. Chiến hữu có kiêng cữ và rất hài lòng khi thấy con Ma Nữ Rừng Xanh bỏ quên mình. Tưởng cơ thể đặc biệt thích ứng được, nào ngờ một lần ‘nó’ tới. Có lẽ muốn giữ thành tích không bao giờ sốt, chiến hữu Long bác bỏ mọi hỏi han khuyên nhủ của anh em, cố gắng sinh hoạt bình thường và không muốn ai hỏi về chuyện sốt của mình. "Có sao đâu, các chiến hữu đừng bận tâm", chiến hữu Long nói. Lần đó có tôi và chiến hữu Nghiệp ở cùng căn cứ Bạch Mã. Nửa đêm về sáng, chiến hữu Nghiệp đi tuần qua lều chiến hữu Long, ghé vào xem, thì gặp lúc chiến hữu Long lên cơn động kinh. Vội vàng cấp cứu. Chiến hữu Long miệng cứ muốn nhai, may mà nhét được thanh gỗ tre cho cắn, chứ không thì cái lưỡi chả biết ra sao. Sau lần đó, tôi đổi đi nơi khác. Nghe anh em qua lại cho hay, chiến hữu Long về sau sốt liên miên, nên được xếp hạng Nhì trong bảng Tứ Nhân.

Tôi sống gần chiến hữu Võ Hoàng nhiều hơn, vì chúng tôi cùng một khoá C3 Bis (khoá huấn luyện căn bản cho tân binh). Thời gian tôi phục vụ cho đài VNKC thì chiến hữu Võ Hoàng là trưởng đài. Một ngày cuối năm 1984, chiến khu báo động 24/24 vì mới đụng một trận ở căn cứ Hải Vân. Mọi đơn vị đều được bố trí trong tư thế sẵn sàng tác chiến. Tôi vừa khỏi sốt, nhưng chiến hữu Võ Hoàng lại bắt đầu chớm sốt. Cấp trên cho người đưa chiến hữu Võ Hoàng đến ẩn ở một nơi kín đáo, coi như khá an toàn. Tôi và một chiến hữu tên Phụng cũng bị ‘nhét’ vào đó. Anh em nói chỗ này vốn là cái hang cọp. Một cái hang nằm giữa mấy tảng đá, mỗi tảng lớn cỡ cái nhà. Lòng hang lõm vào, thành một tấm phản đá, ba chúng tôi dùng làm giường, rộng rãi. Đêm thứ nhì, chiến hữu Võ Hoàng trải qua cơn sốt rét, thì không hiểu sao nấc cục mãi. Nghe tiếng nấc cục lớn dần, tôi bò dậy lấy nước, kêu chiến hữu Võ Hoàng uống. Không khỏi. Tiếng nấc cứ vang lớn trong hang đá, giữa đêm trường. Nằm nấc cục một hồi thì mệt, khó thở, chiến hữu Võ Hoàng trở mình loay hoay như muốn ngồi lên. Người sốt rét thường bị xây xẩm, chóng mặt quay cuồng mỗi khi ngồi lên hay đứng dậy, không khéo sẽ bị té vật xuống. Tôi và chiến hữu Phụng nằm gần, chỉ nghỉ chứ không ngủ để canh chừng diễn biến và đề phòng trong tình hình báo động. Đỡ chiến hữu Võ Hoàng dậy, hai đứa tôi thay nhau hết xoa ngực, lại xoa lưng. (Chiến hữu Phụng sau này đã nằm xuống vì một trận sốt dữ, xác gửi nơi đất Lào). Suốt mấy tiếng đồng hồ ngồi mê mệt trong cơn nấc cục, chiến hữu Võ Hoàng đã mềm như cọng bún. Trời mờ sáng, may mắn có đoàn đi tuần ghé qua. Biết sự việc, đoàn đi tuần đã làm cáng, khiêng anh về gấp. Chiến hữư Võ Hoàng bản tính hiền lành, nói chuyện dí dỏm rất có chiều sâu khiến người nghe suy nghĩ, đến chừng hiểu ra thì cười lên ha hả. Căn bịnh sốt rét của anh cũng có... chiều sâu ghê gớm lắm.

Một mái nhà tranh trong căn cứ 81, năm 1983
Chuyện sốt rét là một chuyện dài khu chiến. Anh em KCQ nói thật như đùa, "ai chưa sốt rét, chưa phải là KCQ". Và cái câu "KCQ đi bằng đầu" cũng phát xuất từ con Ma Nữ Rừng Xanh. Lục tìm trong tập thơ kỷ niệm, xin chép ra đây bài thơ của tôi làm năm 1987, tựa đề là: Ma Nữ Rừng Xanh.

bao giờ ma nữ rừng xanh
xa anh kháng chiến thì thanh bình về
ấy những buổi trưa hè oi bức
vẫn có người ước chục cái chăn
những đêm đông rét căm căm
có anh kêu nóng tắm càn mấy phen
đó là lúc thị bèn nhớ hẹn
đến thăm anh kháng chiến tâm tình
ai nghe anh nói một mình
biết ngay cô ả vô hình tới đây
ít cũng phải dăm ngày nửa tháng
thị quẩn quanh tối sáng trưa chiều
có khi thị nóng rất nhiều
đến chừng trở chứng thiếu điều đóng băng
thị bắt anh chê ăn bỏ ngủ
sốt li bì nhừ tử cái lưng
trong xương kiến chạy tưng bừng
đã hoa con mắt lại nhưng nhức đầu
thị cản trở rất nhiều kế hoạch
ông ký-ninh cũng cạch thị ra
chấp luôn bác phan-si-đa (1)
thị ta chẳng ngán vẫn la cà gần
dù có nể anh phan-si-mép (2)
vốn là tay võ phép cao siêu
nhưng rồi cũng độ vài chiêu
nhơn nhơn thị lại lều xiêu phát sầu
thị chỉ sợ cái đầu quyết chí
đầu muốn đi ắt thị chịu thua
anh nào muốn đuổi muốn xua
cứ đem đầu cứng chọi bừa là ăn
thị không được một phần là bạn
mà thực là cái nạn oan gia
vơ vơ vẩn vẩn như ma
thứ ma rừng rú giống a-nô-phèn
kháng chiến ghét đặt tên thật dữ
đích thị là ma nữ rừng xanh
xanh xao xấu xí khô khan
mê mê muội muội hại thân mọi người
bởi vì thế khắp nơi khu chiến
mới có câu sấm hẹn đường nhanh
bao giờ kháng chiến về thành
xa con ma nữ thì thanh bình về .

Trên đây nói về chứng bệnh sốt rét mà tất cả anh em kháng chiến quân trong khu chiến đều mắc phải. Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể đó là vấn đề dinh dưỡng ở trong khu chiến không thể nào đầy đủ tiêu chuẩn như trong đời sống bình thường. Tôi còn nhớ, những tháng đầu tiên hội nhập chiến khu, sau khi đã xài đi hầu hết chất béo trong người, số ký-lô giảm xuống nhanh chóng và qua mấy trận sốt rét, thì tôi bắt đầu biết... thèm. Thí dụ như thèm ngọt. Có lẽ không ai trong chiến khu mà không thích ngọt, nên cái thèm này coi như bình thường đi. Cho dù thèm thịt mỡ, bánh trái, cà phê, thuốc lá thì cũng là bình thường ở đấy. Nhưng tôi có một kỷ niệm về thèm mà mỗi lần gợi lại trong trí thì tôi vẫn còn thắc mắc. Một lần tôi sốt nặng, được đem về bệnh xá điều trị. Bịnh cùng lều với tôi là chiến hữu Huỳnh Trọng Hà (từ Nhật về). Một buổi chiều, sau khi hai chúng tôi đã qua một cơn sốt, nằm nói chuyện với nhau, có chiến hữu Việt là y tá và một hai chiến hữu khác cũng đến ngồi thăm chơi. Tôi nói với chiến hữu Hà:

- Hồi sáng, tôi qua bệnh xá, chích mười mấy mũi, lụi vô đâu thì ở đó phù lên. Chích không được, phải ra ngoài nắng hít thở, vận động.

Chiến hữu Việt gật đầu :

- Máu không chịu chảy. Máu chiến hữu chảy chậm quá.

Nghe vậy, chiến hữu Hà bảo :

- Ông cần cố gắng ăn vô thì mới có sức.

- Tôi ăn cái gì cũng ớn hết.

- Tôi cũng vậy. Tôi ngán cái mùi gia vị. Bây giờ chỉ có thịt gà luộc. Hai thằng mình mà có... một con gà luộc ăn ngay bây giờ thì được.

Tôi hưởng ứng liền :

- Ông nói giống tôi. Gà luộc không kho xào gì hết. Chắc là tuyệt cú mèo.

Có vậy thôi. Hai chúng tôi nói cho đã... thèm. Trong cơn bịnh, có những cái thèm để mà thèm, chứ có thật cũng chưa chắc ăn vô nổi. Lần này thèm gà luộc, lần khác thèm bánh mì, nước đá cục..v..v.. Ấy vậy mà sáng sớm hôm sau, có một chiến hữu đem đến lều chúng tôi 2 con gà. Trời, tiêu chuẩn gì đây. Nói chơi thôi mà được liền. Ở ngoài đời dám trúng số độc đắc. Tôi và chiến hữu Hà cũng... phóng khoáng, vừa cười vừa cám ơn và không từ chối. Chúng tôi có thắc mắc là ai đã cho món quà hậu hĩ này. Hỏi nhưng không ai nói là biết. Chắc chắn chiến hữu Việt và vài chiến hữu hồi hôm tới thăm đã về kể lại rồi cấp trên đáp ứng. Chúng tôi đem 2 con gà sang nhà bếp bệnh xá, nhờ làm và dặn là chỉ luộc, xong chia đều cho anh em nằm bệnh ăn chung. Bữa đó, quả thật chúng tôi ăn được ngon. Vài hôm sau, chiến hữu Hà bớt bệnh, trở về đơn vị. Hôm nay nhớ lại, viết đến đây, không khỏi xúc động...

Hồi đó, trong những vùng còn thuận lợi, tức là những nơi đang chờ vượt sông Mê-kông, thì tiêu chuẩn cấp dưỡng của chúng tôi ngoài cá khô, hành, tỏi, mắm, muối.. v..v.., còn có gà. Hàng tháng, một người KCQ được cấp 1 con gà. Chúng tôi sống và sinh hoạt theo cấp Dân Đoàn. Một Dân Đoàn có 3 Toàn. Một Toàn có 4 người. Như vậy một tháng lãnh về hơn chục con gà, muốn thịt lúc nào thì thịt, còn ăn hết nhịn. Thường thì chúng tôi mần gà vào buổi chiều Duy Tân và ngày Im Lặng, tức là thời gian nghỉ ngơi trong một chu kỳ lịch 9 ngày của chiến khu.

Ngày xưa ở quê tôi, nhiều gia đình mỗi năm chỉ làm thịt được khoảng hai, ba con gà vào những dịp long trọng, như đãi khách quý, tết nhất mà thôi. Nhân đây tôi muốn được nói một lần, là sự chăm sóc của tổ chức đối với anh em KCQ chúng tôi rất là tận sức. Cho dù đời sống bưng biền chập chùng trở ngại, nhưng chúng tôi vẫn có gà để ăn, có quà giáng sinh, quà tết. Như vậy là quá sức mong mỏi rồi. Một lần, người Anh Cả của chúng tôi, tức là chiến hữu Đặng Quốc Hiền, trong giờ giải lao của một khóa học, có hỏi mấy anh em chúng tôi một câu:

- Các chiến hữu thấy thế nào về điều kiện sống ở đây ?

Chúng tôi ai nấy đều cười, gật đầu. Một chiến hữu tươi tỉnh đáp:

- Thưa anh Hiền, hồi chưa vào chiến khu, em không dám nghĩ là sẽ được ăn cơm no, gạo trắng, có kem đánh răng, xà bông tắm, thuốc men đầy đủ như thế này.

Đợi cho mọi người bày tỏ sự hài lòng xong, người anh Cả với giọng nói miền trung nhẹ nhàng, đã nói như vầy:

- Bây giờ hoàn cảnh thuận tiện, anh em được cung cấp còn khá, tôi lo mai này, anh em xâm nhập rồi, tổ chức không có điều kiện lo cho anh em như hiện nay nữa, thì anh em có chịu nổi không ?

Điều này, chúng tôi cũng tự hiểu, một khi đã qua bên kia sông, kể như chim rời tổ. Lăn lộn chiến trường mọi thứ dĩ nhiên phải tự lo. Lúc đó, tiếp vận nào có thể đem gà, đem gạo tới tận nơi ? Tôi thầm xúc động khi nghe người anh Cả nói về nỗi lo mai sau. Nhìn bầy em vui cái đủ hôm nay mà anh lại thương và lo cho cái thiếu của ngày mai.

Tới đây, tôi lại nhớ đến một trái trứng gà của một người chiến hữu. KCQ Hoàng Thiện, người nhạc sĩ tài hoa của rừng núi chiến khu, tác giả của nhiều bản nhạc kháng chiến, hùng ca có, trữ tình có. Anh là gốc bộ đội, từ bên kia chạy sang bên này làm anh em với chúng ta. Một thời sống chung, làm việc trong Đài VNCK, chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm thân tình. Về sau, Anh chuyển ra đoàn ngoài chuẩn bị Đông tiến, còn tôi theo Đài đi... Tây tiến.

KCQ Hoàng Thiện tức nhạc sĩ Hồng Thái (bên phải) tại căn cứ 81 năm 1983
Một lần, chiến khu tổ chức một buổi lễ xuất quân rất long trọng, tôi từ căn cứ của Đài được tháp tùng theo Anh Hai và Anh Ba (tên thứ của hai chiến hữu cao cấp) vào dự. Gặp giờ cơm, tôi tắp vào một mâm. Bữa đó có khẩu phần phụ trội chưa từng lãnh, mỗi người được phát thêm một trái trứng gà. Nghe nói có tôi vào nên Hoàng Thiện sau giờ cơm ra sân lớn chờ. Lúc gặp nhau, mừng mừng:

- Khoẻ không Hoàng Thắng ?

Tôi cười gật đầu, khoác vai anh:

- Hoàng Thiện ơi. Bài Chuyến Đò Đêm của ông đưa ra ngoài, hát hay quá xá. Tụi tôi nhận được, phát rồi.

Tác giả Hồng Thái của nhạc phẩm Chuyến Đò Đêm, chính là Hoàng Thiện.





Nói chuyện hỏi han một hồi, anh chợt móc túi lấy ra trái trứng gà, đưa cho tôi:

- Ăn đi

- Tôi ăn rồi. Tôi cũng có một trái.

- Hoàng Thắng ăn đi

- Thôi Hoàng Thiện ăn đi. Ông chưa ăn mà.

- Hoàng Thắng không ăn là tôi buồn. Mai mốt này không gặp nhau nữa. Trái trứng gà này có gì đâu, chỉ là chút lòng của tôi gửi cho Hoàng Thắng để làm kỷ niệm thôi.

Người nhạc sĩ kháng chiến lãng mạn, ăn nói mà đem kỷ niệm và tấm lòng ra thì làm sao tôi từ chối cho đặng? Tôi bắt buộc phải nhận trái trứng và ăn để người anh em thân khỏi buồn. Tôi thấy anh đã chớp chớp mắt giống như tôi. Những cái chớp mắt quyến luyến, xúc động buổi sắp phân ly. Bây giờ, nghe lại một đoạn nhạc dò đài của Đài VNKC, tiếng nói: 'Trong giây lát, mời đồng bào và các chiến hữu...' chính là tiếng nói của anh, còn mãi trong tôi, dù hồn anh ở tận chốn nào.

Đài VNKC sau này cũng trồng rau nuôi gà tự sản xuất. Chờ gà lớn, chúng tôi thỉnh thoảng mổ thịt đem gửi vô núi tặng anh em vì họ sắp lên đường. Những đêm đó, sau cơn "gió tanh mưa máu", chúng tôi có món cháo gà để thanh toán bớt các bộ đồ lòng. Quây quần bên tô cháo, miệng háo hức nói chuyện tương lai, lòng mơ một ngày có người gửi gà tặng mình trên núi.
Cuối cùng, đối với tôi, đó vẫn chỉ là một giấc mơ.


(1) và (2) là Fansida và Fansimef, hai thứ thuốc trị sốt rét.