Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Tưởng Nhớ Kháng Chiến Quân Trần Thiện Khải

Nguyễn Hòa Nguyên
Khóa 24 Đệ Nhị Song Ngư

Kháng chiến quân Trần Thiện Khải
Kháng chiến quân Trần Thiện Khải sinh năm 1949 tại Phan Thiết. Thôn chài Bình Hưng quanh năm chói chang nắng cát và lồng lộng gió biển đã nuôi dưỡng tuổi ấu thơ của anh. Tuổi thơ của anh là tô cháo cá hanh cá liệt hành tiêu nóng hổi do tay mẹ nấu những ngày trở trời. Tuổi thơ của anh là bữa cháo còng sau những buổi chiều tối cùng bạn bè, hai ba đứa, lang thang bãi biển chờ thủy triều xuống xa bờ, bắt còng. Tuổi thơ của anh là biển ruộng yêu thương, là đặc sản bánh tráng mắm ruốc, là bánh căn bánh xèo vàng nóng giòn chấm với nước mắm tỏi ớt đường để vừa ăn vừa thổi vừa hít hà:

À ơi, ai về Phan Thiết, Phan Rang
Món ăn ngon nhất, bánh căn bánh xèo

Lớn lên giữa chiến tranh, trường trung học Phan Bội Châu, Phan Thiết là cái nôi trao cho anh những kiến thức, nung nấu trái tim anh những tình bạn, tình quê và tình nước. Ngôi trường trung học mỗi sáng sớm tấp nập hàng đoàn học sinh đổ về từ các ngả Gia Long, Nguyễn Văn Thành, Thủ Khoa Huân, Lê Văn Duyệt. Bạn học của anh quá là tứ xứ, đứa gần thì ở Phú Long, Đại Nẫm, Phú Hài, những đứa ở xa thì tận mãi Sông Lũy, Sông Mao, Phan Lý Chàm, La Gi, Tuy Phong. Mặc cho đổi đời, thăng trầm hay tận tuyệt, thị xã Phan Thiết hôm nay vẫn còn đó con sông Cà Ty, vẫn còn đó những con phố Huyền Trân, Lý Thường Kiệt, Ngư Ông kỷ niệm. Vẫn còn đó mùa hoa Vông đỏ nở rực:

Thêm một mùa vông nở
Anh chưa trở về đây
Em nhìn hoa mà nhớ
Anh xưa đứng chỗ này...

Ba bốn năm rồi nhé
Em không thấy tin anh
Chắc tại đời ...dâu bể
Hoa vông thì ...mong manh!
                      (Trần Vấn Lệ)

Năm 1970, chiến cuộc trở nên khốc liệt mỗi ngày. Để giữ gìn đất nước miền Nam và bảo vệ tự do miền Nam Việt Nam, anh đã tình nguyện gia nhập quân đội VNCH và chọn quân chủng Hải quân.

Sau 3 tháng học căn bản quân sự tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung và những tháng tập sự trên các chiến hạm hải quân Việt Nam, tháng 9 năm 1971 anh theo học khóa 24 Sĩ quan Hải quân tại Trung tâm Huấn luyện Hải quân Nha Trang, khóa 24 "Đệ Nhị Song Ngư".

Ngày nhập khóa Nha Trang là một ngày ấm áp cuối thu 1971. Thật khó mà quên bài diễn văn truyền thống, tiếp đón thật nẩy lửa của sinh viên sĩ quan đàn anh khóa 23: "...trước mặt các anh là biển cả mênh mông, sau lưng các anh là núi non hùng vĩ, bên cạnh các anh là bệnh xá quân trường...". Biển cả, núi non, bệnh xá quân trường và phố biển Nha Trang trở thành cái nôi ru những đứa con khóa 24 Đệ Nhị Song Ngư từ đó với những bài học buồn có, vui có và nhục nhằn cũng lắm để tất cả cùng nhau tập tành trưởng thành, kết chặt tình thân:

Nha Trang biển xanh hàng liễu xanh
Quân trường gió lay lá bàng bay
Tinh mơ, tôi, mặt trời thức dậy
Nắng vẫn còn ngái ngủ trong sương...

Nắng chưa nhìn đỉnh tóc
Tôi đã đi đã tới
giảng đường
thao diễn trường
cầu đá
phạn xá ...
Giày sô lối sỏi lao xao
Thoáng quen như tiếng sóng trào biển khơi
Giang tay ngửa mặt vào đời
Kính dâng Tổ quốc cuộc đời mẹ ban
Quê hương gió nội mây ngàn ...

Hai năm thụ huấn hải nghiệp. Hai năm kỷ niệm khó quên. Hai năm đi bờ với áo trắng, xe lam, quán cơm Thanh Đạm, bida Thu, cà phê 108, v.v... Hai năm bát phố Độc Lập, quân phục tiểu lễ, đại lễ làm các em gái Nha Trang cứ tối sầm mắt nai "áo anh trắng quá nhìn chả ra"! Hai năm kinh sử quen dần những tháng nắng ngày mưa:

Ngày mai ăn Tết bằng chi nhỉ?
Ăn tết bằng hai cánh cửa quan.

Tháng 9 năm 1973 Đệ nhị Song Ngư mãn khóa, ra khơi. Giã từ phố biển Nha Trang, anh cùng bạn bè rời quân trường, được phân tán khắp 5 vùng duyên hải sông biển, theo chân cuộc chiến để được tôi luyện thêm, để phỉ chí hải hồ, phỉ chí ước mơ:

Ra sông
Biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông
Biết đời viễn vông, biết ta hãi hùng
Ra khơi
Thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới
Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới ...
                             (Viễn Du - Phạm Duy)

Ra khơi với ước vọng và niềm tin ngợp tràn. Lưu bút trong cuốn kỷ yếu khóa 24, nói về ước vọng thì đa số đều mong trở thành Hạm Trưởng để thủy chung với biển. Lưu bút của Trần Thiện Khải thì khôn nguôi: "Ước vọng rất lớn, viết không đủ". Và anh đã chọn Tuần duyên hạm (PGM) HQ 614 để phục vụ, giữ gìn bến bờ đất nước. Anh sống bình dị và làm việc tận tụy với đồng đội. Chức vụ sau cùng trên chiến hạm năm 1975 của anh là sĩ quan Hạm Phó.

Ra khơi, chung nhập cuộc chiến, vẫy vùng sông biển, bảo vệ quê hương. Biển trầm lặng, biển lạ kỳ và biển trở nên thân thiết sau những chuyến hải hành, sau những lần đón bình minh lên, nhìn hoàng hôn xuống, ghé những hải đảo xa, lang thang những bến bờ gần. Nhớ lắm biển quê hương, nhớ mùa biển động, nhớ sóng bạc đầu, nhớ Mũi Kê Gà, Mũi Dinh, Mũi Né, Hòn Khoai, Hòn Tre, Hòn Dung, Cù lao Xanh, Cù lao Thu, Cù lao Ré, v.v... nhớ đời.

Những ngày cuối tháng Tư 1975, Trần Thiện Khải theo đơn vị và phải rời bỏ Việt Nam. Đến Hoa Kỳ, anh chọn tiểu bang Rhode Island để định cư. Vừa đi làm và đi học, anh vào đại học University of Rhode Island tại Kingston, và tốt nghiệp Kỹ sư Hoá Học năm 1979.

Sau ngày 30/4/1975, Đệ Nhị Song Ngư vỡ đàn, bạn bè mỗi đứa mỗi phương. Tù đày, trôi nổi và lưu vong đã dạy mỗi đứa thêm những bài học mới để ươm chín trưởng thành. Thêm tuổi đời, trải qua những được và mất để theo thăng trầm của đời sống. Đó chẳng là số phần, cũng không là vận nước. Đó là truyện, truyện của những viên đá cuội rớt vào lòng biển khơi. Bạn bè mỗi người có một đời riêng, một suy nghĩ riêng, nhưng cùng một ước mơ chung về một vận hội mới cho quê hương và dân tộc.

Những năm cuối của thập niên 70, trên bàn cờ quốc tế thì Việt Nam bị xếp xó, lịch sử sang trang. Thế giới tự do cố quên Việt Nam Cộng Hòa. Những đồng minh cũ của Việt Nam Cộng Hòa quay lưng. Khối cộng sản thì tột đỉnh đắc thế. Riêng Việt Nam trong nước, thì tập đoàn Cộng sản Việt Nam ở tột đỉnh quyền lực, chế độ cộng sản tuyệt đối khống chế toàn dân, sẵn sàng đàn áp thẳng tay để củng cố tuyệt đối quyền lực. Hàng triệu quân dân miền Nam bị Nhà nước cộng sản trả thù và đày đọa qua các chính sách tập trung cải tạo, tịch thu tài sản, đi kinh tế mới. Thông tin bị bưng bít tuyệt đối, biên giới đường biển đường bộ bị kiểm soát nghiêm ngặt. Cả nước là một nhà tù khổng lồ. Kẻ ở người đi, gia đình ly tán. Tâm trạng người Việt trong và ngoài nước lúc bấy giờ hoang mang tương lai, vỡ tan niềm tin.

Với tình yêu đất nước và ước vọng khôn nguôi của mình, Trần Thiện Khải đã chọn con đường đấu tranh trực diện với cộng sản. Năm 1980 anh gia nhập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, anh đã cùng với những người tiên phong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam rời bỏ cuộc sống ấm êm hải ngoại, lên đường vào chiến khu, tiên phong mở đường xây dựng lại niềm tin vào sức mạnh của dân tộc, xây dựng lại niềm tin vào tiềm năng của chính người Việt Nam. Tiên phong làm lại từ đầu, tiên phong lội ngược giòng. Biết là nguy hiểm, biết là gian nan, là gai góc và cô đơn, nhưng vẫn quyết dấn thân với ý chí sắt thép, hy sinh tuyệt đối hạnh phúc cá nhân.

Từ chiến khu biên giới Thái Lào, những dòng nhạc rực lửa đấu tranh, những bài thơ bất khuất kiên cường của anh và các kháng chiến quân đã xúc động, thôi thúc, chinh phục lòng người:

Đường cách mạng là con đường cao cả
Ta vẫn bước đi dù trưa tối nắng mưa
Có lúc thác người dồn bước theo ta
Có lúc đơn độc nhưng ta vẫn bước.
               (KCQ Phan Minh Mẫn)

Trên vai một núi sông dài
Đường anh đi đường dài đây đó
Đường biên khu thu sang mùa lộng gió
Đường anh đi đường dài sẽ tới
Đường tương lai quê hương mình đổi mới
Nắng về thắm cuộc đời
                    (KCQ Nguyễn Văn Chí)

Sáng lên đồi nhìn mặt trời hồng
ngắm núi rừng mà thẹn với non sông.
Suối xa vang vọng bài Đông Tiến
Vạt nắng vương vương, lửa rực lòng.
                          (KCQ Võ Hoàng)

Vượt Trường Sơn đêm nay bước chân dài lòng ta mê say
Hành trang mang trên vai lá cây rừng còn in dấu giày
Thù chưa vơi nước non như giục lòng ai
Bước đi ta còn bước hoài, dù chông gai, hiểm nguy
Núi sông vẫn đang chờ mãi
Quyết thề cùng lòng chiến đấu cho một ngày mai ...
                              (KCQ Trần Thiện Khải)

Chiến hữu Trần Thiện Khải và chiến hữu Lý Thái Hùng (đội mũ) tại căn cứ 81 năm 1982
Anh đã chiến đấu không cô đơn. Anh có những chiến hữu cùng chung lưng gian khó. Tại hải ngoại, anh có bạn bè cùng nhập cuộc đấu tranh. Cách mạng thì đường dài. Thời gian như con nước và đời sống thì khôn lường thăng trầm. Một số chiến hữu, bạn bè của anh đã phải bỏ cuộc đấu tranh với ít nhiều lý do:

Mới hôm qua tao thấy mày cặm cụi
xếp từng bài cho báo kịp lên trang
mất súng đạn nhưng vẫn còn ngôn ngữ
còn trái tim đâu dễ đầu hàng

Nhưng sáng nay, nhận tin mày cưới vợ
điều đương nhiên sao tao bỗng buồn buồn
thêm thằng nữa theo chân nhau vào rọ
hạnh phúc đời, những mắt xích yêu thương!
                                          (Luân Hoán)

Chiến hữu Trần Thiện Khải và chiến hữu Lê Hồng tại căn cứ 81 năm 1982
Tháng 8 năm 1987, kháng chiến quân Trần Thiện Khải đã hy sinh trên đường Đông Tiến vượt biên giới xâm nhập Việt Nam. Anh đã sống trọn vẹn cho lời thề son sắt: "Đường chúng ta đi chỉ có hai cái đích. Cả hai cái đích đều vô cùng vinh quang và ý nghĩa. Một là giải phóng Tổ quốc Việt Nam. Hai là được anh dũng hy sinh cho đại cuộc giải phóng Tổ quốc Việt Nam".

Tổ quốc Việt Nam đã có trên 4000 năm. Với lịch sử của ngàn năm dựng nước và giữ nước, quê hương Việt Nam đã có những tháng, những năm sáng lạn và cũng có những thế kỷ, những triều đại tối tăm. Trong quá khứ, để vượt qua tối tăm, Mẹ Việt Nam đã luôn luôn có những đứa con anh hùng, sẵn sàng hy sinh bản thân, dựng cờ chính nghĩa, đấu tranh cho sự vẹn toàn lãnh thổ, đấu tranh cho sự trường tồn của dân tộc, cho tự do quê hương.

Lịch sử cận đại của dân tộc, lịch sử chống cộng sản, không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản trên quê hương, Mẹ Việt Nam có rất nhiều những đứa con anh hùng của thế kỷ 20 đã đi vào dòng sử của dân tộc. Trong đó có các kháng chiến quân Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã hy sinh, gục ngã hay bị bắt trên thềm biên giới, hoặc sa cơ trong lòng đất mẹ.

Kháng chiến quân Trần Thiện Khải đã hy sinh khi chưa hoàn thành ước vọng giải phóng đất nước. Sự hy sinh của anh là ngọn nến nhỏ thắp sáng thêm niềm tin của bạn bè, nung đúc thêm ý chí và quyết tâm của những chiến hữu đang tiếp nối đấu tranh để cùng toàn dân giải phóng quê hương, và canh tân đất nước:

Sẽ có một ngày tôi trở về
cùng bạn bè tôi
những người Việt năm châu
xây lại quê hương từ đớn đau đổ vỡ

Dù đường đi có dài lâu
dù gian nguy cách mấy
Chắc chắn một ngày tôi trở về
Như bình minh tất đến của một ngày.
         (Một ngày tất đến - Khúc Lan)

Xin chào anh, xin gửi anh những ầm ì của sóng, những rì rào của gió, những lao xao của biển. Tiếng hát nhân ngư ru anh giấc mộng lành...


Tiếc Thương Trần Thiện Khải

Tưởng niệm tác giả của Trăng Chiến Khu và Đông Tiến, đã hy sinh đáp lời sông núi

Chiều bên trời thương Trần Thiện Khải
Vào cỏ mây trút nhẹ đời trai
Chặng đường rừng ngút ngàn lối mẹ
Trăng Chiến Khu hoang vắng ngõ dài

Con suối nào mát lối anh qua
Núi đồi nào thi gan cao cả
Góc trời nào mây mù giăng lối
Giang sơn nào ngọa quỷ trả ta

Khắc khoải lòng u uất thức thao
Bước tha hương xoay cuồng manh áo
Vùng đất mẹ lòng đau quặn thắt
Đông Tiến người phất ngọn cờ cao

Anh ước gì dân tộc Ấm No
Anh ước chi Hoà Bình trước ngõ
Anh ước sao mẹ già Hạnh Phúc
Anh ước nào tuổi trẻ Tự Do

Dặm đường về hiên ngang chí cả
Gan dạ buồn lê nỗi xót xa
Nhạc tựa thơ lòng, nung huyết hận
Áo thô tay đàn kình sỏi đá

Tim Việt Nam khơi hồn quốc tổ
Công lý đòi máu chảy xương khô
Hy sinh từ cha ông dựng nước
Anh dâng mình trơ trọi nấm mồ

Chiều mây lững lờ treo đất lạ
Đoá hoa lòng gửi đến miền xa
Nơi anh nằm lung lay tuế nguyệt
Lửa linh thiêng soi sáng mọi nhà

Cát Biển

Nghe Người Khóc Bạn

Trong thinh vắng nghe người thương khóc bạn
Đếm lòng mình từng tiễn mấy người thân
Ngày cắt xuồng, tim máu vỡ chạy rân
Tàu máy tiến, hồn bơi về ngược sóng

Sinh tử cuộc chơi chỉ hồng sự sống
Tuổi trẻ nhìn, cười mỉm bước thong dong
Cùng anh em trao ước nguyện một lòng
Đi hay ở từng cho mình đã mất

Ngày mới lớn đời ban ta chất mật
Thương chân tình nghĩa khí lũ bạn thân
Cuộc phân qua từng đứa mất đi dần
Vào cõi lạ bạc vôi đời tẻ nhạt

Dưới trăng khuya vang lời ai khóc bạn
Cùng - biến - thông, xin chấp nhận cuộc đời
Đổi đau thương thành chất thép kiên cường
Mời rượu uống cho một ngày quật khởi

Cát Biển