Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Chỉ Có Một Lần Chết, Làm Sao Chết Cho Vinh Quang!

Xuân Lộc
Viết theo tâm tình của KCQ Hoàng Trung (Đặng Quốc Dũng)

Quãng đời ý nghĩa nhất và đáng hãnh diện nhất của tôi là lúc tôi tham gia Kháng Chiến và đi vào chiến khu. Thời gian mấy chục năm đã qua đi, trí nhớ trở nên kém cỏi, tôi không thể nhớ hết những gì đã xảy ra, nhưng tôi vẫn muốn một lần kể ra tất cả, nói cho anh em đã nằm xuống, nếu không, thì không phải với những người đã hy sinh.

KCQ Hoàng Trung tại Washington DC cầm cờ đấu tranh cho dân chủ

Thù Nhà...

Vào thời điểm cuối thập niên 80, lúc ấy tôi mới chỉ là một cậu bé 14, 15 tuổi, nhưng thù nhà đã sục sôi vì phải chứng kiến những đối xử bất công của người cộng sản đối với ba tôi, là một thương phế binh của QLVNCH. Vào dịp Tết, ngày họp mặt thiêng liêng của gia đình, họ ra lệnh tập trung tất cả các cựu quân nhân của chế độ cũ, trong đó có ba tôi, không cho ở nhà, họ dắt đi đâu không biết, đến sau Tết mới thả về.

Họ buộc ba tôi phải đi làm công tác xã hội như bắc cầu, làm trường học, mà không cho tôi thay thế khi ông đau yếu. Sau này tôi mới hiểu rằng đó là biện pháp an ninh của cộng sản. Mỗi khi lễ, Tết hay những ngày kỷ niệm gì đó, họ đều kêu tất cả những người như cha tôi tập trung lại một chỗ cho dễ bề kiểm soát. Tôi thương cha và đau lòng lắm, nhưng không biết làm sao để giúp đỡ cho cha được. Bên cạnh đó tôi lại bị kỳ thị là con của "ngụy quân, ngụy quyền", nên cuộc sống lúc nào cũng căng thẳng, khổ nhục vì bị chèn ép, lấn áp.

Tôi vô cùng chán nản và bất mãn. Cho đến năm 1986, năm tôi 19 tuổi, vào một buổi sáng, họ đến nhà tôi với lệnh gọi tôi nhập ngũ, nhưng tôi không có nhà. Không biết họ bắt buộc thế nào mà má tôi phải ký vào đó, trong khi má tôi không biết chữ.

Sau đó thì họ bắt buộc tôi phải đi, nếu không đi, họ bắt gia đình phải đi tù. Cha mẹ tôi đã quá cực khổ, tôi không thể nào nhìn cha mẹ phải chịu cực khổ hơn nữa vì tôi, nên tôi quyết định đi bộ đội, mà trong lòng mang nặng mối căm thù chế độ.

Quê tôi ở Trà Vinh, tôi được đưa đi huấn luyện ở Đồng Tâm 3 tháng thì họ đưa sang Kampuchia. Ở Kampuchia được 5 ngày thì tôi cùng 12 người bỏ trốn sang Thái Lan. Trên đường đi vì không biết đường và không dự trù lương thực; chúng tôi đã lạc nhau, khi đến được đất Thái thì chỉ còn lại có 3 anh em. Chúng tôi bị chính quyền Thái Lan bắt ở tù 5, 6 tháng vì tội nhập cảnh bất hợp pháp; sau đó chúng tôi được đưa vào trại tỵ nạn, thời gian đó là vào khoảng tháng 5, tháng 6 năm 1987. Ở trong trại chúng tôi có nghe nói đến những tổ chức Phục Quốc. Tôi mừng lắm vì thực ra tôi không có ý định đi đến sống ở một nước khác, tôi chỉ muốn sống ở Việt Nam với một chế độ khác chứ không phải chế độ cộng sản.

Sau một thời gian ở trại, tôi có nghe nói về trận đánh ở Nam Lào giữa Việt cộng và đoàn kháng chiến quân của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Báo chí ở trong trại có đăng, nhưng chúng tôi lý luận rằng cộng sản chỉ tuyên truyền để mong làm mất niềm tin của mọi người, nên chúng tôi không tin gì cả. Tôi vẫn nhớ người ta thường nói "Đừng nghe những gì cộng sản nói...".

Nợ Nước...

Khi trốn khỏi hàng ngũ bộ đội, chúng tôi chỉ nghĩ làm sao thoát khỏi cảnh đi lính cho chế độ hiện tại, chúng tôi không muốn phục vụ cho chủ nghĩa cộng sản. Một thời gian sau, khi nghe có đại diện Mặt Trận vào trại tuyển mộ người thì chúng tôi vui lắm, tôi và một người bạn cùng bị bắt đi bộ đội ngày trước đã ghi tên tham gia. Còn người bạn thứ ba thì đi định cư ở nước ngoài. Lúc ấy chúng tôi tham gia Mặt Trận vì thù nhà nhiều hơn chứ không nghĩ gì đến lý tưởng xa xôi. Tôi còn trẻ chưa ý thức được rõ ràng, sau này khi được học tập trong chiến khu, tôi mới trang bị cho mình được một ý niệm đấu tranh vững vàng hơn.

Lúc gia nhập Mặt Trận, chúng tôi cũng không nghĩ ngợi gì sâu xa, cứ nghĩ là mình sẽ trở về Việt Nam và rồi cũng cầm súng để đánh trả lại những người cộng sản. Tôi đã nói với bạn tôi rằng con người có một lần sinh và một lần chết, thì mình phải chết làm sao cho có ý nghĩa.

Chúng tôi ghi tên gia nhập Mặt Trận vào khoảng tháng 9, tháng 10 năm 87, thì đến tháng 12 chúng tôi từ giã trại tỵ nạn để đi vào khu chiến. Chuyến chúng tôi đi có 4 người, người dân trong trại đã ra đưa tiễn và hoan hô tinh thần trở về phục quốc của chúng tôi. Lúc ấy tôi đã hẹn với bà con là: Thôi ta hẹn nhau trong ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Mình sẽ gặp lại. Khi ấy một chiến hữu ngồi trên xe nói: đâu phải miền Nam, phải là Việt Nam chứ!.

Chiến Khu Xưa...

Chúng tôi từ giã trại tỵ nạn vào buổi chiều tháng 12 năm 1987, đến gần sáng thì tới một căn cứ, dường như mới bắt đầu thành lập. Các kháng chiến quân cũ đã thực hiện một buổi lễ đón chào chúng tôi - những tân kháng chiến quân - điều làm chúng tôi rất xúc động, nhất là thấy lại được lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu. Chúng tôi được phát đồ dùng cá nhân, và bắt đầu tham dự các khóa huấn luyện.

Lễ chào mừng tân KCQ tại căn cứ Chí Linh năm 1988 dưới sự chủ tọa của chiến hữu Đào Bá Kế.
Các tân KCQ tuyên thệ tại căn cứ Chí Linh 1988
Lớp học đầu tiên là khoá căn bản của người Kháng Chiến Quân (KCQ) về đời sống chiến khu. Có khoảng 3, 4 chục bài học về đời sống của KCQ, từ cách phòng thủ, đến mưu sinh thoát hiểm. Sau khi học xong mới thấy mình trưởng thành và có những suy nghĩ khác với lúc mới vào. Vì khi ghi tên vào chiến khu, mình chỉ nghĩ đến tác chiến, đến đánh nhau, nhưng sau khi học xong mới hiểu đường lối của tổ chức không phải là đối đầu với địch bằng võ trang, mà lực lượng võ trang chỉ dùng để bảo vệ thành quả chính trị.

Kháng chiến quân được hướng dẫn huấn luyện về đấu tranh vận dụng nhiều hơn là quân sự. Về quân sự chỉ được học cách phòng thủ, cách ngụy trang khi di hành để khi đi qua các địa điểm của địch sẽ không dễ bị địch phát giác và khi địch tấn công thì mình tránh né, rút quân như thế nào chứ không học cách tấn công họ. Tôi hoàn toàn đồng ý với đường lối của Mặt Trận vì ngay lúc đó, cộng sản Việt Nam có một lực lượng quân sự lớn, tài nguyên đất nước họ nắm trong tay, trong khi chúng ta không có tài sản, tài lực gì cả, cho nên đối đầu với cộng sản về quân sự, mình sẽ không thành công được. Vả lại, cuộc đấu tranh này sẽ không thể quy trách nhiệm, hay giao khoán cho bất kỳ một lực lượng nào, mà chúng ta phải vận dụng sức mạnh của toàn dân. Muốn như vậy, đòi hỏi người cán bộ đấu tranh phải kiên nhẫn và có nhiều thời gian. Điều này khiến chúng tôi thấy có nhiều cơ hội chiến thắng hơn so với việc mở cuộc tấn công địch bằng võ lực.

Các khóa học được xen kẽ giữa quân sự và chính trị. Chiến hữu Đào Bá Kế tức chiến hữu Trần Quang Đô là người chỉ huy, và có nhiều cán bộ hướng dẫn khác. Riêng khóa huấn luyện đặc biệt để thành cán bộ chính trị, thì chỉ dành cho một số người được cấp chỉ huy lựa chọn, gọi là khoá quân chính thì do chiến hữu Ngô Chí Dũng hướng dẫn. Mục đích của khóa quân chính nặng về đấu tranh vận dụng, khi xâm nhập trong nước, phải vận động đồng bào như thế nào, làm sao giải nghĩa được mục đích của cuộc Kháng chiến này cho nhiều người biết và vận dụng họ đứng trong hàng ngũ của mình, ít nhất là ủng hộ mình. Khóa học này kéo dài khoảng 1 tháng.

Các Kháng Chiến Quân cũng được học về lịch sử 100 năm cận đại, học kinh nghiệm thời cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Khóa học này do chiến hữu Nguyễn Đức Thắng hướng dẫn. Một khóa học khác là khóa Ủy Ban Kháng Quản, khóa học này chỉ có trong những năm đầu, sau năm 1987 thì không còn nữa, và những người được huấn luyện sau đó trở về lại trong nước, hoạt động trong thành, không qua bên lực lượng võ trang.

KCQ Hoàng Trung tại căn cứ Chí Linh năm 1989

Chiến hữu Ngô Chí Dũng (quần áo đen) và chiến hữu Quốc Dũng (KCQ Hoàng Trung),
dân đoàn trưởng Dân Đoàn 419 chứng nhận lễ tuyên thệ gia nhập Việt Tân
của một kháng chiến quân tại Căn Cứ Chí Linh năm 1989
Đối với các khóa học căn bản, nếu học liên tục thì chừng vài tháng là xong, nhưng vì vừa học vừa sinh hoạt tập luyện để cho người Kháng chiến quạn có khái niệm về đấu tranh chính trị và rèn luyện thể lực nên thời gian kéo dài lâu hơn. Và tùy theo nhu cầu cũng như tình hình đấu tranh, từng toán quân sẽ được đưa vào trong nước. Khi đoàn quân xâm nhập được vào Việt Nam, thì sẽ tạo khu chiến an toàn, sau đó tìm cách gặp dân, sống hòa với dân, và vận động người dân đứng lên đấu tranh.

Những kháng chiên quân thuộc khóa của tôi 2 năm sau mới xâm nhập về nước, tức là khoảng cuối tháng 9 năm 1989 đoàn quân lên đường. Chỉ có chiến hữu Lắm và tôi được giữ lại chiến khu để tham gia vào đội ngũ cán bộ huấn luyện.

Tổng kết khi xong khoá học, chúng tôi có khoảng 70 đến 80 người. Ban chỉ huy lúc ban đầu có đông người, nhưng sau đó vì nhu cầu công tác nên chỉ còn chiến hữu Đào Bá Kế, Nguyễn Văn Hoà, sau này có những tân kháng chiến quân nguyên là cựu quân nhân của Quân Lực VNCH, họ trở thành những người lãnh đạo đoàn quân sau này.

Định Mệnh...

Năm 1989, khi đoàn quân của Kháng Chiến Việt Nam bắt đầu xâm nhập về nước, thì tình hình chính trị tại Thái Lan bắt đầu thay đổi, quân đội Thái muốn hỗ trợ Kháng Chiến Việt Nam, nhưng chính quyền Thái muốn bắt tay với cộng sản Việt Nam và Thủ tướng Thái lúc đó đã tuyên bố muốn biến chiến trường Đông Dương thành thị trường Đông Dương.

Cho đến khoảng năm 1990, người Thái quyết định không cho Mặt Trận vào trại để tuyển mộ tân kháng chiến quân nữa nên mọi việc huấn luyện đều phải tạm ngưng, anh em rút về căn cứ của đài Việt Nam Kháng Chiến để chờ. Lúc ấy, chiến hữu Ngô Chí Dũng có cho tôi biết là mình đang chờ phía quân đội Thái xem họ có giúp được gì không, nếu được thì sẽ tiếp tục tuyển mộ người để huấn luyện trở về Việt Nam kháng chiến.

Tôi phụ việc ở đài trên dưới một năm, đến khoảng tháng 9, tháng 10 năm 1990 thì chính quyền Thái không muốn Mặt Trận hoạt động trên đất của họ nữa, và đề nghị mọi người trở lại trại tỵ nạn. Lúc đó, một vài chiến hữu đã được đưa trở lại trại tỵ nạn vì tình hình khá căng thẳng. Nhưng chiến hữu Ngô Chí Dũng muốn bằng mọi cách, phải duy trì đài phát thanh càng lâu càng tốt. Chiến hữu Dũng đã vận động ráo riết với phiá Thái Lan, và kết quả sau cùng là họ cho mình tiếp tục hoạt động trên đất Thái, đó là khoảng tháng 12 năm 1990. Các chiến hữu trước kia phải trở lại trại tỵ nạn đã được đón về đài để tiếp tục làm việc. Khi đó, tôi nghĩ là Mặt Trận sẽ tiếp tục tuyển quân và tôi sẽ được trở về chiến khu để tiếp tục công việc huấn luyện. Nhưng chẳng được bao lâu, đến tháng 1 năm 1991, Thái Lan lại đổi ý và đòi giải tán đài Việt Nam Kháng Chiến.

Tôi và một số chiến hữu được đưa trở lại trại tỵ nạn. Chúng tôi không làm đơn đi định cư, mà chờ liên lạc với Tổng Vụ Hải Ngoại. Sau cùng thì Mặt Trận cho biết chính quyền Thái không thể cho kháng chiến tiếp tục hoạt động nên chúng tôi mới nộp đơn xin đi định cư quốc gia đệ tam. Sau vài năm chờ đợi thủ tục, vào tháng 6 năm 1993, tôi được đi định cư tại Hoa Kỳ, lúc đó vợ tôi đang mang bầu. Tôi sang Mỹ được mười mấy ngày sau thì đứa con đầu lòng của tôi chào đời trên đất Thái. Tôi bảo lãnh vợ con tôi, đến tháng 3 năm 1995 bà xã tôi mới sang đến Mỹ và gia đình tôi đoàn tụ từ đó.

Đoạn Đường Trước Mặt

Mấy chục năm qua định cư ở xứ người, tôi chưa hề về thăm gia đình còn kẹt lại Việt Nam. Khi tôi rời bỏ khỏi hàng ngũ bộ đội, thì họ báo là tôi mất tích, cho đến năm 1991 tôi trở lại trại tỵ nạn, tôi mới liên lạc với gia đình. Gia đình tôi mong tôi về thăm nhưng tôi không muốn về khi còn ách độc tài cộng sản; nhưng để cho gia đình không lo tôi đã cố gắng giải thích là vì thiếu tiền và không thuận lợi.

Nhớ lại ngày bước chân vào chiến khu, tôi vẫn bồi hồi xúc động trong niềm hãnh diện đã được sống cận kề với những chiến hữu quả cảm, mà bây giờ không biết sống chết ra sao.
Tôi nhớ chiến hữu Ngô Chí Dũng. Khi được biết chiến hữu Dũng trở về từ Nhật thì tôi mới hiểu thêm được tại sao chiến hữu Dũng thường ca tụng gương hy sinh của các vị tướng Nhật là khi ra trận nếu lỡ thất trận thì không trở về mà phải tự xử cho xứng đáng là một vị tướng.

Tôi nhớ đến người bạn thân cùng trốn khỏi hàng ngũ bộ đội, cùng gia nhập Mặt Trận một lượt với tôi, sau đó chúng tôi được chia nhau đi học khóa đặc biệt về truyền tin vào tháng 5 năm 89. Sau khóa học, bạn tôi và một người nữa được đưa ra căn cứ khác để thực tập, còn tôi và 4 chiến hữu khác trở lại khu chiến. Sau đó tôi được may mắn đón tiếp phái đoàn hải ngoại vào tháng 6 năm 89. Sau khi công tác xong khoảng tháng 7 tháng 8, chúng tôi hoán chuyển công tác, và hai chiến hữu kia trở vào lại chiến khu. Chúng tôi không gặp được nhau từ dạo đó, và tôi cũng không còn biết tin gì của bạn nữa. Sau này tôi có hỏi thăm gia đình anh, thì được cho biết là anh bị mất tích.

Chiến hữu Trần Đức huấn luyện cứu thương cho các KCQ thuộc Quyết Đoàn 1419 tại căn cứ Chí Linh năm 1989.
Tôi nhớ bài học đầu tiên về đời sống chiến khu, dạy chúng tôi rằng đây là đời sống không bình thường, đời sống ấy không dành cho tất cả mọi người, mà chỉ dành cho những người có lý tưởng, sẵn sàng sống chết vì lý tưởng đó.

Vì nếu không vì lý tưởng thì khi đụng chạm với thực tế của đời sống chiến khu sẽ vô cùng vất vả và dễ nản lòng chứ không đơn giản như người ta thường thi vị hoá một đời sống không tưởng nào đó. Ở chiến khu từ ăn uống, cho đến quần áo, không có gì là đầy đủ, chỉ từ vừa đủ cho đến thiếu. Thế nhưng đời sống ấy đã rất đáng sống vì nó đã tạo cho chúng tôi, những người KCQ một nếp sống đẹp hiếm có.

Thực vậy, tôi xin chân thành chia xẻ là tập thể Kháng chiến quân là một tập thể đáng kính hơn hết mà chúng tôi cảm nhận được. Trong chiến khu, không bao giờ nghe được tiếng chửi thề. Ngày vào bộ đội, rồi vào trại tỵ nạn, tôi nghe chửi thề đã quen, vì những điều này không thể thiếu trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, thế nhưng sau một thời gian ở chiến khu, không còn ai nghe được những tiếng này, mọi người như đã bỏ chúng lại ở bìa rừng nào đó, để trang bị cho mình một tâm hồn đẹp, lễ giáo, nhân hậu cho trọng trách giải phóng và Canh Tân Việt Nam.

Đời sống chiến khu cũng đã rèn luyện cho chúng tôi tinh thần bảo mật cao độ. Không hỏi và không biết đến những gì không phải phần việc của mình. Ngay việc mất còn của chiến hữu Chủ Tịch và các chiến hữu tiên phong, cũng không nghe ai nói gì, chúng tôi cũng không hỏi và không tò mò thắc mắc.

Vài năm trước đây, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng được công khai hóa, đã khiến tôi cảm thấy nhẹ nhàng và sung sướng hơn, vì là một đảng viên Việt Tân hoạt động bí mật trong khu chiến, tôi luôn ao ước một ngày, đảng Việt Tân công khai hoạt động tại hải ngoại và ngay cả trong nước. Có như vậy, người dân mới thấy được đường lối đấu tranh đúng đắn khả thi và nhân bản của Việt Tân, để cùng tham gia vào công cuộc chung như lời kêu gọi của Thầy: "Lấy sức mạnh toàn dân làm căn bản".

Từ ngày định cư ở Mỹ cho đến nay, biết khả năng mình có giới hạn, biết sinh hoạt đấu tranh của Mặt Trận ở ngoài này khác với trong chiến khu, và khi làm việc thì cũng đòi hỏi khả năng khác nữa, nên tôi luôn tham dự các cuộc biểu tình và các hình thức đấu tranh khác của Mặt Trận.

Thời gian gần đây, đời sống gia đình tôi tương đối ổn định, tôi muốn đóng góp cho tổ chức. Tôi tin những kinh nghiệm của tôi có thể kết hợp với khả năng của những chiến hữu trẻ, để Việt Tân có một đội ngũ kế thừa có khả năng viết một trang sử mới tốt đẹp cho dân tộc.

KCQ Hoàng Trung trong đoàn biểu tình ở Washington DC