Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Người Của Đông Tiến

Vân Tú

Tại sao tôi lang thang ở đây? Los Gatos trời đẹp, cái đẹp chớm xuân với ánh nắng vàng ươm và những bông hoa đỏ nhạt mong manh rung nhẹ trong gió. Mọi sự chung quanh tôi êm ả dị kỳ vì nó như ở ngoài tôi, không dính dáng gì đến suy nghĩ của tôi, không liên hệ gì đến tôi. "Tự do ở đây là tự do của người. Tinh thần mình vẫn chưa được tự do vì còn nặng nợ với những người ở lại".

Cái đẹp ở đây cũng vậy. Nó không bắt rễ nơi tôi, không làm tôi rung động. Giá bây giờ có một chiếc võng bên cây xoài nằm dài nhìn ngọn mướp đu đưa hoa vàng. Hình ảnh chợt đến. Và anh cũng chợt hiện ra nơi đây như chia sẻ với tôi, giống như ngày nào hai đứa cùng nhìn những con cá vàng đủ màu thật đẹp bơi dưới con suối nhỏ chảy qua chiếc cầu dẫn đến Kamakura. Hôm đó anh cười ngất: "Nước mình chắc phải vài chục năm nữa sau giải phóng may ra mới có cái cảnh này". Khi thấy tôi nhướng mày tỏ ý không hiểu, anh bảo Việt cộng nó vét hết của cải, nhân lực tài lực phục vụ Liên Xô và guồng máy cai trị, Việt Nam nghèo lắm. Cứu nước xong, thắt lưng buộc bụng, cả vài chục năm mới dựng lại được nước. Vì vậy phải về càng sớm càng tốt. Đó là năm 1978, anh mới có 25 tuổi. Chúng ta đang ở vào những nỗi đau tuyệt vọng. Hay bất lực. Anh đã lao vào cuộc chiến đấu ngay từ đầu với một chọn lựa rõ rệt dứt khoát. Nhưng còn tôi?

Phùng Tấn Hiệp (tay phải) tham gia cuộc biểu tình chống chuyến ăn mày viện trợ
của Bộ Trưởng Ngoại Giao Hà Nội Nguyễn Duy Trinh trước sứ quan CSVN
tại Tokyo vào tháng 10 năm 1978.
Tôi hồi đó vẫn có những cái day dứt "thời thượng". Những câu hỏi trả lời hàng đêm trong căn phòng hai chiếu rưỡi, chỉ đủ kê một cái giường và một cái bàn viết nhỏ, tôi chợt thức chợt ngủ với những câu trả lời không đến.Tại sao tôi bỏ nước ra đi? Yếu tố gì khiến người trẻ như anh -và nhiều anh em khác trẻ hơn tôi cả giáp- lao đầu vào cuộc đấu tranh này?

Người bạn Nhật già đời trong nghề đã nói với tôi một câu mà sau này trở thành một thách đố đối với chúng tôi: "Đối với mọi người, vấn đề Việt Nam đã chấm dứt". Mọi người là ai? Tôi, anh, bạn bè chúng ta đang ở trong trại cải tạo, đang dật dờ ở các đảo, hơn 50 triệu người lây lất ở Việt Nam? Hay là người bạn Nhật ung dung sáng đến sở, chiều ra quán nhậu thịt gà nước uống saké, cuối tuần đi đánh tennis? Hay người lính Mỹ mà bất cứ tai biến nào xảy ra trong cuộc đời còn lại của họ cũng được các nhà phân tâm kết luận là vì ảnh hưởng cuộc chiến Việt Nam?

Một anh bạn trẻ khác, giữa đêm giao thừa cùng đi lang thang trong tuyết nhẹ ở vùng biển Kamakura đã hỏi tôi: "Đàn anh để lại gì cho tụi tôi?". Một câu hỏi khác tôi cũng được nghe trong chuyến xe điện từ Shinuku: "Bấu víu vào đâu để từ đó chúng tôi đi?". Tôi chưa có dịp nào ngồi lại một lần nữa với anh để nói về những câu trả lời. Vả lại, kể từ tháng 8 năm 1981, câu trả lời đã thành hiện thực. Các anh đã về.

KCQ Phùng Tấn Hiệp dẫn đầu trong một chuyến đi tải
Tôi nhớ đến Nguyễn Thái Học. Lần đầu tiên khi đến quán sách Đồng Văn Thư Xã, ông đang là một sinh viên. Ngày ông cầm đầu Việt Nam Quốc Dân Đảng, ông chỉ mới 27 tuổi. Lúc đó có khác gì 1978? Cái hào khí can vân không ở chỗ đứng lên chống Pháp. Cái đáng trọng là tìm ra con đường đi. Nếu bắt đầu từ cụ Phan Đình Phùng, công cuộc đối kháng toan tính đuổi thực dân Pháp đã đi đến một khúc quanh quan trọng sau khi Đề Thám bị thất bại. Người sinh viên trẻ của trường Cao Đẳng hẳn cũng tự hỏi những câu hỏi mà tôi được nghe nửa thế kỷ sau đó. Những giá trị cũ như Văn Thân, Cần Vương đã lui vào quá khứ. Cả đến Đông Du, Duy Tân cũng đã chứng minh không phải phương cách hữu hiệu để giành lại giang sơn.

Nguyễn Thái Học đã đứng trước nan đề của dân tộc, của đấu tranh và của chính ông. Và rồi còn Nguyễn Trãi. Hai mươi tuổi Nguyễn Trãi đã đỗ đại khoa và sau đó, khi cha bị bắt đưa sang Tàu, ông đã trọn hiếu theo cha. Nguyễn Phi Khanh đã phân tích chữ hiếu rộng rãi, đầy khí phách để Nguyễn Trãi thấy ra thế nào là đại hiếu: "Trãi con ơi, tận trung là tận hiếu. Về ngay đi, ghi nhớ hận Nam Quan". Từ quãng đường Nam Quan đến Lỗi Giang và suốt khoảng thời gian hơn hai mươi năm trời đó, Nguyễn Trãi nghĩ gì? Có vẻ như các câu hỏi đặt cho ông cũng sẽ được đặt lại cho Nguyễn Thái Học. Cái giá trị cũ đã bị hủy diệt. Nhà Hậu Trần với Trần Phế Đế đã thật sự không là biểu tượng cho quốc gia dân tộc nữa. Nhà Hồ, dù với một người tài giỏi như Hồ Quý Ly, nhưng chưa có thời gian để những cải cách thấm sâu vào lòng người, đã không thể trở thành một biểu tượng cho toàn dân nhìn vào.

Cái mà Nguyễn Thái Học đi tìm, cái mà Nguyễn Trãi từng đi tìm, năm 1978, Phùng Tấn Hiệp và biết bao người trẻ tuổi cũng đi tìm.

Những ngày sống ở Đông Kinh là những ngày sôi động với tôi. Và với Hiệp nữa. Sự kết hợp chặt chẽ của tổ chức đấu tranh tại Nhật giúp những người tị nạn mới tới có cơ hội tham gia. Tôi nhớ những lần biểu tình chống Phan Hiền, Nguyễn Duy Trinh đến Nhật toan vận động viện trợ. Tôi nhớ những lần đụng độ với những bọn tay sai cộng sản ở vườn hoa trước Trung Tâm Báo Chí Nhật. Những đêm hội thảo, những lúc ngồi bên lò sưởi dầu nhỏ bé nghe gió Đông rít qua khe liếp...

Nhưng vẫn có cái gì đó không, hoặc đúng ra, chưa được trả lời. Tai sao Nguyễn Thái Học không nghĩ đến việc phò vua Bảo Đại, dựng lại triều Nguyễn? Tại sao Nguyễn Trãi không tìm tôn thất nhà Trần để dựng cờ như Trần Quý Khoách, Đặng Dung, để rồi "thế sự du du nại lão hà... kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma"? Miền Nam tan rã sau 1975 nhưng còn khối gì lãnh tụ đang bương bả? Một anh bạn trẻ giữa đêm hỏi tôi ở sân trại Fujisawa: "Tụi tôi còn trẻ quá, muốn có một vị nào đứng ra để theo". Tôi ngạc nhiên nhìn anh. Và buồn.... Nguyễn Thái Học không thờ Bảo Đại, Nguyễn Trãi không đi tìm con cháu nhà Trần, chẳng lẽ anh, những người trẻ như Phùng Tấn Hiệp lại đi dựng lại những pho tượng đã rã?

Việt Nam vào những năm 1420 (Nguyễn Trãi), 1930 (Nguyễn Thái Học) và 1975 (Phùng Tấn Hiệp) có gì khác nhau chăng? Những cơ chế cũ, những giá trị đương thời, những chiếc bình vôi sứt miệng, đâu còn lợi ích gì nữa. Những người trẻ tuổi bao giờ cũng có linh giác bén nhạy về những giá trị lỗi thời. Hai mươi tuổi, Nguyễn Trãi dâng Bình Ngô Sách. Hai muơi bảy tuổi, Nguyễn Thái Học lập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Vì không thể phù Trần. Vì không thể Cần Vương. Hai mươi hai tuổi vào mật khu Đồng Bò, lập căn cứ Gò Cà; hai mươi lăm tuổi vượt biển; hai mươi bảy tuổi tìm đường trở về... Phùng Tấn Hiệp chỉ là tuổi trẻ Việt Nam nối dài.

Khi mà cái khung chưa dựng xong, khi mà cái thế chưa tạo được, những người như Hiệp không thể ngồi yên nhìn những ước mơ trôi theo ngày tháng. Đài phát thanh là điều ai cũng nghĩ tới. Và thấy rằng đó chỉ là ước mơ ngoài tầm tay với. Nhưng Hiệp không ngồi yên. Anh loay hoay. Trong những lần nói chuyện sôi nổi, mọi người nghĩ đến đài được dựng trên một tàu đánh cá ngoài khơi biển Đông, phát thanh hướng về Việt Nam. Hiệp và nhiều anh em khác vận động, chuẩn bị, từ việc đi lo máy móc đến thăm tàu thăm ghe. Dự tính cuối cùng phải gác vì quá nhiều trở ngại và bất trắc. Các dữ kiện không nằm trong tay mình và không làm chủ được hành động thì không làm. Nguyễn Trãi từ lúc lâm biệt cha cho đến khi gặp Bình Định Vương Lê Lợi đã làm gì, sử sách không ghi. Nhưng hẳn là không ngồi yên được. Nguyễn Thái Học khi bàn với Nhượng Tống ở Đồng Văn Thư Xã hẳn cũng đã toan tính nhiều việc. Như Phùng Tấn Hiêp bương bả đi lập đài phát thanh.

Tôi rời Nhật đi định cư ở Mỹ. Người khác đi Úc, đi Thụy Sĩ... Vào những năm 1978, đến Nhật, người tỵ nạn có nhiều hy vọng định cư ở bất cứ quốc gia nào mình chọn, nhờ sự giúp đỡ ngấm ngầm của chính phủ Nhật. Nước Nhật lúc đó không có chính sách nhận người tỵ nạn. Tôi xin đi Mỹ nhưng Hiệp chọn ở lại Nhật, như lời anh nói: "Đi đâu cũng vậy, ở đây có cơ hội đấu tranh nhiều hơn, và gần Việt Nam hơn".

Khi toán tiền phương trở về đất mẹ vào tháng Ba 1981, tôi biết sẽ có Hiệp và nhiều người trẻ mà tôi đã gặp. Tôi không hỏi ai về, nhưng tôi có thể nói chính xác là ai sẽ về. Chẳng qua là một tiến trình suy luận hợp lý.

Phúc thu thỉ tín dân do thủy
Thị hiểm na bằng mệnh tại thiên.

Nguyễn Trãi viết trong thơ Quan Hải. Khi thuyền bị lật mới tin sức dân như sức nước. Cậy đất hiểm khó dựa, mệnh là ở trời. Cái lý nó giản dị nhưng khó thấy và thấy được rồi, vận động được cái lý đó không phải là chuyện ngày một ngày hai. Hồ Quý Ly biết mình thua vì không có sức dân. Miền Nam Việt Nam thua năm 1975 vì có những kẻ làm lãnh tụ mà coi dân như cỏ rác. Cho đến khi thuyền lật. Cho đến lúc Trương Phụ và quân Minh kéo vào. Cho đến lúc bạo quyền cộng sản Hà Nội kéo xe tăng Nga vào.

Cái lý giản dị đó nay đã được Cương Lĩnh vạch ra. Sức dân là chính. Sức dân Việt chứ không phải dân Mỹ dân Tàu. Cái mà Hiệp loay hoay đi tìm đã tới. Toán tiên phong trở về. Tất nhiên là có Phùng Tấn Hiệp.

Những cuộc đời lớn thường có những kết thúc đặc biệt. Nguyễn Trãi bị oan khuất nhưng chỉ đến đời vua Lê Thánh Tôn là tiếng oan được rửa. Nguyễn Thái Học vươn cổ trên máy chém với tiếng hô Việt Nam muôn năm. Phùng Tấn Hiệp nằm xuống trên đường Đông Tiến giữa lúc Tổ Quốc đang cần anh.

Tùng Nhiên địa hạ quy lai kiến nhị tẩu
Diện hậu, tâm quỷ, thần thảm thương.

Cao Bá Quát khi tiễn Nguyễn Trúc Khê ra nhận chức tại phủ Thường Tín có làm một bài thơ trong đó mắng bọn chỉ cúi đầu luồn mái nhà thấp, nhụt cả khí phách, đến lúc già thì gối đầu vào vợ con mà chết. Giả sử bọn đó chết gặp hai cụ thì cũng mặt dày, trống ngực đánh, thần sắc thảm thương mà thôi. Hai cụ đây là Ức Trai Nguyễn Trãi và Chu Văn An. Phùng Tấn Hiệp chắc hẳn sẽ gặp hai cụ bởi vì những người đồng điệu dễ gặp nhau, và chắc chắn sẽ được tiếp như một người anh hùng hảo hán bởi vì nhờ những người như anh mà:

Quốc thù tẩy trần thiên niên sỉ
Kim quỹ chung tận vạn thế công
(Đề Kiếm - Nguyễn Trãi)

Thù nước đã sạch hàng nghìn năm. Trong hộp vàng cuối cùng xếp công muôn thuở.
Tôi nhìn thấy bóng một bó hoa đủ mầu ai đó đặt trên ngôi mộ ở nghĩa trang Los Gatos, lòng chùng đi. Xin nhờ các anh kháng chiến quân nếu có dịp trồng dùm tôi một dây mướp cạnh mộ Phùng Tấn Hiệp. Để có một ngày mùa xuân hoa mướp trổ đong đưa trên tấm mộ của người đã hiến trọn đời cho chính nghĩa.

(Tháng 4-1984)

---- oOo ----

Một Cái Chết

Bắc Phong

Đã nằm xuống anh linh bất khuất
Hy sinh trong nghĩa vụ mở đường
Ôi xót xa máu hồng tuôn đổ
Cho thiêng liêng đất cát quê hương
Là ngọn đuốc bên giòng lịch sử
Là thanh âm phẫn nộ trống đồng
Là khí phách của hồn dân tộc
Là phù sa đắp giải non sông
Để người đời phải yêu đất mẹ
Phải đớn đau nhìn giặc bán dâng
Để thức tỉnh thân ta nô lệ
Mà chặt xiềng phá cũi bẻ gông
Một cái chết nung thêm chính khí
Trong đoàn người đấu cật chung lưng
Đi kháng chiến đánh xoay vận nước
Cho tương lai nòi giống Việt thường
Bao con tim dưới cờ đại nghĩa
Đường đấu tranh đã nhập cuộc cùng
Bước Đông Tiến mở bao hy vọng
Vì hòa bình là khát khao chung
Một cái chết gây bao ý sống
Nên bâng khuâng xúc động xa gần
Xin thắp nén hương lòng tưởng tiếc
Cho một người vị quốc vong thân.