Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Con Đường Đông Tiến Thân Thương

Hồng Thiện
viết theo tâm tình của KCQ Trần Náo (QĐ7684)

Thới Tam Thôn – Ngoại Ô Sài Gòn

Cái nóng mùa khô vùng ven đô Sài Gòn không kém oi bức, hơi nóng hầm hập từ mái tôn dội xuống căn nhà nhỏ của ông Tư. Vừa mới đặt lưng trên chiếc võng tính nghỉ lưng một chập, ông Tư thấy con Hạnh lật đật chạy vào nhà, chân trước chân sau, dép thì vung chiếc trong chiếc ngoài, mặt mày hớt hải. Ông Tư biết có chuyện chẳng lành. Nó đâm sầm vào chỗ ông.

- Ông Tư, ông Tư... Anh Náo nè!

Ông Tư cầm trên tay tờ báo Sài Gòn Giải Phóng. Đúng rồi hình thằng Náo, ông không thể lầm được, ông buột miệng thốt lên:

- Thằng Náo !?

Thằng Náo nhìn ốm quá, chuyện gì? Ba năm trước, ông chia tay con, nó tìm đường vượt biên qua ngõ Campuchia, từ đó đến nay bặt tin.

Phục Quốc... Tướng Hoàng Cơ Minh... Xử Án... Tàn Quân Phản Động... Nam Lào... những danh từ ông nghe tin tức mấy hôm nay nói hoài từ chiếc loa sắt đầu ngõ, chiếc loa cạnh bãi xe ngựa ngoài chợ cứ văng vẳng hoài mấy ngày nay.

Ông biết tổ chức phục quốc của Tướng Hoàng Cơ Minh có dẫn quân trở về và đụng độ tại Nam Lào, chuyện đó ông và đám bạn cứ bàn luận kín đáo với nhau mấy hôm nay. Ông không thể hiểu được trong đoàn quân đó có cả thằng con trai ông.

Cầm trên tay tờ báo, con chữ cứ như nhẩy muá, ông không tài nào đọc được.

Ông biết vụ này họ làm lớn hơn mấy kỳ xử “Phục Quốc” trước, đi đâu cũng nghe nói, báo chí, ra-đi-ô ngày nào cũng vậy. Trên tivi trong mấy tuồng “Trong nhà Ngoài phố” họ còn đem ra đâm thọt về “tàn quân Hoàng Cơ Minh”. Dân chúng ai cũng im lặng chờ đợi ngày xử án để biết chuyện gì, không khí trong thành phố này bây giờ căng thẳng hơn hẳn vụ xử “Đại tá Võ Đại Tôn” hay chuyến xâm nhập vùng biển Cà Mau của "quân phản động" Lê Quốc Tuý.

Chuyện là vậy, nhưng ông không tài nào hiểu được vì sao thằng Náo lại dính dáng đến chuyện này. Đầu óc cứ lẩn quẩn, ông quơ đại cái áo, mới choàng vào định chạy lại nhà anh Sáu Lắm thì ngoài ngõ anh Sáu đang đạp xe vào.

Nhìn dáng bộ của anh Sáu, ông biết là anh Sáu đã biết chuyện. Chậm chạp dựa chiếc xe đạp vào gốc cây, anh Sáu khó khăn mở lời:

- Anh Tư!

Lời chào nhưng có ý như câu hỏi và chờ đợi câu trả lời.

Ông định tâm lại, biết từ nay sẽ có nhiều chuyện, cố lựa lời ông chậm rãi:

- Tù gì thì xấu hổ, chứ tù này thì có gì mà xấu hổ.

Muốn nói nhiều hơn, nhưng chỉ nói được kiểu nửa mùa đó. Từ nay ông sẽ chọn thái độ này, không tránh né mà cũng không nói hết lòng mình.

Ông phá vỡ sự im lặng giữa hai người:

- Anh Sáu, ngày mai anh với tôi đi Sài Gòn được không ?

Trại Dong-Krek – Biên giới Thái Miên, 1984

Buổi chiều ở trại tỵ nạn có lẽ là thời gian rảnh rỗi nhất, đi đâu muốn gặp ai người ta đã làm ở buổi sáng hết rồi. Cafe, tán chuyện thì sau giấc nghỉ trưa người ta cũng hết chuyện nói, với lại quanh đi quẩn lại cũng mấy chuyện.

Những câu chuyện quá khứ về những dĩ vãng của một vùng kỷ niệm, hình như ai cũng có một câu chuyện để kể. Chiều nay, có lẽ đã hơn bốn tháng từ ngày nhập trại, Náo cứ suy nghĩ hoài, một cái gì đó không ổn “từ ngày cách mạng vào” cộng thêm những tháng ngày vô định trong trại này. Anh như muốn bung thoát ra, những suy nghĩ trong đầu, như muốn tìm một cái gì đó, một lời giải, một hành động... cho thỏa chí cái lứa tuổi ngoài hai mươi này. Thế nhưng ngày qua ngày, nói về đất nước ở trong trại này mỗi nguời một nhận định; một số có lòng căm thù vì họ đã sống qua hai chế độ có điều kiện để so sánh. Với anh, con người ai cũng có mơ ước, lý tưởng của họ; lớp trẻ thì muốn làm một cái gì đó nổi bật, khác thường – anh cũng vậy. Nếu nói lòng yêu nước, thì anh chưa hiểu được, nó không thực tế trong cuộc sống này.

Năm 75. Anh tròn 10 tuổi, hết cấp 1, xã Thới Tam Thôn – huyện Hóc Môn. Quê anh là một vùng ven Sài Gòn. Đi đâu ai cũng nói về “18 thôn vười trầu” quê anh là cái nôi cộng sản miền Nam; ở ngay trong lòng nó anh biết đó là một cái gì không thực, cha mẹ anh lén lút mang từng ký luá do chính mình trồng, mình gặt đem ra chợ. Nếu bị công an xã bắt được thì sẽ bị tịch thu, sẽ bị mang tội, anh không biết tội gì. Nhưng cái chuyện mang lậu lúa ra chợ cũng hồi hộp, run run. Chẳng lẽ đó là việc làm đáng nhớ nhất trong tuổi niên thiếu. Tuy không hiểu biết về chính trị nhưng vẫn biết so sánh, một cái gì đó khó chấp nhận...

Nhà có hai miếng đất, khi mình canh tác trên đất của mình xong mang lúa về căn nhà trên chợ cũng không được, tại vì chính sách không được “xâm canh” lúa trồng đâu xử dụng ở đó. Còn một chuyện nữa, đó là không được quyền nói. Có những người hàng xóm ra quán cafe, nói đùa, nói bóng nói gió cũng bị bắt đi cải tạo, con người sống nghi kỵ nhau. Cha anh và các bạn ông vui vẻ bên tách trà chung rượu cũng phải giữ lời, canh tiếng với nhau.

Vượt biên; như bao người ra đi để trốn chạy những điều không thể chấp nhận trong cuộc sống đó.

Trại tỵ nạn; anh dễ thích nghi, không buồn mà cũng chẳng vui, ở chung nhà với cha con anh Nghi và cháu Tiền. Cảnh gà trống nuôi con dù sao cũng là hình ảnh một gia đình, vì hầu hết dân đi “đường bộ” như tụi này là thanh niên độc thân. Một buổi sáng anh Nghi hỏi có rảnh không, nếu rảnh thì mai đi với ảnh qua gặp một người nói nhiều chuyện hay lắm. Khách sáo hỏi vậy thôi, chứ thời gian ở trại là một thứ dư thừa, ai cũng muốn có dịp để đi đây đi đó.

Anh Dũng đón chúng tôi 3 người, hai cha con anh Nghi và tôi. Phải nói đoàn chúng tôi là ba người, vì bé Tiền sau này cũng là một kháng chiến quân. Sau buổi sáng đó, tôi thường xuyên đến thăm anh Dũng hơn, người được Mặt Trận giao phó cho công việc tuyển mộ.

Anh Dũng không có một điểm gì quá nổi bật, giọng nói của anh cũng không thật thu hút nhưng dễ gần và thoải mái. Anh Dũng là người đi phổ biến đường lối cương lĩnh chính trị của Mặt Trận, nhưng cũng như bao thuyền nhân khác phải sống trong khuôn phép của trại tỵ nạn. Anh cho biết việc tham gia là tự nguyện, anh giải thích rất cặn kẽ, tham gia vào kháng chiến là con đường rất gian khổ, dứt bỏ đời sống bình thường của mình, kháng chiến là con đường mà chưa ai nói mình làm trọn vẹn. Vì là một thử thách lớn lao nên mình được thời gian để suy nghĩ, nhiều anh em cùng đi đến để gặp người đại diện Mặt Trận, gặp lại thân hơn, chia sẻ những ý nghĩ của mình và biết rằng mình sẽ dấn thân. Về sau anh Dũng đưa ra một số hình ảnh trong chiến khu, cương lĩnh, và cho biết những gian khổ thiếu thốn. Quan trọng nhất là anh cho biết con đường kháng chiến là con đường một chiều, bởi vì không thể tự ý quay trở lại. Không ai màng đến những khuyến cáo đó. Niềm vui chờ đợi ngày lên đường không phải lúc nào cũng vẹn toàn, có người bỏ cuộc vì gia đình, vì lời thị phi, vì sức khoẻ...

Trong thời gian đó có nhiều chuyến ra đi của những anh em có cơ hội tiếp xúc với Mặt Trận sớm hơn. Tuy nhiên chuyện rời trại vào chiến khu không dễ dàng, lúc đó Hồng Thập Tự quản lý người tỵ nạn chứ không phải Cao Uỷ Tỵ Nạn. Đi là phải lén đi, vượt hàng rào mà đi. Qua khỏi khu vực của trại thì có người đến đón.

Thời điểm đó có nhiều tổ chức đến trại để mộ quân. Mặt Trận cũng chỉ là một trong nhiều tổ chức tuyển quân, không ai kỳ thị ai. Đến với tổ chức này hay tham gia đoàn quân kia chỉ là một duyên nợ.

Khi mình đồng ý và ghi danh sau đó đổi ý vẫn là quyền của mình. Ghi danh xong thì thường xuyên đến để có tin tức gì thì được báo cho biết; tin thì không có gì khác, đến để chia sẻ những tâm tư, ước vọng. Và bao giờ có chuyến đi thì sẽ sắp xếp để ra đi, để chuẩn bị tinh thần, động viên nhau. Anh em tập trung lại với nhau thường xuyên, cũng lập đội banh, ở trong trại gọi đội bóng là “đội Phục Quốc”, hay đi đá giao hữu với các đội các khu khác. Ai biết chơi thì chơi, ai không thì ngồi ngoài... la hét, ủng hộ.

Trong thời gian chờ đợi và trong danh sách của đội bóng “Phục Quốc”, dù có quyết định ra đi hay không ai cũng luôn giữ tư cách trong lối sống, sinh hoạt để không làm hoen ố tới hình ảnh của Mặt Trận. Một điều tuy nhỏ nhưng rất tâm lý là những ai còn thiếu nợ của bạn bè, hàng quán đều được giúp đỡ thanh toán trước khi lên đường, để không bị mang tiếng, nhơ danh kháng chiến quân quỵt nợ.

Lên Đường

Vào khoảng thời gian này, 3 hay 4 tháng có một đợi tuyển quân. Số quân tuyển và những lời hứa, lời thề nguyền thường đông hơn nhiều. Biết trước chỉ 1 hoặc 2 đêm, đêm trước ngày đi thường có liên hoan, nấu chè, bạn bè tới xum họp vui đêm chia tay. Một số người đổi ý không đi, phải nói đêm chia tay đó như một lần điểm danh trước khi xuất trại.

Đợt của anh có khoảng 7, 8 người giờ chót không đi, còn lại đúng 24 anh em. Anh em nhìn qua nhìn lại rồi lại tặc lưỡi cho những ai vắng mặt. Cha con anh Nghi cũng sửa soạn đồ đạc. Anh Nghi biết anh em đang chờ mình lên tiếng. Anh Nghi vừa dọn lại một số đồ cho gọn gàng vừa nói gằn từng tiếng:

- Tôi dắt thằng Tiền theo!

Rồi anh nhướng mắt lên hỏi thêm một lần nữa, y như thách đố.

- Được hông?

Ai nấy im lặng, đó là quyết định của riêng cha con anh. Đêm liên hoan xong, anh Dũng bảo chờ đêm mai sẽ có xe vào đón.

Sáng hôm sau, có lẽ là buổi sáng thanh thản nhất mà anh có được trong cái trại 54 lều này. Mỉm cười với ý nghĩ thoáng qua, mình ở lều cuối cùng có lẽ là con số may mắn nhất.

Đêm đó chui hàng rào vượt trại, nói hàng rào cho có ranh giới chứ chỉ là những tấm ván, cột dây xung quanh trại.

Chúng tôi vượt rào của trại vào ban đêm. Định rằng 1 giờ khuya là trễ nhất, nhưng chờ đợi người này người kia... bước chân ra khỏi trại, đến con đường mòn, nhìn đồng hồ đã 3 giờ sáng.

Đêm đó, đêm quyết định một cuộc sống khác, tất cả còn ở phiá trước. 24 con người, 24 mảnh đời khác nhau. Có người, với họ khẩu súng không gì xa lạ, cả một thời trai trẻ trên nhiều vùng đất nước đã in dấu chân họ, đêm nay như một lần trở về. Có người qua bao thăng trầm của cuộc đời, trong sự bon chen của cuộc sống đưa đẩy đó họ tưởng khi bước chân dừng ở trại tỵ nạn là mình sẽ dung thân ở một đất nước thứ ba nào đó; nhưng không cái dun dủi của cuộc sống lại đưa bước chân họ trở về.

Anh không có kinh nghiệm nhiều về cuộc sống để phân lượng thiệt hơn, buớc chân đi theo nhịp tim. Anh không phải trở về với những vinh quang quá khứ, cũng không trở về để đối mặt với hận thù. Ở lứa tuổi 24 này, anh thấy nhưng không phân biệt được những bất công của xã hội. Chân anh cứ bước... Thằng Tiền vẫn đi bên cạnh cha nó, anh Nghi vẫn lầm lũi bước.

Đi khoảng 200 mét hơn. Xe chờ đón ở đó có anh Bình, anh Lộc và một người Thái.

Đoàn 24 người chúng tôi được 3 chiếc xe đến đón, 2 xe van và một xe pick-up truck, nhưng có các băng ghế. Xe dán hình chữ thập màu xanh.

Trên đường đi thì suông sẻ, hành lý hoàn toàn không có gì. Khi xe ra tới quận thì anh Lộc mới vào mua một số đồ dùng cần thiết. Chuyến xe đi trong khuya đó, qua một ngày đuờng, đến khuya hôm sau mới tới.
Anh bước vào chiến khu, khoá A-21. Học về “Đời Sống Chiến Khu”

Đời Sống Chiến Khu

Khi vào chiến khu xong, học các khóa đời sống chiến khu, thì mới được phân phối ra các đơn vị, lúc đó mới biết mình thuộc Dân đoàn mấy, Quyết đoàn nào, thường là bổ sung vào các dân đoàn và luân chuyển để mình hòa đồng cùng với các kháng chiến quân khác và nắm vững địa hình địa vật nơi đó. Nơi huấn luyện nằm gần căn cứ 84. Trong thời gian huấn luyện chỉ sống cùng các tân binh, sau khi bổ sung mới được tiếp xúc với mọi người.

Một buổi lễ chào mừng tân kháng chiến quân
Những cái tên xa lạ mà thân quen: Tiền đồn Hải Vân, căn cứ Hồng Lĩnh, bãi Cà Mau... những con số đơn giản mà nhiều bí ẩn: “Chiến hữu 246”, “Quyết Đoàn 7684”...

Cương Lĩnh Chính Trị không còn là một khái niệm mơ hồ. Không tiểu đội, không sư đoàn mà là: Toàn – Dân – Quyết – Tâm – Kháng – Chiến. Anh thấm nhập những điều này dễ dàng hơn anh em lớn tuổi, anh nhẹ nhàng hơn khi vào bãi Quyết Tâm, nơi tập trung tân binh ngày đầu tiên nhập trại. Anh biết mình bước vào Kháng Chiến, chứ không phải bước vào một cuộc chiến. 24 người trong chuyến đi được phân chia ra, có người bình thản, có người vui mừng, có người không hài lòng, họ chờ đợi những gì bí ẩn hơn, lớn lao hơn. Anh thường để mắt tới thằng Tiền...

Trước khi rời trại đi vào chiến khu, thực sự không ai biết được chuyện kỷ luật, đâu hình dung được khái niệm “kỷ luật tự giác”. Chuyện phải khép mình vào kỷ luật là lúc được bổ xung vào các dân đoàn. Trong thời gian học đời sống chiến khu cũng không bị những kỷ luật đó giàng buộc.

Trong khi học khoá Đời Sống Chiến Khu, mình chỉ ở trong tiền đồn đó, mọi sinh hoạt, từ lương thực, nước non đều có những anh em khác lo. Chỉ phân công nấu cơm, canh gác, luôn được các chiến hữu khác kèm cặp, giúp đỡ.

Chiến hữu Đỗ Xuân Trường – chiến hữu Phan Thanh Phương coi một số tân kháng chiến quân, còn có chiến hữu Thạch Chen, chiến hữu Cẩm...

Từ buổi sáng, họ đốc canh, đánh thức anh em, tập vào giao thông hào. Địch thường tấn công vào lúc tờ mờ sáng, lúc đang ngon giấc nhất, những thói quen của người kháng chiến quân sẽ được huấn luyện trong thời gian này.

Một Dân đoàn kỳ cựu ở đó lo mọi chuyện huấn luyện. Từ ngày đầu bỡ ngỡ đến một tháng sau, không ai nhận ra là mình đã không có những ngày nhàn cư không biết làm gì ở trại, ai cũng thấy ngày tháng qua mau.

Thời gian khoảng 3 tháng, từ tiền đồn Hải Vân chiến hữu Lê Hồng - còn được gọi là "anh Hiền" - giảng bài Cương Lĩnh Chính Trị, trong bối cảnh của rừng núi Thái - Miên, trong những điều kiện của chiến khu, trong quyết tâm của một tân kháng chiến quân tuổi trẻ các anh dễ thấm nhập về những gì mà các chiến hữu tiên phong đã soạn ra trong Cương Lĩnh.

Sau này khi được bổ sung vào các Đân Đoàn thì luân phiên nhau tiếp tục học về đường lối đấu tranh, về đường lối chính trị...

Nói thật lòng, khi được đào tạo anh rất hăng say, tin tưởng vào đường lối chỉ một niềm tin “Giải Phóng Việt Nam”.

Anh được bổ sung vào Dân Đoàn 318 do chiến hữu Đào Bá Kế làm Dân Đoàn Trưởng, trong Dân đoàn này có nhiều người từ Hải Ngoại về như: chiến hữu Phạm Thành Nghiệp từ Đức, chiến hữu Long, Hội ở Mỹ; chiến hữu Huỳnh văn Tiến ở Đan Mạch...

Sau khi về Dân Đoàn một thời gian, anh được làm Toàn Trưởng, gồm Hải, biệt danh là Hải cà-lăm, Vòng A Tắc, ngưòi Nùng và chiến hữu Yên. Mỗi Toàn là 4 người, ở căn cứ Đống Đa.

Vào mùa mưa một lần đi tải lương thực về anh bị trúng nước. Lương thực có xe đưa về tới Cà Mau – một địa danh do mình đặt, đó là vùng đồng bằng cuối cùng, tiếp giáp với rừng. Sau đó phải tải về căn cứ Hồng Lĩnh. Mùa khô thì dễ dàng, khoảng một ngày. Mỗi người mang được 20 ký-lô, vừa đi vừa về mấy chục cây số. Thời gian đầu anh em tân kháng chiến quân chưa quen thì rất gian nan. Mấy anh em toán trưởng rất lo, như chiến hữu Dực, phải mang giúp anh em. Đây cũng là một thử thách đầu tiên. Công việc tiếp vận lương thực này được chia luân phiên cho các Dân Đoàn.

Cuộc sống trong chiến khu rừng núi tuy đơn giản nhưng cũng bận rộn. Lịch trình của cuộc sống không là thứ Hai, thứ Ba hay cuối tuần mà là theo chu kỳ của công tác huấn luyện hay những phân công mà mỗi cá nhân phải nhận lãnh.

Tuỳ sức lực và khả năng các kháng chiến quân sẽ được phân công, huấn luyện theo những nhu cầu mà kháng chiến cần.

Một chuyến đi tải lương thực
Sau 5 tháng anh bị sốt rét. Anh trở về căn cứ 81 điều trị một thời gian khoảng 6 tháng, trong thời gian này anh được huấn luyện 3 khóa về sơ cứu – y tá. và sau đó trở về làm y tá cho Quyết Đoàn 7684. Anh trở thành đảng viên Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng trong thời gian này.

Trong thời gian làm y tá thì ở bộ chỉ huy, khi các Dân đoàn có yêu cầu thì được điều đi, thường là 2 người, làm những việc như: truyền nước biển, chích thuốc và điều trị về sốt-rét.

Gạo không thiếu, nhưng thực phẩm thì thiếu, 3 người một chai nước mắm hay nước tương, mỗi người được nửa ký đường, cá khô, anh em gói ghém trong một tháng.. Căn cứ 284 có nuôi gà, thỉnh thoảng có phát cho anh em, gà khoảng 1 ký trở lại, nói chung là thiếu thốn, thường trồng thêm rau hay bẻ măng rừng ăn thêm cho có chất xanh.

Chiến Hữu Chủ Tịch và Hội Đồng Kháng Chiến Toàn Quốc

Chiến hữu Chủ Tịch thường đến ăn cơm chiều với anh em từng Dân Đoàn, và nghỉ lại đêm ở đó đến sáng mới trở về. Chiến Hữu Chủ Tịch, thường thì các kháng chiến quân gọi là ông Thầy, sống rất gũi với anh em kháng chiến quân. Lần đầu tiên gặp Thầy là ở tiền đồn Đống Đa, ngày mới thành lập, lúc đó khoảng cuối tháng 9, đang mùa mưa. Mới bổ sung quân số, là tân binh trong tiền đồn, hôm đó anh em đang đi đốn tre, nứa về dựng thêm lều trại, đến chiều trời lại đổ mưa, Thầy cùng anh Tư (Dương Văn Tư) và anh Đặng Quốc Hiền đến thăm anh em tân binh. Anh chỉ biết anh Hiền là “chiến hữu 246”, Phú Sơn là “chiến hữu 247” không biết chức vụ, Hải là “chiến hữu 250"... đến thăm nhưng có thêm một người nữa đó là “ông Thầy”, chiến hữu Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh.

Chiến hữu chủ tịch Hoàng Cơ Minh trong một buổi sinh hoạt tại khu chiến năm 1984
Lúc mới vào bãi Quyết Tâm thì anh Hiền ra đón trong lễ nhận tân binh. Hôm nay nhìn anh vẫn vậy, nhỏ con nhưng gọn gàng. Thầy cao và gầy, luôn vỗ vai các anh em dù là tân binh hay đã là các kháng chiến quân kỳ cựu. Hôm đó Thầy ở lại ăn tối cùng với Dân đoàn của anh, tối thì làm việc với anh Hiền. Sau hôm đó anh được chứng nhận đã qua bài học “5 không” của kháng chiến quân, không ai kể lại chuyện ông Thầy, hay bàn luận bình phẩm gì. Nhưng anh biết chắc trong lòng mọi chiến hữu trong Dân đoàn đều giữ những hình ảnh về người chiến hữu mình kính trọng nhất.

Chiến hữu chủ tịch có thể là hình ảnh tiêu biểu cho những gì người ta nói về “Kháng Chiến”. Những lời tán dương, khâm phục của những người cùng thế hệ. Truyền thông báo chí, giới chính trị gia thì muốn biết nhiều hơn chuyện bên trong, họ muốn những gì ly kỳ, những kết quả và cả những “xi-can-đăn”. Còn những người ganh tỵ thì là lời gièm pha, đố kỵ... Nhưng trên hết là kẻ thù, đối phương đang tìm cách tiêu diệt. Ánh đèn bên ngoài những hội trường chính trị kia chỉ còn lại trên những trang báo, tạp chí binh vực, ủng hộ hay chống đối; trở về rừng núi chiến khu, Thầy cũng xếp bằng ngồi cùng mâm với những kháng chiến quân trong Dân đoàn. Nếu nói đó là cách lấy lòng của người lãnh đạo Mặt Trận thì những người cùng ông giơ tay lời thề “Giải Phóng Việt Nam” ở bãi Quyết Tâm sẽ nhận ra ngay; tập hợp những kháng chiến quân đó là những con người từng trải, hiểu biết không phải vì một lời nói hay một vài hành động. Với Việt Tân ông là một Chủ Tịch Đảng; với Mặt Trận, đồng bào, ông là một lãnh tụ kháng chiến; với kháng chiến quân ông là “ông Thầy”; với chính mình ông chỉ là một kháng chiến quân.

Với nguyên tắc 5 không, một số hoạt động của ông Thầy hay của các chiến hữu trong bộ chỉ huy ít được thông báo.

Khi chiến hữu Dương Văn Tư trở về quốc nội với những đoàn quân kháng chiến lần đầu tiên năm 1985, trong chiến khu anh em kháng chiến quân không hề hay biết.

Bao nhiều đoàn kháng quản lên đường, bao nhiêu kháng chiến quân lặng lẽ rời chiến khu trở về hoạt động trong lòng đất mẹ là những việc bí mật, không ai được quyền biết, trừ những chiến hữu trách nhiệm trong Hội Đồng Kháng Chiến Toàn Quốc.

Kể cả tin tức về bịnh tình của anh Hiền cũng không ai biết, chỉ đến khi anh được mang đi bệnh viện và mất anh em mới biết anh Hiền bị bịnh nặng. Những chuyến công du của chiến hữu chủ tịch đương nhiên là tuyệt mật. Các cấp lãnh đạo thường không tiết lộ thông tin. Trong rừng núi chiến khu, trên đất người, tất cả là vì sự an toàn của tổ chức.

Tháng 6 năm 1986, lệnh cho hủy các tiền đồn để chuẩn bị xâm nhập của Hội Đồng Kháng Chiến Toàn Quốc đã làm anh em rất phấn khởi, bao ngày chờ đợi được lên đường.

Lễ xuất quân tại căn cứ 87, và ngày hôm sau lên đường.

Hăng lắm, rạo rực lắm, chỉ chờ đợi ngày này: tiến về đất Mẹ.

Atlanta, Hoa Kỳ

20 năm sau. Tháng Hai, 2007, những ngày cuối năm bận rộn. Trời trở lạnh, trong đêm tĩnh mịch, bên tách trà nóng, anh kể lại với người bạn trẻ câu chuyện trở về lòng đất Mẹ, một câu chuyện đã đi vào lịch sử đấu tranh cận đại.

...Quyết đoàn 7684 chúng tôi là đoàn quân mở đường tiên phong. Sau 6 tháng chờ đợi, các quyết đoàn lên xe đi về phiá Bắc, miền Trung nước Thái để vượt sông trong muà mưa, đây là vùng rừng núi trùng điệp.. Mọi việc được chuẩn bị trước vài ngày nên chúng tôi ra đi rất nhanh chóng, ra khỏi làng có xe đón, một đoàn 3 chiếc. Tất cả cải trang thành dân sự, súng đạn chở riêng trên chiếc xe van của mình, giữ khoảng cách an toàn với đoàn xe. Xe chạy trong đêm qua những phố phường làng mạc của Thái, càng về phiá Bắc dân cư càng thưa dần, chạy một ngày đêm, tối hôm sau đến căn cứ của kháng chiến Lào, Kháng đoàn chúng tôi nhanh chóng tổ chức trở lại. Đoàn xe trở lại đón những Kháng đoàn khác.

Từ đó nhìn xa xa ra ngoài vẫn thấy những chiếc xe chở khách của người Thái, con đường đất đỏ bazan, những chiếc xe đò bùn xình đất đỏ bám đầy những chiếc xe vẽ đầy hình lè loẹt hoa lá cành, hình ảnh như một vùng nào đó như ở miền Đông Nam bộ của mình.

Sau đó một ngày, một đêm QĐ 7687 mới tới, đóng quân cách chúng tôi khoảng vài trăm mét. Mới đóng quân nghỉ ngơi thì Quyết đoàn 7687 lại nhổ trại đi ngược trở lại. Chúng tôi cũng được lệnh chuẩn bị lên đường, nửa ngày sau, quyết đoàn chúng tôi cũng lên xe. Khoảng 10 giờ sáng chúng tôi được đổ xuống một địa điểm khác, sau đó tiếp tục lội bộ băng rừng đến xế chiều thì gặp Quyết Đoàn 7687 cùng Thầy và các chiến hữu chỉ huy Mặt trận ở đây. Chúng tôi dừng chân tạm nghỉ để chờ đêm xuống mới vượt sông Mekong. Trong thời gian nghỉ ngơi tôi đã gặp Thầy và các chiến hữu chỉ huy Mặt Trận đến thăm hỏi sức khoẻ của các Kháng Chiến Quân.

Chúng tôi nghỉ ngơi chỉ được thời gian ngắn thì trời đã mờ tối.

Tin ông Thầy có mặt trong đoàn quân Đông Tiến hôm đó là một tin cực kỳ xúc động, buồn vui lẫn lộn. Lúc mới ra đi, không ai biết là sẽ có Thầy cùng đi. Thực lòng không một ai muốn Thầy về vì sự an nguy.

Chúng tôi tiếp tục lên đường, từ đó đi đến bờ sông khoảng 3 tiếng, băng rừng, đường đi êm, dốc nhẹ, không phải băng đồng, nên thể lực anh em được bảo toàn. Khi đến bờ sông Mekong thì trời đã tối hẳn, một lát sau tôi nghe thấy tiếng thuyền máy chạy về hướng chúng tôi. Quyết Đoàn 7684 đã được 3 chiếc thuyền đưa qua sông trước. Chúng tôi xâm nhập tháng này vào mùa mưa cho nên nước sông chảy rất mạnh, hơn nữa vượt sông vào ban đêm mà không xử dụng đèn khó mà định hướng được, cho nên thuyền đã tấp vào bờ ở một nơi đồi dốc khá cao, thêm nữa ba lô của chúng tôi cũng khá nặng vì thế sự di chuyển thật là khó khăn, vì vừa nặng lại vừa trơn trợt. Khi Quyết Đoàn 7684 đã lên được bờ sông một cách an toàn, chúng tôi liền bố trí khu vực để bảo vệ cho các Quyết Đoàn còn lại vượt sông, kế tiếp là Quyết Đoàn 7686 rồi Quyết Đoàn 7687 cùng bộ chỉ huy Mặt Trận. Khi tất cả đã vượt sông an toàn thì trời cũng đã quá nửa đêm.

Trời mưa nhẹ và sình lầy, thời tiết thật thuận lợi cho cuộc vượt sông trở về đất mẹ.

Sau đó chúng tôi tiếp tục di chuyển, Quyết Đoàn 7684 đi đầu mở đường, Quyết Đoàn 7687 và bộ chỉ huy Mặt Trận đi giữa, sau cùng là Quyết Đoàn 7686. Quyết Đoàn 7684 là Quyết Đoàn được tuyên dương về khả năng tác chiến cao vì đã nhiều lần mở đường Đông Tiến cho nên Quyết Đoàn 7684 luôn luôn đương đầu với mọi nguy hiểm. Chúng tôi tiếp tục di chuyển cứ đi 2 tiếng được nghỉ 15 phút, đi suốt đêm đó cho đến ngày hôm sau cũng không gặp trở ngại nào. Chúng tôi đi cho đến chiều thì được lệnh dừng chân nghỉ qua đêm. Mặc dù sự di chuyển quá vất vả nhưng mỗi lần dừng chân nghỉ thì tôi đều thấy Thầy và các chiến hữu chỉ huy Mặt Trận đi một vòng thăm hỏi các Kháng Chiến Quân.

Trời chưa sáng thì chúng tôi lại tiếp tục di chuyển. Vì đã vào vùng đất Savanakhet thuộc miền trung nước Lào cho nên thấy trùng trùng điệp điệp là đồi núi, khi leo lên đỉnh núi này rồi nhìn sang bên kia là ngọn núi khác, cứ như vậy ngày đi đêm nghỉ. Vì trời mưa tầm tã nên khi đoàn quân di chuyển qua là tạo thành một con đường mòn rõ rệt không thể nào xoá được.

Ngày đầu tiên, ngày thứ hai, trôi qua nhanh chóng không có gì đặc biệt xẩy ra, cho đến mờ sáng ngày hôm sau, khi chuẩn bị di chuyển thì chúng tôi đã bị một toán trinh sát Việt Cộng phát hiện, nổ súng giao tranh với Quyết Đoàn 7686 đoạn hậu. Cuộc giao tranh chỉ kéo dài khoảng 15 phút thì bọn chúng rút lui. Chúng tôi tiếp tục di chuyển, lần này Quyết Đoàn 7684 được bố trí đi đoạn hậu thay thế cho Quyết Đoàn 7686. Chúng tôi di chuyển suốt ngày hôm đó, đến chiều thì đến quốc lộ 13 của Lào. Chúng tôi được lệnh dừng chân để chờ đêm xuống mới vượt quốc lộ 13. Thời gian vượt qua quốc lộ 13 kéo dài rất lâu, vì phải băng qua lộ từng người, thỉnh thoảng có xe chạy qua lại phải ngừng lại, chờ đợi khi nào không có xe thì mới tiếp tục vượt qua. Nhưng sau cùng, toàn bộ đoàn quân đã vượt qua lộ xong cũng không có trở ngại nào.

Qua ngày thứ ba đoàn quân áp dụng chiến thuật ngày đi đêm nghỉ, tránh tối đa đụng độ, giao tranh. Lẽ ra chúng tôi phải di chuyển băng rừng, nhưng có lẽ vì người dẫn đường bị lạc nên chúng tôi đi đến mờ sáng thì lại băng qua một cánh đồng ruộng của người dân Lào, do đó chúng tôi đã bị một vài nông dân đi làm sớm phát hiện. Sau đó chúng tôi di chuyển vào rừng thì lại gặp trở ngại là phải vượt suối. Tháng này trời mưa nhiều, nên mặc dù con suối không lớn lắm nhưng nước chảy rất mạnh, vì thế chúng tôi phải cử một người lội qua bờ suối bên kia, mang theo sợi dây để buộc ngang con suối, sau đó từng người một nắm theo sợi dây đó lần lượt vượt suối. Khi đoàn quân vượt suối xong chúng tôi tiếp tục di chuyển lên núi. Lên được đỉnh núi thì trời đã đứng bóng, chúng tôi được lệnh dừng chân nghỉ để nấu cơm. Quyết Đoàn 7684 đi cuối cùng giữ đoạn hậu của đoàn quân do đó Dân Đoàn của tôi đã ăn ngủ tại con đường mòn mà chúng tôi đã dùng để đi lên núi. Khi được bố trí giữ an ninh xong thì nhiệm vụ ai nấy làm, tôi được lệnh lo chuyện cơm nước.

Mùa mưa, đoàn người trên 100 người đi ngang là biến thành một con đường mòn liền, không thể xoá dấu vết.

Một số anh em đi sau cùng trước khi vào bià rừng đã đặt mìn đề phòng trinh thám VC, hay quân chủ lực tấn công.

Khu rừng này măng tre rất nhiều, tôi còn hơi khoẻ, trong lúc anh em đang nghỉ dưỡng sức nhân lúc trời tạnh mưa, tôi quyết định đi sắn măng về nấu canh, mấy ngày này đâu có ăn gì, cơm vắt thiu chảy ra mà cũng phải ráng nuốt, nghĩ rằng chỉ đi một vòng bẻ măng về nấu cho anh em lại sức.

Tôi không mang súng theo, vì phải chui vào những bụi tre quá chằng chịt rất là vướng víu, hơn nữa tôi cũng không nghĩ là mình phải đi xa, chỉ nghĩ đi gần thôi, lấy cái nón làm đồ đựng, bước qua Dân đoàn kế, mấy ảnh cũng bẻ nên không còn măng, tôi phải trườn đi xa hơn theo triền đồi.

Vừa bẻ măng tôi vừa vạt vỏ nên hơi lâu, lấy ruột bỏ vào nón, khi đầy được chiếc nón tôi trở về, tìm đường trở lại tôi mới nghĩ rằng mình tìm lại con đường mòn mà đoàn quân vừa đi lên núi vì Dân Đoàn của tôi đang giữ an ninh ngay con đường này. Khi đã định hướng được và tìm đến con đường mòn rồi thì tôi an tâm là mình không bị lạc. Tôi vừa đứng nghỉ mệt thì bỗng nghe có tiếng động ở chân núi. Thoạt tiên tôi nghĩ chắc là đơn vị bạn cũng đi bẻ măng như tôi. Tôi định xem coi ai đó để gọi họ lên vì ngay con đường mòn này Dân Đoàn của tôi mai phục, tôi sợ họ lạc đường sẽ bị bắn lầm vì ngộ nhận. Nhưng khi tiếng động đến gần thì tôi phát hiện là Việt Cộng đang lần theo dấu vết của chúng tôi, tôi vội vàng chạy lên trên núi.

Tôi nhìn xuống thấy lố nhố, xanh um, quân phục của VC, VC đang tràn lên. Lúc đó họ cũng phát hiện ra tôi và nổ súng bắn theo. Vì con đường mòn lên núi có những mỏm đá lởm chởm, nên tôi phải vừa bò vừa phóng qua những tảng đá đó. Đến một tảng đá khá cao, chỉ có đứng lên trèo qua mới được, lúc đó tôi nghĩ nếu mình đứng lên thì thế nào tôi cũng bị họ bắn trúng vì khoảng cách quá gần, cho nên tôi đành phải nằm để tránh đạn. Nhưng tảng đá chỉ che được phần ngực của tôi còn đầu và chân thì bị lộ ra ngoài. Tôi nằm và nhìn xuống thấy rất rõ họ đang nhắm bắn về hướng tôi. Lúc đó tôi mong bên mình bắn trả lại thì may ra mới giải vây cho tôi được, nhưng tất cả đều im lặng. Tôi đành phải nằm chịu trận và nhắm mắt không nhìn chúng bắn tôi nữa bỏ mặc cho số phận. Lúc đó mình mẩy đất đá, đạn bắn vào xối xả.

Bên dưới vọng lên:

- Tao bắn chết một thằng rồi !

- Tao bắn trúng.

Tôi còn nghe rõ mồn một, tên chỉ huy giọng Bắc:

- Chúng nó giàu lắm, địch mẹ, lên, lên, chúng nó giàu lắm.

Tiếng súng ngưng, tôi tỉnh dậy, ngỡ mình bị thương. Tôi tự bóp chân tay thấy còn nguyên nhưng đầu gối và ống quyển ê ẩm. Nhìn lên thì hai ba họng súng đang chĩa về mình. Khi chúng vừa trói tôi lại bằng dây võng lúc đó bên mình mới bắn trả xuống thì đã quá muộn. Bên mình bắn xuống làm chúng bị thương một tên do trúng miểng đạn B40. Khi vừa dứt tiếng súng thì chúng rút lui đồng thời lôi kéo tôi theo.

Chúng trói tôi lại và lôi tôi xuống triền dốc đá, hai chân tôi bê bết máu. Lúc đó ở trên anh em thấy bắn xuống, tôi bị trói và hai thằng kè hai bên nách tôi mà lôi nhanh. Cả thân người tôi bị kéo lê duới đất đá, hai đùi tôi nát nhừ, máu và bùn đặc quyện vào nhau, mình mẩy bắt đầu đau nhức.

Khi ra đến làng tôi thấy cả một tiểu đoàn của chúng đang chờ sẵn ở đây. Tôi bị chúng giam giữ ở bộ chỉ huy tiểu đoàn của chúng một đêm. Trong đêm này tôi bị ăn nhiều bá súng vì đồng đội của chúng bị tử thương hoặc bị thương tích khi giao tranh với quân ta. Sáng hôm sau chúng đưa tôi về bộ chỉ huy trung đoàn của chúng cách đó khoảng 30 phút xe. Khi về đến đây tôi cũng tiếp tục bị ăn đòn mỗi lần có lính của chúng bị thương đưa về bệnh xá. Chúng nói rằng vì tôi mà bệnh xá của chúng không còn chỗ nằm.

Tôi biết chúng bị thiệt hại nhiều, cũng lo cho anh em mình, vì quyết tâm về đến đất Mẹ an toàn.

Vừa đánh chúng vừa chửi:

- Địch mẹ, xuống bệnh xá mà coi, ông giết mày bây giờ.

Tôi bị giam giữ ở đây khoảng 1 tuần thì chúng đưa tôi đến bộ tư lệnh của chúng tại tỉnh Stungtreng thuộc Kampuchea nằm sát biên giới Lào. Sau đó được lệnh, chúng mới không đánh. Đánh vì tức giận chứ chưa khai thác.

Một hôm tay Tướng quân khu phó đến, ngoài 50 tuổi, hắn kêu mở cùm cho tôi, lên ngồi nói chuyện hỏi tôi vài câu và nói thẳng một cách kiêu ngạo: 1 đổi 10 nó cũng đổi chứ không cho đặt chân về Việt Nam.

Hắn cũng thẳng thắn cho biết chỉ đến thăm chứ không khai thác, nên đừng hồi hộp.

Nói chuyện được ít phút hắn mời tôi một điếu thuốc với nụ cười đắc ý, tôi đoán là có chuyện chẳng lành cho anh em.

Ở đó được 9-10 ngày thì Bộ Nội Vụ VC qua lãnh, đưa về Việt Nam trong một chuyến bay quân sự, do bên Bộ nội vụ áp tải từ Campuchia về sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó tôi bị nhốt tại Bộ nội vụ tại Sài gòn, rồi bị đưa về Suối Máu, bị đưa ra toà án VC ở Sài Gòn xét xử cùng với 17 anh em khác. Sau khi bị kết án 5 năm tù, tôi bị đưa về giam tại trại Chí Hoà trước khi bị đưa ra trại tù A 20 Xuân Phước ở tỉnh Khánh Hoà. Sau đó tôi vượt ngục và vượt biên qua Thái. Định cư tại Atlanta từ năm 90 đến nay.

Anh kể lại câu chuyện hai mươi năm trước, một cách nhẹ nhàng và chậm rãi. Đêm đã về khuya, tiển người bạn trẻ ra về, đứng bên hiên nhà anh rít sâu một hơi thuốc, một thoáng trong ký ức lại quay về...

Sài Gòn – 1987

Nhà giam, nơi làm việc của Bộ Nội Vụ, nằm trên một con đường rộng, vắng, nhiều vây xanh và có lẽ là đẹp nhất Sài Gòn, đường Nguyễn Văn Cừ – tên một Tổng Bí Thư đảng Cộng sản, đối diện với trường Đại Học Văn Khoa (Đại Học Tổng Hợp) và trường Pertus Ký (Trường Lê Hồng Phong – cũng là tên một Tổng Bí Thư).

Đây là nơi giam giữ những người “đặc biệt nguy hiểm cho chế độ”.

Một tháng nay ngày nào cũng vậy, khoảng 9 – 10 giờ sáng, cánh cửa sắt phòng giam bật mở, tên công an trẻ cộc lốc đọc tên:

- Trần Náo !

Anh bước ra, đây không biết là lần thứ bao nhiêu, từ ngày bị áp giải về đây, anh bước vào phòng thẩm cung. Chỉ khoảng hơn 20 chục câu hỏi đó, lập đi lập lại ở những thứ tự khác nhau.

- Trong chiến khu làm cái gì?

- Có là Đảng viên Việt Tân hay không?

- Trước đó một số bị bắt trong các đợt về (kháng quản) đã khai anh thực hiện một số việc nầy, việc nọ...

Khi nhắc tới tên Wòng A Tắc thì anh biết là anh em đã bị bắt.

Một tên hỏi, hai tên ngồi ghi, cứ như thế gần ba tuần lễ không nghỉ ngơi. Đây là một cuộc đấu trí anh chỉ cầu mong cho tinh thần được vững để từ ngày đầu đến ngày cuối chỉ một lời cung. Những cái tên, những dòng tin chúng bắn ra đều có ý đồ – khi thì Lê Phú Sơn đã báo cáo, khi thì Ủy viên Trung Ương Đảng Việt Tân đã khai báo...

Đến một hôm, quá trưa vẫn chưa thấy tên công an trẻ vào đọc tên, anh lại đâm ra lo, chiều tới thì tên công an đó lại vào bảo anh chuyển phòng. Bốn người vào một phòng. Phút đầu tiên nhận ra nhau; ai cũng giử sự trầm tĩnh để không lộ chuyện gì dù trên sắc mặt hay lời nói. Tin tức Thầy tử trận cũng đã biết, những anh em bị bắt cuối cùng có nói cho mình biết, nói chung chuyện đã rồi, không ai nghĩ mình còn sống.

Những ngày cung sau đó chúng cũng dụ dỗ ra mặt. Nhưng anh em đã là kháng chiến quân thì không ai nghi kỵ ai. Mọi người cùng chờ ngày nhận bản cáo trạng. Ngày đó mới biết mình sống còn thế nào. Những ngày đi cung thưa dần và được chuyển về Suối Máu.

Suối Máu, tên một điạ danh và cũng là một trại tù. Ở đây ít nghiêm ngặt hơn. Vẫn bị nhốt chung với những anh em trong nhà tù ở Bộ nội vụ. Một hôm được gọi lên một mình, trong phòng mình 4 người nhưng chỉ có tên một mình. Lên xe bít bùng, khi di chuyển thì bị cùm tay, chân. Đoán biết là hướng xe chạy về Sài gòn vì càng đi đường càng êm ái. Bị đưa trở về trại giam Bộ Nội Vụ. Đến hai hôm sau thì nhận bản cáo trạng, trước khi đó họ có đưa ra hai tên Luật sư, phải chọn một trong hai, không được tự bào chữa. Một là Nguyễn Đăng Trừng và người kia là Triệu Quốc Mạnh. Anh chọn người đầu: Luật sư Nguyễn Đăng Trừng; anh cười nhép môi với cái tên và hai chữ luật sư. Chiều hôm sau, Nguyễn Đăng Trừng với quần tây, áo sơ mi trắng bước vào với 2 tay công an quen mặt trong Bộ nội vụ. Họ không giới thiệu, qua chuyện họ đối thoại với nhau anh biết đây là tay Luật sư Trừng.

Hắn cầm tập hồ sơ mỏng trên tay, thẩy mạnh xuống bàn và nhấn mạnh từng chữ một:

- Tội anh là tội đáng chết, nhưng tuổi còn trẻ hãy xin nhà nước khoan hồng!

Đó là câu nói đầu tiên của “Luật sư và thân chủ”. Anh đã chọn thái độ im lặng, hắn tiếp tục diễn thuyết dông dài về tuổi đời của anh còn quá trẻ, về những ngu muội, bồng bột... Anh vẫn vậy, bình tâm chờ nghe bản cáo trạng. Vị luật sư của anh giờ cũng hết hứng thú giảng thuyết, ông ta ngồi ở mép bàn cũng im lặng chờ nghe. Tay công an đại diện cho viện kiểm soát tuyên đọc bản cáo trạng vu khống anh tội giết người hay ra lệnh giết hại đồng đội. Anh nghĩ họ ghép tội này để dễ dàng tuyên án tử hình cho anh; vị luật sư tên Trừng ngồi nghe, thong thả như ông là người tham gia soạn ra bản cáo trạng. Nguyễn Đăng Trừng, mười năm sau là Chánh Án Toà Án Nhân Dân thành phố mang tên Hồ Chí Minh.

Ba ngày sau anh đối mặt với phiên toà với một cáo trạng nặng nề mà mình không hề phạm phải.

Ngày xử được thông báo rộng rãi trên báo, trên đài như một chiến công của công an và quân đội. Từ sáng sớm bà con ở khắp nơi, phần đông là đàn ông trung niên ngồi dọc hai bên đường, các gốc cây... nghe tường thuật hay thông báo từ phiên toà qua những chiếc loa phóng thanh được đặt xung quanh toà án.

Anh dậy thật sớm chờ đợi, những người công an canh tù cũng đến sớm hơn thường lệ. Gặp mặt các chiến hữu mình cùng chào nhau bằng ánh mắt. Tất cả bình thản chờ đợi.

Vào trong toà thoáng nhìn anh đã biết những người có mặt trong phiên toà ai cũng có nhiệm vụ của mình, anh không biết được bên ngoài hàng vạn người dân Sài Gòn đang nín thở, nghe những thông báo từ phiên tòa.

Trước khi phiên toà diễn ra, một tay công an không rõ tên tuổi và cấp bực lên máy vi âm thông báo rằng hôm nay có sự hiện diện đặc biệt của một Uỷ Viên Trung Ương Đảng Việt Tân. Có thể đây là một đòn tâm lý, phản gián của VC. Rồi suốt quá trình xử án không nghe nhắc lại. Phiên xử công khai, nhưng khi lên báo một số chi tiết bị dấu lại, đương nhiên là như vậy.

Phiên toà kết thúc với bản án nặng nhất là chung thân khổ sai dành cho chiến hữu Đinh Văn Bé.

Sau phiên xử 18 người lần này, Việt cộng còn thực hiện những phiên xử án khác dành cho các kháng chiến quân của Mặt Trận, nhưng không diễn ra công khai như lần này. Trong vụ xử lần sau, kháng chiến quân Nguyễn Hồng Nam là người có bản án nhẹ nhất, 3 năm tù giam.

Một số chi tiết được thêu dệt xung quanh Nguyễn Hồng Nam để ca tụng chính sách khoan hồng của chế độ đương quyền, cha Nam thực sự là bộ đội tập kết, nhưng anh không “thành khẩn khai báo – hay những suy tư sau song sắt nhà tù” hơn ai hết anh em kháng chiến quân còn lại phải tin tưởng vào nhau. (Hiện anh Nam đã ra tù, đang sống ở Phú Nhận).

Với người Sài gòn hay miền Nam, Chí Hòa, không chỉ là một địa danh, nó đã trở thành một danh từ, trong câu chuyện muốn nói đến chuyện tù tội, hay né tránh một vấn đề gì, họ thường dùng danh từ này.

Chí Hòa, nhà tù hình bát giác, nằm lọt thỏm trong một khu dân cư đông đúc tại quận 10. Những đôi nam nữ thanh niên vui chơi trong Công Viên Kỳ Hòa cũng có thể nhìn thấy phiá sau của nhà tù đó. Trên con đường đông đúc nối liền trung tâm Sài Gòn với khu Bẩy Hiền, gần chợ Tô Hiến Thành, có một con đường nhỏ dẫn vào cổng chính nhà tù, ít ai nhớ con đường đó tên gì vì đó là đường vào Chí Hòa!

Chiều hôm sau phiên tòa, trên chiếc xe bít bùng đó, tay chân anh bị cùm. Xe có còi hụ chạy trên đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám sau nầy) đã rẽ ngoặt vào nhà giam Chí Hòa. Nếu tiếp tục đi hết con đường này qua Ngã Tư Bảy Hiền, qua Ngã Tư An Sương, sẽ đến quê anh Thới Tam Thôn...

Khi vào Chí Hoà, ở khu A, anh em bạn tù rất quý mến, ngưỡng mộ và giúp đỡ anh tận tình. Nhà tù này không kinh khủng như những gì anh nghĩ.

Báo Việt cộng loan tin vụ xử án 18 KCQ Mặt Trận với những lời lẽ xuyên tạc về hoạt động của MT
Trước đó vài năm là vụ Dòng Đồng Công, các linh mục hiện bị giam ở khu A, anh được vào chung phòng với các linh mục trong nhà Dòng này. Hình ảnh thân mật của vị linh mục bị mất một chân mà bao lần anh tính hỏi lý do mà không tiện hỏi. Linh mục Trần Đình Thục cương nghị và cương quyết, bao lần anh chứng kiến linh mục tuyên bố: chính quyền không trả lại Dòng Đồng Công thì cha nhất quyết không ra khỏi tù. Chỉ vì muốn cướp một tài sản của giáo hội công giáo, một vụ án chính trị đã được dựng lên. Anh không là người công giáo nhưng các cha rất quý mến. Chỉ một thời gian ngắn anh bị chuyển trại và không bao giờ được gặp lại những vị linh mục đáng kính đó nữa.

Khi chuyển ra trại ngoài, trại cải tạo Đông Hòa, Bình Long, Sông Bé, có được năm người, là những đồng đội năm xưa, nhưng chỉ vài ngày họ bị chuyển trại, chỉ còn lại một mình anh. Trong trại chỉ có một mình anh là “dân phục quốc” lại dưới trướng của Tướng Hoàng Cơ Minh nên anh được anh em bạn tù quý mến. Trong trại thì không bị đối xử như tù hình sự. Công việc nhẹ nhàng hơn, làm trong đội rau xanh.

Thời gian này tình hình Đông Âu biến động, bản thân anh không được biết gì nhiều. Một số tù sĩ quan của chính quyền trước 75 có được những thông tin này. Vì những biến động này mà tụi quản giáo mềm mỏng hơn, anh nghe một số anh em tù hình sự nói vậy.

Vượt Trại

Trong trại, tù hình sự và tù chính trị ở 2 khu riêng biệt, các anh em tù hình sự thường phải làm ở đội sản xuất, khai hoang đất... Anh em tù chính trị thường được phân công ở các đội nghành nghề, mộc, hồ, nhà bếp... để dễ kiểm soát.

Anh phải lao động trong đội nghành nghề là... trồng rau xanh, chuyên lo việc gánh nước.

Đội rau xanh gồm nhiều tù lớn tuổi là sĩ quan trước năm 75 và một số giáo sĩ công giáo. Chung với nhiều người kinh ghiệm về trường đời cũng như trong tù. Có thể họ có điều kiện để nghe đài BBC, chuyện các anh đó có radio cũng chỉ là dự đoán, việc có đài trong trại tù là xác xuất rất cao.

Luôn có tư tưởng vượt trại, anh biết chuyện điều nghiên tình hình cần thời gian rất nhiều. Trong thời gian ở trại anh cố gắng sinh hoạt bình thường nhưng tâm trí luôn tìm hiểu về đường đi nước bước cũng như cách điều động của chúng khi có người vượt trại. Khi đã nắm được quy luật sinh hoạt của trại và biết được chính xác trại ở điạ điểm nào thì tìm cơ hội để vượt thoát là điều khó nhất. Tinh thần thì vững vàng rồi, nhưng không biết đôi chân, sức lực có đủ để vượt qua hay không!

Một kế hoạch được hoạch định trong đầu phù hợp với công việc của mình, anh trở thành người gánh nước cần mẫn, dù trời nắng hay mưa vẫn tưới đủ nước để chuyện anh đến gần con suối là một điều bình thường.

Còn một chuyện nữa, đó là tiền. Bao người bị bắt lại chỉ vì điều tưởng chừng như hiển nhiên đó. Bao đêm suy nghĩ và để ý đến những cách gởi tiền bị bại lộ, như trong tuýp kem đánh răng, gấu áo lạnh, áo choàng.

Anh báo với người nhà khi thăm nuôi là cần một ít tiền mặt để lo lót cho cán bộ khỏi phải làm những việc nguy hiểm và mua hàng, thức ăn... anh dặn kỹ những đồng tiền mệnh giá trung bình, không quá mới và để dưới đáy một hũ mắm ruốc hay mắm mêm. Lần đầu cũng hũ mắm đó nhưng không có gì, lần thứ hai mới có. Hũ thuỷ tinh gói sơ sài trong bao ny-lông bị xì, bị trào ra ngoài càng tốt. Kế hoạch bước một trọn vẹn.

Có cơ hội là chớp ngay. Chuyện đã đến, anh làm ở đội rau xanh, khâu gánh nước. Trời giúp, một hôm trời mưa, khi trời chuyển mưa quản giáo thường gom người lại. Anh trên đường đi xuống suối, trời mưa bất chợt, nghe tiếng còi gom tất cả phạm nhân lại... đây là cơ hội. Phóng như bay xuống suối, anh liền nhận 2 cái thùng gánh nước có cây đòn gánh có dây sắt móc vào thùng xuống dưới lòng suối để chúng không biết chạy trốn hướng nào. Anh bỏ ngay kế hoạch đánh lạc hướng, vì cơ hội này vô cùng thuận tiện. Sáng nay như có một linh tính gì anh mang hết tiền cột trong người, mặc hai chiếc áo, như mình bị cảm. Khu trại gần đập lòng hồ, bên kia con suối là một cánh đồng trống, khoảng nửa cây số là đến bìa rừng. Tiếng còi gom quân trong cơn mưa bất chợt anh biết mình sẽ có 5 đến 10 phút trước khi bị phát giác. Vượt qua con suối chạy lấp xấp trên cánh đồng, cũng may cỏ cũng cao, đang cố chạy thì nghe tiếng súng báo động, đến bờ rừng thì biết bên kia đã báo động toàn trại. Khi súng bắn báo động có người vượt trại đã nổ vang thì anh đã an toàn ngoài tầm đạn hay tầm nhìn của những chòi canh. Cuộc vượt thoát như anh dự liệu, chạy vô rừng, cố chạy, chạy không định hướng, và biết chắc đã thoát thân. Anh cởi áo tù chôn dấu cẩn thận trước khi ra tới bìa rừng bên kia. Vào được một làng nhỏ, vào một quán cóc mua một giỏ đệm, vài gói mì, một cái hộp quyẹt, bốn gói thuốc Hoa Mai và một con rựa, để giả dạng người đi rừng. Quán nhỏ không khách, bà chủ quán chắc mải lo chuyện gì nên không chú ý tiếng súng, hay cũng đã quen nên không bận tâm gì. Được biết mình đang ở địa bàn xã Minh Hoà, Minh Thạnh...

Quyết định ở lại khu rừng này ít nhất là một tuần, có được ít gói mì, một cái ca nhỏ để lấy nước và một con rựa. Tìm vào một lò than cũ không còn khai thác, lò than kiểu này ở đây rất nhiều. Lò than thực sự là một hầm sâu, người ta để cây vào và đốt âm ỉ trong vài ngày, những thân cây đó đã thành than, làm như thế một vài lần thì bỏ lò, vào một lò nằm được vài ngày, rồi lại rời qua một lò khác. Chờ đợi được 7 ngày, theo quy luật thì sau ba, bốn ngày canh gác ở những tuyến đường bến xe công an sẽ rút về trại. Sau khi có người vượt trại thì tình hình nghiêm ngặt hơn, đến chín mười ngày sau mới trở về nếp sinh hoạt cũ.

Anh nằm đó vừa chờ đợi vừa suy nghĩ về quy luật của công an mỗi khi trại có người trốn.

Khi quyết định tìm đường để ra đường lộ thì lại bị lạc trong rừng cao su. Qua một con sông nhỏ, có thể là một nhánh của thượng lưu sông Sài Gòn. Anh định hướng về hướng Tây tìm đường về Tây Ninh, trời mưa tầm tã hai ngày nên không có ánh mặt trời để định hướng. Lạc qua ngày thứ hai gói mì tôm cuối cùng cũng đã hết; lương thực không, nước uống không chỉ một chí hướng đi thật nhanh, thật xa. Tiếp tục đi qua ngày thứ ba vẫn những cánh rừng cao su bạt ngàn, Anh nghĩ còn trong những cánh rừng cao su thì thế nào cũng tìm được bóng người. Khoảng mới sáng, may mắn gặp một người đi xe đạp trong cánh rừng cao su đang đi kiểm tra các lô cao su mà ông trông coi. Ông ta nói giọng người miền Trung, khoảng gần 60. Làm sao tả hết nỗi vui mừng nhưng anh cố gắng bình tĩnh.

Nói là người đi làm củi bên Tây Ninh nhưng bị lạc vô rừng cao su, không tìm được lối ra. Ông cho biết khu thị trấn gần nhất là Bến Cát, cách khoảng 30 cây số. Biết mình phải lội bộ thêm mấy chục cây số với cái bụng đã hai ngày không có gì lót dạ, nhưng anh không một phút cảm thấy mệt mỏi.

Theo lời chỉ dẫn đó, đi đến chiều thì gặp con lộ đất đỏ, đến sáng hôm sau thì tới đường lộ. Vào một quán mước miá ven đường. Uống nước và hỏi thăm xe về hướng đồng bằng, may mà còn ít tiền nên dể dàng. Có được chuyến xe về Lái Thiêu, nơi có người anh ruột. Anh định hướng về Sài gòn nhưng không có xe, đành về Bình Dương, từ bến xe Thủ Dầu Một lội bộ về Lái Thiêu, là đến tối khuya. Sau bao năm anh được đi trên con đường cái với những căn nhà đóng cửa, then cài lặng lẽ trong đêm.

Về đúng căn nhà của người anh mình, trời có lẽ đã nửa khuya. Tiếng gõ cửa trong đêm ở Việt Nam thường là những tin không tốt lành. Không bao giờ chờ đợi cảnh trùng phùng này ông anh bảo người chị dâu tắt đèn.

Dấu tung tích với chính quyền về chuyện người em, ông bội phần lo sợ về “vị khách nửa đêm” này. Anh em nói chuyện được 15 phút, anh quyết định đi ngay, khi ông ta bảo anh trình diện trở lại.

Trước lúc chia tay anh nói: tôi nói tự tôi lo liệu. Hiểu cảnh sống của người nhà của mình trong hoàn cảnh này. Lấy chiếc xe đạp, và ít tiền lận lưng, anh nói sáng mai nếu không đi cớ mắc với chính quyền thì về Hóc Môn lấy lại xe, anh cũng không biết làm gì để gia đình, người thân không dính dáng tới tên tù vượt ngục như mình.

Đạp xe về Hóc Môn ngay trong đêm. Đạp xe trên QL 13, con đường quen thuộc giữa Lái Thiêu và Hóc Môn anh suy nghĩ lung mung, nhưng biết mình đã thoát, chuyện còn lại là phải làm gì để không bị lộ trong thời gian tìm đường qua Kampuchia.

Về đến nhà một người thân cách nhà của anh khoảng vài cây số. Đó là người cô, chỉ tìm cách liên lạc để báo tin bình an. Vào nhà người thân được vài tiếng là đi ngay. Lên trên rẫy của họ ở khoảng 10 ngày, để lắng dịu tình hình rồi tính tiếp chờ người nhà gom góp ít tiền để qua Kampuchia. Anh tự nói với chính mình, không thể sơ sót, dù bất cứ chuyện gì cũng không thể trở về nhà. Ngày tháng qua một cách chậm chạp, nhờ người cô tận tình và kín đáo nên anh đã có thể tìm đường vượt biên lần thứ hai.

Tìm Đường Trở Về

Trên đường qua Kampuchia thì thuận lợi, trở lại như con đường ngày xưa vượt biên. Về tới Sài gòn thì người cha anh đã chuẩn bị cho anh cái Chứng Minh Nhân Dân. Ông vẫn lưu giữ từ ngày anh ra đi, gởi lại một nhà người quen ở quận 8, rồi nhắn tin anh đến lấy. Vượt qua được những cảm xúc nhớ nhung để cho kế hoạch ra đi của anh an toàn. Từ Xa Cảng Miền Tây đón xe về Châu Đốc. Ngày xưa có người tổ chức, nay đi một mình anh cố tự tìm đường giây qua bên kia biên giới. Cảnh vật cũng vậy, chỉ hàng quán thêm nhiều. Trên xe anh tâm sự với một người đàn bà buôn chuyến vùng biên giới: có người bạn cùng buôn bán nhưng thất lạc nay đang ở bên Nam Vang, muốn tìm đường qua bển để coi thử có gì làm ăn không! Ý như cho họ biết là người bạn làm ăn kia còn giữ một số tiền nên phải qua gặp mặt nói chuyện thiệt hơn.

Cũng may bà ta có đường dây nên mọi chuyện thật dễ dàng. Từ bến xe đi xe honda ôm đến một bến tàu Long Bình qua Tạc Mau, đi đến đâu là có người đón trong đường dây buôn bán của họ. Đến cửa một đồn gác trong bến đò, trạm gác chưa mở, đưa ít tiền chúng tôi an toàn qua ải. Về đến Nam Vang anh cố tìm trong trí nhớ của mình tên tuổi một số người quen để câu chuyện “anh khờ đi buôn” được hoàn hảo, trong những ngày tìm đường qua đất Thái.

Trong vai một người xin việc anh ở hẻm Xốc hốc, một khu phố của người Việt trong thành phố Nam Vang, một thời gian. Làm đủ việc để sinh sống, từ làm thợ hồ, đến làm muối...

Từ Nam Vang lên Battambang qua Poi-Pet, tới cửa khẩu không khó nhưng nhập vào Thái mới khó khăn.

Poi-Pet có rất đông người Việt. Trong vai một người thu mua ve chai, phế liệu anh có ý muốn qua chợ trời Biên Giới.

Tới chợ trời, anh lặng lẽ lên xe người đò người Thái, họ nhìn biết ngay mình là người Việt, họ đuổi xuống. Anh biết chuyện nhập vào đất Thái bằng xe đò khó thành. Giá tiền từ chợ trời đến A-ran chỉ 5-6 bath, đi xe ôm khoảng 15 bath nhưng với người Việt thì không phải giá đó. Đón xe ôm họ đòi 500 bath, anh nói không đủ tiền, hơn một chỉ vàng. Anh đi bộ được một đoạn đường một người cảnh sát Thái chặn lại và xét giấy tờ.

Với vốn liếng tiếng Thái ít ỏi anh lên tiếng:

- Ba ta lát - đi chợ.

- Bai-nai, bai-nai – trở lại, trở lại

Hai lần bị phát hiện phải trở lại, về đến bến xe, anh quyết định phải rời đây bằng mọi giá.

Tìm lại tay xe ôm ban sáng, đồng ý với giá hắn đưa ra: 500 bath

Hắn đòi tiền trước, anh móc ra một nhẫn vàng 5 phân. Đây là tất cả số tiền mà anh có được, trị giá khoảng 300 bath.

Hắn chạy vào chợ thử vàng xong ra đồng ý chở đi. Nhưng xe vừa chạy được một đoạn hắn tấp vào một nhóm xe Honda ôm ven đường khác, và trao đổi tiếng Thái với một tay khác, và bảo anh sang xe, bảo tay lái mới này đưa anh tới khu vực người Việt Nam sinh sống. Hạng người này ở đâu cũng có, không bận tâm đến những chuyện đó chỉ mong là lọt qua biên giới an toàn. Chưa được năm phút là tới khu xóm Việt Nam. Hắn ngừng xe và chỉ tay đi vào trong đó rồi rồ ga bỏ chạy. Anh lặng lẽ vào khu xóm Việt, đi vào hẻm phía sau, phiá trước là đường xá, mặt tiền buôn bán.

Thấy một người trung niên khoảng gần 60, da dẻ chắc thịt, đang đứng bên trong một căn nhà phơi nhiều quần áo.

Anh đứng ngoài hàng lên tiếng: Chào bác

Nhìn người lạ thật lâu, ông cất tiếng, giọng Bắc:

- Cậu đi đâu vậy?

Anh đáp lại:

- Cháu vào được không bác?

Ông mở cửa; vào trong trà nước, ông ta qua đây được 40 năm rồi, không biết chuyện gì hết. Anh kể hết câu chuyện của mình. Trầm ngâm, ông mặc áo rồi đứng lên. Bảo có một người sẽ giúp được. Đó là ông Hoàng, chi hội trưởng chi hội Việt Kiều ở đây.

Đi đến căn nhà đầu đường sang trọng. Đúng hơn đây là một hiệu buôn lớn về đồ gia dụng và đồ điện tử.

Gặp người vợ trẻ, ngoài 40. Vừa nói được vài câu, người vợ nạt nộ:

- Ổng đi rồi, 3 ngày nữa mới về.

Thái độ của bà ta, chắc là thường xuyên nói chuyện với hàng xóm như thế, Bác ấy chẳng bận tâm. Bác dắt anh ra ngoài, vào một quán cafe kế cạnh; chủ quán là một người Việt Nam. Giọng nói là người Bắc nhưng từ ngữ dùng trong xã giao lại toàn là từ ngữ rặt miền Nam. Sau khi nghe kể câu chuyện. Ông ta thẳng thừng từ chối, lo sợ nhiều hơn.

- Tui hổng muốn dính líu tới. Tôi không giúp gì được hết. Tui qua đây mấy chục năm chưa có quốc tịch.

Như sợ không ai hiểu ông nói gì, ông hạ giọng:

- Anh Ba à! Anh hiểu cho tôi.

À! Bác ấy là bác Ba, ít nhất anh biết cách để xưng hô.

Trở về nhà, người con gái bác Ba hoảng hốt:

- Ba đi đâu vậy ba?

Ông cũng chẳng buồn trả lời, xuống bếp chuẩn bị cơm nước. Anh ngồi đó nhìn quanh, đây là một tiệm giặt ủi.

Cơm nước xong hai người trở lại đầu đường, lần này vào căn nhà người quen kế bên nhà ông Chi hội trưởng

Bác Ba kể tiếp lại câu chuyện, và cả chuyện bà vợ ông Hoàng, chi hội trưởng.

Ông kia lên tiếng bốp chát ngay liền:

- Bả nói xạo đó. Ông Hoàng mới ra chợ, chút ổng về liền.

Cái văn phong trong lối nói đặc sệt người miền Nam, nhưng giọng lại là người miền Bắc anh nghe hơi là lạ.

Mới dứt tiếng thì ông Hoàng chạy xe về. Họ vào ngay trước khi vợ ông ta lên tiếng.

Nhưng người đàn bà kia có lẽ quen thói hà hiếp người, không xấu hổ về sự dối trá của mình, bà ta nói như chỗ không người:

- Tôi nói ông đi rồi, không tiếp ai hết đó!

Ông Hoàng phản ứng lại ngay:

- Người ta tới rồi không tiếp được sao!

Hai vợ chồng lớn tiếng ngay trước mặt khách. Vào bên trong, anh trình bày mọi việc. Anh lên tiếng:

- Cháu có ít tiền, bác có thể mua tìm cách mua vé tàu cho cháu đi Băng-cốc được không?

Ông Hoàng phân tích, mua vé thì được, nhưng sẽ bị bắt ngay. Ga này ở sát biên giới Kampuchia, cảnh sát xét rất kỹ, khó thoát lắm; nếu bị bắt thì phải trở về. Hay mình gọi cảnh sát tới trình bày sự việc, có thể họ sẽ thu xếp đưa mình trở lại trại ty nạn được.

Sau năm phút trò chuyện và suy nghĩ anh quyết định nhờ ông Hoàng gọi cảnh sát. Chưa được 10 phút, hai xe cảnh sát hụ còi. Hai người cảnh sát trao đổi với ông Hoàng vài phút, tiếp sau, ông Hoàng đóng vai trò phiên dịch cho anh. Buổi gặp mặt kết thúc nhanh chóng, anh theo cảnh sát về đồn không kịp cảm ơn người đàn ông tốt bụng.

Không biết vì lý do gì mà anh không bị đưa ra tòa, các trường hợp khác phải ra tòa và bị nhốt khoảng 2-3 tuần rồi mới trở lại trại.

Gặp Lại Chiến Hữu

Ở đồn cảnh sát Kampuchia đến chiều tối thì được đưa qua trại trung gian. Đó là một ngày cuối tháng 7-1992. Tính từ ngày đoàn quân của anh rời đất Thái vào đầu tháng 7-1987 thì thời gian vừa đúng 5 năm. Anh bị giam ở đó khoảng một tháng, chờ lên danh sách đưa vào trại lớn để Cao Uỷ Tỵ Nạn xét duyệt. Trong trại nhỏ này ngoài anh còn một số người Việt khác, anh quyết không để lộ danh tánh, chỉ nói là mới vuợt biên. Ai cũng khuyên nên trở về, lúc bấy giờ trại đã đóng cửa, một số người rớt thanh lọc đang làm thủ tục trở về.

Khi làm phiếu nhập trại, anh kể lại lúc trước đã có tên trong trại, sau gia nhập Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh. Một nhân viên IOM người Việt, bán tín bán nghi, nhìn anh trân trân. Anh không đoán được sự quan trọng của thông tin này. Người nhân viên đó nói gì với người Thái và nhanh chóng rời khỏi phòng làm việc. Anh thấy một người cảnh sát trong sắc phục gọn gàng, khoanh tay đứng ngoài cửa. Thì ra tay nhân viên IOM người Việt kia là một cảm tình viên của Mặt Trận đã tức thời chạy về báo cho anh Thắng, một trong những kháng chiến quân sau cùng còn lại ở trại và cũng để xác minh. Chưa đầy mười phút sau, một tốp người đi vào. Anh em đã nhận ra nhau qua khung cửa sổ, có lẽ do quá xúc động tuy đã nhận nhau qua ánh mắt nhưng anh Thắng vẫn gọi giật tên anh.

Không nghĩ là gặp ai, anh nghe tiếng kêu tên mình từ những chiến hữu ngày xưa, một cảm giác hạnh phúc dâng tràn. Anh em đang đứng ngoài cửa văn phòng IOM, anh trong này; phút trùng phùng được tính bằng giây. Chưa đầy hai phút mọi giấy tờ thủ tục đã xong. Bước ra ngoài, ôm chầm lấy chiến hữu tủi tủi mừng mừng... Anh không biết là mình đã cười hay đã khóc… chỉ biết rằng nước mắt đã chẩy ra, và lòng mình thì trùng xuống. Trong cuộc đời anh, khó có những giây phút hội ngộ nào mang nhiều xúc động như vậy.

Câu chuyện nói ra không dứt....

Những người chiến hữu của anh là những con người bình thường nhất, họ đi vào cuộc kháng chiến có người đã làm xong phần việc của mình, có người đang tiếp tục.

Riêng anh đã trải qua đoạn đường đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời của một người trai Việt trong cơn quốc biến. Đoạn đường có mồ hôi, xương máu, có những buồn tủi cũng như những kiêu hùng.

Anh sẽ chẳng bao giờ quên những ngày tháng đó, và con đường Đông Tiến thân thương…