Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Nhớ Về Chiến Hữu Hoàng Huy

Thùy An

Bác Hoàng Huy
San José, thành phố được mệnh danh là Thung Lũng Hoa Vàng ở miền bắc California, thành phố nhỏ thân thương đã để lại trong tôi một dấu ấn thật sâu đậm với bao kỷ niệm êm đềm bên những chiến hữu của tôi, đặc biệt là người chiến hữu cao niên nhất của anh em phục vụ toàn thời cho Tổ Chức vào lúc đó, chiến hữu Hoàng Huy.

Tôi còn nhớ hôm đầu tiên đến làm việc tại Văn Phòng Tổng Vụ Hải Ngoại, sau đó, tôi được biết mình sẽ bắt đầu chia sẻ một cuộc sống mới tại cư xá độc thân của Vụ Kiều Vận. Tôi đã gặp chiến hữu Hoàng Huy, người chiến hữu cao niên mà anh em chúng tôi gọi là bác Huy với dáng gầy cao dong dỏng và mái tóc bạc trắng. Bác ít nói và kín đáo nên tạo thêm cho bác một dáng vẻ rất nghiêm khắc. Chiến hữu Minh giúp tôi mang hành lý vào phòng và cho tôi biết một số nguyên tắc điều hành chung trong cư xá. Sau đó, còn dặn dò tôi thêm là bác Huy rất ngăn nắp và nhất là bác lớn tuổi rồi nên cần sự yên tĩnh và bác có hơi khó tính nên khi nói chuyện phải chú ý lời ăn tiếng nói một chút coi chừng bác buồn... Thú thật khi nghe như vậy, tôi cũng hơi lo. Tự nhiên tôi cảm thấy bơ vơ làm sao.

Hơn một tháng sau, tôi đã quen dần với sinh hoạt mới. Mới 7 giờ sáng tôi đã thấy bác Huy chỉnh tề quần áo đi vào văn phòng làm việc. Có lẽ bác đã quen như thời còn làm Giám đốc một Ngân hàng ở Việt Nam trước năm 1975. Lúc đó bác Hoàng Huy đã gần 70 tuổi. Công việc của bác bây giờ là dịch thuật một số bài từ Pháp ngữ, Anh ngữ qua Việt ngữ. Bác rất cần mẫn không nói chuyện với ai và tới hết giờ thì đi về. Các anh em trẻ làm việc bên tòa soạn Báo Kháng Chiến cũng như Vụ Tuyên Vận đều rất quý bác, nhưng cũng rất ngại, vì bác vẫn ' thưa gửi' đâu ra đó, và luôn luôn trao giấy tờ bằng hai tay, bất kể người nhận nhỏ tuổi hơn con của bác. Mỗi lần gặp bác, tôi chỉ chào hỏi và không dám nói chuyện vì sợ mình láu táu nói lỡ lời bác giận thì khổ. Trong cư xá Vụ Kiều Vận, anh em làm việc giờ giấc cũng khác nhau nên mỗi người tự túc ăn và buổi tối thì ai về phòng người nấy, chỉ khi nào có khách hoặc có sinh hoạt chung thì lúc đó cư xá vui vẻ... như ngày hội.

Thông thường chủ nhật, cả cư xá đều vắng: đi thăm thân nhân, đi sinh hoạt cơ sở, đi công tác. Một sáng chủ nhật nọ, tôi không đi sinh hoạt bên ngoài nên ở nhà. Tôi ra sân cắt vài nhánh lá ngoài vườn bỏ vào lọ chưng nơi bàn ăn cho vui nhà. Bác Huy đi chợ về thấy thế chỉ nhìn rồi vào phòng. Tôi ra sân ngồi chơi. Tôi ngửi thấy mùi khói thuốc, tôi biết bác Huy đến. Bác hít vài hơi pipe và hỏi tôi: Chiến hữu Thùy An nhớ nhà phải không? Tui thấy chiến hữu buồn. Tôi chỉ lắc đầu cười không nói gì. Bác nói tiếp giọng có âm hưởng của người Huế: Gia đình vợ và các con cháu tui ở San Diego. Có như không có. Từ lâu, tôi coi các chiến hữu ở đây là gia đình của tui... một chút im lặng... Tôi chưa định thần thì bác lững thững đi vào nhà, khói thuốc của ống pipe thơm ngây ngây và tôi nghe lòng mình nao nao. Cái dáng vẻ nghiêm khắc nơi bác bỗng chốc tan biến, tôi chỉ thấy ở bác Huy sự cô độc. Tôi ân hận đã có định kiến về bác khi nhìn bề ngoài của bác cộng thêm lời dặn dò của chiến hữu Minh. Từ đó, tôi hay đến trò chuyện thăm hỏi, lo lắng cho bác. Thỉnh thoảng, bác đến bàn làm việc của tôi cho tôi ô mai vì bác biết tôi thích ăn quà vặt.

Sau đó một thời gian, chúng tôi dọn qua một cư xá khác. Cư xá này, người đông hơn và có nếp sinh hoạt chung vì anh chị em tương đối làm giờ giấc gần giống nhau. Mỗi buổi chiều, đúng 19 giờ mọi người phải về ăn cơm chung với nhau, và tối có thể trở lại Văn phòng làm việc tiếp. Mỗi anh chị em phải phụ trách đi chợ, lo cơm nước, vệ sinh nhà cửa trong một tuần và chia cho 4 người trong tháng, chỉ có bác Huy là được miễn. Thỉnh thoảng, bác cũng xin được nấu cơm cho cả nhà ăn. Bác thường hay cho ăn đậu phụ luộc chấm với mắm tôm và nồi canh rau. Tôi thấy bác vui hẳn. Trên mâm cơm, bác huyên thuyên kể về thời bác còn trai trẻ thật thú vị. Chúng tôi không ngờ bác lãng mạn và đa tình đến thế. Tối hôm đó, tôi thấy mấy nam chiến hữu lục đục vô bếp lục mì gói ăn thêm vì đói. Và mỗi lần bác Huy đòi nấu cơm cho cả nhả thì các nam chiến hữu rầu lắm vì menu của bác Huy thật là thanh cảnh. Tuy nhiên, mỗi lần được bác mời đi ăn tiệm thì chắc rằng đó là quán bún bò Huế và không bao giờ bác quên gọi món bánh ít ram. Tất cả thực khách mà bác mời đều được coi là 'phải thưởng thức món Huế'.

Đời sống và công việc của chúng tôi trong thời gian này là như thế. Chúng tôi để hết tâm trí vào công việc, mong sao việc vận động đồng bào được nhiều kết quả, để đẩy mạnh công cuộc kháng chiến quang phục quê hương. Lúc đó cũng có nhiều chiến dịch đấu tranh được Mặt Trận tiến hành.

Khoảng thời gian đó, phim bộ tình cảm xã hội của Trung Hoa rất thịnh hành. Những ngày nghỉ, bác Huy hay thuê về coi. Chiều hôm đó, chiến hữu K. Tâm và tôi vừa vô tới nhà là bác đã chạy ra kêu ngay vào phòng để xem đoạn phim này hay lắm. Tôi thấy bác rewind lại đoạn phim khóc đến cả 5 phút. Bác cũng khóc theo. Mấy nam chiến hữu nói nhỏ với chúng tôi là khi nẫy bác đã khóc một bận rồi và đợi hai chiến hữu về rewind lại để khóc lần thứ 2. Thế là chúng tôi rúc rích cười với nhau. Khoảng thời gian sau, chiến hữu K. Tâm đã lập gia đình và ra riêng. Chỉ còn mình tôi là nữ ở lại nhà.

Thỉnh thoảng, bác lại còn lo cho cuộc sống tình cảm của tôi nữa. Có lần, trong tháng liền mỗi chủ nhật thấy tôi đi sớm và chiều tối mới về tới nhà. Bác làm bộ kêu tôi vô phòng nhờ một chút việc. Sau đó, bác moral thật dài dòng v.v và v.v... Tôi mở to mắt không hiểu gì cả, mãi sau này, khi biết tôi đi sinh hoạt lo văn nghệ kháng chiến chung với các chiến hữu ở cơ sở thì bác cười ngặt nghẽo thố lộ bác sợ tôi có bạn bên ngoài thì không làm việc được lâu dài. Từ đó, bác lại hỏi tôi có lọt mắt xanh ai chưa? Và bác còn táo bạo đòi giới thiệu tôi với người chiến hữu mà theo bác là rất dễ thương, rất tốt và rất hợp với tôi... làm tôi sợ quá phải can bác quá chừng.

Trên đây chỉ là những khiá cạnh thật dí dỏm và dễ thương mà tôi cảm nhận được từ bác Huy. Một người chiến hữu với dáng dấp thật nghiêm nghị và gương mẫu.

Nhưng điều làm tôi cảm động và chia sẻ với bác nhiều nhất là khoảng thời gian bác ngã bệnh.

Tôi thấy bác than mệt và bác nghỉ làm. Tôi nấu cháo để ở nhà để bác dùng. Nhưng sau đó, bác đi ngoài và không giữ được. Tôi giúp bác lau chùi giường và thay drap. Tôi thấy bác ngại ngần xin lỗi tôi mãi. Bác đi bác sĩ nhưng sau đó bác lại ói ra máu và đi ngoài ra máu đầy giường. Anh em chúng tôi phải kêu cấp cứu và đưa bác vào nhà thương và bác phải nằm lại cũng cả hai tuần vì bác sĩ đang khám nghiệm để định bệnh. Ngày hôm sau, khi tan sở, tôi vào thăm bác Huy và mang cho bác chậu hoa nhỏ. Bác tỉnh táo hơn và đón tôi với nụ cười hiền hậu trên môi. Không hiểu sao, lúc đó, tôi đã lo cho bác như lo cho chính người thân của mình. Mỗi chiều, tôi đều ghé thăm bác và mua bánh cũng như mang sách báo cho bác đọc đỡ buồn. Bác hỏi tôi tin tức từng chiến hữu một và công việc hàng ngày. Bác cũng lo không biết là ai sẽ thay thế bác trong việc dịch thuật. Tôi cũng được nghe bác kể về gia đình của bác ở San Diego, với từng tánh ý của các anh chị con bác. Tôi luôn nghe bác nhắc nhiều đến một người con trai mà tôi nghĩ là bác thương nhất. Và bác nói về một người tri kỷ mà đến ngày hôm nay khi nhắc đến bác Huy vẫn còn thương cảm bồi hồi.

Bác Hoàng Huy (bên phải) cùng ông thông gia (đội mũ) và các con cháu của bác
Cho đến một hôm, công việc nhiều quá tôi ra sở trễ và lại bị kẹt xe, tới nơi chỉ còn 10 phút là không được vào thăm. Tôi vội vã chạy lên phòng bác thì thấy cô y tá đang mang thức ăn đến nói to với bác: đây rồi, con gái của ông đến rồi đây... tôi hơi ngỡ ngàng bước vào và bác nhìn tôi cười hơi bẽn lẽn. Tôi đang phân trần thì bác kêu tôi đến ngồi bên bác và nói: Thùy An biết không? Lúc tui đau ốm, đại tiện ra đầy giường, con tui không phải làm những công việc dơ bẩn đó mà trong khi đó Thùy An lại phải làm thì cho phép tui coi Thùy An là con gái của tui. Tôi bồi hồi và nghẹn lời không biết nói gì hơn là chỉ biết nắm bàn tay da trổ đồi mồi và gầy guộc của bác vuốt nhè nhẹ...

Và tôi đã trở thành con gái của bác Hoàng Huy từ ngày đó.