Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Việt Nam Kháng Chiến: Tiếng Nói Kiên Cường

Hoàng Thắng

Ðường kháng chiến đi qua
Bỗng lạ lùng
thấy mình quen tất cả
         (Thơ KCQ Võ Hoàng)

Hoàng Thắng (áo thung trắng, hàng bià, đứng thứ 1 từ bên phải) trên ghe chuyển đến trại tỵ nạn Galang
Tôi đi vượt biên vào năm 1980 và được con tầu Cap Anamur của Đức vớt trên biển Đông rồi đưa tôi đi định cư tại thành phố cảng Hamburg ở miền Bắc nước Đức. Năm 1982 tôi gia nhập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, và 2 năm sau đó, tôi tình nguyện về phục vụ tại khu chiến của Mặt Trận.

Tham gia đoàn Văn Nghệ Kháng Chiến tại Bắc Đức
Khi tôi vào chiến khu thì đài phát thanh Việt Nam Kháng Chiến (VNKC) đã hoạt động được hơn nửa năm rồi. Vào những ngày nghỉ, buổi sáng chúng tôi thường được Dân đoàn mở máy cho nghe chương trình phát thanh của đài. Trong hoạt động của cuộc sống sẵn sàng xông pha và khung cảnh hoàn toàn cách mạng, tôi có cảm giác máu huyết chạy rần rần trong cơ thể mỗi khi nghe các cuộc phát thanh đầy khí thế chiến đấu đó. Tôi tưởng tượng như một đội quân hùng hậu đang tiến ầm ầm bên tai, khiến mạch máu bừng bừng xung động, hy vọng dâng cao quá cao, niềm tin chiến thắng vươn lớn quá lớn. Thật là một sự tác động mãnh liệt của công tác vận dụng và tuyên truyền. Một đài phát thanh kháng chiến, ảnh hưởng thế nào thì mặc sức chúng tôi phỏng đoán, song ngay chỗ chúng tôi thì tiếng nói của đài VNKC quả là chỗ dựa tinh thần vô cùng quan trọng. Nó tạo cho chúng tôi cảm giác là chúng tôi không chiến đấu cô đơn.

Từ trái: Chiến hữu Hoàng Thắng (áo đen, bên trái) trong phòng làm việc của đài Việt Nam Kháng Chiến tại căn cứ 27
Tuy tôi chỉ có dịp nghe đài vào ngày nghỉ, tức là ngày Im Lặng trong chu kỳ lịch 9 ngày của khu chiến, còn những ngày khác thì bù đầu với công tác từ sáng sớm, nhưng tôi có thể theo dõi được sự thay đổi chương trình của đài một cách sống động. Thí dụ ngày Im Lặng tuần này có tiết mục âm nhạc cuối tuần vì trùng ngày chủ nhật, nhưng tuần sau lại đổi sang tiết mục Văn Học Nghệ Thuật vì trúng ngày thứ ba chứ không phải chủ nhật nữa. Thực ra, không phải ngày nghỉ nào tôi cũng nghe đài, vì có khi loay hoay chuyện riêng hay là nằm sốt trùm mền, song nghe được chương trình nào thì nó in thấu vào đầu mãi. Mỗi chương trình dài đúng 1 tiếng đồng hồ.

Thì ra có một số KCQ cũng đóng góp bài vở cho đài. Qua vài câu chuyện mà tôi nghe, tôi đoán được đài đặt ở một nơi không xa chỗ tôi đóng là bao nhiêu. Một ngày, trong buổi sinh hoạt của dân đoàn tại tiền đồn Bạch Mã, tôi nghe chiến hữu Trường (dân đoàn trưởng) kêu gọi anh em viết bài cho đài, bất cứ tiết mục nào. Về phần tôi, ngoài những thời gian công tác và sinh hoạt, thì rảnh rang đầu óc để làm gì nếu không suy nghĩ đến một đề tài nào đó? Thế là tôi tập tành viết bài gửi cho cấp trên để chuyển đến đài VNKC. Tôi không dè vốn liếng văn chương chỉ để viết thư tình của một anh con trai đa cảm lại được chấm chọn, khiến bao ngày sau mộng ước ngang dọc bằng đôi chân bỗng chuyển sang đôi tay, cầm bút nhiều hơn là cầm súng.

Ngày tôi về đài VNKC là vào khoảng thời gian cuối năm 1984, sau trận đặc công Việt cộng đột kích vào tiền đồn Hải Vân. Trận đánh này lẽ ra tôi phải chết, vì trái mìn đầu tiên trinh sát VC bấm vào một căn lều của căn cứ, mở màn cho trận đột kích, là lều của tôi. Quần áo, gà-mên, thuốc rê và một số vật dụng cá nhân của tôi tan như xác pháo, trộn với xương thịt của chiến hữu Quân và chiến hữu Tong. Trước đó vài hôm tôi lên cơn sốt nặng nên được chuyển về bệnh xá ở căn cứ 81. Chiến hữu Long Tong được điều đến nằm chốt ở lều tôi vì đó là góc độ cần cảnh giác. Khoảng 4 giờ sáng, Quân là người trực, đến gọi Tong dậy để lo thổi xôi cho những anh em khác ăn rồi mang theo công tác. Tên trinh sát VC bấm trái mìn đặt sẵn trưóc lều vài mét khiến cả hai chiến hữu phải hy sinh bi thảm. Cả hai chiến hữu này đã được an táng trong căn cứ. Bên phiá Việt cộng có một bộ đội tử thương để xác tại trận. Xác của người bộ đội xấu số này đã được chúng tôi chôn cạnh con đường mà họ dùng để đột nhập vào căn cứ. Chúng tôi tịch thu được 2 khẩu súng, một của người bộ đội tử trận, khẩu thứ 2 của một bộ đội khác bị thương hoặc tử thương đã được họ mang theo. Cũng từ trận đánh này, tôi bị điều đi luôn không trở lại đoàn nữa.

Ðịa điểm đặt đài VNKC ở trên một ngọn núi cao trong vùng rừng già biên giới Thái Lào, hướng đông là tỉnh Saravan của Lào, hướng tây là tỉnh Ubon của Thái. Tôi cứ tưởng đây là căn cứ 15, nơi đặt đài, nhưng sau khi đài chuyển đến những nơi khác, tôi mới hiểu thì ra căn cứ 15 là một căn cứ... di động, chỉ nói đến trong các lời xướng ngôn giới thiệu cho đài. Ðài chuyển đến đâu, căn cứ 15 sẽ là chỗ đó, không để cho địch biết về sự đổi dời của mình.

Bấy giờ, đài đặt ở căn cứ 83, nằm trong sự bảo vệ của một Quyết đoàn. Con số 83 có ý nghĩa kỷ niệm năm thành lập căn cứ này cũng như đài VNKC. Thời gian sống ở đó, tôi biết Ông Thầy cũng ở căn cứ này, nhưng trong khu vực khác. Phòng phát thanh nằm dưới một tảng đá lớn. Các KCQ đã đào và moi khoét đất từ một hốc lõm của tảng đá, ăn sâu 2/3 dưới mặt đất, tạo thành hang đá đặt máy phát thanh. Ðể đến được cửa hang, chúng tôi phải đi loanh quanh các tảng đá lớn bằng cỡ chiếc xe hơi, rồi leo xuống một cái rãnh đất sâu khoảng 2 mét mới thấy và tới được miệng hang đá. Trong căn hầm đá nhỏ bé mà kiên cố đó, các chương trình phát thanh hướng về VN đã được truyền đi liên tục mỗi ngày 8 lần, mỗi lần 1 giờ. Bạo quyền cố gắng tung quân dọ thám và mở một số cuộc tấn công đột kích mà họ tình nghi là vị trí của đài, nhưng đều trật mục tiêu.

Tất cả những gì có thể làm lộ mật đều được nguỵ trang và giới hạn tối đa. Máy phát điện được đặt trong một căn nhà cây, chung quanh là vách đất rất dầy. Trần nhà cũng đổ đất, còn được tấn thêm các bao cát để giảm độ rung của trần và bốn bức vách. Nhân viên thay phiên làm việc ngày đêm. Ban đêm, đốt đèn dầu làm việc trong những căn phòng bít kín, không để lọt ánh sáng ra ngoài. Khó nguỵ trang nhất là hệ thống antena. Muốn làn sóng truyền đi xa rộng, phải đặt antena ở một độ cao không có chướng ngại vật, không bị núi rừng cản trở hướng phát sóng. KCQ đã phải tìm chọn loại cây rừng rất thẳng, rất dài và tốt gỗ. Chỉ nội việc đem một cây thẳng băng, dài khoảng 20 mét đi trong rừng dầy chằng chịt bụi cây và dốc đá, không được để lại dấu vết, về tới căn cứ cũng là một công trình vất vả và đòi hỏi khéo léo rất nhiều. Sau đó phải làm sao đưa cây antena gỗ này lên ráp gốc của nó vào phần ngọn của một cây cổ thụ, để có được cái thế cao nhất. Ráp cho chắc để gió mưa không làm nghiêng đổ. Từ xa nhìn đến, nếu thấy được thì cũng chỉ tưởng một ngọn cây khô, có dây leo phủ bám, do đó chưa bao giờ thám sát của địch khám phá được những cây antena này.

Nhiên liệu được chuyển vận từ Thái Lan vào vùng biên giới. Mùa mưa, các con suối lớn dâng ngập, chảy xiết như thác lũ cuồn cuộn. Không được bắc cầu, nên đòi hỏi rất nhiều cố gắng mới đưa được nhiên liệu tới nơi, bảo đảm cung ứng đủ xăng cho máy phát điện. Khí hậu núi rừng ẩm thấp. Dù trong mùa khô mà mỗi sáng sương phủ khiến cỏ cây đất đá đều ẩm ướt, dễ làm rỉ sét, hư hại máy móc. Do đó phải làm hầm than để lấy than sưởi thường trực cho phòng phát thanh và phòng ráp băng, đọc bài. Một căn cứ khác lo đốt cây làm than với sáng kiến tận dụng để không lộ khói, xong chuyển than đến căn cứ 83.

Dù biết được phương hướng phát sóng của đài VNKC, nhưng địch quân đã không thể xâm nhập và không thể biết chính xác địa điểm của đài. Cũng có thể, chúng không ngờ là đài VNKC đặt trong vùng rừng núi chiến khu thay vì ở ngoài thành phố Thái Lan. Không lơ là, các đơn vị võ trang của MT kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn, ngày đêm tuần phục. Bộ đội VC đã từng sử dụng cấp Tiểu đoàn, cấp trung đoàn tấn công, nhưng lần nào cũng thất bại. Rừng núi mênh mông hiểm trở, địa thế toàn dốc cao, vực sâu khiến địch không thể điều động xe tăng, đại pháo. Muốn tiến đến gần ta, chúng phải di hành rất cực nhọc, không mang được lương thực đạn dược nhiều. Chúng biết sau lưng ta còn có đường rút lui vào đất Thái Lan, không thể nào tiêu diệt nổi ta. Nhất là tinh thần chiến đấu của các đơn vị lực lượng võ trang kháng chiến rất cao, các KCQ đều mong ước có dịp ra quân đụng trận, trong khi tinh thần cán binh VC thì ngược lại, rất thấp, chưa đánh đã muốn tháo lui. Ðó là lý do tạo ra hiện tượng lập trận giả. Một số đơn vị cộng quân được điều động tiến vào vùng hoạt động của ta, nhưng chưa tới nơi thì họ đã tập trung khai hoả. Ðối tượng tấn công của họ chỉ là một vách núi, một khoảnh rừng. Lúc KCQ tìm đến thì họ đã rút, để lại dấu tích một trận đánh an toàn, không đối thủ. Ta tìm thấy những súng hoả lực, lựu đạn, quân dụng mà bộ đội VC vất lại cho nhẹ trên đuờng tháo lui, vì họ lo ngại mang nặng sẽ bị quân ta truy kích kịp.

Không dùng quân sự truy phá được đài VNKC, địch quân đã sớm sử dụng thủ đoạn nhiễu âm để phá các làn sóng phát thanh của đài. Chúng theo đuổi công việc phá sóng này nhiều năm, vì chúng biết nếu để tiếng nói VNKC đến với người dân Việt Nam thì sẽ nguy hiểm cho chúng vô cùng. Tôi được biết, để phá một buổi phát thanh của đài VNKC, chúng phải tốn phí gấp chục lần. Nhưng bạo quyền vẫn không thể bịt miệng tiếng nói VNKC được hoàn toàn. Các nhân viên đài đã thường xuyên mỗi ngày phát thêm các giờ phụ trội, không kể sáng tối trưa chiều. Những cuộc rượt đuổi đã kéo dài suốt năm này đến năm nọ mà ta là kẻ chủ động. Ðịch không thể nhiễu âm được tất cả các ca phát thanh ở bất cứ giờ phút nào, tần số nào VNKC truyền đi. Ðây là nhờ tinh thần cố gắng bền bỉ của nhân viên đài. Những ngày tháng này, tôi bị sốt rét liên miên. Sốt cách nhật. Khí hậu quả thực chướng độc. Nhiều khi viết bài, tôi phải nằm. Mệt hay chóng mặt thì ngửa ra để nghỉ và suy nghĩ, lúc viết thì nằm sấp lại.

Nói tới một đài phát thanh là nói đến những vấn đề kỹ thuật, nội dung, đòi hỏi nhiều công phu và nhân sự, nhưng ban ABC của đài VNKC chưa bao giờ có con số nhân viên tới 15 người. Cứ người này vào thì kẻ khác ra. Ðặc biệt, các KCQ trong ban ABC gọi nhau bằng tên có chữ Hoàng trước tên của mình, thí dụ như Hoàng Thiện, Hoàng Chí, Hoàng Cường, Hoàng Ðiền, Hoàng Võ, Hoàng Lê, Hoàng Tùng, Hoàng Nam, Hoàng Thắng.... Càng về sau, số nhân viên kỹ thuật, nội dung của ban ABC càng ít đi vì nhu cầu về nước. Những nhân viên được tuyển từ các đơn vị võ trang, sau một thời gian làm việc trong đài, trau dồi thêm khả năng và nhận thức thì lại được phái ra đơn vị để chuẩn bị cho các đợt xâm nhập.

Chiến hữu Hoàng Thắng (bên trái) và chiến hữu Võ Hoàng (đeo kính) tại căn cứ 27 năm 1986
Những căn cứ của Mặt Trận đều nằm trên vùng biên giới Thái Lào. Tôi thực sự chưa từng nhìn vào một tấm bản đồ hành quân nào, nhưng qua những lần đi tải lương thực, được anh em cho biết về địa thế như vậy. Các căn cứ có những hoạt động xuyên vào đất Lào, song vẫn chưa vượt qua sông Mêkông. Chiến khu dựa lưng Thái Lan là để có thời gian huấn luyện nhân sự, khi vững vàng thì được đưa đi xâm nhập quốc nội bằng nhiều hình thức. Trước khi có những đợt tiến quân vượt sông Mêkông vào thời điểm năm 1986, thì hầu hết cán bộ được đưa về bằng con đường Thái - Kampuchia - Việt Nam để phục vụ cho việc phát triển các Uỷ Ban Kháng Quản. Các đợt xâm nhập đó chỉ khoảng một hai chục người, lần lượt ra đi. Trong khi đó khu chiến được bổ sung thêm các tân KCQ. Kể từ chuyến xâm nhập cấp Quyết đoàn vào năm 1985 theo con đường Thái Lan - Lào - Việt Nam, do chiến hữu Huỳnh Trọng Hà chỉ huy, thì tình hình thấy rõ là Mặt Trận đang chuẩn bị tung thêm các đoàn xâm nhập cấp số đông về nước. Và vấn đề bảo đảm an ninh cho đài VNKC cũng được chuẩn bị.

Cuối tháng Giêng năm 1985, Mặt Trận cho dời đài ra một địa điểm mới, lùi vào phiá đất Thái. Cuộc dời đài diễn tiến theo từng giai đoạn, trước hết là xây dựng căn cứ. Sau này tôi được biết thì căn cứ này vốn có từ trước, nay chỉ mở rộng, hoàn chỉnh hệ thống phòng thủ và xây dựng khu biệt lập cho hoạt động của đài. Giai đoạn kế là chuyển dần máy móc, vật dụng kỹ thuật tới căn cứ mới, dựng antena. Trong khi bộ máy mới được ráp ở căn cứ mới, thì dàn máy cũ vẫn phát thanh như bình thường. Một số nhân viên đến căn cứ mới, dựng đặt máy và phát thử. Xong hẹn ngày phát thay thế cho căn cứ cũ dọn mà không bị gián đoạn một buổi phát thanh nào. Chương trình phát thanh được ghi âm vào băng cassette và chuyển đến do những chiến hữu giao liên. Chỉ có bộ phận phục vụ đài mới dọn, chứ căn cứ 83 vẫn được duy trì như cũ.

Căn cứ mới này được gọi là căn cứ 27, kỷ niệm ngày thành lập đài: 27 tháng 12 năm 1983. Một Quyết đoàn có nhiệm vụ trấn giữ vòng đai phòng thủ, đóng và kiểm soát các chốt tuyến ở vòng đai ngoài căn cứ 27. Khoảng một vài tháng thì Quyết đoàn này chuyển đi để Quyết đoàn khác đến thay thế. Tưởng nói thêm, Ông Thầy cũng chuyển đến đây, ở một khu riêng thuộc vòng đai thứ nhì, do một Dân đoàn đảm trách. Dân đoàn này có nhiệm vụ rất quan trọng là bảo vệ và lo an toàn ẩm thực cho Ông Thầy. Mỗi bữa ăn, Dân đoàn này và Ông Thầy cùng chúng tôi ăn chung. Chúng tôi vì lo công việc phát thanh nên khỏi lo nấu nướng. Vòng đai trong cùng thuộc ban biên tập và kỹ thuật ABC. Bất cứ ai không phận sự không được đi vào, kể cả các KCQ thuộc Dân đoàn bảo vệ. Chiến hữu Võ Hoàng, cũng là nhà văn đi kháng chiến nhiều tài hoa của chiến khu được chỉ định làm trưởng đài phát thanh VNKC. Anh làm thơ, soạn nhạc trong những lúc rỗi rảnh lúc đêm về. Tôi nhớ mãi một buổi chiều chập choạng, đi ngang lều của chiến hữu Võ Hoàng nghe tiếng đàn hát rất hay, thôi thúc vọng ra. Tôi ghé vào, thì ra Võ Hoàng và Nguyễn Văn Chí đang dợt một bản nhạc hai anh sáng tác chung. Tôi nghe hay quá, tấm tắc khen ngay.

Người kháng chiến quân với cây đàn tại căn cứ Chí Linh 1988
Ở căn cứ 27 đã giảm áp suất truy lùng của địch. Phòng phát thanh không còn phải đặt trong hang đá dưới lòng đất. Tuy nhiên, địa điểm mới đặt phòng phát thanh rất kín đáo và kiên cố, nằm giữa những khối đá khổng lồ, ở trên có tàn cây che phủ dầy đặc dây leo. Ở đây, chúng tôi đôi khi cũng tham gia tuần tra khu vực ngoài xa, hoặc có thể là đi tải. Nơi đây cũng là nơi tôi làm quen được với các công việc của đài. Từ các tiết mục và nội dung phát thanh, tôi đã học hỏi rất nhiều điều hay, đúng đắn để tạo cho tôi một căn bản nhận thức về các sự việc chính trị, truyền thông sau này. Từ một chàng trai trẻ, chỉ biết vui chơi và tán gẫu với bạn bè, tôi đã từ từ học biết phân tích các chiêu bài, thủ đoạn của VC. Tôi diễm phước được chiến hữu Ngô Chí Dũng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân hướng dẫn phương pháp viết bài, phân biệt các loại bài để đặt tên là Quan điểm, Nhận định, Bình luận hay Phản luận...., biết biện chứng pháp mà Việt Cộng hay dùng, học cách đặt một nhan đề bài viết ngắn gọn mà tạo chú ý để thính giả chịu theo dõi......

Tháng 10, 1986, đài lại chuyển cứ vào một làng biên giới của Thái. Địa điểm này được gọi là căn cứ 16, nằm ở phiá bắc của làng Bountharik, thuê một căn nhà của người dân Thái làm nơi hoạt động đài. Tuy nhiên, hầu hết nhân viên ABC, kể cả chiến hữu Trưởng đài là Võ Hoàng, đã được phân bổ ra các đơn vị chờ xâm nhập. Ban nội dung và kỹ thuật chỉ còn vỏn vẹn 4 người, cộng với 2 chiến hữu cấp lãnh đạo là 6. Do đó căn cứ này được đặt là căn cứ 16. Ít lâu sau, đài nhận thêm một số nhân sự do các đơn vị gửi lại vì họ là trẻ em, cao niên, thương tật tàn phế không thể theo đoàn quân xâm nhập về Việt Nam qua những dãy núi và sông trùng trùng điệp điệp. Những người này lập tức được hướng dẫn để phục vụ cho đài theo khả năng của mỗi người. Người thì lo thâu bắt các đài phát thanh Việt ngữ khác và ghi chép lại, người thì đi ca phát thanh hay đọc bài, người trồng tỉa cây trái nguỵ trang ngoài nhà để người bên ngoài không thấy được sinh hoạt v..v.. Nhân viên mặc quần áo dân sự. Sáng sáng tập thể dục, chúng tôi sử dụng tiếng Thái để đếm nhịp.

Phòng phát thanh, phòng ghi âm, phòng họp được đặt trên lầu, còn ở dưới vốn là chuồng nuôi bò được tráng nền, xây vách, sửa sang sạch sẽ, làm chỗ anh em ngủ và khu vực bếp núc ăn uống. Có ống dẫn nước tiện nghi cho ăn uống, nấu nướng và tưới cây. Máy điện được đặt ở sân sau, trong một nhà cây, bốn vách và mái đều tấn nhiều lớp bao đất. Từ cửa vào phòng đặt máy điện là một hành lang được dựng theo hình chữ S để cản tiếng máy điện chạy. Ðứng ở ngoài hàng rào khu nhà của chúng tôi, khó ai nghe được có tiếng máy điện chạy nơi này. Antena cũng được dựng trên ngọn của một cây lớn rất cao (có thang dây nhưng chỉ được một mùa mưa thì nấc thang rã mục). Sau này chúng tôi đưa sang một vài cây khác nhỏ hơn, loại dương. Nói tới cây antena lúc đó, có một thời gian gió bão làm nghiêng đổ mà những anh em leo trèo giỏi thì đã đi xâm nhập hết rồi. Tôi đã phải leo lên ngọn, bằng cách cưa những khúc gỗ ngắn rồi đóng vào thân cây làm nấc thang. Leo tới đâu đóng thang tới đó cho đến khi tới ngọn, rồi dùng ròng rọc kéo một thân tre thẳng lên, ráp và cột chặt gốc tre vào phần ngọn của cây. Kiến tấn công và thêm phần leo trèo kém cỏi, trên cao nhìn xuống đất muốn chóng mặt, sợ té phải ôm cây cho chặt, nên làm xong thì tay chân trầy trụa tùm lum.

Sống ở đây, chúng tôi cử người ra chợ của người Thái mua thức ăn về nấu nướng. Cuộc sống kham khổ ở chiến khu đuợc thay đổi gần như nếp sống bình thường. Chúng tôi không còn chỉ ăn rặt một món canh bí hay cá khô mà có thể mua nhiều loại rau cải, cá tươi ngoài chợ. Thịt thì cũng một tuần 2 bữa nhưng thay vì ăn hoài gà Mỹ, có thể đổi món thịt heo, thịt bò... Nói chung, nếp sống dân sự được áp dụng, chỉ cách ly với người ngoài để dân làng khỏi tò mò vì chúng ta không phải người Thái, có thể lọt tới tai mắt tình báo của Cộng sản Việt Nam.

Ngay khi dọn đến căn cứ 16, chúng tôi đuợc trao thêm công tác chuẩn bị một số nhu cầu cho các đơn vị xâm nhập. Nhiều ba-lô, võng.. được may tại nhà, gắn nhãn hiệu Xưởng Quân Trang Số 9. Trước kia, anh em KCQ có ba-lô song đa số là loại thường, nhỏ, vải thấm nước..., còn chúng tôi thì may lớn hơn, nhiều túi, nhiều dây cột chắc chắn hơn, bên trong có may thêm lớp ni-lon để phòng chống thấm nước. Mỗi ba-lô được may ở mặt bên trong một lá cờ vàng ba sọc đỏ in trên ni-lon. Chúng tôi cũng làm lương khô, như đậu phộng muối, ruốc (tức chà bông từ thịt heo), nước mắm kho quẹt (tức là nấu nước mắm cho bốc hơi thành muối)..., rồi bỏ vào keo, lọ chờ chuyển vào rừng. Anh em làm mà lòng xôn xao lắm. Hầu hết đều bày tỏ sự thất vọng là không được tham dự xâm nhập, phải ở lại trên đất người không biết đến bao giờ mới tới lượt mình.

---- oOo ----

Trong những ngày chuẩn bị cho cuộc xâm nhập, sinh hoạt của đài chúng tôi bận rộn suốt ngày. Một số KCQ được đưa ra để phụ với chúng tôi, may quân trang, làm lương khô. Mấy anh leo cây giỏi thì làm sẵn thang dây, có nấc thang là những khúc cây tròn, lớn gần bằng cổ tay, cột thả theo cây cổ thụ mà trên đó có đặt antena. Khi mọi việc xong xuôi, thì họ được rút vào chiến khu, lên đường. Chúng tôi ở lại, hồi hộp lắng nghe với tâm trạng tràn đầy hy vọng. Những gì mong đợi bao năm qua, đã và đang xảy đến. Mặt Trận đang tiến về Việt Nam, mở màn cho giai đoạn quyết liệt ngay trong lòng đất mẹ....

Giai đoạn này có một việc mà tôi nhớ mãi và hết sức khâm phục Ông Thầy mình. Một lần, Thầy và chiến hữu Võ Hoàng từ trong ra thăm chúng tôi. Chiến hữu Võ Hoàng mới đi công tác ở hải ngoại trở vô sau chuyến đi hụt của đoàn xâm nhập. Ngồi trên phòng họp, Thầy hỏi thăm từng anh em xong thì hỏi chúng tôi có cần gì không cứ nói. Tôi đã thưa với Thầy rằng, đài phát thanh rất cần một người giỏi tuyên vận và viết bài như chiến hữu Võ Hoàng, hay là thầy để Võ Hoàng ở lại coi đài, rồi cho tôi vào theo đoàn về có được không ? Ông Thầy trả lời, Thầy rất hiểu anh em nôn nóng muốn đi với đoàn để được về quê mẹ, nhưng công tác đấu tranh vận dụng của đài VNKC cũng rất quan trọng, còn quan trọng hơn cả công tác xâm nhập nữa. Thầy nói thêm, theo kinh nghiệm lịch sử, thì nguời Thái hay thay bạn đổi thù như trở bàn tay. Có thể một ngày nào đó, họ sẽ bán đứng chúng ta cho CSVN. Cho nên ở đâu thì các anh em đều có sự nguy hiểm như nhau, chứ chưa hẳn ở đài VNKC mà an toàn đâu. Thầy nói rằng, Thầy nói như vậy để anh em chuẩn bị tinh thần, không ngỡ ngàng nếu sự việc có xảy ra, kịp thời ứng biến khi tình thế tồi tệ này xảy đến... Sau này, chúng tôi quả nhiên đã thấy những gì mà Thầy tiên đoán.

Giữa tháng 7 năm 1987. Một chiều mưa tầm tã, chiến hữu Thọ lái xe hơi trở về đài, trên xe chở rất nhiều quần áo dân sự, lấm bết đầy sình đất. Ðó là quần áo mà anh em đoàn võ trang mặc khi di chuyển bằng xe trên đất Thái. Bộ chỉ huy hành quân đã thay đổi giờ phút chót, để đánh lạc hướng kẻ thù và những tai mắt tình báo, bằng cách dùng xe hơi chở KCQ ra đất Thái, chạy lên vùng phiá Bắc, đổ vào một bờ của sông Mêkông làm biên giới với Thái Lào. Trước khi vượt sông, anh em cởi bỏ đồ dân sự, mặc vào đồ bộ đội để nguỵ trang. Ðó là những gì tôi được biết.

Chúng tôi ở lại đài VNKC, tiếp tục hoạt động đều đặn. Dẫu là khá an toàn nhưng lại gặp một vấn đề tế nhị. Ðài nằm trên đất Thái nên Tình báo Thái cho người đến sống chung, Từ đó nhân sự của đài, họ đều nắm rõ, một điều mà trước kia họ không biết được. Thỉnh thoảng, một phái đoàn cao cấp của Bộ nội vụ Thái cũng đến xem xét. Sự tranh chấp quyền hạn có lúc đã xảy ra, khi một buổi trưa, vị quận trưởng quận Buntharik phái lính tới buộc tất cả nhân viên chúng tôi lên xe theo về quận. Họ muốn biết chúng tôi làm gì ở đó, nhưng họ đã không biết gì cả. Sau đó tình báo Bộ nội vụ Thái cử người can thiệp và bảo lãnh chúng tôi trở về căn cứ. Tôi thấy được vị quận trưởng tỏ ra khó chịu vì họ đã không biết được công việc của chúng tôi trong lãnh địa của ông ta. Nhưng rồi mọi việc bình thường trở lại. Cho đến một ngày, tôi được chiến hữu Ngô Chí Dũng cho hay, người Thái cảnh giác là có tình báo VC đang len lỏi truy tìm mình ở đây. Tôi với cương vị điều hành sinh hoạt cơ sở đài, đã cho sắp xếp giờ canh gác ban đêm, đặt chương trình phòng thủ và bảo vệ chiến hữu Ngô Chí Dũng trong trường hợp đài bị địch tấn công đột kích. Thời gian sau, tôi cho huỷ bỏ canh gác đêm vì vấn đề nhân sự, đổi lại là đi tuần khu vực miếng rừng nhỏ và các lùm bụi gần nhà vào mỗi buổi chiều chập choạng, phòng ngừa Việt Cộng cho nguời ẩn núp ở đó mai phục chờ gần sáng tấn công rồi rút lui.

Cơn bão Nam Lào thổi tốc tới làm đảo lộn biết bao hy vọng của tôi. Bắt đầu từ một bản tin của đài BBC, rồi bùng nổ với vụ xử 18 Kháng chiến quân tại Nhà Hát Lớn Sài Gòn, tức toà nhà Quốc Hội cũ của miền Nam. Tôi lập tức trình báo mọi nguồn tin cho chiến hữu Ngô Chí Dũng, đồng thời chỉ giao cho một người phụ trách bắt sóng các đài phát thanh, duyệt trước khi đưa cho các anh em khác viết lại, để không lọt các tin tức về vụ đoàn của Thầy khiến họ hoang mang, mất tinh thần. Tuy vậy, không khí làm việc của anh em có trầm tư, cô đọng thấy rõ.... Ngay lập tức, vào tháng 12, trong lúc Việt cộng đem ra xử 18 Kháng chiến quân trong đoàn xâm nhập của Ông Thầy, tôi được lệnh lên đường lo công tác tuyển mộ tân binh về huấn luyện trở thành Kháng chiến quân để bổ xung cho những đoàn xâm nhập kế tiếp. Hơn một năm trời, tôi ra vô các trại tị nạn ở Thái Lan, từ Site 2 đến Phanatnikhom rồi qua Panthat. Chiến hữu Ngô Chí Dũng và Nguyễn Quảng Văn thì thường xuyên đi huấn luyện tân Kháng chiến quân do chiến hữu Ðào Bá Kế chỉ huy ở một căn cứ nằm hẵn trên đất Thái. Chúng tôi có bổn phận phải tiếp tục con đường mà Ông Thầy và các anh em đã đi. Chúng tôi muốn thực hành lời dạy của Thầy, là người lãnh đạo này nằm xuống thì có người khác thay thế. Chúng tôi trường kỳ kháng chiến. Chúng tôi không chủ trương chiến đấu đơn độc, nhưng không sợ hãi khi phải chiến đấu đơn độc. Một vài lần, tôi có dịp vào thăm khu chiến mới. Phải công nhận các Kháng chiến quân trong đoàn này rất tài giỏi và vững tâm. Một số anh em từng là bộ đội Việt cộng, phải đi trong cái gọi là “nghĩa vụ quân sự“ nhưng cha mẹ là người miền Nam. Họ đào ngũ, trốn khỏi Kampuchia và tìm theo kháng chiến từ các trại tị nạn. Họ còn trẻ, rất nhiệt tình, hăng hái và tinh thần của họ vẫn còn trong sáng, không hề bị ô nhiễm bởi thời gian sống là bộ đội. Không khí sôi nổi bừng dậy, lại chuẩn bị đưa những đoàn kháng chiến xâm nhập Việt Nam. Lúc này, đài VNKC có thêm người vào phục vụ, trong đó có chiến hữu Tôn rất giỏi leo cây, khiến tôi vui mừng không còn lo ngại cho cây antena những khi trời chuyển mưa gió nữa.

Cuối năm 1988, đài một lần nữa dời chuyển. Căn cứ mới và cũng là căn cứ cuối cùng của đài VNKC, nằm sâu trong đất Thái, gần quận Det U Đôm, chung quanh là làng quê có dân cư rải rác. Căn cứ này được đặt tên là K24. Chúng tôi hoạt động ở đây, chỉ khi nào nói lớn bên ngoài mới dùng tiếng Thái, còn trong khu sân thì không ngại gì cả. Chúng tôi mướn người khoan giếng và đặt máy bơm nước lên chứa trong bồn để dùng, còn điện nhà cũng phải trả tiền cho trồng cột điện và chạy đường dây điện tới nhà để sử dụng. Máy điện riêng cho phát thanh thì được đặt trong nhà xây, cửa mở cho mát. Khu nhà ở và nơi làm việc nằm trong một căn nhà xây, rộng rãi. Chúng tôi dựng chuồng nuôi gà, nuôi hàng trăm con để cung cấp cho chiến khu mới. Chúng tôi cũng trồng cây cho có bóng mát, trồng rau cải, dưa, đậu, bí bầu... Thêm một số nhân sự được tăng cường cho đài từ các đơn vị mới.

Ở đây có mở khoá huấn luyện về Morse, phát đổi phiên 2 băng tần cho các chương trình của đài VNKC gồm 5 giờ phát chính thức và 3 giờ phát phụ trội, mở thêm những ca phát thanh với chủ đề Dân Làm Chủ. CSVN cũng theo đuổi để phá sóng bằng cách phát chồng lên làn sóng của chúng tôi những âm thanh giống như tiếng nhà máy cưa, tiếng eo éo gió rít.... Trong những buổi phát thanh, chúng tôi kiểm chứng qua radio và xê dịch thường xuyên tầng số để người nghe có thể nhận được rõ hơn lời đọc của xướng ngôn viên đài. Chúng tôi không đi chợ bên ngoài mà cần gì thì viết giấy cho người Thái đi mua giùm. Nói rõ hơn, chúng tôi chỉ được ở trong phạm vi khu nhà, dưới sự kiểm soát của nhân viên Bộ Nội Vụ Thái bên cạnh.

Năm 1991 là những ngày tháng cuối cùng của đài VNKC truớc khi bị người Thái đóng cửa. Chúng tôi lại trải qua nhiều biến cố, lần này cho chính chúng tôi, cũng có kẻ mất người còn. Nhưng cuộc đấu tranh nào mà không có hy sinh? Và những hy sinh cho đất nước thì luôn luôn có ý nghĩa vậy.

Tháng 2 năm 2007