Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Chiến Hữu Ngô Chí Dũng: Người Đi Kháng Chiến

Âu Minh Dũng & Lý Thái Hùng

Chiến hữu Ngô Chí Dũng: tôi xin gọi như vậy để khởi đầu về câu chuyện của một người sinh viên du học tại Nhật đã tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng Việt Nam trong thập niên 80 của Thế Kỷ 20.

Chiến hữu Ngô Chí Dũng phát biểu trong buổi lễ công bố Cương Lĩnh Chính Trị
của MTQGTNGPVN tại chiến khu ngày 8-3-1982

Những Ngày Cuối Tháng 4 Năm 1975

Ngô Chí Dũng sinh năm 1951 tại Sài Gòn con một gia đình có truyền thống Kháng Pháp và chống Cộng tại miền Nam. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh đã đi du học tại Nhật vào tháng 10 năm 1971. Năm 1976, anh tốt nghiệp ngành Kỹ sư Hóa Học thuộc Viện Đại Học Meisei tại Tokyo. Nếu không có biến cố tháng 4 năm 1975, có lẽ khi nói đến người thanh niên mang tên Ngô Chí Dũng, trong ký ức tôi chắc chỉ nhớ đó là một sinh viên học giỏi, rất tốt với bạn bè và thường hay giúp đỡ những sinh viên đến sau như chúng tôi.

Vào những ngày cuối tháng tư năm 1975, hầu hết những sinh viên quốc gia như chúng tôi chẳng ai còn tâm trí nghĩ đến chuyện học hành vì tâm trạng quá bất an. Nỗi bất an này ngày càng tăng theo tình hình chiến sự tại quê nhà được hệ thống truyền thông Nhật loan tải từng giờ, cứ nhìn thấy bản đồ miền Nam bị nhuộm đỏ dần dần khiến nhiều sinh viên ngồi đứng không yên nhưng chẳng biết phải làm sao. Khoảng chiều 27 tháng 4, nhiều sinh viên đang cư ngụ quanh khu vực Tokyo đã kéo đến sứ quán Việt Nam Cộng Hoà để hỏi thêm tin tức về tình hình quê nhà sau khi hay tin Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Lúc đó, tôi gặp anh Ngô Chí Dũng và chính vào lúc này, tôi mới để ý nhiều đến anh. Trong khi ai cũng nêu các quan tâm về tình hình chiến sự tại quê nhà, mà ngay chính ông Đại sứ cũng chỉ biết qua tin tức như chúng tôi, thì anh Ngô Chí Dũng đã lên tiếng hỏi ông Đại sứ vào lúc đó là Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan rằng: Trước tình hình này, sứ quán đã có đối sách gì cho kiều bào và sinh viên đang sống tại Nhật chưa?

Câu hỏi này đã lôi chúng tôi và cả nhân viên sứ quán trở lại với những vấn đề thực tế trước mắt cần phải giải quyết. Cũng nhờ câu hỏi này mà ngày hôm sau Sứ quán Việt Nam Cộng Hòa tại Tokyo đã ra thông cáo cho gia hạn Hộ Chiếu (Passport) của mọi người Việt Nam đang sống tại Nhật lên thành 5 năm. Ngày đầu chỉ có một số sinh viên ở quanh khu vực Tokyo kéo đến xin gia hạn và được nhân viên của sứ quán trợ giúp, qua ngày thứ hai còn có thêm sinh viên ở các tỉnh kéo đến đông nghẹt mà chỉ có một vài nhân viên sứ quán đến làm việc trong khi nhiều nhân viên khác lại đến các sứ quán Âu Mỹ làm đơn xin di tản. Từng chồng, từng chồng Hộ Chiếu của sinh viên và kiều bào xin gia hạn gửi đến quá nhiều mà chỉ có một hai người nhân viên sứ quán hướng dẫn thủ tục và đóng mộc để đưa lên cho ông Tham vụ ký. Trước sự kiện này, Ngô Chí Dũng đã đề nghị một số sinh viên cùng với anh đến giúp sứ quán trong việc hướng dẫn điền đơn, đóng mộc để giải quyết vấn đề gia hạn cho nhanh, nhất là giúp cho các sinh viên ở tỉnh khỏi phải chờ lâu. Sau khi giải quyết xong vụ gia hạn Hộ Chiếu, Ngô Chí Dũng và một số sinh viên khác giúp sứ quán soạn và đốt những hồ sơ, tài liệu mật, nhất là những gì liên hệ đến hồ sơ lý lịch của sinh viên và kiều bào tại Nhật mà Sứ quán lưu trữ trong nhiều năm qua. Vụ đốt tài liệu này kéo dài nhiều ngày, đến chiều ngày 30 tháng 4 mới tạm xong.

Khoảng 7 giờ tối ngày 29 tháng 4, trong lúc khoảng 50 sinh viên tụ tập tại Sứ quán để trao đổi về tình hình bên nhà, thì khoảng 100 người, trong đó có khoảng 20 sinh viên Việt Nam thuộc nhóm thân cộng mà lúc đó sinh viên quốc gia gọi là Beheito cùng với khoảng 80 người Nhật thuộc đảng Cộng sản Nhật với gậy gộc và biểu ngữ màu đỏ định tiến chiếm Sứ quán để lập công cho chế độ Hà Nội. Khi hay tin Sứ quán bị nhóm thân cộng tấn công, hàng trăm sinh viên đang cư ngụ tại Tokyo, nhất là tại Cư xá sinh viên Quốc Tế kéo đến mỗi lúc một đông, khiến cho 100 tên thân cộng và Nhật cộng bị vây ở giữa như bánh mì sandwiches. Cuộc hỗn chiến đã xảy ra ngay trên con đường dẫn vào Sứ quán khiến cho cảnh sát phải huy động hàng trăm cảnh sát sắc phục và nhiều chiếc xe buýt lớn để can thiệp. Tuy nhiên cảnh sát không thể nào dẹp được cuộc hỗn chiến vì sự quá khích của nhóm Nhật cộng đòi tấn công và chiếm Sứ quán, trong khi hàng trăm sinh viên quốc gia cố giữ Sứ quán bằng mọi giá. Sau nhiều giờ trao đổi, cuối cùng, nhóm sinh viên Beheito và Nhật cộng chịu rút lui. Anh Ngô Chí Dũng và một số sinh viên quốc gia khác đã phải yêu cầu sinh viên quốc gia ở vòng ngoài tách ra hai bên đường cho cảnh sát đưa 100 tên thân cộng và Nhật cộng lên xe Buýt, giải về Văn Phòng Cảnh Sát Tokyo. Những người này sau đó được thả nhưng bị cảnh sát ghép vào tội phá rối trị an.

Cuộc đột kích của nhóm sinh viên thân cộng vào Sứ quán Việt Nam Cộng Hòa, tối ngày 29 tháng 4 năm 1975 là dấu ấn sau cùng của một bi kịch lịch sử. Tuy anh em chị em sinh viên quốc gia đã bảo vệ được Sứ quán vào những giờ phút cuối cùng nhưng biết đây chỉ là sự chiến đấu trong tuyệt vọng. Thật vậy, sáng ngày 30 tháng 4, Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng rồi ngày 1 tháng 5, chính phủ Nhật lên tiếng công nhận chính quyền cách mạng lâm thời miền Nam, toàn thể sinh viên choáng váng. Tiếp theo là Sứ quán Việt Nam Cộng Hòa tại Tokyo giao cho Sứ quán Cuba tạm thời quản lý để trao trả cho chính quyền Mặt trận giải phóng miền Nam. Mất cứ điểm tụ tập tại Sứ quán, anh chị em sinh viên quốc gia đã di chuyển về cư xá sinh viên Quốc Tế tại ga Shin - Okubo, Tuyến Yamate làm nơi tụ họp. Vào lúc này trong hàng ngũ sinh viên quốc gia nảy lên hai xu hướng đi hay ở lại Nhật. Lý do là nhiều sinh viên lo ngại chính phủ Nhật có thể cho 'dẫn độ' sinh viên quốc gia về lại Việt Nam sau khi Nhật mau chóng công nhận chính quyền Mặt trận giải phóng miền Nam như đã từng tống xuất sinh viên và cụ Phan Bội Châu trong Phong Trào Đông Du ra khỏi Nhật vào năm 1908 khi bắt tay với thực dân Pháp. Vào lúc này tổng số sinh viên và kiều bào sinh sống tại Nhật khoảng trên 1000 người, đa số tập trung ở Tokyo và các vùng phụ cận.

Để bảo vệ tự do cho tập thể này, trong một phiên họp sau cùng của Hội Sinh Viên Việt Nam Tại Nhật Bản vào tối ngày 28 tháng 5 năm 1975 trong cư xá sinh viên Quốc Tế, mọi người đã chính thức thành lập Ủy Ban Tranh Đấu Cho Tự Do Của Người Việt bầu anh Ngô Chí Dũng làm Chủ tịch, anh Trương Quang Thưởng làm Phó Chủ tịch. Mục tiêu của Ủy Ban này là trực tiếp vận động Bộ Tư Pháp Nhật cho phép sinh viên và kiều bào Việt Nam được định cư tại Nhật nếu họ không muốn trở về Việt Nam. Ủy ban này còn vận động các sứ quán Tây Âu cấp chiếu khán cho sinh viên và kiều bào được rời Nhật đi sang định cư nếu họ không muốn sống ở Nhật. Sau nhiều tuần lễ vận động, Ủy ban đã được hai kết quả quan trọng vào lúc đó. Thứ nhất là Bộ Tư Pháp Nhật đã ra thông tư cho phép mọi sinh viên và kiều bào Việt Nam được cư trú tại Nhật, tức là tiếp tục gia hạn chiếu khán (visa) từ 6 tháng lên thành 1 năm. Thứ hai là các Sứ quán Pháp, Bỉ, Anh và Hoa Kỳ ... đã hứa cấp chiếu khán cho bất cứ ai muốn đến quốc gia này định cư. Ngoài hai kết quả nói trên, qua sự hỗ trợ của chính giới Nhật Bản vào lúc đó, Bộ Giáo Dục Nhật đã cho sinh viên Việt Nam và Campuchia vay mượn 45 ngàn Yen để trang trải chi phí do những thay đổi tình hình đất nước. Số tiền này sau đó coi như cho không vì Bộ Ngoại Giao không đòi lại.

Trong khi sinh viên quốc gia lập Ủy ban tranh đấu thì nhóm sinh viên thân Cộng lại thành lập ủy ban vận động để lôi kéo một số người tham gia vào cái gọi là Hội sinh viên và Việt kiều yêu nước, hầu lập công dâng cho chế độ Cộng sản tại Việt Nam. Nhóm thân cộng này đã tổ chức đại hội thành lập vào ngày 3 tháng 8, hăm dọa những ai không tham gia sẽ không bao giờ được về nước vì không yêu nước và phản cách mạng.... Sự ra đời của ủy ban sinh viên và Việt Kiều yêu nước đã tạo một sự phân hóa trong hàng ngũ sinh viên Việt Nam vào lúc đó nhưng nó đã xác định một chiến tuyến rõ ràng giữa hai thành phần: Sinh viên quốc gia đứng bên cạnh Ủy ban Tranh Đấu và sinh viên thân cộng tham gia vào hội Sinh viên và Việt kiều yêu nước. Từ đó mọi sinh hoạt của sinh viên bị chia hai. Điều khích lệ cho các nỗ lực tranh đấu của sinh viên quốc gia là kể từ ngày 15 tháng 5 trở đi, tuần nào cũng có tin liên quan đến các thuyền nhân Việt Nam vượt biển được các tàu cứu vớt đưa vào Nhật Bản tạm trú. Ủy ban đã phối hợp cùng các anh chị em sinh viên mở những cuộc quyên góp tài chánh và những vật dụng cá nhân cần thiết, đến thăm và uỷ lạo đồng bào tại các trại tỵ nạn quanh khu vực Tokyo và Yokohama.

Sinh viên Ngô Chí Dũng (tay phải) phát bản tâm thư kêu gọi Thế Giới
cứu giúp Thuyền Nhân Việt Nam trên biển Đông nhân Đại hội Phật Giáo
Thế Giới tại Tokyo Tháng 3 Năm 1979.
Một nhu cầu mới nảy sinh vào lúc này là tập thể sinh viên quốc gia và đồng bào tỵ nạn cộng sản rất cần một tờ Bản Tin để loan tải tin tức Việt Nam và nhất là các hoạt động của Ủy Ban tranh đấu. Đầu tháng 7 năm 1975, anh Ngô Chí Dũng đã bỏ tiền ra mua một máy đánh chữ và dùng phòng trọ nhà anh ở khu Nakano làm văn phòng liên lạc, để ra bản tin số 1 khổ A4. Tuy bản tin chỉ có vỏn vẹn 20 trang nhưng đã có đến 5 người phụ trách và đa số được thực hiện gồm đánh máy, cắt dán, lay out tít và nhất là đóng gói sau khi đi photo đều làm trong Cư xá sinh viên Quốc tế nơi có đông sinh viên cư ngụ. Song song, Ngô Chí Dũng đã dịch Bản Tin ra tiếng Nhật và tiếng Anh phổ biến cho một số Ký giả và nhất là cho các Sứ quán Hoa Kỳ, Pháp, Gia Nã Đại, Úc. Nhờ đọc được các Bản Tin, Sứ quán Hoa Kỳ, Pháp tại Nhật mới biết được nhiều tin tức về các cuộc di tản của thuyền nhân trên biển Đông và các nguyện vọng của sinh viên tại Nhật. Đệ nhất tham vụ chính trị của Sứ quán Hoa Kỳ tại Tokyo lúc đó là ông Morimoto, một người Mỹ gốc Nhật, đã liên lạc với anh Ngô Chí Dũng thường xuyên để tìm hiểu tin tức, đồng thời giới thiệu anh đến tiếp xúc với một số ký giả trong Câu Lạc Bộ Ký Giả Ngoại Quốc tại Tokyo cũng như thành phần Ngoại giao đoàn trong khối Âu Châu và Nam Mỹ. Từ đó, anh Ngô Chí Dũng nghiễm nhiên trở thành đại diện chính thức của người Việt quốc gia tại Nhật trong thời gian này.

Thành Lập Tổ Chức Người Việt Tự Do:

Ủy ban tranh đấu được thành lập để giải quyết các nhu cầu khẩn cấp về tình trạng di trú của sinh viên và kiều bào Việt Nam sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ. Những nhu cầu nói trên đã kết thúc sau khi chính phủ Nhật chấp nhận cho mọi người được ở lại Nhật. Trong số những anh chị em tham gia vào Ủy ban tranh đấu, một số người muốn tiếp tục mở rộng mục tiêu tranh đấu, chống lại chính sách cai trị dã man của bạo quyền Việt cộng và vận động thế giới cứu giúp thuyền nhân trên biển Đông. Từ ý hướng này, bốn sinh viên tích cực nhất vào lúc đó là các anh Ngô Chí Dũng, Phạm Thanh Linh, Huỳnh Lương Thiện và Đỗ Thông Minh đứng ra thành lập Tổ Chức Người Việt Tự Do, lấy ngày 1 tháng 11 năm 1975 làm ngày thành lập. Sau đó, Tổ Chức Người Việt Tự Do có thêm ba người tham gia vào trong ban lãnh đạo gồm có anh Lý Thái Hùng, anh Nguyễn Mỹ Tuấn và anh Vũ Đăng Khuê. Anh Ngô Chí Dũng đã được tín nhiệm trong vai trò Chủ Tịch. Lúc đó, nỗ lực chính yếu của Tổ Chức Người Việt Tự Do giới hạn vào ba việc: 1/Xuất bản tờ Nguyệt san Người Việt Tự Do và soạn thảo hệ tư tưởng Việt Đạo; 2/Liên lạc và trao đổi với các tổ chức, lực lượng đấu tranh trong mục tiêu tạo sự đoàn kết để đấu tranh; 3/Giúp đỡ thuyền nhân và vận động thế giới quan tâm cứu giúp thảm kịch thuyền nhân trên biển Đông.

Lý Thái Hùng (Trái) và Ngô Chí Dũng (phải) tại
Văn phòng Tổ chức người Việt Tự Do năm 1979.
Văn Phòng này cũng là nơi cư ngụ cho hầu hết các
KCQ trên đường dừng chân Tokyo trước khi
vào Thái Lan từ năm 1981 đến năm 1987
Tờ Nguyệt san Người Việt Tự Do có thể coi là tờ báo đầu tiên của Cộng đồng người Việt hải ngoại phát hành vào tháng 11 năm 1975. Mỗi tháng in khoảng 2 ngàn số, đa số gửi sang các trại tỵ nạn ở Thái, Nam Dương, Phi Luật Tân và một số ít gửi đi Úc, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Pháp. Tiền in thì có nhưng tiền cước phí gửi là một vấn đề lớn cho Tổ Chức vì lúc đó anh em còn đang đi học. Có nhiều khi báo ra nhiều ngày trước mà không có tiền để gửi. Anh em đã phải rủ nhau đi làm lao động cuối tuần - với mọi công việc - miễn sao kiếm thật nhiều tiền. Nhờ những nỗ lực này mà anh em trong Tổ Chức Người Việt Tự Do đã cầm cự trong nhiều năm và mang một món quà tinh thần cho rất nhiều người tại các trại tỵ nạn vào lúc đó. Anh Ngô Chí Dũng là người phụ trách phần tin tức và bình luận của tờ báo. Anh có lối viết sắc bén và dễ hiểu không cầu kỳ nên được nhiều người quan tâm. Đánh dấu một năm thành lập, ngày 1 tháng 11 năm 1976, Tổ Chức Người Việt đã công bố bản Tuyên Ngôn Tự Do của Tổ Chức, trình bày một số quan điểm và chủ trương như sau:

Làn sóng thống trị của đế quốc Xã hội bá quyền được hướng dẫn bởi hệ tư tưởng Mác-Lênin không thích hợp với truyền thống của Dân Tộc Việt và Nhân loại trên toàn thế giới vì bản chất phi nhân, bất nghĩa, độc đoán, ngu dân. Đảng và Nhà Nước là công cụ tối nguy hiểm của 'xã hội chủ nghĩa Mác-Lênin' đang khống chế, áp bức Nhân dân Việt Nam chính là kẻ thù không đội trời chung của Dân Tộc ta cũng như của toàn thể Nhân Loại. Do đó, con đường xã hội theo 'xã hội chủ nghĩa Mác –Lênin" là con đường phi nhân bản, phi dân tộc và chắc chắn sẽ đưa Dân Việt vào họa diệt vong, cũng như là mầm móng đem Nhân loại vào vòng thế chiến.

Trong những thời kỳ tự chủ, Nhân Dân ta đã không những chăm lo công cuộc Dựng Người - Dựng Nước mà lúc nào cũng sẵn sàng anh dũng đứng lên lật đổ những chế độ của hôn quân, bạo chúa... quyết phá tan ách thống trị và áp bức của ác đảng, tà quyền...

Ý thức và nhận lãnh sứ mạng, truyền thống Tranh Đấu và Xây Dựng: một mẫu người cao quý cùng một nước Việt Nam hùng cường trong khung cảnh thực sự Độc Lập, Tự Do, Dân chủ và Hòa Bình của cộng đồng thế giới. Tổ Chức Người Việt Tự Do đã ra đời trong bối cảnh ấy và đã chính thức được thành lập vào ngày 1 tháng 11 năm 1975.

Trên mặt trận đấu tranh, Tổ Chức Người Việt Tự Do chủ trương:

- Phủ nhận tà thuyết Mác – Lênin.

- Phế bỏ cơ chế Đảng và Nhà nước Cộng sản độc tài, phi dân tộc, phi nhân bản.

Trên bình diện xây dựng, Tổ Chức Người Việt Tự Do chủ trương:

- Xây Dựng: Một quốc gia: Độc lập, Tự do, Dân chủ, Cộng hòa...

Một xã hội: Bình đẳng, Công bằng, Bác ái, Thịnh vượng.

Một cá nhân: Ý thức, Dấn thân, Tranh đấu, Xây dựng...

Tổ Chức Người Việt Tự Do bao gồm nhiều Chi Bộ và Thành viên ở khắp nơi trên thế giới một lòng đoàn kết trên phương châm hành động là:

- Đoàn kết và hợp nhất với mọi dân tộc, đoàn thể, cá nhân cùng lý tưởng tranh đấu cho tự do trong cũng như ngoài Việt Nam, kể cả các lực lượng đấu tranh đòi Nhân quyền trong các nước 'xã hội chủ nghĩa Mác-lênin'.

- Gây niềm tin tưởng vào công cuộc đấu tranh hào hùng, bất khuất của Dân Tộc Việt và các Dân Tộc tiến bộ trên thế giới.

- Kêu gọi mọi người tích cực ủng hộ và hậu thuẫn hết sức mình cho Phong Trào Kháng Chiến quyết đòi lại tự do cho Dân Việt tại quê nhà.


Bản Tuyên Ngôn Tự Do ra đời ngay sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ, trong sự buông xuôi và tháo chạy của mọi người nên những ý niệm đấu tranh như chấm dứt ách độc tài đảng trị Cộng sản để xây dựng lại một quốc gia tự do, dân chủ và phú cường, hoàn toàn mới đối với rất nhiều người vào thời điểm năm 1975 và 1976. Do đó mà Tổ Chức Người Việt Tự Do qua sự lãnh đạo của anh Ngô Chí Dũng đã được đồng bào khắp nơi hỗ trợ nồng nhiệt. Nhờ vậy mà bắt đầu từ năm 1976, Tổ Chức Người Việt Tự Do đã hình thành các Phân Bộ tại Hoa Kỳ, Pháp, Úc Châu, Gia Nã Đại. Trong các phân bộ này, Phân Bộ Hoa Kỳ quy tụ đông đảo thành viên và hoạt động hăng hái nhất. Do đó mà từ năm 1978 để đáp ứng số lượng độc giả ngày một gia tăng tại Bắc Mỹ, Nguyệt San Người Việt Tự Do đã thực hiện ấn bản Hoa Kỳ để phổ biến tại Hoa Kỳ và Gia Nã Đại. Ngoài ra, Tổ Chức Người Việt Tự Do còn cử người đi về Thái Lan và Mã Lai để giúp đồng bào tỵ nạn đang tạm trú tại trại tỵ nạn Songkla, Pattani, Kota Bahru, Aranyaprathet. Trong nỗ lực này, Tổ Chức Người Việt Tự Do vào lúc đó đã thực hiện hai công tác đặc biệt.

Thứ nhất là hỗ trợ nhiếp ảnh gia Nhật Bản Maekawa Makoto chụp hình các trại tỵ nạn Thái Lan và Mã Lai và cùng với Trung Tâm Quan Hệ Á Châu thuộc Viện Đại Học Sophia, Tokyo ấn hành hai tập sách hình Boat People (màu) và Refugee (trắng đen) để phổ biến cho cộng đồng thế giới hiểu rõ về thảm kịch thuyền nhân. Đồng thời, qua sự hỗ trợ của một số thân hữu, Tổ Chức Người Việt Tự Do đã cùng với nhiếp ảnh gia Maekawa Makoto thực hiện một cuộc triển lãm lưu động về hình ảnh thuyền nhân Việt Nam tại 30 thành phố ở Hoa Kỳ và Gia Nã Đại trong năm 1980.

Thứ hai là qua sự giúp đỡ thuyền nhân tại Thái Lan, Tổ Chức Người Việt Tự Do đã tiếp xúc được với một số nhân sự của những tổ chức Kháng Chiến được thành lập sau năm 1975 để chống lại sự thống trị của chế độ Hà Nội. Những người này một số bị công an ruồng bố nên đã bỏ trốn qua Thái Lan; một số khác thì do sự đề cử của tổ chức tìm cách chạy ra Thái Lan để liên lạc với những lực lượng đấu tranh tại hải ngoại hầu vận động sự kết hợp giữa trong và ngoài nước để tiếp tục đấu tranh. Khi gặp được đại diện của Tổ Chức Người Việt Tự Do trao đổi về nhu cầu phối hợp chung, các nhân sự trong những nhóm Kháng Chiến đều mong mỏi Tổ Chức Người Việt Tự Do đứng ra vận động sự kết hợp để tạo một lực lượng thống nhất. Do những gặp gỡ này mà trong các năm 1977, 1978 và 1979, đại diện của Tổ Chức Người Việt Tự Do đã thường xuyên ra vào Thái Lan, tiếp xúc và trao đổi với nhiều tổ chức Kháng Chiến và đa số mong muốn kêu gọi những vị tướng lãnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang định cư tại Hoa Kỳ trở về nước chiến đấu.

Ngoài hai nỗ lực chính nói trên, Tổ Chức Người Việt Tự Do còn thực hiện rất nhiều loại công tác trên nhiều lãnh vực như ấn hành một số sách tiếng Việt mang tính lịch sử để phổ biến đến đồng bào; giúp đỡ người Việt tỵ nạn ổn định đời sống tại Nhật hoặc chuẩn bị đi định cư quốc gia thứ ba, tổ chức các buổi sinh hoạt giới thiệu văn hóa Việt Nam đến người Nhật Bản; tham dự các buổi nói chuyện với chính giới Nhật và các cơ quan giúp đỡ người tỵ nạn về tình hình Việt Nam và thảm kịch thuyền nhân trên biển Đông. Tuy nhiên, hoạt động chính yếu của Tổ Chức Người Việt Tự Do từ năm 1978 đến năm 1981 vẫn là dồn nỗ lực liên lạc, trao đổi và phối hợp với các tổ chức Kháng chiến tại Quốc nội và các lực lượng đấu tranh tại hải ngoại để tìm thế kết hợp trong một mặt trận thống nhất.

Thành Lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam:

Khoảng tháng 3 năm 1980, Tổ Chức Người Việt Tự Do đã liên lạc với một Việt Kiều đang sinh sống tại Thái Lan. Ông là một nhân viên của Sứ quán Việt Nam Cộng Hòa; nhưng sau khi Sài Gòn thất thủ vào năm 1975, ông định cư tại Thái và làm việc cho Sở An ninh & Tình báo Thái. Do công việc, ông đã giới thiệu đại diện Tổ Chức Người Việt Tự Do trao đổi với chính quyền Thái nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ cho các hoạt động chống chế độ Hà Nội như Thái Lan đang giúp các lực lượng kháng chiến người Miên và Lào. Những trao đổi chỉ mới bắt đầu nhưng có nhiều chỉ dấu thuận lợi vì Thủ Tướng Thái vào lúc đó Tướng Prem Tusulamond rất quan ngại về những hiểm họa xâm lăng của Cộng sản Việt Nam sau khi cưỡng chiếm xứ Chùa Tháp vào năm 1979. Ngoài ra, khi các anh Đỗ Thông Minh, Phạm Thanh Linh và Ngô Chí Dũng cùng với nhiếp ảnh gia Maekawa Makoto lên đường sang Hoa Kỳ tổ chức cuộc triển lãm thuyền nhân Việt Nam vào giữa năm 1980, đã tiếp xúc, trao đổi với một số tổ chức đấu tranh tại Hoa Kỳ về tình hình các lực lượng kháng chiến tại quốc nội và nhu cầu kết hợp trong một mặt trận đấu tranh chung.

Trong các đoàn thể và nhân sĩ quốc gia mà Tổ Chức Người Việt Tự Do tiếp xúc và trình bày về nhu cầu phối hợp với các lực lượng quốc nội để thành lập một mặt trận chung, có hai vị lãnh đạo của hai tổ chức đã tích cực hưởng ứng là cựu Dân Biểu Trần Văn Sơn, chủ tịch Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam (thành lập tại Los Angeles vào tháng 12 năm 1978) và Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, Phó chủ tịch Lực Lượng Quân Nhân Việt Nam (thành lập tại Encinitas tháng 10 năm 1976 đến tháng 5 năm 1980 đổi tên thành Lực Lượng Quân Dân Việt Nam).Cả hai vị lãnh đạo của Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam và Lực Lượng Quân Dân Việt Nam cho biết là họ cũng có những liên lạc với một số nhân sự trong các lực lượng Kháng Chiến đang chạy ra Thái Lan và đều mong mỏi có sự kết nối với các lực lượng tại hải ngoại. Trong cùng ý hướng, sự trao đổi nói trên đã dẫn đến sự hợp tác của ba tổ chức: Lực Lượng Quân Dân Việt Nam, Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam và Tổ Chức Người Việt Tự Do trong nỗ lực chuyển tiềm lực đấu tranh hướng về Việt Nam, đúng năm năm (1975-1980) sau ngày Miền Nam Việt Nam sụp đổ.

Ngô Chí Dũng tại Quảng Trường Thiên An Môn, Bắc Kinh Trung Quốc vào tháng 9
năm 1980. Đây là chuyến viếng thăm Bắc Kinh do Đoàn Thanh Niên Học Sinh Trung Quốc
mời 5 sinh viên Việt Nam tham quan Trung Quốc sau thời kỳ Hiện Đại Hóa
dưới thời Đặng Tiểu Bình, do sự giới thiệu của đảng Xã Hội Nhật Bản.

Khoảng tháng 4 năm 1981, qua trung gian Tổ Chức Người Việt Tự Do, đại diện chính phủ Thái muốn gặp các lực lượng tranh đấu của người Việt tại hải ngoại. Ba tổ chức gồm Lực Lượng Quân Dân Việt Nam, Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam và Tổ Chức Người Việt Tự Do đã thành lập phái đoàn, rời San Francisco đi Bangkok vào ngày 15 tháng 6 năm 1981 để xúc tiến cuộc gặp nói trên. Lúc đó, do nhu cầu chính danh của cuộc gặp gỡ và cũng để nói lên ý hướng hợp tác chung giữa ba tổ chức, phái đoàn đã đồng ý đứng chung một danh xưng là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam và lấy ngày 30 tháng 4 năm 1980 làm ngày thành lập.

Cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Mặt Trận với đại diện chính phủ Thái là Thiếu Tướng Sudsai Hasdin đã diễn ra rất tốt đẹp. Thiếu Tướng Sudsai Hasdin cho biết là Thủ Tướng Prem đồng ý giúp đỡ Kháng Chiến Việt Nam xây dựng căn cứ trên vùng Tam biên nhưng yêu cầu phải giữ kín nỗ lực này. Trong thời gian lưu lại Thái từ ngày 16 đến 23 tháng 6, Phái đoàn Mặt Trận đã gặp và trao đổi với một vài nhân sự trong lực lượng kháng chiến về nhu cầu kết hợp trong Mặt Trận. Phái đoàn cũng đã trao tiền cho một vài người quay trở lại Việt Nam hầu thông báo về sự ra đời của Mặt Trận để chuẩn bị đưa người ra học tập và bàn thảo các nhu cầu đấu tranh chung. Ngày 24 tháng 6 năm 1981, tại Tokyo đã diễn ra một cuộc họp giữa đại diện ba tổ chức: Lực Lượng Quân Dân Việt Nam; Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam và Tổ Chức Người Việt Tự Do để bàn thảo về những kết hợp cụ thể, với một số quyết định được ghi vào biên bản do ba tổ chức lưu giữ để thi hành gồm:

1/Quyết định tiến hành việc thành lập khu chiến tại vùng biên giới Thái – Lào.

2/Một hội đồng chỉ đạo gồm 6 người (mỗi Tổ chức cử 2 người) được thành hình và hoạt động tại Thái Lan. Hội đồng chỉ đạo có nhiệm vụ thiết lập Khu chiến, chuẩn bị sự ra mắt Mặt Trận tại khu chiến và là bộ phận lãnh đạo của ba tổ chức trong khi tiến hành các bước kết hợp.

3/Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh được đề cử làm Chủ tịch Hội Đồng Chỉ Đạo để phối hợp chuẩn bị toàn bộ công tác.

Cũng trong cuộc họp ngày 24 tháng 6 năm 1981 tại Tokyo, có một nguyên tắc tuy không ghi vào biên bản nhưng ba tổ chức đều cố gắng thi hành là sắp xếp nội bộ để có thể giải thể trước khi lên đường hoặc chậm lắm là cuối năm 1981. Ngày 1 tháng 8 năm 1981, Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi với tư cách Chủ tịch Hội Đồng Trung Ương Uỷ Viên đã ký quyết định ngưng hoạt động Lực Lượng Quân Dân Việt Nam. Ngày 15 tháng 11 năm 1981, anh Ngô Chí Dũng với tư cách Chủ tịch Ban Chấp Hành Trung Ương đã ký quyết định giải tán Tổ Chức Người Việt Tự Do và mọi tài sản của Tổ Chức đều xung vào Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Tổ Chức Phục Hưng thì viện lý do chờ đến Đại Hội Kỳ III vào tháng 12 năm 1981 mới quyết định.

Sau cuộc họp tại Tokyo, ba tổ chức đã xúc tiến việc đưa người về Thái Lan. Ngày 18 tháng 8 năm 1981, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh cùng 5 Chiến hữu của ông là chiến hữu Lê Hồng, Nguyễn Trọng Hùng, Trương Tấn Lạc, Trần Thiện Khải, Nguyễn Thành Tiễng lên đường sang Thái Lan. Nhưng phút chót trục trặc giấy tờ không vào được Thái nên cả phái đoàn phải lưu trú tại Tokyo một thời gian đến đầu tháng 10 năm 1981 mới vào lại Thái. Trong khi đó cựu Dân biểu Trần Văn Sơn và ông Đỗ Anh Dũng của Tổ Chức Phục Hưng đã đến Thái vào cuối tháng 9 năm 1981. Riêng Tổ Chức Người Việt Tự Do chỉ có anh Phạm Thanh Linh đến Thái vào cuối tháng 10 năm 1981, trong khi anh Ngô Chí Dũng bị kẹt giấy tờ nên đến đầu năm 1982 mới sang được Bangkok. Như vậy từ giữa tháng 10 năm 1981 trở đi, Hội Đồng Chỉ Đạo của Mặt Trận gồm 5 người là Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, Trung Tá Lê Hồng (Lực Lượng Quân Dân Việt Nam), cựu Dân Biểu Trần Văn Sơn, ông Đỗ Anh Dũng (Tổ Chức Phục Hưng) và anh Phạm Thanh Linh (Tổ Chức Người Việt Tự Do) có mặt tại Bangkok để tiến hành các bước chuẩn bị xây dựng Mặt Trận.

Ngày 6 tháng 11 năm 1981, Tướng Sudsai Hasdin đã sắp xếp để một phái đoàn ba tổ chức đi thăm khu chiến. Địa điểm là một vùng đồi núi nằm ở biên giới Thái Lào, cạnh làng Nong Noi, huyện Buntharik, Tỉnh Ubon của Thái. Phái đoàn đã về lại Bangkok lúc 5 giờ chiều ngày 9 tháng 11 năm 1981. Trong cuộc thăm viếng này, cựu Dân biểu Trần Văn Sơn cho là chính quyền Thái thất hứa, không đưa đến đúng địa điểm như đã dự trù và cho là địa thế nguy hiểm không thuận lợi cho việc lập khu chiến. Trong khi đó, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và Trung Tá Lê Hồng thì cho rằng tuy địa điểm không thuận lợi cho mặt huấn luyện nhưng có thể làm bàn đạp tốt cho công tác xâm nhập sau này. Sau chuyến đi thăm khu chiến, 5 thành viên trong Hội Đồng Chỉ Đạo đã có vài phiên họp nhằm thảo luận về vấn đề đưa người vào xây dựng khu chiến. Trong các cuộc họp này, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đề nghị thảo luận các công việc mà ba tổ chức đã đồng Ỷ trong kỳ họp ngày 24 tháng 8 tại Tokyo. Đó là: 1/Xúc tiến đưa người về Thái Lan và đón các thành viên của những lực lượng kháng chiến trong quốc nội ra khu chiến học tập; 2/Đóng góp tài chánh đã chia đều cho mỗi tổ chức; 3/Chuẩn bị kế hoạch xây dựng khu chiến tại vùng biên giới Thái Lào. Tuy nhiên, cựu Dân Biểu Trần Văn Sơn lại đòi thảo luận vấn đề khác. Đó là quyết định việc phân chia trách nhiệm của mỗi Ủy Viên trong Hội Đồng Chỉ Đạo trên các mặt chính trị, quân sự, tiếp vận, tuyên vận... để làm việc; đồng thời chủ trương không nên đưa toàn bộ nhân sự vào khu chiến mà chia làm hai nhóm, một nhóm lo về quân sự thì vào khu chiến, nhóm chính trị thì ở ngoài vận động dư luận. Cựu Dân Biểu Trần Văn Sơn tự đề nghị rằng ông sẽ đảm trách vai trò chính trị, còn Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đảm trách vai trò quân sự với tư cách là Tư Lệnh Lực Lượng Võ Trang. Cựu Dân Biểu Trần Văn Sơn còn đề nghị anh Ngô Chí Dũng giữ vai trò Chủ Tịch Mặt Trận.

Đề nghị của cựu Dân Biểu Trần Văn Sơn đã không được Lực Lương Quân Dân và Tổ Chức Người Việt Tự Do tán đồng vì lý do là lực lượng còn quá phôi thai, nhu cầu trước mắt là tập trung xây dựng khu chiến hơn là bàn thảo những trách vụ mà công việc chưa có gì quan trọng. Đặc biệt Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh cho rằng, tất cả Hội Đồng Chỉ Đạo phải vào khu chiến sống và làm việc cùng với các anh chị em kháng chiến quân thì mới vận động được mọi người tham gia; hơn thế nữa, quốc gia phải tranh thủ sự yểm trợ đầu tiên là Thái Lan mà Hội Đồng Chỉ Đạo không bày tỏ quyết tâm và sự can đảm trong việc xây dựng khu chiến ở nơi nguy hiểm thì sẽ khó có ai tin theo. Đây chính là những khác biệt quan điểm giữa Tổ Chức Phục Hưng với Tổ Chức Người Việt Tự Do và Lực Lượng Quân Dân trong các cuộc họp của Hội Đồng Chỉ Đạo.

Ngày 16 tháng 11 năm 1981, Hội Đồng Chỉ Đạo Mặt Trận họp và sắp xếp việc lên đường xây dựng khu chiến và được Văn Phòng Thủ Tướng Prem cho biết là Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Thái chính thức yểm trợ Mặt Trận lập khu chiến, đồng thời thông báo cho Tư Lệnh Quân Đội Thái vào lúc đó là Đại Tướng Chatichai Choonhavan biết để giúp đỡ. Trong cuộc họp này, cựu Dân biểu Trần Văn Sơn và Kỹ sư Đỗ Anh Dũng thông báo là sẽ về lại Hoa Kỳ vào ngày 9 tháng 12 năm 1981, để dự Đại hội Kỳ III của Tổ Chức Phục Hưng và đã không trở lại. Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam chính thức rút lui khỏi Mặt Trận kể từ đó. Ngày 26 tháng 11 năm 1981, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh hướng dẫn một phái đoàn rời Bangkok lên đường đến biên giới Thái - Lào để lập khu chiến đầu tiên, được gọi là Căn Cứ 81 của Mặt Trận, nằm ở phía Đông làng Nong Noi, thuộc Huyện Buntharik, tỉnh U Bon của Thái Lan.

Hoạt Động Trong Khu Chiến

Ngày mồng 2 tháng 2 năm 1982, Ngô Chí Dũng đã rời Tokyo đến Bangkok. Ngày hôm sau, chiến hữu Dũng được đưa vào căn cứ 81. Lúc đầu, công việc chính của anh là cùng với Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và một số chiến hữu khác họp, thảo luận và biên soạn các văn kiện căn bản của Mặt Trận để công bố trong buổi lễ công bố Cương Lĩnh Chính Trị vào ngày mồng 8 tháng 3 năm 1982. Ngoài ra, từ ngày 15 tháng 2 năm 1981, căn cứ 81 bắt đầu mở các khóa huấn luyện cho tân Kháng chiến quân gồm những người từ các trại tỵ nạn Thái Lan và từ những lực lượng Kháng Chiến tại quốc nội được đưa ra học tập nên anh được bố trí hướng dẫn các lớp về chủ trương đường lối của Mặt Trận sau khi đã dự qua khóa Kháng chiến quân căn bản. Từ một sinh viên đi du học, chưa một ngày sống cuộc đời quân ngũ nên khi bước vào khu chiến, chiến hữu Ngô Chí Dũng rất lo lắng là mình có thể khắc phục được hoàn cảnh khó khăn của núi rừng hay không. Trong lá thư viết gửi cho anh em tại Tokyo sau hơn 10 ngày sống ở chiến khu, Ngô Chí Dũng đã tâm sự rằng, cuộc sống chiến khu rất hào hùng và giúp cho ý chí của anh càng cương quyết hơn với con đường trước mặt; nhưng anh cũng lo sợ bị 'đuổi ra khỏi căn cứ' vì anh không biết về lâu dài có thích ứng được đời sống không chỉ khắc nghiệt của núi rừng mà còn rất nguy hiểm. Căn cứ 81 tuy nằm gần biên giới Thái, nhưng lại là cửa ngỏ di chuyển quan trọng của nhiều lực lượng Lào Cộng và công an biên phòng Cộng sản Việt Nam tìm cách xâm nhập vào đất Thái để lấy tin tức. Để bảo vệ cho căn cứ này, Mặt Trận đã xây dựng 6 tiền đồn xung quanh để vừa bảo vệ an ninh khu vực, vừa làm nơi huấn luyện tinh thần chiến đấu của các tân Kháng chiến quân.

Vì đang phấn chấn với đời sống mới – đời sống khu chiến - Ngô Chí Dũng đã làm việc ngày đêm và hầu như quên hết mọi giờ giấc trong tháng đầu ở căn cứ 81 . Anh thức dậy khi thấy trời sáng, với những tia nắng chiếu xuyên qua các cành cây cổ thụ cao từ 10 đến 15 mét và đi ngủ khi thấy hai mắt không còn mở được nữa trước bàn đánh máy chữ tiếng Việt, mổ lốc cốc của thập niên 50. Anh ăn rất ngon dù chỉ có cơm với cá khô và cá khô với cơm – ngày hai bữa, nhưng uống nước thì phải giới hạn vì đang hạn hán do thiếu mưa. Trong suốt một tháng chuẩn bị lễ Công Bố Cương Lĩnh Chính Trị, hầu hết mọi người trong Khu chiến đều rất bận rộn vừa chuẩn bị địa điểm, vừa làm biểu ngữ, làm cờ, làm thêm nhà tạm trú cho các phái đoàn từ hải ngoại và từ trong nước ra tham dự lễ và nhất là bố trí vấn đề phòng thủ để bảo vệ an toàn cho buổi lễ. Lòng mọi người hồi hộp chờ đợi buổi đại lễ trong sự chuẩn bị phải nói là tất bật vì số người thì quá ít trong khi công việc lại quá nhiều. Buổi lễ công bố Cương Lĩnh Chính Trị khai mạc đúng 8 giờ sáng ngày 8 tháng 3 năm 1982 trong khung cảnh núi rừng hùng vĩ. Lá Đại Kỳ màu vàng ba sọc đỏ thật lớn được treo phủ đầy một tảng đá lớn dựa lưng vào sườn núi được chọn làm khán đài chính cho buổi lễ. Điều đặc biệt là buổi lễ diễn ra trong những ngày xuân, nên mai vàng đã nở đầy một khu rừng cùng với nhiều loại hoa khác của núi rừng tạo một cảnh sắc nên thơ. Trong buổi lễ, chiến hữu Ngô Chí Dũng được phân công đọc bản Cương Lĩnh Chính Trị, một văn kiện căn bản nêu rõ đường lối và chủ trương của Mặt Trận trên con đường Cứu nước và Dựng nước. Lúc này anh vừa tròn 31 tuổi.

Sau khi hoàn tất buổi lễ Công Bố Cương Lĩnh Chính Trị, một Hội nghị giữa các đại biểu đại diện của những tổ chức, đoàn thể đã giải thể tham gia vào Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Lúc đó từ hải ngoại có hai tổ chức đi từ đầu là Tổ Chức Người Việt Tự Do và Lực Luợng Quân Dân Việt Nam. Từ quốc nội có một số lực lượng tham gia gồm Lực Luợng Đoàn Kết Dân Tộc Chống Cộng, Mặt Trận Dân Tộc Kháng Chiến, Lực Lượng Phục Quốc Việt Nam, Tổ Chức Kháng Chiến Vùng Tây Ngạn Cửu Long Giang, Lực Lượng Kháng Chiến Đồng Bò - Khánh Hòa. Tại Hội Nghị này, chiến hữu Ngô Chí Dũng được đề cử là một trong 17 thành viên của Hội Đồng Kháng Chiến Toàn Quốc phụ trách công tác Tuyên Vận. Đây là bộ phận lãnh đạo tối cao của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Trong vai trò là Ủy viên Tuyên Vận của Mặt Trận, anh Ngô Chí Dũng đã đảm trách hai công tác chính. Thứ nhất là tiến hành việc xây dựng Đài Việt Nam Kháng Chiến. Thứ hai là phụ trách về đường lối chính sách của Mặt Trận.

Sự ra đời của Mặt Trận đã thu hút sự tham gia của nhiều lực lượng và đã đặt cho những chiến hữu lãnh đạo Mặt Trận phải xúc tiến đến việc xây dựng một đảng cách mạng để điều hướng công cuộc Cứu nước và Dựng nước đến thành công. Mặt Trận chỉ là một trận tuyến tập hợp các lực lượng để đấu tranh chấm dứt ách độc tài Cộng sản; trong khi cuộc đấu tranh không chỉ dừng ở sự chấm dứt ách độc tài cộng sản mà còn phải tiến đến nỗ lực xây dựng đất nước trong lâu dài. Để thực hiện được mục tiêu xây dựng lâu dài này phải có những con người quyết tâm theo đuổi lý tưởng canh tân quốc gia xuyên suốt theo giòng lịch sử dân tộc. Để chuẩn bị cho nỗ lực này, chiến hữu Ngô Chí Dũng đã tham gia vào việc thảo luận về việc thành lập một đảng cách mạng. Ngày 10 tháng 9 năm 1982, một Hội nghị Dựng Đảng đã được tổ chức tại Hội trường của căn cứ 81. Sau khi chiến hữu Hoàng Cơ Minh trình bày về nhu cầu thành lập một đảng cách mạng để tiến hành đường lối canh tân đất nước sau khi chấm dứt ách độc tài Cộng sản, toàn thể các đại biểu đã biểu quyết thông qua Đảng Cương, Đảng Quy và Đảng Chế của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, gọi tắt là đảng Việt Tân. Hội nghị cũng đã đồng thanh bầu chiến hữu Hoàng Cơ Minh làm Chủ Tịch kiêm Tổng Bí Thư Đảng. Chiến hữu Ngô Chí Dũng đã được bầu vào Tổng Bộ Chính Trị, cơ quan phụ trách việc soạn về sách lược, đường lối của đảng Việt Tân. Đến tháng 6 năm 1986, Chiến hữu Ngô Chí Dũng được Trung Ương Đảng Bộ Việt Tân bầu làm Tổng Bí Thư Đảng. Nhưng vào lúc đó công tác chính vẫn là làm sao quảng bá và đẩy mạnh công tác Mặt Trận nên các hoạt động của đảng Việt Tân đều nắm dưới danh xưng của Mặt Trận mà thôi. Và để giữ mật, đảng Việt Tân chỉ phát triển tại quốc nội.

Từ đầu năm 1983, chiến hữu Ngô Chí Dũng khởi đầu công tác nghiên cứu việc xây dựng đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến. Đây là một vũ khí chiến lược quan trọng của Mặt Trận vào lúc đó nên đã có rất nhiều cán bộ lãnh đạo của Mặt Trận ở trong và ngoài nước tham gia. Vào lúc này chiến hữu Ngô Chí Dũng bắt đầu bị cơn sốt rét hoành hành. Có nhiều lúc anh bị nhiệt độ lên rất cao; nhưng anh lại từ chối nằm nghỉ, mà tìm cách làm cái gì đó để quên cơn sốt rét. Anh thực hành câu mà chiến hữu Hoàng Cơ Minh thường hay chia xẻ với các Kháng chiến quân là 'kháng chiến quân phải đi bằng cái đầu'. Tức là dùng lý trí để khắc phục mọi khó khăn, mọi thiếu thốn, mọi đau đớn xảy ra cho mình. Chiến hữu Ngô Chí Dũng đã dùng lý trí để thắng các trận sốt rét và vì thế mà anh không hề vắng mặt trong mọi công tác. Chính nhờ sự quyết tâm và giải quyết mọi khó khăn bằng cái 'đầu', chiến hữu Ngô Chí Dũng đã tiến hành việc xây dựng đài phát thanh Kháng Chiến trong một thời gian kỷ lục. Lúc đó, những người tham gia vào công tác xây dựng đài phát thanh Kháng Chiến được gọi một tên hiệu là ban ABC. Tên hiệu này sau được dùng để chỉ cho những Kháng chiến quân phụ trách chương trình phát thanh hàng ngày của đài. Công tác xây dựng kéo dài đúng một năm, trải qua nhiều giai đoạn từ thiết trí máy móc, dựng trụ Antena, cho đến điều chỉnh làn sóng, thử nghiệm mức độ thẩm âm. Trong suốt gần một năm xây dựng và thử nghiệm, đài phát thanh Kháng Chiến đã trải qua ba thời điểm đáng nhớ.

Thời điểm đầu tiên là khi bản nhạc Việt Nam Minh Châu Trời Đông đã nghe qua một chiếc radio nhỏ trong căn cứ 81 vào khoảng giữa tháng 9 năm 1983. Anh em trong ban ABC đã không dấu được sự xúc động, mọi người đã ôm nhau vui mừng sau gần ba tháng xây dựng với đầy dẫy những khó khăn trong hoàn cảnh thiếu thốn của khu chiến.

Thời điểm thứ hai là những báo cáo của các đoàn công tác có nhiệm vụ đi rà làn sóng của đài Phát Thanh Kháng Chiến để biết rõ mức độ thẩm âm của đài tại Nam Vang, Sài Gòn, Cần Thơ, Komtum, Quy Nhơn, Nha Trang.... Kết quả báo cáo cho biết là đài Phát Thanh Kháng Chiến nghe rõ tại những vùng này, đặc biệt là bản tin thông báo kết quả thẩm âm nghe từ Sài Gòn và Quy Nhơn đã làm nức lòng mọi người vào cuối tháng 11 năm 1983. Đây cũng là thời điểm mà nhiều đoàn công tác được thành lập, xâm nhập vào Việt Nam từ căn cứ 81 để xây dựng hàng lang tiếp vận giữa trong và ngoài nước, chuẩn bị cho các đoàn lớn xâm nhập.

Thời điểm thứ ba là ngày Đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến chính thức phát thanh vào lúc 6 giờ sáng ngày 27 tháng 12 năm 1983. Ngày kết thúc giai đoạn đấu tranh Đông Tiến và cũng là ngày mà tiếng nói của Kháng Chiến Việt Nam bao phủ bầu trời Việt Nam và Đông Dương sau gần 7 năm khống chế bởi làn sóng đỏ.

Sau khi Đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến chính thức hoạt động, chiến hữu Ngô Chí Dũng đã cùng với chiến hữu Trần Thiện Khải thay phiên nhau chăm sóc nội dung phát thanh của đài. Chương trình phát thanh của đài đã tạo một sự chú ý của đồng bào trong nước nên Cộng sản Việt Nam đã tìm mọi cách phá hoại. Việt cộng thường xuyên cho đặc công theo dõi, tìm dấu vết của đài và đã mở cuộc đột kích vào căn cứ 81 vào giữa năm 1984, nên vì thế mà giữa năm 1984, đài Việt Nam Kháng Chiến và toàn bộ nhân viên phụ trách phải chuyển về căn cứ 83 gần với biên giới Thái Lan hơn. Cũng trong thời gian này, nhà văn Võ Hoàng đã thay thế chiến hữu Ngô Chí Dũng phụ trách làm Trưởng Đài để chăm sóc nội dung phát thanh. Nhờ đó, chiến hữu Ngô Chí Dũng dành thì giờ giảng dạy các khóa Chỉ huy cao cấp và các khóa Quân Chính dành cho những cán bộ phụ trách xây dựng những Ủy ban Kháng Quản cũng như các lớp học về đường lối cho những cán bộ phát triển tại Việt Nam.

Chiến hữu Ngô Chí Dũng đang hớt tóc cho
chiến hữu Hoàng Cơ Minh Trong Khu Chiến.
Từ năm 1983 đến năm 1987 là thời kỳ phát triển mạnh nhất của Mặt Trận và của đảng Việt Tân trong khu chiến, với từng đoàn tân kháng chiến quân tham gia từ các trại tỵ nạn và nhất là những nhân sự của các lực lượng Kháng chiến đã giải thể tham gia Mặt Trận được đưa ra huấn luyện từ Quốc Nội. Nhưng trong khoảng thời gian này đã xảy ra hai sự kiện khiến cho chiến hữu Ngô Chí Dũng và những chiến hữu lãnh đạo trong khu chiến rất buồn phiền. Đó là sự bất đồng quan điểm về việc kiện toàn tổ chức giữa Chủ tịch Hoàng Cơ Minh với ông Phạm Văn Liễu, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại. Cuối cùng, theo quyết định của Hội Đồng Kháng Chiến Toàn Quốc, Mặt Trận đã giải nhiệm ông Phạm Văn Liễu, thay thế bởi chiến hữu Nguyễn Kim vào tháng 12 năm 1984. Do sự thay thế này mà ông Phạm Văn Liễu đã cấu kết với một số người đánh phá Mặt Trận và Chủ tịch Hoàng Cơ Minh với những rao truyền đầy ác ý nhằm triệt hạ uy tín như Mặt Trận quyên tiền đồng bào bỏ vào túi riêng, Chủ tịch Hoàng Cơ Minh không về khu chiến mà chỉ sống ở Tokyo v,v... Những luận điệu đánh phá này làm ảnh hưởng đến một số người và có gây khó khăn cho sự kiện toàn và phát triển của Mặt Trận vào khoảng thời gian này, nên Chủ tịch Hoàng Cơ Minh đã phải thường xuyên ra công tác tại hải ngoại. Mọi công việc quán xuyến khu chiến vào lúc đó đều do chiến hữu Lê Hồng đảm trách. Lúc đó, các căn cứ lại phát triển nhiều và tân Kháng chiến quân mỗi ngày một đông, đồng thời Việt cộng lại tấn công vào một số căn cứ nên chiến hữu Lê Hồng dù có đau ốm, ông vẫn cố gắng chịu đựng không rời khỏi căn cứ. Đến khi ông bi sốt rét kiệt sức và bất tỉnh, anh em mới đưa ông ra ngoài bệnh viện Thái chữa trị thì đã quá trễ, chiến hữu Lê Hồng đã chết trên con đường di chuyển vào ngày 1 tháng 5 năm 1985. Đây là một cái tang lớn cho Mặt Trận vào lúc đó.

Lãnh Đạo Mặt Trận:

Tháng 7 năm 1987, khi chiến hữu Hoàng Cơ Minh cùng toàn bộ ban lãnh đạo Mặt Trận và đảng Việt Tân bắt đầu chuyến xâm nhập Việt Nam thì chiến hữu Ngô Chí Dũng giữ vai trò lãnh đạo cao nhất tại Khu chiến. Lúc đó, chiến hữu Ngô Chí Dũng đã cho dời đài Việt Nam Kháng Chiến vào bên trong phần đất của Thái Lan để giảm bớt số lượng Kháng chiến quân trong việc canh phòng hầu có thể bổ xung vào các công tác huấn luyện tân kháng chiến quân. Cũng vào lúc đó, những biến chuyển tình hình đấu tranh của phong trào dân chủ tại các quốc gia Đông Âu và nhất là phong trào thanh niên sinh viên Trung Quốc đứng lên chống nạn tham nhũng và đòi dân chủ với những cuộc biểu tình rầm rộ tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô... đã được chiến hữu Ngô Chí Dũng cho khai thác và loan tải liên tục trên làn sóng của đài.

Chiến hữu Ngô Chí Dũng trong Khu chiến,
Hình chụp năm 1987.
Cuối tháng 8 năm 1987, khi hay tin đoàn xâm nhập có chiến hữu Chủ tịch Hoàng Cơ Minh tham dự đã bị Việt cộng tấn công, chiến hữu Ngô Chí Dũng đã rất bình tĩnh, một mặt theo dõi các báo cáo tin tức từ những trạm giao liên trên các tuyến xâm nhập, mặt khác, tổ chức các toán nhỏ đi tìm những kháng chiến quân tham dự vào đoàn xâm nhập để truy tìm tin tức về sự an nguy của chiến hữu Hoàng Cơ Minh. Hầu hết các kháng chiến quân tham dự chuyến xâm nhập đã không một ai nhìn thấy tận mắt sự hy sinh của chiến hữu Chủ tịch Hoàng Cơ Minh mà chỉ nghe từ nỗ lực tuyên truyền của công an Việt cộng. Vì tất cả những tin tức loan tải đều do Việt công đưa ra nên việc xác nhận trước công luận về sự hy sinh của chiến hữu Chủ tịch Hoàng Cơ Minh rất khó khăn và không đủ xác tín. Trước tình thế đó, chiến hữu Ngô Chí Dũng đã không chịu bỏ cuộc, anh đã một mặt đưa nhiều toán nhỏ xâm nhập Việt Nam để truy tìm tông tích của chiến hữu Hoàng Cơ Minh. Mặt khác, chiến hữu Ngô Chí Dũng đã tiếp tục công tác tuyển mộ và huấn luyện các tân kháng chiến quân để bổ xung vào đoàn đã bị thiệt hại sau những chuyến xâm nhập trước đây.

Năm 1989, Chiến hữu Ngô Chí Dũng đã huấn luyện và đưa hai Quyết đoàn xâm nhập Việt Nam vào trung tuần tháng 6, để vừa truy tìm tông tích Chiến hữu Hoàng Cơ Minh vừa tăng cường nhân sự cho các cơ sở tại quốc nội. Chuyến xâm nhập này cũng bị đụng độ rất nặng với lực lượng biên phòng của Việt cộng nhưng một số đông kháng chiến quân đã chạy thoát về vùng an toàn khu của Mặt Trận trong vùng rừng núi Tây Nguyên. Đợt xâm nhập này đã xảy ra cùng lúc biến cố của cuộc cách mạng dân chủ tại Ba Lan bùng nổ, đưa đến sự thắng thế của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan trong cuộc bầu cử tự do vào tháng 6 năm 1989. Đồng thời tại vùng Sài Gòn và một số tỉnh ở miền Nam đã xảy ra cuộc đấu tranh ôn hòa của Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ lãnh đạo bởi các ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Nguyễn Văn Trấn... đã gây cho Hà Nội không ít sự lúng túng đối phó. Trong bối cảnh đó, Cộng sản Việt Nam đã phải xuống nước tung ra chính sách ve vãn các nước tại vùng Đông Nam Á. Một mặt Cộng sản Việt Nam tuyên bố rút toàn bộ quân đội ra khỏi Kamuuchia vào tháng 9 năm 1990, một mặt khác đi đêm với Thái Lan để ký hiệp định hòa bình với nước này, hầu yêu cầu Thái Lan không yểm trợ các hoạt động của Kháng Chiến Việt Nam.

Giữa năm 1990, chính quyền Thái đã cử người đến gặp trực tiếp chiến hữu Ngô Chí Dũng, đưa ra hai yêu cầu: Đóng cửa đài Việt Nam Kháng Chiến và giải tán mọi căn cứ của Kháng Chiến trên đất Thái. Tuy có lệnh như vậy nhưng lực lượng biên phòng Thái Lan đã cố gắng giúp chiến hữu Ngô Chí Dũng duy trì đài phát thanh thêm một thời gian. Vào lúc đó, chiến hữu Ngô Chí Dũng đã thông báo cho Tổng Vụ Hải Ngoại những bất trắc có thể xảy đến cho các Cơ sở và tính mệnh của các kháng chiến quân của Mặt Trận trên vùng biên giới do những biến chuyển của tình hình. Với tư thế là người lãnh đạo cao nhất của Mặt Trận và đảng Việt Tân vào lúc đó, chiến hữu Ngô Chí Dũng đã cho biết là các kháng chiến quân sẽ cùng với anh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giữ vững cơ sở và tiến về quốc nội.

Trung tuần tháng 1 năm 1991, chính quyền Thái cử người đến yêu cầu chiến hữu Ngô Chí Dũng ngưng mọi chương trình phát thanh và đề nghị ngày hôm sau sẽ đưa chiến hữu Ngô Chí Dũng đến gặp nhân sự trách nhiệm của Thái ở vùng biên giới Thái Miên. Chiến hữu Ngô Chí Dũng được đưa đi vào lúc 7 giờ sáng ngày 15 tháng 1 năm 1991 nhưng đã không trở lại. Ngay sau đó, Mặt Trận đã thông báo sự kiện này cho các cơ quan liên hệ của chính quyền và quân đội Thái để tìm kiếm; đồng thời Mặt Trận cũng đã đưa một số toán công tác đến các khu vực biên giới hầu truy tìm tin tức của chiến hữu Ngô Chí Dũng. Từ những nguồn tin tức thu lượm cùng với các lời kể của các Kháng chiến quân liên hệ, nhiều xác xuất cho thấy là chiến hữu Ngô Chí Dũng đã tự sát trên đường di chuyển ra vùng biên giới. Mặt Trận đã thông báo tin tức này đến thân nhân của chiến hữu Ngô Chí Dũng. Tuy nhiên vì song thân của chiến hữu Ngô Chí Dũng còn ở Việt Nam và gia đình muốn giữ kín việc này trong nội bộ gia đình nên Mặt Trận đã không loan báo sự hy sinh của chiến hữu Ngô Chí Dũng trong suốt thời gian vừa qua.

---- oOo ----

Từ một sinh viên 24 tuổi, Ngô Chí Dũng đã dấn thân vào con đường tranh đấu cho sự tự do dân chủ của Tổ Quốc Việt Nam, ngay vào lúc miền Nam Việt Nam hấp hối trước sự tấn công toàn diện của quân đội Cộng sản Bắc Việt vào tháng 4 năm 1975. Nhưng mãi đến năm 31 tuổi (1982), sinh viên Ngô Chí Dũng mới thực sự dấn thân vào con đường kháng chiến giải phóng Tổ Quốc; khi anh vứt bỏ cuộc sống ấm êm cùng với những hứa hẹn tương lai nơi xứ Phù Tang, trở về khu chiến chấp nhận cuộc sống đầy chông gai nguy hiểm nhưng rất hào hùng. Anh ra đi và hy sinh trên con đường công tác lúc anh vừa tròn tuổi 40, lớp tuổi năng động nhất, nhiệt huyết nhất của tuổi thanh xuân mà anh đã dành trọn cho Việt Tân và cho Dân tộc Việt Nam. Từ ngày đến Nhật cho đến lúc rời Nhật đi vào Khu chiến sống với các kháng chiến quân, Ngô Chí Dũng không hề bận tâm vào cuộc sống tình cảm riêng tư, anh đã sống và đã dâng hiến trái tim của mình cho Tổ Quốc và Dân tộc Việt Nam.

Ngô Chí Dũng đã là mẫu người thanh niên Việt Nam tiêu biểu của hậu bán thế kỷ 20.

Trong lá thư viết cho những người chiến hữu của anh còn ở lại Tokyo, Ngô Chí Dũng đã chia xẻ những suy nghĩ về con đường Kháng Chiến như sau:

'Tính cho đến hôm nay sau gần ba năm trở về sống và hoạt động trong khu chiến với các anh chị em Kháng chiến quân đến đây từ khắp nẻo đường đất nước, tôi đã nghiệm ra một điều là con người ta sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, mọi gian nguy... nếu có một trái tim yêu nước nồng nàn cùng với một niềm tin tưởng lạc quan vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Tôi áp dụng câu nói của Thầy Minh (Hoàng Cơ Minh) rằng "kháng chiến quân phải đi bằng cái đầu' chính là 'niềm tin tưởng vào tương lai của dân tộc' để mà chấp nhận bước tới. Chúng ta không hy sinh, chúng ta không chịu đổ máu thì chờ đợi ai làm cho mình. Chính những hy sinh và những gian khổ hôm nay mới tích tụ thành chiến công to lớn trong tương lai.

Thật vậy, anh em biết không – hàng trăm kháng chiến quân đang sống quanh tôi - họ có nhiều lứa tuổi với những mảnh đời hoàn toàn khác nhau; nhưng khi vào đây, chúng tôi coi nhau như anh chị em một nhà và chia xẻ nhau mọi thứ kể cả thân xác để đóng góp cho đại cuộc sớm thành công. Sự sống - ai mà không quý trọng phải không? Sự sống còn quan trọng gấp nhiều lần đối với những người đang chiến đấu cho tương lai tươi sáng của dân tộc. Nhưng anh em biết không, sự sống mà những người kháng chiến quân quan niệm chính là được chết hào hùng cho công cuộc giải phóng Việt Nam. Đó là cái sống miên viễn với thời gian, với giòng lịch sử bất tận của dân tộc.

Anh em thân. Đã chấp nhận là kháng chiến quân của Mật Trận, sống bằng sự đóng góp thương yêu của đồng bào và của các chiến hữu, chúng tôi đã chọn lối sống khắc khổ (khắc kỷ thì đúng hơn) để không phí phạm những đóng góp của mọi người mà còn để giữ vững tinh thần trong mọi tình huống hiểm nguy. Đất nuớc và dân tộc của chúng ta còn quá nghèo. Chúng ta không được phép phí phạm. Phải tiết kiệm. Phải khắc phục. Phải hy sinh để cho thế hệ mai sau được ngửng đầu lên nhận mình là người Việt Nam oai hùng và không than trách những thế hệ đi trước chẳng làm nên trò trống gì. Vì thế, con đường kháng chiến hôm nay chính là xây đắp con đường Canh Tân đất nước cho các thế hệ mai sau...

Trên đây chỉ là một phần trong nhiều lá thư mà chiến hữu Ngô Chí Dũng đã chia xẻ, động viên và nhắn nhủ đến những người bạn thân của anh tại Đông Kinh. Mỗi lá thư đều toát ra nét hào hùng như chính cuộc đời của anh trong những tháng năm miệt mài trên con đường kháng chiến. Anh là bậc thầy và là người anh đáng kính mà chúng tôi không bao giờ quên trong cuộc đời này. Ngô Chí Dũng vẫn còn mãi mãi trong chúng tôi.