Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Tôi Về Khu Chiến

Trần Đức Tường

Đầu tháng năm 1989, tôi nhớ đúng vào ngày 4/5/1989, trên truyền hình người ta nói, dường như có cuộc nổi dạy của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Chưa có hình ảnh, nhưng người bình luận đã nói đại ý, cách đây 70 năm, cũng ngày 4/5/1919, tại quảng trường này, sinh viên Trung Hoa đã tụ tập biểu tình phản đối những yêu sách của Nhật Bản. Sau đó ít ngày, một chính phủ cộng hòa đầu tiên tại Trung Hoa đã ra đời, chấm dứt triều đại nhà Thanh, đồng thời chấm dứt chế độ quân chủ, phong kiến kéo dài nhiều ngàn năm tại đất nước này. Mấy ngày trước, Hung Gia Lợi bỗng nhiên gỡ bỏ 260 cây số hàng rào lưới điện dọc theo biên giới với nước Áo và làm ngơ cho người Đông Đức vượt biên sang Áo để tới tỵ nạn tại Tây Đức. Tình hình khối cộng từ Âu sang Á hình như có biến động báo hiệu một sự thay đổi nào đó. Chính trong bối cảnh đó, chính trong ngày hôm đó, tôi đã nhận được chỉ thị của Tổng Vụ Hải Ngoại, chuẩn bị "về khu chiến" để huấn luyện quân y.

Xúc động và hãnh diện

Nhận lệnh, tâm trạng tôi ngổn ngang bao nhiêu suy nghĩ. Là một đảng viên phục vụ tại hải ngoại, tôi vẫn hằng mơ ước một ngày được về khu chiến để cùng các chiến hữu quốc nội trực tiếp đấu tranh giải phóng Tổ Quốc. Nay có lệnh điều động, thật là giấc mơ đã thành sự thật. Những hình ảnh quá khứ của người lính nhẩy dù trước năm 1975 đã ập về với tôi. Nhưng lần này, không phải là cảm tưởng lúc xưa khi nhận lệnh lên đường hành quân, dù là những cuộc hành quân lớn trên cao nguyên hay ngoài vùng hỏa tuyến. Khác xa. Khác hoàn toàn. Khi xưa cả nước trong chiến tranh. Mình thuộc một đơn vị xung kích, một năm đi hành quân trên 295 ngày. Bình thường. Chết hụt cũng nhiều lần. Cũng có một số kinh nghiệm chiến trường. Ở hậu cứ vài ba tuần là chồn chân muốn "ra" hành quân. Nhưng từ cuộc hành quân chót đến nay đã đúng 14 năm. Trong khoảng thời gian đó, đã có giai đoạn tù đày trong trại cải tạo. Đã có cuộc vượt biên đầy nguy hiểm... Tất cả những gian khổ đó, không làm sờn ý chí phải giải thoát dân tộc ra khỏi ách thống trị của bạo quyền Việt Cộng. Vì thế đã tiếp tục dấn thân tham gia Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam và gia nhập Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng. Tuy nắm vững chủ trương, đường lối không nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam bằng vũ lực; nhưng với bầu nhiệt huyết của một người lính nhẩy dù, mình vẫn thấy hãnh diện về hình ảnh những kháng chiến quân của Tổ Chức. Lệnh điều động về khu chiến đã gieo vào trong tâm tư tôi những ý niệm kiêu hãnh, xen lẫn không ít bâng khuâng, lo lắng. Hay là khung cảnh tiện nghi vật chất ở hải ngoại đã làm mình chùn chân. Cũng không phải vậy. Cả ngàn lần, từ trong thân máy bay an toàn, mình đã vọt qua cửa để lao vào không gian. Đây cũng là một "saut" dù mà thôi....

Mối ưu tư lớn nhất đối với tôi lúc đó, là gia đình. Vợ tôi, người đàn bà mà tôi vẫn "thầm" thán phục là người đàn bà "dũng cảm". Mười năm sống đợi, sống chờ trong suốt thời gian tôi phục vụ Sư Đoàn Nhẩy Dù với hàng trăm cuộc hành quân ác liệt. Ba năm tù cải tạo, không biết sống chết lúc nào, không biết bao giờ được thả. Ba năm xa cách sau khi tôi vượt biên. Các con tôi, tuy không còn nhỏ, nhưng 6 đứa đang còn dở dang đại học. Nói gì với vợ tôi ? Với con tôi? Trong lúc phải tuyệt đối bảo mật... Sau khi lãnh ý của lãnh đạo, tôi được phép nói thật với vợ tôi. Nhưng nói thế nào ? Phản ứng của vợ tôi ra sao ?

"Em không theo anh được... nhưng anh cứ yên tâm đi đi"

Hôm đó, sau bữa cơm tối, nói là tối, những vào hạ tuần tháng 5 dương lịch, ngày đã dài nhiều, nên gần 8 giờ tối mà còn ánh nắng mặt trời, tôi rủ vợ tôi xuống công viên đi dạo. Mấy đứa con, có đứa đọc sách, học bài, có đứa ngồi trên salon coi tivi. Trên khu đồi cỏ dưới chân cao ốc chúng tôi ở, có những băng ghế bằng gỗ sạch sẽ. Chúng tôi đi một hồi và đã tới ngồi trên một trong những ghế nhìn về phía mặt trời lặn. Từ mấy ngày hôm nay, tôi cố nặn óc để tìm xem phải mở lời với vợ tôi như thế nào. Lúc này, tôi phải nói câu nói đó đây. Tằng hắng hai ba lần, tôi mới nói nên lời:

- Anh sắp phải đi một chuyến công tác rất quan trọng.

- Các ổng muốn anh đi về chiến khu phải không ? Vợ tôi hỏi ngay. Giọng rất bình tĩnh.

Tôi ngạc nhiên không ít vì tôi chưa hề bao giờ hé chuyện này trong gia đình cả. Tôi hỏi gặng lại:

- Sao em biết ? Câu hỏi vừa để tỏ sự ngạc nhiên, vừa để thừa nhận sự thật.

- Từ đầu tháng đến hôm nay, thấy anh có vẻ đăm chiêu suy nghĩ... Sống với bồ ba chục năm rồi, có chuyện gì bồ dấu được em đâu ? Bao giờ đi ?

Vẫn câu hỏi của mười mấy năm trước, mỗi lần tôi đi hành quân. Không bao giờ hỏi anh đi bao giờ về vì chắc chắn sẽ được câu trả lời "mai mốt anh về. Và câu chuyện bắt đầu. Tôi không ngờ lại bắt đầu suông sẻ như thế. Vợ tôi không một lời phản đối. Tôi mô tả sơ lược nhiệm vụ của tôi là để huấn luyện anh em kháng chiến quân về quân y. Và cũng đồng thời chia sẻ những ưu tư của tôi về những khó khăn của vợ con tôi lúc tôi vắng nhà. Vợ tôi nghiêm nghị nói:

- Bồ đừng lo. Các con cũng lớn cả rồi, đâu còn bé như lúc anh đi tù cải tạo ? Trời sinh voi, trời sinh cỏ. Với lại còn bao nhiêu chiến hữu của anh ở đây. Còn các anh bên Tổng Vụ. Bộ họ để mẹ con em đói hay sao ?

- Vậy thì anh yên tâm.

Tôi trả lời mà trong lòng thán phục lòng tin tưởng của vợ tôi, lúc đó chưa là đoàn viên hay đảng viên gì cả. Nhưng tôi cũng nói thêm:

- Đương nhiên là tổ chức không bỏ mẹ con em đâu. Nhưng hiện nay tổ chức còn nghèo, còn thiếu nhiều phương tiện, nên em tránh không nên làm phiền bên Tổng Vụ hoài nghe không ?

- Em biết chứ. Mình đi quyên góp từng đồng, từng kí gạo nuôi kháng chiến. Đối đế lắm em mới cầu cứu các ổng thôi.

- Anh hỏi thật câu này nhé. Nếu em phản đối, không muốn anh đi, thì anh sẽ từ chối không đi.

- Anh nói gì kỳ vậy ? Em có như thế bao giờ. Lấy anh, em cưới cả lý tưởng của anh. Hồi xưa, anh về nhẩy dù, cả nhà em, nhất là ba má đều nói em phải can ngăn anh. Ba má sợ em sớm thành góa phụ, một mình làm sao nuôi dạy được cả bầy con ? Nhưng em thương bồ, em chiều ý thích của bồ. 10 năm ở nhẩy dù, nhất là những năm đầu anh đi tiểu đoàn và lữ đoàn, mỗi lần bồ ra mặt trận là em lo, mỗi lần thấy các chú y tá hậu cứ tới nhà là em sợ. Sợ các chú sẽ báo tin chẳng lành cho em...

- Tội nghiệp em.

- Hồi xưa, mỗi lần nhớ bồ, em còn tìm cách bay ra hành quân và len lén gặp bồ. Ra ngoài này, bồ đi công tác khắp Âu Châu em cũng đi theo. Nhưng chuyến này, chắc, em không theo bồ được. Nhưng bồ cứ yên tâm đi đi.

- Em có lo không ?

- Làm sao mà không lo được ? Chiến hữu Chủ Tịch và đoàn quân đi năm 87, đã bị Việt Cộng chặn đánh. Tuy chưa có tin tức, nhưng em nghĩ, dữ nhiều, lành ít. Mấy hôm trước, thấy bồ tư lự, em đã nghĩ như thế này. Để em kể hết cho bồ nghe. Có thể chuyến này bồ vô trong đó, bồ sẽ không trở ra nữa. Ít là có 4 lý do: thứ nhất là thấy anh em trong đó, máu nhà binh nổi lên và tình chiến hữu quyến luyến, bồ tình nguyện ở lại với anh em; thứ hai là vì nhu cầu cần bác sĩ, Tổng Vụ Quốc Nội yêu cầu bồ ở lại; thứ ba là nếu đi sâu vào trong thì sẽ không còn đường ra; thứ tư là bồ có thể bị bắt, bị thương hay bị chết...

- Em chỉ nói bậy. Anh chỉ có nhiệm vụ huấn luyện cứu thương cho anh em thôi. Hết nhiệm vụ anh sẽ trở ra. Không có những chuyện ấy đâu !

Trời bắt đầu chạng vạng. Chúng tôi đứng lên. Tay trong tay, hai vợ chồng dắt nhau xuống đồi. Vợ tôi hỏi có cần mang theo quần áo, đồ đạc gì không. Tôi nói, chắc không như ngày xưa đi hành quân. Mọi thứ sẽ được cung cấp tại chỗ. Vợ tôi nói:

- Em có làm cho bồ 2 cái nhẫn, mỗi cái 2 chỉ. Nhà còn một ít đô la, bồ mang theo phòng khi cần dùng đến.

Tôi nhớ, trong nhà không bao giờ có nhẫn vàng ta. Thì ra, nhìn thấu tâm can tôi, vợ tôi đã âm thầm đi sắm cho tôi cặp nhẫn... Trên đường về, tôi căn dặn vợ tôi:

- Chuyện anh đi chuyến này là chuyện bí mật, không được tiết lộ cho ai, kể cả anh em trong cơ sở. Với các con, và anh em, chỉ cần nói là anh đi công tác Hoa Kỳ như mọi khi thôi.

Lên Đường

Theo dự trù, tôi sẽ phải tới Bangkok. Lúc đó người Âu Châu tới Thái Lan phải xin visa. Thủ tục không có gì khó khăn nên tôi đã hoàn tất nhanh chóng trong ngày. Việc kế tiếp là đi mua vé máy bay. Vì ngân sách khá eo hẹp nên tôi cố gắng tìm một hãng máy bay với giá rẻ. Công ty du lịch nơi tôi thường mua vé đi Hoa Kỳ tìm cho tôi được hãng máy bay rẻ nhất lúc bấy giờ là hãng Tarom. Thấy giá rẻ, tiết kiệm được cho Tổ Chức, tôi chịu liền. Chứ thực ra tôi cũng chưa bao giờ nghe nói tới hãng hàng không này.

Hành lý thật là gọn nhẹ, vài ba bộ quần áo mùa hè và đồ lót. Chỉ có những dụng cụ y khoa và nha khoa cũng như thuốc men là nặng nề. Cố gắng nhồi nhét, cũng đầy một vali lớn. Xếp xong vali thì cũng gần nửa đêm. Hai vợ chồng đối diện trong phòng ngủ để dặn dò nhau cho hết công việc.

- Bồ đi nhớ viết nhật ký cho em như lúc còn ở nhẩy dù nhé.

- Nếu có điều kiện thì anh sẽ viết. Khi xưa, có khi súng nổ tứ phía như Tết Mậu Thân, như ở Khe Sanh hay ở Dakto... anh còn trùm mền bật đèn pin viết được kia mà.

Tôi cố xen thêm điệu bộ khôi hài để vợ tôi quên đi lo nghĩ. Càng tới ngày tôi đi, tôi để ý, nàng càng lộ vẻ bất an. Có lần tôi hỏi vợ tôi:

- Anh nói em cái này nghe. Nếu rủi, anh nói nếu rủi thôi nghe, anh bị cản trở không ra được thì em nghĩ sao ?

- Bộ bồ tưởng em không nghĩ sao ? Khi xưa, chấp nhận cho anh đi lính nhẩy dù là đã chấp nhận số phận. Được hưởng ké cái hãnh diện vợ của thiên thần mũ đỏ, và cũng chấp nhận, quấn khăn trắng trên đầu nuôi con. Em biết anh định tự tử ngày 30/04, và cũng sẵn sàng làm đám tang cho anh. Rồi những năm anh đi tù, có người về báo anh bị nổ mìn lòi cả óc ra. Cũng may nó lừa ba và em. Rồi anh đi vượt biên, trăm lần chết chưa có một lần sống... Em biết, lý tưởng của anh không thể bỏ dở. Nếu chị Lê Hồng, bà chủ tịch và vợ con bao nhiêu anh em khác đi về nước, không có tin tức từ năm 1987, chấp nhận được thì mẹ con em cũng sẽ noi theo tấm gương của các chị ấy thôi...

Tôi cảm thấy thán phục và xúc động dâng lên nóng hai con mắt. Tôi ôm chặt hai bờ vai vợ tôi. Hai đứa im lặng hồi lâu.

Bỗng vợ tôi nói:

- Sáng mai cơ sở có tổ chức xuống đường ở Trocadéro. Em có nhờ anh Cao xuống đón. Em đưa anh ra tới Orly rồi em lên Paris biểu tình với anh em. Như vậy có vẻ tự nhiên. Em cũng không muốn đứng nhìn anh đi vào "cách ly". Không cầm được nước mắt sẽ làm anh lo và làm người ta chú ý. Thôi mình đi ngủ để sáng mai dạy sớm.

- Ừ ! Đi ngủ.

Nào có ngủ ngay được đâu ? Đúng là ra đi lần này khác với những lần đi hành quân khi xưa. Trằn trọc hồi lâu. Không biết giấc ngủ đã đến với tôi lúc nào. Tỉnh giấc là 7 giờ sáng. Tắm rửa, ăn sáng, thay quần áo xong thì cũng là lúc anh Cao tới đưa tôi lên phi trường và vợ tôi lên chỗ biểu tình.

Xe đậu ngay chỗ thả hành khách. Tôi xuống xe lấy hành lý. Vợ tôi xuống theo. Hai vợ chồng ôm vội để trao đổi nụ hôn cũng vội vã không kém. Biết chắc vợ tôi đau lòng lắm, nhưng cả hai đều mỉm cười. "Mai mốt anh về". Anh Cao cũng xuống xe tới bắt tay tôi, chúc thượng lộ bình an. Anh vẫn nghĩ tôi đi công tác bên Tổng Vụ. Tôi giục mọi người lên xe vì không đậu lâu được. Chiếc xe lăn bánh. Vợ tôi ngoái đầu nhìn qua cửa kính phía sau và giơ tay ngoắc từ biệt. Tôi giơ tay và gửi theo một nụ hôn gió.

Đẩy hành lý vào tới quầy check in mới biết, đây là hãng máy bay của nước Rumania, một nước cộng sản Đông Âu. Còn đang hối tiếc vì ham giá rẻ mà gặp cảnh ngộ này, thì lại biết thêm rằng chuyến bay sẽ đáp escale 2 tiếng đồng hồ tại phi trường Burarest, thủ đô Rumania. Trễ rồi, có lo cũng chẳng giải quyết được gì. Bỗng tôi nhớ lại nhân dịp lễ Quốc Khánh 1987 tại Paris, ông Tổng Vụ Trưởng còn ghé Moscow mà cũng còn không sao, ăn thua gì cái nước chư hầu nhỏ bé này. Nghĩ vậy, nhưng lòng vẫn không yên. Vào cách ly, tới cửa chờ lên máy bay, gặp một số hành khách người Pháp cùng chuyến bay, tôi bắt chuyện để hỏi thăm. Nhiều người cũng như tôi, mới đi lần đầu với hãng máy bay này. Cầm cuốn tạp chí trên tay mà không sao đọc được. Ngồi nhìn ra phi đạo chan hòa ánh nắng, tôi thả hồn bay bổng vào không gian. Tôi nghĩ, chắc giờ này, vợ tôi đã đến địa điểm biểu tình. Bạn bè, chiến hữu thế nào cũng hỏi tôi đâu? Và chắc chắn vợ tôi sẽ mỉm cười "Ảnh đi công tác". Không biết trả lời như vậy, trong lòng vợ tôi nghĩ ngợi gì ? Tôi lại nghĩ, ở chỗ tôi sẽ tới, tháng này đã là mùa mưa chưa? Có nóng bức không ? Bao nhiêu năm sống an nhàn, đầy đủ tiện nghi, ra khỏi nhà là bước lên xe... Không biết mình còn có sức khỏe lội rừng như khi còn là một huấn luyện viên nhẩy dù hay đã thành một cọng bún thiu ?



Tiếng loa gọi hành khách chuyến bay ra cửa để lên máy bay. Bước vào lòng tầu, tôi nhanh chóng tìm được chỗ ngồi. Định bụng từ trước, tôi lấy ở túi sách báo trước mặt tấm bảng chỉ dẫn an toàn trên máy bay. Thì ra đây là một chiếc phản lực cơ chở hành khách hiệu Tupolev 154 do Liên Xô chế tạo. Bất giác tôi cười một mình "Đây là lần thứ nhì trên đời, mình bay trên máy bay cộng sản". Lần đầu xảy ra nhân dịp Tết năm Canh Thân (1980) khi tôi bay từ Sài Gòn ra Hà Nội. Lúc đó, bay máy bay gì, tôi không còn nhớ. Chỉ nhớ nó ồn và rung chuyển vô cùng. Chắc cũng vì thế mà lần này, tôi hiếu kỳ phải biết cho bằng được mình bay máy bay gì. Chiếc phi cơ được kéo ra sân và bắt đầu chuyển bánh một mình. Cũng không đến nỗi ồn ào lắm. Kể cả lúc cất cánh. Tôi muốn chợp mắt một chút để dưỡng thần, mà đầu óc cứ ngổn ngang bao nhiêu suy nghĩ. Tôi nghĩ về giáo trình huấn luyện. Vì không được biết chính xác trình độ anh em mình trong kia nên cũng khó mà soạn sao cho thích hợp. Tuy nhiên, từ hơn nửa tháng nay, tôi đã soạn sẵn được hơn 20 bài về vệ sinh, cứu thương, điều trị một số vết thương và chứng bệnh thông thường trong điều kiện chiến khu...

Tôi bỗng thấy trong tai hơi nặng. Chắc phi cơ bắt đầu xuống thấp. Thấy mấy hành khách nhìn ra cửa sổ, tôi cũng ghé mắt nhìn xuống. Một người Pháp đứng tuổi bắt chuyện với tôi:

- Ông thấy không ? Đây là mô hình sản xuất xã hội chủ nghĩa đấy.

Tôi thấy dưới cánh bay một vùng vô cùng rộng lớn. Rộng đến tận chân trời. Giống như một "đại dương" phẳng lì. Tôi hỏi ông bạn:

- Họ trồng gì vậy ?

- Trồng hoa hồng. Ông có tin không ?

- Họ sản xuất hoa hồng nhiều như thế để làm gì ?

- Để làm nước hoa. Nghe nói lợi nhuận cao hơn khoai tây hay lúa mì.

Thú thực, cho đến lúc này, tôi không biết gì nhiều về các nước XHCN Đông Âu, nhất là nước Rumania lại là một nước nhỏ. Thấy tôi tư lự, ông bạn ngồi cạnh bồi tiếp:

- Ông có để ý thấy cánh đồng rộng hàng chục ngàn hectares này, phẳng lý, không có một bóng cây cao nào không ?

- Tôi thấy.

- Đây là cái ngu xuẩn của họ.

Tôi sửng sốt về câu nói quá thẳng của ông người Pháp này. Tôi nhìn thẳng vào ông như chờ thêm lời giải thích.

- Đúng đấy ông ạ. Ông đã từng đi đến vùng Normandie chưa ? Ở đó nông dân đắp đê và trồng những rặng cây cao. Công dụng của nó là cản bớt sức gió làm hại mùa màng. Ở đây, họ chỉ chú ý đến phương thức sản xuất XHCN, cái gì cũng to lớn mà không biết gì đến kỹ thuật đơn giản. Ông cứ thử nghĩ xem, một cơn gió thoảng trên một diện tích mênh mông như biển cả thế này sẽ biến thành một trận cuồng phong. Vì thế, không có năm nào họ được mùa hoa hồng cả. Gió bay hết cánh hoa, nhụy hoa và trốc cả gốc hồng lên nữa đấy. Có đúng là ngu xuẩn không?

- Rất đồng ý với ông.

Máy bay hạ cánh trên phi trường một cách an toàn. Dường như hôm nay chỉ có chuyến máy bay này thôi. Phi trường vắng vẻ như đang có một cuộc đình công. Không có cảnh xe chạy tới, chạy lui, nhân viên tất bật làm việc. Trên suốt run-way và trên các đường taxi ways, không thấy bóng dáng một chiếc máy bay nào. Lạ thiệt. Phi cảng là một tòa nhà đồ sộ bằng ximăng cốt sắt, mầu xám xịt. Máy bay ngưng bánh cách tòa nhà này khoảng chừng ba hay bốn trăm thước. Phía tôi ngồi, nhìn ra ngoài không thấy nhà cửa. Thấy hành khách chỉ chỏ qua cửa sổ, tôi nhỏm đứng lên nhìn ra ngoài, thấy thấp thoáng bóng người đi dưới đất. Đúng ra không phải là những người bình thường, mà là lính. Họ mặc quân phục, đầu đội nón sắt và đeo súng AK-47 trên vai.

Cửa máy bay mở ra, mọi người đều phải rời máy bay đi vào phi cảng. Bước từ trên cầu thang đi xuống, tôi đã nhìn thấy một hàng rào lính, mỗi người cách nhau khoảng 10 mét. Họ nhìn từng người chúng tôi bằng những con mắt soi mói, mặt mũi lạnh lùng. Tôi thầm nghĩ, không biết đây là hàng quân dàn chào danh dự hay là vòng đai vệ binh đưa tù về trại? Đi bộ một quãng khá xa. Nhiều người Pháp lầu bầu: "Có thể cho máy bay đậu gần hơn một chút nữa, có phải dễ chịu không ?".

Bước vào phi cảng, không đèn đóm, ảm đạm hơn nhà quàn. Có một quầy bán đồ ăn. Chỉ nhận tiền Rumania hay tiền đô la Mỹ thôi. Một miếng thịt mang tên beefsteak khô không khốc, mầu đen xậm, dai như quai dép, giá 10 USD. Cà phê thì đổ cà phê xay vào nước sôi, cho đường vào khuấy, chờ bã lắng xuống rồi uống. Không có cửa hàng, không có quảng cáo, không có báo chí... Chỉ có khẩu hiệu. Cũng may bằng tiếng Rumania và chữ Nga nên không phải đọc. Người duy nhất ở đó biết nói tiếng người là người bán bar. Nhưng hắn chỉ nói được tiếng Rumania hay tiếng Nga. Nguyên cái vụ hỏi tìm phòng vệ sinh cũng khiến các bà bực mình. Đi kiếm cũng phải coi chừng mấy tên lính gác. Không thấy họ nói gì thì cứ đi. Họ mà xua tay là quay lại ngay tức khắc. Hình như họ cũng là một giống động vật không biết nói tiếng người.

Hai giờ chờ đợi rồi cũng qua đi. Ai cũng nghĩ nó dài hơn hai giờ ở Paris nhiều. Hơn 100 hành khách lại trở ra dưới những con mắt cú vọ của đám vệ binh đứng dọc từ cửa phi cảng đến chân máy bay. Trời đã về chiều, gió nhiều và hơi lạnh. Ngoái cổ nhìn lại khu nhà phi cảng tối tăm, bất giác tôi rùng mình...

Điểm Hẹn

Đẩy xe hành lý ra khỏi cửa hải quan, một làn không khí nóng bức ập tới. Cái nóng bức vừa quen thuộc, vừa xa lạ. Một đám đông có cả trăm người tụ tập hai bên và phía trước cổng hải quan, ngoài một vài người mắt xanh, tóc vàng, tất cả đều là người Á Châu. Bao nhiêu cặp mắt hướng về phía hành khách đang bước ra. Những tiếng reo mừng, tiếng cười, tiếng nói ồn ào. Tôi đảo mắt nhìn quanh. Toàn những khuôn mặt xa lạ. Bụng bảo dạ, mình đâu có biết ai là người đón mình đâu ? Chỉ được dặn dò là sẽ có người ra đón với tấm bảng mang tên mình. Phì cười vì từ nãy cứ đi nhìn những khuôn mặt lạ hoắc. Tôi bắt đầu nhìn những tấm bảng trong tay một số người. Phần lớn là đại diện các hãng du lịch, các hotels. Một vài tấm mang tên người ngoại quốc. Tôi chợt thấy có tấm bảng giơ cao, lắc lắc. Tôi đọc thấy "Doctor John". Nghĩ bụng, không biết có phải tên mình không vì không đúng với tên tôi đã thông báo. Tôi tiến tới gần người cầm bảng. Một người Á Châu mập mạp, hơi thấp, trạc ngoài 30. Anh ta hỏi ngay bằng tiếng Anh:

- "Ông có phải là Dr. John từ Paris tới không ? Ông Stevens bảo tôi ra đón ông".

Tôi hơi lưỡng lự, nhưng trấn tĩnh được ngay. Tôi hỏi:

- Có phải trước đây anh làm việc với Dr. Aitken không ?

- Đúng rồi.

- Thế thì tôi là người anh phải đến đón đây.

- Mời ông theo tôi.

Anh ta nhanh nhẹn giành chiếc xe đẩy hành lý. Tôi theo anh bén gót. Chúng tôi lấy taxi và rời phi trường. Trời tờ mờ sáng. Thành phố Bangkok còn lên đèn và đường phố còn khá vắng vẻ. Xe chạy nhanh. Hết đường này sang phố khác. Tôi mất hết phương hướng. Các bảng tên đường rất nhỏ và viết toàn bằng chữ Thái. Anh tài xế trao đổi với người đón tôi bằng tiếng Thái. Thế là huề tiền. Chỉ biết giao phó số mạng cho hai người này. Xe ngừng trong sân một khách sạn. Người đón tôi, nay tôi biết tên là Dennit, móc tiền ra trả. Tôi giành trả, nhưng anh ta nói: "Boss của ông đã trả hết rồi". Sau khi ghi danh, người ta đưa tôi lên phòng trên lầu 1. Một căn phòng rộng thênh thang, có hai giường ngủ, có máy lạnh và mọi tiện nghi. Dennit nói với tôi:

- Khách sạn không thuộc hạng sang trọng, nhưng ở đây giá rẻ.

- Đối với tôi, thế này là quá đầy đủ.

- Lát nữa ông có thể xuống phòng ăn điểm tâm. Ăn rồi, ông nên nghỉ ngơi một chút. Ông Stevens sẽ gọi cho ông. Khoảng 12 giờ trưa nay tôi sẽ trở lại. Mình đi ăn trưa. Ông có thiếu cái gì thì cho tôi biết tôi sẽ mang lại cho ông ?

- Tôi nghĩ, đến giờ thì tôi không cần gì đâu. Tôi cũng muốn tắm gội một cái rồi đi ngủ. Trên máy bay tôi ngủ không được. Tôi chỉ sợ máy bay Tupolev của hãng Tarom nó rớt thôi.

Anh ta cười. Bắt tay tạm biệt. Một mình trong phòng, tôi ra cửa sổ nhìn xuống đường một lát rồi kéo màn lại.

Ăn sáng xong tôi trở lên phòng thì tiếng chuông điện thoại reo. Tôi nghĩ, chắc là ông Stevens.

- Allo ! Đầu dây bên kia nói trước bằng tiếng Anh. Có phải phòng của Dr. Jean không ?

Tôi lấy làm lạ vì tên Jean là tên Pháp. Không phải giọng ông Stevens. Thuận miệng, tôi trả lời bằng tiếng Pháp:

- Chính tôi đây. Bonjour.

Có tiếng cười trong câu trả lời Bonjour. Rồi đầu dây bên kia nói bằng tiếng Việt:

- Chiến hữu không nhớ tôi sao ? Văn đây !

Người nhà rồi. Nhưng tôi đang cố lục lọi trong ký ức xem Văn nào, thì bên kia lại nói:

- Văn Orsay đây, 15 phút nữa tôi tới thăm chiến hữu.

Tôi gác ống điện thoại xuống, thẫn thờ đi vào vùng kỷ niệm. Tôi còn nhớ chặng đường tôi chở Văn và mấy anh em ra phi trường Zaventem cách đây 4 năm. Mới đó mà 4 năm. Nhưng sao cái thời gian này nó dài thế ? Hình ảnh ngày đó như từ một quá khứ xa xôi nào trở về như trong một cơn mê. Đang còn miên man suy nghĩ thì có tiếng gõ cửa. Tôi ra cửa, nép vào một bên khung cửa, lên tiếng hỏi bằng tiếng Anh:

- Ai đó ?

- Văn.

Tôi mở cửa. Xuất hiện trước khung cửa, đúng là con người của 4 năm trước. Văn lách người vào nhanh trong phòng và tôi đóng cửa, cài khóa lại.

Chúng tôi ôm lấy nhau, chan hòa tình chiến hữu. Văn gầy hơn hồi còn ở Paris. Nước da vẫn không bắt nắng. Dáng bộ thư sinh vẫn còn nguyên vẹn. Tuy niên, nét mặt, thái độ cho thấy con người đã dầy dạn hơn nhiều. Hàn huyên biết bao nhiêu chuyện. Người trong hỏi thăm bên ngoài. Người ngoài hỏi thăm bên trong. Bất giác, tôi nhận thấy có một sự khác biệt nào đó giữa chúng tôi. Vẫn với cái thói ăn to, nói lớn, tôi oang oang nói chuyện. Trong lúc Văn chỉ nhỏ nhẹ, từ tốn hỏi, đáp. Nói vừa đủ nghe. Đôi khi tôi còn không nghe rõ nữa. Văn cho tôi biết, đáng lẽ sẽ rời Bangkok ngay; nhưng phải chờ 2 người nữa nên có thể phải đợi vài ba ngày. Văn dặn dò tôi những điều nên làm và những việc nên tránh để bảo mật. Anh Hai sẽ liên lạc với tôi. Trong khi chờ đợi, cứ đi theo anh Dennit. Chúng tôi chia tay trong bịn rịn. Được học tập, tôi không hỏi Văn ở chỗ nào? bây giờ đi đâu? bao giờ gặp lại? vv... Nhưng ra tới cửa phòng, Văn xiết tay tôi và nói "Sẽ gặp lại ".

Văn đi được một lúc, lại có tiếng gõ cửa. Thì ra anh chàng Dennit. Anh tới đúng hẹn. Chúng tôi ngồi nói chuyện một chốc. Được biết anh không phải là người Thái mà là người Mã Lai. Sang đây dạy học. Anh có vợ và có một đứa con trai 3 tuổi. Bằng một giọng điệu hơi khôi hài, có chút châm biếm, anh giới thiệu sơ cho tôi về Bangkok. Đại để ở Bangkok có 3 mùa: mùa nóng, mùa rất nóng và mùa cực nóng... Phòng có máy lạnh, nên tôi chưa cảm được những điều anh nói. Anh bảo, ở đây là xứ trái cây. Anh hỏi tôi có biết trái sầu riêng và có ăn được sầu riêng không ? Tôi trả lời là rất ưa trái cây nhiệt đới vì ở đây cũng có những loại trái cây giống ở Việt Nam của tôi. Tôi đề nghị cùng anh xuống nhà ăn khách sạn, nói chuyện tiếp. Anh cười và nói "Tội gì ăn ở khách sạn. Vừa đắt vừa không ngon đâu". Anh nói, anh sẽ đưa tôi đi ăn những quán ăn bình dân dọc đường, ngon hết xẩy.

Bước ra khỏi cổng khách sạn, tôi mới thấy những lời Dennit là đúng. Cái nóng nung người. Cái nóng oi bức. Cái nóng ẩm thấp nó ào tới. Tôi nghĩ, nếu có cái nón đội thì cũng đỡ. Nhưng tôi lại nghĩ, mình cần phơi nắng cho nó đen một chút. Ở Paris thiếu nắng, mình trắng như cục bột. Mai mốt lên rừng kỳ cục chết. Chúng tôi đi đến trạm xe bus. Dennit cắt nghĩa cho tôi rằng, có hai loại bus: loại có máy lạnh và loại không có máy lạnh. Đi bus không máy lạnh bình dân hơn và rẻ tiền hơn. Chúng tôi lên bus không máy lạnh.

Xe cộ ở Bangkok thật là kinh khủng. Đủ các loại xe chen nhau, lấn đường, lạng lách. Nào xe đạp, xe gắn máy, xe xảmlo, xe touktouk, xe hơi nhà, xe taxi, xe bus, xe vận tải... Tất cả đều chạy với tốc độ nhanh. Tiếng máy nổ át tiếng người. Đã vậy, xe chạy bên trái như ở bên Anh. Tôi cứ bị hoa cả mắt lên. Chiếc xe bus chở chúng tôi cũng lạng lách khiến người nghiêng bên phải, đảo bên trái, xô ra trước, hất ra sau... Gió thổi lồng lộng. Cứ như đang lên đồng. Cũng may tôi không thuộc loại người bị say xe. Chứ không chắc sẽ nôn mửa tới mật xanh, mật vàng. Bỗng Dennit nhìn ra bên ngoài rồi ra hiệu cho tôi xuống ở trạm tới.

Xuống xe, tôi vẫn còn thấy người lảo đảo. Đi bộ vài con phố, tới một vùng như là bến xe, như là chợ trời. Thật ra ở Bangkok, chỗ nào cũng là chợ trời. Tới một xe bán cơm có treo mấy con gà luộc. Dennit kéo tôi ngồi trên chiếc ghế đẩu bên cạnh chiếc bàn nhôm dã chiến. Tôi liếc nhìn xung quanh. Chắc cũng không vệ sinh lắm. Mặc kệ. Cho quen đi. Người bán hàng bày ra hai chén cơm, một đĩa thịt gà, hai chén canh dưa cải chua. Có thế thôi. Tôi nghĩ bụng, tưởng ăn sơn hào hải vị gì chứ đi ăn cơm thịt gà luộc mà lắm công phu đi gần 45 phút xe bus. Nhưng ngay sau khi nếm miếng đầu tiên, tôi phải phục anh chàng Dennit này. Đúng là cơm "xiu xiu". Chín năm trời rồi kể từ lần ăn cuối ở chợ An Đông, Chợ Lớn, đến nay tôi mới được thưởng thức lại hương vị cơm "xiu xiu". Quá đã ! Tôi ăn một lúc đến 4 chén cơm, 2 chén canh khiến Dennit chỉ biết nhìn tôi ăn mà mỉm cười. Tính ra, hai người ăn hết có khoản 2 đô la. Rẻ thật.

Trên đường về, Dennit dẫn tôi coi mấy chỗ bán trái cây như sầu riêng, nhãn, xoài, măng cụt, mận, mít, khóm vv... Mê quá đi. Anh ta nói. Lát nữa, đưa ông về khách sạn xong tôi sẽ đi mua trái cây cho ông. Chúng tôi lại lấy bus. Tôi buồn ngủ rã người. Chia tay ở dưới sân, tôi lên phòng một mình. Căn phòng mát lạnh. Dễ chịu làm sao. Rửa mặt rồi lên giường ngủ... Tôi thiếp đi và chỉ thức giấc khi có tiếng gõ cửa. Tôi chạy ra hỏi và biết là Dennit, tôi mở cửa. Lần này anh ta tới cùng với cô vợ rất trẻ, trông như một cô học sinh trung học. Denít giới thiệu tên vợ anh ta là Somjit. Hai vợ chồng khệ nệ sách đến cả chục túi nylon mầu trắng. Qua lớp nhựa mỏng tôi nhận ra là có túi nhãn, mận, măng cụt, chôm chôm... Và tuy không biết nó nằm trong túi nào, nhưng tôi ngửi được ngay mùi thơm đặc biệt của sầu riêng. Tôi thốt lên.

- Durian ! Hurrah.

Hai vợ chồng cùng cười. Chúng tôi ngồi vào bàn nói chuyện. Được biết vợ anh Denít đã từng học một thời gian ở Hoa Kỳ và hiện đang đi học đánh máy. Cả hai vợ chồng đều giúp việc cho Tổ Chức. Hai vợ chồng rủ tôi ra ngoài ăn tối, nhưng vì trưa nay ăn quá nhiều, tôi không thấy đói, nên tôi từ chối. Vả lại tôi có ý chờ điện thoại của anh Hai. Từ sáng chưa thấy ổng gọi. Somjit nói với tôi, cô chỉ rảnh cuối tuần và buổi tối vì phải đi học và chăm đứa con trai 3 tuổi. Hỏi thăm năm điều, bẩy chuyện cả tiếng đồng hồ. Hai vợ chồng kiếu tôi ra về.

Mở tủ lạnh, tôi chất các túi trái cây vào và khám phá thấy 3 túi sầu riêng tươi đã bóc vỏ, chỉ có múi thật vàng, thật bắt mắt. Ba túi này cũng phải nặng đến 5kg, toàn múi trần. Cơn cám dỗ lên đến cực điểm. Tôi mở một túi ra và bắt đầu thưởng thức. Chẳng có ai tranh giành. Chẳng có ai để chia. Tôi cứ thủng thẳng làm hết múi này đến múi kia. Múi nào hột cũng lép. Cắn ngập răng mà chưa đụng hột. Quá đã. Vừa ăn, vừa xem tivi. Toàn đài Thái. Chẳng hiểu gì nhưng nghe giọng xướng ngôn viên nữ thấy dễ thương làm sao.

Định bụng sẽ nếm các thứ trái cây khác; nhưng quá no rồi. Còn chừng 1/3 túi. Tôi cột lại, bỏ vào tủ lạnh. Trong lòng vui vui, cười một mình. Đêm thức giấc nhiều lần. Có lẽ vì đổi múi giờ nên chưa quen. Mỗi lần thức giấc là mỗi lần nhớ đến sầu riêng. Thế là lại mò ra mở tủ lạnh. Nghĩ bụng, người ta bảo ăn nhiều sầu riêng, nóng lắm. Sáng mai chắc hai mắt đóng ghèn không mở ra được. Thây kệ. Chín năm rồi, ở Pháp, họa hoằn lắm mới được mút mát một múi. Phải ăn cho đã. Sáng ra, ba túi sầu riêng chỉ còn có non nửa túi.

---- oOo ----

Lên Rừng

Hai người tôi phải chờ, rốt cuộc cũng đã tới. Chờ hết 2 ngày trời. Trong hai ngày này Dennit đã dẫn tôi đi du ngoạn Bangkok và một vài nơi xung quanh. Tôi rất sốt ruột. Tôi qua đây để làm công tác chứ đâu phải để đi du lịch. Vì thế cũng chẳng có bụng dạ nào hưởng thụ. Nhất là khi biết, đồng tiền mình tiêu ở đây là tiền mồ hôi nước mắt của anh em. Tuy nhiên, lợi dụng lúc đi cùng Dennit ra chợ quần áo lính, tôi đã mua được hai bộ treillis, một mầu xanh bộ binh, một bộ mầu đen, theo lời dặn của Anh Hai vì anh nghĩ tôi mập mạp, chắc không có đồ vừa cho tôi. Tiện thể tôi có mua thêm mấy lọ thuốc thoa chống muỗi (insect repellent), mấy lọ thuốc lọc nước, một cái địa bàn bộ binh và cái đèn pin quân đội.

Tưởng hai người đến sau là ai. Hóa ra là ông Đồng Sơn và ông Trường Lưu. Anh em rất vui mừng gặp nhau. Tất nhiên là chúng tôi, mỗi người một nhiệm vụ và không ai tò mò hỏi người kia làm gì. Anh Hai hội họp chúng tôi trưa hôm đó xung quanh một bàn cơm thịnh soạn. Có cả Văn nữa. Anh dặn dò chúng tôi những điều sau chót trước khi lên đường.

Một chiếc xe pick-up có mui phía sau, giống như một chiếc camionette ngày xưa được một người Thái lái tới. Anh này cũng khoảng ngoài 30, thân hình rắn chắc, cao và nước da ngăm đen. Khuôn mặt xương xương nhưng sáng sủa, coi bộ như người có học. Anh mặc chiếc sơ-mi cụt tay có in hoa, nhưng không sặc sỡ. Chiếc quần jean đã bạc và đôi giầy thể thao khiến thấy anh rất nhanh lẹ. Anh chào chúng tôi bằng tiếng Anh rất điệu. Tôi nghe loáng thoáng giới thiệu. Hình như anh là sĩ quan liên lạc và mang cấp bậc thiếu tá. Anh không ăn cùng chúng tôi. Mọi chuyện xong xuôi. Lệnh lên đường được ban ra.

Chúng tôi nhanh chóng chất hành lý lên sau xe. Tôi và Văn thích ngồi đàng sau. Hai ông Đồng Sơn và Trường Lưu sẽ thay phiên nhau ngồi trên cabin, bên cạnh tài xế. Thế là luôn luôn phía sau xe có 3 người. Chúng tôi trải một tấm đệm đan bằng lác lên sàn xe, ngồi dựa vào đống hành lý và hàng hóa. Xe lăn bánh, chạy qua nhiều đường phố và ra khỏi Bangkok. Trường Lưu ngồi với chúng tôi. Ba đứa biết nhau từ Paris nên tha hồ trò chuyện về đủ mọi vấn đề. Xe chạy nhanh trên xa lộ, chắc mới khánh thành. Cách đây 9 năm, lúc tôi vượt biên qua đây, đường xá còn thô sơ lắm. Tuy thế nhưng nhiều chỗ còn là đường đất đỏ, bụi mù. Gió lồng lộng làm bạt cả hơi thở của tôi. Khoái nhất là ngồi đàng sau, hút thuốc thoải mái. Văn cho biết, mình phải mất 8 – 9 tiếng mới tới nơi. Mắt vẫn không rời những cây phượng vĩ đỏ rực, tôi nghĩ, điểm đến ít ra cũng phải cách Bangkok 800 – 900 cây số.

Xe vẫn lao đi với tốc độ nhanh trên xa lộ. Theo dõi địa bàn, tôi biết mình đang chạy lên hướng Bắc. Hai bên đường, từng cụm nhà gạch cao tầng xây san sát. Tuy đã rất xa thủ đô, nhưng phố xá vẫn đông đúc, tấp nập. Các cửa tiệm khang trang bày bán đầy hàng hóa. Văn cho biết, Thái Lan họ tiến rất xa so với trước đây. Và tôi cũng nghĩ như thế. Buồn cho đất nước mình ; 15 năm sau chiến tranh mà vẫn còn đói nghèo, vẫn còn nhà tranh vách đất.

Trời về chiều. Hai bên đường phố đã lên đèn sáng rực. Không có cảm tưởng đây là vùng quê hẻo lánh. Bỗng xe chạy chậm lại và ghé vào một quán ăn bên đường. Mọi người xuống xe vào quán ăn cơm chiều. Tôi thấy người hơi ê ẩm. 45 phút sau, mọi người ra xe để tiếp tục lên đường. Xe chạy trên xa lộ được một quãng rồi rẽ vào đường nhỏ. Đường quanh co, nhưng cũng là đường tráng nhựa. Bây giờ mới thấy cảnh làng mạc, ruộng đồng. Tuy nhà cửa không có lầu, nhưng hầu hết mái nhà đều lợp tôn. Và đặc biệt là nhà nào cũng có điện. Nhìn vào trong nhà, cả gia đình đang quây quần xem tivi mầu. Xe băng qua những vùng rùng núi, không có phố, không có nhà. Cảnh tượng này bất giác làm tôi nhớ đến cái đêm tôi bị chuyển trại từ Suối Máu lên Bù Gia Mập. Rừng cây hai bên đường như những bóng đen ma quái đang chực vồ lấy chúng tôi...

Bỗng xe dừng lại. Một trạm kiểm soát của quân đội. Đưa mắt hỏi Văn. Văn cho biết, không có vấn đề. Ở đây gần biên giới nên thường có những trạm kiểm soát như thế này. Nhìn ra ngoài xe, thấy lính Thái mặc quân phục, chiếu đèn pin. Văn nói mọi người xuất trình passport. Người liên lạc gom lại. Rồi anh ta theo xe của lính Thái đi ngược lại. Ông Trường Lưu ở trên cabin xuống cho biết, người liên lạc phải tới đồn để trình bày về nhiệm vụ của anh ta với vị chỉ huy. Anh ta không thể trình bày với lính ở đây được. Có lẽ vì thấy trong cabin có súng, 1 khẩu AK báng xếp và một khẩu súng lục. Chúng tôi được phép xuống xe đi tới đi lui gần quanh đó. Trời tối đen như mực, đâu có thấy cảnh quan nào đâu mà ngắm. Hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Gần cả chục điếu. Lúc xe dừng là khoảng 10 giờ đêm. Hơn 2 tiếng đồng hồ sau mới thấy anh chàng liên lạc trở về và nói nhanh bằng tiếng Anh "Everything's OK". Xe tiếp tục chạy. Tôi nói với Văn khi nhận lại passeport "Không bị quay trở lại là tốt rồi".

Xe còn rẽ mấy lần nữa vào những con đường nhỏ như đường xe bò rồi từ từ ngừng lại. Mọi người xuống xe ra phía sau. Văn lên tiếng:

- Xin các chiến hữu để lại hành lý và những thứ không cần thiết trong chiến khu như giấy tờ tùy thân, máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm. Vô bên trong các chiến hữu sẽ được phát quân trang và những đồ dùng cá nhân. Thuốc lá, kẹo bánh vv... được phép mang theo.

- Tôi có câu hỏi! -tôi thắc mắc-.

- Chiến hữu nói.

- Tôi có một thùng dụng cụ y khoa và thuốc men thì sao ?

- Chiến hữu cứ để đó, sẽ có người đưa vào chỗ chiến hữu. Chiến hữu yên tâm.

Chúng tôi nhanh nhẹn thi hành khẩu lệnh. Lúc đó, để ý mới thấy xung quanh, cách khá xa, có những bóng đen đeo súng, đội mũ đi rừng đứng nép vào những bụi cây. Một cảm giác vừa rùng mình, vừa ấm áp. Anh em mình đây.

Văn tiến tới phía trước làm việc với một người, dường như là chỉ huy toàn bộ toán quân hộ tống chúng tôi. Một lát sau Văn quay lại phía chúng tôi và nói "Còn một khoảng đường nữa mới tới chiến khu. Các chiến hữu đi theo đoàn. Chúc các chiến hữu lên đường bình an". Tiếp đến là những cái bắt tay thân thiết.

Giải Phóng ! Việt Nam !

Chiến hữu chỉ huy tiến tới gần sát chúng tôi, tay phải giơ lên, miệng hô nhỏ

- "Giải Phóng !". Phải chậm mất vài giây đồng hồ, chúng tôi mới hiểu, đây là lời chào trong chiến khu. Chúng tôi cùng giơ tay đáp lại

- "Việt Nam !".

Chiến hữu trưởng đoàn nói tiếp:

- "Chúng ta phải cấp tốc rời khỏi vùng này. Xin các chiến hữu đi sát người đi trước để đoàn khỏi bị đứt quãng, dễ bị lạc".

Chưa kịp trả lời thì đã thấy đàng trước, đàng sau mỗi người có một kháng chiến quân đứng xen vào lúc nào không biết. Tôi không biết đoàn này có bao nhiêu người. Không một tiếng động, đoàn người bắt đầu di chuyển theo đội hình hàng một. Tôi bỗng nhớ lại cái thời hơn 2 năm lội theo Tiểu Đoàn 3 Nhẩy Dù trong các cuộc hành quân. Nhưng lần này không giống khi xưa chút nào cả. Trước hết là lúc trước, tiểu đoàn không hề di chuyển ban đêm. Thứ nhì là trên địa hình rừng rú như thế này, đội hình tiến rất chậm: ban ngày mà cũng chỉ đi được mỗi giờ vài ba cây số là nhanh lắm rồi. Hiện chúng tôi đang đi với tốc độ, ít là 7 hay 8 cây số giờ. Nhiều lúc phải chạy lúp xúp mới theo kịp người đi trước. Thứ ba là trước đây, tiểu đoàn thường hay di chuyển theo đường đỉnh. Hiện nay thấy mình đang đi theo đường đáy, dọc theo khe suối, nên di chuyển khó khăn hơn nhiều. Thứ tư là đoàn quân đi ít gây tiếng động hơn lúc trước. Không có tiếng dao chặt cây mở đường. Khác xưa nhiều lắm. Tuy nhiên tôi cũng cố gắng lấy những kinh nghiệm khi xưa để vận dụng vào tình huống hiện tại.

Trời tối đen như mực. Tôi đeo cặp mắt kính cả hai độ viễn - cận. Mắt kính phía bên phải hơi lỏng nên thỉnh thoảng hay bị lọt tròng. Định bụng mang ra tiệm nhờ xiết lại, nhưng cứ quên hoài. Hối hận mãi. Vì thế cứ phải một tay che phía trước mặt, vừa để đỡ những cành cây do người đi trước làm bật lại phía sau, vừa để giữ cái mắt kiếng. Chân bước không ngừng. Lâu không lội bộ hối hả như thế này, nên hai chân bắt đầu mỏi. Điều mà ngày xưa không bao giờ xảy ra. Thời tiết ban đêm mát nên dễ chịu, nhưng mồ hôi cũng đã bắt đầu ra trên trán. Miệng bắt đầu khô, nhưng cố gắng không lấy biđông nước ra uống vì sợ lúc uống bị mất hút người phía trước. Ấy thế mà đã năm lần, bẩy lượt, thấy bóng đen phía trước, hăm hở tiến tới và đụng vào một thân cây nháng lửa. Chiến hữu đi trước, đi sau lại phải dắt ra chạy theo đoàn.

Những con đom đóm lập lòe

Đang mải mê bước tới, chân vướng những sợi dây leo kéo ngược trở lại, bỗng thấy một con đom đóm bay ngang trên đầu. Một con, rồi hai con, ba con... Con bay ngược, con bay xuôi. Rồi tới một vùng như có tổ đom đóm. Hàng trăm con xuất hiện tứ phía. Lâu lắm rồi. Có khi hơn chục năm nay không nhìn thấy đom đóm. Kể cả những năm tù cải tạo trên rừng Bù Gia Mập, Bù Đăng... Miên man đi vào quá khứ, nhìn theo những con đom đóm lập lòe, tôi lại đâm sầm vào một bụi cây. Chiến hữu đi trước lại quay lại lôi tôi ra. Lần này chiến hữu nói nhỏ với tôi.

- Bố ơi, con bỏ mấy con đom đóm vào cái túi nylon và buộc trên balô của con. Bố cứ nhìn theo nó mà đi nghe bố.

Tôi phì cười. Trời tối thui, người chiến hữu này biết mặt mũi tôi già trẻ ra sao mà gọi tôi đến bằng bố ? Nghĩ bụng vậy, nhưng phải thầm phục anh ta thông minh và có sáng kiến. Tôi ngoan ngoãn mở thật to đôi mắt nhìn vào cái bọc đom đóm và mạnh dạn bước những bước dài trong đêm tối. Bỗng lại đánh rầm một cái. Tôi húc vào một cây cao và té ngồi bệt xuống đất. Thật là mất mặt. Rõ ràng tôi nhìn kỹ và đi theo ánh sáng lập lòe của hai con đom đóm trong bao mà. Chiến hữu đi trước lại quay lại, kéo tôi ra:

- Sao bố không đi theo mấy con đom đóm của con ?

- Tôi vẫn đi theo đấy chứ. Chắc hồi nãy, lúc vấp vào một thân cây đổ ngang đường, mắt tôi bị lạc theo hai con đom đóm khác đang dính đuôi nhau "lập lòe"...

Chiến hữu cười không nói gì. Anh ta đưa tôi một đầu cây gậy còn anh nắm đầu kia dẫn tôi như dẫn xẩm đi hát dạo. Tưởng đi như thế là dễ nhưng không dễ tí nào vì đâu có phải đi trên đường lộ mà len lỏi trong rừng, phải tránh cây, tránh bụi, hai người cầm cây gậy đi như thế bất tiện vô cùng. Cũng may, trời đã hừng sáng. Đã thấy mờ mờ cảnh vật xung quanh và thấy được đường đi nước bước. Thế đất khá bằng phẳng, ít dây leo vướng chân. Nhưng nhiều thân cây cháy dở nằm dưới lớp cỏ tranh che lấp, nên vấp cái nào, cái đó điếng người. Chắc hai cẳng chân tôi bầm tím hết rồi. Đồng hồ chỉ 4 giờ 30. Nhìn quanh, chưa biết sẽ đi đến đâu. Theo dõi địa bàn thì hình như đoàn quân đi quanh co theo nhiều hướng khác nhau. Hiện nay thì đang trực chỉ một quả đồi cao. Chúng tôi bắt đầu lên dốc. Tôi thấm mệt. Bao nhiêu năm bơ sữa bên Tây đã khiến mình nặng nề, dở ẹc. Càng lên cao, cây to càng nhiều. Để ý thấy đang đi theo một con đường mòn. Có chỗ dốc nhiều, ai đó đã cuốc thành nấc thang. Tôi nghĩ, sắp tới căn cứ. Miệng khô và đắng ngắt. Hơi thở dồn dập. Nghe thấy trong tai nhịp tim mình đập nhanh.

Thấp thoáng sau những rặng cây có những căn nhà tre lớn nhỏ lợp cỏ tranh. Tôi nghe phía trước có những tiếng hô "Giải Phóng" và tiếng đáp "Việt Nam". Một vài chiến hữu xuất hiện giơ tay chào chúng tôi. Đoàn quân ngừng chỗ mấy căn lều cỏ. Lúc này, trời đã sáng, nên đã nhìn thấy rõ mặt mày chiến hữu của mình. Tất cả đều rất trẻ. Những chiến hữu của đoàn đi với chúng tôi đặt balô, gác súng xuống. Các chiến hữu "chủ nhà", đon đả mang một ấm nhôm bốc hơi ra, nói: "Mời các chiến hữu uống ly cà phê kháng chiến". Chúng tôi móc bao biđông, lấy cái ca ra. Chiến hữu kháng chiến quân rót cho tôi hơn nửa ca, một chất nước mầu đen giống như cà phê loãng, nhưng không thơm mùi cà phê mà thơm mùi gạo rang. Tôi đưa lên miệng, vừa thổi, vừa uống. Thì ra "cà phê kháng chiến" là thế. Nhớ lại những ngày tháng đi tù cải tạo, làm gì có gạo để rang làm cà phê? Chỉ có nắm lá hà thủ ô hay lá trà rừng bỏ vào lon "gô", cho nước rồi đun lên. Hớp nước hà thủ ô, tôi đã uống trong niềm tuyệt vọng của kẻ tù đày, không biết ngày mai. Nhưng ca "cà phê kháng chiến", tôi thưởng thức trong niềm lạc quan và hy vọng vào một ngày mai tươi đẹp cho đất nước.

Chào mừng phái đoàn Tổng Vụ Hải Ngoại

Chúng tôi nghỉ ngơi được chừng nửa tiếng thì lại được lệnh di chuyển. Băng qua một cái yên ngựa, chúng tôi sang ngọn đồi thứ hai và được hướng dẫn tới một căn nhà hội, cũng làm bằng tre, nứa, lợp tranh. Nhớ lúc ở tù, tôi cũng đã từng làm những "hội trường" như thế này. Nền đất. Bàn ghế là thân tre, thân gỗ ghép lại. Ngay hàng thẳng lối. Ba người "hải ngoại" chúng tôi ngồi bàn đầu. Anh em kháng chiến quân, một số bố trí bên ngoài, một số vào ngồi phía sau hội trường. Bỗng tiếng hô "nghiêm" vang lên. Chúng tôi đứng bật dạy. Một toán 3 chiến hữu đứng tuổi bước vào. Không quen mặt ai cả. Tới trước bục giảng, chiến hữu đi đầu giơ tay hô "Giải Phóng", chúng tôi cũng giơ tay chào lại và hô to "Việt Nam".

- Mời các chiến hữu ngồi.

Chúng tôi an tọa, chăm chú theo dõi từng cử chỉ của các chiến hữu mà tôi nghĩ là cán bộ chỉ huy ở đây. Cấp nào thì chưa biết. Cả ba người đều mặc đồ đen, choàng khăn rằn, đầu đội mũ đi rừng. Dáng người vừa phải, nét mặt xương xương, ánh mắt long lanh toát ra một tinh thần cương nghị nhưng rất thân mật. Với giọng miền Nam chính hiệu, chiến hữu đứng giữa lên tiếng, đại ý như sau:

- Thưa các chiến hữu, tôi xin thay mặt Hội Đồng Kháng Chiến Toàn Quốc, Tổng Vụ Quốc Nội và toàn thể Kháng Chiến Quân các cấp tại căn cứ này, chào mừng các chiến hữu thuộc Tổng Vụ Hải Ngoại về đây công tác. Hoan hô tinh thần các chiến hữu. Trong thời gian các chiến hữu công tác tại chiến khu, các chiến hữu sẽ sinh hoạt và chia sẻ đời sống với các KCQ. Chiến khu không phải là vùng tuyệt đối an toàn. Vì vậy, các chiến hữu được yêu cầu giữ đúng những quy định sẽ được phổ biến đến các chiến hữu. Các chiến hữu sẽ tiếp tục di chuyển tới căn cứ kế tiếp. Đường đi còn xa, nên các chiến hữu sẽ phải khởi hành sớm. Nếu có điều chi cần hỏi thêm, xin các chiến hữu cứ nêu, chúng tôi sẽ trả lời trong khả năng và nhiệm vụ.

- Tôi có thắc mắc...

- Thưa chiến hữu. Trong Mặt Trận và trong chiến khu, chúng ta đều là chiến hữu và không có điều gì phải thắc mắc với nhau cả. Nếu có câu hỏi thì xin chiến hữu nêu lên.

Bị sửa lưng một cách rất ngọt. Tôi chữa thẹn:

- Thưa chiến hữu, chúng tôi có được phát quân trang như các KCQ không ? Vì ăn mặc như bây giờ, tôi thấy không tiện.

- Thưa chiến hữu, các chiến hữu sẽ được trang bị tại nơi và vào lúc thích hợp. Xin chiến hữu an tâm.

Không thể ngắn gọn hơn được. Tôi nghe giọng điệu này quen quen vì nó phảng phất giọng điệu của một người chiến hữu của trước và sau 1975, chiến hữu Lê Hồng, tức Đặng Quốc Hiền. Không có câu hỏi nào thêm nữa, chiến hữu chỉ huy giao chúng tôi cho trưởng đoàn hộ tống. Tiếng hô "nghiêm" lại vang lên và 3 chiến hữu cán bộ rời phòng rồi khuất dạng sau những lùm cây.

Một ngày di hành gian nan

Đoàn tập họp và bắt đầu khởi hành. Dường như có một số ở lại căn cứ này. Đại đa số tiếp tục lên đường. Nắng bắt đầu lên. Chim chóc trong rừng kêu hót líu lo làm tôi nhớ lại những ngày tù ở Bù Gia Mập và ở Bù Đăng. Mỗi tiếng hót đều được anh em tù cải tạo nhân cách hóa thành một tiếng người để an ủi, để mang lại hy vọng một ngày được trở về với gia đình. Hôm nay, những tiếng chim hót lại như tiếng gọi lên đường của những người ôm lý tưởng cứu nước. Chúng tôi đổ xuống triền núi. Căn cứ vừa đi qua lùi lại phía sau. Chúng tôi tiến theo hướng mặt trời mọc. Đúng là chúng tôi đang đi trên đoạn đầu, nối bước bao nhiêu chiến hữu trên Đường Đông Tiến. Một cảm giác vừa hãnh diện, vừa hạnh phúc dâng lên trong lòng.

Di chuyển
Mặt trời càng lên cao, ánh nắng càng gay gắt. Mồ hôi đổ ra như tháo. Độ ẩm có vẻ cao, nên thấy khó thở. Tôi vẫn theo dõi địa bàn. Có lúc đi chính đông. Có khi đi đông nam. Có đoạn đi chính bắc. Có khúc lại xuôi nam. Leo hết đồi này sang đồi khác. Tôi nghĩ có lẽ người chỉ huy đang đi kiếm đồi núi cho chúng tôi leo. Vẫn thói quen đi theo khe suối để leo lên đỉnh đồi. Đường cheo leo. Có lúc phải đu người bằng giây leo. Có lúc phải bám đá, níu cỏ để kéo cái thân hình nặng nề lên cao. Hơi thở lùng bùng trong lỗ tai. Mệt thở ra đàng tai là thế nào thì nay tôi đã thấy rõ. Anh em KCQ đi theo chúng tôi, vai đeo balô nặng ba bốn mươi kí không kể súng đạn, mà sao họ cứ nhanh thoăn thoắt như những con vượn. Buông tay này, chụp tay kia. Có những chỗ vách đá dựng đứng, các KCQ đã nối khăn rằn lại thành sợi dây dài thòng xuống cho anh em chúng tôi níu lấy mà leo lên. Có những lúc lội suối, nước đến ngang bụng. Ven suối ẩm ướt là những nơi đầy vắt. Tôi đã quen với những con vật chuyên hút máu này từ lâu, lúc đi lội với Nhẩy Dù trên các vùng cao nguyên. Nhưng vẫn thấy ghê ghê. Bao nhiêu năm qua, chưa bao giờ tổi phải cung cấp một lượng năng lực nhiều như vậy trong một lúc. Hiện tượng thiếu đường trong máu đã xuất hiện bằng những cơn "vọp bẻ" ở bắp chân, ở bàn chân. Những lần như vậy, tôi phải xin với đoàn nghỉ lại để cơ bắp dãn ra. Cứ ân hận, lúc ở Bangkok không mua một ít kẹo hay đồ ngọt mang theo. Đâu có ngờ ? Dù cố ý hạn chế uống nước, nhưng lượng nước tôi uống cũng đã quá nhiều so với dự tính. Thế này thì chắc sẽ gay lắm.

Chợt tôi nhớ lại những lúc trao đổi với Văn trên xe về chuyện "ông nghè". Theo Văn nói, có nhiều người không quen lội đã bị ngất xỉu trên đường và anh em KCQ phải để lên võng khiêng đi như "ông nghè" vinh quy bái tổ. Tôi hình dung, anh em mỗi người mang một cái balô nặng thế kia, lại còn súng đạn, 2 người khiêng thì phải chia đồ đạc cho anh em khác mang nặng hơn. Tôi hạ quyết tâm "nhất định chết thì thôi chứ không thể làm ông nghè được". Kỳ cục lắm. Vì vậy, nhiều lúc mệt muốn xỉu, nhưng vẫn phải gắng gượng. Chắc mấy ông KCQ cũng muốn đè mình nằm xuống để làm ông nghè đặng cười mình đây. Không thể để tiếng xấu lại trong chiến khu là ông TĐ về đây làm ông nghè. Tư tưởng này và lòng tự ái đã khiến tôi thắng được sự cám dỗ buông xuôi. Thế mới biết cái khẩu hiệu "nhẩy dù, cố gắng" nó khắc nghiệt đến thế nào. Nó bắt mình phải tự thắng bản thân mình. Tôi đang vận dụng cái châm ngôn của ngày xưa và tình huống hiện tại. Thời nào thì cũng cần cố gắng. Nhất là khi làm những việc đội đá vá trời. Bình thường không ai dám nghĩ sẽ làm được. Nhưng thôi, không biết trong tương lai sẽ đội được bao nhiêu đá, nhưng hiện giờ thì phải cố mà vác cái xác này vượt qua những dặm đường, những quả núi đang hiện ra sừng sững trước mặt.

Càng về chiều, đoàn càng phải nghỉ chân nhiều lần hơn. Anh em KCQ luôn tươi cười và kiên nhẫn trước thể lực bê bết của tôi. Tôi không còn thắc mắc đang đi hướng nào và đã nhét cái địa bàn vào bao, không mở ra nữa. Buột miệng, tôi hỏi chiến hữu chỉ huy:

- Sắp tới nơi chưa chiến hữu ?

- Có đi thì có tới. Chiến hữu có đi thì mới tới được. Còn ngồi mãi ở đây thì chẳng bao giờ tới cả, chiến hữu.

Hỏi xong tôi mới cảm thấy xấu hổ. Vì đây là câu hỏi không bao giờ có câu trả lời. Tôi đâm bực mình tôi. Cố gắng đứng dạy và tiếp tục lên đường. Có đi, có tới....

Trời tối nhanh như có ai kéo tấm màn đen bao trùm vạn vật. Chúng tôi lại bắt đầu leo dốc. Phía trước có tiếng truyền lại phía sau: "Chú ý đi theo người trước mặt. Đừng bước lung tung ra hai bên đường". Vượt qua được những tảng đá lớn trên đường, chúng tôi đến một khu khá bằng phẳng. Nhờ ánh đèn pin lóe lên rồi tắt liền, tôi thấy xuất hiện trước mặt tôi hai chiến hữu lạ không đi trong đoàn: một mặc bộ bà ba đen, một mặc treillis mầu xanh bộ binh. Một người đưa tay kéo tôi lên khỏi tảng đá cuối cùng, một người đỡ cái thùng carton đựng thuốc và dụng cụ y khoa. Tôi đoán, đã đến nơi.

Sau khi chiến hữu chỉ huy nói nhỏ với hai chiến hữu mới xuất hiện mấy câu. Đoàn hộ tống lặng lẽ, không một tiếng động đi nhanh vào vùng bóng tối. Tôi ngồi bệt dưới đất, thở dốc. Bỗng nghe chiến hữu áo đen nói bằng giọng miền Nam:

- Đêm nay các chiến hữu nghỉ tại đây. Xin mời các chiến hữu đi theo chúng em.

Chúng tôi đứng lên, leo thêm chừng vài trăm thước nữa thì thấy hai căn nhà sàn, một lớn, một nhỏ. Chúng tôi được đưa tới căn nhà lớn. Nói là lớn nhưng chắc chỉ khoảng 3x4 thước là cùng.

- Chắc các chiến hữu cũng mệt lắm rồi. Chúc các chiến hữu ngủ ngon. Sáng mai gặp lại.

- Cảm ơn các chiến hữu.

Ba người chúng tôi dọn dẹp sơ qua rồi mặc nguyên quần áo, lăn ra ngủ như chết.

Ngày đầu trong Khu Chiến

Tiếng chim hót và tiếng máy truyền tin đánh morse làm tôi tỉnh giấc. Tôi thấy hai ông kia cũng đã thức rồi, nhưng chưa ai ngồi dạy. Hai chiến hữu đêm qua đang ngồi cạnh nhau đun nấu cái gì. Tôi moi trong túi đồ rửa mặt ra và xuống nhà, ra chỗ hai chiến hữu, hỏi:

- Chào các chiến hữu.

Hai người ngơ ngác nhìn tôi. Sực nhớ ra, tôi giơ tay lên và nói "Giải Phóng", hai người đáp lại "Việt Nam". Vẫn chưa quen. Bụng bảo dạ, lần sau ráng nhớ.

- Có chỗ nào để đi rửa mặt không chiến hữu ? tôi hỏi.

- Chiến hữu đi theo em.

Chiến hữu áo đen đứng lên đi trước ra phía sau nhà. Đi khoảng 50 thước, thấy có một hố nước mưa lớn. Chiến hữu nói:

- Ở đây nè chiến hữu.

Tôi làm vệ sinh cá nhân xong rồi về lán chỉ chỗ cho hai ông bạn. Hai người đi rửa mặt, tôi ngồi vén quần lên. Hai ống quyển của tôi bị đến năm, sáu vết bầm, có chỗ chẩy máu. Tôi lấy thuốc ra bôi và kéo quần xuống. Mặt tỉnh bơ, đúng lúc hai ông bạn trở về tới nơi.

- Mời các chiến hữu ra dùng cơm.

Chúng tôi leo lên một tảng đá lớn. Mỗi người một ca cơm và một con cá khô nướng. Khi còn ở bên ngoài, tôi đã nghe nói về thực đơn này trong khu chiến. Từ cấp chỉ huy đến các KCQ đều giống nhau. Bây giờ tôi đang kiểm nghiệm thực đơn này đây. Năm người chúng tôi vừa ăn, vừa hỏi thăm chuyện nhau. Tôi được biết chiến hữu mặc đồ đen là Đặng Quốc Dũng, chiến hữu mặc treillis bộ binh là Danh Bảo. Dũng, trạc tuổi ngoài 20, coi bộ lầm lì ít nói. Nhưng thỉnh thoảng có những câu tiếu lâm ngộ nghĩnh rất thanh tao, khiến không thể ngờ được. Bảo chắc lớn tuổi hơn Dũng, miệng luôn cười cười. Chắc là người gốc Khmer vì mang họ Danh. Bữa cơm thanh đạm, chúng tôi ăn xong không đến 10 phút. Chúng tôi xách ca và muỗng ra vũng nước hồi sáng rửa rồi trở về. Dũng nói với chúng tôi: "Lát nữa, các chiến hữu sẽ lãnh quân trang".

Mời các chiến hữu ăn cơm
Chúng tôi về lều ngồi tán chuyện gẫu. Tiếng đánh morse vẫn liên tục. Tôi nghĩ bụng, công điện gì mà dài thế đánh từ sáng sớm đến giờ chưa hết. Hay là đang huấn luyện truyền tin cho anh em ? Vì có chút kinh nghiệm nhà binh nên tôi thắc mắc, nhưng hai ông bạn tôi thì chắc không để ý. Tôi phá sự yên lặng:

- Nhìn anh em KCQ, sao thấy thương thế !

- Anh em dễ thương thật.

- Họ đi đâu hết cả rồi ? Chỉ thấy hai chiến hữu Dũng và Bảo ở với bọn mình thôi.

- Họ mang nặng mà đi nhanh thật. Khi trước, ở Nhẩy Dù, tôi cũng từng lội theo tiểu đoàn tác chiến, đi theo phương giác trong rừng, nhưng tốc độ chậm lắm. Một giờ đi khoảng ba, bốn cây số là cùng.

- Hôm qua, nhiều lúc phải chạy mới theo kịp anh em.

Ngồi kể huyên thuyên. Tôi kể chuyện đom đóm. Anh em cười ngất.

- Đêm qua, biđông mình hết nước, múc đại một ca dưới vũng. Uống vào, thấy có con gì nó quậy quậy trong miệng, phun ra mới thấy là con nòng nọc.

- Khiếp. Con lăng quăng thì còn tạm được. Chứ con nòng nọc thì kinh quá.

Lại cười. Tôi liếc mắt ra chỗ Dũng và Bảo, thấy hai người len lén cười với nhau. Đang còn vui cười, đùa cợt thì thấy từ đàng xa một toán KCQ tiến tới phía chúng tôi. Một người đi đầu hai người tiếp theo khiêng một cái thùng giấy carton lớn bằng một cây đòn một chiến hữu đi đoạn hậu. Sau khi giơ tay chào chúng tôi. Các chiến hữu đặt cái thùng giấy xuống.

- Xin mời các chiến hữu lãnh quân trang.

Cái thùng được mở ra và đã có sẵn tên từng người chúng tôi.

- Chiến Hữu Đồng Sơn. Vừa đọc tên, chiến hữu Dũng vừa đưa một cái balô đầy dụng cụ cho ông Đồng Sơn.

- Chiến hữu Trường Lưu.

- Chiến hữu Trần Đức. Chiến hữu đã có sẵn hai bộ đồ trận, nên trong balô chiến hữu chỉ có bộ bà ba đen thôi.

Sau khi lãnh đồ xong, toán KCQ lại chào và rút đi. Chiến hữu Dũng nói:

- Xin các chiến hữu kiểm soát lại quân trang. Nếu thiếu cái gì thì cho tôi biết để lãnh bổ sung.

Chúng tôi, mỗi người một góc, kiểm kê tài sản. Hai chiến hữu Bảo và Dũng giúp chúng tôi kiểm soát:

- Một tấm lều nylon.
- Một cái võng có mùng.
- Một tấm đắp.
- Hai bộ đồ trận.
- Một bộ đồ bà ba đen.
- Một giây nịt.
- Một khăn rằng.
- Một nón vải đi rừng.
- Một đôi dép Trường Sơn. (dép râu)
- Một biđông có ca.
- Hai quần xà lỏn.
- Hai áo lót.
- Một cục sà bông.
- Một bàn chải đánh răng.
- Một tube thuốc đánh răng.
- Một gói thuốc lá rê và giấy cuốn.
- Một cái hộp quẹt.
- Một lọ dầu xăng.
- Một cái muỗng.

Cứ mỗi lần nghe xướng danh món nào thì chúng tôi nhặt món đó lên và trả lời "có".

- Bây giờ các chiến hữu mặc thử xem có vừa không. Các chiến hữu có thể đổi cho nhau, nếu cần. Dũng nói.

Tôi chỉ cần mặc thử bộ bà ba. Còn hai bộ đồ trận đã thử ngoài Bangkok rồi. Tôi thử tiếp đôi dép râu. Hơi nhỏ nhưng chắc đi vài ba bữa sẽ quen. Chiến hữu Dũng nói, có thể nới mấy cái quai cao su ra cho rộng một chút. Nhưng dép râu đi chật dễ đi hơn, không bị tuột. Tôi tin Dũng và yên tâm. Dũng còn hứa sẽ lấy tre chuốt cho tôi một cái kẹp để sửa dép râu. Hồi đi tù, tôi cũng có một cái kẹp như thế do một anh bạn không quân làm cho. Bộ bà ba cũng hơi chật, những chắc chắn chỉ ít bữa nữa tôi sẽ bớt mập và lúc đó sẽ vừa vặn.

Tôi nhờ Dũng giúp tôi giăng võng. Võng làm bằng vải nylon 2 lớp. Hay một cái là cả cái võng nằm trong một cái mùng lưới. Khi giăng ra chỉ việc nằm lên là cả người lẫn võng nằm gọn trong mùng. Hay thật. Hồi trước 75 không ai đưa ra sáng kiến này. Cái balô cũng lạ. Không có bộ phận nào làm bằng kim khí. Tất cả đều là dây buộc. Túi lớn ở giữa. Xung quanh còn 3 túi đắp bên ngoài nữa. Hay nữa là khi mở ba lô ra thì dưới nắp đậy là một lá cờ vàng ba sọc đỏ may liền vào nắp balô. Tôi nói bâng quơ:

- Thế này, bị bắt là khỏi chối !

- Mình là KCQ của MTQGTNGPVN, việc gì mình phải chối. Dũng nói nhanh.

Thực ra thì trên võng cũng như trên balô đều có may nhãn hiệu sản xuất của công xưởng MTQGTNGPVN. Tự nhiên thấy trong lòng dâng lên một niềm kiêu hãnh. Chợt nhớ câu nói của Thầy "Con đường chúng ta đi có hai cái đích: một là giải phóng Việt Nam, hai là được vinh dự hy sinh trên đường giải phóng Việt Nam". Tự nhiên mắt thấy cay cay vì xúc động. Tôi lấy một gói thuốc lá rê nhãn hiệu xe hơi ra cuốn sâu kèn. Tôi pha trò:

- Tôi đang làm cái công việc mà bọn tù chúng tôi gọi là "bốc, se, le, liếm" đây. Này nhé, bốc một nhúm thuốc để lên giấy se se cho nó thành điếu thuốc rồi le lưỡi ra liếm cho giấy dính lại.

Tôi bật lửa hít một hơi. Thuốc hơi nặng, nhưng cũng ngon. Không gắt như lá khoai mì, không nặng như thuốc Cẩm Lệ. Hút xong điếu thuốc, tôi tập giăng lều, mắc võng. Tôi thay ngay bộ đồ "thường dân" để mặc bộ bà ba đen. Đội chiếc nón vải lên đầu. Đeo chiếc khăn rằn lên cổ, buộc lỏng trước ngực. Tôi hỏi mọi người:

- Giống KCQ chưa ?

- Thì chiến hữu là "KCQ thật" chứ còn giống gì nữa. Danh Bảo nhận xét. Cái anh chàng này. Đúng là cóc, ít khi mở miệng. Vừa nói xong thì trời chuyển mưa.

- Thưa các chiến hữu. Ngoại trừ đồ lót và những thứ cần dùng cá nhân, xin các chiến hữu bỏ tất cả quần áo dân sự và những thứ không cần thiết như giầy vớ vào túi sách của các chiến hữu để anh em chuyển ra ngoài. Dũng nói tiếp.

Chúng tôi thu vén những thứ không cần dùng để gửi lại. Tôi cặm cụi xếp quân trang vào balô. Chiếc balô căng phồng. Tôi đeo thử lên vai. Chắc cũng cỡ tám, chín kí. Mới đeo thì ngon lành. Chứ mang nó trên vai lội rừng, băng suối, không biết thế nào đây ? Cũng hơi lo lo. Cơn mưa kéo đến nhanh như thế nào thì cũng tạnh mau như thế. Đã thấy bên ngoài hai chiến hữu mình nhóm lửa. Nhìn đồng hồ, 5 giờ chiều rồi. Sau cơn mưa, trời mát hẳn. Leo lên phiến đá đứng nhìn mặt trời khuất sau những rặng núi xa xa.

Bữa cơm Kháng Chiến
- Mời các chiến hữu ăn cơm.

Thấy hai người đã mặc áo chỉnh tề ngồi đợi. Chúng tôi sáp lại. Vẫn thực đơn căn bản. Một ca cơm, một con khô nướng. Nhưng đặc biệt, có thêm một ca canh rau. Tôi mừng quá. Tôi vẫn thích ăn cơm có canh. Tôi lấy muỗng khuấy ca canh. Không biết rau gì, tôi hỏi:

- Rau gì vậy chiến hữu ?

- Rau tàu bay.

Tôi nếm thử, thấy vị ngọt không khác canh ở nhà. Tôi lại mau mắn:

- Các chiến hữu có cho bột ngọt hả ?

- Làm gì có bột ngọt chiến hữu. Lá phật quảng đấy.

- Lá phật quảng là lá gì ?

- Là lá bột ngọt.

- Thế là thế nào ?

- Anh em trong này thấy có một loại cây mà nấu canh chỉ bỏ mấy lá vào là nồi canh ngọt ngay. Những anh em đi trước gọi là lá phật quảng, hay là lá bột ngọt.

- Cây nó thế nào ? Có to không ? tôi hỏi.

- Thưa chiến hữu, cây không lớn. Như cái bụi nhỏ thôi.

- Gần đây có không chiến hữu ?

- Có thì mới nấu canh được chứ.

- Lúc nào chiến hữu chỉ cho tôi cây phật quảng nhé.

- Dạ.

- Mình ăn xong, chúng em sẽ đưa các chiến hữu xuống phía dưới đi tắm.

Đúng rồi. Hôm qua người đầy mồ hôi vì lội cả ngày đêm. Giơ dáy lắm rồi. Nhất định phải đi tắm, thay quần áo sạch sẽ mới được.

Xuống lưng chừng núi, bỗng thấy có những ổ đá đầy nước. Các chiến hữu hướng dẫn nói:

- Hôm nay muộn rồi, các chiến hữu tắm ở đây. Mai mình xuống chân núi, nước nhiều hơn.

- Thấy nước ở đây trong, mình không dùng nước này nấu ăn à ?

- Nấu ăn lấy nước ở chỗ khác, chiến hữu.

Nhìn xuống hố nước, thấy mấy con nòng nọc đang bơi, tôi bất giác phì cười.

Đang tắm, tôi có cảm tưởng như có ai đang quan sát mình. Tôi làm như không biết. Bỗng tôi quay phắt đầu lại phía tôi nghi ngờ. Quả đúng. Không những hai ông thần Bảo và Dũng còn hai, ba KCQ khác nữa. Các chiến hữu chưa kịp phản ứng thì tôi đã nói ngay:

- Các chiến hữu thấy chúng tôi cởi áo ra, trắng như con heo cạo, tức cười lắm phải không?

- Dạ, nghĩ nhưng không dám nói.

Tắm xong, tôi giặt đồ lót, mặc quần áo chỉnh tề rồi trở về vị trí. Chúng tôi phơi đồ trên một cái sào tre buộc giữa hai cây bằng lăng. Vừa về tới nhà, chiến hữu Dũng tới bộ chỉ huy nhận lệnh.

Trời đã xẩm tối. Dũng về báo:

- Chút xíu nữa, chiến hữu đoàn trưởng sẽ tới thăm các chiến hữu.

Chúng tôi chuẩn bị và ngồi chờ. Tôi ngồi phía ngoài cùng. Bỗng thấy từ phía bên trái nhà thấp thoáng có ánh đèn pin bật tắt. Và rồi tôi thấy một chiến hữu đi đầu, phía sau có mấy chiến hữu đeo súng AK theo sau. Tôi hô "nghiêm". Chiến hữu đoàn trưởng bước lên nhà và giơ tay chào chúng tôi. Chúng tôi đáp lại. Chiến hữu đoàn trưởng mời chúng tôi ngồi và chiến hữu cũng ngồi xuống với chúng tôi. Chiến hữu đoàn trưởng là một người vóc dáng trung bình, nếu không muốn nói là hơi nhỏ con. Chiến hữu ước chừng 40 tuổi là cao. Tóc bị cháy nắng ngả mầu vàng hoe. Mặt mũi đen đuốc, dầy dạn nắng mưa. Bằng giọng miền Nam, chiến hữu đã tự giới thiệu là Trần Quang Đô, đoàn trưởng đoàn Võ Trang 1107. Chiến hữu hỏi thăm chúng tôi về chuyến đi vào khu chiến có vất vả không ? Sức khỏe chúng tôi hôm nay đã lấy lại chưa ? Ông cũng thay mặt đoàn chào mừng chúng tôi và chúc chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Chiến hữu thông báo cho chúng tôi là ngày mai chúng tôi sẽ qua một khóa huấn luyện căn bản về đời sống chiến khu. Sau những phút đầu xa lạ, tình thân đã nhanh chóng chan hòa trong chúng tôi. Chiến hữu cho biết nhận được báo Kháng Chiến hàng tháng và anh em đọc không sót một chữ. Anh em nắm rất vững những hoạt động của Tổng Vụ Hải Ngoại. Chuyện xoay qua đủ mọi lãnh vực, từ yểm trợ kháng chiến đến sinh hoạt các cơ sở, các công tác đấu tranh trực diện với Việt Cộng, các cuộc biểu tình, xuống đường... Bỗng, chiến hữu đoàn trưởng quay sang tôi hỏi:

- Chiến hữu có nhớ em không ?

Tôi còn đang bỡ ngỡ thì chiến hữu nói tiếp.

- Trong này nghe nói về chiến hữu Trần Đức và thấy hình chiến hữu đi tìm mộ vua Duy Tân, trong lễ Quốc Khánh ở Paris... Em cứ thắc mắc ông Trần Đức có đúng là bác sĩ Trần Đức Tường Y Sĩ Trưởng Sư Đoàn Nhẩy Dù trước đây không. Hôm nay gặp được chiến hữu thì em chắc rồi.

- Chiến hữu ơi ! ông Y Sĩ Trưởng SĐND chết ngày 30/04/75 rồi. Ngày nay chỉ có chiến hữu Trần Đức đang cùng các chiến hữu đi đấu tranh giải phóng Việt Nam thôi.

- Em trước ở Tiểu Đoàn 1 Nhẩy Dù, cấp bậc thiếu úy. Em là Đào Bá Kế đây. Em bị thương 4 lần, lần chót ở trận Thượng Đức, đồi 1062. Chính bác sĩ mổ cho em...

Thú thực tôi không nhớ được hết các sĩ quan cấp úy ở các tiểu đoàn. Nhưng những chi tiết chiến hữu đoàn trưởng kể thì phù hợp với vết thương của một quân nhân bị thương ở ngực và tôi đã đặt ống thoát máu cho anh ta. Tôi cảm thấy hãnh diện xen với một niềm an ủi. Trong lực lượng võ trang kháng chiến cũng có những người đã từng là thiên thần mũ đỏ, đã tự tay chấp lại đôi cánh để tham gia tiếp tục sự nghiệp bỏ dở. Chiến hữu đoàn trưởng từ biệt chúng tôi sau khoảng 1 tiếng đồng hồ hàn huyên, tâm sự. Trời đã về khuya. Một con đom đóm bay lạc vào trong lều, bay sát mái tranh. Quanh đây có tiếng tắc kè kêu từng hồi. Hết con chỗ này kêu, đến con chỗ khác. Chúng thay phiên nhau. Bất giác nhớ lại lúc ở trong tù, mấy thằng bạn nghe tiếng tắc kè lại nói với nhau: "Nó nói 'sắp về, sắp về' đấy". Rồi trong đêm cũng có tiếng chim bìm bịp, kêu tiếp "bịp, bịp, bịp..." Mấy đứa lại nói, tắc kè là Việt Cộng, nó nói sạo là các anh "sắp về". Chỉ có con bìm bịp là nó nói thật. Nó nói Việt Cộng bịp đó, đừng tin. Ở đây, tình hình đã khác. Tôi đang cùng các chiến hữu của tôi đang đi trên con đường giải phóng quê hương thoát ách ngục tù cộng sản. Những suy nghĩ miên man đó đã đưa tôi vào giấc ngủ trong tiếng "tắc kè" và tiếng "bịp bịp".

Khóa Căn Bản Kháng Chiến Quân

Lớp căn bản KCQ
Lớp học chỉ có 3 người chúng tôi. Chiến hữu Dũng hô "nghiêm" và báo cáo với huấn luyện viên lớp học đã tập họp xong. Sau khi tự giới thiệu, huấn luyện viên bắt đầu bài học thứ nhất: "Đời sống chiến khu". Đây là bài học quan trọng nhất và cũng là bài dài nhất. Chúng tôi phải ghi chép cả một ngày. Bài này cho thấy những nhu cầu phải thành lập các chiến khu như là căn cứ huấn luyện, căn cứ xuất phát, căn cứ dưỡng quân, cũng như những đặc tính của đời sống chiến khu. Những đặc tính này không giống với đời sống thường nhật ở vùng an toàn với những đòi hỏi cá nhân về tiện nghi. Đây là đời sống hòa đồng giữa những người cùng chung lý tưởng, chấp nhận gian khổ vì lòng tin mãnh liệt vào chính nghĩa của công cuộc đấu tranh, tin tưởng mãnh liệt vào sự sáng suốt của lãnh đạo. Tóm lại, đời sống chiến khu là một đời sống khác thường. Bài này cũng nhằm trang bị cho các KCQ những quy luật sinh hoạt trong chiến khu. Bảo mật và bảo vệ an toàn chiến khu chống địch tấn công và an toàn cá nhân chống bệnh hoạn cũng như chống địch. Bài này cũng nhắc nhở các KCQ phải biết quý trọng sự đóng góp của đồng bào cho công cuộc kháng chiến. Một trong những tập quán tốt đẹp của chiến khu là dù trời có nóng bức đến đâu, dù vừa làm việc đổ mồ hôi, đang ở trần thì trước khi vào bữa ăn, tất cả các KCQ từ cấp chỉ huy đến anh em binh sĩ đều phải mặc áo quần chỉnh tề để tỏ lòng tôn trọng bát cơm do đồng bào đóng góp để nuôi kháng chiến.

Bài thứ hai nói về "Phòng thủ chiến khu". Vì sự quan trọng của chiến khu, nên từ việc chọn địa điểm thiết lập đến việc phòng thủ căn cứ đều phải điều nghiên rất kỹ dựa trên những tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của đấu tranh, tiếp vận, huấn luyện, trú quân, vv...

Bài thứ ba dạy về các vũ khí nhẹ được các KCQ sử dụng. Để tiện việc tiếp tế súng đạn, các vũ khí của KCQ, đại đa số là vũ khí sản xuất tại các nước cộng sản như AK47, B40, B41. ĐKZ vv... Bài này cũng dạy cho KCQ vũ khí chính của công cuộc đấu tranh giải phóng không phải là súng đạn. Quan niệm chiến lược thứ nhì của Mặt trận là "Lấy đại đoàn kết toàn dân làm vũ khí". KCQ được huấn luyện chỉ sử dụng vũ khí trong những trường hợp cụ thể để bảo vệ căn cứ khi bị tấn công, để tự vệ và khi chạm địch... trong quan niệm "kết hợp đấu tranh vận dụng và đấu tranh võ trang, mà đấu tranh vận dụng là chính yếu".

Bài thứ ba có nhan đề là "Người KCQ". Tôi rất thích bài học này vì KCQ không phải chỉ thuần tuý là một người lính mà còn phải là một chiến sĩ cách mạng, tự nguyện rời bỏ cuộc sống an ổn, bình thường, tham gia đấu tranh vì dân tộc, để bảo vệ danh dự của dân tộc, đấu tranh vì lý tưởng phục vụ dân tộc. Đúng là KCQ từ dân mà ra, nhờ dân mà lớn mạnh, vì dân mà đấu tranh. Xin lược kê ra đây quyền lợi và bổn phận của KCQ: Về quyền lợi, với phương châm "làm trước, hưởng sau; làm nhiều, hưởng ít", người KCQ 1/ Không bao giờ có lương trong suốt thời gian cứu nước; 2/ Được trang bị quân trang, lương thực, thuốc men, vũ khí, đạn dược tùy theo khả năng của Mặt Trận; 3/ Cứu nước thành công, quốc gia sẽ đãi ngộ xứng đáng, được ưu tiên hữu sản hóa và tham gia dựng nước tùy theo khả năng. Về bổn phận, người KCQ phải 1/ sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc và đại cuộc; 2/ tuyệt đối giữ gìn kỷ luật và chấp hành nghiêm chỉnh các mệnh lệnh của Mặt Trận; 3/ tuyệt đối bảo mật; 4/ Tiết kiệm và bảo vệ tài sản, vũ khí, quân trang như bảo vệ sinh mạng của mình. Từ những quyền lợi và bổn phận trên đây, các KCQ tâm niệm 7 điều "phải" và 7 điều "không". Bẩy điều "phải" là 1) phải trung thành với tổ quốc; 2) phải lễ độ với đồng bào; 3) phải thương yêu đồng đội; 4) phải giữ gìn bí mật; 5) phải tuân hành kỷ luật; 6) phải khắc phục khó khăn gian khổ; 7) phải hoàn thành công tác. Bẩy điều "không" là: 1) không kiêu căng khi thắng; 2) không nản lòng khi bại; 3) không tham lam, gian dối; 4) không lấy của cải của dân; 5) không bỏ rơi đồng đội; 6) không cãi lệnh thượng cấp; 7) không tắc trách, cẩu thả.

Bài thứ tư nói về tiếp vận trong đấu tranh giải phóng. Bài học nêu rõ "Trong chiến tranh, tiếp vận là yếu tố quyết định thắng bại. Trong đấu tranh giải phóng, tiếp vận là vấn đề sinh tử". Nếu trong chiến tranh địch tìm cách "công đồn, đả viện" thì trong đấu tranh giải phóng hiện nay, Việt Cộng tìm mọi cách ngăn chặn mọi tiếp vận để tiêu diệt đấu tranh giải phóng. Trong điều kiện đấu tranh hiện nay, nguồn tiếp vận chính yếu của kháng chiến đến từ dân chúng. Tuy nhiên, trách nhiệm của KCQ, nhất là cấp trưởng phải quan tâm tìm các nguồn tiếp vận khác nữa. Tìm được, phải bảo vệ nó và phát triển nó càng nhanh, càng rộng, càng tốt. KCQ cũng được học là tiếp vận trong đấu tranh giải phóng không đều đặn và thường xuyên, tùy thuộc vào sự tìm kiếm, khả năng của đồng bào và tình hình chiến sự. Bài học cũng nhấn mạnh là lúc đầu tiếp vận đến từ đồng bào hải ngoại, nhưng về sau tiếp vận chính yếu phải đến từ trong nước.

Bài thứ năm dạy về mưu sinh thoát hiểm khi bị bao vây, truy lùng, thất lạc, bị địch bắt, vv... Đây là một trong những bài học căn bản của chương trình huấn luyện quân sự.

Bài thứ sáu là bài Du kích chiến. Hiện nay lực lượng của địch rất lớn mạnh, trong lúc lực lượng của kháng chiến rất nhỏ bé. Vì vậy thế đánh thích hợp nhất là thế đánh du kích. Ngắn gọn mà nói thì du kích là đi để đánh, đánh rồi đi. Đánh được thì đánh, không đánh được thì đi.

Bài thứ bẩy nói về các thủ hiệu. Trong điều kiện đấu tranh giải phóng áp dụng chiến thuật du kích, lại thiếu thốn trang bị máy móc truyền tin, đồng thời phải giữ im lặng vô tuyến, nên thủ hiệu, tức là ra dấu bằng tay rất là quan trọng.

Bẩy bài này do 7 huấn luyện viên khác nhau trình bày và được chia ra học trong 3 ngày cấp tốc. Sau ba ngày huấn luyện chúng tôi được thông báo hai ông Đồng Sơn và Trường Lưu sẽ họp với Tổng Vụ Quốc Nội và tôi bắt đầu khai giảng khóa quân y.

Lớp Quân Y Kháng Chiến

Chiều hôm mãn khóa căn bản KCQ, lúc trở về nhà thì rất vui mừng vì gặp lại Anh Hai, Anh Ba và Văn. Có mấy KCQ đang ghép tre làm một cái bàn và hai dẫy ghế ở ngoài trời. Bữa cơm chiều nay có vẻ thịnh soạn. Thịnh soạn không phải vì có các anh lãnh đạo tới. Thịnh soạn vì có thêm món lạ do anh em KCQ "cải thiện" được. Sáu người chúng tôi xúm lại xung quanh "mâm" cơm. Ngoài thực đơn cơ bản, mỗi người một ca cơm và con cá khô nướng, nóng hổi, thơm phức, còn thấy bầy thêm một khay nhỏ thịt chiên và một khay canh nấm rừng. Tôi hỏi ngay:

- Thịt gì đấy các chiến hữu ?

- Thịt rắn. Đêm qua anh em đi gác, đánh được mấy con rắn.

- Lấy mỡ rắn chiên rắn hả ?

- Đúng vậy.

Những miếng thịt rắn bề rộng chừng 2 ngón tay được chiên vàng ngậy. Trước đây, tôi cũng từng ăn thịt rắn nấu cháo đậu xanh hay xào lăn. Người ta đã lột da và làm kỹ nên trông cũng giống như khúc lươn. Nhưng ở đây, anh em không làm như thế. Hình như anh em không lột da mà cạo sạch vẩy và cắt miếng rồi chiên. Anh em nói, như thế ngon hơn. Tôi nhìn đĩa thịt rắn mà bật cười vì có miếng mầu đen, có miếng mầu vàng...

- Đúng là mình đang ăn bóp đầm của mấy bà.

Tất cả cùng cười. Xương rắn rất cứng. Thịt rắn bám chắc vào xương nên cũng khá vất vả mới nhằn được tí thịt hơi dai. Canh nấm thì rất đặc biệt. Nước canh rất ngọt. Nhưng nấm thì không thể nào cắn đứt được. Tôi hỏi anh em, nấm tên gì, anh em nói là "nấm dai". Còn tôi thì đặt tên cho nó là "nấm quai dép". Cũng lạ, chưa nấu chín thì loại nấm này mềm mại, dể gẫy. Thế mà nấu lên rồi thì nó dai không chê vào đâu được.

Ăn xong tôi di chuyển xuống căn nhà nhỏ cách đó khoảng 30 thước. Tôi ở cùng với Dũng. Bảo ngủ cạnh nhà lớn với các chiến hữu kia. Tôi bước ra đứng gầ phiến đá lớn trước nhà hút thuốc. Dũng theo tôi nói chuyện gẫu. Bỗng thấy Văn tới gần, Dũng rút đi chỗ khác. Anh em lại hàn huyên tâm sự. Văn kể, những ngày đầu về khu chiến, cũng vất vả và cũng thích thú thấy lại mấy con đom đóm. Văn kể vẫn thường bị sốt rét, tuy có uống thuốc ngừa. Tôi nói với Văn, cứ nghĩ Văn đã theo đoàn Thầy về hồi 87. Văn cho biết Thầy muốn Văn ở lại với đài Việt Nam Kháng Chiến. Chuyện công, chuyện tư, đủ thứ chuyện... được anh em chúng tôi trao đổi trong tinh thần cảnh giác bảo mật. Có những lúc chúng tôi im lặng nghe tiếng côn trùng, tiếng tắc kè, tiếng ếch nhái và nhìn theo những con đom đóm bay tứ phía. Bỗng Văn nói:

- Mai khai giảng khóa học quân y phải không ?

- Đúng rồi, mình đã chuẩn bị bài vở rồi.

- Thôi đi ngủ để mai dạy sớm. Sáng mai, tôi sẽ phải rời đây sớm. Tạm biệt nhé.

- Ừ. Mình gặp nhau lúc nào, mừng lúc đó. Rồi mỗi người một công tác, không biết có gặp lại không. Nhưng biết chắc mình cùng đi trên con đường cứu nước. Mình có chút kỷ niệm tặng Văn.

Vừa nói tôi vừa đưa món quà cho Văn. Văn vui vẻ nhận. Và chúng tôi chia tay. Từ đêm hôm đó đến nay, tôi chưa gặp lại Văn...

Thấy cái dát giường gồ ghề, tôi bèn lấy võng ra mắc. Căn nhà hơi hẹp, phải giăng xéo mới đủ chiều dài cái võng. Tôi leo lên nằm, lấy tay hất miếng nắp mùng che trên võng, duỗi thẳng cẳng. Lâu không nằm võng kiểu quân đội ngày xưa, nên loay hoay mãi. Hai bên vai bị gò nên khó thở. Thành ra phải lấy hai cái đầu gối dang ra để tăng thêm chiều rộng tấm võng. Lấy tấm đắp trùm lên mình. Khá thoải mái. Tôi thiếp đi lúc nào không biết. Bỗng tôi thức giấc vì cảm thấy lạnh lưng. Tôi cố kéo tấm đắp đẩy ra sau lưng, nhưng nó hẹp, không đủ vừa lót, vừa đắp. Lúc đó khoảng 3 giờ sáng. Tôi nhớ khi xưa hành quân trên cao nguyên, tôi đã nếm cái lạnh Trường Sơn ban đêm rồi. Ở đây cũng thế.

Bỗng tôi thấy có người lay cái võng của tôi. Tôi choàng dạy. Dũng nói khẽ:

- "Báo động bình minh, chiến hữu".

Tôi nhìn đồng hồ: 4 giờ 30 sáng. Tôi xuống hố cá nhân. Bỗng thấy quên cái gì. Phải mấy giây sau tôi mới nhớ là quên khẩu súng. Hồi chiều về, chiến hữu Dũng có lãnh về cho tôi một khẩu M79 và 6 viên đạn. Khi còn ở Nhẩy Dù, tôi vẫn thích khẩu súng này. Không biết làm sao mà bên trên biết được sở thích này và phát cho tôi khẩu M79. Tôi chưa hề nói với ai cả. Lúc trước, có anh em cần vụ lo cho mình. Vả lại lúc đó mình đeo khẩu súng ngắn. Bây giờ, phần vì đã mất đi thói quen chiến trận, phần vì không nghĩ khẩu súng của mình là khẩu M79. Tôi nhìn nhớn nhác, định bụng nhào ra khỏi hố lấy khẩu súng thì chiến hữu Dũng đã nhoài người qua miệng hố, đưa khẩu súng cho tôi.

- Hồi nhẩy xuống hố, em có lấy dùm chiến hữu rồi đây.

Tôi thấy mắc cỡ quá. Đúng là tôi mắc khuyết điểm ở điều "không" thứ bẩy: "không tắc trách, cẩu thả". Trong khu chiến, nếu không có gì đặc biệt được cấp trên thông báo trước thì buổi tối khoảng 7 hay 8 giờ là đi nghỉ. Sáng sớm 4 giờ 30 thức dạy, "báo động bình mình". Sở dĩ báo động vào giờ này vì giờ này cũng là cái giờ địch hay tấn công bằng bộ binh hay đặc công.

Chúng tôi ngồi dưới hố cá nhân đến khoảng 5 giờ 30 thì hết báo động. Hai chiến hữu Dũng và Bảo đã nhóm lửa đun nước, nấu ăn. Chúng tôi đi làm vệ sinh cá nhân. Sau khi ăn sáng, các chiến hữu lãnh đạo chuẩn bị họp, tôi theo sự hướng dẫn của chiến hữu Dũng tới lớp học ngoài trời. Tôi thấy đàng xa thấp thoáng anh em KCQ. Tới cách họ khoảng 30 thước, chiến hữu Dũng ra dấu cho tôi đứng chờ. Một mình chiến hữu Dũng tới phía trước, nói nhỏ với chiến hữu chỉ huy mấy câu. Tôi thấy chiến hữu đó tập họp hàng quân, so hàng. Chiến hữu Dũng tới chỗ tôi nói: "Chiến hữu ra đi". Tôi chỉnh lại bộ áo bà ba, chiếc nón vải đi rừng trên đầu và chiếc khăn rằn thắt trước ngực rồi cất bước tới trước hàng quân. Tiếng hô "Nghiêm" của chiến hữu chỉ huy làm tôi hơi giật mình. Tôi đứng nghiêm trước hàng quân. Chiến hữu chỉ huy trình diện lớp học và báo cáo quân số 36 người. Tôi nhìn kỹ, thì ra chiến hữu chỉ huy cũng là chiến hữu đã dẫn đoàn hộ tống tôi từ bên ngoài vào. Tôi giơ tay hô "Giải Phóng", cả đoàn đồng loạt giơ tay hô "Việt Nam". Tôi hô "Nghỉ" và nói tiếp:

- Các chiến hữu ngồi ! Tôi hỏi tiếp: Các chiến hữu có mang tập vở và bút, viết để ghi chép không.

- Có ! Tất cả đồng loạt trả lời.

Trình diện lớp học
Và tôi bắt đầu bằng cách tự giới thiệu cũng như phác họa chương trình huấn luyện cấp tốc về quân y bao gồm cấp cứu, cách xử trí các vết thương, băng bó các loại vết thương, tải thương, cách tiêm chích, truyền dung dịch, phương pháp điều trị một số bệnh nội khoa như sốt rét, tiêu chẩy, kiết lỵ, viêm phế quản, phương pháp nhổ răng và một số phẫu thuật đơn giản.

Sau khi trắc nghiệm, tôi nhận thấy, đa số anh em đều có trình độ văn hóa thấp. Nhưng anh em có quyết tâm học tập rất cao. Tinh thần, thái độ nghiêm chỉnh. Đặc biệt là dám thực hành những điều đã học. Do đó, tôi đã phải điều chỉnh và viết lại nhiều bài học, giảm bớt phần lý thuyết và chú trọng phần thực hành để anh em hiểu rõ và thành thạo những động tác điều trị phải làm khi đứng trước tình huống phải cứu người trong điều kiện khó khăn của chiến trường, không có phương tiện tản thương, không có bệnh viện dã chiến như ngày xưa.

Lớp học của tôi ngày nào cũng bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa và từ 2 giờ đến 5 giờ chiều. Quân số lúc nào cũng 100%. Nhiều chiến hữu lên cơn sốt rét, chân tay, môi miệng còn run bần bật mà cũng ráng tới lớp. Thương các chiến hữu mình muốn rớt nước mắt. Tôi quên mệt mỏi, hết lòng, hết sức truyền đạt những gì mình biết, những kinh nghiệp của hàng chục năm y sĩ chiến trường cho anh em. Tôi đã thật sung sướng trong bài huấn luyện anh em sử dụng ống nghe và đo huyết áp, khi một chiến hữu rất trẻ, anh em thường gọi là chiến hữu Út, người đã bỏ mấy con đom đóm trong bao nylon cho tôi đi theo, tươi cười, hí hửng nói với tôi:

- Báo cáo bác sĩ, chiến hữu này có một phổi thôi à.

- Chuyện gì kỳ vậy ? Nghe kỹ chưa ?

- Em nghe kỹ rồi. Phía bên phải không có tiếng gió.

Tôi kiểm tra lại. Đúng như vậy. Tôi nhìn chiến hữu đó. Chiến hữu có vẻ ngượng ngùng nói nhỏ với tôi:

- Em trước ở Sư Đoàn 25 Bộ Binh. Bị thương trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Bác sĩ đã cắt của em một lá phổi và em được xếp loại 3, giải ngũ. Chiến hữu đừng báo cáo lên trên, kẻo em không được đi công tác.

Tập khám bệnh
Tôi lặng người. Phải cố gắng lắm để nước mắt đừng trào ra. Thương phế binh VNCH, đáng lẽ đã thoát đời chinh chiến. Cũng vì lý tưởng giải phóng Việt Nam mà đã tình nguyện gia nhập Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến. Đâu cần đi đâu xa mới gặp được ANH HÙNG. Tôi ôm lấy người chiến hữu thân thương của tôi và ghì mạnh. Tôi thấy chiến hữu đó mắt cũng đỏ hoe. Tôi quay lại nói với chiến hữu Út:

- Chiến hữu giỏi lắm. Đúng rồi, bên phải không có tiếng gió. Nhưng tôi hỏi thật chiến hữu nhé. Tại sao chiến hữu không nói "thưa bác sĩ" mà lại nói "báo cáo bác sĩ" ?

- Dạ em quen mồm. Vũ e lệ trả lời. Em là "chú cùi".

Tôi quay sang chiến hữu Dũng hỏi:

- Chú cùi là gì ?

- Dạ là cựu bộ đội. Em cũng là chú cùi đây.

Tôi quay sang anh em hỏi, mới biết quá nửa là bộ đội Việt Cộng đào ngũ theo kháng chiến. Nếu nói công cuộc đấu tranh giải phóng Việt Nam là thần thánh thì cũng không phải là ngoa. Phải là cuộc đấu tranh thần thánh của toàn dân, đáp lại khát vọng của toàn dân mới có những người trước đây là cán binh Việt Cộng và những người trước đây thuộc QLVNCH gọi nhau là chiến hữu, cùng đứng chung một chiến hào, cùng nhau sát cánh chiến đấu chống kẻ thù chung là chế độ độc tài cộng sản.

Bài học băng bó vết thương đầu
Trong những kỳ nghe báo cáo của Tổng Vụ Quốc Nội, tôi vẫn thường nghe các chiến hữu lãnh đạo nói về hai căn bệnh thường xẩy đến với các KCQ. Bệnh thứ nhất và cũng là bệnh nguy hiểm nhất, đương nhiên là bệnh sốt rét rừng. Bệnh thứ hai là bệnh đau răng. Tôi đã huy động các đoàn viên Mặt Trận là bác sĩ nha khoa tại Khu Bộ Âu Châu để quyên góp được một số quan trọng dụng cụ nha khoa như kềm nhổ răng các loại, thuốc tê, ống chích và kim chích gây tê, thạch cao trám răng, vv... Và cá nhân tôi cũng đã phải tới phòng nha khoa của các chiến hữu đó thực tập một số động tác nhổ răng, trám răng. Vì có chuyên môn tai mũi họng, nên vấn đề mổ xẻ trong miệng không có gì khó khăn đối với tôi. Vấn đề là truyền đạt những kỹ thuật đó cho các khóa sinh lớp quân y này, sao cho họ có thể làm được. Vì là vấn đề đang nóng hổi tại đơn vị, nên bài học về nhổ răng đã được anh em rất hoan nghênh và chăm chú học tập.

Nhổ răng
Sau khi trình bày cho anh em về phần lý thuyết, gồm cơ thể học của các loại răng, vệ sinh răng miệng, nguyên nhân và bệnh lý của bệnh sâu răng, các dụng cụ chữa răng và các động tác nhổ răng cũng như trám răng..., tôi đã yêu cầu chiến hữu đoàn trưởng đưa tất cả các KCQ đang bị đau răng lên khám bệnh. Các chiến hữu khóa sinh đã có dịp được quan sát, giải thích ngay trên người bệnh nhân và nhất là xem tôi biểu diễn các động tác từ khám, đến gây tê và nhổ răng. Hơn một chục chiến hữu đã được điều trị và rất vui mừng vì không còn đau răng nữa. Tôi có hỏi với các KCQ đau răng:

- Các chiến hữu khóa sinh của tôi đã được huấn luyện kỹ rồi. Có chiến hữu nào chịu để cho một chiến hữu mình thực tập nhổ răng đau của mình không ?

Thấy anh em ngập ngừng, tôi không bắt buộc. Bỗng tôi nhớ tôi có cái răng cấm ở hàm trên bị lung lay đã cả tháng rồi. Chắc nó cũng sắp rụng. Tôi bèn nói với các lớp học.

- Có ai xung phong nhổ răng cho tôi không ?

Lại ngập ngừng. Có thể anh em bất ngờ. Tôi gọi chiến hữu Dũng lại:

- Chiến hữu có tin mình nhổ được răng không ?

- Dạ tin.

- Chiến hữu có tin là sẽ nhổ được cái răng của tôi không ?

- Nhổ răng thì chắc em làm được. Nhưng... nhổ răng chiến hữu thì em khớp, không dám.

- Trong chiến khu có bài học nào dạy KCQ khớp không ?

- Dạ không.

- Chiến hữu cứ coi tôi là một tân KCQ bình thường thôi. Bây giờ thì đi rửa tay đi.

Chiến hữu Dũng chạy đi rửa tay và nhanh chóng chạy trở lại đứng trước mặt tôi.

- Bây giờ chiến hữu khám xem cái răng nào của tôi đau ? Làm đúng những động tác tôi đã chỉ các chiến hữu.

Tôi há miệng ra và Dũng mạnh dạn đưa tay vào lần từ hàm trên xuống hàm dưới, cả bên trong lẫn bên ngoài.

- Em thấy cái răng cùng trên hàm trên bên trái của chiến hữu lung lay.

- Đúng cái đó rồi. Cần nhất là phải nhớ vị trí cái răng đau, kẻo nhổ nhầm cái răng "không đau" đó.

Tất cả phá lên cười.

- Bây giờ chích thuốc tê. Chích bên ngoài trước rồi bên trong sau. Nhớ đâm kim đụng xương hàm đấy nhé.

Dũng thực hành đúng những gì đã học một cách mạnh dạn, không run rẩy. Anh ta lấy tay đè lên chỗ chích thuốc day day để thuốc mau ngấm.

- Chiến hữu thấy tê chưa ?

- Được rồi đó. Lấy kìm nào ?

- Kìm nhổ răng hàm.

- Nhắc lại những gì đã học khi kẹp răng cho đến lúc lấy cái răng ra.

Dũng nhắc lại rành rọt, không sót một chữ.

- Bắt đầu đi.

Tôi há miệng, ngửa đầu ra phía sau, dựa lên đầu gối một chiến hữu giữ đầu tôi.

Tôi cảm thấy được Dũng đưa kìm vào miệng tôi và theo ngón tay bàn tay kia hướng dẫn kẹp được cái răng cấm của tôi. Vừa xoay, vừa lắc, thoáng một cái, anh ta kẹp cái răng ra đưa cho tôi coi trong tiếng vỗ tay của mọi người.

Anh cho tôi cắn miếng bông cuộn tròn để cầm máu và nói:

- Cái răng của chiến hữu lung lay lắm rồi. Để mấy bữa nữa nó sẽ tự rớt ra thôi. Nhưng em cám ơn bác sĩ. Lần đầu trong đời em làm nha sĩ nhổ răng cho bác sĩ.

Tôi cười, nghĩ bụng, cái anh chàng này cũng khôi hài thật.

Lớp học chăm chú nghe giảng huấn
Lớp học tiến bộ rất tốt. Trong thời gian huấn luyện, chúng tôi di chuyển 3 lần, thay đổi căn cứ. Càng ngày càng đi sâu vào hướng Đông. Cứ cuối tuần là làm bài kiểm. Anh em, dù sốt rét run cầm cập cũng không ai bỏ học, không ai không làm bài kiểm. Tôi cho điểm, chữa bài và đôi khi gọi khóa sinh đến giảng thêm. Anh em rất thích thú.

Những chiếc lá rừng

"Rừng bao nhiêu lá ?..." Ở ven suối có những cây dương sỉ, lá mong manh như những áng mây. Có những khóm trúc vàng, lá bay theo chiều gió. Có những cây bằng lăng thân cao, nhẵn nhụi lá to, hoa tím. Cảnh vật nơi chiến khu gợi nhớ những cánh rừng, những ven đồi khi xưa tôi đã đi qua trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam. Những buổi trưa nóng bức, tôi thường hay ra ven suối ngồi ngắm những chiếc lá đứng yên chờ cơn gió thoảng. Tôi nhớ đến những câu hát trong bài "Những đọt trầu xanh" thơ của Hương Giang phổ nhạc. Bất giác, tôi lẩm bẩm, hát một mình. "Dẫu chưa một lần, lội qua giòng sông, tôi vẫn nhớ về con nước ròng...". Bỗng có tiếng sau lưng: "Chiến hữu hát hay quá !". Tôi quay lại, thấy Dũng đang ngồi cách tôi chừng vài ba thước tự bao giờ mà vì mải mê suy nghĩ, nên không phát hiện. Tôi nói về bài hát, nói về những tâm tình của người đoàn viên hải ngoại, của đồng bào yểm trợ kháng chiến. Dũng hỏi tôi nhiều về người thi sĩ mang tên Hương Giang.

- Chắc khóa quân y sắp hết rồi, theo dự trù, tôi sẽ trở ra ngoài, chiến hữu có gì gửi ra tặng cho người thi sĩ đó không ?

- Chúng em trong này thì đâu có gì đáng giá để làm quà tặng !

- Thiếu gì những thứ tuy không có giá trị về tiền bạc, nhưng rất quý giá về mặt tinh thần.

- Em chẳng thấy cái gì ở trong này quý giá hết. Chiến hữu nói đi.

- Ở ngoài đó coi tất cả những gì có liên hệ đến kháng chiến, đến chiến khu, đến KCQ đều là quý cả.

- Em vẫn không thấy chiến hữu ơi. Hay là chiến hữu cho một thí dụ đi.

- Đầy rẫy ra đấy thôi. Tôi cho chiến hữu coi cái này nhé.

Vừa nói tôi vừa mở cuốn tập ghi chép của tôi ra. Dũng tới gần hơn.

- Tôi ép mấy chiếc lá vào đây. Cái này là lá phật quảng đấy. Ra ngoài đó, tôi sẽ tặng cho mỗi người thân một chiếc lá rừng. Họ sẽ thích lắm. Tôi đề nghị các chiến hữu gửi ra cho Hương Giang mấy chiếc lá bằng lăng hoa tím, chắc là người ta thích lắm.

Không biết Dũng nói gì với anh em, mà hôm sau, trước khi làm bài kiểm cuối khóa, anh em nhất loạt yêu cầu tôi hát cho anh em nghe bài "Những đọt trầu xanh". Chiều lòng anh em, tôi đã ca lại bài hát ấy. Và anh em đã mang đến cho tôi một ôm lá bằng lăng, lá nào lá nấy to bằng cái quạt. Tôi cười rồi nói:

- Các chiến hữu ơi ! Nhiều quá và lá to quá, làm sao mà ép cho được. Để mình lựa những chiếc lá nhỏ bằng 3 ngón tay hay nhiều lắm lớn bằng bàn tay thôi nhé.

Ngồi lựa lá, trong lòng tôi dâng lên một nỗi cảm xúc tràn trề vì thấy rõ tấm lòng của các KCQ cũng như tấm lòng của đồng bào hải ngoại gắn bó keo sơn. Tôi đã ép cẩn thận những chiếc lá bằng lăng, mang ra hải ngoại, lộng vào một khung kiếng nhỏ, nhờ người mang tặng thi sĩ Hương Giang. Nghe đâu nhà thơ rất xúc động. Và trong tờ báo Kháng Chiến sau đó có đăng bài thơ "Ai mang lá bằng lăng về phố" của Hương Giang.

"Bố đi ra hải ngoại, chúng con đi về nước"

Đêm cuối cùng trong chiến khu, tôi trăn trở không sao chợp mắt được. Bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu kỷ niệm của những ngày sống bên anh em KCQ đua nhau kéo về trong tâm trí tôi như một cuốn phim thời sự.

- Bố không ngủ được à ? Tôi cũng không nhớ Dũng bắt đầu gọi tôi bằng bố từ bao giờ.

- Khó ngủ quá Dũng ơi !

- Bố ráng ngủ, mai mình phải lội một đoạn đường khá xa đấy.

- Chẳng muốn ra tí nào.

- Vị trí chiến đấu của Bố là ở Âu Châu. Trong này, Bố để chúng con.

Trời chắc là khuya lắm rồi. Ánh trăng lọt qua kẽ lá in lên lều như một bức tranh thủy mặc của Tầu. Bỗng có tiếng gà gáy.

- Sao ở đây mà có gà gáy hả Dũng ?

- Gà rừng đấy bố ạ. Đêm nào nó chẳng gáy.

- Chắc tại tôi ngủ mê, nên những đêm trước không nghe.

- Bố ra ngoải chắc có nhiều chuyện kể về bọn con trong này há bố.

- Cũng tùy từng chuyện. Với lại phải được phép của Tổng Vụ Hải Ngoại, chứ đâu có kể tùm lum được.

- Thời gian đi nhanh quá bố nhỉ. Ở lâu với nhau, nay lại phải xa, cũng buồn chứ bố. Nhưng chắc chắn bố con mình sẽ gặp lại trong ngày giải phóng. Lúc đó, con xin ở bên cạnh bố.

Câu chuyện còn dang dở thì bỗng Dũng nói khẽ

- Báo động bình minh, bố.

Chúng tôi nhẩy xuống hố. Giơ tay ra với khẩu súng, mới nhớ lại là tối qua Dũng đã mang khẩu M79 lên ban chỉ huy đoàn rồi.

Hết báo động, tôi và Dũng, Bảo leo lên. Hai chiến hữu nhanh nhẹn chuẩn bị cơm sáng. Ăn xong, Dũng nói:

- Bố giỡ lều đi. Chúng ta di chuyển.

Dũng và Bảo giúp tôi gỡ lều, thu dọn vào balô. Tôi thay bộ đồ treillis đen để phòng khi lội không bị rách bộ bà ba. Thầy trò đai nịt gọn gàng, Dũng nói:

- Bố đi theo con.

Thế là Dũng thoăn thoắt đi trước. Mới ăn xong, chưa kịp thở, tôi vội vã nối gót. Tuy nay lội đã quen rồi; nhưng mà bị đau xóc hông quá trời. Vòng nửa trái núi, chúng tôi tới một vùng khá bằng phẳng. Tại đó đã dựng bàn thờ tổ quốc. Lá cờ vàng ba sọc đỏ được căng giữa hai cột tre, ngay dưới là đảng kỳ. Cả đoàn đã tập họp đông đủ. Đông hơn lớp học của tôi nhiều.

Tiếng hô "Nghiêm" đón chào tôi. Chiến hữu đoàn trưởng và Dũng hướng dẫn tôi bước tới đứng trước bàn thờ tổ quốc. Sau lễ chào quốc kỳ và đảng kỳ. Chiến hữu xướng ngôn tuyên đọc giấy chứng nhận tôi tốt nghiệp khóa căn bản KCQ và trao bằng cho tôi. Tiếp theo là phần trao quà lưu niệm. Tôi được tặng một miếng gỗ quý hình vuông có khắc bản đồ Việt Nam, quốc kỳ và đóa hoa Việt Tân với hàng chữ "Kính tặng chiến hữu Khu Bộ Trưởng Khu Bộ Âu Châu – Đoàn Võ Trang 1107" và một cây gậy chỉ huy ngắn giống như gậy của sĩ quan cấp tá và cấp tướng khi xưa. Sau lời phát biểu của chiến hữu đoàn trưởng, tôi đáp lại bằng tất cả tâm tình của mình. Tôi kết thúc bằng ba lần hô to "Giải Phóng". Cả đoàn đều giơ tay hô "Việt Nam". Tôi rời vị trí hành lễ theo Dũng và có Bảo đi đoạn hậu. Được một đoạn thì ngừng lại. Tôi thấy toàn bộ lớp học quân y vai mang balô và súng đạn đang chờ tôi. Tôi nghĩ, anh em chờ để từ biệt tôi. Nhưng không, cả lớp đã được phân công tháp tùng, hộ tống tôi ra ngoài. Tôi sung sướng vô cùng.

Đúng là tôi đã quen nên chuyến đi ra, đường đất cũng mất cả ngày, từ sáng đến chiều, nhưng vai mang balô mà vẫn theo kịp anh em. Không bê bết như lúc đi vào nữa. Chúng tôi dừng quân trên một ngọn đồi để chờ liên lạc. Bỗng tôi thấy từng anh em đến chỗ tôi bắt tay và ôm tôi từ biệt. Mọi người đều nói câu "Bố đi ra hải ngoại, chúng con đi về nước. Chúc bố lên đường bình an. Hẹn gặp ngày giải phóng". Tôi cũng chúc anh em "về" bình an và đạt chiến thắng. Thế là cả đoàn gọi tôi bằng bố. Tôi hãnh diện về những đứa con quên mình đi cứu nước. Tôi phải xứng đáng với các "con" tôi.

Đoàn mở đường xuống núi và dừng lại cách chân núi khoảng 300 thước. Tôi đi xuống với chiến hữu đoàn trưởng và Dũng. Dọc đường, tôi để lại cho Dũng cái địa bàn và cái đèn pin để làm kỷ niệm. Chiến hữu Ngô Chí Dũng và người sĩ quan Thái hôm nào có mặt đón tôi. Ông người Thái thấy tôi đã nhanh nhẩu nói ngay:

- Trông bác sĩ ốm đi, nhưng khỏe mạnh đẹp trai hơn.

- Cảm ơn ông.

- Mình lên xe đi chiến hữu. Chiến hữu Ngô Chí Dũng nói nhanh.

Tôi thẩy cái balô lên phía sau xe và nhìn đã thấy cái vali của tôi gửi lại khi vào trên đó rồi.

Tôi leo lên phía sau. Chiến hữu Ngô Chí Dũng lên phía trên ngồi với tài xế. Tôi quay lại vẫy tay chào Dũng và chiến hữu chỉ huy đoàn hộ tống. Xe lăn bánh chạy ra ngoài bìa rừng.

Tôi lấy bao thuốc ra cuốn và hút từng hơi dài. Thả khói ra mà cứ tưởng mình đang còn ở trong chiến khu. Xe chạy qua nhiều khu rùng, nhiều con đường mòn và nhiều khu làng mạc, không giống như lúc đi vào. Tôi nghĩ, mình đã di chuyển đến 3 lần, chắc ở xa chỗ cũ rồi.

Trời xẩm tối. Xe rẽ vào xa lộ và ngừng ở một quán bên đường. Ba người chúng tôi vào quán. Tôi bỗng nhìn thấy trong tủ kính bầy đồ ăn có một dĩa nhộng rang vàng ngậy. Tôi sáng cả mắt lên. Từ 1975 đến nay chưa được ăn lại cái món này. Thế là bữa đó, tôi chỉ ăn cơm với nhộng rang. Nhớ đời.

Trở lên xe, chiến hữu Ngô Chí Dũng lên phía sau với tôi, để tài xế một mình trên buồng lái. Anh em nói chuyện suốt đêm. Chiến hữu đã trả lại tôi passport, máy hình, máy thâu thanh, kèm theo một cuốn album mấy chục tấm ảnh lúc tôi ở trong chiến khu. Lúc đó mới sực nhớ, có những hôm tôi thấy cán bộ tới chụp hình lớp học hay một số sinh hoạt của chúng tôi. Tôi thật là hạnh phúc. Thế này thì lúc trở lại Paris, tôi có những bằng chứng đã về khu chiến.

Tới Bangkok lúc trời mờ mờ sáng. Chúng tôi xuống xe ở một địa điểm giống như một bến xe. Uống với nhau một tách cà phê, ăn một tấm bánh bao. Tới khoảng 8 giờ sáng thì chiến hữu Ngô Chí Dũng chia tay với tôi. Ai ngờ cái bắt tay đó cũng là cái bắt tay cuối cùng.

Tôi chờ một lát thì Dennit tới và đưa tôi về khách sạn. Tôi đã đổi hãng máy bay và về tới Paris giữa mùa hè ấm áp.

---- oOo ----

Lá Bằng Lăng

Hương Giang
(Thương tặng các kháng chiến quân)

Tình yêu anh mặn nồng như lúa
Bám đất quê nghèo dẫu nước mặn đồng chua
Ai mang theo lá bằng lăng về phố
Để những gian nan chợt thổn thức lòng

Ơi! lá bằng lăng
Mọc nơi nào trên đất nước
Nơi có bàn chân anh bước
Nơi mưa rừng rét lạnh những bờ vai

Khi triệu tai ương còn phủ lấp những ngày mai
Nào ai đã quên từng bóng cây vạt nắng
Từng ao bèo từng nhánh cỏ từng con sông
Ai có thể quên những đường mưa trơn muỗi vắt chập chùng
Ai quên bước chân người đêm nay hối hả...

Không đâu vẫn còn trong ta tất cả
Những ân tình người ngã xuống đêm qua
Cả bóng mẹ già giữa ruộng đồng cháy đỏ
Cả nỗi đau xé lòng mình buổi chia xa

Những bài thơ em viết hôm qua
Những vần thơ viết hoài không đủ
Cho em theo cùng những đêm dài không ngủ
Thở cùng anh mùi đất cát quê hương
Thương những đêm giá rét sương rừng
Áo vải mong manh kiên cường kháng chiến

Đâu chỉ những gì mình thương mến
Từng thớ đất quê nhà đã là máu trong tim
Trong tăm tối đêm này ai đợi một bình minh
Ai đợi tiếng cười thay giòng lệ nóng

Ngày ở đó có mưa nhiều hay nắng
Mưa ướt tóc người mưa dưới ngọn bằng lăng
Có người đi mà lòng tha thiết lắm
Em có bao giờ em nguôi nhớ thương

Bởi tình yêu anh mặn nồng như lúa
Bám đất quê mình dẫu nước mặn đồng chua
Em giữ trong tim niềm yêu mến ấy
Hạnh phúc chợt cay trong mắt lúc này.