Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Từ Đồng Bò Đến Đông Tiến Chuyện Của Một Người Anh Hùng

Kháng Chiến số 26

Anh Hùng Đông Tiến: Phùng Tấn Hiệp

Từ Đồng Bò...

Trên chiếc ghe vượt biên năm 1978, đuợc tàu Nhật cứu và đưa đến Nhật Bản, ít người được biết là trong cùng chuyến đó có 2 người anh hùng kháng chiến thuộc tiểu đoàn 818 trong trận đánh khốc liệt ở mật khu Đồng Bò. Một trong hai người đó là anh Phùng Tấn Hiệp. Cuốn băng phỏng vấn hai chứng nhân này về sức đề kháng của quân dân Việt Nam sau năm 1975 tại Đồng Bò đã được phổ biến tại Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Anh Phùng Tấn Hiệp sinh ngày 7 tháng 5 năm 1953 tại Ninh Hòa, Khánh Hòa, là con trai út của một nhà giáo nổi tiếng. Anh Hiệp đã lập gia đình và có 1 cháu gái.

Tháng 8 năm 1975, tức chỉ 3 tháng sau ngày bạo quyền nhuộm đỏ miền Nam, anh đã tham gia vào tổ chức kháng chiến, lúc đó gọi là tổ chức Phục Quốc, căn cứ chính đặt tại mật khu Đồng Bò. Với khả năng chỉ huy thiên phú và tinh thần quả cảm, anh đã được giao phó trách vụ Tiểu đoàn phó tiểu đoàn 818 vào tháng 1 năm 1976. Từ đó, 818 bí mật lập căn cứ tại Gò Cà, Diên Khánh, và mở rộng địa bàn hoạt động từ Cam Ranh lên tới Tuy Hòa.

Tháng 4 năm 1977, anh vào Tây Ninh, móc nối với lực lượng kháng chiến thuộc giáo phái Cao Đài. Tháng 7 cùng năm, anh về lại Phú Khánh, chuẩn bị đánh chiếm đài phát thanh và phi trường Nha Trang. Công tác chuẩn bị bị lộ, anh bị truy nã gắt gao.

Tháng 3 năm 1978, anh bị bắt tại Diên Thủy và bị giam tại đồn công an Phú Lộc Đông. Hai ngày sau, anh vượt ngục và về lại căn cứ Gò Cà. Trong tháng 4 năm 1978, bạo quyền đã huy động 1 lực lượng cấp trung đoàn để tấn công mật khu Đồng Bò. Sau nhiều ngày giao tranh khốc liệt, tiểu đoàn 818 cô thế và phải quyết định tan hàng để bảo toàn lực lượng.

Tháng 7 năm 1978, anh Hiệp và một chiến hữu chí thiết cùng vượt biên, với hy vọng mong manh và duy nhất là gặp được các tổ chức đấu tranh có thực lực để kết hợp và yểm trợ hữu hiệu cho các kháng chiến quân quốc nội. Hai anh có mang theo một vài món vũ khí cá nhân để bảo vệ chuyến đi từ một bãi biển ở miền Trung.

Hai anh đến Nhật, nhờ được cứu bởi một tàu buôn của Nhật. Khi tiếp xúc với tổ chức đấu tranh tại Nhật, hai anh chỉ nêu lên một điều bức thiết là phải sớm có tiếp vận cứu nguy tình hình kháng cự ở quốc nội đang hồi tuyệt vọng. Hai anh đã xung phong tình nguyện hướng đạo trong công tác trở về.

Trong suốt thời gian tạm trú 1978-1981, cả hai anh đều lo chuẩn bị chu đáo cho chuyến trở về, ngoại trừ những lúc đi đây đi đó để tuyển mộ, kết nạp thêm nhiều nhân sự khác. Với sự giúp đỡ của một số người Nhật, hai anh cũng đã tích cực tham gia một công tác mật là thực hiện một đài phát thanh hướng về Việt Nam, phát sóng từ hải phận quốc tế trên biển Đông. Sau nhiều chuyến thử nghiệm, nhóm này đã cân nhắc độ rủi ro mạo hiểm của các chuyến hải hành ngoài khơi biển Đông trong tầm tấn công của hải quân Liên Xô và Việt cộng, sự khó khăn tiếp vận, khó khăn liên lạc với căn cứ xuất phát, sự hoạt động liên tục và lâu dài v.v... Sau cùng, cả nhóm đồng ý hủy bỏ kế hoạch này, nhưng vẫn giữ ý định thiết lập một đài phát thanh khác để đáp ứng nhu cầu hướng dẫn, điều phối công cuộc đấu tranh đối với đồng bào trong nước.

Cũng trong thời gian này, hai anh luôn luôn là người đi đầu trong các công tác chống đánh, bao vây sứ quán Việt cộng tại Tokyo, rượt đuổi Nguyễn Duy Trinh và Phan Hiền.... Anh Hiệp thường tâm sự với các bạn đồng lứa: "Tự do ở đây là tự do của người. Tinh thần mình vẫn chưa thực sự tự do vì còn nặng nợ với những người ở lại".

...Đến Đông Tiến

Tháng 8 năm 1981, cả hai chiến hữu Đồng Bò cùng nhiều chiến hữu khác thuộc toán đầu tiên từ Nhật Bản trở về hợp nhất với các toán khác từ khắp nơi. Mãi một thời gian sau, đồng bào ở Nhật mới biết tin (trên báo Nhật)... là có những người đã lặng lẽ trở về. Ai cũng cảm kích khi bết được là trong âm thầm xây dựng, Mặt Trận đã mở được đường về, nhằm vào các mục tiêu: a) Bắt tay quốc nội, tiếp vận và khai thông con đường hoạt động hai chiều; b) Công bố Cương Lĩnh Chính Trị làm nền cho việc kết hợp các lực lượng trong nước để cùng tiến hành một cuộc đấu tranh vận dụng giải phóng quê hương; c) Thành lập đài Việt Nam Kháng Chiến để tuyên vận đồng bào trong nước. Một thành quả bên cạnh đó, có thể được đánh giá khá lớn, vào thời điểm tâm lý buông xuôi của đa số người Việt bấy giờ, chính là tạo dựng được một tinh thần quật khởi hào hùng bừng dậy ở khắp nơi. Đặc biệt đối với đồng bào ở hải ngoại thì đây là một tiếng trống dậy trời làm sống lại ý chí quật cường của những người thập tử nhất sinh đi tìm tự do và tưởng rằng đã mất hẳn quê hương, hay nghĩ rằng "vấn đề Việt Nam đã khép sổ".

Chiến dịch Đông Tiến kết thúc vào ngày 26 tháng 12 năm 1983. Đài Việt Nam Kháng Chiến phát thanh chương trình đầu tiên vào lúc 5 giờ sáng ngày 27 tháng 12 năm 1983. Kết quả của chiến dịch Đông Tiến đã giải quyết trọn vẹn vấn nạn chia cắt trong-ngoài. Tất nhiên, thành quả đó có được cũng là nhờ vào công lao và sự hy sinh của nhiều người. Từ những đóng góp công sức của đồng bào hải ngoại cho đến những chiến hữu mở đường Đông Tiến.

Trong chiến dịch này, nhờ khả năng am tường địa hình địa vật và một ý chí một quyết tâm cao độ, chiến hữu Hiệp đã được đề cử trọng trách trưởng đoàn võ trang kháng chiến Hồng Hà, với nhiệm vụ mở đường Đông Tiến và bảo vệ tuyến thâm nhập cho các đoàn kháng quản. Chỉ 10 ngày trước khi Đài Việt Nam Kháng Chiến cất tiếng trên làn sóng ngắn, từ ngã ba biên giới, anh Hiệp đã hy sinh trên đường công tác tại chiến trường E7. Trong lễ bế mạc chiến dịch Đông Tiến ngày 26 tháng 12 năm 1983, Mặt Trận đã vinh danh chiến hữu Phùng Tấn Hiệp là Anh Hùng Đông Tiến với thành tích:

  • Chiến đấu kháng cự ngay từ 1975;
  • Ra đi móc nối với hải ngoại rồi tiên phong trở về;
  • Là một trong những chiến hữu có công đầu trong việc mở đường Đông Tiến;
  • Anh dũng hy sinh vào giai đoạn kết thúc của chiến dịch Đông Tiến.

Là biểu tượng cho sự kết tinh của truyền thống hào hùng và bất khuất của dân tộc, chiến hữu Phùng Tấn Hiệp xứng đáng được tuyên dương cả hai danh hiệu anh hùng: Anh Hùng Đồng Bò và Anh Hùng Đông Tiến. Chiến hữu đã nằm xuống để cả dân tộc vùng lên, xông tới. Công lao ấy đời đời Tổ Quốc Ghi Ơn.

(Báo Kháng Chiến số 26, tháng 4-1984)