Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Bạch Vân: Mây Trên Đỉnh Núi

Trần Hùng

Vừa ở Houston ngày đầu năm, nhưng đến cuối tháng 2 tôi đã lại bay qua đó vì có một cái hẹn đặc biệt. Chuyến bay không dài lắm và êm ả do thời tiết tốt, nhưng tôi vẫn thấy thân thể mỏi nhừ do những cuộc hành trình bay xa liên tục vào tuần lễ trước đó. Đến Houston lần này chủ đích của tôi là để gặp Bạch Vân, người kháng chiến quân đã tham gia chiến dịch Đông Tiến năm 1987 trong Dân Đoàn bảo vệ người lãnh đạo đoàn quân, cũng là vị lãnh đạo tối cao, linh hồn của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam lúc bấy giờ, tướng Hoàng Cơ Minh, và bảo vệ bộ chỉ huy trung ương. Hơn 3 tiếng đồng hồ trong chuyến bay, tôi miên man suy nghĩ về những việc đã xẩy ra cho đoàn chiến binh kiêu hùng đó. Chính hào khí ngất trời của họ đã là động lực nung nấu tâm can của những người như tôi những năm tháng sau này. Có nhiều người đã nằm xuống tại khu rừng già ở Hạ Lào vào một ngày mùa hè năm đó. Và cũng có những người đã trải qua những năm tháng tù tội của lao tù cộng sản mà lý tưởng vẫn không hề phai nhạt. Chính vì thế mà tôi mong gặp họ.

- Cái tên Bạch Vân có ý nghĩa gì vậy ? Mây trắng, sao lại là mây?

Tôi hỏi câu đó trong lúc chúng tôi đưa nhau vào một tiệm phở. Giờ hẹn là sáng sớm, vì tôi muốn có nguyên một ngày dài với người kháng chiến quân này, mà giờ đó, thời tiết mát lạnh, bên ly cà phê sữa và tô phở thơm lừng, câu chuyện tuôn ra chắc chắn sẽ đậm đà hơn.

Tôi nhìn kỹ vào người thanh niên đối diện, khoảng vừa 40, thân thể khoẻ khoắn:

- Nhìn em chẳng có gì là mảnh mai để ví với mây cả.

Bạch Vân cười sảng khoái, nhắp một hụm cà phê:

- Đúng vậy anh.

Thêm một ngụm nữa rồi anh mới nói tiếp:

- Cái tên này là do anh Thạch Nhung đặt cho em. Ở trong chiến khu chu kỳ sinh hoạt có 9 ngày là Anh Dũng, Bắc Bình, Cải Cách, Duy Tân, Đống Đa, E Dè, Gay Go, Hồng Hà và Im Lặng. Trong những ngày đó mà anh đi tải hết chu kỳ là gay lắm, anh mà yếu người là anh rớt liền. Em đi hết chu kỳ đó, và em thường là người về đầu tiên hết. Về căn cứ rồi cả tiếng đồng hồ sau mới có người rỉ rả về tới. Núi cao, rừng rậm không phải là chuyện chơi. Mà mỗi đoạn như vậy mất cả 6, 7 tiếng đồng hồ. Bận đi bận về là mười mấy tiếng. Bận đi không ngán vì là xuống núi. Bận về mới chăm. Vừa lên núi vừa tải đồ nặng. Lúc đó em mạnh lắm, em đi lướt lướt, phải nói là dây rừng nó né em chứ không phải em né dây rừng. Nhất là qua cái tiền đồn Chi Lăng lên cái dốc cao thăm thẳm. Em đi như vậy nên anh Nhung mới nói thôi đặt cho em cái tên khác cho nó thích hợp. Đặt cho em cái tên Bạch Vân là Mây Trắng ngụ ý cho em lướt được qua những khó khăn mà em gặp phải.

Người kháng chiến quân này được mang tên Bạch Vân từ khi đó.

Bạch Vân đi kháng chiến vào năm 1982, chính xác ngày anh bước chân vào căn cứ 84 của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam là ngày 10-9-1982, một ngày đặc biệt mà mãi đến nhiều năm sau này, dù trải qua những năm tháng tù tội, anh vẫn không bao giờ quên. Lúc đó anh mới chỉ là một cậu thanh niên 16 tuổi. Anh chưa trưởng thành hẳn như một thanh niên, nhưng cũng đã qua cái tuổi để bị coi là một đứa bé. Trước đó, vào năm 1975 khi Việt cộng tiến chiếm miền Nam thì Bạch Vân quả đúng mới chỉ là một đứa bé. Đứa bé 9 tuổi lúc đó nghĩ gì chắc không ai biết, nhưng chắc cũng chỉ là những cảm giác ngỡ ngàng trước những hình ảnh mà nó chưa hề thấy trước đó: từng đoàn người súng ống hầm hè như lúc nào cũng chỉ muốn bắt người ta, những tiếng loa sáng đêm tuôn ra những âm thanh chát chuá. Rồi tâm trạng của ai cũng chùng xuống, mặt mày méo mó như miếng bánh tráng nhúng nước. Làm gì cũng sớn sa sớn sác. Ai cũng sợ, sợ bất cứ cái gì, sợ ngay cả tiếng chó sủa. Đứa bé 9 tuổi đó đã ngây thơ hỏi mẹ:

- Tại sao mẹ sợ tiếng chó sủa?

- Đừng hỏi tùm lum con ơi, mày bớt cái miệng lại một chút.

Ủa, thì ra mẹ nó sợ cả những câu hỏi của một đứa bé như nó. "Giải phóng" là như vậy, trong đầu của nó đã mang những ý nghĩ rất xấu xa về 2 chữ "giải phóng" mà nó đang phải nghe suốt ngày ở khắp nơi. Sau này, khi đi vào khu chiến, phải một thời gian sau đó nó mới "ngộ" ra rằng, chữ nghĩa chỉ là vô tri vô giác, đúng hay sai là do những người chủ động làm việc này. Từ lúc đó nó mới hiểu rõ ý nghĩa của cái tên dài dằng dặc Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, tổ chức mà nó đang tham gia. Và từ lúc đó nó mới hiểu ý nghĩa đích thực của 2 chữ "giải phóng" những khi nó mơ ước rằng nó sẽ góp phần để chấm dứt cái sợ của mẹ nó và những người dân trên đất nước đau thương này.

Bạch Vân đi vào khu chiến cùng với chiến hữu Dương Văn Tư. Chiến hữu Tư thì nhiều người đã nghe tên. Ông là sĩ quan cấp tá, chỉ huy một trung đoàn bộ binh ở miền Tây. Tháng tư buông súng ông vẫn còn ấm ức. Đánh đấm ngon lành vậy mà thua lãng nhách. Trong đầu óc của ông ngay từ lúc này đã in đậm nét của hai chữ "phục quốc". Phải phục chứ, đất nước như thế này đâu có thể để cho cái bọn như vậy nó dầy vò. Ông vẫn thường rì rầm với người quen như vậy.

Bạch Vân là một người bà con của chú Tư, thuộc về hàng con, cháu, không xa mà cũng chẳng gần, kiểu như "một giọt máu đào hơn ao nước lã". Năm 1982 Bạch Vân vừa đúng 16 tuổi. Biết chú Tư đang đi tìm một phương trời mới, nó năn nỉ chú Tư cho nó theo. Ở lại đây nó không chịu được cái cảnh người ta coi nó không ra gì. Ai cũng khi dễ nó được. Ai cũng có thể ăn hiếp nó. Chú Tư suy nghĩ rồi bảo: "Mục đích của mày là đi đệ tam quốc gia, phải không, muốn thì mày cứ đi theo. Còn đối với tao việc đi đệ tam quốc gia không có ý nghĩa gì cả. Tao có một mục đích, có ý nghĩa khác. Nếu mày theo tao thì theo, còn không muốn theo thì thôi, tao không ép".

Nó chưa nghe chú Tư nói "mục đích ý nghĩa" của chú Tư ra sao, nhưng nó tin rằng phải là chuyện tốt. Hơn thế nữa, phải là chuyện ngon lành. Từ đó tới giờ nó vẫn nghe người ta ca tụng chú Tư "quýnh giặc chì một cây". Nhưng mà khoan hỏi, được chú Tư cho đi theo là nó mừng rồi. Nghe như vậy, nó thưa với chú Tư: "Chú Tư cho con theo chú Tư. Con muốn học hỏi ở chú Tư những cái gì mà chú Tư đã đi qua rồi. Con không có gia đình để chỉ dẫn cho con. Còn lý lịch thì con lai, với cái lý lịch này khi ở trong trường con đã thấy Việt cộng không để cho con yên đâu".

Bạch Vân nói ở trong trường không yên, đó là nó quýnh quáng mà nói vậy, chứ cái chuyện không yên là ở cả ngoài đời nữa kìa. Đi tới đâu người ta cũng dè bỉu nhạo báng nó. Đất nước này vốn đã có những thành kiến khắt khe đối với những trường hợp như nó, bây giờ dưới chế độ cộng sản, dường như những cái này còn được người ta khích động thêm. Tạo chia rẽ, hận thù vốn là chủ trương của những người cộng sản mà.

Chú Tư vốn vẫn có lòng thương thằng cháu. Trong hoàn cảnh này làm sao chú đành bỏ nó. Tuy vậy, chú Tư cũng dằn mặt nhẹ: "Ừ mày muốn đi theo tao thì đi, mà mày có biết hàn dép không, nếu không biết hàn dép thì phải đi gánh nước. Ở Kampuchia người ta thường làm những công việc này để sinh sống qua ngày. Tao cũng phải đi kiếm cái gì đó để làm, rồi sau đó mới tiếp tục đi tiếp".

Nó hỏi chú Tư đi tiếp tới đâu thì chú Tư không nói, chỉ bảo rằng cứ đi đi rồi biết.

Nó theo chú Tư vượt biên bằng đường bộ, với người con của chú. Đi hướng Tây Ninh, qua Gò Dầu, bằng xe tải. Chú Tư đi đâu thì thằng cháu đi theo đó. Với kinh nghiệm của một vị trung tá bộ binh mấy chục năm hành quân trên khắp các chiến trường, thì chuyện vượt biên này không có gì là khó khăn cả. Qua tới bên Miên đi tuốt lên đến tỉnh Battambang. Ở đó thằng cháu thì đi gánh nước. Còn chú Tư thì đi chặt đầu cá lóc để làm khô. Người ta cho bao nhiêu thì cầm bấy nhiêu, chứ không có hỏi. Ở Battambang 4 ngày thì lại theo xe tải của bộ đội để đi Siem Rệp. Đến Siem Rệp gặp những người Việt Nam đi vượt biên bằng đường bộ, có một gia đình quen chú Tư, tình cờ mà quen thôi, rồi sau đó rủ nhau cùng đi, theo con đường bộ tới Nong Chan nhưng được nửa đường thì bị lính Shihanouk bắt. Họ đem tất cả vô trại NW82.

Vô trong trại tỵ nạn nó thấy hàng ngàn người sống ở đây để chờ ngày đi định cư ở các nước đệ tam. Ai cũng háo hức chờ mong cuộc sống mới. Nó cũng lây cái háo hức của những người xung quanh. Một hôm chú Tư nói với nó: "Tới đây là đã đạt mục tiêu của mày, mày ráng chờ có nước nào họ chấp nhận cho định cư, Tây Mỹ gì cũng được, qua tới đó học hành lấy bằng cấp ngon lành rồi đi làm, sống sung sướng còn dư tiền nuôi má mày. Mục tiêu của mày thì có được rồi đó, nhưng còn mục tiêu của tao thì chưa". Đi làm đi ăn sống sung sướng, nuôi má. Chú Tư nói trúng rồi, đó là những điều nó vẫn nghĩ tới. Nhưng nghe như vậy nó ráng hỏi thêm, cái tật của nó là hay hỏi, nhưng trường hợp này thì phải hỏi chứ: "Vậy chú Tư đi đâu?". Chú Tư nói: "Tao chưa biết, nhưng tới đây chưa phải là mục tiêu của tao. Bây giờ đã đạt mục tiêu của mày rồi thì mày muốn cái gì hãy quyết định lấy. Đến đây là hết trách nhiệm của tao rồi".

Chú Tư vẫn vậy. Tánh chú hiền lành. Chú ít nói, không nói gì xa xôi. Nó biết chú không nói vì sợ nó không hiểu, chứ không phải chú muốn dấu nó điều gì.

Ba tô phở được bưng ra thơm phức. Tôi, Bạch Vân và Quang đua nhau nặn chanh, ngắt rau thơm bỏ vào tô. Buổi sáng không có gì tuyệt bằng có một tô phở. Mà nói cho cùng, bất cứ lúc nào có được một tô phở cũng đều tuyệt. Quang lớn tuổi hơn Bạch Vân. Anh cũng là một kháng chiến quân của Mặt Trận, từng xâm nhập về Việt Nam những năm 80. Không may toán anh bị bắt khi đã đặt chân lên đất nước của mình. Anh bị tù 8 năm, sau đó được trả tự do và đi Mỹ. Câu chuyện giữa 3 người chúng tôi càng lúc càng rôm rả. Quá khứ đã mờ dần trong trí óc của Bạch Vân, bây giờ như đang từ từ sống lại. Có những điều anh không còn nhớ, phải cố gắng lắm mới nhớ mài mại. Thỉnh thoảng Quang chêm vô một hai câu. Quang không biết nhiều về chuyến xâm nhập của Bạch Vân, bởi vì Quang đã đi chuyến xâm nhập trước Bạch Vân, nhưng họ có thời gian cùng ở trong khu chiến của Mặt Trận... Từ từ, tô phở vơi dần, và những câu chuyện của 20 năm trước đã dễ thấy hơn, nó như một cuốn phim được quay ngược lại. Hỏi về việc hai chú cháu biết đến và gia nhập Mặt Trận trong hoàn cảnh nào, Bạch Vân kể tiếp.

- Hai chú cháu em ở trại NW82 một thời gian em không nhớ là bao lâu, nhưng chắc cũng không lâu lắm đâu, bỗng một hôm có một người thanh niên đi vào trại. Sau này em mới biết đó là anh Huy, tức chiến hữu Nguyễn Trọng Hùng, một cán bộ cao cấp của Mặt Trận. Anh lái một chiếc xe truck cũ nhỏ hiệu Toyota, loại xe mà người Thái thường dùng để chở đồ vặt vãnh nhẹ nhàng. Anh Huy và chú Tư đứng nói chuyện riêng với nhau, em không biết chuyện gì nhưng thấy có vẻ thú vị lắm. Em cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao chú Tư mới tới đây mà đã quen một người nào đi vào trại với tính cách rất đặc biệt, lái xe truck trên có mấy người lính Thái.

Buổi tối hôm đó khi người khách lạ đã ra về rồi em mới hỏi chú Tư về người khách đó, thì chú Tư nói: "Đó là chuyện của tao, mày muốn xía vô chuyện của tao phải không? mày muốn xía vô chứ có muốn theo tao không?". Em trả lời chú Tư rằng em không dám xía vô chuyện của chú Tư, nhưng em muốn theo chú Tư, chú Tư đi đâu thì em xin theo đó.

Phải nói là nó trả lời khôn dàn trời. Nói vậy làm sao chú Tư cự tuyệt được. Chú Tư nói thêm rằng bây giờ tao đi đánh Việt cộng mày có muốn theo không?.

Lúc đó em còn nhỏ, không hiểu vấn đề chính trị chính em là cái gì, nhưng nghe nói đánh Việt cộng thì em đồng ý liền, vì em thấy khi Việt cộng vô thì bà con cực khổ quá. Chú Tư nghe em nói vậy thì mới khóc và tâm sự: "Tao buồn cho đất nước của mình. Những thằng như mày lẽ ra phải có được tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng thôi, nghe mày nói như vậy thì tao cũng mãn nguyện rồi. Mày chờ đó rồi 3, 4 ngày nữa đi theo tao".

Nghe chú Tư nói vậy trong người em dâng lên một niềm sung sướng. Được đi theo chú Tư trong đoạn đường kế tiếp thì phải nói là may mắn cùng mình.

Nó cũng được coi như đã trưởng thành để cùng làm chuyện lớn với chú Tư.

Giọng Bạch Vân trùng xuống, tôi để ý thấy mỗi khi nói đến những chuyện lớn, giọng Bạch Vân có vẻ nghẹn ngào. Anh chàng này cũng là người đa cảm.

- Như vậy rồi em với chú Tư đi cái rột vô khu chiến?

Mấy cái tô được bưng đi. Bình trà được mang ra. Có phở, có cà phê, có trà, nghe chuyện kháng chiến. Buổi sáng này thật là hạnh phúc trong đời.

- Dạ, mấy ngày sau anh Huy chạy xe vào trại chở chú Tư và em đi.

- Lại vẫn chỉ có 2 chú cháu?

- Dạ không, cùng đi chuyến này có thêm mấy người nữa, trong đó có Đỗ Thành Nhân sau này trở thành Dân Đoàn Trưởng và mấy người nữa, em hết nhớ tên rồi. Con chú Tư được nhận đi định cư. Em theo chú Tư đi vào chiến khu, khoảng 1 tuần lễ sau chú Tư nói với em: "Bây giờ cũng là cái lúc mà con phải học hỏi trường đời. Đây là cái trường đời để con học hỏi. Bây giờ chú Tư thả con ra, chú Tư không giữ con nữa. Ráng cố gắng vươn lên để trở thành một con người thành đạt sau này". Từ đó trở về sau, mỗi khi gặp em chú Tư đều kêu em là "chiến hữu" và em cũng gọi chú Tư như vậy. Chắc hẳn chú Tư muốn em ý thức rõ ràng rằng em đang là một kháng chiến quân của Mặt Trận, chứ không phải chỉ là một thằng cháu của chú. Từ đó giữa chú Tư và em ngoài tình chú cháu ruột thịt còn có thêm tình chiến hữu cũng đậm đà không kém. Lâu lâu chú Tư cũng chỉ dạy cho em thêm về việc đời cũng như công việc của một kháng chiến quân. Em biết chú Tư có nguyện vọng trở về Việt Nam để chiến đấu. Trước khi chú Tư ra đi, chú có dặn em rằng, ở đây không phải là một cái gia đình mà chú đi đâu cũng có thể dắt em theo được. Có thể em sẽ không được đi cùng chú Tư trong chuyến đi sắp tới, vì thế em phải nhìn rõ mọi bước chân của chú Tư để có thể đi theo sau này.

Trước đây tôi đã nghe nói, khi vào khu chiến chiến hữu Dương Văn Tư rất được chiến hữu Hoàng Cơ Minh quý trọng. Anh em kháng chiến quân cũng yêu thương "papa Tư" hiền lành này, ngoài việc kính trọng một vị phó tư lệnh của Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến. Lúc nào ông cũng vẫn quân phục chỉnh tề như trong thời quân ngũ. Ăn nói nhỏ nhẹ, nhưng đầy cương quyết. Ông chỉ nói những điều ông sẽ làm được.

Chiến hữu Dương Văn Tư chào mừng các KCQ trong một buổi sinh hoạt tại căn cứ 81 vào năm 1984
"Chú Tư rất muốn có con ở bên cạnh, nhưng mình không nên nghĩ đến việc gia đình riêng tư nữa, nên nghĩ đến công việc chung của Mặt Trận là hơn hết." Đó là những lời tâm sự của chú Tư khi 2 chú cháu ngồi bên nhau trong cái đêm cuối cùng, để sáng hôm sau chú Tư lên đường theo đoàn quân Đông Tiến trở về đất mẹ vào năm 1985.

- Sau khi chú Tư đi rồi thì chiến hữu Trần Thiện Khải và chiến hữu Nguyễn Trọng Hùng là những người hướng dẫn, đào tạo em.

Tôi nghĩ thầm mà không nói ra: "anh chàng này tốt phước, được ở gần những con người như vậy thì làm sao không nên người".

- Trong số những bài giảng dạy mà em đã được học, có bài về "Đắc nhân tâm" là đặc biệt, em bị tra hỏi về bài đó nhiều đêm. Anh Huy chỉ cho em về cách thức chỉ đạo khi đứng trước hàng quân. Tình cảm sau này nẩy sinh giữa anh Huy và em cũng giống như 2 cha con. Hai cha con thường mắc võng nằm bên nhau nói chuyện. Có rất nhiều chuyện trao đổi, nhưng khi có người thứ 3 thì em không bao giờ xưng hô với anh Huy như vậy. Lúc đó em đã 18, 19 tuổi, và em cho rằng em đã thành người lớn rồi, nhưng Thầy và anh Huy thì cho rằng em vẫn còn nhỏ lắm. Một thời gian sau em được bổ nhiệm làm Dân Đoàn Trưởng, và em đi công tác rất nhiều, hầu như chiến dịch nào em cũng có mặt. Em có đặc tính siêng năng, chăm chỉ, cần cù, công tác nào cũng ráng hoàn tất, tuy nhiên chỉ có tật hơi bướng. Em cho rằng em là một con ngựa chứng, và người cầm cương em phải là thật đặc biệt. Người đó là anh Hải...

- Hải Xâm, tức chiến hữu Nguyễn Quang Phục, từ Nhật về?.

- Dạ đúng rồi. Tuy tình cảm giữa em và anh Hải không đậm đà như giữa em và anh Huy, nhưng cách đối xử của anh Hải với em làm cho em rất quý mến anh ấy. Em cũng đã từng theo anh Hải đi các chuyến xâm nhập. Mỗi toán đi như vậy khoảng trên 10 người, đi gần một tháng thì về đến Việt Nam. Có đợt chỉ có 4, 5 người em nhớ có Khưu Xuân Hưng, Dương Thanh, Linh, Sóc Phôn, Nguyễn Văn Tứ... Mỗi lần đi theo một lộ trình khác nhau, chủ đích dò xem tình hình như thế nào để xử dụng cho các chuyến xâm nhập hay cho chiến dịch Đông Tiến sau này...

Nói đến các chuyến xâm nhập, Quang cũng hào hứng muốn góp phần. Khách vào tiệm bắt đầu đông. Tôi rủ 2 anh chàng về nhà nói chuyện, như vậy riêng tư và thoải mái hơn. Bạch Vân lái chiếc xe van cũ đưa tôi ghé thăm căn nhà mà anh đang sửa.

- Em mới mua rẻ. Phải sửa nhiều lắm, gần như toàn bộ. Phải bóc nền làm lại, cửa làm lại, vách làm lại, bed room cũng làm lại...

- Như vậy làm lại hết trơn rồi. Vậy thì có rẻ không ?

- Tiền mua rẻ mới hợp với cái túi của mình. Rồi sau đó sửa lai rai, tự làm lấy mà đâu có tốn hao nhiều. Chứ bỏ ra một lúc đầu mua cái mắc hơn làm sao đủ tiền.

- Rồi lúc này vợ con ở đâu?. Tôi hỏi vì nhớ đến 2 đứa con nhỏ của Bạch Vân

- Còn ở nhà cũ. Khi nào xong mới dời qua đây.

- Thành ra cũng còn bận rộn dữ hả?

- Mấy cái này không mệt nhiều. Mệt nhiều là bà già em bịnh ở Việt Nam không ai coi, chỉ có mình bà ngoại lo...

Chà cái này thì mệt thiệt. Tôi la thầm trong bụng. Sao không ngược lại thì có phải "dễ chịu" hơn không. Bà mẹ già lão lại phải lo bịnh cho bà con cũng lão già. Cuộc đời vẫn có những cái "ngược ngạo" như vậy. Tôi chia sẻ cái "mệt" này của Bạch Vân.

- Rồi em phải tới lui...

- Dạ, tới lui cũng muốn hụt hơi.

Nó chỉ nói là muốn hụt hơi. Còn tôi cảm thấy hơi thở của mình bị hụt thực sự.

Ba chúng tôi về căn nhà của Quang ở gần đó. Quang nói:

- Ở đây tiện, anh em mình tha hồ tâm sự. Tới trưa thả ra tiệm gần đây, chỉ chạy xe có 5 phút.

Cuộc đàm thoại lại tiếp nối theo câu chuyện lúc nãy. Bạch Vân lại say sưa:

- Trong những chuyến xâm nhập, đôi khi cũng có đụng độ lẻ tẻ trên lộ trình đi hoặc về. Em còn nhớ có chuyến chúng em đã vào trong lãnh thổ Việt Nam, chỉ còn cách Pleiku khoảng 5, 3 cây số. Đã nhìn thấy người dân đi làm rẫy, và người dân cũng nhìn thấy chúng em. Họ thấy tụi em mặc đồ rằn ri thì có vẻ ngạc nhiên lắm.

- Rồi mình có tiếp xúc với dân hay không?

- Lệnh hành quân không cho. Chỉ đi thám sát tuyến đường thôi. Lúc đó tụi em phải tìm đường trở về ngay để tránh khỏi bị bại lộ. Đường về cũng vô cùng gian nan, đi 5, 6 ngày cho đến khi lương thực cạn kiệt, đói chỉ uống nước cầm hơi. Đột nhiên trong một lần nghỉ chân em đang nằm trên võng vô tình nhìn thấy trong một gốc cây có những giây leo giống như giây khoai 3 lá mà em từng biết khi còn ở Việt Nam.

- Đúng rồi, dây khoai 3 lá, trong rừng nhiều lắm. Quang thêm.

- Em lần mò theo sợi giây leo đó cho đến khúc cuối cùng, chỗ sợi giây leo chui xuống dưới đất thì đụng một củ khoai. Củ khoai này còn tươi, cái cuống bự lắm. Em đào củ khoai mất 3 tiếng đồng hồ, khoét sâu xuống như cái hố. Củ khoai này giúp anh em no bụng trong mấy ngày trời. Ăn xong tìm thêm vài củ nữa bỏ trong balô để làm lương thực cho những ngày sau đó. Rồi cũng đến lúc hết khoai, bỗng nhiên tụi em thấy một con trâu bên bờ suối. Đúng là ông trời gửi xuống cho mình. Chiến hữu Tứ bắn con trâu này lấy thịt để ăn và mang theo đường. Sau đó toán của tụi em trở về khu chiến an toàn. Lúc đó ông Thầy còn đang ở xa, nhưng khi hay tin toán của tụi em trở về, Thầy ra lệnh ban thưởng cho tụi em 5 người mỗi người một bằng tuyên dương.

- Rồi lại về ở trong khu chiến?

- Rồi lại đi nữa. Có khi trong một năm em đi mấy chuyến như vậy. Đi hoài riết rồi thấy ham đi, còn những lúc không đi thì thường ở căn cứ 84. Trong các chuyến xâm nhập này cũng có trường hợp anh em bị thương khi đụng độ, và có trường hợp đã hy sinh. Chiến hữu Phùng Tấn Hiệp cũng tham gia những chuyến xâm nhập như vậy, và trong một chuyến công tác xa khi trở về gần đến căn cứ Hồng Lĩnh thì anh Hiệp bị trúng mìn. Anh mất ngay sau đó. Anh Hiệp sau được tuyên dương là Anh Hùng Đông Tiến. Anh biết câu chuyện này chứ hả?

- Ừ, anh biết. Tôi gật gù. Anh có nghe câu chuyện anh Hiệp khi ở Đồng Bò Nha Trang đã tham gia phục quốc. Ảnh quần cho Việt cộng xất bất xang bang. Việt cộng dí anh nhiều lần nhưng bắn không trúng.

- Người ta nói anh Hiệp có bùa. Bạch Vân nói.

- Bùa gì, anh Hiệp có nghề võ. Quang sửa lại.

- Sau cùng anh Hiệp vượt biên đến tỵ nạn ở Nhật, rồi gia nhập Mặt Trận, sau đó đi về khu chiến. Tôi bổ túc thêm câu chuyện về chiến hữu Phùng Tấn Hiệp. Thời gian đầu thập niên 80, những anh em mới gia nhập Mặt Trận đã thích thú theo dõi những câu truyện ly kỳ liên quan đến vị anh hùng trẻ tuổi này. Rất tiếc anh đã hy sinh ngay những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến. Tháng 12-83, anh tham dự chuyến xâm nhập vào lãnh thổ Lào, trên đường trở về chiến khu, khi đến chân núi Bẩy Cấp thì anh bị trúng mìn. Quả mìn đã gây thương tích nặng cho chân trái của anh. Anh em cấp tốc tản thương anh, đến căn cứ Bẩy Cấp có chiến hữu Lê Hồng ra đón, tìm cách chuyển đến bệnh viện U Bon, nhưng anh đã mất trên đường di chuyển, xác được chôn ở trong căn cứ.

Tôi trở lại câu chuyện với Bạch Vân.

- Rồi sau đó em đi theo chiến dịch Đông Tiến với Thầy?

Kháng chiến quân đi tải
... và thực tập vượt sông

- Đến tháng 7 năm 1987 tụi em lại được lệnh lên đường. Mừng ơi là mừng. Chuyến Đông Tiến này em đi theo Quyết Đoàn 7684, thuộc dân đoàn bảo vệ cho các chiến hữu lãnh đạo như chiến hữu Võ Hoàng, Trần Hướng Việt, chiến hữu Trương Ngọc Ny, Lê Văn Long, anh Huy... chiến hữu Đỗ Thành Nhân là đoàn trưởng.

- Chuyến đi này có đụng độ dữ dội lắm!.

- Phải rồi. Kẹt là mình chưa rút chân ra khỏi ổ bao lâu nó đã chơi mình rồi. Vừa khởi hành một ngày thì đã đụng độ với địch. Đoàn của em không đụng nhưng đoàn phiá trước hay phiá sau đều bị đụng, khiến cả đoàn quân phải dạt qua phiá trái hay phiá phải để tránh đụng độ. Em nghĩ lực lượng địch truy lùng chúng em lên đến cả mấy trung đoàn. Sau này khi bị bắt tụi em nghe nói rằng bên Việt cộng có lệnh là phải cố gắng bắt sống chúng em chứ không bắn chết. Em nghĩ không phải vậy đâu, kỳ nào đụng tụi nó cũng bắn rát chứ đâu có khỉa lên trời... Khoảng sau đó mười mấy ngày Thầy mới cho tập họp các cán bộ từ cấp Quyết đoàn trưởng, Quyết đoàn phó để Thầy trình bầy một số vấn đề quan trọng. Em nghe Thầy nói các chiến hữu phải tìm cách phá vòng vây, mỗi người một hướng đi về Việt Nam và về tới đó sẽ tìm cách bắt liên lạc với nhau.

Lễ xuất quân tại căn cứ 81 năm 1986
Bạch Vân kể những ngày này như nhẩy cóc. Nhớ tới đâu kể tới đó. Đang ở khúc cuối nó sàng qua khúc đầu, rồi mình đang theo nó ở đoạn đó, bỗng nhiên nó lại nhẩy qua khúc kế chót. Tôi chạy theo cũng muốn hụt hơi. Mà cũng không trách được. 48 ngày trời quần thảo với những đơn vị Việt cộng và Lào cộng trên con đường gần 400 cây số. 20 năm sau nhớ lại thì trận nào cũng giống như trận nấy mà thôi, cũng đều có súng nổ, người chết.

- Sau khi tụi em dồn nỗ lực đánh lạc hướng, đoàn chính thoát ra được áp lực của địch mấy ngày. Nhưng rồi có lẽ Việt cộng lại phát giác ra rằng những đơn vị mà họ truy lùng không phải là lực lượng chính có nhân vật đầu não là ông Thầy, cho nên họ lại đuổi theo hướng khác và lại tìm đến tụi em. Em nghe có cả tiếng trực thăng và những loại súng cối nổ vang rền. Đó là những ngày cuối cùng của chiến dịch. Địch nã súng cối vào đoàn quân liên tục. Đêm nằm sáng ra thấy cái poncho lủng lỗ chỗ như cái rổ gạo... Sáng hôm sau em với anh Huy vừa tiến ra thì gặp ngay một toán quân Việt cộng. Anh Huy nói em chạy báo Thầy để Thầy đổi qua hướng khác hầu thoát được cuộc chạm trán bất ngờ đó. Nhưng tất cả vẫn lần quần với nhau. Tụi nó vây chặt quá. Tụi em tiếp tục đi nữa 1, 2 ngày sau thì anh Huy cũng kiệt sức. Em còn gói mì chót, đưa cho anh Huy ăn cầm hơi. Ông Thầy cũng nằm nghỉ gần đó. Tụi em nằm suy nghĩ miên man.

- Lúc này anh em còn khoảng hơn 40 người, và địa điểm này chỉ còn cách Đức Phổ chưa đầy hai chục cây số đường chim bay. Trong balô của em cũng còn mấy viên vitamin C, em chia ra để anh em cùng dùng. Đêm đó anh Huy nói với em rằng, con đường của anh tới đây là đã mãn nguyện rồi. Anh không muốn em ở sát bên anh, vì cũng không còn giúp gì được nữa đâu. Anh khuyên em tìm đường khác mà đi vì em còn trẻ lắm. Đêm hôm đó chúng em khóc nhiều bên nhau. Anh Huy lấy tấm hình các con của anh, nhìn xong rồi xé đi đào lỗ chôn xuống. Anh Huy bảo em: "Bố muốn con sống vì con còn nhiều việc phải làm. Bố muốn con quay trở lại Thái để báo cáo tất cả sự việc." Anh Huy đưa cho em cái balô của anh mà em không biết trong đó có gì, bảo em đi đi. Lúc đó em không còn biết nghĩ gì cả. Không khí thật là căng thẳng. Mùi khói thuốc súng còn phảng phất xung quanh... Cho đến lúc trời gần sáng thì Việt cộng lại bắt đầu tấn công. Anh Huy đưa cho em cái địa bàn mầu đen của anh, bảo em nhắm hướng tây mà đi. Anh dặn dò em một câu chót: "Sau này còn sống đừng quên những gì bố Huy đã dạy". Anh cũng nói em kiếm thêm một người cùng đi. Em kiếm chiến hữu Tân nhưng chiến hữu này nói đã hết sức, không theo nổi. Đến sáng, thấy em vẫn còn bên cạnh, anh Huy gắt bảo sao không chịu đi đi, đợi chết hết cả đám hay sao? Lúc đó em đã bị thương bởi mảnh súng cối, không đi được đâu xa, nên lại quay lại chỗ anh Huy. Lúc đó anh Huy đã kiệt sức, nằm trên võng mà không nói được gì. Em thấy anh Đẩu và Thầy ở phiá bờ suối. Con suối này rất lớn và nước chảy rất xiết. Người còn khoẻ cũng khó có thể băng ngang con suối này. Một lúc sau em vừa đi cách một khoảng xa thì nghe một tiếng súng, lúc đó em nghĩ rằng tiếng súng đó là anh Huy tự sát. Nhưng em không còn có thể đi trở lại. Em cũng kiệt sức, nằm liệt trên võng. Một lát sau em mệt quá ngất đi... lúc tỉnh dậy em thấy bị trói chân và tay trong một cái chòi của Lào. Chúng trói em như vậy đến mấy ngày sau mới truyền cho một chai nước biển. Khoảng 1 tuần lễ sau em được cho ăn một chén cháo. Sau đó chúng giải em về Sê Kông, ở trại giam này khoảng 1 đến 2 tháng rồi giải giao bằng xe hơi về trại giam Pleiku, rồi sau đó giải về bộ Nội vụ Nguyễn Trãi, nằm ở đó 1, 2 năm rồi đưa về Suối Máu....

Bạch Vân kể đoạn này liền một mạch như sợ nếu ngưng lại thì những hình ảnh quá khứ kia sẽ bị đứt và biến mất. Đến đoạn kể về cái chết của "anh Huy", tôi thấy giọng nó nghèn nghẹn. Hai mươi năm rồi mà Bạch Vân. Bao nhiêu con nước đã chảy qua dưới cầu, mà sao nó vẫn không thể quên cái không khí bi hùng lúc đó.

- Lúc bị bắt nó "kỳ" lắm. Giống như mình đang làm một chuyện gì đó ngon lành bỗng nhiên phải ngưng ngang. Quang góp chuyện vào cái chỗ lúc Bạch Vân bị bắt.

- Lúc đó em mệt quá nên chẳng suy nghĩ gì, mà cũng chẳng sợ. Chỉ thương cho Thầy và các chiến hữu đã hy sinh.

- Mấy chiến hữu chỉ huy đều tự sát chứ đâu phải Việt cộng bắn trúng.

- Đúng vậy. Tức một cái là tới sát một bên rồi. Giống như mình leo lên chỏm cây cao là nhìn thấy nhà cửa bên Việt Nam.

Tôi cười vì cái thí dụ đơn giản của Bạch Vân.

- Em làm như bước qua bên kia biên giới thì nó không đụng được tới em.

Bạch Vân cười hồn nhiên. Tôi không cười được như nó. Tôi còn đang nghĩ đến những người chiến hữu anh hùng đã nằm xuống trên những cánh rừng của tỉnh Atopeu ở cực Nam của nước Lào. Mười sáu năm trước khi những chiến hữu Mặt Trận của tôi hy sinh ở Nam Lào năm 1987, vào năm 1971, tôi cũng đã có những người bạn hy sinh trong chiến dịch Lam Sơn 719 hành quân chớp nhoáng sang Tchepone, Hạ Lào. Họ đã nằm xuống tại những địa danh quen thuộc như đồi 30, đồi 31, căn cứ hỏa lực Delta... Nam Lào, Hạ Lào... Vùng đất định mệnh. Vùng đất này đã ôm ấp những người con anh hùng của mẹ Việt Nam. Các anh đã nêu lên tấm gương thật kiêu hùng. Các anh đã làm cho lòng của chúng tôi xót xa, nhưng đồng thời các anh đã giúp cho chúng tôi đứng thẳng. Đã giúp cho nhiều người đứng thẳng.

- Em bị giam ở Suối Máu 1, 2 năm nữa rồi bị đưa về Chí Hoà để chuẩn bị ra toà. Nhưng mà không có ra toà gì hết, không có xử công khai như vụ xử 18 kháng chiến quân Mặt Trận trước đó. Dường như tất cả những vụ xử án khác cũng vậy, đều là xử kín, trước sau chỉ có một lần xử công khai mà thôi... Việt cộng xử em 9 năm tù, rồi đưa em về trại Z32 Xuân Lộc, Long Khánh.

- Ở đó em ra sao?.

- Thì cũng lao động như những người khác. Sức em là thanh niên không sao, cũng không có vợ con để mà nhớ, chỉ thấy buồn vì không làm nên chuyện thôi. Gỡ hết cuốn lịch này rồi gỡ sang cuốn khác. Tổng cộng là 9 cuốn.

Nó nói 9 cuốn lịch mà như nói chơi. Hồi đó tôi gỡ chưa được phân nửa số lịch của nó mà đã thấy... ngán!.

- Em có nghe tin tức của chú Tư?

- Dạ không, hình như chú Tư cũng hy sinh trong chuyến xâm nhập của chú. Đất nước mình còn chưa khá.

Tôi giật mình nghe Bạch Vân buông câu chót. Nó... vậy... mà cũng biết nói tới vận nước. Tưởng rằng chỉ cái... vận nhà của nó cũng đủ khiến nó... hụt hơi rồi.

Chúng tôi miên man câu chuyện mấy tiếng đồng hồ như vậy. Có những lúc không khí ngừng đọng như chiếc kim đồng hồ muốn đứng im một lát để chờ bọn tôi. Sau khi đè nén tâm tư xuống tận đáy lòng, bọn tôi buông ra một tiếng thở dài, chiếc kim gió của cái đồng hồ treo trên vách lại vui mừng nhẩy nhót những bước chân quen thuộc.

Buổi trưa, ba anh em ăn với nhau bữa cơm ở cái tiệm gần nhà. Cùng với 2 người bạn nữa. Trên bàn đầy những đĩa thức ăn. Cũng có món xào, món chiên, món canh, món mặn đủ cả. Ăn uống ở xứ này vừa ngon vừa rẻ. Chúng tôi tạm gác qua một bên câu chuyện của 20 năm trước để trở về với cuộc đời trước mặt. Bạch Vân nói về người vợ trẻ và 2 đứa con ngoan. Bạch Vân nói về dự tính sửa sang căn nhà trở thành một mái ấm gia đình. Anh cười nhưng giọng cười vẫn mang vẻ lo âu. Tôi nghĩ anh không thể quên được gánh nặng ở quê nhà: mẹ bịnh phải nhờ ngoại lo. Có lúc tôi nghe hình như Bạch Vân có bứt tóc.

- Phải chi chuyến đó không tan tác thì em đâu có đi xa như vậy. Em ở ngay đó lo cho mẹ em được rồi.

Chúng tôi chia tay và hẹn gặp lại. Trên chuyến bay trở về buổi sáng sớm hôm sau, tôi còn nghe mãi 2 chữ "phải chi" của Bạch Vân vang vang bên tai. Có nhiều trường hợp phải xài 2 chữ "phải chi" này lắm Bạch Vân à. Phải chi ai cũng đều biết nghĩ đến hai chữ phải chi.....