Năm 1935 gia đình tôi có hai chuyện vui. Sau một thời gian học hỏi nghiên cứu, mẹ tôi đã mở được một cửa tiệm bán đồ phụ tùng xe hơi, tiệm Đông Minh, ngay trên đại lộ Đinh Tiên Hoàng trông sang bờ hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Cách nay hơn 70 năm, một người đàn bà Việt Nam liên lạc với hãng buôn Pháp, nhập cảng các thứ phụ tùng xe hơi không phải là một việc dễ. Thế mà mẹ tôi đã thành công với một cửa hiệu rất khang trang, xuất hiện ngay tại trung tâm thành phố Hà Nội.
Việc vui thứ hai là mấy tháng sau, mẹ tôi hạ sinh một em trai rất khỏe mạnh. Để kỷ niệm cửa hiệu Đông Minh mới khai trương do công sức của mẹ tôi, cha tôi đặt tên em là Hoàng Cơ Minh. Vì là một nhà nho và cũng là một Phật tử thuần thành, nên cha tôi rất thận trọng trong việc đặt tên con. Con trai tên đệm chữ “Cơ” có nghĩa là căn cơ. Chữ “Cơ” lại còn một nghĩa nữa là cái lẽ huyền diệu. Bởi ý nghĩa cao đẹp đó nên tên của tất cả con trai trong gia đình đều bắt đầu bằng “Hoàng Cơ”.
Hình chụp gia đình chúng tôi vào năm 1943, em Minh mặc quần short trắng đứng bên phải, tôi đứng sau thân phụ của chúng tôi. |
Em tôi hồi nhỏ rất bụ bẫm, lớn lên cao to nên cũng chơi nghịch rất mạnh dạn. Vì tính mạnh dạn đó mà em tôi có lần suýt bị nước biển cuốn trôi nếu không có người chị nhát cáy như tôi lại kịp thời cứu được. Lúc đó em tôi mới độ 5, 6 tuổi. Một lần cả nhà đi tắm biển ở Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi dắt nhau đi trước trong lúc cha mẹ tôi theo sau. Khi tới gần mé nước, em tôi vụt chạy nhanh rồi lội băng xuống nước. Bất chợt em tôi ngã ngồi xuống đúng lúc một cơn sóng ào đến chùm qua đầu em tôi rồi cuốn lôi ra xa. Tôi hốt hoảng lội theo, nắm lấy chân em mà kéo ngược lại. Hai chị em cùng ướt lướt thướt, tôi thì vừa thở vừa sợ, còn em tôi thì ho sặc sụa vì uống nước mặn quá. Về sau khi em tôi trở thành sĩ quan Hải Quân, thỉnh thoảng tôi vẫn đùa em tôi rằng chuyện khó tin nhưng có thật, người không biết bơi đã cứu ông hải quân thoát chết đuối!
Lớn lên em tôi trở thành một người thẳng thắn, bộc trực, rất cương quyết nhưng cũng rất tình cảm. Em tôi rất hiếu kính cha mẹ, thuận thảo với anh chị em, lại có lòng nhân từ với những người chung quanh. Từ ngày còn nhỏ, cá tính em tôi đã bộc lộ từ ngày đó, thường hay đã nói gì là làm y như vậy, không lay chuyển nổi.
Thi xong hai phần Tú Tài, em tôi ghi tên học Toán đại cương tại trường Đại học Hà Nội. Vừa hết niên học thì biến cố hiệp định Geneve 1954 chia đôi đất nước ập đến. Người miền Bắc lo sợ viễn ảnh một chế độ độc tài đảng trị, với bao hình ảnh đấu tố kinh hoàng nên quyết định chạy vào miền nam lánh nạn. Phương tiện di chuyển lúc đó cho đại đa số dân chúng là đường thủy. Các sinh viên ào ạt tình nguyện xuống tàu giúp đồng bào di tản, trong số đó có hai em trai tôi. Có lẽ những ngày gian truân trên biển cả với đồng bào tỵ nạn, cùng với những biến cố chính trị xẩy ra cho đất nước lúc bấy giờ khiến nhãn quan em tôi thay đổi.
Vào đến Sài Gòn, trong khi các sinh viên còn đang tạm trú tại khu đất trống trên đường Gia Long với tâm trạng hoang mang trước sự biến chuyển của đất nước, thì Hoàng Cơ Minh đã dứt khoát quyết định từ bỏ ghế đại học, tình nguyện theo học trường Hải Quân Nha Trang. Tâm tư ấy em tôi đã bầy tỏ trong một bức thư gửi từ quân trường về cho các bạn ở Sài Gòn:
“…tao vẫn hoài nghi rằng lớp sinh viên thanh niên nếu cứ theo con đường học hành cổ lỗ hiện tại thì làm cách nào cải tạo được cái xã hội này, làm thế nào mà đối phó được với tình trạng của xứ sở! Chờ cho chúng mày học xong, thành tài, bắt tay hoạt động, thì ôi thôi! Xin lỗi các cậu, có mà chỉ vùi đầu thêm sâu vào cảnh nô lệ thì có.”
Bức thư này đã được lồng vào cuốn truyện “Những Người Đang Tới” của tác giả Đỗ Thúc Vịnh, và cũng là người anh rể của Hoàng Cơ Minh đã cùng chia sẻ một tâm tư với người em vợ của mình. Nhân vật Hoàng, sinh viên sĩ quan Hải Quân, trong cuốn truyện này đã phản ảnh phần nào con người thật của em tôi.
Sau khi tốt nghiệp, khởi đầu với cấp bực Thiếu úy, từ chiến dịch Hoàng Diệu nơi Rừng Sát tới chiến dịch Thoại Ngọc Hầu miền Hậu Giang, em tôi đã bôn ba qua bao nhiêu chiến trận, bảo vệ từng tấc đất, từng bờ kinh, con rạch của quê hương yêu quý. Sau gần 20 năm xông pha trận mạc, người chiến sĩ Hoàng Cơ Minh đã được vinh thăng Phó Đề Đốc Hải Quân vào năm 1974 lúc vừa được 38 tuổi.
Đến tháng 4 năm 1975, đất nước ta lại một lần tan nát. Dân ta lại lần nữa phải bỏ quê hương, xứ sở ra đi. Cũng như lần chia đôi đất nước 1954, Hoàng Cơ Minh đã cùng đoàn tầu đưa đồng bào lánh nạn tìm tự do. Tới Hoa Kỳ, em tôi đã từ chối mọi tiện nghi sung sướng, chấp nhận cuộc sống lao động chân tay, tuy nhọc nhằn nhưng có thời giờ để đi khắp đó đây vận động, kêu gọi đấu tranh cứu nước.
Cả gia đình chúng tôi, nhất là thân mẫu tôi lúc đó còn tại thế, đã rất xót xa, thương con, thương em mình đã hy sinh địa vị, tiền tài, và cả hạnh phúc riêng tư để lo cho quê hương dân tộc. Chúng tôi lo lắng cho công cuộc đội đá vá trời quá nhiều gian nan, quá nhiều nguy khốn của em tôi.
Vì vậy khi Hoàng Cơ Minh tuyên bố thành lập khu chiến để giải phóng quê hương, chúng tôi đã hết lòng hưởng ứng vì đó là tiếng gọi của tình nghĩa gia đình, của tình yêu dân tộc và tổ quốc. nhưng thật đau lòng, Trời chưa tựa kẻ hiền lương nên đã khiến em tôi gục ngã trên đường trở về quê mẹ. Đến đây, tôi xin phép được trích mấy lời phát biểu của nhà văn Phan Lạc Tiếp nhân lễ giỗ cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ minh ngày 27 tháng 8 năm 2006:
“Sau biến cố 1975, định cư tại Hoa Kỳ, khởi đi từ một tấm lòng ngùn ngụt lửa đấu tranh và tràn đầy yêu nước, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đã tạo nên một niềm tin sắt đá cho một khối người, lập nên một tổ chức, một mặt Trận, quyết đường tìm về khôi phục quê hương… Họ đã nuốt lệ, bỏ lại gia đình, xóa bỏ tương lai, cùng ông dựa lưng vào niềm tin và nỗi chết mà đi… Họ quả là những dũng sĩ ngoại hạng của dân tộc chúng ta ở cuối thế kỷ 20.
Cũng chính những nghĩa cử đội đá vá trời của họ, một lần nữa làm cho cuộc bỏ nước ra đi của hàng triệu người Việt chúng ta thêm ý nghĩa. Chúng ta ra đi vì tự do chứ không vì cơm áo. Chúng ta ra đi để mưu cầu cho một cuộc trở về. Và có cuộc trở về nào quyết liệt và bi tráng như cuộc trở về của Tướng Hoàng Cơ Minh và những dũng sĩ Đông Tiến? Chỉ với ý nghĩa này, những hy sinh của họ tưởng đã đủ cho chúng ta ngưỡng mộ và biết ơn.”
Những lời phát biểu trên khiến tôi không cầm được nước mắt mỗi khi đọc lại. Em tôi nay không còn nữa. Em tôi đã gục ngã trên đường tìm về quê mẹ. Em tôi đã anh dũng hy sinh cho lý tưởng tự do, lấy cái chết để bầy tỏ lòng trung với tổ quốc. Em tôi đã thể hiện khí phách hiên ngang của một vị tướng, hy sinh trên chiến trường, thỏa lời nguyện ước:
“Đường chúng ta đi chỉ có hai cái đích. Cả hai cái đích đều vô cùng vinh quang và ý nghĩa. Một là giải phóng Tổ Quốc Việt Nam. Hai là được anh dũng hy sinh cho đại cuộc giải phóng Việt Nam.”
Em tôi quả đã hành xử đúng tinh thần của một người làm tướng, một người lãnh đạo. Với sự hy sinh anh dũng đó, em tôi đã trở thành vị tướng lãnh duy nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa có cái vinh dự chết tại trận tiền sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày hôm nay, ngồi đây viết lại những dòng cảm nghĩ này, tôi bồi hồi nhớ lại 30 năm trước, nhớ lại hình dáng cao gầy, tiếng nói, tiếng cười của người em thân yêu. Ước gì tôi được sống lại một lúc, một giờ, một phút của ngày đó để được nhìn lại cái dáng cao gầy, nghe lại tiếng cười ấy.
Dĩ vãng đã qua rồi, làm sao mà lấy lại được nữa!
California, 06-2007