Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Câu Chuyện Của Một Người Lưu Vong Trở Về

Ký sự đặc biệt của Trùng Dương [1]

What wrong with this world is, it’s not finished yet.
It is not completed to that point where man can put
his final signature to the job and say,
“It is finished. We made it, and it works.”
                       William Faulkner, 1953

Vào năm 1980, khi đặt chân trở lại vùng đất Đông Dương sau sáu năm sống đời lưu dân, để cùng với một số anh em chung một hoài bão tìm cách bắt tay với các lực lượng phục quốc đang hoạt động rải rác trên lãnh thổ Việt Nam, người cựu chiến binh mũ đỏ Lê Hồng, nguyên chỉ huy trưởng của một trong những đơn vị ưu tú nhất của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đã tự coi như chính mình đã được giải phóng. Dĩ vãng gồm những năm lưu lạc được bỏ lại phía sau cùng với những ưu phiền tủi nhục của người dân mất nước. Chẳng những thế, ngay cả quãng đời mấy chục năm làm chiến binh trước khi biến cố tháng 4– 1975 xẩy ra, cũng đã được rũ sạch, kể cả những chiến tích lẫy lừng, những hệ lụy tình cảm. Cũng kể từ đó, ông sống với một con người mới, đó là con người kháng chiến quân. Dưới một cái tên mới, Đặng Quốc Hiền, tự nó đã chứa đựng hoài bão ấp ủ về một vùng đất sẽ không còn nữa những tang thương, ông ôm hoài bão rằng đây phải là một cuộc chiến cuối cùng để chấm dứt mọi cuộc chiến, và quan yếu hơn cả là công tác phát động một cuộc chiến không dựa vào bạo lực mà nhắm vào việc thu phục nhân tâm để chuẩn bị cho một cuộc tổng nổi dậy.

Tuy nhiên, ở nửa chừng cuộc phỏng vấn có thu băng kéo dài hai tiếng đồng hồ mà ông Đặng Quốc Hiền đã dành cho tôi nhân chuyến ông ra công tác ở hải ngoại lần đầu kể từ khi ông về nưóc, vào trưa ngày 30– 4– 1984, tại tư gia của một thân hữu ở San Jose, California, có một lúc, ông chợt ngưng lại khi đang say sưa kể về cảm tưởng khi đặt chân trở lại vùng đất quê hương ba năm về trước. Quên hẳn sự kiện mình đã là một con người khác, không còn tơ vương nợ nần chi nữa với quá khứ, ông ngó tôi đăm đăm, rồi kêu lên bằng giọng nói chân chất, mộc mạc, phảng phất ít nét Hà Tĩnh, là nơi ông sinh trưởng:

“Bây giờ thì tôi nhớ ra chị rồi,” ông Hiền nói. “Chị là người tôi đã cố công tìm kiếm mà không được gặp.”

Tôi ngạc nhiên, vì đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với ông. nhưng tôi càng ngạc nhiên hơn khi ông nói, giọng sôi nổi, kêu tôi là “ân nhân” của ông. Rồi không chờ tôi có một phản ứng nào, ông thao thao kể về thời gian khi ông còn là Lê Hồng, trung tá Lê Hồng của Lữ Đoàn I Nhẩy Dù. Sau chiến thắng Quảng Trị năm 1972, ông đã kéo cả ngàn binh lính, sĩ quan dưới quyền từ vùng địa đầu về khách sạn Caravelle, Sài Gòn, để khao quân và để đi thăm viếng cùng cảm tạ 17 trong số 18 đoàn thể và cơ quan tư nhân đã hưởng ứng đóng góp trong chiến dịch Hậu Phương Yểm Trợ Tiền Tuyến.

Mặc tôi nhìn đồng hồ tay và kiểm điểm lại bảng câu hỏi viết sẵn còn dài so với thời gian cho phép còn lại của cuộc tiếp xúc, ông Đặng Quốc Hiền vẫn tiếp tục nói về điều ông Lê Hồng ngày đó vẫn mãi ân hận. Cái đoàn thể thứ 18 mà ông không được Nha Tâm Lý Chiến của Việt Nam Cộng Hoà sắp xếp cho đến thăm vì “lý do chính trị”, đó là nhật báo Sóng Thần của anh chị em chúng tôi (có lẽ vì Sóng Thần tuy yểm trợ quân đội nhưng chống những thành phần tham nhũng trong chính quyền và quân đội). Ông còn nhớ cả số tiền Sóng Thần đóng góp. ông gọi tôi là “ân nhân” của ông mặc dù tôi đã nhắc ông rằng ông đã vừa chẳng nói là với ông, dĩ vãng đã chết, rằng ông Đặng Quốc Hiền hiện nay chẳng có gì dính dáng tới ông Lê Hồng ngày trước hết, đấy sao. Tôi bối rối vì đã được ông gọi là “ân nhân”, trong khi thực tế phải là ngược lại mới đúng – đúng cả lúc này, cũng như đúng trong dĩ vãng. Tôi vừa ngượng ngùng, vừa ngỡ ngàng trước sự khiêm tốn và đôn hậu nơi người đàn ông 48 tuổi, nhỏ nhắn nhưng rắn dỏi, kiên quyết, đầy nét phong sương trong bộ y phục mầu đen kháng chiến quân, người đang mang trên vai cả một trách nhiệm quá lớn lao của một vị tư Lệnh Lực Lượng Võ trang của Kháng Chiến Việt Nam.

Khi biến cố tháng 4– 1975 xẩy ra, ông Lê Hồng chỉ nghĩ đến những anh em đã vào sinh ra tử với mình ở chốn trận mạc, mặc dù ông có vợ và sáu con nhỏ. Ông là một trong 12 người rời sà lan sau cùng sau khi lo cho các binh sĩ dưới quyền gồm cả trên ngàn người lên tàu Mỹ trước. Thoạt đầu, trên tàu Mỹ từ chối không cho ông và 11 người còn lại lên tàu vì họ nghi là Việt Cộng. Cuối cùng, vì sự phản đối của các anh em binh sĩ đã ở trên tàu, người Mỹ thuận cho 12 người đó lên tàu sau khi bắt họ cởi bỏ hết quần áo, súng ống, và biệt giữ tất cả 12 người ở một cabin dưới hầm tầu, từ đó cho đến khi tới Guam.

Tại Guam, mặc dù đã tự coi mình là người dân mất nước cũng như mọi người tị nạn khác, ông vẫn cảm thấy có trách nhiệm phải can thiệp bảo vệ cho anh em binh sĩ của mình cho đến phút chót. Khi một số anh em không có giấy tờ tùy thân, không còn cả thẻ bài, và do đấy đã không được xúc tiến thủ tục giấy tờ để vào lục địa Hoa Kỳ, ông đã nói sẽ “đem thân tàn ra tự xử” nếu còn một người nào bị kẹt lại ở Guam. Áp lực đó đã được giải đáp thỏa đáng. Và ông là người cuối cùng rời trại ngay trước ngày trại nhổ lều vào cuối tháng 5 – 1975.

Người bảo trợ của ông Lê Hồng là một cựu trung tá Hoa Kỳ gốc Ba Lan. Nguyên năm 1973, ông này có sang Việt Nam làm cố vấn cho đơn vị của ông Lê Hồng lúc ấy còn ở cấp tiểu đoàn. Ngay sau khi vừa đón ông Lê Hồng ở phi trường về tư gia ở North Carolina, vị bảo trợ đem cái plaque trên có huy hiệu của binh chủng Nhẩy Dù và giòng chữ viết do tiểu đoàn tặng hồi ấy ra khoe với người mới tới. Nhìn những giòng chữ Việt khắc trên bản, “Kính tặng trung tá... để kỷ niệm ngày ông chiến đấu chống Cộng sản xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa”, người bại binh bỗng bật khóc không che đậy, ngay trước mặt toàn gia của người bảo trợ, khiến vợ và đám con chín đứa của ông này cũng khóc theo.

Sau sáu, bẩy tháng hành nghề kết dù, nhờ chăm chỉ, khéo tay, ông Lê Hồng, nguyên chỉ huy trưởng của một đơn vị thuộc một binh chủng ưu tú của quân lực VNCH xưa, đã trở thành một tay thợ may khéo nhất của một hãng sản xuất dù địa phương. Khi ông quyết định đi lên vùng Hoa Thịnh Đốn để kiếm anh em cũ xem có thể kết hợp lại làm một việc gì, chủ hãng, một cựu trung sĩ Hoa Kỳ, đã quyến luyến dặn dò ông là nếu lên trên đó mà gặp bất cứ khó khăn gì thì cho hãng biết.

Tại Hoa Thịnh Đốn, ông Lê Hồng xin được chân phụ tá quản lý cho một tiệm bán thực phẩm Việt Nam. Tiếng là phụ tá, song ông kiêm luôn cả những việc như quét dọn và cả lau chùi cầu tiêu. Một bữa, một cựu binh sĩ vào dùng nhà cầu và nhận ra vị chỉ huy trưởng của mình đang lau chùi nhà cầu, đã ôm lấy ông mà khóc ngất. Một hai anh ta đòi ông nghỉ việc để về nhà anh ta ở.

“Đích thân khỏi phải đi làm chi hết. Để tụi em đi làm nuôi Đích thân,” anh ta vừa mếu máo vừa nói. Nhưng ông Lê Hồng từ chối, nói muốn giữ cho mình được bận rộn, rằng không có nghề xấu mà chỉ có con người xấu thôi. Việc này đã không chỉ xẩy ra một lần, nên cuối cùng chính chủ tiệm đã phải năn nỉ ông chỉ nên ngồi coi việc sổ sách tính toán ở văn phòng. Ông Lê Hồng cũng năn nỉ lại với chủ tiệm xin cứ để cho mình “được tự nhiên”. Trong khi kể lại giai thoại trên, ông Đặng Quốc Hiền cũng lần tay cởi bỏ đôi giầy da mầu đen khỏi đôi chân chỉ quen với dép cao su và giầy vải, ngồi xếp chân bằng tròn trên nền nhà trải thảm, vừa xin lỗi cho ông “được phép tự nhiên”.

Thời kỳ đứng bán hàng tại tiệm thực phẩm Việt mà hầu như người tị nạn nào cũng cần lui tới mua sắm, ông đã có dịp gặp gỡ nhiều người, trong đó có cả những nhân vật trước kia là “tai mắt” ở miền Nam, tướng tá, trí thức, đủ cả. Ông cũng gặp cả hai vị tư lệnh cũ của ông. Bằng một giọng bình thản, ông Đặng Quốc Hiền cho biết đã đề nghị cùng các vị đó, với tên tuổi sẵn có đối với đồng bào, đứng ra làm một cái gì. Tuy nhiên, mỗi vị đều viện những lẽ riêng để từ chối. Lý do chính, ông nói, có lẽ là vì Hoa Kỳ đã coi “chuyện Việt Nam đã được giải quyết xong”.

Rồi ông tình cờ gặp ông Hoàng Cơ Minh nhân một cuộc biểu tình ở Nữu Ước vào năm 1976, “để phản đối cái nhà ông nào đó mà tôi cũng quên mất rồi”. Ông quên đối tượng của cuộc biểu tình, chỉ nhớ những gì đáng nhớ. Và cái điều đáng nhớ hơn cả, đối với ông hôm ấy, là ông đã gặp, quen, rồi trở nên thân với ông Minh. Họ đã cùng nhau nhiều đêm thức trắng chia sẻ những thao thức, băn khoăn về đất nước, dân tộc, về thế tình, về những gì mà người Việt lưu vong có thể làm để chứng tỏ với thế giới truyền thống bất khuất của dân tộc, và trên tất cả, để khôi phục lại đất nước, quê hương ngày một đang bị Cộng sản chủ nghĩa xiết chặt gọng kềm thống trị.

Từ đó, Lực Lượng Quân Dân Việt Nam được khai sinh với sự tham gia của một số vị tướng, sĩ quan và trí thức. Mỗi tuần các hội viên họp nhau một lần vào dịp cuối tuần để bàn chuyện tổ chức và phát triển, do đấy có danh từ “đấu tranh cuối tuần”. Tuần đầu họp có độ năm, bẩy người. Tuần lễ thứ hai tăng thêm vài người nữa. Cứ thế, tăng dần cho tới “con số 11, 12 người gì đó”, thì bắt đầu giảm. Đến tuần lễ thứ năm chỉ còn lại dăm ba người, trong đó có một số người của tuần lễ đầu và một vài người của những tuần kế tiếp. Phần lớn những người bỏ cuộc vì cảm thấy vô vọng. theo họ, đấu tranh phục quốc mà không có hứa hẹn trợ giúp từ người ngoài, từ Hoa Kỳ chẳng hạn, thì chỉ là một điều không tưởng, kiểu “mò trăng đáy giếng”.

Những người còn lại không bỏ cuộc cũng vì nỗi đau trước cao trào “thuyền nhân” bấy giờ. Từng ngàn, vạn người Việt ào ào vượt biển bất chấp mọi gian nguy, chết chóc, hải tặc cướp bóc, hãm hại. Những người sống sót sau những chuyến hải hành kinh hoàng, hay những cuộc vượt biên hãi hùng bằng đường bộ, đã nói lên với thế giới những điều vượt sức tưởng tượng đã và đang xẩy ra ở Việt Nam, kể từ khi nhân loại yên chí rằng chuyện Việt Nam đã giải quyết xong. Vấn nạn thuyền nhân tuy có làm thế giới tự do rúng động, xong mọi nỗ lực cứu giúp, dù cũng chỉ một cách hạn chế, vẫn chỉ là nhằm giải quyết vấn đề tị nạn Việt Nam ở phần ngọn. Trong khi vấn đề cần phải được giải quyết tận gốc rễ.

Để có nhiều thời giờ hoạt động cho tổ chức, ông Lê Hồng đã giảm thời giờ mưu sinh xuống. Từ bẩy xuống sáu, rồi năm, rồi bốn ngày mỗi tuần. Và cuối cùng, ông xin nghỉ việc hẳn. Cùng với ông Hoàng Cơ Minh, hai người thay phiên nhau hành nghề thợ sơn, trong khi người kia “đi phát triển” cơ sở hoạt động.

Nghiên cứu kinh nghiệm của tiền nhân, từ những Lê Chiêu Thống tới Gia Long Nguyễn Phúc Ánh, và đặc biệt là Hồ Chí Minh, thảy đều chỉ vì dựa vào sự trợ giúp của ngoại bang khiến cho từ cả hai thế kỷ nay, đất nước dân tộc cứ mặc sức lao đao, nay Tàu mai Tây, lúc Nga, và cứ hoài trầm luân.

Thế cho nên những người, mà sau này cùng với một số nhân vật trong nước, thành lập nên tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MTQGTNGPVN), đã quyết định đi tìm một căn bản khởi nghĩa khác: đó là chỉ dựa vào sức mình và sức dân. Họ tin rằng, một khi có căn bản vững vàng rồi, thì nếu có được những trợ giúp quốc tế cũng không vì thế mà đường lối chỉ đạo bị chi phối, làm áp lực, gây khó dễ.

Muốn vậy, không thể ngồi ở hải ngoại mà có được sức dân. Muốn vậy chỉ có một con đường: về nước và về với dân. Đây là điều có vẻ không tưởng, gần như lãng mạn, đối với tình hình chung của cuối thập niên 1970. Bởi từ sau biến cố tháng 4– 1975, thế giới đã vậy, mà phần lớn người Việt tị nạn, dù không nói lên lời nhưng đa số đã mặc nhiên chấp nhận cuộc chinh phục miền Nam của Cộng sản.

Cái bài toán làm thế nào để mở một con đường về nước cuối cùng đã có đáp số. Một trong những người trẻ có công đầu cho bài giải ấy phải kể tới Phùng Tấn Hiệp, một thanh niên còn ở trong tuổi 20. Như bao nhiêu người trẻ Việt Nam khác trước năm 1975 ở miền Nam, ngay sau khi rời ghế nhà trường anh đã nhập ngũ. Biến cố tháng 4– 1975 đã đưa đẩy anh vào hoạt động trong một nhóm võ trang phục quốc. Sau ba năm hoạt động, nhóm bị tan vỡ, chính bản thân anh cũng bị Việt Cộng cầm tù. Anh tìm cách vượt ngục, rồi vượt biên với một số đồng chí. Tới Nhật, Hiệp và các bạn trở thành những đoàn viên tích cực hoạt động trong Tổ Chức Người Việt Tự Do do các sinh viên Việt du học tại Nhật thành lập ngay sau khi miền Nam bị thất thủ, cho đến khi nhóm này giải thể sát nhập vào MTQGTNGPVN, vào tháng 11 năm 1981. Chiến dịch Đông Tiến bắt đầu từ tháng 6 năm 1981 – như tên gọi – đưa đoàn người tiến về hướng Đông, tức từ Thái băng qua Lào, Kampuchia để xâm nhập vào Việt Nam hầu xây dựng lại trận thế đấu tranh. Phùng Tấn Hiệp là người có công khai mở con đường Đông Tiến. Chiến dịch Đông Tiến kết thúc vào ngày 26– 12– 1983 và cũng là ngày công bố sự chào đời và chính thức hoạt động của Đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến do sự góp công của nhiều người Việt hải ngoại cùng các thân hữu ngoại quốc còn quan tâm đến vận mệnh của dân tộc Việt Nam cũng như ý thức về hiểm họa Cộng sản đối với tương lai của nhân loại.

Trở lại với giai đoạn đầu của cuộc Đông Tiến, ông Đặng Quốc Hiền, với giọng hồi tưởng cho biết, sau nhiều tháng, kể từ khi đặt chân trở lại vùng đất Đông Dương, trải qua biết bao cam go hồi hộp, nhiều khi tưởng nghẹt thở vì “gặp ai cũng chỉ sợ bị bắn”, cuối cùng những người Đông Tiến đã bắt tay được với nhóm kháng chiến đầu tiên. Cái bắt tay ấy, theo lời ông hiền, đã được mệnh danh là “cái bắt tay lịch sử”.

Cho tới nay, đã có nhiều chục nhóm kháng chiến phục quốc lớn nhỏ về “thống hợp” với tổ chức của Mặt Trận. Nhỏ nhất thì độ vài ba chục người, và lớn nhất thì có một nhóm, ông Hiền cho biết, “nguyên bộ tham mưu của họ ra đã cả hai chục người, cầm đầu bởi một người đeo ba sao, và họ khai quân số cả triệu với mấy trăm ngàn tay súng”. Bởi vì đó là điều, do hoàn cảnh, chưa thể kiểm chứng được, nên năm ngoái, trong chuyến công tác hải ngoại [2], ông Hoàng Cơ Minh với tư cách chủ tịch Mặt Trận, con số 10 ngàn kháng chiến quân đã được tạm thời nêu ra. Tuy nhiên, ông Đặng Quốc Hiền cũng đã tiết lộ là trong chuyến công tác hải ngoại này, ông đã có dịp trình bầy về cuộc chiến đấu nhiều đặc thù của kháng chiến Việt Nam với người Việt ở hải ngoại và một số yếu nhân quốc tế, để họ hiểu rằng vì sao kháng chiến Việt Nam không đặt vũ lực là trọng tâm của cuộc đấu tranh giải phóng.

Một trong những khó khăn mà Mặt Trận đã phải đương đầu để giải quyết đó là, trước hết, xóa bỏ định kiến trong đầu của nhiều người ở trong nước, nhất là những nhóm kháng chiến tìm về thống hợp, rằng nhóm của ông Hoàng Cơ Minh do một thế lực ngoại bang, có lẽ và chỉ có thể là Hoa Kỳ, gửi về, và do đấy, phương tiện phải đầy đủ. Không thiếu trường hợp có những người gia nhập kháng chiến Việt Nam đã thắc mắc khi thấy thực tế khác hẳn với những gì họ đinh ninh trong đầu về “sự phong phú phương tiện của Mặt Trận’”. Cũng không thiếu những tân kháng chiến quân, do lòng căm thù Cộng sản ngất trời, chỉ mong “ra trận” để có dịp “ăn tươi nuốt sống kẻ thù”. Chỉ sau khi dã được học tập và thấm nhuần đường lối đấu tranh nhằm thu phục nhân tâm được rút ra từ tinh thần của bản “Bình Ngô Đại Cáo” [3] của Nguyễn Trãi với những ứng dụng uyển chuyển vào tình thế hiện đại, và sau khi sinh hoạt với các đoàn viên Mặt Trận đồng cam chịu khổ, các nhóm kháng chiến về thống hợp với Mặt Trận hiểu ra rằng đây là môt cuộc chiến khác hẳn với những cuộc chiến trước đó mà họ đã biết hoặc đã có kinh nghiệm.

Ngay như đối với vị tư Lệnh Lực Lượng Võ trang, ông Đặng Quốc Hiền, đây cũng là một kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Ông tâm sự rằng đây là lần đầu tiên trong đời ông tham gia vào một cuộc đấu tranh cách mạng nặng về chính trị hơn là việc tạo nên những chiến công có thể nhìn thấy hoặc đếm được, như những xác địch hay võ khí tịch thu, hay những đồn lũy hạ được. Võ trang đối với người kháng chiến quân Việt Nam hôm nay không chỉ có nghĩa vật chất là súng ống, lại càng không có nghĩa là những pháo đài kiên cố, mà có nghĩa là tư tưởng nhân bản được trang bị, thấm nhuần, là niềm tin ở chính nghĩa dân tộc và tình người tất thắng. Làm sao gột bỏ được những định kiến bấy lâu như đã ăn sâu vào tận tủy của một dân tộc đã hàng hàng thế kỷ chỉ nhìn thấy những chết chóc gây ra bởi chiến tranh, mà đường lối đấu tranh bằng bạo lực của Cộng sản đã chỉ làm ung độc thêm, rằng chỉ có bạo lực mới giải quyết được tất cả, mới đem lại được chiến thắng sau cùng. Việc thay đổi định kiến và đường lối đấu tranh cũ là công việc gian nan và đòi hỏi sự kiên trì, niềm thiết tha đặc biệt đối với mục tiêu đã đặt ra.

Cũng như danh từ “chiến khu”, ông Đặng Quốc Hiền nhấn mạnh, phải được hiểu là ở bất cứ đâu, từ một góc bếp, mé rạch, bờ kinh, con đê, gốc cây, tảng đá, bờ ao, v.v... Tóm lại, nơi nào mà người kháng chiến quân có thể đứng hoặc ngồi để trao đổi với người dân hay một đoàn viên cũ hoặc mới, về đường lối chỉ đạo trong cuộc chiến đấu giải phóng đất nước, dân tộc. tính chất linh động của danh từ “chiến khu” ấy cũng còn có một chủ đích là để bảo tồn lực lượng kháng chiến ở khắp nơi nhưng nếu địch muốn truy tầm cũng khó. hơn thế nữa, ông Đặng Quốc Hiền cho biết, trong một xã hội mà cả nước là một nhà tù vĩ đại như xã hội Cộng sản, kháng chiến phải có thể biến hóa linh động, nay ẩn mai hiện, càng ít lệ thuộc vào những ràng buộc vật chất bao nhiêu, càng giữ kín được tông tích của mình bấy nhiêu.

Tôi hỏi ông điều này có quá lý tưởng không, thì ông cho biết đó là điều kháng chiến Việt Nam đang làm. Đáp lại câu hỏi rằng ít ra thì cũng phải có một địa điểm nào đó, một căn cứ địa lý nào đó để tiếp nhận những người từ hàng ngũ bên kia xin trở về với chính nghĩa quốc gia dân tộc chứ, ông Đặng Quốc Hiền cho biết có một căn cứ riêng dùng vào loại này. Tại căn cứ đó, người mới tới cũng như các cán binh Việt Cộng hồi chánh sẽ được chỉ dẫn học tập. Đến căn cứ đó, mỗi ca nhân có quyền chọn trở ra hoặc sẽ không được chấp nhận vào hàng ngũ kháng chiến quân. Và ngay cả căn cứ đó cũng có đặc tính lưu động.

Mỗi người kháng chiến quân sau những khóa huấn luyện tư tưởng (dựa trên tài liệu căn bản là Bản Cương Lĩnh Chính trị được chính thức công bố vào ngày 8– 3– 1982), phần lớn được tung về nguyên quán của mình với công tác chính là “gây men” để mỗi đơn vị men đó sẽ tiếp nối công việc gieo rắc tư tưởng đấu tranh tại địa phương mình. Mỗi đoàn công tác phụ trách một xã, gọi là dân đoàn. Từ đấy, với một căn bản tư tuởng nằm lòng, mỗi dân đoàn sẽ hoạt động độc lập, nghĩa là tùy nghi, linh động trong lối điều hành tổ của mình cũng như trong công tác. Lúc ấy, Mặt Trận không còn theo dõi, kiểm soát các hoạt động của các dân đoàn nữa, mà người theo dõi, kiểm soát họ chính là nhân dân. Nếu nhân dân nghe theo họ thì họ sẽ được nhân dân che chở, và ngược lại, nếu họ làm thất nhân tâm, thì nhân dân sẽ chính là những người tố cáo họ với Việt Cộng nếu nhân dân muốn, có nghĩa là “chính nhân dân sẽ giết họ”. Ông Đặng Quốc Hiền cho biết là điều sau này chưa hề xảy ra vì người dân Việt Nam đã quá chán ngán ghê sợ Cộng sản và họ đang chờ đợi một thay đổi. Và, ông Hiền tin tưởng “đây là cơ hội cho chúng ta xây dựng lại nền tảng dân tộc đã băng hoại, cho một khởi đầu tốt đep hơn trước và một tương lai vững bền”.

Trong các chuyến công tác “gây men” ấy, chỉ cần một số kháng chiến quân có trang bị súng ống để bảo vệ dân đoàn gồm phần lớn là cán bộ tâm lý chiến. Mỗi chuyến công tác để gây một “đơn vị men” đòi hỏi cả hai, ba tháng trời. Và đã có những trường hợp trớ trêu, nhưng cảm động. Điển hình là một dân đoàn nọ, ông Hiền kể, khi đi gồm bốn người, sau khi hoàn thành công tác với một thời gian dài gấp đôi vì có sự bất ngờ xảy ra, họ trở về trình diện thành 21 người. Nguyên do là sau khi đã huấn luyện tư tưởng cho một gia đình nông dân nọ để gia đình này sẽ tiếp tay với kháng chiến tiếp tục gieo rắc niềm tin nơi đại cuộc giải phóng của kháng chiến Việt Nam cũng như đường lối đấu tranh chung của Mặt Trận, dân đoàn trên bất ngờ nhận được yêu cầu của người chủ gia đình, một cụ già 72 tuổi chỉ huy một đàn con cháu gồm gần 10 người đàn ông, và số còn lại là đàn bà cùng trẻ em, nhỏ nhất là 12 tuổi, tất cả đã đòi đi theo Kháng Chiến; “nếu không cho đi theo sẽ tự tử cả nhà”. Dân đoàn kể trên đã phải ở lại địa phương này lâu hơn thời gian dự trù để gây một “đơn vị men” khác trước khi về lại căn cứ với thêm 17 kháng chiến quân mới. Câu chuyện này đã không chỉ mới xảy ra một lần.

Khi được hỏi sự yểm trợ từ hải ngoại lâu nay có đủ cung ứng nhu cầu trong chiến khu, và nếu không thì đã cung ứng được bao nhiêu phần trăm, ông Đặng Quốc Hiền lắc đầu buồn bã. Ông nói nếu mỗi người Việt tị nạn cũng đóng góp, mỗi người trong hoàn cảnh và khả năng riêng, thì có lẽ sẽ giúp giải quyết được nhiều trong số cả ngàn vấn đề, từ tiền bạc, thuốc men, những kiến thức chuyên môn có thể ứng dụng trong rừng già, cho việc phát triển đài Việt Nam Kháng Chiến, đến những sáng tác phẩm nâng cao tinh thần đấu tranh giải phóng. Ông cho biết “ở trong đó, anh em kháng chiến quân rất đau lòng khi nghe có những phần tử tị nạn tuyên bố ‘không làm chính trị’”, song họ vẫn tiếp tục vì họ biết rằng đồng bào của họ không còn chọn lựa nào khác ngoài sự chiến đấu để còn có được ngày làm người.

Vẫn một giọng bình dị, ông Đặng Quốc Hiền cho biết, điều thê thảm là mặc dù các kháng chiến quân đã ăn uống kham khổ, bắt được con ếch chẳng hạn, làm thịt mà không dám vất bỏ da, bỏ ruột ếch, chia nhau mỗi người một miếng thịt bằng nửa ngón tay út, ruột thì dành cho người nào răng yếu, để có thêm tí chất đạm bên cạnh “thực đơn” hàng ngày là gạo và muối. Đã vậy, nhiều khi còn phải chia sớt cho đồng bào vì “đồng bào còn đói hơn cả mình”.

Hỏi bao giờ thì tổng nổi dậy, ông Hiền nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng dõng dạc: “Mặt Trận không thể trả lời câu hỏi này. Mỗi người Việt trong cũng như ngoài nước, nếu còn thương tưởng đến đất nước, dân tộc, sẽ phải tự trả lời lấy bằng hành động của chính mình.”

Bây giờ thì ông Đặng Quốc Hiền biết mình có thể làm được gì trong vai trò tư Lệnh Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến Việt Nam. Nhưng hơn hai năm về trước, khi còn là Lê Hồng, người lưu dân trở về theo tiếng gọi của tổ quốc và của dân tộc đang bị trị, ông đã e ngại khi được anh em đề cử vào chức vụ Tư Lệnh. E ngại vì trong quá khứ ông chỉ là một người cầm súng, không biết gì về chính trị. Mà bản chất của Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến Việt Nam là đặt nặng vào khía cạnh chính trị. Vũ khí như súng đạn đối với người kháng chiến quân chỉ là một phương tiện để phòng thân khi có biến. Vũ khí chính của người kháng chiến quân là tư tưởng quốc gia, dân tộc và nhân bản.

Bởi đó, trước ngày lễ công bố Cương Lĩnh Chính trị của Mặt Trận QGTNGPVN, và trước sự đề cử của các chiến hữu khác, ông Lê Hồng đã ngỏ ý mời một trong hai vị tướng mà ông rất kính trọng hiện đang ở Hoa Kỳ và đồng thời cũng được nhiều người Việt trong và ngoài nước biết đến tên tuổi hơn, về nhận lãnh vai trò Tư Lệnh Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến Việt Nam. Lời đề nghị của ông đã được Hội Đồng Kháng Chiến Toàn Quốc chấp thuận. Hai lá thư tay đã được đưa ra ngoài và được chuyển đến tận tay của hai vị tướng nọ. Chỉ có một vị hồi âm, trong đó ông viện dẫn những lý do này khác để từ chối, và còn không quên “gửi lời thăm tất cả anh em ở trong đó”.

Cận ngày lễ công bố Cương Lĩnh Chính Trị, cực chẳng đã, ông Lê Hồng, lúc ấy mới 45 tuổi, đành nhận lời làm Tư Lệnh Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến Việt Nam. Cũng từ đấy, ông mang lấy họ Đặng (theo nghĩa miền Nam là “để cho”, “được”), và tên là Quốc Hiền. Tướng Đặng Quốc Hiền.

Được hỏi tại sao ông đổi tên, người kháng chiến quân nói, giọng vẫn sôi nổi, mặc dù mấy ngày qua, kể từ khi đặt chân tới Hoa Kỳ, ông đã mất ngủ vì giờ giấc thay đổi, vì bao tử phản ứng không chịu tiêu hóa những đồ ăn nhiều chất bổ đã nhiều năm rồi ông không quen dùng, vì sốt rét hành, vì những chương trình thăm viếng và trao đổi dầy đặc, có lẽ vì cả một số những điều ông đã nghe thấy và đã khiến ông bận tâm, và vì cả cơn xúc động mãnh liệt ông đã trải qua trưa ngày hôm qua, 29– 4– 1984 giữa một rừng đồng bào (bỏ cả xem buổi trình diễn cải lương đăc biệt cùng ngày) và cờ quạt đón tiếp ông để nghe ông kể chuyện chiến khu, ở San Jose, Bắc California.

“Tôi là một kháng chiến quân,” ông Hiền nói, “tôi chọn cái đấu tranh hiệu của tôi là Đặng Quốc Hiền, cũng giống như chị đã chọn cho chị cái bút hiệu. Đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai khi tôi chọn đấu tranh hiệu Đặng Quốc Hiền là tôi coi Lê Hồng như đã chết. Ngày hôm nay Lê Hồng không còn nữa. Đặng Quốc Hiền làm việc theo nhu cầu đấu tranh của dân tộc.

Một đoàn viên của Mặt Trận gõ cửa phòng thông báo đã đến giờ ông Đặng Quốc Hiền chuẩn bị để đi tới một địa điểm gặp gỡ khác. Tôi đành xếp đồ nghề sổ tay, máy ghi âm sau khi cám ơn ông đã dành cho cuộc phỏng vấn. Chủ nhân đề nghị đãi phở và cho biết mọi thứ đã sẵn sàng. Từ chối không xong, ông Hiền đành ngồi vào bàn ăn. Ông kín đáo làm dấu thánh giá, chưa kịp ăn thì đã phải ngưng lại để trả lời một câu hỏi của tôi về việc ai thay thế vai trò của ông trong khi ông đi công tác tại Hoa Kỳ. ông Hiền cho biết ở trong đó “anh em làm việc theo cẩm nang”. Tôi đề nghị ông giải thích rõ hơn thì ông cho biết chủ trương của anh em kháng chiến quân là không có nhân vật nào, ngay cả Tư Lệnh, ngay cả Chủ Tịch, lại không thể thay được thay thế.

Khi người nữ chủ nhân mời ông dùng phở kẻo nguội, quên là mình đã làm dấu thánh giá rồi, ông Hiền lại làm dấu thêm một lần nữa rồi mới bắt đầu ăn. Đó là tô phở đầu tiên từ nhiều năm nay của ông, và cũng là lần đầu tiên từ ngày đặt chân tới Hoa Kỳ, ông ăn có vị ngon, ông bảo thế. Vị nữ chủ nhân ngồi bên chưa kịp hưởng trọn niềm hân hoan bé nhỏ của mình, thì một người trong phòng đem khoe với ông Hiền huy hiệu trên đó có in hình tử sĩ Phùng Tấn Hiệp, hỏi ông đã thấy huy hiệu này chưa. Người kháng chiến quân bỗng khựng lại, rồi buông đũa, nước mắt tuôn trào.

“Thằng Hiệp chết, tôi ra tận ngoài rừng đón xác nó khi xác được đưa về tới căn cứ...”, ông nghẹn ngào. “Suốt ba ngày ba đêm tôi khóc nó. Giờ cứ thấy hình nó là lại động mối thương tâm...”

Nói rồi, ông đẩy tô phở ra giữa bàn, xin lỗi người nữ chủ nhân lúc đó đôi mắt đang mở to, dường như cũng rưng rưng theo…

Ghi chú:

[1] Câu chuyện này được xuất bản lần đầu trên tạp chí Lửa Việt số 43, tháng 4– 1984, Toronto, Canada. Được in lại với sự đồng ý của tác giả.

[2] Tại Đại Hội Chính Nghĩa do Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến Việt Nam tổ chức ngày 28– 30 tháng 4, 1983, Washington, DC.

[3] Một ấn bản điện tử của bài “Bình Ngô Đại Cáo” hiện có sẵn trên website này http://www.thienlybuutoa.org/LichSu– Vanhoa/BinhngoDaiCao.htm