Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Đại Hội Chính Nghĩa


Đối với đồng bào tỵ nạn, Đại Hội Chính Nghĩa là một cuộc gặp gỡ có tầm vóc lịch sử của tập thể người Việt ở hải ngoại, ở cả hai ý nghĩa số lượng người tham dự và "hy vọng nở rộ".

Đại Hội được tổ chức suốt ba ngày 28, 29, 30 tháng Tư năm 1983 tại Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, quy tụ 96 Ủy Ban Yểm Trợ Kháng Chiến trên toàn thế giới. Chủ tịch Ủy Ban Tổ Chức là cụ Linh Quang Viên, một trong những sáng lập viên của Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến.

Đây là một phong trào nhân dân tự phát, hình thành từ lòng yêu nước vô bờ và tinh thần phục vụ cao độ của những con dân Việt Nam vừa mới vượt thoát ra khỏi địa ngục cộng sản chưa đầy 8 năm. Phong trào khởi đi từ Hoa Thịnh Đốn, tràn qua năm châu bốn biển như sóng lớn triều dâng, đến trạm cuối lúc bấy giờ là Tân Tây Lan. Nhiều nơi, phong trào thành hình từ một mẹ già, một bô lão, hay một thanh niên vừa ra khỏi trại tỵ nạn. Không ai có thể ngờ rằng phong trào phát triển nhanh đến vậy, rộng đến vậy, mà phần lớn thành viên không biết mặt nhau, hay chỉ thoáng nghe về nhau. Phải có một cơ hội để mọi người gặp gỡ, trực tiếp bắt tay nhau, và nói thẳng cho nhau nghe những điều cần nói: những tâm niệm, những trăn trở, những bức xúc, những đề nghị... Và cũng để thu nhận những kinh nghiệm đóng góp từ các Ủy Ban bạn ở nơi khác. Ngày đầu tiên của Đại Hội, 28-4-1983, chính thức được đặt tên là Ngày Hội Ngộ.

Nhu cầu kiện toàn tổ chức cũng được nhiều thành viên khắp nơi đề cập đến trong các cuộc điện đàm viễn liên. Nhiều người ưu tư về việc cải tổ hệ thống liên lạc, hỗ trợ cho nhau về mặt tổ chức sao cho dễ đáp ứng và theo kịp được sức phát triển của kháng chiến. Thêm vào đó là những đề nghị thiết thực về việc kết hợp sự cộng tác của thành viên Ủy Ban Yểm Trợ với đoàn viên Mặt Trận tại địa phương để đẩy mạnh nỗ lực vận động dư luận quốc tế, cả chính giới lẫn báo giới, ở từng thành phố, từng quận hạt, từng tiểu bang, từng quốc gia.... Sự điều chỉnh, thay đổi cung cách hoạt động này đòi hỏi những cơ hội chia sẻ và học hỏi. Đại Hội Chính Nghĩa dành riêng ngày thứ nhì, 29-4-1983, làm Ngày Học Tập.

Chiến hữu Hoàng Cơ Minh trong một dịp công tác tại Hoa Kỳ
Căn bản hoạt động của MTQGTNGPVN là Chính Nghĩa và Lòng Dân. Lãnh đạo Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến khắp nơi thấy rất rõ là ngoài sự hỗ trợ phương tiện từ kiều bào hải ngoại, trách nhiệm quảng bá chính nghĩa trong công tác dân vận, địch vận và quốc tế vận cũng quan trọng không kém. Ở nhiều lúc, những nỗ lực vận động này còn có ưu tiên cao hơn cả công tác kiều vận "Một Ngày Lương Cho Kháng Chiến" hay "Một Ký Gạo Cho Kháng Chiến Quân"... đã từng thành công rực rỡ nữa. Cốt lõi của sự vận động này đến từ nhiều phạm vi, đòi hỏi khả năng chuyên biệt của nhiều người, với sự phối hợp tung hứng nhịp nhàng và liên hoàn.... Nhưng, chủ yếu hàng đầu vẫn là từ chính người Việt Nam chúng ta trong tiến trình thực hiện Đại Đoàn Kết. Ngày cuối của Đại Hội, 30-4-1983, chính là Ngày Đồng Tâm.

"Tôi vẫn hằng nghe dạt dào trong đêm tối, tiếng Tổ Quốc tôi!
Tiếng nhặt tiếng khoan là quốc kêu bên đường
Tiếng sầu lũy tre là lũ chim sau làng
Tiếng giục nhớ ơn là suối có nguồn cơn
Tiếng ruộng, tiếng nương
Tôi vẫn hằng nghe dạt dào trong đêm tối, tiếng Tổ Quốc tôi!
Tiếng Mẹ tiễn Cha vì nước quên thân mình
Tiếng của bé thơ chờ lớn ra sa trường
Tiếng đàn tiếng gươm vọng mãi bốn nghìn năm
Tiếng khổ trăm đường rạng rỡ tiếng hiên ngang
Tôi vẫn hằng nghe. Tôi vẫn hằng nghe dạt dào đâu đó thôi!
Tiếng kêu vời vợi, khẽ lay tôi dậy, thúc giục tôi đi tới
Tiếng kêu nghiêm giọng lúc hồn tôi rã rời
Lồng lộng thay những tiếng không lời!
Tôi vẫn hằng nghe dạt dào trong đêm tối, tiếng Tổ Quốc tôi!
Trống chùa khẽ buông dịu đau muôn linh hồn
Thánh đường kéo chuông bình minh tan cơn buồn
Có một tiếng riêng gần gũi với tôi hơn:
Tiếng giục quay về từ giã kiếp tha hương!"

(Hà Thúc Sinh - Tiếng Tổ Quốc Tôi)



Đồng Tâm Phát Huy Chính Nghĩa

(Trích một đoạn diễn văn của Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh trong ngày Đồng Tâm)

"Kính thưa Cụ Chủ Tịch và toàn thể quý vị trong Phong Trào QGYTKC,
Kính thưa quý vị quan khách,
Kính thưa toàn thể đồng bào,
Kính thưa toàn thể quý chiến hữu,
....

Chúng ta tiến hành một cuộc đấu tranh có Chính Nghĩa. Lấy chính nghĩa để huy động toàn dân. Lấy chính nghĩa để khuất phục kẻ thù. Lấy chính nghĩa để tranh thủ thế giới.

Không một ai, không một đoàn thể nào, không một quốc gia nào khuyến dụ hay ép buộc chúng ta tiến hành cuộc đấu tranh này. Trong khi mà các nước đồng minh rút lui, trong khi mà cả thế giới bưng tai bịt mắt, phó mặc 50 triệu dân ta rên siết dưới gông cùm Việt cộng, thì chính nhân dân ta đã đứng lên đấu tranh để tự giải phóng chính mình. Chúng ta tiến hành đấu tranh vì sự khổ đau của 50 triệu đồng bào trong nước, vì bao trăm ngàn người đã chết oan uổng đau đớn trong mọi xó rừng rậm hoặc đã phải chôn xác giữa đại dương, vì hàng triệu người Việt Nam hiện đang phải sống tha hương, ăn nhờ ở đậu trên toàn thế giới.

Chúng ta không chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của một dòng họ như trong thời quân chủ xa xưa. Chúng ta cũng không chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của một giai cấp, của một đảng độc tôn. Chính nghĩa của chúng ta là ở chỗ chúng ta chiến đấu để giành độc lập và tự do, vì quyền lợi tối thượng của đất nước, vì lẽ sống còn của toàn dân. Bất cứ cuộc đấu tranh nào do toàn dân phát động để đáp ứng nguyện vọng của người dân, thì đó là cuộc đấu tranh Chính Nghĩa.

Có Chính Nghĩa chưa đủ, chúng ta còn phải quảng bá và phát huy chính nghĩa đó. Phải đem Chính Nghĩa tới khắp hang cùng ngõ hẻm trên đất Việt Nam, phải đem Chính Nghĩa quảng bá khắp thế giới. Phát huy Chính Nghĩa không phải chỉ bằng lời nói, không phải chỉ đi rao truyền rằng chúng ta có chính nghĩa là đủ. Chính Nghĩa còn phải được phát huy bằng hành động.

Sự kiện chúng ta chấp nhận mọi khó khăn, đứng lên phát động cuộc đấu tranh là hành động để làm sáng tỏ, để phát huy Chính Nghĩa. Không ai có thể xuyên tạc mà bảo rằng đây lại là cuộc chiến ủy nhiệm, đây là do xúi giục của ngoại bang. Chính sự bán đứng Tổ Quốc cho đế quốc Nga Xô, đem xương máu thanh niên Việt để phục vụ ý đồ bành trướng của đế quốc; chính sự trả thù và đàn áp dã man trong nước của bạo quyền Việt cộng... đã khiến toàn dân ta phải đứng lên chiến đấu.

Sự kiện chúng ta chấp nhận đóng góp xương máu tài lực để tiến hành cuộc đấu tranh là hành động phát huy Chính Nghĩa, đã nói lên một cách rõ rệt rằng đây là cuộc đấu tranh của chúng ta và do chúng ta tự đảm trách.

Và hôm nay đây, từ khắp năm châu bốn bể, chúng ta về tham dự đại hội này để nói lên quyết tâm giải phóng quê hương của người Việt Nam, cũng chính là hành động để phát huy Chính Nghĩa, để tuyên xưng Chính Nghĩa.

Dưới ngọn cờ Chính Nghĩa đang lộng gió tung bay, chúng ta tiến hành cuộc đấu tranh lấy sức mạnh của dân ta làm căn bản, lấy Đại Đoàn Kết toàn dân làm vũ khí và chiến đấu trường kỳ cho đến khi toàn quốc toàn dân được giải phóng.

Chúng ta không hiếu chiến, chúng ta không mở một cuộc chiến tranh mới, mà chúng ta tiến hành một cuộc đấu tranh giải phóng. Nếu sức mạnh chính yếu của chiến tranh đến từ nòng súng, đến từ đại pháo, xe tăng, thì sức mạnh chính yếu của đấu tranh giải phóng đến từ con tim, đến từ quyết tâm của con người. Sức mạnh chính yếu của đấu tranh giải phóng Việt Nam đến từ 50 triệu con tim rực lửa căm hờn, quyết tâm tiêu diệt tập đoàn bạo quyền Việt cộng.

Vì sức mạnh của toàn dân là sức mạnh chính yếu của đấu tranh giải phóng, vì đấu tranh giải phóng là đấu tranh của toàn dân, nên đấu tranh giải phóng chỉ có sức mạnh nếu huy động được toàn dân tham gia chiến đấu.

Sức mạnh toàn dân này từ ngàn xưa lúc nào cũng có, vẫn luôn luôn tiềm tàng trong mỗi cá nhân chúng ta, tiềm tàng trong đại khối dân tộc chúng ta. Nhưng sức mạnh này chỉ trở nên hữu hiệu, chỉ trở thành một thứ vũ khí sắc bén, nếu sức mạnh đó được kết hợp lại thành một khối, nghĩa là nếu toàn dân đoàn kết. Đoàn kết toàn dân sẽ là vũ khí vô địch để tiêu diệt kẻ thù.

Khi nói tới đoàn kết, chúng ta phải có một cái nhìn toàn bộ và chính xác. Không thể thấy vài ba cá nhân, hay vài chục người cùng đứng trong một đoàn thể mà đã vội vã bảo là đã có đoàn kết. Lại cũng không thể thấy vài ba cá nhân hay vài ba chục người chưa cộng tác được với nhau mà đã vội vã bảo là thiếu đoàn kết, là chưa có đoàn kết. Hai cách nhìn trên đây đều có tính cục bộ và phiến diện. Chưa có đoàn kết mà tưởng rằng có là một sai lầm, nhưng đã đoàn kết được với nhau mà lại cứ tưởng chưa có đoàn kết khiến tinh thần hoang mang giao động cũng lại là một sai lầm tai hại không kém. Đoàn kết của một tập thể rộng lớn không thể chỉ nhìn vào một vài cá nhân, một vài chục người, mà phải nhìn vào quảng đại quần chúng, vì đây mới là sức mạnh chính yếu của tập thể. Nếu quảng đại quần chúng cùng nô nức, kề vai góp sức để làm một công việc chung, để tham gia công tác đấu tranh giải phóng Tổ Quốc, lúc đó ta mới có thể coi là chúng ta đã có đoàn kết....

....

Hôm nay là ngày chót của Đại Hội Chính Nghĩa, tôi xin phép được nhiệt liệt ca ngợi các thành quả giá trị và thực tế mà Đại Hội đã đạt được. Kết quả đúc kết từ các buổi hội thảo sẽ là hành trang vô cùng quý báu để chúng ta cùng hướng nỗ lực vào công cuộc đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước. Việc đặt vòng hoa tại Công Trường Chiến Sĩ Hoa Kỳ sáng hôm nay là một hành động nói lên trọn vẹn lòng chung thủy của dân tộc ta. Chúng ta sẽ không bao giờ phản bội những hy sinh cao quý cho độc lập và tự do cho Việt Nam, nhất là những hy sinh đó là của các chiến sĩ đồng minh, không phải chỉ hy sinh cho độc lập và tự do của Việt Nam, mà còn là hy sinh cho tự do và hòa bình của nhân loại, của thế giới.

Quyết nghị Đồng Tâm vừa được tuyên đọc một cách trọng thể là biểu tượng của lòng yêu nước, của sức mạnh toàn dân, sức mạnh dân tộc Việt Nam, một dân tộc hào hùng bất khuất. Quyết nghị này là một chiến thắng vẻ vang, một tài liệu lịch sử, biểu tựợng cho Chính Nghĩa của cuộc đấu tranh của chúng ta.

Trong một vài ngày nữa, chúng ta sẽ cùng chia tay. Tôi xin cầu chúc tất cả quý vị, tất cả các vị đại diện về đây từ khắp năm châu luôn luôn dồi dào sức khỏe và giữ vững niềm tin, kiên trì đấu tranh cho tới ngày toàn thắng.

Cách đây 700 năm, tại Hội Nghị Diên Hồng, toàn dân ta đã một lòng diệt giặc cứu nước và được thể hiện bằng tiếng hô "Quyết Chiến!" lịch sử. Hôm nay đây, Tổ Quốc đang lâm nguy, tại Đại Hội Chính Nghĩa này, chúng ta quyết noi gương người xưa, cùng xác quyết lời thề son sắt: GIẢI PHÓNG VIỆT NAM".


Quyết Nghị Đồng Tâm

"Hôm nay, ngày 30 tháng 4, năm 1983, tại giữa thủ đô Hoa Thịnh Đốn của Hoa Kỳ,

Chúng tôi, những con dân nước Việt phải xa lìa quê hương, phân tán khắp nơi trên hoàn cầu vì đại họa Cộng Sản Việt Nam,

Đại diện bởi 96 phái đoàn của các Ủy Ban Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến từ Á Châu, Úc Châu và Mỹ Châu cùng tới đây tham dự Đại Hội Chính Nghĩa do Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến tổ chức trong ba ngày 28, 29 và 30 tháng 4, 1983,

Soi sáng bởi lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm của mọi thành phần và mọi thế hệ trước Tổ Quốc Việt Nam,

Sau khi thảo luận, học hỏi và thống nhất tư tưởng,

1. Xét rằng Cộng Sản Việt Nam, một lũ thống trị phản quốc, trung thành với chính sách chuyên chế và bá quyền của quan thầy đế quốc Liên Xô, đã thẳng tay đàn áp và bóc lột đồng bào, đưa dân đi làm nô dịch cho quan thầy đế quốc và đày dân đi xâm lăng các nước láng giềng, đe dọa hòa bình Đông Nam Á,

2. Xét rằng kinh tế và xã hội Việt Nam đã bị lũ thống trị phản quốc Cộng Sản Việt Nam phá hoại để trở thành những khuôn khổ đàn áp và bần cùng hóa đồng bào cho mục tiêu bảo vệ quyền lợi của chúng; chính sách văn hóa và giáo dục của chúng chỉ là một chính sách chuyên chế và ngu dân nhằm đàn áp tư tưởng và đào tạo ra một lũ nô lệ phục vụ quyền lực của chúng; hệ thống thông tin gian manh và tuyên truyền xảo trá của chúng đã lường gạt thế giới và đóng kín xã hội Việt Nam với thế giới bên ngoài khiến nhân dân không còn nhìn thấy sự tiến hóa của nhân loại,

3. Xét rằng chính sách xâm lăng của lũ thống trị phản quốc CSVN chống các nước láng giềng càng ngày càng bị dư luận thế giới kết án, và chúng càng ngày càng bị cô lập trong cộng đồng thế giới,

4. Xét rằng lũ thống trị phản quốc CSVN không đưa dân tộc tới một tương lai nào khác hơn là chiến tranh và đói khổ, nên cứu nước và xây dựng đất nước phải bắt đầu bằng việc lật đổ lũ thống trị đó,

5. Xét rằng kháng cự chống đàn áp và bóc lột là một quyền linh thiêng nhất của con người, và dân tộc Việt Nam nhất quyết hành xử quyền đó như một bổn phận đối với tổ quốc,

6. Xét rằng bổn phận kháng chiến giải phóng Việt Nam đã được tiến hành và lãnh đạo bởi Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam với Cương Lĩnh Chính Trị như một căn bản chỉ đạo đang được đồng bào trong và ngoài nước nhiệt liệt hưởng ứng,

7. Xét rằng Đại Hội Chính Nghĩa với những đại diện Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới là một cơ hội trao đổi ý kiến, thảo luận và đúc kết những nhận định và nguyện vọng của đồng bào tỵ nạn tại hải ngoại đối với việc yểm trợ công cuộc kháng chiến đang do Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam lãnh đạo.

Đồng Tâm Quyết Nghị:

1. Cương quyết nâng cao chính nghĩa của công cuộc kháng chiến giải phóng Việt Nam do Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam lãnh đạo để thế giới hiểu rõ những mục tiêu cao cả của chúng ta về tự do, nhân quyền, nhân phẩm và hạnh phúc con người.

2. Mạnh dạn tố cáo trước dư luận thế giới thực chất bạo lực và thoái hóa của lũ thống trị phản quốc CSVN, tay sai của đế quốc Liên Xô và khẳng định với thực chất đó, CSVN không thể thay đổi, cải tiến hay thuần hóa được, cho nên giải pháp duy nhất để cứu vãn dân tộc là lật đổ chúng.

3. Thiết tha kêu gọi đồng bào đề cao cảnh giác để phá vỡ mọi âm mưu xuyên tạc, xâm nhập và phá hoại của CSVN và tay sai hải ngoại.

4. Tích cực củng cố tổ chức cơ sở nhằm nâng cao khả năng yểm trợ kháng chiến của cộng đồng người Việt tự do tại hải ngoại, đồng thời phá vỡ những âm mưu xuyên tạc phá hoại của CSVN và tay sai hải ngoại.
5. Nhất quyết học tập, nghiên cứu và phổ biến những đường hướng chỉ đạo công cuộc cứu nước và dựng nước, công bố trong Cương Lĩnh Chính Trị để xây dựng một nền tảng lập luận soi sáng những công tác yểm trợ kháng chiến tại hải ngoại.

6. Triệt để khai triển những ý kiến thu thập tại Đại Hội nhằm soạn thảo ra một kế hoạch yểm trợ kháng chiến đa năng và linh động, đặt trọng tâm vào các công tác kiều vận và ngoại vận.

7. Nỗ lực phát huy một nền văn hóa Việt Nam ngay tại hải ngoại để giữ gìn truyền thống và văn hóa dân tộc đang bị lũ thống trị phản quốc CSVN xóa bỏ.

8. Tích cực học tập và nghiên cứu Cương Lĩnh Chính Trị để chuẩn bị những giải pháp xây dựng xã hội Việt Nam trong tương lai.

9. Nhiệt thành xây dựng và củng cố tinh thần đại đoàn kết dân tộc để phát huy sức mạnh chiến đấu, biểu dương khí thế đồng tâm trước kẻ thù dân tộc là bè lũ thống trị phản quốc CSVN.

Làm tại Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ.
Ngày 30 tháng 4 năm 1983”

Dựng Cờ Chính Nghĩa

Cùng đồng bào ruột thịt trên toàn thế giới,

Người ta sinh ra ai cũng có tự do. Dân ta đã mất tự do, và bị đối xử như thú vật.

Quốc gia nào cũng có quyền tự chủ. Nước ta bị mất quyền đó khi nhân dân bị bóc lột, nhân tính bị xóa bỏ, truyền thống bị phủ nhận.

Dân tộc nào cũng có quyền kiêu hãnh về quê hương mình, tin tưởng ở tương lai mình. Dân ta cũng mất cả quyền đó. Hỏi quê hương ở đâu, ta chỉ về địa ngục ở đó. Hỏi tương lai ra sao, ta chỉ thấy hận thù và đói khổ, gian xảo và khốn cùng.

Còn gì khổ đau hơn cho chúng ta.

Xưa, ta có Phạm Ngũ Lão, ngồi đan sọt lo việc nước, dáo đâm thủng đùi không hay. Thế giặc quá mạnh, không lo sao được? Kỵ binh Nguyên Mông tràn lên như thác lũ, vỡ bờ Âu Á, vó trường chinh đạp nơi đâu, nơi đó cỏ không còn mọc. Chúng đang xầm xập đổ xuống biên thùy nước Nam, ai mà chẳng lo?

Vậy mà vẫn có người lo việc khác. Lo mẹo cờ bạc, tính thế chọi gà, nghĩ lợi riêng mà quên quốc nạn. Lời hịch của Hưng Đạo Vương còn vang truyền tới đời nay, ta há dám quên? Nhưng hẳn là những kẻ ham vui kia cũng biết rời canh bạc, bỏ độ gà, mà quay ra đối đầu với giặc. Nếu không, sử sách Việt Nam đã không có những trang gấm vóc rạng ngời như vậy.

Nếu cả nước lại vô tâm vui đùa, hoặc chăm chăm thu lợi mọn, len lén vơ chặt túi, ai là kẻ đoạt sáo bến Chương Dương, ai là người cầm Hồ cửa Hàm Tử?

Khi giặc đến, dân ta đã muôn người như một, đồng tâm chống giặc, từ tướng sĩ ở bến Bình Than cho tới phụ lão ở điện Diên Hồng. Ta đánh giặc dưới nước, ngoài đồng. Đánh giặc trong rừng, trên núi. Đánh giặc bằng gậy tre dáo sắt, đánh bằng thuyền nan xe cỏ. Đánh cho giặc tan tác bay, đánh cho giặc tơi tả chạy. Quân Nguyên có đứa bỏ mạng nghẹt sông, có đứa phơi thây ngập núi, có đứa vỡ mật kinh hồn, có đứa bưng tai khiếp vía. Đến như chủ tướng của chúng còn phải chui ống mà chạy mới bảo toàn được thân. Thiên tai đã giáng xuống đầu giặc, lan tới khắp vùng phương Bắc, nơi gà không còn tiếng gáy, nơi chó không còn dám sủa. Tất cả đều tĩnh lặng đến đinh tai nhức óc như sau một cơn động đất. Giặc rút chạy, trống trơn biên thùy đến mấy chục dặm. Sau đó bao năm, nghe đến tên Trần Đại Vương, "Sìn Tày Voòng", vẫn còn hồn xiêu phách lạc, ngực đập chân run.

Có khác chi quang cảnh sau trận Đông Quan, cuốn trời cuộn đất, âm thầm mà mãnh liệt của Lê Lợi, Nguyễn Trãi? Có khác chi năm ngày thịnh nộ sấm sét Quang Trung Hoàng Đế đã giáng xuống quân Thanh vào mùa Xuân Kỷ Dậu? Xuân đó, hoa đào đã đen thuốc súng, nhưng nở rộ trong lòng dân Nam.

Quê hương ta đấy. Lịch sử ta đấy.

Xưa, ta có Đào Nương, một ca kỹ vô danh, sau mỗi cuộc rượu gầy ra chuốc giặc lại lặng lẽ trói giặc say, từng đứa, bỏ vào bao tải mà đem ra sông trấn nước. Khi cần chống giặc, chị em chẳng cứ phải cưỡi voi xông trận. Nhưng phải cực kỳ can đảm mới dám đêm đêm làm việc tày trời đó. Là con cháu Trưng Triệu, nếu bà chỉ muốn mở sòng dựng rạp, tấu nhạc kiếm tiền, thì hẳn là bà cũng có vàng thoi từng bó. Và có lẽ cũng chẳng lưu hương thanh sử, làm thơm lây cho nghề ca hát cho tới đời nay.

Xưa, ta có Phan Thanh Giản, giữ đất không xong đành đem mạng sống tạ tội với triều đình. Triều đình thì nhu nhược, có tính gì ngoài kế cầu hòa? "Nay đòi đánh, mai đòi đánh, đánh không được, đặt trẫm nơi đâu?". Trẫm đây là Tự Đức, ông vua tài hoa đã phê trên tấu chương của các sĩ phu nhất định đánh, không chịu hàng. Không lo cho tương lai của xã tắc mà chỉ nghĩ đến chốn an thân cho riêng mình, Tự Đức không phải là minh quân. Cụ Phan bất lực còn có Phan Tôn, Phan Liêm thay cha cầm dáo chống giặc. Cha như vậy có con như vậy lại càng đáng quý. Ta còn có Nguyễn Tri Phương nhịn ăn chịu chết, Hoàng Diệu tuẫn tiết trên thành, trước sau mười năm gương nghĩa liệt vẫn chói lòa Hà Nội.

Quê hương ta đấy. Lịch sử ta đấy. Ai mà không thấy tự hào?

Cho hay, vận nước có lúc thăng lúc trầm, có lúc thịnh lúc suy, nhưng những bậc hiền tài trung liệt thì thời nào cũng có. Từ giới quần thoa cho đến bậc trượng phu, từ nơi quyền quý xuống tới hàng dân giả. Ta đã có người cầm kiếm vào cung, dựng lại thế cờ nghiêng đổ mà cứu lấy sơn hà. Ta đã có bậc thiền sư rời núi chống gậy vào triều mà bày thế an dân chống giặc. Ta đã có người xóa thù riêng mà cúi mình dâng kế an định bốn phương. Ta đã có người gác tình cha con, lặn lội vào tới Lam Sơn dâng Bình Ngô Sách. Ta đã có người xả thân cứu chúa vì đại nghĩa, có người công nhiên mắng giặc tới chết, có người rạch bụng vứt ruột vào mặt quân thù mà chết. Gần đây hơn, ta đã có người suốt đời bôn ba nơi hải ngoại vận động việc phục hưng cứu nước, có người ném bom giết giặc Pháp ở tận bên Tàu...

Dân ta không có những đền đài đồ sộ, những kiến trúc nguy nga làm thế giới phải khâm phục. Lăng miếu của ta đều thấp bé, khiêm nhường và kín đáo. Thành quách của ta cũng chẳng có gì là vĩ đại. Ta không chống giặc bằng thành cao, bằng hào sâu. Ta chống giặc bằng tình đoàn kết, bằng lòng yêu nước vô biên, bằng tim, bằng óc. Khi giặc tới, cờ lau kia cũng thành dáo nhọn, cát sỏi kia cũng thành tên cứng, khe rãnh hiền hòa kia cũng thành mồ chôn giặc. Dân ta không bao giờ chịu khuất phục, đó là giá trị ngàn đời của dòng giống Việt. Từ ngàn năm Bắc thuộc ta đã vùng ra đoạt quyền tự chủ, bằng những chiến công long trời lở đất. Ngần ấy năm Pháp thuộc là ngần ấy năm kháng Pháp. Từ Văn Thân tới Cần Vương, Đông Du... Từ rừng sâu Yên Thế tới mười tám thôn Vườn Trầu. Ta cho loài người một tấm guơng sáng về sự bất khuất, có giá trị trường cửu, có ý nghĩa nhân bản vượt xa những kỳ quan vô hồn của thế giới. Chí khí Việt còn dài hơn Vạn Lý Trường Thành, cao hơn Kim Tự Tháp, vươn tới trăng sao vòi vọi.

Quê hương ta đấy. Lịch sử ta đấy. Ai mà không thấy tự hào? Ai mà không kiêu hãnh?

Cho tới ngày hôm nay. Cho tới thế hệ chúng ta.

Lịch sử vừa ghi lại là đã có những người Việt Nam bỏ chạy. Nguyên do bởi vì đâu?

Có những nhà lãnh đạo đã vét chặt túi, vơ đầy nhà, mà một sợi tóc cho giang sơn cũng còn tiếc. Có những bậc tướng thạo bán buôn hơn trận mạc, coi binh lính như tôi tớ, coi nhân dân như cỏ rác. Có những bậc trí thức chỉ lo miếng đỉnh chung, chỉ tính kế đầu hàng. Có những lãnh tụ tài chưa đầy vốc, đức lại bạc như vôi, chỉ những lập bè vì lợi, lập thuyết vì danh, mong lọt vào mắt xanh, tìm cơ chấp chánh. Việc chống giặc như dầu sôi lửa bỏng, mà phần đông đều lạnh lẽo thờ ơ. Quân chống giặc thì đói nhiều hơn no, ngoảnh lại sau chỉ thấy toàn xa hoa bạc nhược.

Việc phải đến đã đến.

Quân ta vỡ hàng, rã ngũ. Dân ta mất nhà, tháo chạy, lếch thếch lang thang. Từ Quảng Trị chạy về, từ Pleiku chạy xuống. Chen nhau mà chạy, xớn xác cửa nhà, lạc cha mất vợ. Giặc chưa đánh đã chạy. Nghe đài phát thanh cũng chạy. Ôm lấy trực thăng mà chạy, đạp nhau trên phà mà chạy. Chạy đến mấy trăm cây số ngàn.
Sau đó là cảnh địa ngục kinh hoàng chưa từng thấy.

Người chen người lênh đênh giữa biển, vật vờ ngoài khơi. Rồi kêu gào thế giới, ở giữa thinh không và biển cả, ở giữa thờ ơ của nhân loại. Người Việt bị hất hủi chà đạp, bị xua đuổi từ đảo này qua đảo khác. Người Việt chết tức tưởi trong tù, chết nhục nhã trong trại nuôi thú vật. Người Việt chết âm thầm trên đại dương, bên ngòi ngoài rãnh. Chết không ai hay, chết không hương khói. Rồi người Việt run sợ lạy van cướp biển. Người Việt tuyệt vọng lao xuống nước.

Và cũng có người Việt quên Tổ, vui kiếm tiền trên đất khách, coi mình là khôn ngoan hơn cả.

Dân ta có sinh ra để chạy trốn, để van xin và bị nhục như vậy? Ta còn là người không mà chấp nhận điều đó?

Lịch sử cũng vừa ghi lại là dân tộc thực tiễn và trung dũng nhất nhì thế giới đã có những đứa con cuồng tín nhất, phản bội tổ quốc đến độ bất nhẫn nhất.

Chúng tố cha giết mẹ, quây trường học làm nhà tù, chẻ bàn thờ làm cùm kẹp. Chúng đầu độc con trẻ, hiếp đáp người già, dạy dân điều gian dối, coi dân ngang thú vật. Chúng mở cửa cho đế quốc đỏ thống trị giang sơn, rồi đạp dân ra biển, đuổi dân lên rừng, xua dân đi nô dịch ở phương xa tuyết lạnh, gom dân đi đánh thuê cho đế quốc vô thần. Chúng vơ vét bạc vàng dâng lên chủ, làm tan hoang ruộng vườn, gây điêu linh trăm họ. Chúng ép dân thờ xác khô, lạy quỷ sống, tôn vinh điều phi nghĩa, ngợi ca lẽ vô đạo. Chúng xâm lăng các nước láng giềng, gieo rắc kinh hoàng nơi đền đài tôn miếu. Chúng trắng trợn lường gạt thế giới và ngang nhiên nhục mạ tiên tổ. Chúng là lũ thống trị tàn ngược và điên bệnh nhất lịch sử. Sự ngu muội của chúng đã che mờ nhật nguyệt. Sự cuồng dại của chúng đã vượt quá cổ kim.

Những tên bạo chúa ghê tởm nhất của loài người có được lôi từ địa ngục lên thì cũng chỉ canh cửa thổi cơm cho chúng.

Thế giới đang phê phán chúng ta. Bỏ chạy là chúng ta. Bạo ngược là cộng sản.

Tổ tiên có nhìn xuống cũng phải ngậm ngùi tủi hổ. Ta cũng phải thấy nhục với tiền nhân, nếu còn biết nhìn lên.

Nhưng lịch sử đâu có ngưng nơi đây?

Con cháu những bậc tiền nhân anh kiệt có người ngửng lên, đã có người bước tới, đã có người hối lỗi quay về.

Ngọn cờ chính nghĩa đã được dựng lại.

Hôm nay, ở ngoài quê hương, đã có những cụ già đau đáu lo âu là mình trọng tuổi, không biết có kịp về không. Lo mà vẫn đứng dậy, vẫn xốc tới. Nơi đây đã có những người coi giàu sang như dép rách, rũ bỏ thú riêng, lìa xa phú quý mà lặn lội trở về. Để gặp những con người sắt thép năm năm lạnh lẽo trong rừng, để cùng tìm lại đường lớn cho dân tộc. Ta đã có những người đan sọt đánh cá buông lưới vứt lạt mà về. Đã có người rời bỏ cuộc vui mà quay lại, tìm đến. Đã có người học cụ Sào Nam, nửa đêm khép cửa ra đi, hy sinh cả mái ấm gia đình là cái duy nhất còn lại sau cuộc dâu biển vừa qua. Ra đi là để về với quê hương, với đồng bào. Đó là những người nhất quyết không chịu buông xuôi, đòi cưỡng lại áp lực loài quỷ dữ. Họ đã tìm về với dân tộc, xây dựng lại trận thế, nắm lấy tầm vông dáo mác, giật lấy súng đạn, đạp đổ cùm gông mà giải phóng quê hương... Họ đang chung sức cùng đồng bào lật đổ bạo quyền điên dại, đập nát tiền đồn phương Đông của đế quốc vô thần và xây dựng lại xứ sở, tô điểm lại giang sơn.

Lời thề phục quốc đã cất lên, ngay giữa rừng già. Câu hò kháng chiến đã lan xa, từ lòng đất nước. Tiếng gọi giải phóng đã vang dội, vỡ tan tù ngục, rung chuyển đất trời. Từ lục địa này qua lục địa khác. Từ đàn bà con trẻ tới thanh niên phụ lão. Nơi nào cũng có người quay lại, tuổi nào cũng có người bước tới, và gặp nhau rạng rỡ nụ cười, sáng ngời chính khí.

Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến đã nổi lên từ đấy.

Phong trào đã dấy lên ngay giữa xa hoa mệt mỏi Tây phương, thành sấm sét lay chuyển lòng người ở muôn nơi, gây phấn khởi cho người cứu nước ở quê nhà. Những thờ ơ đã bị chấn động. Những nghi hoặc đã được soi sáng. Những lo âu đã được trấn tĩnh. Gánh nặng canh cánh bên lòng đã được cất lên, để bùng ra một khí thế mới. Giữa vùng đen đặc của quê hương, ý chí chiến đấu đã thắp sáng hy vọng, xua đuổi những u tối của bạo lực, xóa mờ những lý lẽ của thỏa hiệp. Những cùm gông xiềng xích đang bị phá tung, giữa tiếng reo hò chát chúa của cả một dân tộc đã trở về truyền thống ngàn năm của mình.

Chúng ta không còn cô độc nữa. Điều anh lo nghĩ, ấp ủ trong lòng mà không dám nói ra sau bao thất vọng ê chề, sau bao phản phúc nhục nhã, điều đó, tôi cũng giữ trong tim. Niềm đau của thầy khi nghĩ đến đồng bào ruột thịt ở nhà cũng là nỗi thao thức trắng đêm của con. Chúng ta cùng một nòi giống cả. Chúng ta cùng một huyết thống cả. Cái lo của anh của chị, cái lo của bác của cháu, cái lo của mày của tao, cũng là cái lo chung của toàn thể dân tộc. Bây giờ ta mới gặp ta. Việc trở về đã thành điều có thể, đã thành điều chắc chắn, đã thành niềm tin sắt đá. Ý chí khôi phục quê hương cuồn cuộn chảy trong huyết quản chúng ta.

Đã có người đứng dậy, đã có người trở về. Hãy cùng đi tới đi. Hãy cùng gặp nhau đi. Hãy cùng chung sức đi. Hãy tìm đến anh em chiến hữu, cùng nhau học tập, mài dao cho sắc, luyện chí cho bền, để được cùng đồng bào và các chiến sĩ vĩnh viễn giải quyết vấn đề cộng sản trên quê hương, vĩnh viễn nối lại truyền thống bất diệt của tổ tiên. Ta sẽ đưa Việt Nam về ngôi vị vinh quang của một quốc gia văn minh và can trường, sáng suốt và nhân đạo.

Ta sẽ nắm tay nhau cùng trở về trước bàn thờ Quốc Tổ để minh chứng là người Việt ngày nay vẫn là người Việt muôn thuở.

Đại Hội Chính Nghĩa do Phong Trào tổ chức, ngay giữa thủ đô Hoa Kỳ, vào ba ngày 28, 29 và 30 tháng 4, 1983, là một biến cố lớn. Ngọn đuốc Diên Hồng đã truyền sáng đến thế hệ chúng ta. Hùng khí Lam Sơn đang rung chuyển từng đường gân thớ thịt trong ta. Hãy đứng dậy đi. Hãy bước tới đó. Đây là nơi gặp gỡ của những người không chịu mất nước: Ta chỉ mất nước khi từ chối chiến đấu, phủ nhận trách nhiệm với tiền nhân và hậu thế. Hãy quên đi những bất đồng đã qua. Hãy xóa bỏ những hoài nghi đã có. Muôn người như một, chúng ta cùng tiến tới, vươn lên, nối dài chính nghĩa từ đời xưa tới đời sau.

Đồng bào ơi, hãy trở lại đấu tranh cho quyền làm người, quyền tự do, quyền thương yêu của dân tộc.

Đồng bào ơi, hãy xứng đáng là người Việt, tìm thấy niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của nguời Việt.

Đồng bào ruột thịt trên toàn thế giới.

Khí thiêng sông núi không bao giờ tắt trong lòng người dân Việt. Lịch sử Việt Nam không thể để cho cộng sản làm nên và để lại cho hậu thế. Hãy vùng lên, cướp lấy súng, giằng lấy bút mà viết lại những trang sử vẻ vang cho giống nòi.

Chúng ta vẫn là người Việt Nam bất diệt.
(Đại Hội Chính Nghĩa)


"Giữa thiên đường quỷ đỏ:
Người còn bàn tay không;
Tương lai thành cổ mộ;
Cuộc đời trôi rêu rong!
Bạn người xứ sông Hồng,
Anh bản mường Đắc Lắc;
Em gái miền Cửu Long;
Vai chen vai diệt giặc.
Sương lam chiều giăng mắc,
Gió ngàn ca vi vu;
Lửa hồng reo tí tách;
Ta say đời chiến khu.
Hôm nay người gian khổ,
Ngày mai đời bình minh;
Tương lai lên rực rỡ;
Đất nước vui thanh bình"
(Nguyễn Lộng Sơn - Chiến Đấu)

Rõ ràng:

Đại Hội Chính Nghĩa là cao điểm vui mừng của cả nụ cười lẫn nước mắt.

Đại Hội Chính Nghĩa là cao điểm hy vọng có ngày gặp lại Sài Gòn.

Đại Hội Chính Nghĩa là cao điểm tinh thần quật khởi của đồng bào ta.

Đại Hội Chính Nghĩa là cao điểm tiếp cận với một vận hội mới.