Mỗi ngày trôi qua, cuộc đời lại có thêm những kỷ niệm chồng chất, có những kỷ niệm trôi nổi bồng bềnh lúc ẩn lúc hiện, nhưng cũng có những kỷ niệm hằn sâu trong tim, trong trí, chỉ cần chớp mắt hồi tưởng lại, kỷ niệm đó như vươn mình bật dậy, sống động làm mình quay quắt.
Tôi đang nhớ về Trần Hướng Việt, người kháng chiến quân trẻ đã hy sinh trên con đường Đông Tiến. Tiếng nói thân thiện của Việt, khuôn mặt không bao giờ thiếu nụ cười của Việt lúc nào cũng như đang ở bên cạnh tôi.
...Vào khoảng đầu năm 1986, tại tỉnh Ubol Thái Lan, Việt nhận được vé máy bay đi định cư tại Hoa kỳ. Anh hẹn gặp tôi ở Bangkok. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng tôi phải chia tay, Việt sẽ lên đường sang Mỹ đoàn tụ với gia đình. Buổi chia tay chắc chắn là buồn, nhưng tôi mừng cho người bạn trẻ đã cùng với gia đình tận tâm giúp đỡ các hoạt động của Kháng Chiến từ những ngày đầu mới mẻ khó khăn trên đất Thái. Anh sẽ có một tương lai đầy hứa hẹn trong một đất nước tự do, tôn trọng nhân quyền và nhân phẩm con người. Anh sẽ không còn phải chịu đựng những đối xử bất công của người Thái đối với kiều dân Việt.
Nghĩ vậy, tôi nói với Việt:
- Thôi thế là ông được sang Hoa Kỳ, chấm dứt những ngày làm công dân hạng hai rồi. Anh em mình nhậu một bữa, tôi tiễn ông đi.
Việt nhìn tôi cười, ánh mắt vui vẻ tự tin:
- Hồi hôm, em đã nói chuyện nhiều với anh về cuộc đấu tranh của chúng ta, về những ánh mắt và cử chỉ quý trọng, kính nể của người Thái dành cho em khi em tham gia giúp đỡ Kháng chiến, khác hẳn những khinh miệt và bất công họ đã đối xử với người Việt mình ở Thái, trong đó em đã từng là nạn nhân. Hôm nay, em thông báo với anh là em không cần đi Mỹ nữa. Vì tại nơi đây, trên đất Thái, em đã tìm lại được nhân phẩm của mình, em không cần đi đâu nữa cả, em chỉ muốn được cùng với các anh đi kháng chiến để lấy lại nước, phục hồi nhân phẩm cho người dân thôi.
Nói xong Việt xé đôi tấm vé máy bay. Tôi sững sờ trước quyết định của Việt. Anh nói và hành động nhẹ nhàng đơn sơ nhưng quyết liệt như chính cuôc sống của anh vậy.....
Ngược Giòng Thời Gian
Vào thập niên 1940, khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, Việt Nam đã trải qua thời kỳ nhiễu nhương bi thảm của thời Pháp thuộc và Nhật thuộc, dân chúng vô cùng cực khổ điêu linh. Nhiều người đã phải bỏ nước tha phương cầu thực, một số người chạy sang Lào lánh nạn, trong đó có gia đình ông bà Trần Văn Hiền. Sống ở Lào không được bao lâu, năm 1946, ông bà Hiền cùng một số đồng hương lại đưa gia đình sang định cư tại Thái Lan, tỉnh Ubol, nằm về phiá Đông Bắc giáp ranh giới Lào. Cách thủ đô Bangkok chừng 11 giờ lái xe.
Nơi đây, vào năm 1955, cậu bé Virat Tran người con thứ tư của ông bà Hiền ra đời. Là một trong 6 anh chị em, Virat lớn lên thông minh học giỏi. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông tại tỉnh Ubol, năm 1973 Virat thi đậu vào Đại Học Chulalongkorn, là một trong hai trường Đại Học danh tiếng nhất của Thái. Trường thứ hai là đại học Thammasat.
Virat được Thượng Đế dành cho một khối óc thông minh, nhưng Ngài cũng trao tặng cho anh một tâm hồn mẫn cảm. Từ thời niên thiếu, Virat đã nhận thức được những điều bất công mà người dân Việt ở Thái phải chịu đựng; cái số phận hẩm hiu của một người công dân hạng hai, mất nhân phẩm ngay trên đất nước mà mình được sinh ra. Điều này đã ám ảnh anh và trở thành nỗi trăn trở suốt trong cuộc sống.
Lúc Virat Tran vào đại học thì cũng là lúc chính trị Thái Lan có nhiều biến động quan trọng. Các nhà độc tài quân phiệt và những nhà chính trị Thái thời bấy giờ đã không đáp ứng được nguyện vọng của người dân -nhất là giới sinh viên và công nhân-, khiến sự bất mãn trong dân chúng ngay càng gia tăng, đưa đến những bất ổn chính trị. Chỉ trong vòng 4 năm từ năm 1972 đến năm 1976, đất nước Thái Lan đã trải qua 4 triều đại với 4 vị thủ tướng: Thanom Kittikachorn, Sanya Dharmasaki, Kukrit Pramoj và Seni Pramoj, cùng hai vụ đàn áp biểu tình đẫm máu nhất trong lịch sử Thái Lan vào những năm 1973 và 1976.
Làn sóng biểu tình của sinh viên và công nhân đòi hỏi một hiến pháp dân chủ và bầu cử trong sạch, được bắt đầu vào tháng 5 và tháng 6 năm 1973. Bạo động tiếp tục gia tăng khi sinh viên biểu tình đòi chánh quyền phải thả tự do cho 11 sinh viên bị bắt vì đã phát những truyền đơn chống chống phủ. Ngày 13 tháng 10 năm 1973 lần đầu tiên trong lịch sử Thái có cuộc biểu tình với 250.000 người tại công trường Dân Chủ tại Bangkok, phản ảnh sự bất mãn đối với chánh quyền hiện tại. Ngày hôm sau quân đội đã xả súng bắn vào đoàn biểu tình khiến 75 người chết và quân đội chiếm đóng khuôn viên trường đại học Thammasat.
Tình trạng chính trị tại Bangkok ngày càng căng thẳng, cuộc biểu tình lần thứ nhì bắt đầu từ ngày 5 tháng 10 năm 1976, khi một tờ báo tại Bangkok cố tình xuyên tạc mục tiêu đấu tranh của sinh viên liên trường là mạ lỵ Hoàng Gia Thái. Tối hôm đó cảnh sát cùng với các tổ chức cực hữu như Nawa Phon (Lực Lượng Mới), Red Guars (Trâu Đỏ), Village Scouts đã bao vây khuôn viên đại học Thammasat, sau đó bất thần tấn công vào 2.000 sinh viên đang tọa kháng tại khuôn viên trường Thammasat. Cuộc tàn sát này đã làm cho hàng trăm sinh viên liên trường bị chết và bị thương, trên 1.000 sinh viên bị bắt, trong đó có người sinh viên Thái gốc Việt Virat Tran. Virat đã tham gia vào đoàn sinh viên biểu tình để đòi công bằng và tôn trọng nhân quyền. Rất may trong thời gian này, cảnh sát Thái không biết Virat Tran là người Việt, nếu không chắc chắn sẽ có sự đối xử tàn tệ hơn.
Đến đầu năm 1978, do những áp lực của sinh viên và với điều kiện không tham gia các cuộc biểu tình do sinh viên tổ chức sau này, Virat được trả tự do. Virat Tran tiếp tục học trở lại và ra trường với cấp bằng Cao Học Chính Trị vào năm 1982. Ngày anh ra trường với điểm đậu cao, lẽ ra theo truyền thống, anh sẽ được chính nhà vua Thái trao bằng, nhưng nhà trường phát giác Virat là người Việt, nên đã không cho anh được ân huệ diện kiến nhà vua. Điều này đã khiến anh cảm thấy bị sỉ nhục và cũng là động lực mạnh mẽ khiến anh quyết tâm tìm cách phục hồi lại nhân phẩm cho chính mình và cho nhiều người khác.
Ra trường, Virat không tìm được việc làm, một phần vì tình hình kinh tế Thái bị suy thoái, một phần vì là người gốc Việt, Virat đã trở lại Ubol để giúp đỡ người Việt tại đây trong việc giao dịch với người Thái.
Những Duyên May Định Mệnh
Vào đầu thập niên 80, tại Thái Lan có khoảng 50.000 người Việt sinh sống rải rác trong 9 tỉnh ở vùng Đông Bắc Thái (đây là vùng tương đối nghèo so với các vùng khác ở Thái Lan). Chính quyền Thái xem người Việt như là những công dân hạng nhì, họ không được quyền làm một số nghề, và muốn đi ra khỏi nơi cư ngụ phải xin phép với chính quyền sở tại.
Khi làn sóng người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do sau năm 1975 lên cao điểm, Liên Hiệp Quốc đã thiết lập các trại tỵ nạn ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan để đón tiếp người tỵ nạn vượt biên bằng tàu và đường bộ. Nhiều gia đình Việt kiều ở Thái đã nộp đơn với Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, trình bày tình trạng bị chính quyền Thái Lan đàn áp, không được hưởng quyền công dân đúng nghĩa để xin đi tỵ nạn ở các nước Tây Phương. Trong số những gia đình đó, có gia đình ông bà Trần Văn Hiền, một lần nữa bỏ lại sản nghiệp mấy chục năm gây dựng trên đất Thái, chỉ vì hai chữ Nhân Phẩm. Quy chế đối xử với người Việt mới được Thái Lan bãi bỏ vào cuối thế kỷ 20. Sau đó người Việt tại Thái đều vào quốc tịch Thái và được hưởng mọi quyền lợi của một công dân Thái. Kết quả này phải mất hơn 50 năm mới đạt được.
Lúc Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam xây dựng khu chiến tại vùng biên giới Thái-Lào vào năm 1981, Cộng sản Việt Nam manh nha bành trướng vào Thái, nên chúng đã hỗ trợ đảng Cộng Sản Thái đang hoạt động mạnh tại vùng Đông Bắc Thái. Tình báo Thái Lan đã hướng dẫn dân chúng vùng Đông Bắc, nếu thấy người lạ và nói tiếng Việt trong các tỉnh thì phải thông báo cho chính quyền địa phương ngay. Do đó trong thời gian đầu, những hoạt động của Mặt Trận tại tỉnh Ubol gặp nhiều khó khăn, vì hầu hết cán bộ Mặt Trận chưa nói được tiếng Thái. Việt kiều tại đây vì đời sống bị kiểm soát chặt chẽ nên cũng không dám giúp Mặt Trận nhiều. Duy có gia đình ông bà Trần Văn Hiền, thân sinh của Virat và Virat đã không ngại khó khăn, sẵn lòng giúp Mặt Trận trong những công tác mua hàng hoá, thực phẩm, thông dịch và giúp lo thuốc men, chỗ ở hoặc đưa các kháng chiến quân bị ngã bệnh vào bệnh viện để chữa trị.
Đến năm 1984, thì gia đình ông bà Hiền có giấy tờ đi Mỹ do sự bảo trợ của mấy người con đã qua Mỹ từ trước. Riêng Virat phải ở lại vì lúc ấy anh đã trên 21 tuổi, nên không được đi cùng cha mẹ.
Trên Đường Kháng Chiến
Virat ở lại tiếp tục giúp đỡ Mặt Trận trong việc giao dịch với chính quyền Thái. Đến năm 1985, anh xin gia nhập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Virat Tran được chủ tịch Hoàng Cơ Minh đặt tên là Trần Hướng Việt như một nhắc nhở về quê hương Việt Nam. Anh được giao trách nhiệm là trưởng phòng liên lạc Việt Thái tại Ubol, lo việc thông dịch, giao tế giữa Mặt Trận và các giới chức quân sự hay cảnh sát tại đây, cũng như dịch các văn kiện Thái ra Việt ngữ.
Chiến hữu Trần Hướng Việt (đeo kính) và chiến hữu Lưu Minh tại căn cứ 27 năm 1986 |
Chữ hiếu đối với cha mẹ, chữ tình đối với Kháng chiến, cái nhân phẩm anh hằng ao ước đã được vực lại từ Kháng chiến... tất cả đã vướng bận tâm trí người thanh niên hiền lành, khi anh nhận được giấy báo định cư và vé máy bay sang Mỹ vào năm 1986. Sau nhiều phân vân suy nghĩ, Trần Hướng Việt đã quyết định như tôi đã kể ở phần đầu, vé máy bay đã bị xé bỏ, chiến khu Việt Nam đã thực sự có thêm một Kháng chiến quân tài giỏi và gan dạ.
Kháng chiến quân Trần Hướng Việt chính thức đi vào khu chiến, anh được tham gia các khoá huấn luyện về đời sống kháng chiến quân, các khoá huấn luyện quân sự và chính trị, các lớp học về lịch sử đấu tranh cận đại. Những bài học lịch sử này đã giúp Trần Hướng Việt thấy được sự hào hùng và bất khuất của dân tộc Việt Nam. Trong khu chiến, Trần Hướng Việt được nói tiếng Việt, được học lịch sử Việt, và được đóng góp để viết lên những trang sử Việt. Khuôn mặt anh lúc nào cũng rạng ngời với nụ cười tươi tắn.
Tháng 3 năm 1986, Trần Hướng Việt cùng các Kháng chiến quân được tham dự các khóa học căn bản để chuẩn bị xâm nhập vào Việt Nam cùng trong đoàn với Chủ tịch Hoàng Cơ Minh. Cuộc xâm nhập lần đầu không thực hiện được, đoàn phải quay trở lại khu chiến, và chuẩn bị cho cuộc xâm nhập lần thứ nhì vào tháng 8 năm 1987.
Trong chuyến xâm nhập này, Kháng chiến quân Trần Hướng Việt đã vĩnh viễn nằm xuống trên đường đấu tranh Giải Phóng Việt Nam ngày 26 tháng 8 năm 1987, khi anh sắp sửa đặt chân lên lòng đất Mẹ.
Mối Tình Thiên Thu
Kháng chiến quân Trần Hướng Việt mất đi để lại thương tiếc cho gia đình, bạn bè và các chiến hữu của anh, nhưng sự mất mát này cũng làm tan nát trái tim của người tình yêu quý của anh, Pranee Vidhyameth.
Họ yêu nhau từ lúc tuổi thanh xuân, họ kề bên nhau, mòn gót bên nhau từ giảng đường đại học đến phố xá công viên Ubol. Cả hai ra trường, Virat thất nghiệp, Pranee Vidhyameth tìm được việc làm là nhân viên tài chánh tại Bangkok từ năm 1982 cho đến năm 1990. Họ chia xẻ với nhau những ngọt ngào của tình yêu và cũng chia nhau những đắng cay gây ra bởi hủ tục môn đăng hộ đối, bởi sự đối xử bất công của người Thái đối với kiều dân Việt. Họ bị chia uyên rẽ thúy, và Virat quyết định đi vào chiến khu, Pranee Vidhyameth ở lại ôm giữ mối tình bất diệt.
Tin Virat Trần Hướng Việt hy sinh, một lần nữa đã làm tan nát tâm hồn cô gái Thái gốc Trung Hoa. Cô đã là người yêu của Virat, giờ đây, cô là người quả phụ của Kháng chiến quân Trần Hướng Việt. Từ Thái Lan, cô đã sang Hoa Kỳ nhiều lần để thăm viếng cha mẹ Virat. Ông Bà cụ rất xúc động và cảm mến tấm lòng trung trinh của Pranee Vidhyameth, đã xem nàng như con dâu dù nàng không có được áo dài khăn cưới.
Tôi tin rằng ở một nơi linh thiêng nào đó, Virat Trần Hướng Việt sẽ được hạnh phúc vì mối tình Pranee Vidhyameth vẫn dành cho anh, và công cuộc đấu tranh giải phóng Việt Nam vẫn được các chiến hữu của anh nối tiếp.
Tháng 2 Năm 2007
---- oOo ----
8-02-87
Ba mẹ thân mến,
Con nhận được lá thư của mẹ viết trong ngày 31-12-86 rồi. Con rất vui mừng lúc nhận được vì con cũng lo nhớ đến ba mẹ lắm. Mẹ cũng không khoẻ mấy mà lúc con đọc hết lá thư rồi con cũng yên trí vì con biết rằng ba mẹ khoẻ mạnh. Còn phần con con khoẻ mạnh và mập hơn cũ nhiều, mặt hồng hào hơn trước... vì con không cần nghĩ đến chuyện gì nữa ngoài ra chuyện của đất nước của mình. Con sẽ không quên ba mẹ có dậy con rằng làm gì đừng cho ai nói kỳ thị được, con cũng rất cố gắng không cho ai coi thường con được. Con là con của ba mẹ, ba mẹ đừng lo.
Ba mẹ có biết chưa rằng bây giờ con đã đổi tên rồi, là Trần Hướng Việt. Có một lần con có dịp được gặp Thầy. Thầy đặt tên mới cho con và nói với con rằng Việt là người Việt Nam ở hải ngoại về. Tôi đặt tên là Hướng Việt để cho lúc nào Việt cũng hướng về Việt Nam. Con luôn luôn nhớ là tên con đó có rất nhiều nhiệm vụ trong đó. Thực sự, con cũng không biết rằng con sẽ có kiến thức làm công việc được không mà con tin rằng vì con ở trong tập thể thì mọi người đều có một cái lý tưởng giống nhau là Giải Phóng Việt Nam, làm cho con phải làm cho bằng được. Còn nữa vì sự lãnh đạo của Mặt Trận, vì đấu tranh này là đấu tranh có Chính Nghĩa, làm cho công cuộc đấu tranh này sẽ chiến thắng trong tương lai gần đây. Nước Việt Nam mình sẽ giầu mạnh, hạnh phúc, tự do và trong mọi gia đình sẽ không có chuyện ba xa con, chồng xa vợ, anh xa em... Con có niềm tin trong chuyện Giải Phóng Viện Nam lắm và con nghĩ rằng ba mẹ cũng tin giống con.
Còn một cái quan trọng thì con hơi lo chút đỉnh là lúc ba mẹ ở Mỹ đó ba mẹ có thể nghe tin của những người nói xấu cho Mặt Trận. Con nghĩ rằng ba mẹ không tin mấy người đó đâu. Lý do quan trọng của người này là họ muốn được quyền lợi cá nhân của họ, họ muốn nắm chỗ nọ chỗ kia trong Mặt Trận mà họ không chịu làm cái gì cả, kiểu này ai chấp nhận được. Hễ ba mẹ có dịp thì chống đối mấy người này nhé ba mẹ ạ.
Trước khi con đi công tác, con có dịp được nói với anh Kim. Rồi con nói với anh rằng lúc nào anh có dịp thì thỉnh thoảng gọi cho ba mẹ. Mà con tin rằng anh cũng nhớ ba mẹ giống nhau và anh cũng nói rằng hễ có công tác ở chỗ ba mẹ ở anh sẽ đến thăm tại nhà luôn đó. Con muốn cho ba mẹ biết rằng con luôn luôn cần giữ sức mạnh của con và cho ba mẹ yên trí rằng con luôn luôn khoẻ mạnh. Trước khi đi công tác con cho bác sĩ khám sức khoẻ của con rồi. Rồi con muốn ba mẹ đừng viết thư cho con nữa nhé vì có thể con không được nhận hoặc là lâu mới được nhận vì con không biết rằng công tác con sẽ ra sao. Con phải luôn luôn chuẩn bị cho sẵn sàng vì không biết lúc nào đi công tác. Phần con, con cũng liên lạc với anh Kim đó, lúc nào ba mẹ muốn hỏi chuyện con, ba mẹ hỏi qua anh Kim. Ba mẹ biết không rằng bây giờ đó mỗi kháng chiến quân cũng giống như là người trong gia đình của ba mẹ rồi đó. Lúc nào ba mẹ giúp đỡ Mặt Trận có nghĩa là ba mẹ đang làm gì cho con. Con xin ba mẹ giúp đỡ Phong Trào Yểm Trợ Kháng Chiến nhé, tùy theo sức của mình giúp được.
Còn phần của con lúc nào có dịp con sẽ viết thư cho ba mẹ. Ba mẹ đừng lo chuyện con khổ nhé. Vì người con trai sanh ra, hễ muốn có đời sống bình thường nó không khó gì cả mà hễ muốn làm gì theo lý tưởng của mình cũng phải chấp nhận bế tắc thì ở trước mắt, con sẽ học hỏi như mẹ viết thư dặn con, con sẽ cố gắng thi hành công việc này cho thành công. Còn phần ba mẹ con xin ba mẹ giữ sức khoẻ cho khá, khi đất nước mình được giải phóng không ít thì nhiều rồi lúc đó con và ba mẹ sẽ được vui mừng lúc gặp nhau.
Thôi con xin ngừng bút này rồi. Cũng như thường hôn các cháu cho con với nhớ quá, hỏi thăm các anh em và đặc biệt ôm hôn ba mẹ rất nhiều
Tuyết con của ba mẹ
Trần H. Việt
PS: Còn một cái con dặn luôn. Con muốn nói cho ba mẹ biết rằng ngày nào con cũng đọc kinh xin Đức Mẹ Fatima giúp cho con khoẻ mạnh và cho Đức Mẹ đặc biệt cho ba mẹ giữ sức khoẻ luôn luôn. Tối nào con cũng đọc kinh đó.
Lá thư chiến hữu Trần hướng Việt viết 3 ngày trước khi tham dự chuyến xâm nhập Đông Tiến 1987, và đã hy sinh trong chiến dịch này.
06-07-87
Ba mẹ thân mến
Cũng lâu rồi con đâu có viết thư cho ba mẹ. Ngày nay mới nắng sau gần một tuần lễ mưa ướt át cả mình. Quần áo được phơi rồi lúc khô hửi mùi thơm lắm ba mẹ ạ. Ba mẹ có khoẻ mạnh không? Các anh em và các cháu con nghĩ cũng khỏe cả phải không ? Còn con cũng khoẻ mạnh như thường. Trong dịp di chuyển đi điểm khác con có dịp viết cho ba mẹ. Chuyện di chuyển của con là chuyện bình thường, sau này con cũng quen luôn.
Ba mẹ biết không ở trên núi nó đẹp thế nào. Con đâu ngờ là trong đời sống của con sẽ ở trên núi. Thỉnh thoảng con cũng ngồi trên cục đá lớn rồi nhìn coi phong cảnh đẹp. Mà còn cái đẹp hơn là các anh em kháng chiến quân. Sáng sớm anh em đi công tác với quần áo bà ba đen, và quan trọng đó là tinh thần của các anh em, vì tổ quốc, vì dân tộc. Con đi cũng 7 tháng hơn rồi mà con cũng học chưa hết những nét đẹp này và con nghĩ rằng có lẽ cả đời sống của con con mới học được một phần nào đó vì không thể nào học được hết đâu. Tinh thần của anh em kháng chiến quân rất cao rất đẹp vì ai cũng có câu này trong tinh thần: “Sống huy hoàng trong Việt Nam giải phóng. Chết oai hùng để giải phóng Việt Nam”.
Nhiều lần con có dịp gặp dân mình, người Việt Nam. Có nhiều cái rất là đẹp và con giải thích ra không được vì con thiếu từ ngữ, mà hễ con có đủ từ ngữ con cũng không thể nào viết ra cho hết được, có một cái con muốn cho ba mẹ biết là lúc con gặp người Việt mình con vui, con có hạnh phúc lắm. Sống và sinh ra ở nước khác lâu và lúc gặp người mình nó rất mừng. Có một anh em nói rằng con đang đi tìm gốc. Cũng có lý, tìm gốc. Con sẽ cố gắng hết sức các bác chú cô người thân nhân chưa từng gặp nhau. Giống như anh Kim nói với ba mẹ, thời gian không lâu đâu ba mẹ sẽ về chơi nước mình, con về trước để sửa soạn đường cho ba mẹ. Thời gian của người quốc gia mình còn không lâu, và ngược lại thời gian của cộng sản, Việt cộng càng ngày càng co rút lại. Ba mẹ có thể nghe tin hoặc coi báo và biết theo tình hình trong tin tức mà con ở trong nước càng thấy rõ hơn. Dân mình ghét Việt cộng lắm, không hợp tác với Việt cộng và còn nhiều hình thức nữa. Người tham gia kháng chiến càng ngày càng đông.
Còn ở hải ngoại thì thỉnh thoảng con cũng nghe tin tới những hành động của những anh em hải ngoại đang làm. Cũng vui vì thành tin vui. Mọi người Việt có phần của mình theo thời gian, tình hình và khả năng của mình.
Lúc con viết thư đây lúc đó vào khoảng 5 giờ chiều và bây giờ cũng gần 6 giờ 30 chiều rồi mà con đang còn có ánh sáng mặt trời mà con cũng sẽ xin ngừng bút rồi vì phải đi sửa soạn chỗ ngủ. Ba mẹ yên tâm sự an ninh của con vì không chỗ nào có an ninh bằng ở với anh em kháng chiến quân mình. Đọc kinh cho con nhiều nhiều nhé và con luôn